Rượu nồng đó người đã say chưa
Làng trên xóm dưới đồn nhau thằng Hy con ông Năm đề bị đồng tính.
Sở dĩ gọi ông Năm phải thêm chữ "đề" vô là vì ổng chỉ lo đánh đề, cờ bạc rượu chè quanh năm suốt tháng. Vợ mất sớm, thằng Hy mất mẹ lại gặp người cha chẳng ra gì, nó lớn lên vất vả vô cùng. Được đi học là điều may mắn nhất cuộc đời nó, vừa học vừa làm thuê làm mướn đủ thứ công chuyện mới có tiền trang trải. Thằng nhỏ hiền lành, miệng lúc nào cũng thấy cười cười nói nói không khi nào than thở một câu, chắc do cái tên cha mẹ nó đặt. Đông Anh không có dịp thân với nó lắm, chỉ thấy ngưỡng mộ nó. Gặp hoàn cảnh tréo ngoe mấy ai được như vậy.
"Còn điều may mắn thứ hai của cuộc đời em là gặp được anh Đình Hữu. Em nói rồi, giờ có kề dao vô cổ em cũng sẽ nói em thương anh Hữu."
Đông Anh đi tập hát về, thấy nó ngồi ngoài công viên trước chung cư mà trời thì mưa như trút. Tháng 7 nóng cách mấy kiểu gì cũng phải mưa một trận đã đời. Thằng Hy nét dữ lắm, nhìn một cái là biết nó liền. Đông Anh gọi nó miết nó chẳng nghe, lại sợ nó ngồi ngoài này ngất xỉu hồi nào không hay bèn dẫn nó vô mái hiên thì thấy mặt mày nó bầm dập tùm lum chỗ.
Ba Đình Hữu làm nhân viên công chức nhà nước. Nói bà nội Đông Anh khó một, chắc ông phải khó mười. Đình Hữu từ lâu là đứa nhỏ con nhà gia giáo, nó cư xử không những lễ phép đúng mực mà còn học hành xuất sắc, chưa bao giờ dám làm trái ý ba mẹ mình. Chuyện tuần trước ông bắt gặp con trai mình nắm tay nắm chân với thằng Hy ngay bờ kè đã giữ kín không cho ai biết, mà được bao lâu đâu, người ta rỉ tai nhau rồi riết ai cũng dè dặt nó với cả nhà Đình Hữu luôn. Chiều này thằng Hy tới nhà người ta nói rõ sự tình, rằng nó môt lòng một dạ thương Đình Hữu thiệt. Nó thật thà có sao nói vậy. Ba Đình Hữu nghe xong chẳng nhưng không nguôi giận mà còn tẩn cho nó mấy cái, người yêu nó bị nhốt trong phòng khóc còn không dám chứ nói chi được nhìn mặt nó.
"Hai đứa bây cũng hợp quá đó chứ, đứa tên Hy đứa tên Hữu. Mà mày kể hết cho tao nghe vậy không sợ tao thấy ghê mày hả?"
Thằng Hy khịt mũi vì lạnh, vết thương trên mặt nhăn lại làm nó rát buốt.
"Anh mà ghê em thì đã không đưa cho em bông băng thuốc đỏ rồi, với lại em biết anh không có như người ta đâu."
"Em khó khăn cách mấy cũng chưa từng thấy tuyệt vọng như bây giờ. Thôi anh Đông Anh về đi mất công chú Ba với cô Ba lo đó, em ở đây thêm chút nữa rồi về."
Bữa đó nó về mà lòng chộn rộn không yên, cơm cũng ăn không vô, tối ngủ không được. Hạo đang lờ mờ sắp vào giấc bị Đông Anh trở mình vô tình thụt cùi chỏ vô bụng nên tỉnh luôn. Mười hai giờ đêm mà nó không dám ngủ. Hai đứa nó dạo này như hình với bóng đến độ tụi thằng Côn, thằng Mười còn chọc vui là cặp vợ chồng. Mỗi lần như vậy Đông Anh lại nổi máu sung thiên lên rượt hai thằng bạn mình chạy mấy vòng công viên, còn Hạo chỉ ngồi cười cười.
Đông Anh dối ai chứ không dối được lòng dạ nó. Cả ngày nó tắm mát trong niềm vui mà Hạo mang lại. Hôm qua cũng là một ngày vui, hôm nay cũng là một ngày vui, nó có bao giờ âu lo gì đâu. Hạo chạy xe máy cứng tay rồi thì chở nó lên trường tập hát, chưa về vội mà ngồi ở đó nghe nó ca rồi lại chở về. Mới mười bảy tuổi đầu đã phải hát "Người là tình đầu cũng là tình cuối của tôi.", nó không hiểu gì hết nên anh chủ nhiệm vẫn chê nó hát không ra cái hồn.
Trời ơi chứ người ta đã biết yêu đâu mà hát ra!
Từ sau chuyện thằng Hy, Đông Anh mới giật mình vỡ lẽ. Hóa ra con người mình yêu nhau thôi mà cũng khó khăn quá. Gia cảnh, sự nghiệp, phẩm chất đến cả giới tính đều bị đem ra làm thước đo chuẩn mực. Nó chán ghét cái xã hội bị đồng tiền thâu tóm, nhưng nó thì làm gì được? Cái nó đâm sợ sệt, nó đâm ra dè dặt với người ta. Đặt nó vào hoàn cảnh thằng Hy, có khi nó nhảy sông tự tử rồi chứ sống gì nổi khi trên đầu toàn là lời ra tiếng vào.
Đông Anh vẫn sống như cách nó phải sống, mà kì lạ quá, nó càng cố bình thường thì lại càng bất bình thường. Trong chung cư có cái giếng trời, mỗi khi lòng nó rối ren, Đông Anh thường hay ra đó ngồi, nhắm mắt lại rồi mặc cho nắng lấp đầy khoảng tâm hồn trống của nó. Lần này cũng vậy. Hạo đi sau lưng nó hồi nào chả hay, tới khi nó mở mắt ra bắt gặp anh đang bắt chước hệt nó. Nói một lần chưa đủ, phải nói nhiều lần rằng Hạo rất đẹp trai. Ừ thì thừa biết rồi nhưng Đông Anh phát hiện ra Hạo đẹp theo một kiểu rất riêng, càng nhìn càng mê. Và rồi nó lọt vào cái hô mang tên anh như cách nắng lọt vào khu chung cư cũ kĩ này vậy.
Lần đó Đông Anh đành phải chấp nhận sự thật rằng: có cố cách mấy thì nó vẫn cứ nảy sinh thứ cảm xúc mà nó cho là kì cục đối với Hạo.
---
Vẫn là ngày nắng bức người, hành lang chung cư tĩnh lặng, tiếng nhạc cải lương vọng ra từ chiếc radio rè rè của mấy ông già bà già. Đông Anh bưng giỏ đồ ướt đầy ắp ra ban công phơi, nước nhiễu từng giọt ướt cả chiếc áo thun dãn cổ của nó. Hạo ngủ trưa trong phòng nó nhưng cứ chập chờn ngủ không được, anh đứng dậy ra ngoài.
Dáng người Đông Anh ốm nhom ẩn hiện trong cái áo thun mỏng ướt, đang loay hoay móc đồ lên. Chiều gần năm giờ đến nơi mà màu nắng vẫn còn tươi quá chừng. Nó kéo màn lại, vài đốm nắng len qua được rơi rớt trên sống mũi và đôi môi nó. Đông Anh nghiên mặt, bị chói nắng, mắt nổ đom đóm hết thấy đường. Nó mất thăng bằng trượt chân khỏi cái ghế, Hạo lật đật chạy tới kịp thời đỡ lấy nó.
Nắng vẫn vàng chóe. Hai đứa cùng té xuống nhưng Đông Anh đỡ hơn vì nó nằm đè lên trên người ta. Cùi chỏ đập vào tường âm ỉ đau nhưng nó chỉ cảm thấy vòng tay trên eo mình siết chặt hơn như đốt cháy da thịt.
Chắc tại trời nóng quá thôi, nó nghĩ vậy.
Mái tóc đen nhánh hóa nâu dưới nhiệt độ của mặt trời khẽ sượt qua da mặt Hạo, hàng mi nó dài chớp chớp như cọ lên chỗ nào trong tim anh. Đông Anh vội đứng dậy, bỏ lại hai tiếng xin lỗi rồi chạy đâu mất. Hạo vẫn chưa hoàn hồn. Anh cứ nằm dưới đất ngây người ra một hồi, nếu không phải mẹ Đông Anh gọi ra ăn cơm chắc Hạo vẫn đang tưởng mình chạy chân trần trên cánh đồng bông cải bạt ngàn.
"Ủa Hạo, con thấy thằng Đông Anh đâu không. Sắp tới giờ cơm mà nó lại chạy mất tiêu."
Hạo không biết, nhưng anh biết từ giờ mình sẽ nhìn Đông Anh bằng con mắt khác rồi.
Cả nhà ăn cơm xong, mẹ cũng rửa chén xong luôn mà chưa thấy bóng dáng nó về. Bình thường Đông Anh cũng hay đi chơi nhưng đều báo cho mẹ hay một tiếng, hôm nay nó biệt tăm biệt tích. Hạo xỏ dép chạy đi tìm.
Nói là đi tìm chứ anh cũng chưa biết tìm ở đâu. Anh đi hết một vòng quanh khu lô số, tìm tới cả nhà thằng Côn, thằng Mười mà tụi nó lắc đầu hết. Hạo đâm ra sợ. Nỗi sợ vô lí bao trùm lấy anh. Sợ gì khi mà thằng Đông Anh là dân ở đây, chưa có ngõ ngách nào nó chưa đặt chân tới. Sợ gì khi mà thằng Đông Anh là đứa thông minh lanh lợi, hơn nữa nó lớn chồng ngồng rồi chứ nhỏ nhít gì để bị ai gạt đâu. Vậy mà Hạo vẫn sợ. Anh lẩm nhẩm đếm lại còn chỗ nào chưa tới để tìm nó hay không. Còn chợ. Anh mới vô chợ được một lần. Đông Anh hay dẫn anh đi từ đầu khu đến cuối khu mà ít khi vô chợ, lần đó vô ăn chè rồi ra thôi chứ cũng không mua sắm gì. Hạo ăn chè bưởi còn nó ăn chè Thái. Sau lần đó nó mới biết anh không hảo ngọt mà vẫn ngồi ăn hết chén chè nghe nó chém gió đủ thứ trên trời dưới đất.
Chợ ở Việt Nam cái gì cũng bán. Hạo từng thắc mắc tại sao mĩ phẩm và đồ văn phòng phẩm lại có trong chợ luôn thế. Hay là tại sao chợ cũng tự phát được vậy. Lúc đó Đông Anh cũng chả biết giải thích sao cho anh hiểu.
Có người trên tầng 4 chuyển nhà. Anh thấy có chiếc xe bán tải đậu dưới chung cư rồi người ta khiêng đồ ra chất lên xe. Căn đó gần cái giếng trời. Lúc này Hạo mới nhớ ra chưa tìm Đông Anh ở đó bèn chạy lên, chạy được nửa đường mới sực nhớ ra giờ tối thui rồi, làm gì còn nắng cho Đông Anh ngồi. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chớ anh cũng ráng leo lên cho bằng được coi sao.
"Đông Anh!"
Nó giật mình. Hạo đứng đằng sau nó chống tay lên gối thở hồng hộc. Nó biết mình gây chuyện rồi nên im lặng về nhà trước. Lúc đi ngang Hạo, anh túm lấy bàn tay nó, bao nhiêu lời định hỏi nuốt ngược trở vô bụng hết. Nó ốm quá, rõ là ăn nhiều mà chẳng mập lên được tí nào. Đông Anh ngẩn ra, bị động nhìn Hạo đan mười ngón tay vào tay mình rồi khẽ hôn lên mu bàn tay.
Thành kính, và cẩn trọng như sợ làm đối phương không hài lòng. Đó là ý nghĩa nụ hôn ở mu bàn tay trong văn hóa phương Tây. Giây thứ nhất tim nó ngừng đập, giây thứ hai nó bắt gặp hình ảnh chính mình chất chứa trong đáy mắt anh, dịu dàng đến thâm tình.
"Anh thích Đông Anh. Em đừng nghĩ nhiều nữa, đâu ai sống giùm mình cuộc đời này, nếu vậy tại sao không làm bản thân mình hạnh phúc? Em hoàn toàn có quyền lựa chọn cách mà em sống kia mà. Đông Anh mà anh biết sẽ không rụt rè như thế này."
Hạo đưa tay lên xoa mái tóc đen mềm của nó. Phải rồi, nó đang không phải là nó. Đông Anh trước giờ yêu ghét ai là nói, đói là ăn. Lớn thêm tí nữa nó biết nêm nếm đường mật vô lời nói, lớn thêm tí nữa nó lại biết thêm bớt lời nói. Nó từng sợ việc đánh mất mình nhưng nó không nhận ra mình đang dần trở thành con người mà ngày xưa nó sợ trở thành.
"Dẹp đi Hạo, chuyện này không tới nơi tới chốn đâu. Hay Hạo đợi bị người ta vùi dập như thằng Hy với thằng Đình Hữu mới chịu?"
"Vùi dập? Anh nói cho em biết không ai có thể vùi dập anh cả. Đông Anh, nếu em không thích anh thì nói là không thích, đừng mượn cớ này nọ để trốn tránh vì em trốn không nổi đâu."
Hạo nắm chặt lấy vai nó nhưng thực chất chẳng dồn chút sức lực nào. Ánh mắt anh trống rỗng. Đông Anh giật mình, đất như sụp dưới chân nó. Nó muốn nói nó không hề mượn cớ, nó cũng có cảm xúc như anh dành cho nó mà.
Nhưng nó nói không được.
Thời khắc đó miệng lưỡi nó đông cứng, nó nói không được.
Trong đầu nhớ tới câu chuyện của thằng Hy rồi nghĩ đến bà nội và ba mẹ, nó nói không được.
Từ sau sự kiện tối hôm đó, Hạo ngủ một giấc dậy là quẳng hết mọi thứ ra sau đầu. Anh vẫn làm tất cả những gì mình hay làm. Hạo ghiền uống cà phê như một thói quen của đại đa số người Mĩ. Sáng uống chiều uống, và đặc biệt rất kén chọn cà phê. Bởi vậy nên khi sang Việt Nam anh đã đóng gói một thùng mình hay pha để mang theo dùng dần. Ba Đông Anh cũng uống, ông chỉ uống loại đóng gói hòa tan hoặc khi nào có đợt về quê trên Bảo Lộc, họ hàng ở đó trồng thì cho cả mấy kí pha lâu lắm mới hết. Hai bác cháu ưa ra ngồi ban công. Bác Ba hỏi chuyện gia đình Hạo rồi chuyện học hành, cũng hỏi khéo dạo này Đông Anh nó làm sao hồn vía cứ treo ngược cành cây. Hạo đâu biết nói từ đâu cho bác nghe, chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện.
"Nè Hạo, cà phê trên Bảo Lộc cô Năm nhà tui trồng là ngon lắm đó. Hè năm sau quay lại đi, tui dẫn Hạo về quê tui chơi. Trên núi, mát lắm, không có nực như ở thành phố đâu mà lo."
Đông Anh từng nằm dài trên bộ ghế gỗ phòng khách vừa ăn dưa hấu vừa kể. Sài Gòn đẹp, Việt Nam đẹp, qua lời Đông Anh còn đẹp hơn. Hạo thấy cuộc sống ở đây rất thoải mái, ít nhất là thoải mái hơn ở Chicago nhiều. Hạo đang gap year, định khi nào về lại Mĩ sẽ học hết đại học để tốt nghiệp rồi sang Việt Nam định cư luôn.
Nhưng đó là Hạo định thôi, mà chắc giờ kế hoạch đó của anh khép lại đi là vừa.
Vì thằng Đông Anh có bạn gái.
Hôm câu lạc bộ của nó diễn, chính nó cũng không ngờ nhỏ Lam sẽ lặn lội ra tận nhà hát Hòa Bình để xem vì nhỏ ở tuốt dưới Hóc Môn lận, sáng nào đi học cũng xa lắc lơ, dạo trước muốn hẹn nhỏ đi đâu cũng khó. Nếu nhỏ Lam không đến chắc nó cũng quên luôn sự hiện diện của con bé. Mấy tháng hè không nhắn tin, lần cuối nó gặp Lam là trước khi Hạo tới một tuần, từ sau đó trở đi mùa hè của nó toàn là Hạo với Hạo, thằng Côn, thằng Mười thân thiết với nó bao nhiêu còn bị "thất sủng" huống hồ chi một đứa con gái chẳng khi nào chịu dòm tới nó.
Anh chủ nhiệm dường như bất lực trong công cuộc tập hát cho Đông Anh. Nó hát kĩ thuật lắm mà nghe cứ trơ trơ ra thế nào đó. Nhưng rồi chính anh cũng phải ngạc nhiên vì hôm đi thi chính thức, trước cả dàn máy quay ống kính của đài truyền hình đứa nào cũng bị khớp thì Đông Anh lại bình tĩnh hết sức. Nó hát bằng cả trái tim, thậm chí còn rơi nước mắt, may mà không bị lạc giọng.
"Mày hát nghe như bị bỏ rơi vậy Đông Anh. Mày giỏi lắm, cuối cùng mày cũng làm được rồi Đông Anh."
Anh chủ nhiệm vỗ vai nó khen lấy khen để, câu lạc bộ nó được giải Nhất, nhỏ Lam tìm nó trong cánh gà tỏ tình. Tim nó ban nãy thổn thức bao nhiêu, xuống sân khấu lại như trái cây bị thiếu nước, teo tóp, èo ọp và khô quắp. Vì lúc hát trong đầu nó chỉ nghĩ tới duy nhất một người. Đông Anh ừ một tiếng với nhỏ. Lam cười tươi rói, vô cùng tự nhiên khoác tay nó ra bến xe buýt đi về.
---
"Bà Út, còn một thùng phở gói với một thùng hủ tiếu nữa. Để con đem ra cho bà."
"Thôi được rồi mày ơi đem về bên bển ăn gì hết."
Đông Anh chạy vào nhà, bưng hai thùng đồ ba mẹ nó mua cho bà Út từ mấy bữa trước. Không nặng chút nào, toàn là mì với bún nhưng cũng đủ che tầm mắt nó.
Hóa ra Hạo cũng không ở được tới Trung thu để biết Tết thiếu nhi ở Việt Nam ra làm sao. Visa của anh hết hạn, hai bà cháu đành về sớm hơn dự kiến. Vậy mà Đông Anh còn định chừng nào tới Quốc Khánh thì rủ Hạo đi coi bắn pháo bông ngay chân cầu Thủ Thiêm nữa chứ.
Ủa quên, Hạo có ở lại đi nữa cũng không được, bữa đó nhỏ Lam hẹn với nó rồi.
"Sao đứng đây vậy con, lại phụ Đông Anh lẹ lên."
Bà Út bộp lên vai Hạo một cái, anh tiến tới ôm hết hai thùng đồ trên tay nó luôn.
Buổi tối cuối cùng còn nằm chung một chiếc giường đắp chung một cái mền hôm qua, Hạo chỉ xin nó hát lại bài hôm đi diễn cho anh nghe. Đông Anh đồng ý, hát được ba câu thì giọng nghẹn lại. Hạo làm bộ không nghe thấy, hỏi sao không hát nữa đi. Nó cũng ráng hát, hát tới đâu mặt nó ướt nhẹp tới đó. Hạo chịu không nổi nữa, ôm nó vào lòng, cho nó chùi hết nước mắt nước mũi vào áo, nhỏ giọng vỗ về nó nín đi.
Chỉ vậy thôi, không có lời yêu nào thốt ra nữa.
Thằng con trai chừng 16 17 tuổi, cao nhòng ốm nhách, bận cái áo sơmi ca rô với quần tây đứng chết trân nghe tiếng máy bay cất cánh. Sân bay tấp nập người đến người đi. Nó đau quá, giá mà khóc được như hôm qua thì thiệt tốt.
Thôi thì tạm biệt "tình đầu cũng là tình cuối của tôi".
End.
---
Để mà nói về chỗ ăn ốc ngon thì mình biết hai chỗ. Một chỗ gần nhà mình trên đường Vạn Kiếp quận Bình Thạnh, mà tới đây rồi thì nhiều đồ ăn hơn nữa kìa không chỉ có ốc thôi đâu. Một chỗ nữa nằm trên đường Tôn Đản quận 4 mình có nhắc trong phần trước á. Mình chỉ đi ngang qua khu đó mấy lần đi diễn, mà nghe mẹ kể bán ốc ngon lắm, hết dịch mình sẽ thử.
Đến đây là hết truyện rồi. Cảm ơn mọi người đã đọc nhé!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro