Lời Giới Thiệu
VỚI TÂM TRẠNG MỘT NHÀ GIÁO, tôi thực sự hào hứng và xúc động khi đọc cuốn sách độc đáo Người gieo hy vọng của nhóm tác giả Những nhà văn Tự do & Erin Gruwell. Cuốn sách dành gần 400 trang để đăng tải 95 bài viết về công việc thường ngày rất khó khăn vất vả nhưng cũng đầy cảm hứng của nhà
giáo, cũng như những suy nghĩ sâu sắc và chân thành về nghề giáo… Chúng ta hãy đọc những dòng này: “Dạy học là một qua trình cực nhọc – một nghề mà 80% thành công nằm ở sự thể hiện. Bạn luôn luôn có cảm giác như đang quay bánh xe của mình hết tốc lực, cố gắng làm vừa lòng các nhà phê bình khắt khe nhất, mà không bao giờ biết kết quả của nó đến đâu (làm vừa lòng đến mức độ nào). Nhưng thỉnh thoảng tốc độ mạnh mẽ đó đột nhiên ngừng lại. Những rào
chắn bạn đã dựng nên để bảo vệ mình bị đập vỡ. Bạn phải đối mặt với giá trị cốt lõi của nghề dạy: tạo ra những ảnh hưởng có ý nghĩa đến cuộc sống của các em học sinh”. Vâng đúng là như vậy, trọng trách của người thầy giáo không phải là truyền thụ những thứ được viết một cách khô khan, lạnh lùng trong sách vở tới đám học sinh luôn hiếu động, tinh nghịch mà chủ yếu phải là hướng họ đến một cuộc sống với đầy đủ những giá trị chân, thiện, mỹ.
Tôi hết sức khâm phục các tác giả của 95 bài viết, khi họ miêu tả sinh động việc làm của họ trên lớp, trong giờ giảng, trong các buổi dã ngoại, thái độ của họ đối với từng cá thể học sinh, nhất là đối với những học sinh cá biệt vốn không phải là ít.
Hãy nghe một thầy giáo kể về chuyến đi thăm bảo tàng mà thầy đã tổ chức cho học sinh lớp mình phụ trách: Sau khi xem bảo tàng tưởng niệm những người Do thái bị nạn diệt chủng, học sinh gốc Phi Marcus nói với thầy: “Em cứ tưởng chỉ có người Phi chúng em là phải chịu đựng nhiều nhất trong lịch sử. Em không nhận ra rằng những dân tộc khác cũng phải chịu đựng nhiều như thế. Giờ em đã hiểu vì sao chúng ta cần phải học lịch sử”. Khi thầy giáo hỏi em vì sao phải học lịch sử, em nói “để chúng ta không lặp lại sai lầm của người khác, và học cách tôn trọng sự khác biệt của nhau”. Và thầy giáo đã tâm sự với bạn đọc: “Chỉ riêng việc Marcus hiểu được điều đó đã khiến toàn bộ chuyến đi và công sức của chúng tôi thực sự không uổng phí”.
Nhân đây, chúng ta thấy rất rõ rằng nếu việc học tập bộ môn Lịch sử (và cả những môn học khác) chỉ đóng khung trong bốn bức tường của phòng học, trên trang sách giáo khoa, với mục đích để trả lời các câu hỏi cực kì khó nhớ thì việc dạy và học như vậy không mang lại một hiệu quả nào để hướng học sinh đến những nhận thức và tình cảm tốt đẹp hơn.
Một thầy giáo khi kể về cái chết của một học sinh vì tai nạn giao thông đã viết: “Trong lễ tang, tôi nhìn những gương mặt của các em mà tôi đã từng đuổi khỏi lớp, những em tôi bắt phạt ở lại trường, tất cả những em đã làm cho tôi bạc tóc sớm, và tôi thấy nỗi buồn trên
gương mặt các em. Và đó là lúc tôi không kìm được nữa. Tôi không quan tâm nếu các em thấy tôi khóc. Tôi không muốn làm một thầy giáo nghiêm nghị nữa. Tôi muốn làm một con người, và con người sẽ khóc lúc đau buồn. Và thế là tôi đã khóc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy, một người thầy tốt phải là một con người có đầy đủ xúc cảm vui buồn, kể cả khóc trước mặt học trò. Điều đó làm cho thầy trò gần gũi nhau hơn, hiểu biết nhau hơn, và đó là một nhân tố quan trọng khiến thầy giáo thành công. Một cô giáo hướng dẫn cho học sinh lớp 9 của mình viết về dự án
nghiên cứu di sản gia đình. Ba em học sinh: Kate, Luis và Ethan có bài làm tốt đã được Giáo sư và sinh viên trường Sư phạm mời trình bày bài làm của mình.
“Em nghĩ điều gì làm nên một giáo viên giỏi?”,
một sinh viên đặt câu hỏi.
“Em nghĩ rằng giáo viên giỏi phải cho học sinh thấy họ yêu thích
những điều họ dạy”,
Kate trả lời.
“Và làm cho học sinh cảm thấy thích thú với điều đó”,
Luis bổ sung
“Bạn phải cho học sinh biết bạn quan tâm tới họ và các học sinh
phải nhận ra điều đó”,
Ethan kết luận.
Cuối cùng khi được hỏi “mục đích trong tương lai của bạn là gì ?”
thì Luis trả lời: “Em muốn trở thành một giáo viên”, Kate thêm vào:
“Một giáo viên tiếng Anh”, còn Ethan toét miệng: “Em mong uớc sẽ trở thành một giáo sư Sử học hoặc Chính trị học…”
Cô giáo của các em viết tiếp: “Ngay khi tôi lau khô những giọt nước mắt, tôi biết mình thật may mắn. Tương lai về ngành giáo dục đã thoáng hiện ra trong tôi”.
Cũng có những bài viết nói lên sự bất cập của nền giáo dục Mỹ: Chúng tôi biết học sinh của mình và những câu chuyện của các em, vậy mà chúng tôi vẫn phải bắt các em làm những bài tập kiểm tra bắt buộc, vì đó là quy định. Người ta dựa vào kết quả của một bài kiểm tra để đánh giá –“mức độ rủi ro”. Nhưng giáo viên chúng tôi hy vọng
ở sự thành công của học sinh mình không chỉ trong bài kiểm ta. Chúng tôi hy vọng vào một xã hội văn minh hơn.
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn sách này… Tôi cho rằng mỗi thầy cô giáo trên bất kì quốc gia nào đều nhận ra bản thân mình, học sinh mình trong một hoàn cảnh tương tự như một trong số 95 bài viết của cuốn sách này. Nền Giáo dục của một đất nước được thực sự thay đổi tốt hơn không phải theo hướng từ trên dội xuống, mà phải bắt đầu từ tấm lòng của mỗi giáo viên ở mọi cấp học.
"Vài suy nghĩ khi đọc Người gieo hy vọng"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro