Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

i.

Mẹ tôi là một người cá dưới sự chỉ đạo của Viện hàn lâm Schodin. Nôm na có thể hiểu rằng, bà là một biến thể được đánh số thứ tự như một dạng mã hoá cao cấp nhằm xác minh danh tính bản thân. Một công dân người cá thực thụ sống trong Hắc Hải – vùng biển riêng được cấp phép để hoạt động và cư ngụ. Quả là một công việc không tồi đối với người đến từ làng Sương Mù – là cách mà mọi người đã từng bảo tôi khi kể về Annette Marceau – người phụ nữ đã sinh ra tôi.

Thảng hoặc, những lúc mà cái sự tủi thân ôm trọn lấy tôi trong màn đêm tĩnh mịch phủ rợp khắp ngôi làng khốn khổ này, tôi hay oán trách bà. Dưới những câu hát ru mà nàng Nyx tỉ tê róc rách bên tai, tôi thèm khát làm sao cái cảm giác được mẹ âu yếm, cái ôm hôn nồng nàn phủ phê hương vị gia đình. Mẹ tôi hiện lên muôn hình vạn trạng trong giấc mơ nhập nhằng, để rồi bao lần choàng tỉnh tôi vẫn còn cảm nhận được thứ hơi ấm ảo vọng giữa trời đen. Chăng ánh đèn bên nhà con Coraline cũng làm tôi tức tối, bởi tôi biết ngay tại lúc này đây, chắc mẩm con nhỏ đang được bà Adeline ấp ôm và kể cho nhỏ nghe những mẩu truyện cổ tích muôn sắc nghìn hương.

Nhưng đấy cũng chỉ là những đêm muộn phiền hiếm hoi. Bởi rằng, khi bình minh ló dạng cùng với ánh dương đặc quánh rưới phủ tỉ mẩn trên từng căn nhà xập xệ cũng là lúc lí trí của tôi biết nơi mà nó phải trở về. Tôi không phải là người hay u uất âm ỉ mà nhào nặn cái sự buồn rầu, nên có lẽ rằng, cứ để nó đến và đi trong chớp mắt cũng là một cách tốt để bớt bi luỵ quá mức thôi. Ngoài ra, mẹ cũng không phải là một người đàn bà vô trách nhiệm mà để tôi một mình, chăng bởi cái di sản mà bà để lại chính là sự nổi tiếng một cách kệch cỡm ở ngôi làng nhỏ bé này.

Không ngoa mà nói rằng, từ đầu làng đến cuối xóm, ai mà chẳng biết đến cái danh mẹ tôi – người phụ nữ được chọn. Tôi không rõ đầu cua tai nheo như nào, nhưng ngay từ khi còn đỏ hỏn và đến tận bây giờ, tôi đều được ưu ái bởi hầu hết cư dân ở cái xóm Sương Mù này: Từ những nắm lạc vừng ngày đầu mùa vụ hay những miếng thịt nạc ung xém cạnh bằng nắm tay trẻ con, tất thảy đều in hằn trong tâm trí non nớt của tôi, rằng đây chính là thức quà vô hình mà mẹ tôi – một người cá phương xa, đang gửi về cho mình.

Có một vài đoạn thời gian rời rạc, tôi hay hỏi bố về mẹ mình. Đó dường như là vấn đề tối kị của ông, hoặc chăng rằng có một bức tường vô hình đủ dày và bền đặc xi măng giữa hai bố con tôi, vừa vặn khiến mối quan hệ ruột rà thân thiết còn sót lại trở nên miễn cưỡng hơn bao giờ hết. Bố không nói gì nhiều, và đặc biệt hơn ông chả bao giờ hé răng nửa lời về người phụ nữ đã cùng ông dãi dầu năm tháng. Song trong ánh mắt bố, trong đôi mắt chàm rán màu thời gian, tôi vẫn thấy cái đớn đau mà ông vụn về che giấu. Thế nên tôi chẳng buồn hỏi thêm, chăng bởi vì nó chẳng giải toả được cái tò mò nung nấu trong tâm, hoặc cơ man thứ mang lại sau mỗi lần hỏi chỉ là một lần viếng thăm của nổi buồn. Như một ván bài mà tất cả các lần đánh cược đều mang đến các kết quả tệ hại, và tôi thì có đủ trí khôn để lựa chọn từ chối những phần thiệt không dành cho mình.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, bố tôi là một người bố tồi, ít nhất là với vai trò là trụ cột còn lại của gia đình. Hiếm khi tôi thấy ông đi làm đồng áng, hoặc chuẩn bị một bữa cơm đúng nghĩa. Có mấy bận mà thời tiết dưng trở nên khắt nghiệt và nóng nảy, là lúc mà nắm vừng cũng trở nên đắt đỏ khó mua, tôi mới thấy ông chậm rãi bước ra khỏi căn phòng mà cửa lúc nào cũng đóng kín đến mục và mưng lên cả cái mùi mủ nhựa đặc trưng của một nơi mà chẳng mấy khi được dọn dẹp.

Và lần này cũng thế.

Từ độ một tuần trước, tôi đã thấy cái sự chuyển biến cọc cằn của tiết trời. Đến cái lớp sương mù quánh như vôi vữa quanh năm suốt tháng bao phủ quanh làng cũng không thể nào hoà hoãn mà làm dịu ánh mặt trời gay gắt ở phía xa tầm với. Ước chừng rằng đây sẽ là một đợt thiếu thốn lương thực kéo dài, tôi cũng phải có động thái riêng cho bản thân mình, chăng bởi vì tôi chắc rằng, nếu bản thân mình không chuẩn bị thì nhà tôi sẽ bị cơn đói quật ngã mất thôi, mà bố tôi chắc mẩm rằng còn chả hề hay biết.

Từ sáng sớm, khi lớp sương con khô – tên riêng mà cư dân ở đây đặt để chỉ trạng thái sương mù phân tán vào ban sáng, còn chưa quện lại mà hút ráo ra bởi bức tường sương trắng vối, tôi đã vội mang đống thực phẩm còn sót lại trong nhà ra khảo một vòng. Ta có gì nào: một vốc vừng chưa mốc, một ít rễ bồ công anh, khoai mì và vài quả baobab là tất cả những gì mà chúng tôi có được. Tất bật làm sạch từ sáng sớm, tôi đoán rằng bố tôi cũng sẽ mất giấc vì những tiếng ồn ào náo nhiệt không nên có vào buổi sáng này. Có thể ông đang rên rĩ giận dữ hoặc đang cố trùm chăn che kín người với mong muốn tách biệt muôn vàn âm thanh ầm ĩ bủa vây mình. Nhưng phải chịu thôi, vì những việc làm hiện giờ của tôi chỉ là điều kiện cần để giúp cho gia đình mình có thể sống sót qua mùa hanh khô nóng nẻ cả đất này.

Sáu giờ hai mươi phút, tôi đã soạn sửa vừa đủ để phơi đống lương thực cũng như quần áo để chuẩn bị đi học. Tại sao tôi phải phơi khô đống đồ này vào buổi sáng, khi quỹ thời gian hạn hẹp vô cùng à? Là bởi vì lần gần đây nhất, khi mà tôi cố phơi chúng vào buổi trưa, thì ánh mặt trời của làng Sương Mù đã thiêu cháy một phần tư số vừng, lẹm mất một nửa miếng thịt và hỏng đi số rễ bồ công anh mà tôi có. Phơi vào buổi chiều cũng không hẳn là một ý hay, vì rằng khi đấy cũng là lúc lớp sương từ bức tường phả ra, ngậm đầy nước. Chính nhờ chúng mà chiều tà lúc nào cũng trở nên thoải mái và mát lành, nhưng so với việc phơi khô đồ ăn thì đám sương con khi ấy chẳng khác mấy gì so với tai hoạ.

Nhón chân khẽ bước trên nền đất cũ với hi vọng nhỏ nhoi rằng, ít nhất, chân tôi cũng sẽ bớt bẩn hoặc chỉ bẩn phía đầu ngón, tôi rảo về phía căn phòng còn tối đèn kia. Tôi biết, khi không có tôi ở nhà, ông cũng sẽ thoải mái hơn. Có lẽ vì một lý do nào đó không tiện nói ra hiện giờ hoặc đó là một sự nhạy cảm không tên của tuổi già, bố tôi có vẻ kiêng dè mỗi khi tôi về.

- Ba tiếng nữa bố ra đem khay đồ ăn vào nhé. À, có lẽ hôm nay con về trễ.

Tôi nghe giọng mình vang lên, rành rọt. Rồi tôi đi học, chẳng muốn nán lại lâu bởi rằng có chờ thêm vài phút nữa thì cửa phòng cũng sẽ chẳng mở, trừ khi tôi bước chân ra khỏi nhà.

*

*                *

Tiết học đã kết thúc tầm hai tiếng trước rồi nhưng đôi chân của tôi vẫn nương náu tại đây, dưới gốc gây baobab to lớn. Tôi không vội về, có lẽ bây giờ bố tôi đang lòng vòng quanh nhà, tranh thủ làm những gì mà ông không thể thực hiện mỗi khi có tôi ở cùng.

Cây baobab to, tròn lẳng như một củ khoai khổng lồ. Vài cây cao nhồng, chọc thẳng lên đến đỉnh trời làm tôi có cảm nghĩ rằng nếu trèo lên tới ngọn có thể chạm tới hành tinh cùng các vì sao. Khi đó, tôi có thể nương nhờ vầng thái dương mà soi rọi đến vùng Hắc Hải, để có thể nhìn rõ mẹ tôi đang bơi lượn tung tăng giữa biển trời mênh mông, hay có thể với lấy ánh sao mà bay theo đến nơi để chào mẹ. Ôi chao, quả thật là một khát vọng viển vông.

Nhưng đó cũng là một việc đáng để thử, bởi ở làng tôi, chưa một ai trèo lên đến ngọn cây baobab bao giờ.

Mặt trời đỏ rực chưa kịp lặn mà tôi đã thấy lớp sương con đang tủa ra, bâu lấy thân mình. Cái se se luồn lách vào trong từng thớ thịt, tỉ mẩn khắc chạm trên xúc giác mẩn cảm của tôi từng nhịp điệu của đất trời, nhá một phách khô hanh rồi lại nhấn một nhịp lạnh lẽo. Cá biệt thay, đôi lần tôi còn ngửi được cái mùi tanh chua phảng phất, rồi nhanh như cắt, cái thứ mùi lạ kì buốt giá sủi tăm hơi, chăng cơn gió đã bắt quả tang được kẻ phàm phu đang cố lần mò bí mật riêng của mình. Tôi rảo bước về nhà, bởi linh cảm dường như đang đốc thúc sau lưng rằng, chỉ cần nán lại thêm ít giây nữa thôi thì chính tôi sẽ bị màn sương uỷ mị quyến rũ mà đưa đi mất.

Chiều tà cũng trở nên loãng dần bởi lớp dung môi phủ toàn sương, mà như thế thì dễ thở và bình tâm hơn vào buổi tối nhiều. Có lẽ khi mà cái tiết trời trở nên sập tối thì cũng là lúc cái lạnh toả ra từ bức tường bắt đầu chiếm ưu thế, lấn lướt nom như muốn bóp nghẹn kẻ độc hành trẻ tuổi như tôi. Ướng chừng còn khoảng ba mươi và mười lăm phút đi đường mà hai bàn tay tôi đã đỏ lên vì lạnh, nhưng hàng cây hùng vĩ hai bên đường vẫn thôi trải dài đến tít tắp trùng khơi. Tức cười thay, thứ xa xỉ bây giờ chính là ánh sáng mà ta dễ dàng kiếm tìm vào buổi sáng trong khi ban đêm phải trả năm mươi đồng đóm để đổi lấy một vài thanh củi khô – tức những thanh đã thực sự ráo, được hong kĩ càng bởi cái tiết trời ẩm thấp của đám sương con thì khó mà chiều lòng người cho phải đặng.

Tôi nương nhờ vào ánh sáng le lói ở đằng xa kia – nơi mà bản thân mẩm đoán là nhà của Céline hay Angela, hai đứa có vẻ có của ăn của để nhất trong làng. Lác đác, lẫn giữa tiếng lá rơi giòn rụm, tôi nghe thấy khe khẽ tiếng chim lợn kêu râm ran.

Đếm xem chúng kêu bao nhiêu tiếng nhé nhóc. Năm sáu tiếng thì được, mà chín tiếng thì chạy đi nhé. Cú kêu bảy tiếng đàn ông, cú kêu chín tiếng bà không còn hồn.

Tôi nhớ lại lời của Adeline, người đàn bà tốt bụng luôn len lén giấu chồng mà cho tôi những mảnh thịt thừa còn sót lại sau những phiên chợ chiều. Rút bàn tay còn nhét chặt trong túi, tôi bấm từng đốt móng tay nhẩm tính số lần mà lũ chim nhặng này réo rắt bên tai. Năm, sáu, bảy, chúng vẫn tiếp tục kêu và như thể chẳng bao giờ dứt hẳn. Nom bây giờ, tụi chim ẩn mình dưới tán cây, gieo thân xác trong cái đêm dài vô tận và đen kịt như đang cố phán quyết tôi bằng cái giống lảnh lơi chát chúa – xướng một bản giao hưởng xưng kẻ tội đồ duy nhất là tôi đây.

Chín.

Boong, tôi nghe một hồi chuông đủ lớn vang to trong lồng ngực. Là lúc này, tôi thầm nghĩ. Khi tiếng thứ chín cất lên, nghĩa là sự nguy hiểm của bọn chim cũng trở nên gia tăng và khuyếch đại đột ngột, và tôi thì chẳng đủ tò mò để xem còn điều gì sẽ được bật mí khi ánh lụa đêm đen được khéo léo vén lên bởi nữ thần báo tử. Siết hai bắp chân, tôi đạp một lực vừa đủ mạnh để bật về phía trước mà không choàng ngã. Tiếng giày đạp rào rạo trên nền cỏ khô khốc, tiếng thở dồn dập chăng chẳng có một nhịp nghỉ và cả tiếng tim đập nào của bản thân mình hiện lên thật rõ ràng và rành mạch, như ai đó tạc một đường dài đủ sâu vào cái không gian heo hút mụ mị này.

Ầm.

Dường như tôi vừa va phải ai đó, một người nào cũng đang vội vã chạy trong cái tiết trời tối như hủ nút này. Tôi thì không sao nhưng có vẻ người còn lại khá nhẹ và nhỏ con, chăng vì con bé ấy bật ra khá xa sau đợt va chạm vừa rồi.

- Oái, ai đấy?

Con bé cất tiếng hỏi, cũng là lúc tôi nhận ra ngay, chính là Ariel. Dù cái nỗi sợ vẫn còn tắc nghẹn nơi cuốn họng vào bấu chặt vào trong từng mao mạch, tôi vẫn đủ minh mẫn để nhận ra cái giọng vừa phát ra trong đêm tối ban nãy là từ con bé hay chạy vặt trong làng mà tôi yêu quý.

- Này Ariel, em đang chạy đi đâu đấy? Tối rồi mà vẫn có gan chạy vào rừng à?

Tôi hỏi em. Có vẻ như em cũng nhận ra tôi rồi. Làng tôi đủ nhỏ để mỗi người trong làng có thể nhớ những đặc điểm riêng biệt của nhau.

- Ôi, chị đấy à?

Nhỏ hỏi tôi. Bấy giờ tôi mới nhận ra cái giọng nức nở mà nó cố giấu nhẹm đi, vẫn còn ứ đọng nơi vòm họng. Có vẻ như em ấy đang gặp chuyện gì đáng sợ lắm, bởi cái thở bây giờ cũng trở nên nặng nề và khó nhọc. Em đứng lên, trong tích tắc nhào lấy ôm chầm tôi, khiến tôi suýt thì bổ nhào ra đất. Tôi thấy nước mắt em lấp lánh trong đêm đen, như những vì sao hạ phàm chỉ để ngự đậu lên hàng mi đen tuyền này.

- Làm sao đấy? ­– Tôi hỏi, bỗng thấy mình cọc cằn quá.

- Chị ơi, chị cứu Clare giúp em với. Cô Roxanne làm chị ấy chảy máu nhiều lắm.

Clare là chị gái của Ariel. Tôi biết Clare từ hồi còn tấm bé, khi mà tôi chưa đủ sức để quán xuyến hết tất thảy những việc trong nhà. Khi đấy, Clare như một cô tiên hiện lên trong những kí ức nhập nhoè, với tay đôi tay nhanh nhảu hết nấu cơm lại dọn bát. Có thể nói, chị là người hiếm hoi hay đến để phụ giúp cũng như trông coi gia đình tôi một cách đều đặn. Cũng chắc là bởi vì thế, tôi thương Clare như một người chị trong gia đình, và đôi khi cũng ghen tị với Ariel một chút.

Tôi ôm con bé đang còn nức nở vào lòng, vụng về vỗ nhẹ sau lưng nhỏ. Mong rằng lực tay tôi vừa phải vì tôi chẳng muốn làm đau em, nhất là lúc này đây, khi nỗi kinh hoàng chắc hẳn còn chưa vơi trong ánh mắt màu xám bạc của nhỏ.

- Thôi nào, Clare chắc chắn sẽ khoẻ thôi. Chị ấy chỉ đang trở dạ thôi mà.

Tôi biết em đang ám chỉ điều gì, dù nó có vẻ ghê rợn và khủng khiếp hơn những gì thực tế đã diễn. Tôi biết Clare vừa kết hôn hai năm trước và như một lời chúc phúc của nữ thần, chị đậu thai sau một năm cưới chồng. Lắm lúc rảo bước trong làng, tôi vẫn thấy chị cùng với chiếc bụng bầu vượt mặt, tay khệ nệ ôm lấy những đồ là đồ. Hiếm khi nào tôi không giúp chị, bởi cái việc nặng mặc dù quen thuộc với Clare, nhưng tôi vẫn thấy quá đỗi nguy hiểm với một bà bầu – một người phụ nữ đang ấp ủ một sinh linh bé bỏng như là chị. Hôm nay chắc hẳn là ngày chị sinh, bởi tôi nghe Ariel nhắc đến Roxanne – bà đỡ đẻ duy nhất trong ngôi làng bé nhỏ này.

- Hay là chị đến nhà em để thăm Clare nhé. Chị hứa với em rằng Clare sẽ không sao mà.

Tôi nảy ra ý tưởng đến thăm nhà với Ariel, bởi rằng nếu hai người thì sẽ an tâm hơn việc một mình em phải vượt qua tình cảnh quá đỗi rung rợn so với độ tuổi của mình. Đêm cũng đã muộn và bố chắc cũng đã thay tôi vốc đầy máu cừu lên cửa, bởi đó là thứ duy nhất cản trở em tìm sự giúp đỡ ở trong làng, nguyên nhân khả dĩ để một đứa trẻ có thể lấy hết can đảm mà chạy vào khu rừng baobab trong cái đêm quá đỗi tĩnh mịch như thế này.

Tôi chờ em thôi nấc và cánh tay thôi run rẩy bấu hằn đỏ. Mãi một lúc mà tôi nghĩ rằng đủ lâu để trái tim em thôi đập liên hồi và cái lí trí dịu dàng khoả lấp tinh thần nhỏ, tôi mới nhẹ nhàng hỏi lại:

- Hay là chị đến nhà để thăm Clare với em nhé?

Em dúi đầu sâu vào lồng ngực tôi, gật vội mấy cái. Thế đấy, em có nghe thấy tim tôi đập không. Hay nhìn thấy một lời khinh khi vô ý mà tôi vốn đã dấu nhẹm trong tâm can mình, bởi giễu cợt em lúc bấy giờ chẳng có nghĩa lý gì cả.

Tôi nắm chặt tay em đi vào làng, nhà của em nằm cuối dãy Đường Đất. Trời đương tối, nồng cái mùi đất ẩm trải dài và mặt trăng nương náu, hoà lẫn ở đó như muốn điểm xuyến một cách thô kệch bởi sự tanh tởm của máu tươi. May mắn thay, nhà Céline đủ sáng để tôi có thể nhìn rõ em, và tất cả mọi thứ xung quanh. Dù trong tiết trời nhập nhoạng, tôi vẫn thấy mù nhờ những chữ X quằng quện được vẽ bằng máu cừu lần lượt và đều đặn trên cánh của của từng dãy nhà. Thông thường, tôi sẽ là người vẽ những dấu X này vào lúc hoàng hôn còn chưa tắt, chắc bởi vì nhà tôi chẳng có nhu cầu ra đường khi mà bữa cơm chiều vừa được dọn xong. Sau khi vẽ dấu, tất cả mọi người sẽ vào nhà bằng con đường phía sau – một cụm từ hoa mĩ để nói về một cái lỗ đục thông với bên ngoài ở phía sau căn nhà, hầu như được bịt lại bằng một tấm ván gỗ mài nhẵn, và chỉ sử dụng khi mà cửa trước đã được niêm phong bởi máu cừu. Từ đó đến khi trời sáng, tuyệt nhiên chẳng ra khỏi nhà. Bởi ai mà biết được, khi ta rũ bỏ sự bảo vệ được cô đặc trên hình thức bùa chú mà bước ra, thì điều gì đang chờ đợi ta ở giữa đêm đen.

Tốt nhất là nên đợi đến sáng mai, dù có việc gì đi nữa.

Là lời mà ai ai cũng thuộc rau ráu, ngỡ chăng một thứ kinh thánh ấn định vào máu thịt con dân nơi này.

Chẳng mấy chốc mà đến nhà em. Cuối dãy Đường Đất, như được nuốt chửng bởi cái không gian u uất này. Đường Đất khác với Đường Đá, bởi cái thứ đất cát dẹo quẹo, sít sao dính chặt lấy đế giày như muốn đợi thời cơ mà kéo người bất cẩn lún sâu vào vực thẳm vô hạn ẩn sâu trong lòng đất, im lặng và nhanh chóng đến độ chẳng kịp kêu than gì. Tôi có nghe người ta kháo nhau rằng cái lần mà Cassandra – con gái của gia đình bán củi ở đầu dãy Đường Đất –  mất tích, cũng bởi vì bị hút sâu vào con đường nguyền rủa này. Thế nên chẳng mấy ai muốn đến đây, nhất là vào ban đêm – cái ngữ thời gian có thể bịt kín tất thảy mọi chuyện trên trời dưới đất.

Ariel kéo tôi đi vào bằng cửa chính. Đến lúc mà đầu mũi tôi có thể cảm nhận cái mục ướt của gỗ, bản thân mới chợt nhận ra rằng hôm nay em không trấn nhà bằng máu cừu. Tôi biết nhiều nhà chuyển dạ lúc đêm muộn, nhưng không trấn nhà bằng máu cừu mà cứ toang cửa mở ra giữa cái tiết trời kìn kịt thế này là lần đầu tôi thấy. Lần mò trong cái tối tăm còn chảy dài bên hai bên thái dương, tôi thấy lưng mình rịn mồ hôi lạnh. Tiếng tim đập nom cũng to và rõ ràng hơn bao giờ hết.

Kéo tấm màn ngăn cách hai phòng, tôi cuối cùng cũng đến được nơi là Clare chuyển dạ. Tay Ariel nắm chặt, thấp thoáng tôi còn cảm nhận được móng tay em bấu ngập vào da thịt tôi và cánh tay bé nhỏ run rẩy khôn nguôi như muốn kiếm tìm một sự tin cậy từ hơi ấm còn lại.

Phòng im bặt, im tới nổi quỷ dị và kì lạ. Roxanne dường như đã đi mất từ sớm, vì tôi chẳng còn ngửi được cái mùi phảng phất đặc trưng của bà tồn đọng trong phòng này. Trong cái sự tanh tưởi vừa xộc lên, tôi chỉ kịp cảm nhận được bóng dáng mờ nhoè trên giường qua ánh sáng nhỏ nhoi len lỏi phía cửa sổ. Ariel đang sợ quá, tôi không thể nào ép em đến gần kiểm tra được.

Tôi buông tay em ra mới nhìn thấy tay mình đã đỏ tận bao giờ. Em đâu chịu, cứ nhoài người ôm khư lấy tôi như người đuối nước vớ được cọc giữa biển khơi. Tôi ôm em rù rì khe khẽ, tay siết chặt tay em như một lời trấn tĩnh không ồn ào.

- Chị phải qua đó kiểm tra, nhanh thôi.

Vỗ về đã đủ, tôi buông em. Khó khăn lắm tôi mới tiến đến giường được bởi vì chân tôi cứ bện chặt vào nhau vì sợ hãi, thành ra việc đi đứng càng trở nên khó khăn vô ngần. Tôi nghe nhịp thở mình trở nên gấp gáp, mặt ran lên căng thẳng và môi mấp máy những lời trấn an vô nghĩa.

Kéo mạnh ga giường.

Uỵch.

Tiếng động đủ lớn để có thể phá tan bầu không khí căng thẳng trong phút chốc. Tôi nheo mắt, nhoài người nhìn và rồi cảm nhận được tròng mắt của mình giãn nở hơn bao giờ hết. Sự khiếp vía tràn vào chân tơ kẽ tóc, áp chế cái lí trí vốn còn đang minh mẫn ban nãy của tôi mà đẩy xô hồn tôi ra ngoài. Khô khốc, khạc ra cùng đờm và đống thức ăn nhẹ còn sót lại vào ban sáng.

Một đống nhầy nhụa đỏ thẫm trên giường. Tôi có thể cảm nhận được cái mùi máu cừu còn vấn vương đâu đó trong tầng tầng lớp lớp này, quyện hoà vào đó là một thứ mùi mà tôi dễ dàng lần dấu được. Là mùi máu người.

Cùng với một đứa trẻ con còn đỏ hỏn. Tiếc thương làm sao, tôi đoán rằng em sẽ chẳng bao giờ khóc nữa, chăng bởi tôi chẳng thấy một ít dấu vết sự sống nào còn hằn dấu trên người người em. Rỗng tuyếch, như một bao tải đương chỉ thồ cái giá lạnh của đêm đông.

Bấy giờ, tôi mới nhận ra. Quả thật, từ lúc đến nhà Ariel, tôi chẳng nghe thấy tiếng con trẻ nào khóc cả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro