Extra
Người nói đi như tim người nghĩ
Làm nghề xướng ca tôi mang tội gì
Họa là có chăng tôi mang tội đời
Làm cho nhân thế say mê
"Ê, về đi. Ông không thấy ngồi đợi nãy giờ mà có ai ra đâu."
"Đợi thêm xíu nữa đi, để em ấy hát hết bài này đã."
"Tui bó tay, ông muốn làm gì thì làm."
Tôi kéo sụp cái nón lưỡi trai trên đầu rồi dựa ra ghế nhắm mắt ngủ. Người trẻ bây giờ thường xuyên bị chứng mất ngủ. Tôi khó khăn biết bao nhiêu mới về nhà được một bữa, vừa tắt cái đèn thì ông sếp vàng bạc gọi tới nhờ đặt gấp hai vé máy bay với phòng khách sạn có việc gấp đi Singapore ngay bảo tôi cũng phải đi chung luôn.
Tôi ngó đồng hồ. Bà mẹ nó, 1 giờ sáng.
Bực dọc dập máy sau khi xổ nguyên tràng chửi bằng tiếng Anh xen lẫn tiếng mẹ đẻ, tôi nhức đầu. Chửi thì chửi vậy chứ hồi nữa tôi cũng phải mò dậy bật máy tính lên đặt vé à.
"Sao tui cũng phải đi theo ông hả?"
"Thì có mày để an ủi tao rủi tao thất bại chứ sao. Yên tâm tao cho mày nghỉ hết tuần luôn, muốn ở đó chơi hay về tùy mày."
"Làm như mới thất bại lần đầu vậy..."
"Mày bớt được rồi đó."
Tôi là Minh Hưởng, tình trạng độc thân, trong thẻ có rất nhiều số dư, đẹp trai chỉ xếp sau ông sếp trong công ty nhưng chưa tìm ra lí do vì sao từ lúc biết hỉ nộ ái ố trên đời chưa vắt vai mảnh tình nào. Mà kệ đi, tôi còn trẻ chán, ba mẹ không giục thì mình vội cái gì. Cái điều tôi ta quan tâm lúc này là nỗi khổ của ông sếp quý hóa kìa.
Lần này là lần thứ năm trong tháng ổng bay ra nước ngoài. Thôi thì người ta nhiều tiền muốn xài sao cũng được, đằng này người ta nhiều tiền mà không có hạnh phúc. Kể từ khi tôi biết ổng cho tới giờ, bản thân chứng kiến chuyện yêu đến chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần vẫn thấy sao mơ hồ quá. Nói là chết đi sống lại thì chưa tới, chỉ là ông chủ tôi ổng thương người ta quá trời, làm đủ thứ chuyện từ lặng lẽ tới thể hiện trước mặt cho người ta chỉ để mong được chấp nhận dù là thương hại đi chăng nữa.
Lần này cũng vậy. Hay tin người ta diễn Paris by night, ông chủ dễ dàng có được hai vé ngồi ở hàng đầu ngay chính giữa sân khấu. Ổng canh vé ngày đêm, có lúc không mua được chỗ ưng ý, ổng mua vé chợ đen, người ta hét giá trên trời cũng không thành vấn đề với ổng.
Riết rồi tôi thấy yêu đương không biết vui được lâu không mà đau khổ dữ vậy. Ông chủ mỗi khi nghĩ mình sắp làm được rồi thì người ta lại đá ổng một phát từ thiên đường xuống địa ngục. Vậy mà ổng còn sức leo lên lại mới ghê.
"Mày không hiểu đâu Minh Hưởng. Tao có giải thích cỡ nào thì mày cũng thắc mắc này nọ thôi."
Rồi rồi, vụ này thì tôi đồng ý.
Để kể về ông chủ tôi mà không kể chuyện tình yêu tình báo của ổng thì thiệt thiếu sót. Tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi, thực tập vào công ty kinh doanh linh kiện điện tử 2 năm, thêm 2 năm nữa lên chức giám đốc. Người như ổng không thiếu, ổng cũng thừa nhận mình không có tài cán gì, chỉ được cái dám nghĩ dám làm. Suy nghĩ của ổng rất táo bạo, ổng nói được là được, không là không. Nhìn chung thì ông chủ tốt, mỗi tội lụy tình quá thôi.
Hôm đó công ty có tiệc với khách hàng, ổng phải tiếp rượu người ta. May mà tôi bị dị ứng cồn nên né được chỗ rượu bia đó, mà vì còn mỗi tôi tỉnh táo nên phải đưa ổng về nhà. Ổng uống rất khá, xỉn cách mấy cũng không làm ồn hay nói lảm nhảm gì hết. Tôi để ổng xuống cái giường quen thuộc trong nhà, xong đi lấy nước ấm quay lại thì nghe tiếng ổng gọi tên ai đó. Cái gì mà "Đông Anh Đông Anh", tôi mới lấy làm lạ. Vòng tròn quan hệ của chúng tôi cũng như nhau, sếp quen ai tôi biết người đó và ngược lại, nhưng chẳng lẽ ổng quen người này mà tôi không hay sao?
"Ủa rồi giờ tao quen ai cũng phải kể mày hả?"
"Hông phải, mà hôm qua lúc ông xỉn quắc cần câu có gọi tên người ta, còn khóc nữa nên tui thắc mắc."
"Ca sĩ, được chưa."
Á à tưởng ai xa lạ. Ca sĩ hải ngoại Kim Đông Anh đây mà. Thời đại học của chúng tôi mấy đứa sinh viên chuyên môn nghe nhạc của Kim Đông Anh, mà đâu chỉ có lứa trẻ, các mẹ các bà cũng khoái lắm.
"Đó là nghệ danh thôi, chứ ẻm tên thật Đông Anh, đi hát lấy chữ Kim vô đằng trước, nói là ẻm sẽ yêu quý bản thân như kim cương gì đó đại loại vậy."
"Rành quá há."
Sau này tôi mới biết cái gì ổng cũng rành về Kim Đông Anh, từ gia cảnh đến tính cách đều nắm trong lòng bàn tay ổng. Cũng phải thôi, gặp tôi có thích ai cũng sẽ như vậy.
Tôi luôn ủng hộ sếp mặc dù thật tâm nhiều lúc tôi sợ ổng chịu không nổi nữa. Con người ta chớ có phải sắt đá đâu. Đông Anh từ chối ổng lần một lần hai thì không nói, đằng này hai người dày vò nhau cả mấy năm trời rồi chứ ít ha. Lại nói, Đông Anh đúng là yêu bản thân hơn tất thảy, chắc chỉ sau ba mẹ. Anh ta nổi tiếng làm khổ con gái. Làm khổ ở đây là gây thương nhớ cho nhiều người quá mà không ưng ai hết trơn. Mấy tờ báo chuyên lục lọi đời tư nghệ sĩ thường đăng tải khá nhiều tin về Kim Đông Anh, nhưng chỉ có một chủ đề chính là chia tay người yêu rất tuyệt tình, hơn nữa người trong cuộc cũng tự xác nhận.
Nhưng Kim Đông Anh chỉ có nổi hơn chứ không chìm. Hợp đồng quảng cáo chồng chất, ra đường bắt gặp Kim Đông Anh trên poster bảng điện là chuyện bình thường.
Coi như ông sếp tôi xui đi. Khuyên ổng bỏ cuộc như đàn gảy tai trâu, tôi đành đứng bên ngoài xem bộ phim truyền hình dài tập lâm li bi đát.
Paris by night ít khi nào có show ở các nước châu Á, nhưng kể từ số 130 ở Singapore thì bắt đầu lấn sân sang khu vực này. Số 145 cũng trở lại Singapore, ông sếp mặc bộ đồ vest được đặt riêng, chải tóc tạo kiểu đẹp trai lai láng rồi ôm bó hoa tươi vào lòng, lái xe đến nơi tổ chức, dĩ nhiên là có tôi theo.
Xem được tới chừng nửa buổi, điện thoại trong túi quần tôi rung lên.
"Tui nói cái này, ông phải thiệt bình tĩnh nha.
"Nói đại đi ấp a ấp cái gì. Lẹ tao còn coi Đông Anh hát nữa mày."
Trên sân khấu, các nhân viên hậu kì đang chuẩn bị cho phần trình diễn tiếp theo. Chú Ngọc Ngạn với cô Kì Duyên đã giới thiệu bài hát xong rồi. Đèn tắt, tôi dè dặt bảo sếp, cố giữ cho giọng mình không rung.
"Bác gái gọi cho ông không được nên gọi cho tui. Bác trai lên cơn đau tim, anh về lẹ lên, sợ bác không chịu được đến sáng mai quá."
Ông bà mình dạy công sinh không bằng công dưỡng. Nếu không nhờ hai bác nhận nuôi rồi dạy dỗ ông sếp tôi nên người, rồi tôi không gặp được ổng, chắc giờ tôi đang ở xó xỉnh nào đó trong khu ổ chuột rồi.
Chúng tôi vừa đáp xuống Sài Gòn thì trời mưa tầm tã. Trên đường về taxi bị kẹt xe cứng ngắc ngay chỗ cầu vượt. Tôi nhìn sang ông sếp, một thân đồ Tây đắt tiền bị lấm lem nước mưa, khuôn mặt sa sầm mệt mỏi. Trời ơi, có khi nào tụi tôi không kịp về không? Rồi khi nào ông sếp tui ổng mới hết chịu khổ đây?
---
Thằng bé quản lí dọn dẹp đồ đạc trong phòng chờ. Tôi đi chào hỏi một lượt anh chị em nghệ sĩ trong hậu trường xong thì cũng đội nón đi về. Lúc ngang qua sảnh, tôi cố tình nán lại chút đỉnh, ngó đông ngó tây tìm người. Từ lúc diễn bài đầu đã không thấy, bài thứ hai cũng không thấy.
"Không có đâu mà tìm. Hôm nay người ta bỏ anh rồi."
"Nói khùng nói điên gì đó, ai thèm tìm."
"Anh có thể nào bớt đanh đá đi được không? Lỡ mà em có bị nghỉ việc, em sẽ bêu rếu hết tật xấu của anh rồi mới nghỉ."
"Ừ nhưng hợp đồng mày còn dài lắm, cho xin lỗi nha, ráng chịu đựng tao đi."
Lòng tôi cứ ngổn ngang chẳng yên. Hôm nay anh không đến, chắc bận gì đó đột xuất rồi. Lần nào trước khi lên sân khấu, anh cũng nhắn cho tôi một tin kể cả khi không xem trực tiếp được. Tôi cũng thành thói quen, đọc tin nhắn rồi mới diễn. Dĩ nhiên nếu không có thì tôi vẫn làm tốt, chỉ là tôi chưa từng tưởng tượng ra cảnh đó.
Kể từ khi tôi bước chân vào nghề, anh đã ở đằng sau dõi theo đến độ những người làm việc chung đều nhớ mặt nhớ tên anh. Tôi biết những thứ quà cáp, đối đãi đặc biệt của người trong nghề dành cho tôi từ đâu mà ra. Hợp đồng quảng cáo, lăng xê không phải tự nhiên mà có được, đối với một ca sĩ như tôi điều đó lại không cần thiết, vậy mà anh một tay sắp xếp đằng sau ổn thỏa hết cho tôi. Năng lực tôi tới đâu, sao tôi có thể không biết được. Thật tình tôi rất ghét mang nợ nên vẫn luôn chăm chỉ làm việc nhất có thể để tự đứng vững trên đôi chân mình.
"Chúc mừng anh, lịch trình của tháng này đến đây là hết. Anh có muốn về Việt Nam không hay ở đây chơi?"
Ở đâu chả được, kiểu gì anh chả tìm ra tôi. Tôi bèn bay vòng vòng từ châu Á đến châu Âu, chơi bời cho đã trước khi kì nghỉ kết thúc. Tôi đến Quebecc, mùa thu ở đất nước lá phong là tuyệt nhất. Thằng Mẫn ngủ chết dí trong khách sạn, tôi gọi nó dậy không được đành tự bắt xe đi.
Lúc tôi ngang qua công viên thấy có người biểu diễn đường phố liền dừng lại xem. Dường như là ghi hình cho show gì đó, ca sĩ hát nhạc thị trường, tóc nhuộm một màu bạch kim ăn bận hợp thời.
Hồi trước tôi cũng nhuộm, cái thời mới đi hát show gì cũng nhận mà cát xê cỡ nào cũng có mà cũng không phải show nào cũng trả cát xê. Một trăm ngàn hai trăm ngàn không thành vấn đề lúc đó với tôi, được đứng trên sân khấu hát tôi đã mừng muốn chết rồi. Lúc đó anh cũng chưa tai to mặt lớn như bây giờ, mỗi lần tôi không được trả cát xê đàng hoàng, anh chỉ có thể tìm tới hỏi han đủ chuyện, còn chê tôi để tóc vàng không đẹp. Tôi bảo kệ cha tôi, có cạo trọc cũng là tóc của tôi rồi bỏ về.
Mẹ gọi điện tới, tôi đang ngồi trong quán cà phê ngoài trời đọc sách nấu ăn. Tôi uống đồ đắng không được, may mà quán này cho phép khách tự điều chỉnh lượng đường sữa. Bên đó cũng khuya lơ khuya lắc rồi, mẹ còn gọi làm gì.
"Mẹ không gọi mày cũng không biết đường mà hỏi thăm. Con cái gì đi miết, tưởng mua cho ông bà già căn nhà là xong rồi hả, bồ bịch gì đâu dẫn về coi, mấy thằng bạn mày con cháu đuề huề hết trơn."
"Mà mẹ ơi con không thương ai hết thì biết làm sao đây. Con đang đi chơi, cuối tuần này về nhà ăn cơm, con đem quà cho ba mẹ ha."
"Thôi khỏi, mày yêu đương đàng hoàng là được. Mẹ chỉ sợ con mình cô đơn, rồi rủi tao với ông già mày có mệnh hệ gì..."
"Mẹ. Con chưa sẵn sàng mà. Con muốn tập trung cho công việc." Mẹ tôi chuyên môn giở cái bài cải lương này để tôi đi kiếm vợ. Tôi nói thật với mẹ là tôi không yêu nổi cô nào quá ba tháng hết, từ người trong nghề đến người mẹ giới thiệu. Sau vì tôi thấy mệt mỏi quá nên không hẹn hò với ai nữa.
"Không phải mẹ nói chuyện xui xẻo. Thằng Hạo đó, chắc mày nhớ mà ha. Ba nó mới mất hồi hôm kia nè chớ đâu. Nhà nó về lại Sài Gòn từ dạo ba nó phát bệnh rồi. Tội nghiệp thằng nhỏ, nó cũng như mày, chưa vợ con gì hết trơn một thân một mình quán xuyến hết đám tang."
Vị sữa trong miệng tôi tự nhiên đắng ngắt. Rõ ràng ban nãy tôi cố tình đổ nhiều sữa để át vị cà phê đi mà. Tôi gọi thêm li sữa nữa, hương kem bơ ngọt đến phát ngấy nghèn nghẹn trong cổ họng, đến trưa không chịu nổi chỉ có thể nôn ra bằng hết. Bụng dạ trống rỗng, cả ngày tôi không nhét nổi thứ gì vào dạ dày, cũng không còn tâm tình nào đi ngắm cảnh bốn phương. Thằng Mẫn thấy tôi về sớm không hỏi, chỉ giúp tôi mua quà cho ba mẹ đem về.
"Mẫn, mày biết tại sao Hạo không đến xem tao diễn mà đúng không?"
Thằng bé chớp mắt, làm bộ ngây thơ. Tôi nhìn mà nóng máu muốn giật mớ tóc hồng lè của nó trên đầu. Nó biết điều không giấu nữa, kể cho tôi hết.
"Anh hay tin rồi hả? Anh Hạo đã dặn em không nói. Bây giờ em thất hứa rồi, anh đừng bỏ mặc anh Hạo được không?"
Một tiếng anh Hạo, hai tiếng cũng anh Hạo. Riết rồi không biết nó làm quản lí cho tôi hay cho người ta. Thằng Mẫn tính nó vốn nóng, nhưng nó gặp tôi còn nóng hơn cả nó thì nghiễm nhiên nó lí trí hơn tôi.
Mà thằng này cũng kì, tôi bỏ mặc anh Hạo của nó hồi nào mà nó nói như tôi là kẻ tội đồ vậy. Nói đúng hơn, tôi đã bên anh ngày nào đâu mà bỏ mặc, suốt thời gian qua là anh tự lẽo đẽo theo tôi kia mà.
"Anh, địa chỉ nhà anh Hạo nè. Anh nhớ tới thăm ảnh một chút thôi cũng được."
"Mày thích thì tự đi mà thăm. Tao không rảnh lo chuyện bao đồng."
Mẫn như bị ngớ ra. Nó hỏi tôi vậy về chi mà không thăm Hạo. Mắc cười nó quá, quê nhà tôi ở đó thì tôi về, sao cứ nhất thiết phải về thăm hắn.
Tôi như đứa con nít bị mọi người lừa gạt. Ba mẹ biết chuyện, thằng Mẫn biết chuyện nhưng tuyệt nhiên không một ai báo tôi hay, lúc tôi vỡ lẽ thì chuyện đã rồi. Tôi tức tối ngồi trên máy bay mắng chửi anh một tràng trong bụng, định nhắn tin luôn nhưng rồi nghĩ mình làm vậy chi, đằng nào chuyện cũng đã rồi.
Đến chiều hôm sau khi tôi ăn được một mâm cơm của mẹ, ngủ được 12 tiếng ở nhà thì quyết định bảo thằng Mẫn gửi địa chỉ của anh qua. Chắc nó sẽ cười tôi dữ lắm.
Sao tôi có thể quên cái giờ tan tầm này ở Sài Gòn nhỉ? Chiều sáu giờ kẹt xe ngay vòng xoay Điện Biên Phủ, tôi kéo lại cái khẩu trang, lắc cổ một cái cho bớt nhức, hôm qua ngủ sai tư thế phải đắp miếng cao dán nóng hổi.
Hồi trước tôi lái "lụa" lắm. Lâu ngày không chạy xe máy, tôi đâm ra sợ xe. Điện Biên Phủ nhiều làn, khi đó tôi còn chở theo một tên con trai lớn xác đằng sau lưng mà còn chạy băng băng, bây giờ thì chạy rề rà sát lề đường.
Nhà anh trong khu Chu Văn An, đường đi xếp chồng chéo như bàn cờ, dân mù đường vào đây là lạc ngay. Tôi cũng lạc, chạy loanh quanh mất cả mười lăm phút mới tìm ra địa chỉ. Tôi không dám bấm chuông, chỉ dựng xe đứng từ xa nhìn. Thằng bé Minh Hưởng dắt xe ra khỏi cổng dường như thấy tôi, nó trố mắt ngạc nhiên. Tôi ra hiệu cho nó im lặng, nó không thấy tưởng tôi muốn gọi anh ra bèn la vọng lên lầu.
"Hạo, anh Đông Anh kiếm!"
Giờ chạy về kịp không. Không, vì thằng Minh Hưởng còn lân la lại nói chuyện với tôi.
Hạo xuống nhà, thằng bé thấy thì vỗ vai tôi rồi nổ máy chạy đi mất. Tôi định tra chìa khóa vào cũng định đi luôn thì anh đã đứng trước mặt, quầng thâm mắt trông anh đáng sợ hơn dù không làm gì cả. Tôi nổi da gà một đợt, người lạnh ngắt đi.
Trên đời ai mà không muốn được yêu thương. Tôi cam đoan rằng mình ghét bỏ xã hội lề thói nhưng không dám làm trái, chỉ có thể làm nô lệ dưới những giới hạn. Hạo thương tôi, một đứa mang quá nhiều lấn cấn trong lòng cho nên tôi không dám đáp lại tình cảm quý giá đó.
"Anh sẽ không gặp em nữa để em bình tĩnh suy xét lại cảm tình của em dành cho anh, khi nào rõ ràng hẵng tìm anh. Anh vẫn nuôi hi vọng, nhưng nếu đợi mãi không thấy em anh sẽ tự hiểu. Xin lỗi em nhưng bây giờ anh không tiện để nói chuyện lâu với em. Em về cẩn thận."
Chúng tôi nói với nhau những gì tôi không nhớ nổi, nhiều lắm mà tôi chỉ nhớ có vậy. Cái tự nhiên tôi thấy anh tồi hết sức, cục tức trong bụng tôi không nhỏ đi mà còn sưng bự lên...chà bá! Thiệt hết nói, không gặp thì không gặp. Tôi quay xe về nhà. Chào, không thân ái!
Coi bộ anh ta nói được làm được. Chẳng những không xuất hiện, không nhắn tin mà còn ngừng tài trợ luôn. Nói hổng tin chớ tôi rảnh rang hẳn lên. Lương bổng vẫn vậy nhưng mà hết được mặc đồ mắc tiền diễn nữa rồi, Đông Anh tôi thích mỗi cái đó. Dù sao vì tôi đã có danh tiếng nên vẫn được các nhãn hàng mời đóng quảng cáo.
Đó thấy chưa Hạo, tôi vẫn làm tốt khi không có anh nhé!
Ngay ngày hôm sau tôi chỉ muốn vả vào mặt một phát cho tỉnh.
Tôi nghía qua lịch trình chiều nay. Thằng Mẫn dặn diễn ở đài truyền hình thì phải dòm ngó người này người kia lấy lòng một xíu để người ta chiếu cố cho. Tôi tự biết từ giờ không còn chống lưng nữa nên cũng đồng ý.
"Thay lời muốn nói" số đặc biệt nhân dịp 8/3, MC sau từng đó năm đã thay đổi. Lớp ca sĩ chúng tôi sau này không có dịp làm việc chung với chị Quỳnh Hương, chỉ nghe người trong giới kể lại rằng chị chăm lo cho mấy người mới vào nghề lắm. Tôi ngồi trong phòng làm ấm giọng, lát sau Mẫn gọi tôi ra chạy chương trình ngay vì thứ tự bị đổi phải đôn tiết mục của tôi lên trước.
"Đông Anh, lát nữa em không cần hát, chỉ cần ra đó đứng thiệt đẹp trai rồi nhép theo với lại đoạn cuối bè vô cho chị chút xíu là được."
"Còn nữa, thời lượng lên hình của em bị cắt rồi nên tới bài kia em hát hết điệp khúc đầu thôi."
Máu nóng tôi sôi sùng sục trong người. Đi hát cũng ba bốn năm, tôi chưa phải hát nhép lần nào. Hồi còn đại học, giảng viên bắt một sinh viên hát nhép tại chỗ trong hội trường cả trăm người trước mặt ban giám hiệu. Tôi biết cô bé đó, nó bị tắt tiếng từ sáng nhưng không muốn dời vì thi lại sẽ chấm gắt gao hơn, giám khảo cũng khó chịu hơn. Cô bé đứng khóc ngon lành, muốn giải thích cũng không xong vì nói tiếng mất tiếng được. Người ta xì xầm nói đủ lời khó nghe, tôi bị ám ảnh, về sau cực kì dị ứng với hát nhép.
"Cắt đi."
"Anh nói gì đó Đông Anh?" Thằng Mẫn đang ngáp phải quay phắt lại, tỉnh cả ngủ.
"Không được hát thì cắt đi, bài nào có tên Kim Đông Anh thì cắt hết đi."
Tôi tháo micro ra, lột áo khoác quăng xuống bỏ vào phòng chờ. Người chị tiền bối đáng kính gọi giật ngược lại mắng tôi
"Chỉ được cái mã đẹp, chương trình mời để kéo thêm ít khán giả thôi mà trả treo ghê gớm."
Vốn biết chốn hậu trường đầy thị phi, mẹ đã dặn tôi không được nhường ai bất cứ thứ gì trừ phi mình sai. Tôi đâu có vừa, bảo chị không có đạo đức nghề nghiệp. Thằng Mẫn lanh lẹ bước ra trấn an tôi nhưng muộn rồi em trai, đụng đến cái tâm của tôi dành cho nghề thì đừng hỏi. Bắt đầu nhiều người vào cuộc hơn, ầm ĩ kết thúc bằng một lời dọa đâm kiện của chị ca sĩ và chân máy quay đập vào đầu tôi. Cứ nghĩ là nhẹ thôi ai dè lát sau tóc tôi lành lạnh, tưởng mồ hôi tôi quẹt mạnh một cái đau điếng, tay đỏ quạch máu.
Mẫn lúc này cũng nổi sùng theo tôi lại chỉ có thể im miệng kéo tôi ra xe chở đi cấp cứu. Vết rách dài 10 xăng, bác sĩ khâu năm mũi. Tôi ôm đống bông băng thuốc đỏ về nhà, đau mấy cũng không than. Giám đốc công ty gọi tới, tôi bật loa ngoài lên vừa nghe chửi vừa nấu bữa tối.
"Em tức anh quá, em nhịn lâu rồi mà giờ phải nói thôi. Anh bị sĩ diện hả, anh đáp lại tình cảm của anh Hạo một chút thì sĩ diện anh bị mòn đi hả? Sao phải tự làm khổ mình, nếu có anh Hạo thì người ta có coi thường anh tới vậy không?"
Tôi bới cho Mẫn chén cơm. Đồ ăn trong miệng lạt lẽo nuốt không trôi. Nó không thấy tôi đáp cũng ăn hết cơm, bới thêm một chén nữa mới chịu về. Tôi tiễn nó về sớm, Mẫn đòi rửa chén thay, tôi kéo nó ra cửa.
"Thôi nay vất vả lắm rồi, về lẹ đi cho nước nó trong. Nhân tiện thì tao không có ý định ăn bám anh Hạo của mày nữa. Đừng nhắc tới cái tên đó một khi tao chưa thành công hơn bây giờ."
---
Tôi gặp lại em vào một chiều ướt đẫm màu vàng cam và mặt trời vẫn muốn treo trên đỉnh đầu, chói lóa trên dạ cầu Khánh Hội. Không có gì đặc biệt, tôi đi làm về lại chạy ngược đường lên quận 4 ăn ốc. Áo sơ mi quần tây lịch sự lại ngồi ghế đẩu bên lề đường xỉa ốc ăn, người ta ngoái lại nhìn theo tôi rồi cũng quay đi. Tầm này quán đông khách, hết bàn. Em đến sau tôi mười phút, trước mặt tôi chỉ còn một chỗ, em ung dung bước đến ngồi xuống ăn, người ta lại được dịp ngoái theo nhìn lần nữa.
"Hôm nay nóng nhỉ?"
Em đập đập cổ áo tạo chút gió, mồ hôi khẽ rịn ra bên thái dương. Tôi xé miếng khăn giấy đưa cho em, đầu ngón tay lướt qua nhẹ bẫng mang theo cả hồn phách tôi đi mất. Tôi ậm ờ đáp lại nóng thật.
"Sao em đến đây?"
"Thèm ốc, không được hả? Còn anh thì sao, lại bảo không thèm đi."
Tôi chỉ ăn một ít rồi ra về. Em cũng đứng lên theo tôi. Em bảo xe em đi bảo trì rồi, đang được nghỉ không có lịch trình nên đi lòng vòng ngoài đường cho khuây khỏa.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên sau từng ấy năm, Đông Anh vẫn vậy, chỉ là nét tinh nghịch nơi đáy mắt em không còn. Em trầm ổn hơn, trông lúc nào cũng như mang tâm sự. Tôi trót thương nụ cười năm 17 tuổi của em. Năm em 27 tuổi, nụ cười lại trở thành thứ xa xỉ. Tôi vẫn xem em qua ti vi, thấy em cười nói mà mắt chẳng cong lại, tim tôi chẳng nhộn nhịp nóng hổi vì em nổi. Đông Anh ấy, khi cười, hai khóe miệng phải nâng lên hết cỡ, phải để lộ lợi cùng hàm răng trắng kia kìa.
"Cho tôi quá giang nha, anh chở đi đâu cũng được hết."
"Em không sợ tôi đem bán em đi mất hả?"
"Có gì tôi gọi thằng Mẫn tới rước."
Rồi thì em chẳng màng hình tượng, vô cùng tự nhiên bước vào xe tôi. Tôi thầm cho mình là người may mắn nhất trong những người may mắn mới có thể thấy được dáng vẻ này của danh ca Kim Đông Anh. Em thả giày xuống sàn xe rồi mở cửa sổ, gió hiu hiu làm em ngủ quên trong lúc đang trò chuyện cùng tôi.
Tôi nhắn Mẫn hỏi địa chỉ nhà em. Thằng bé ngạc nhiên tưởng tôi biết rồi. Đúng là tôi có biết nhưng chẳng phải em bảo chuyển nhà để tôi đừng tìm nữa sao?
"Ảnh vẫn ở khu Thanh Đa mà, có đi đâu đâu. À mà ảnh bị mất ngủ, anh không bận thì giúp anh ấy ngủ nhé, đừng để ảnh uống thuốc an thần nữa."
Tôi nhìn sang Đông Anh bó gối ngồi ngủ trên ghế. Em ra ngoài biển lớn, đạt được thành tựu này thành tựu nọ, đối phó được với loại người này người kia mà sao tôi vẫn thấy em nhỏ bé quá. Khao khát được phá bỏ xiềng xích vô hình chỉ để bên cạnh em ngày một lớn trong tôi, nhưng cuối cùng vẫn là không thể. Tôi sợ em bị thương mất.
Nhà em tôi quen thuộc đến từng ngõ ngách. Những lần đến trong tiếng cằn nhằn của em đòi đuổi tôi về, thật ra lúc đó em đang bệnh nhưng vẫn gông cổ lên cãi cho được.
Tôi bế em vào nhà đặt xuống giường vẫn không bị tỉnh giấc. Có khi nào Mẫn bị nhầm rồi không, em ngủ ngon thế này mà.
Tôi chỉnh mền gối cho Đông Anh. Em gặp phải ác mộng, đôi mày chau lại khó chịu. Em bấu víu lấy tôi như người chết đuối bắt được phao cứu sinh. Em bừng tỉnh, lồng ngực phập phồng lên xuống thở gấp. Tôi vội lấy cho em li nước, lại không kìm được mà vuốt lên mái tóc mềm.
Ngoài trời từ ban nãy đã ui ui, giờ thì mưa lất phất. Giường Đông Anh kê sát cửa sổ, nước văng vào cũng chẳng buồn đóng lại. Đôi mắt xếch khẽ chớp, em chầm chậm hỏi tôi một câu.
"Em rất hay nằm mơ, em bị mất ngủ phải dùng thuốc an thần. Anh có thể luôn xuất hiện trước mặt mỗi lần em mở mắt thức dậy được không?"
Radio nhà hàng xóm vang vọng giữa hành lang vắng lặng. Hệt như nhiều năm về trước, tôi ôm lấy em thật chặt, lần này sẽ không buông tay.
Người ngồi đó còn có nghe tôi
Tâm tình đầy vươn lên đắm đuối
Người đừng trách một kiếp cầm ca
Con tằm nào không muốn vương tơ.
---
Đến đây là hết thật sự rồi. Mình còn một extra viết về cuộc sống sau này của Đông Anh với Hạo nữa nhưng mà phân vân không biết nên up hay không, vì mình đã để truyện đi hơi xa so với dự định ban đầu rồi á.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro