Lời Mở Đầu
KHI TÔI QUYẾT ĐỊNH trở thành một cô giáo, tôi say sưa học những quy tắc sư phạm ở trường đại học, nhưng khi tôi bước chân vào phòng học 203 tại trường Trung học Wilson, tôi phát hiện ra mình đã thiếu chuẩn bị như thế nào trước những khó khăn khi giảng bài cho các em học sinh cá biệt. Giống như rất nhiều sinh viên đại học mơ mộng khác khi xem các bộ phim về giáo dục, tôi cho rằng mình chờ đợi các em học sinh của mình đứng lên bàn và hô to: “Ôi Thuyền trưởng, Thuyền trưởng của em”, như các em học sinh đã làm trong bộ phim Hội thi sĩ quá cố (Dead Poets Society), hay vượt qua mọi trở ngại như học sinh của Jaime Escalante trong phim Chịu đựng và ban phát (Stand and Deliver). Khi đó, tôi đứng như trời trồng trước cả đám học sinh mới toanh, thờ ơ, ngang ngạnh; viên phấn trắng nằm yên trong tay tôi, còn tôi gượng nở nụ cười méo xệch. Học sinh ngó qua tôi, với những đốm trắng trang trí trên áo tôi, với những hạt ngọc trai trắng muốt của tôi, và “niềm vinh dự trong sáng” của tôi, và ngay lập tức bắt đầu đánh cuộc về việc tôi sẽ tiếp tục được bao lâu nữa. Thật may mắn, vẻ ngây thơ của tôi đã bảo vệ tôi thoát khỏi những kết luận tất yếu của chúng rằng tôi sẽ phải từ bỏ công việc này vào cuối tuần. Một đứa trong đám học sinh đã gấp chương trình bài giảng của tôi thành máy bay rồi phi thẳng về phía tôi; một số đứa gọi tên tôi bằng tiếng Tây Ban Nha đầy châm chọc; và rất nhiều học sinh khác
ngỗ ngược khắc tên các băng nhóm của chúng lên bàn học. Điều đó trở thành sự thực đau lòng mà mọi lý thuyết tôi nhớ được trong thời gian học đại học đều đã lu mờ so với những bài học đơn giản mà tôi sẽ học mỗi ngày tại lớp học nơi đô thị này của tôi. Tôi lập kế hoạch giảng cho học sinh của mình nghe về
Shakespeare và những bài thơ trữ tình của ông, về Homer và chuyện Odyssey, nhưng tôi nhanh chóng nhận thấy học sinh của tôi chẳng để tâm mấy đến ngôn ngữ hình tượng và phép ẩn dụ. Ở độ tuổi 14, mọi điều trong cuộc sống của các em chỉ là nghĩa đen đơn giản, tập trung vào những gì có thực. Khi các em cảm thấy đói cồn cào, đó là sự thực. Khi các em bị bắn trên đường tới trường, đó là sự thật. Khi các em
tham dự đám tang một người bạn, đó là sự thật. Để tiếp cận được với học sinh của mình, tôi phải hiểu được những khó khăn của chúng và làm cho bài học của tôi phản ánh thực tế cuộc sống của chúng. Những áng thơ của Shakespeare phải phản ánh được những lời chúng muốngửi gắm trong đám tang của bạn mình, và cuộc chiến đấu của Odyssey
để trở về Hy Lạp phải là hiện thân của cuộc chiến đấu thường nhật của các em để khiến gia đình mình sống lại. Khi tôi phát hiện ra ý nghĩa quan trọng trong việc nhìn nhận từng em học sinh như những cá thể riêng biệt, tôi nhận thấy để các em có thể nâng niu từng bài học, tôi sẽ phải xây dựng một chiếc cầu nối giữa những gì các em đã biết và những gì tôi muốn dạy cho các em. Một
trong những hoạt động tôi đã dùng để lôi cuốn các em tham gia vào là Trò chơi xếp hàng. Tôi chia lớp học thành hai nửa, được phân cách bằng một dải băng nhỏ đặt giữa sàn lớp học, sau đó yêu cầu học sinh bước tới hàng kẻ nếu câu hỏi của tôi gắn liền với các em: “Đứng trên hàng kẻ nếu em biết mua ma túy ở đâu.” “Đứng trên hàng kẻ nếu em từng đến thăm người thân trong trại giam.” “Đứng trên hàng kẻ nếu em từng bị mất một người thân quen vì bạo lực của băng đảng điên rồ nào đó.” Trước khi thực hiện bài tập khởi động này, các bài luận của các em viết nộp cho tôi chỉ qua loa đại khái và không gây xúc động cho người đọc. Một học sinh tên là Maria còn viết trong cuốn vở tập viết
luận của em rằng: “Tôi ghét Erin Gruwell! Tôi ghét Erin Gruwell!, và nếu không phải vì bị cấm, tôi sẽ đá cho cô ta một phát!” Nhưng khi Maria và các em học sinh khác được khích lệ bước tới hàng kẻ phân cách, thể hiện những điểm dễ bị tổn thương của mình, các em nhận ra ai cũng có một câu chuyện riêng; các em chỉ cần cơ hội để được
lắng nghe và một bước khởi đầu đánh thức năng lực viết nhằm hàn gắn những nỗi đau. Ngay lập tức, bài viết của các em ghi lại khi các em chứng kiến cái chết của người anh họ, chứng kiến cha mình bị bắt giam, hay sự hổ thẹn khi sống trong cảnh vô gia cư. Chúng tôi nhìn nhận mỗi em với cái nhìn mới mẻ hơn, và kết quả là, chúng tôi đối xử với nhau khác hơn. Phòng 203 trở thành một thiên đường an toàn cho các em, để các em trở nên thành thật, viết về những khoảnh khắc đau lòng nhất của mình và phá vỡ những khoảng cách giữa chúng tôi. Khi các em học sinh của tôi trở nên thân thiện hơn như trong một gia đình, tôi đã ngạc nhiên nhận ra rằng việc giữ thăng bằng để trở thành một nhà giáo thực sự khó khăn như thế nào. Vào cuối mỗi ngày, dường như việc bỏ lại đằng sau những vấn đề của các em học sinh trong lớp học là điều không thể. Sau đó, thực tế là đời sống xã hội của tôi bắt đầu bùng nổ từ bên trong, và tôi đã dành khá nhiều
tiền túi của mình để cung cấp cho trường học. Rất thường xuyên, sau khi một bài học xuất sắc bị thất bại vì không có một chút ảnh hưởng nào đối với học sinh, tôi lo sợ rằng tôi không thể đến được với các em học sinh, nên tôi bắt đầu đặt câu hỏi cho bản thân: “Nếu học sinh không quan tâm, tại sao tôi phải quan tâm?”
Khi tôi tìm kiếm sự an ủi từ đồng nghiệp của mình, những người không tán thành trong phòng giám hiệu thường khiến tôi cảm thấy tệ hại hơn. Đối với họ, tôi đã lý tưởng hóa và tạo gánh nặng cho học sinh với những kỳ vọng thiếu thực tế. Khi tôi mang bài tập của học sinh về nhà để chấm vào ban đêm, tôi cảm thấy dường như tôi đang đè lên vai mỗi em một gánh nặng. Nhưng khi về đến nhà, tôi lại gặp vấn đề của chính bản thân mình: Phải trả món nợ từ ngày sinh viên của tôi; một người chồng muốn tôi chuẩn bị bữa tối hơn là ngồi chấm bài; và tất cả những ảnh hưởng dễ thấy khác của việc mất đi giấc ngủ ban đêm. Và sau một đêm nữa thức khuya để đọc bài viết của học sinh, trước khi tôi biết điều đó, lại đã 6h sáng và tôi phải tập trung can đảm để lại đối diện với tâm trạng chán chường của mình. Trong 45 phút đi từ nhà trở lại nơi làm việc, khi suy nghĩ về việc phải làm thế nào khiến bài giảng phù hợp hơn với học sinh, tôi cố gắng tảng lờ giọng điệu dai dẳng thường đặt câu hỏi cho chính mình: “Liệu tôi có thực sự muốn trở thành một cô giáo hay không?” Nhưng mỗi khi một trong số những học sinh của tôi đang phải vật
lộn với cuộc sống có được một khoảnh khắc vui vẻ, tôi biết rằng tôi đã có quyết định đúng đắn. Những phút giây vô giá đó là khi gương mặt các em học sinh của tôi bừng sáng, những cánh tay giơ lên trong hào hứng và tôi biết rằng họ đã “hiểu vấn đề,” khiến cho những đêm mất ngủ của tôi có giá trị và bắt đầu làm cho sự nghi ngờ bản thân của tôi
nhẹ bớt đi. Những chiến thắng nhỏ nhoi khiến tâm hồn tôi như trẻ lại và đặt nền móng cho sự nghiệp của học sinh. Để tỏ sự tôn trọng đối với các nhà đấu tranh vì quyền công dân thuộc nhóm Freedom Riders (Những nhà đấu tranh vì Tự do) của thập niên 1960, các em học sinh của tôi quyết định tập hợp lại và tự gọi mình là Freedom Writers
(Những nhà văn Tự do). Tuy nhiên, không giống như khi chúng tôi mới bắt đầu lập nhóm, Freedom Writers ngày nay tiếp bước những tác giả đi trước họ, chính là những tác giả có tên trong chương trình giảng dạy của tôi và đã từng gấp tờ chương trình thành máy bay để ném vào tôi năm nào. Khi Nhật kí của Những nhà văn Tự do (Freedom Writers Diary) được ấp ủ, đó là tập hợp của 150 câu chuyện. Tuy đâu đó trong sách có những lời tục tĩu, sự thực phũ phàng về tệ phân biệt chủng tộc và sự chia cắt làm tan vỡ những trái tim do nạn lạm dụng tình dục, nhưng một thông điệp xuyên suốt về niềm hy vọng của con người đã được vang lên. Khi người ta đồng ý phát hành cuốn sách,
chúng tôi đã sung sướng ngây ngất. Vượt xa khỏi sức tưởng tượng điên khùng nhất của chúng tôi, cuốn Nhật kí của Những nhà văn Tự do đã trở thành sách bán chạy nhất. Chúng tôi biết rằng có nhiều học sinh cũng trải qua những điều tương tự như các em học sinh của tôi, nhưng chúng tôi không thể dự đoán có nhiều độc giả nhận ra thảm kịch của họ đến như vậy. Những người đọc sách của chúng tôi không phải là những người xa lạ với những điều phiền muộn, nghiện hút, lạm dụng tình dục, sự xa lánh và nỗi thất vọng tràn trề. Nhật kí của Những nhà văn Tự do đã thống nhất tiếng nói của họ đối với mỗi độc giả sẽ đọc cuốn sách này. Với sự thành công của cuốn sách, Những nhà văn Tự do và tôi bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của việc chia sẻ những câu chuyện của chúng tôi. Khi Miep Gies, người phụ nữ đã che giấu Anne Frank (Annelies Marie Frank là nhà văn và tác giả hồi ký người Đức gốc Do Thái. Cô là một trong những nạn nhân người Do Thái được biết đến nhiều nhất trong cuộc tàn sát Holocaust.) nói với chúng tôi rằng chúng ta cần phải “làm nhân chứng”, chúng tôi nhận ra rằng thực ra chúng tôi phải sử dụng cuốn sách này để làm thay đổi cuộc sống của người khác. Bài học đó trở nên bức thiết hơn sau khi chúng tôi đến thăm trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan và lần đầu tiên chứng kiến điều gì đã xảy ra khi người ta im lặng. Những người sống sót sau cuộc tàn sát Holocaust ( Holocaust, còn được biết đến với tên gọi Shoah, là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.) chính là sự thách thức đối với Những nhà văn Tự do và tôi, để chúng tôi “không bao giờ biếng nhác”, luôn nêu cao tinh thần kiên định để tạo nên sự khác biệt. Vào năm 1998, sau khi Những nhà văn Tự do tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi bắt đầu giảng dạy ở trường đại học nơi tôi đã từng học để trở thành giáo viên. Những lớp sinh viên đại học của tôi trở nên sống động mỗi khi có khách mời là Những nhà văn Tự do đến “giảng” về tình trạng rối loạn nhẹ của bộ não (dyslexia) đã ảnh hưởng như thế nào đến khả năng đọc của họ và môi trường gia đình tác động ra sao đến việc làm bài tập ở nhà. Họ nói về năng lực đã khiến họ cầm bút thay vì cầm súng( trở thành côn đồ). Khi tôi quan sát thấy sinh viên của tôi ghi chép lia lịa, đặt câu hỏi và đưa ra những định kiến, tôi nhận ra Những nhà văn Tự do của tôi đã trở thành những người giáo viên. Cùng với các em, tôi lặp lại một số kỹ năng không chính thống mà tôi đã dùng để kéo các em học sinh của tôi tham gia vào bài học tại phòng học 203, như việc đổ đầy rượu táo vào những ly champagne bằng nhựa và Chúc mừng Sự thay đổi để khích lệ những giáo viên tương lai, những người muốn tiếp cận với học sinh của mình theo cách tương tự.
Cùng lúc đó, tôi đắm chìm trong không khí hàn lâm của những giáo sư nghiên cứu lý thuyết, và tôi bắt đầu nhận ra rằng những bài học thực tế mà tôi từng chợt nghĩ ra thực chất lại có giá trị học thuật. Sau khi thăm một số trường trung học trên cả nước, Những nhà
văn Tự do và tôi cảm thấy vui mừng và thấy mình thật nhỏ bé trước những giáo viên đang áp dụng cuốn sách của chúng tôi để giảng dạy trong các lớp học của họ. Đây là động lực để Những nhà văn Tự do – những người làm việc bên cạnh tôi tại Tổ chức Nhà văn Tự do – tái tạo lại điều kỳ diệu tại phòng 203 và xây dựng học viện dành cho giáo viên sử dụng chương trình học của chúng tôi để nhân rộng mô hình thành công này. Với sự giúp đỡ của Những nhà văn Tự do, tôi bắt đầu qui tụ các giáo viên ở Mỹ và Canada cho đến khi tôi tập hợp được 150 giáo viên. Những giáo viên này cần vững tin rằng đứa trẻ nào cũng có khả năng làm mọi việc; và điều quan trọng nhất là họ phải dạy dỗ một đứa trẻ chứ không phải làm một cuộc thí nghiệm. Và như thế, những hạt
giống của cuộc cách mạng đã được gieo trồng. Những giáo viên này đến Long Beach, tại đây họ học hỏi từ chính Những nhà văn Tự do và tôi, sau đó trở lại lớp học của họ và thậm chí thành công với học sinh của họ hơn tôi đã từng có được với học sinh của mình. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Không chỉ học sinh vượt trội mà các giáo viên cũng thực hiện rất xuất sắc. Học sinh của họ bắt đầu tốt nghiệp, giáo viên được thăng tiến và nhiều người trong số họ giành được những giải thưởng giáo dục danh giá. Nhưng yếu tố quan
trọng nhất của chương trình học là việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm được thực hiện đồng thời thông qua các buổi đào tạo của chúng tôi tại Long Beach cũng như qua phòng học ảo mà chúng tôi thiết lập trực tuyến. Ngay lập tức, có ai đó lắng nghe những giáo viên này, xác nhận những kinh nghiệm của họ có giá trị và cảm thấy không còn đơn độc.
Công nghệ sẵn có cho các giáo viên của Những nhà văn Tự do chophép chúng tôi làm việc bên cạnh nhau cho dù có sự chia cách về địa lý hay múi giờ. Không giống như Nhật kí của Những nhà văn Tự do , những gì được tạo ra từ những chiếc máy tính được tài trợ cho phòng 203, cuốn sách này được viết từ những chiếc máy tính xách tay do hãng Hewlett Packard tặng cho phòng học trực tuyến được quản lý bởi hệ điều hành Microsoft. Theo yêu cầu của Những nhà văn Tự do đầu tiên, các giáo viên này đã để ngỏ cuộc sống của mình, thể hiện sự sợ hãi của họ, và bày tỏ những sự thực đau lòng đằng sau việc dạy học. Đó không phải là một quá trình dễ dàng. Đây không đơn giản là một hợp tuyển văn học; đó là sự cộng tác của một gia đình mới được thành lập. Các giáo viên của Những nhà văn Tự do đã viết đi viết lại những câu chuyện đã khía sâu vào quá khứ của họ. Khi tư vấn và biên tập lại những bài viết cho nhau, sợi dây gắn kết giữa họ càng bền chặt hơn. Một số giáo viên
trong số họ nỗ lực miệt mài hơn những gì học sinh của họ có thể nhận ra. Khi một người chồng bỏ một cô giáo để ra đi, cô ấy sẽ quay trở lại công việc ngay ngày hôm sau. Khi một học sinh khác bị bắn, người giáo viên vẫn tiếp tục quay trở lại công việc. Khi một trường học bị đánh bom, người giáo viên khác phải làm cho học sinh của mình cảm thấy được an toàn. Những người giáo viên trở lại vì học sinh của họ đang cần họ.
Cuốn sách này phản ánh chu trình một năm dạy học – dự báo của một năm học mới, những thách thức mà học sinh gặp phải, những nỗ lực của giáo viên để thu hút sự chú ý của học sinh, những cảm xúc về sự tan vỡ ảo tưởng thường len lỏi vào mỗi người, và cuối cùng người
giáo viên cảm thấy trẻ lại khi tạo động lực cho học sinh của họ có thể làm gì đó. Mỗi phần là một câu chuyện riêng tư được chính những giáo viên gửi đến miêu tả trung thực những gì họ đã trải qua, cả thành công và thất bại cay đắng. Đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn. Tôi ước gì mình có được cuốn sách này trước khi tôi bắt đầu chặng đường làm giáo viên của mình. Tôi sẽ có những điều mong đợi thực tế hơn về quyền lực của một giáo viên, và những rào cản dựng lên xung quanh nhằm thách thức quyền năng đó. Các giáo viên của Những nhà văn Tự do đã hội tụ lại để chia sẻ những câu chuyện chân thực từ lớp học của họ: những thăng trầm, những thảm kịch, những
niềm vui, tất cả được thể hiện để tạo dựng một phạm vi hiểu biết mới về ý nghĩa của việc trở thành một người giáo viên. Tôi rất hy vọng cuốn sách này sẽ đến được với người giáo viên mà bạn yêu thích nhất, rằng mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một phần cuộc đời mình qua những trang sách này. Tôi hy vọng bạn sẽ cảm thấy cảm thông và yêu kính các nhà giáo dục. Và tôi hy vọng những người đang làm thầy sẽ nhìn thấy mình trên gương mặt những đồng nghiệp dũng cảm đã chia sẻ những điều không yên ổn trong lớp học và những chiến thắng nhỏ nhoi họ giành được. Thông qua cuốn sách này, các giáo viên của Những nhà văn Tự do đã trở thành người giáo viên của tất cả chúng ta.
Erin Gruwell
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro