Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

[Bonus] Luôn Bên Người (2)

"À, những lời này có hơi khó hiểu với trẻ con nhỉ. Tóm lại chủ muốn nói, cháu không giống những người khác, về bản chất thì khá tương đồng với loại người như chú... Ông trời đúng là thích đùa, lại để chú gặp được cháu hôm nay."

"Chú quyết định rồi, kể cả cháu có không làm bạn với chú, chú cũng sẽ tặng quà cho cháu. Món quà này sẽ khiến cháu trở thành người vượt trội... không, vốn dĩ cháu đã là người vượt trội rồi, chú chỉ khiến cháu trở nên giống chú, có thể đứng ngoài bản chất quan sát thế giới này mà thôi."

"Hữu hình và vô hình, thú vị và vô vị, thực ra đều như nhau."

"Thế giới này chính là vô vị một cách thú vị đến cực đoan, nên là chú mới có thể cười cợt mọi thứ, coi khinh mọi thứ, ha ha ha."

***

Ngày hôm sau tôi lái xe đến gần nơi ở của sĩ quan Cát tiến hành theo dõi, bắt đầu công tác chuẩn bị. Cát Uất Tinh vẫn ở cùng bố mẹ, việc bám đuôi vì thế càng tăng độ khó, dẫu sao tôi còn phải chú ý đến ông bố tinh tường lão luyện của cô ta. Chó cắn áo rách nữa là gần đây tôi bị mất ngủ, cứ mơ mấy giấc mơ kỳ lạ, lỡ như trong lúc hành động có phân tâm mất tập trung, bại lộ thân phận, đoạn đời thứ ba của tôi về sau sẽ coi như "toang".

Có lẽ vì tôi quá bận lòng đến việc triển khai cuộc sống mới nên mới hay mộng mị, mơ thấy những ký ức mơ hồ thuở nhỏ.

Trong mơ hình như có một người đàn ông tên Smith hay Hooper gì đó nói chuyện với tôi, nội dung cụ thể thì tôi không nhớ nữa, nhưng hình như tôi thật sự từng gặp người đó, chỉ là trước giờ đã quên mất tiêu. Có lẽ vì tôi đang định từ bỏ quãng đời thứ hai trong vai trò một sát thủ, nên mới khiến đoạn ký ức ảm đạm khi xưa trỗi dậy, nhắc nhở tôi thế nào mới là sống.

Tôi từng đọc một vài cuốn sách nghiên cứu về nhân cách phản xã hội - thiết nghĩ tôi cũng nên được xếp vào đối tượng nghiên cứu của những tác giả ấy chăng - trong sách đều nói cảnh ngộ "người bệnh" gặp phải ở thời niên thiếu có quan hệ rõ rệt với việc xác lập tính cách phản xã hội, ám chỉ nếu trẻ con không nhận được tình yêu thương của người thân, thiếu sự gắn bó với bạn bè đồng trang lứa v.v., sẽ có khả năng gây ra phát triển nhân cách lệch lạc. Tuy tôi quả thực lớn lên ở trại trẻ mồ côi, nhưng tôi cảm thấy học thuyết này hoàn toàn là rác rưởi.

Trại trẻ mồ côi nơi tôi ở hồi nhỏ không hề có chuyện ngược đãi, bóc lột sức lao động trẻ con, hoặc coi trẻ mồ côi như những món đồ chơi tình dục bán chác cho mấy kẻ nhà giàu biến thái, các anh chị lớn cũng không hề bắt nạt, chèn ép bọn trẻ lạc loài, chỉ là một tổ chức từ thiện hết sức thông thường và bình thường trong mắt người thường. Giám đốc trại trẻ và các thầy cô giáo được đa số lũ trẻ yêu mến, họ cũng sẽ theo dõi các trường hợp riêng

biệt được nhận nuôi, đảm bảo lũ trẻ có thể lớn lên khỏe

mạnh ở gia đình mới. Trại trẻ mồ côi không có áp lực về tài chính, người tài trợ là một nhà hảo tâm kinh doanh lĩnh vực ăn uống, đất khu nhà thuộc quyền sở hữu của trại trẻ, không lo bị công ty bất động sản chiếm đoạt. Theo như tôi biết, những đứa trẻ xuất thân từ trại trẻ này hầu như đều phát huy năng lực ở đủ ngành nghề trong xã hội, gặt hái được thành tựu ưu tú, xứng với kỳ vọng của giám đốc trại trẻ và các thầy cô giáo.

Nhưng rõ ràng là, tôi không phải một trong số đó.

Ngay từ khi bắt đầu biết ghi nhớ, tôi đã vô cảm trước tình yêu thương của họ. Đám trẻ tỏ ra thân thiện với tôi, tôi cũng không có ý định đáp lại. Tôi không thích cũng không ghét bọn họ, đối với tôi, bọn họ chỉ là những "sự tồn tại", giống như bạn sẽ không cảm thấy hòn đá ven đường có bất kỳ ý nghĩa gì với mình vậy.

Trong mắt bọn họ tôi là đứa trẻ cô độc, nhưng tôi quả thực không nghĩ đến việc vờ vịt hòa đồng, gắn kết với người khác, chơi cùng mấy đứa không đem lại ích lợi gì cho mình có ý nghĩa gì chứ?

Ít nhất, bên cạnh tôi trước nay chưa từng xuất hiện bất cứ người nào có thể khơi gợi hứng thú, tác động đến cảm xúc của tôi. Tôi chỉ quan tâm bọn họ có quan hệ lợi hại thế nào với mình, bọn họ liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi sinh tồn của mình hay không mà thôi.

Mười năm đầu đoạn đời thứ nhất của tôi trải qua trong trại trẻ mồ côi đó. Không phải tôi rời trại trẻ năm mười tuổi, mà là trại trẻ rời bỏ tôi.

Nó bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi. Chuyện có lẽ xảy ra vài ngày sau khi tôi bị bắt chuyện ở công viên chăng. Nửa đêm hôm đó, tôi bồng dưng bừng tỉnh khỏi giấc mơ, lòng dấy lên một cảm giác bất an không tài nào đè nén, thôi thúc tôi vì phạm giới nghiêm, lén lút chuồn ra ngoài.

Tôi nằm dưới gốc đại thụ trong công viên nửa đêm còn lại, kết quả rạng sáng quay lại bèn trông thấy một mảng tường đổ ngói nát, và những cái xác được khiêng ra từ đống hoang tàn. Bấy giờ ở hiện trường, tôi nghe được vài khả năng gây hỏa hoạn, năm ngày sau thủ phạm phóng hỏa bị cảnh sát tóm được, tên đó vừa ra tù chưa đầy một tháng. Nghe nói sau khi ra tù, hắn ghé vào một quán ăn nhưng vì áo quẩn xộc xệch nên bị từ chối từ cửa, thế là hắn rắp tâm báo thù-nhà tài trợ của trại trẻ mồ côi chính là chủ quán ăn nọ.

Sau khi biết được sự thật, tôi không hề ngạc nhiên chút nào, trái lại còn cảm thấy yên tâm vững dạ. Thế giới này hoang đường vô lý như vậy, đó mới là trạng thái bình thường, là bản chất của hiện thực. Tôi không hề nhỏ nửa giọt nước mắt cho các thầy cô và bạn bè đã bỏ mạng, chúng tôi đều chỉ là khách qua đường, sống chỉ là quá trình giải quyết rắc rối. Người tốt, người xấu, người thiện, người ác, khác đường song cùng đích, thảy đều không tránh khỏi cùng một kết cục.

Về sau tôi chuyển sang sống ở những trại trẻ khác nhau, chứng kiến rất nhiều ác ý, tham lam, dã tâm, dục vọng và dối trá, dần dần thích ứng được với nguyên tắc sinh tồn trong xã hội này, cũng vì thế mà ngày càng cảm thấy chuyện đời thật nực cười.

Những thứ như văn minh, chế độ, tín ngưỡng, giai cấp, chẳng qua đều là những cái cớ quang minh chính đại do loài người sáng tạo ra vì lợi ích của bản thân, hiện thực là một đống rác, còn con người thì lăn lộn trong đó, rõ ràng sống trong địa ngục mà lại khăng khăng mình sống ở thiên đàng. Thế không phải hết sức nực cười sao?

Trong ký ức hỗn loạn mơ hồ, ở công viên hồi nhỏ tôi thường tới kia, có một người đàn ông hóa trang thành hể thi thoảng xuất hiện trêu chọc bọn trẻ con. Màn biểu diễn của anh ta hết sức tẻ nhạt, chỉ duy có những con vật được anh ta vặn bằng bóng bay là hút lấy ánh mắt tôi. Tôi không hiểu thế là vì sao, có lẽ chúng thể hiện cách nhìn của tôi với sinh mạng, tất cả sự vật về bản chất đều giống nhau, mặc anh vặn vẹo, biến hóa thành những hình dạng khác nhau, song khung xương đều cùng là một quả bóng bay dài, hơn nữa nực cười nhất là bọn chúng đều cùng mong manh dễ vỡ, châm nhẹ một cái, sự vật hữu hình đã thoắt chốc biến mất, chỉ còn lại mẩu xác cao su te tua nhỏ xíu tầm thường.

Rồi một ngày tôi cũng sẽ trở thành mẩu xác như thế, nhưng trước khi ngày đó đến, hãy cứ để tôi tiếp tục khoác lên tấm da người bình thường, cười cợt cái thế giới này.

"Cạch."

Tiếng cửa cuốn ga ra nhà sĩ quan Cát mở ra đánh thức tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man. 8 giờ sáng, Cát Hạnh Nhất lái xe đi làm, hơn một tiếng sau đó không có động tĩnh gì, chỉ thấy vợ ông ta nhận hàng chuyển phát nhanh. Đến 9 giờ tối sĩ quan Cát về nhà, Cát Uất Tình cũng không xuất hiện, chỉ thi thoảng nghe có tiếng dương cầm vọng ra từ trong nhà.

Ngày đầu tiên theo dõi, có thể nói là công cốc.

Tôi nhận ra mình đã đánh giá thấp độ khó của nhiệm vụ này. Cát Uất Tinh là nghệ sĩ dương cầm, cô ta không cần đi làm, không ra ngoài theo quy luật. Ba ngày đầu tôi cắm rễ bên ngoài chỉ thấy cô ta rời khỏi nhà một lần, lái xe đến nhà hát trong trung tâm thành phố gặp mặt giám đốc dàn nhạc, chắc để thảo luận chi tiết buổi biểu diễn, sau cuộc gặp lại lái xe thẳng về nhà, tôi không có lấy nửa cơ hội tiếp cận.

Thời gian còn lại cô ta đều ở trong nhà, muốn âm thầm kín đáo trừ khử kiểu mục tiêu "cấm cung" này phải nói là tương đối khó nhằn.

Theo lịch trình biểu diễn công khai của Cát Uất Tinh, trong hai tháng tới cô ta không có hoạt động nào, buổi biểu diễn gần nhất là tận ba tháng sau. Tôi tin rằng càng gần đến ngày biểu diễn, cô ta sẽ dần phải ra khỏi nhà thường xuyên hơn để tập luyện cùng dàn nhạc, nhưng nếu cô ta vẫn lái xe đi đi về về giữa nhà và nơi luyện tập thì tôi cũng chẳng có thời cơ nào để mà ra tay. Hơn nữa, khi nghiên cứu tài liệu về cô ta, tôi phát hiện ra một điểm then chốt cực cực cực kỳ phiền phức.

Trong bài phỏng vấn với một tạp chí, Cát Uất Tinh tiết lộ mình bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thể nhẹ. Để bảo vệ ngón tay, trong sinh hoạt thường ngày cô ta lúc nào cũng đeo găng tay. Giới phê bình âm nhạc ca ngợi Cát Uất Tình sở hữu kỹ thuật diễn tấu tinh tế mà linh hoạt, song khi được phỏng vấn cô ta lại cười ái ngại nói bản thân lóng ngóng vụng về, ngay cả lật sách cũng rất dễ bị mép giấy cắt, vì ám ảnh với chuyện hồi nhỏ có lần ngón tay bị thương ảnh hưởng đến phong độ biểu diễn trong cuộc thi, cô ta quyết chí luôn đeo găng tay sau khi trở thành nghệ sĩ dương cầm, chỉ khi luyện tập và biểu diễn mới tháo ra.

Thông tin này làm tôi hết sức đau đầu.

Tôi vốn nghĩ Cát Uất Tinh là người của công chúng, chỉ cần đóng giả làm người hâm mộ xin bắt tay cô ta là có thể hoàn thành nhiệm vụ, nhưng giờ phải tìm cách khác rồi. Đương nhiên tôi có thể nắm bắt thời khắc kết màn trong buổi biểu diễn của cô ta, mượn cớ tặng hoa để động chạm, nhưng một là tôi không muốn đợi đến ba tháng nữa, hai là tôi phản đối tiếp cận đối tượng trước bao cặp mắt nhìn vào. Tôi không chỉ sợ bị máy ảnh chụp lại mà hơn cả còn lo ông bố cô ta nhận ra dáng lưng mình, dù sao mấy năm trước tôi cũng xém bị ông ta tóm một lần, có trời mới biết "trực giác của cảnh sát hình sự" ở ông ta mạnh nhường nào.

Cục diện bế tắc này kéo dài thêm năm ngày, mãi đến cuối tuần mới ló ra cơ hội xoay chuyển. 5 giờ chiều thứ Bảy, Cát Uất Tinh lái xe ra khỏi nhà. Tôi bám đuôi xe cô ta đến bãi đỗ xe của quảng trường Bách Dương khu Tây, thấy cô ta xách túi đeo vai to đùng bước xuống xe, đi vào trung tâm mua sắm quy mô lớn bên cạnh.

Tránh để cô ta vuột khỏi tầm mắt, tôi đành xuống xe bám theo, nhưng sau khi đi lên bằng cầu thang máy của trung tâm mua sắm, cô ta tiến thẳng tới phòng vệ sinh tầng hai.

Nghĩ cô ta có "nhu cầu" cần giải quyết, nên tôi đứng trong góc giả vờ ngắm nghía cửa sổ trưng bày, khóe mắt vẫn dán vào cửa phòng vệ sinh, đợi cô ta đi ra-không ngờ suýt nữa sơ ý phạm sai lầm.

Cô ta đã cải trang.

Lúc ra khỏi nhà, Cát Uất Tinh mặc một bộ váy liền màu đen, tương tự lối ăn vận khi đi gặp người trong dàn nhạc, nhưng mười lăm phút sau cô ta từ phòng vệ sinh đi ra, quần áo trên người đã hoàn toàn thay đổi, trên là áo hai dây màu xanh neon và áo khoác hồng, dưới là váy bó ngắn màu đen và tất quá gối sọc đen trắng, giày cũng từ kiểu giày vải nữ ban đầu đổi sang bốt ngắn màu hồng đế cao năm phân.

Mái tóc suôn dài đen tuyền bị giấu dưới bộ tóc giả buộc hai bên màu xám nhạt, lớp trang điểm nhạt ban đầu thay bằng mắt nhũ bạc môi xanh tím đặc trưng của mấy em gái nóng bỏng, cổ còn đeo choker*, tai lủng lẳng khuyên hình trái tim, cổ tay phải đeo vòng tay lấp lánh ánh xanh lam. Nếu không để ý đến chiếc túi cô ta khoác trên vai cùng đôi găng trên tay, thể nào tôi cũng tưởng đó là người khác.
----------------------
*: Loại vòng cổ nhỏ ôm sát cổ người đeo, thường có nhiều chất liệu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro