3.
Kì nghỉ Tết năm nay kéo dài 10 ngày. Chúng tôi háo hức mong nó đến nhanh. Nhưng nghĩ đến sau Tết thì không còn kì nghỉ nghỉ nào nữa mà chỉ có kì thi đang đến gần, sự háo hức giảm đi đáng kể. Mồng 3 Tết, tôi đến nhà Nguyên, cùng cậu ấy đi chùa. Nguyên là một người tin vào tâm linh. Trước khi thi cử hay dịp gì quan trọng, cậu ấy đều đi chùa. Ngoài ra còn xem tarot, cung hoàng đạo. Tôi thì ngược lại. Thay vì tin vào những thế lực siêu nhiên thì tôi chỉ tin tưởng vào ông bà tổ tiên nhà mình. Có việc hệ trọng cũng chỉ đi thắp hương ông bà. Nhưng Tết năm nào tôi cũng cùng Nguyên đi chùa vì cậu ấy nhất quyết khẳng định "Đây là ngôi chùa cực kì linh nghiệm."
"Mấy cái khác mày không tin tao thì thôi. Nhưng mày nhất định phải đi chùa này. Tao đảm bảo với mày cực kì linh nghiệm. Tao cầu mấy lần rồi được hết. "
Với sự tha thiết như thế thì tôi không thể nào ngó lơ được nên đã đồng ý. Năm nào cũng vậy, giờ thành thói quen. Mồng 3 Tết mỗi năm chúng tôi đều cùng nhau lên chùa thắp hương.
Tôi chỉ cầu sức khỏe. Ba tôi nói 'có sức khỏe là tất cả'. Tôi thấy cũng đúng. Tôi hé mắt nhìn sang Nguyên. Cậu ấy nhắm chặt mắt, hai hàng lông mày chau lại, miệng lẩm nhẩm, vẻ mặt vô cùng thành tâm. Tôi nhắm mắt, thầm nhẩm.
" Cầu cho mọi điều Nguyên mong ước sẽ thành hiện thực."
Đi học trở lại, thời gian nói nhảm của chúng tôi ngày càng ít đi. Chiếc áo hoodie màu xanh dương tôi tặng Nguyên dịp Giáng sinh cũng dần ít xuất hiện, rồi thay hẳn sang chiếc áo sơ mi trắng đồng phục ngắn tay. Mùa hè đến, học sinh cuối cấp càng vội vàng. Thời gian này kiến thức đã đủ, chúng tôi chuyển sang giai đoạn luyện đề. Balo đứa nào cũng nặng trịch những tập đề dày cộp. Nguyên cũng vậy. Không còn phải lo sợ môn hóa nữa, balo cậu ấy toàn đề văn sử địa – một học sinh khối C điển hình. Tôi cũng chỉ học Toán Lý Hóa. Thế nhưng 3 môn chính vẫn phải đủ điểm tốt nghiệp. Vậy nên thay vì chép hóa – sử, chúng tôi có một 'hợp đồng' mới. Tôi giúp Nguyên nắm vững kiến thức Toán cơ bản, còn cậu ấy phải đảm bảo khả năng chém gió văn chương của tôi trên 7 điểm.
Kết quả kì thi thử vừa được phát về, Nguyên chạy lên xem đầu tiên. Cậu ấy cầm bảng điểm, lật đi lật lại mấy lần rồi đi xuống chỗ tôi, cười hớn hở.
"Hahahah tao được 26 điểm. Giá như đó là điểm thi thật luôn có phải hay không."
"Mày 24. Tao xem rồi." - Không kịp để tôi nói gì Nguyên thông báo luôn.
Tôi vui, vui thật. Nhưng vui vì điểm của Nguyên. Lâu lắm rồi mới thấy cậu ấy cười thoải mái thế.
"Tí đi ăn gỏi xoài không?" Tôi hỏi Nguyên
"Okela. Hôm nay thì được. Hehe." – Tâm trạng vui vẻ, Nguyên chốt kèo luôn.
Sau lễ tổng kết sân trường vắng hẳn. Chỉ còn khối 12 đến trường ôn thi. Thời gian này tôi không dám đến nhà Nguyên nhiều vì mỗi lần chúng tôi ở cùng nhau, hiệu suất học thì ít mà tám chuyện thì nhiều. "Hai đứa mình làm gì cùng nhau cũng được trừ học ra mày ạ" – Đó chính là bài học chúng tôi đúc rút được sau vài lần học chung.
Cái nắng miền trung khiến chúng tôi ai cũng uể oải. Cuộc trò chuyện không còn là 'bộ phim tối qua đã có phụ đề chưa', 'hay sàn S ngày nào sale' nữa. "Trường C đã công bố Phương thức tuyển sinh chưa?", "Hạn nộp học bạ là ngày bao nhiêu?"... Đó mới là điều chúng tôi hỏi nhau nhiều nhất. Tôi dùng kết quả thi học sinh giỏi tháng 12 vừa rồi xét tuyển vào một trường Đại học kinh tế Đà Nẵng. Kết quả có vẻ khả quan. Gia đình tôi khá giả, lại không tạo áp lực cho con cái, tôi đậu ngôi trường này họ coi như cũng hài lòng. Nhưng Nguyên thì khác. Đối với Nguyên kì thi này là cơ hội cuối cùng. Gia đình làm nông, phụ thuộc vào mùa màng đất trời nên thu nhập không ổn định. Bố mẹ cậu ấy có làm thêm những công việc khác nhưng cũng chẳng đáng là bao. Sau Nguyên còn có 2 em nhỏ. Vì vậy việc học Đại học tại một ngôi trường có mức học phí cao là điều không khả thi. Nguyện vọng 1 của Nguyên là một ngôi trường có tiếng và quan trọng là có mức học phí rẻ so với những trường khác có ngành Báo chí cậu ấy thích. Điểm đầu vào cũng vì thế mà lấy rất cao. Nguyên chỉ có 2 lựa chọn. Một là đậu nguyện vọng 1, học tập chăm chỉ theo đuổi ước mơ. Hai là từ bỏ con đường đại học, đi học nghề trở thành lao động tiếp theo của gia đình. Mỗi lần làm bài sai Nguyên hay bảo "Tao mà không đậu thì chỉ có nước ở nhà trồng rau nuôi cá." Tôi luôn cho rằng đó là một câu đùa và mong nó mãi chỉ là câu đùa. Nguyên sẽ đậu ngôi trường mơ ước, ra Hà Nội học, đi trên con đường đậm mùi hoa sữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro