Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chap2. Cung Đường Lá Bay

 Mở mắt ra là thấy lá rụng. Mặc dù hôm nay chẳng có chút nắng nào ghé vào gọi tôi dậy, tôi cũng thức giấc bởi... một chiếc lá mơ hồ trong suy nghĩ! Chiếc lá ấy màu vàng nâu, chẳng hiểu từ đâu, như ngủ quên bên cửa sổ đã trăm năm. Con đường này hình như đã khác, ti-gôn ửng hồng một chiều bên phải, bên kia, một hàng dài cây sữa đứng ngủ vẫn không quên kéo mưa hoa làm hắc nồng cả một đoạn đường. Gió xào xạc dưới chân. Tôi dường như vẫn còn buồn ngủ nên không rõ là mình đi hay bay. Con đường này thực đã khác, không biết có phải vì đây là một buổi sáng đông lành lạnh, hay bởi vì có những cảm giác ở trong tôi đã không còn? Như một ô cửa bật mở trong giấc mơ làm tôi khẽ giật mình, ngay trước mặt tôi, chỉ cách một bàn tay nắm một bàn tay, như một cơn gió bay ngang qua đậu lại, chưa kịp lấy lại đều đặn nhịp tim, tôi đã nhận ra một điều tôi không chờ đợi. Chuông Gió. Chưa bao giờ khẩn thiết như lúc này. Gió! Làm ơn cuốn tôi đi...
1. Chuông Gió
 Thực ra cô ấy tên Linh, nhưng tôi thích gọi là Chuông Gió vì khi Linh cười rất giống một chiếc chuông gió nhỏ, thậm chí ngay cả khi khóc, cũng rất giống! Tôi và Chuông Gió đi chung một con đường đến trường. Con đường đầy ti-gôn, hoa sữa vào mùa thu và tràn ngập dã quỳ vào mùa đông. Tôi không chú ý đến hoa dù chúng rất đẹp. Tôi chỉ thích những cơn gió rất lạ nơi đây. Chúng có mùi tự do và thích đi hoang. Thỉnh thoảng gió cũng lơ là ghé vào vặt hoa sữa, nhưng hoa thì bay lên còn lá thì rụng xuống.
 Cung đường lá bay...
 Tôi luôn đi sau Chuông Gió, đủ xa để Chuông Gió không biết mình đang bị theo dõi, đủ gần để tôi có thể thấy những cử chỉ nhỏ và tưởng tượng ra nét mặt cô ấy. Trên con đường này, tôi như đi giữa một thảo nguyên xa xôi, tách biệt hẳn với những đại lộ ồn ã và luôn chật cứng ngoài kia. Nơi đây chỉ có tôi và Chuông Gió. Ngày đầu tiên đi học khi mới chuyển trường, tôi đã mặc định trong đầu một hình ảnh như đi ra từ cổ tích. Buổi sáng đầu đông, em bé bán bánh dạo đang cố kiễng chân lên với chùm hoa ti-gôn hồng rực trước cổng một ngôi nhà rất lớn, được xây theo lối kiến trúc cổ của Pháp. Kì thực thì nó giống như một lâu đài loại trung. Tôi định rằng sẽ bước nhanh đến hái hoa cho em, tránh cho em khỏi bị mắng nếu chủ nhà phát hiện. Nhưng chưa kịp thì một cô gái đã bước ra từ sau cánh cổng, mái tóc dài dập dờn như một màn sương. Thật sự khi ấy tôi liên tưởng tới công chúa ngủ trong rừng, nhưng thay vì đợi hoàng tử thì công chúa ra tay nghĩa hiệp cứu em bé bán bánh mì. Đáp lại sự bất ngờ và hoảng sợ của em bé, "chủ nhà" ngắt chùm ti-gôn đặt vào bàn tay nhỏ xíu rồi cởi chiếc khăn mỏng trên cổ quàng qua vai em. Tôi bất giác mỉm cười như tên ngốc, đứng lặng thinh như chú lính chì mỏi chân. Không thấy khuôn mặt phía trước màn sương ấy, tôi chỉ nghe thấy tiếng cười của hai thiên thần buổi sớm, leng keng, leng keng... Từ đó, bước sau Chuông Gió và quan sát gió đùa với tóc cô ấy trở thành thói quen thân thuộc hàng ngày, làm cho những bình minh của tôi vừa mơ vừa tỉnh. Không phải tôi không thích hoa mà không nhận ra sự rực rỡ hai bên đường. Khi Chuông Gió đi phía trước, tôi chẳng còn nhìn thấy một màu hoa nào cả. Đó là Chuông Gió của cung đường lá bay.
 Linh là lớp trưởng lớp tôi, chúng tôi học chung lớp. Ở trường cô ấy như một chiếc chuông gió trong bão, hay ít nhất cũng rung chóng mặt trước gió cấp mười. Chuông Gió không bao giờ tĩnh lặng. Xoay xở với cả đống chuyện học hành và công việc nhưng lúc nào Chuông Gió cũng cười, leng keng, leng keng. Dĩ nhiên ai cũng yêu quý Chuông Gió, trừ tôi. Dường như ở lớp, tôi trở thành kẻ phá đám lớp trưởng, thờ ơ và không bao giờ tham gia hoạt động của lớp, cố tình quên lịch ngoại khóa. Và điều cuối cùng, luôn là điều khó chấp nhận nhất, nếu không muốn nói là không thể chấp nhận được, tôi hay ngủ trong giờ học. Mặc cho thứ bảy nào cũng được lớp trưởng ra rả bài ca học sinh gương mẫu, nhưng tôi vẫn cứ "vô tình" ngủ quên vào một số giờ nhất định. Lạ là Chuông Gió ngồi ngay trên tôi, nhưng không bao giờ quay xuống gọi hay gõ cho tôi một cái để tôi tỉnh ngủ. Tôi chỉ tỉnh táo vào giờ vật lý. Tôi thích những thứ rõ ràng, những định luật, những biểu hiện không dài dòng và biến đổi theo quy luật. Nhưng tại sao tôi thích nghe tiếng "leng keng"?!
 Một con người giỏi giang như vậy mà chịu bị một kẻ khó ưa chống đối chắc là không dễ chịu gì. Chuông Gió đã tìm được cách phá đám lại tôi. Đúng là những người giàu có thì không bao giờ hết tham vọng. Cô chủ nhiệm giao cho lớp làm thực hành vật lý ứng dụng, Chuông Gió đã xung phong ngay, thế là tốt rồi, cả lớp được nhờ, chỉ cần tìm thêm một đồng sự nữa thôi. Tôi úp mặt xuống bàn. Bỗng nghe loáng thoáng ai nhắc tên tôi. Chuông Gió quay xuống. Lần đầu tiên tôi nhìn trực diện nụ cười ấy:
- Phong! Tớ với cậu sẽ bắt đầu từ ngày mai!
Tôi vò đầu trước "quân lệnh", đứng dậy:
- Cậu tự làm đi, tôi không thích!
 Và Chuông Gió đến ngay chiều hôm sau. Làm sao cô ấy biết chỗ căn nhà chúng tôi mới đến? Tôi chắc chắn rằng tuy chung đường nhưng tôi chưa lần nào để cô ấy thấy. Mang bộ mặt "tiễn  khách" ra mở cổng, tôi càu nhàu:
- Cậu đến đây làm gì?!
Chuông Gió đẩy cánh cổng chen vào:
- Quân tử nhất ngôn, đã hứa với cô thì phải làm.
- Đấy là cậu chứ không phải tôi.
- Nhà cậu có nhiều hoa dã quỳ nhỉ?
Phải rồi, Chuông Gió, cô ấy luôn có cách để leng keng, cười bất kể khi nào thích, làm những gì mình muốn, bao gồm cả việc làm cau có thêm cái bộ mặt (cố) tỏ ra đáng ghét của tôi. Đừng lại gần, đừng chạm vào, tôi chỉ muốn nhìn Chuông Gió từ xa. Vậy mà, Chuông Gió đã bước vào cuộc sống của tôi không chút rụt rè nào...
 - Chưa đến mùa đông thì dã quỳ chưa nở!
Tôi chẳng hiểu mình vừa lảm nhảm cái gì nữa. Chuông Gió cười, lại leng keng. Tôi thở dài:
- Bên trong nhỏ lắm, nếu cậu muốn có đủ không khí để thở thì không nên vào.
 Chuông Gió chẳng nói gì, đi thẳng vào trong, thật may ba tôi không có nhà. Từ khi gia đình tôi phá sản, tiền và vật chất trở nên quan trọng với tôi hơn bất cứ thứ gì. Dù ba mẹ luôn luôn cãi nhau trước lúc xảy ra chuyện đó, dù cho họ dường như chẳng hề yêu nhau, tôi vẫn tin nếu không có sự suy sụp về vật chất thì tình trạng có tệ đến đâu vẫn cứu vãn được. Những ngày ấy, mẹ khóc mỗi đêm trong tiếng vỡ của cốc chén. Tôi hiểu rượu không giúp người ta lấy lại tiền bạc, nhưng có thể làm đau thêm nhiều chỗ khác để tạm thời quên đi một chỗ đau. Những ngày như thế là tồi tệ, và những ngày sau đó là vô cùng tồi tệ. Mẹ đã rời khỏi sự ràng buộc, rời khỏi thiên chức vì tôi bấy lâu nay để tới những chân trời mới, tự do, ít nước mắt hơn. Mẹ yêu tự do, yêu những cơn gió bất định. Mẹ yêu tôi, nên tên tôi là Tĩnh Phong. Tôi biết dù có ở đâu, mẹ cũng vẫn yêu tôi như vậy. Mẹ nói với tôi: "Mẹ xin lỗi", tôi chỉ còn nói được đúng một câu: "Mẹ đi cẩn thận" khi ôm bờ vai run rẩy từng hồi của mẹ. Liệu không có những mất mát về vật chất, chúng tôi có phải chia ly? Hay đó chỉ là một lý do giúp giải thoát những cơn gió bị buộc lại bấy lâu nay?
 Ba và tôi đã để mất người phụ nữ quan trọng nhất theo cách ấy. Chúng tôi chuyển đến ngôi nhà mới, nhỏ hơn nhiều so với những ngôi nhà mà tôi từng sống, nhưng tôi tìm thấy sự bình yên. Ở đây có rất nhiều hoa dã quỳ, loài hoa mẹ thích nhất. Và tôi, tôi không muốn một xáo trộn nào trong cuộc sống này nữa, như vậy là quá đủ, con lắc đã đứt dây thì không nên nối lại làm gì cả, dao động thêm những quỹ đạo tật nguyền, để rồi lại rơi thêm lần nữa, xa hơn. Dã quỳ chưa nở. Hàng đêm ba tôi vẫn gục đầu bên ly rượu. Tôi vẫn luôn chờ tiếng cửa phòng ba đóng lại, rồi mới nhắm mắt. Sáng ra sàn nhà lại đầy mảnh vỡ. Ba uống cả nỗi cô đơn!
 Tôi dán mắt xuống sàn nhà để đảm bảo rằng không có mảnh thủy tinh nào cứa vào chân Chuông Gió. Chuông Gió sà đến bên cái lăng kính của tôi trên cửa sổ. Tôi làm nó từ những mảnh vỡ của chai thủy tinh, chắp vá, đặt nó về phía đằng đông, tia nắng đầu tiên len lỏi qua những mặt kính sẽ rọi thẳng vào mặt tôi, gọi tôi dậy để tiếp tục đến trường... ngủ, nếu không tôi chẳng biết mình sẽ ngủ tới bao giờ. Một vài mảnh vỡ đủ tạo ra một bắt đầu.
- Cậu làm phí cả một tài năng đấy!
Tôi không ngẩng lên mà giả vờ chú tâm sắp xếp lại đồ đạc trên... mặt bàn! Chuông Gió bắt đầu công việc. Cô ấy leng keng một hồi về nhiệm vụ được giao. Tôi chẳng biết cô ấy nói gì chỉ cảm thấy cái âm điệu ấy rất vui nhộn như một bài hát cho trẻ con.
 Chúng tôi làm tàu thủy hơi nước. Thực ra không phải chúng tôi, mấy buổi đầu, tôi để Chuông Gió độc thoại một mình, tôi chỉ bò ra bàn, nghe hoặc chúi mũi vào mấy quyển sách về vũ trụ, kì thực chẳng có chữ nào vào đầu cả. Ngày nào căn gác nhỏ của tôi cũng đầy gió. Leng keng. Đến lúc thấy cô ấy cứ loay hoay mãi, dự án trì trệ đến nghiêm trọng, tôi buông thõng một câu:
- Để đấy đi, từ mai cậu không phải đến nữa đâu!
- Tớ không phải cái gì cũng giỏi! - Chuông Gió cười, tiếng cười rất vang xa.
2. Những ngày thật khác
 Chuông Gió không đến thật. Nhưng từ hôm ấy, tôi "phải" đi học cùng Chuông Gió. Bước ra khỏi đám dã quỳ bên đường, tôi đã thấy Chuông Gió chờ tôi ở đó, chân phải mân mê một viên sỏi nhỏ, tay xoay xoay chiếc lá. Trông cô ấy như một cô tiên bé nhỏ hoặc cô bé Heidi của thảo nguyên. Tôi cố tình đi thật chậm, bước qua Chuông Gió thì rất nhanh. Nhưng Chuông Gió không để cho tôi có được một giây "bình yên". Chuông Gió bắt tôi phải mang những gì đã làm đến cho cô ấy xem. Chuông Gió nhận viết báo cáo nhưng chỉ ghi tên tôi. Tôi không đồng ý. Vậy là bản báo cáo ghi tên hai đứa.
 Bản báo cáo là một cái kết tạm cho câu chuyện những bước chân theo sau những bước chân.
 Tôi không hiểu thứ ma lực gì có thể làm một chiếc chuông rung lên hàng trăm tiếng, lại chẳng tiếng nào giống nhau? Cô nàng lớp trưởng uy quyền dễ mến ở lớp và cô tiên nhỏ trên cung đường lá bay, Chuông Gió mãi mãi là Chuông Gió, khi thì làm từ nước, khi thì giống thủy tinh. Chuông Gió thích Mac Levy, một nhà văn tôi cực kỳ yêu thích. Ông có cái định đồ về thời gian, về giá trị mà bất cứ một kẻ ám thị nghiện thời gian nào cũng đều mơ ước. Chuông Gió thích lego và nhạc Trịnh, hoa dã quỳ. Chẳng một thứ nào liên quan đến nhau. Nhưng có lẽ, cô ấy cũng thích tự do và hàn gắn những mảnh ghép rời rạc. Tôi bỗng mường tượng ra khung cảnh Chuông Gió khóc. Một cô gái như vậy mà khóc trong một chiều mưa, chắc chẳng còn cơn gió nào đi đúng đường cho nổi. Những cái lắc đầu, những cử chỉ giống như trẻ nhỏ và tiếng cười quen thuộc, leng keng, tự lúc nào đã làm tôi thôi không cau có, thỉnh thoảng bật cười:
"Đồ ngốc!".
Chuông Gió quay sang tôi, cũng cười:
"Cậu cũng là đồ ngốc".
 Tôi chưa một lần dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy. Mỗi lần như thế mặt tôi nóng ran lên. Tôi lại bước nhanh hơn để đảm bảo Chuông Gió không nhìn thấy nếu máu nóng có lỡ tích tụ quá nhiều trên mặt. Tôi không muốn bị xáo trộn quá nhiều. Tôi có thể không nhìn Chuông Gió, nhưng không làm sao điều khiển được lòng mình. Mọi thứ đã rối tung lên. Trung khu vốn vẫn im lặng, mờ tối giờ nhộn nhạo một chút, hé sáng một chút. Hình ảnh ấy vẫn chỉ dịu dàng thôi, không chói mắt nhưng làm tôi lo sợ. Tự trấn an, tôi là Tĩnh Phong kia mà. Những điều đẹp nhất rồi cũng sẽ ra đi. Nếu bắt đầu thì sẽ có kết thúc, như con đường này, đi mãi cũng hết mà thôi. Tốt nhất, đừng thay đổi điều gì cả. Tôi vẫn tưởng chỉ gió lay động, làm đổi chiều thứ khác, chứ không thể nghĩ đến gió có thể xoay chiều vì chuông gió. Tôi có còn là Tĩnh Phong? Tôi không biết nữa nhưng Chuông Gió vẫn leng keng. Ti-gôn ửng hồng. Chúng tôi cứ đi cạnh nhau như thế, Chuông Gió nói, tôi cười, "đồ ngốc".
 Một ngày chớm đông, Chuông Gió nhờ tôi đưa ra phố. Cô ấy muốn đan khăn tặng mẹ làm quà sinh nhật. Tôi tự hỏi tại sao cô gái con nhà giàu có như vậy lại thích làm mấy thứ thêu thùa đan lát, mất thời gian. Tôi thường thấy họ tặng nhau những món quà đắt tiền. Chuông Gió yêu mẹ. Dù mẹ cô ấy ít quay đầu lại khi Chuông Gió chào để đi học. Ngày xưa, tôi học lớp một hay lớp mười, cứ bước ra khỏi nhà là mẹ sẽ dặn dò đủ thứ, đi đứng ra sao, rồi sẽ dáo dác nhìn đến khi nào tôi đi khuất.
 Tôi thực lòng chẳng muốn dạo phố làm gì cả, càng không muốn đi khi đằng sau là một cô gái. Không biết Chuông Gió mà rơi xuống đất thì âm thanh sẽ thế nào, tôi không dám nghĩ tiếp. Nếu chẳng phải vì Chuông Gió mới bị trật chân trong giờ thể dục bữa trước, tôi sẽ không chịu chở báu vật đi khỏi hoang đảo. Ngồi sau tôi, Chuông Gió ngoan ngoãn như em bé đi nhà trẻ. Qua những đoạn đường đông, Chuông Gió níu lấy hai vạt áo tôi, không giấu giếm. Tôi nghe rõ nhịp thở của cô ấy nhanh hơn, dù rất nhẹ. Chuông Gió sợ xe cộ và sợ sang đường. Tôi nghe tiếng của con lắc gõ trong lồng ngực, muốn có sức mạnh siêu nhiên để nhấc con đường này nghiêng cho xe cộ trôi tuột xuống. Còn mình tôi leo lên, mang theo Chuông Gió như đi chinh phục Everest vậy.
 Chọn xong những thứ cần, Chuông Gió ôm chúng vào lòng. Những hạt mưa lất phất rơi xuống tôi và Chuông Gió. Tôi nghe tiếng leng keng, không phải tiếng cười. Chuông Gió đưa ra trước, kéo kéo tay tôi. Thấp thoáng trước mắt tôi, một chiếc chuông gió bằng sứ màu xanh lá.
- Cậu có biết chuông gió tiếng Hán Việt là gì không? Là phong linh!
 À, phong linh là chuông gió, Chuông Gió là Phong Linh. Từ Hán Việt. Không biết Chuông Gió chỉ buột miệng nói ra để minh họa thêm cho cái phong linh cô ấy vừa mua hay còn có ý khác. Nhưng tôi bỗng đâm thích cái từ Hán Việt ấy. Thật may là tôi và Chuông Gió đi xe đạp nên tôi không phải "bước thêm hai bước". Đường tràn ngập gió. Chưa đến mùa đông, nhưng sao trong lòng tôi, dã quỳ đã rực lên một góc. Tôi là Tĩnh Phong?!
 Bất chợt chiếc chuông gió màu xanh lá rơi xuống chân tôi, vỡ tan! Tôi ngoái lại, Chuông Gió như ngây dại nhìn sang bên kia đường. Theo ánh nhìn của cô ấy là một người phụ nữ mặc juýp đỏ. Đúng là mẹ Chuông Gió không sai. Sai ở chỗ, ôm eo người phụ nữ xinh đẹp ấy, không phải ba của Chuông Gió. Tôi nghe thấy tiếng nấc phía sau mình. Mười bảy năm, tôi mới chỉ nhìn thấy hai người khóc, một người phụ nữ là mẹ tôi và một cô gái tôi đã từng gặp trong quá khứ. Người thứ ba lại là Chuông Gió - người mà tôi đã từng nghĩ sẽ có bão nếu cô ấy rơi nước mắt. Chân tay tôi bủn rủn không còn chút sức lực nào. Thật ngu ngốc nhưng tôi thực sự sợ khi nhìn thấy một cô gái khóc, dù có phải lỗi của tôi hay không, hơn tất cả, người con gái ấy là Chuông Gió. Đầu óc tối tăm chẳng còn thấy gì nữa, tôi đâm thẳng lên vỉa hè. Chuông gió rơi vỡ. Chuông Gió của tôi rốt cuộc cũng rơi.
 Trời sắp tối, còi xe inh ỏi, mưa càng lúc càng nặng hạt. Tôi ngồi nhìn Chuông Gió khóc sau khi đã yên tâm cô ấy không bị thương chỗ nào, ngoại trừ cái chân đau. Nếu Chuông Gió nhỏ hơn một chút nhất định người ta sẽ đưa cô ấy đến nơi thông báo tìm trẻ lạc. Nhưng Chuông Gió là một cô gái với mái tóc như màn sương sau lưng. Lại còn thêm tôi, một thằng ngốc đờ đẫn bên cạnh. Chúng tôi như hai đứa trẻ ngồi nghịch đất giữa đường phố Hà Nội. Khi người ta thấy hai đứa trẻ ngồi bệt cạnh nhau, một đứa đang khóc thì nhất định sẽ cười mà đi qua và không can thiệp, để cho đứa bắt nạt bạn dỗ đứa kia nín. Tôi chẳng tìm được kẹo hay lý do gì chính đáng để dỗ Chuông Gió vì chính tôi cũng đang bối rối quá. Chuông Gió khóc như những vòng dây cuộn vào nhau, mỗi cơn gió thốc tới, cả cuộn dây rối tung ấy va đập, không còn phát ra tiếng leng keng nữa sắc và lạnh, cứa vào gió. Mưa dập cả khóm dã quỳ mới nở.
 Xe hỏng, tôi gửi tạm vào một nhà ven đường. Chuông Gió khóc như một dòng sông, cái áo khoác của tôi đã ướt đẫm, không những không đủ che cho Chuông Gió mà còn làm cô ấy ướt thêm. Tôi cõng Chuông Gió trên lưng, giữ thật chặt, nếu không tôi sợ mưa sẽ cuốn trôi cô ấy đi mất. Mưa ngớt rồi nhưng nước vẫn không ngừng chảy từ vai áo tôi làm lạnh cả sống lưng. Tôi chợt nhớ ra câu nói khiến cô gái đầu tiên trong quá khứ tôi bắt gặp đang khóc tự lau nước mắt và mỉm cười.
"Mưa thôi khóc rồi, nên cậu cũng bắt chước đi!".
Nhưng chẳng hiểu tại sao khi thốt ra với Chuông Gió, nó lại méo mó theo cách khác:
- Mưa thôi khóc rồi, nhưng cậu muốn thì cứ khóc.
- Tớ... xin lỗi!
Từ trước đến giờ, khi nghe hai tiếng xin lỗi, lần nào cũng như cứa vào tim tôi một nhát. Tôi nghe thấy tiếng trái tim Chuông Gió đang đập như tiếng nấc.
- Chẳng lẽ... tớ nghèo khổ đến mức chỉ còn tiền thôi sao?
Tôi ngửa mặt lên hứng mưa. Hóa ra Chuông Gió không phải là cô gái hạnh phúc nhất thế gian như tôi nghĩ. Ba mẹ cô ấy chẳng thương nhau. Và kết quả của cuộc hôn nhân không có tình yêu cũng chẳng được quan tâm cho xứng đáng. Ngày ba bữa, Chuông Gió ngồi với con mèo. Khi cô ấy đã ngủ thì ba mẹ chưa về. Chuông Gió chỉ dám nhìn trộm ba vào sáng sớm, không dám làm phiền người đàn ông thành đạt quá bận rộn. Tôi thấy sự hạnh phúc trong mỗi câu chào mẹ của Chuông Gió, nhưng sau đó mắt cô ấy liếc vội đi chỗ khác. Lâu đài ấy thực ra là nhà đá. Bao nhiêu năm tháng sống gần như một mình trong đó, Chuông Gió chỉ còn cách tự cười để tự sưởi cho trái tim bé nhỏ chằng chịt vết thương của mình. Họ kiếm tiền và để tiền thay họ yêu thương con gái. Thậm chí cô bé bán diêm còn có một người bà và một người mẹ yêu thương em thật sự. Chuông Gió thực sự nghèo, cô ấy chỉ có tiền mà thôi. Những nỗi lòng ấy không thể nói với ai. Người ta luôn mặc định những người giỏi giang và hay cười thì chẳng còn gì mà phải sầu khổ. Nhưng chẳng ai nhớ rằng cái vỏ con ốc có cứng cũng chỉ là để che đi phần mềm yếu, dễ bị tổn thương bên trong. Khi sự tổn thương ấy không thể nói ra bằng miệng thì sẽ quay trở lại và hành hạ trái tim. Trái tim câm lặng, chịu đau và ròng ròng chảy máu. Ngày hôm ấy, chắc hẳn trái tim Chuông Gió bị đánh gục, mặn và chua chát, tràn ra, thấm vào áo tôi. Những ấm ức lâu nay, những tủi khổ một mình chịu đựng, Chuông Gió nói cho bằng hết, với mưa, với gió... Mưa đã tạnh nhưng trên mặt tôi vẫn còn nước. Phải, có tiền thì vẫn cứ nghèo thôi. Ít ra tôi còn biết mẹ tôi chắc chắn vẫn yêu thương tôi như vậy, buổi sáng thức giấc thấy trời đổi gió lạnh, lại gọi và nhắc tôi mặc áo ấm. Ba tôi, có thể ông lấy rượu làm bạn, nhưng lý do ông vẫn sống và làm việc là vì tôi. Tôi đã từng thử nhấp một ngụm rượu nơi đáy chén, cay đắng lắm chứ chẳng ngon ngọt gì. Tôi vẫn giàu lắm!
 Chuông Gió ngủ trên lưng tôi từ lúc nào. Giá như có thể để cô ấy vào trong túi, tôi sẽ đeo lên cổ ở phía trước trái tim mình. Chuông Gió nhỏ bé và đáng thương như thiên thần đi lạc. Trái tim tôi tuy cũng chẳng còn lành lặn nhưng đủ ôm Chuông Gió vào lòng để cô ấy có thể khóc bất cứ lúc nào đau lòng mà không phải cố leng keng nữa. Trời mưa, chuông gió bất động. Bước đến hàng rào ti-gôn, những chùm hoa còn mọng nước, mẹ Chuông Gió đã đứng đó từ bao giờ. Tôi không muốn trao Chuông Gió cho bà ấy chút nào nhưng tôi đâu có là gì. Người cứu nạn khi mọi thứ đã bị lũ nhấn chìm ư? Bà đỡ lấy Chuông Gió, giờ đã như con mèo ướt, cảm ơn rồi phẩy tay ra hiệu cho tôi về. Tôi lững thững trở về như tướng thất trận, bước hụt mãi.
 Hai ngày sau đó, chính tôi là kẻ chờ đợi dưới hàng rào hồng rực, Chuông Gió nghỉ học liền hai ngày. Chắc dầm mưa đã làm cô ấy ốm. Tôi hoang mang khi không còn cơn gió nào ghé qua con đường đầy lá. Lá rơi xuống, chỉ một tiếng lạnh lẽo, không bay đi. Ngày thứ ba, bước ra từ cánh cổng ti-gôn là mẹ của Chuông Gió. Bà đi thẳng đến chỗ tôi. Tay chân tôi trở nên cực kỳ thừa thãi. Tôi bối rối, nửa muốn hỏi xem Chuông Gió ra sao, nửa muốn bỏ chạy.
- Cháu là bạn thân hay là gì với Linh?
 Đến lúc đó, tôi mới nhận ra. Phải, chúng tôi là gì của nhau? Đi cùng nhau trên cùng một con đường từ mùa này sang mùa khác, những nụ cười cùng với ti-gôn, với dã quỳ, chưa từng ai nói với ai, đối với tớ, cậu là thế này, thế kia. Vậy chúng tôi là gì của nhau??? Bạn thì không hẳn, anh em thì không phải. Yêu?! Tôi chẳng định hình được những gì diễn ra trong tâm trí tôi có phải là tình yêu hay không. Chỉ đơn giản, tôi muốn che chở, bảo vệ cho Chuông Gió, muốn lắng nghe cô ấy nói và cười, muốn là bờ vai để cô ấy khóc, muốn bước sau cô ấy, muốn là gió cô ấy có thể leng keng, chỉ đơn giản là như thế. Liệu tình yêu có giản đơn như thế hay không?!
 Có lẽ cái bản mặt ngây ngây của tôi tạo cho người đối diện cảm giác tôi sẽ chẳng nặn ra được câu trả lời nào cả. Mẹ của Chuông Gió nói những gì tôi không nhớ nữa và cũng không muốn nhớ:
- Trước đây tôi đã nói với con bé về việc sẽ sang Mỹ học, nó đã chấp nhận. Nhưng không hiểu sao, mấy hôm nay khi bàn đến việc chuẩn bị đi thì nó nhất định không chịu nữa. Tôi nghĩ hai đứa nên tách ra một thời gian để Linh có thể dễ dàng chấp nhận rời khỏi đây, tương lai vẫn quan trọng hơn những trạng thái tạm thời. Cháu hiểu chứ?!
 Tôi "dạ", mặc dù chẳng hiểu gì. Tương lai, Chuông Gió sẽ bị đưa đến một nhà đá khác. Khó khăn lắm mới có thể mở lòng với một ai đó, Chuông Gió lại chuẩn bị khóc một mình trong mưa mà không có ai bên cạnh. Tôi muốn đem Chuông Gió chạy trốn, bỏ lại tất cả những quy tắc, những nỗi đau. Nhưng tôi là gì, tôi là gì của Chuông Gió mà mang cô ấy đi?! Gió làm Chuông Gió leng keng nhưng không thể đưa chuông gió đến nơi nào không có gió. Tai tôi ù đi. "Những trạng thái tạm thời" sao làm tôi đau đến choáng váng. Những gì tạm thời thường mạnh mẽ và sắc nhọn đến thế sao?
 Những lời tôi không muốn nhớ của mẹ Chuông Gió đã đưa tôi trở về điểm xuất phát.

ĐIỂM XUẤT PHÁT
1. Phong
 Tôi trở lại những chuỗi ngày đi sau Chuông Gió. Cô ấy đứng đợi tôi rất lâu dưới hàng rào ti-gôn, đôi mắt như thôi miên nhìn về phía những khóm dã quỳ nơi bắt đầu con đường. Ai đó nhẫn tâm treo thêm vài quả nặng vào con lắc trật nhịp của tôi làm nó va đập lung tung chẳng còn theo quỹ đạo nào cả. Tôi vỡ bên này, vỡ bên kia. Ở sau đám dã quỳ, qua mắt lá, Chuông Gió nhỏ bé đi rất nhiều, gầy và xanh xao hơn. Màn sương mỏng mảnh bay nhè nhẹ, hoa sữa rơi trên đôi mi như quét mực tàu. Tôi không nhìn Chuông Gió nhưng hình ảnh cô ấy vẫn luôn ở trong tôi. Tôi muốn chạy thật nhanh đến cánh cổng ấy, cầm lấy bàn tay lành lạnh của Chuông Gió để đưa cô ấy đi, để bàn tay ấy có thể được an ủi trong bàn tay tôi. Tôi muốn ôm cô gái bé nhỏ ấy vào lòng, vuốt nhẹ lên mái tóc để xoa dịu những thổn thức, nơi ngực áo, trái tim tôi cũng đang run rẩy. Tôi muốn......
 Nhưng đôi chân tôi, giây phút ấy dường như đã chết vĩnh viễn dưới gốc dã quỳ. Tôi chỉ thấy Chuông Gió quay đi, bước một mình trên cung đường lá bay, đầu nghiêng sang bên phải bằng một cử chỉ quen thuộc. Đi ra khỏi đám dã quỳ, tôi nép sát vào tường rào 31d7 ầy hoa ti-gôn, hoa rụng xuống cổ, xuống vai. Thật may Chuông Gió không một lần quay đầu lại. Cô ấy vẫn luôn như thế, đi về phía trước, không ngoảnh lại. Tôi là gió, là gió thì phải được tự do. Tôi cũng nên để những yêu thương của mình đuợc tự do. Chuông Gió đi về phía tương lai của cô ấy, tôi chẳng có quyền gì ngăn cản, chỉ sợ rằng một ngày Chuông Gió bị đau chân không thể tự đi, bị mắc mưa, sẽ không có ai cõng cô ấy về, không còn ai lau đi dòng nước mắt không bao giờ cạn trên khóe mắt cô ấy.
 Chuông Gió sẽ ổn thôi, không phải cơn gió này thì sẽ có cơn gió khác khiến cô ấy leng keng!
 Vậy còn tôi? Tôi chưa rõ mình sẽ thế nào nếu phía trước kia chỉ là khoảng không trống trải. Cô ấy làm sống lại một nửa con người tôi đã chết. Tôi chẳng làm được gì cho cô ấy, ngay khi Chuông Gió có thể mở cánh cửa nội tâm để tháo bớt nỗi buồn ra ngoài, thì tôi chạy trốn, đóng vai một kẻ hèn nhát. Không có chuông gió, gió sẽ đi đâu cho hết những khoảng không im lặng?
 Đến lớp, tôi trở lại với thói quen gần như đã bỏ. Nhưng dù gục mặt xuống bàn, tôi cũng không tài nào ngủ được. Trong tất cả những giấc mơ đều nghe tiếng leng keng, leng keng. Chuông Gió đã cột tóc lên, người ta nói khi con gái cột tóc lên thì có điều gì đó đã đổi thay. Chuông Gió, hãy cứ đi. Nơi nào cũng có gió, hãy cứ đi, đừng sợ. Chuông Gió ngồi ở bàn trên tôi, vẫn chỉ cách một bàn tay nhưng sao tôi thấy cái bàn tay ấy có thể đo được nửa vòng trái đất. Tôi gắn lại chiếc chuông gió sứ xanh lá, từng mảnh một. Nó có sẹo và phát ra những âm thanh trầm hơn hẳn. Tôi đặt chiếc chuông ấy vào ngăn bàn Chuông Gió. Mấy hôm nay, mẹ Chuông Gió đưa cô ấy đi học.
 Chuông Gió sắp bước trên những con đường mới. Còn tôi vẫn đếm từng mũi giày trên cung đường lá bay. Không còn màn sương phía trước. Ti-gôn ngủ gục, tôi ngủ gục. Tôi! Có lẽ nên mãi mãi là Tĩnh Phong?
...
Kìa!
 Là Chuông Gió, không sai. Sai ở chỗ, cô ấy đang đứng đối diện tôi, chưa một lần ngay cả trong tưởng tượng, tôi thấy mình như lúc này. Chuông Gió như từ cổ tích bước ra. Những bước chân vô định của tôi gặp cô ấy tại đây, mặt đối mặt, mái tóc mỏng manh như một màn sương giữa cung đường lá bay...

2. Linh
 Ngay từ lần đầu tiên gặp, tôi đã nhận ra cậu ấy. Gió! À không, là lần thứ hai!
Tôi còn nhớ như in buổi sáng mùa thu, chiếc xe đạp trở chứng giữa đường. Mưa! Tôi loay hoay giữa bao nhiêu là lá rụng. Mẹ thì tắt máy, bố cũng chẳng buồn nghe. Tôi phải làm sao? Bài thi không còn trong đầu tôi nữa. Tôi nhớ lại những tháng ngày qua, tôi như sống một mình trên trái đất này. Lạnh lắm! Bố mẹ tôi sống mà chẳng thèm nhìn nhau. Tất nhiên tôi chắc cũng là vô hình. Tôi ngoan ngoãn và giỏi giang, tôi có thể tự lo cho mình. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được tất cả. Có những khi bất lực, tôi chới với trong khoảng không, rơi và rơi mãi. Tôi đã thôi không khóc nữa. Tôi chỉ muốn giữ những cảm xúc yếu đuối ấy cho riêng tôi. Và chắc là nụ cười sẽ hong khô tất cả... Bây giờ nụ cười làm đóng băng những vết thương lại. Nhưng lúc ấy, chẳng hiểu sao nước mắt tôi đã chạy vòng quanh. Tôi bất lực trong thế giới toàn người là người, không ai quen biết tôi, không ai cả. Sao tôi lại có thể khóc giữa chốn đông người như vậy? Mặc kệ, đâu có ai quen biết tôi. Nếu có nước trong mắt đó cũng chỉ là nước mưa.
 Rồi như từ cổ tích xuất hiện, Gió đến. Cậu ấy không nhìn tôi, chỉ lặng lẽ đưa cho tôi chiếc khăn tay, thản nhiên như việc đánh răng rửa mặt vào buổi sáng. Mặc cho tôi ngồi bệt trên vỉa hè trố mắt nhìn, Gió bắt đầu sửa xe cho tôi cũng với thái độ thản nhiên như cậu ấy đã từng sửa hàng trăm lần chính chiếc xe này. Tôi vội vã ghi nhớ tất cả những gì thuộc về cậu ấy. Lá vàng bay sượt qua vai, mưa dịu dàng đậu lại trên mái tóc rối, khóe mắt cậu ấy luôn buồn rầu. Xong xuôi, Gió dựng chiếc xe đạp đứng lên, trước khi đi còn để lại một câu, tôi đã luôn ghi nhớ nó...
"Mưa thôi khóc rồi, nên cậu cũng bắt chước đi!".
 Tôi đã luôn tự thấy bản thân mình ngu ngốc vì thậm chí cái tên của cậu ấy tôi cũng không biết. Cứ tự hỏi liệu hôm ấy Gió có bị muộn mà phải bỏ thi không? Có lẽ chỉ hôm sau thôi, cậu ấy sẽ chẳng còn nhớ tí gì về con ngốc ngồi khóc bên đường. Nhưng mùa thu ấy đã đi vào tim tôi với hình ảnh Gió. Có gì đó trong tôi đã tan ra một chút.
 Cổ tích lặp lại, tôi gặp lại Gió vào năm lớp mười một. Chính cậu ấy chứ không phải ai khác. Những ký ức vẫn còn tươi nguyên giờ nở bừng lên như khóm dã quỳ. Cậu ấy... không nhớ tôi!
 Tôi hay ngồi lặng nhìn Gió ngủ, phải kiềm chế lắm mới không vuốt mái tóc đã từng lấm chấm nước mưa của cậu ấy. Gió là Tĩnh Phong, một cơn gió đi hoang kia mà. Tôi thích giang tay lao xuống dốc để bắt những cơn gió thổi ngược. Nhưng Tĩnh Phong, dù cố gắng, đi ngược hay đi xuôi, tôi cũng không nắm bắt được cậu ấy bao giờ.
 Tôi và Gió đi chung đường. Có lẽ một thời gian dài, Gió không hề biết tôi luôn đi sau cậu ấy khi về nhà. Gió đi trên những vụn hoa ti-gôn hồng. Gió đi về phía dã quỳ nơi bắt đầu cung đường lá bay. Gió đi trong giấc mơ của tôi! Tôi đã tìm được sự may mắn hiếm có để đi chung với Gió. Chân cậu ấy rất dài, nếu đi sau, tôi sợ không theo kịp. Gió vẫn tĩnh nhưng cậu ấy đã cười. Thật sự nụ cười ấy là của buổi sáng sớm, nhưng đến đêm, nó vẫn khiến tôi không tài nào ngủ được. Chúng tôi cứ thế, đi cạnh nhau qua mùa lá rụng, qua mùa ti-gôn, qua mùa dã quỳ. Chưa ai từng nói với ai, đối với tớ, cậu là thế này, thế kia. Nhưng tôi thấy điều đó thực sự chẳng cần thiết nữa. Tôi chỉ cần trên cung đường lá vẫn bay và gió vẫn thổi. Tôi không hiểu sao cứ mỗi lần nỗi đau của tôi trào ra ngoài không gì ngăn chặn nổi, khi tôi trở thành một đứa trẻ vô dụng thì người ở bên tôi luôn luôn là Gió. Tôi bay trên lưng của Gió, nước mắt ướt đẫm hai má. Tôi dụi đầu vào vai cậu ấy thấy tim mình ấm hẳn. Những gì tôi giấu cho riêng mình bấy lâu nay đã gửi vào Gió. Lần này, Gió bảo tôi cứ khóc, đừng bắt chước mưa tạnh làm gì. Tôi khóc, cho cả trái tim trống vắng của Gió, tôi biết Gió chỉ sống với ba, tôi biết cậu ấy cũng nghèo như tôi. Tôi ngủ gục để mặc trái tim mình lang thang trong Gió. Khi tỉnh dậy, tôi mới chợt nhớ ra, chuông gió sứ xanh lá, món quà tôi định tặng Gió, đã rơi vỡ ở nơi nào?Mẹ muốn tôi đi chung đến nơi có tình yêu mới của mẹ. Mẹ vẫn lo cho tôi, lo cho tương lai của tôi. Mẹ chỉ không chịu hiểu một số sự việc mà thôi. Tôi chờ Gió, muốn hỏi cậu ấy, tôi có nên đi hay không. Thực lòng đó là điều tôi không bao giờ tôi muốn, nhưng ba cần tôi, mẹ cũng cần tôi, tôi không biết điều đó có đúng không. Ra đi hay ở lại, hả Gió, hả Tĩnh Phong?
 Gió chẳng bao giờ đến nữa, tôi đợi một bóng dáng quen thuộc lại gần bên tôi. Tôi quay đi, nhưng kì thực tôi vẫn đợi. Gió đã tìm được một nơi tự do khác để đi hay Gió đã tĩnh lặng mãi mãi?! Tôi không biết. Tôi biết tôi chưa từng nắm bắt được gió bao giờ....
 Những ngày tiếp theo là những ngày tôi cảm thấy mình mất dần từng góc một trong tim. Tôi mong chờ điều gì? Tôi chờ đợi điều gì? Chuông gió sứ màu xanh lá đã đầy sẹo. Tôi đã dựa vào cậu ấy hai lần. Vậy mà, khi Gió lặng lẽ ra đi, tôi không thể nói một lời cảm ơn và vô vàn những điều chưa kịp nói khác. Tại sao lại như vậy? Nhưng tôi chẳng thể tìm thấy câu trả lời nào thỏa đáng. Cổ tích đôi khi thành hiện thực nếu người ta bước đến và nắm lấy.
Kìa!
Gió, đang ở trước mắt tôi!

3. Cung đường lá bay
- Phong! Nếu tớ đi khỏi đây......
- ...
- Cậu có giữ tớ lại không?
- ...
- Vậy cậu có thể nhớ...?
- ...
- Không sao đâu, cho dù cậu chẳng để lại gì trong tâm trí, chỉ cần tớ vẫn thấy cậu, dù chúng ta không ở gần nhau...
- ...
- Như vậy, nhé?
- Linh! Cậu có biết, tại sao đến giờ cậu vẫn chưa đi được khỏi cung đường lá bay? Bởi vì bấy lâu nay, cậu đã mắc kẹt... trong giấc mơ của tớ!
 Chuông Gió hỏi tôi nếu cô ấy ra đi, tôi có giữ lại không. Thực lòng tôi muốn nắm tay cô ấy kéo đi và nói: "Cậu hãy chỉ đi về phía tớ có được không Linh?". Nhưng tôi không làm được. Một mình Chuông Gió nói, giọng Chuông Gió lạc đi. Tôi sợ trời sẽ mưa. Hạnh phúc tôi để tuột mất một lần, lần thứ hai, tôi sẽ chịu đựng thế nào đây? Tôi có được quyền ngược đường, liệu tôi có thể tha thứ cho chính mình khi trên cung đường lá chẳng còn bay?
 Tôi không nhớ mình đã nói gì, chỉ nhớ rằng, Chuông Gió, tiến lại gần tôi, hơn bao giờ hết, đưa cho tôi một chiếc khăn tay. Tôi sững người. Chiếc khăn tay, ba năm trước tôi đưa cho một cô gái hỏng xe giữa đường để lau nước mắt. Nhưng hôm nay, dưới ti-gôn, trên cung đường lá bay, tôi không cần dùng đến nó nữa. Nước mắt cô gái ấy, lần này rơi trên ngực áo tôi. Một cơn mưa ướt cả trái tim những ngày qua bị bỏng.
 Sau lưng tôi, dã quỳ đã nở tự bao giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #copy