Người ấy
Cái thuở nó bé loắt choắt như con mèo hen, ham chơi hơn ham học, bị cô phạt vì tội lười chép bài còn đi đánh nhau với tụi con trai, thế là về nhà ... ăn roi. Người Ấy đánh đòn thật là đau, nó nước mắt nước mũi tèm lem, buổi tối bị phạt học thêm giờ dưới sự kèm cặp của Người Ấy. Lúc đó cái con bé ngổ ngáo và nghịch ngợm ấy cũng uất ức lắm, nhưng vẫn sợ, sợ bị ăn roi tiếp, nên chong đèn dầu ngoan ngoãn ngồi học, đến khuya mới đi ngủ. Có lẽ nhờ sự răn dạy nghiêm khắc của Người Ấy, mà nó từ một đứa đứng thứ hạng mười mấy, bỗng một ngày nhảy vọt lên xếp thứ 2, là thứ 2 cơ đấy, cái lần đầu tiên được cô giáo xướng tên hạng Nhì trong lớp, nó còn tưởng cô đọc nhầm, lỗ tai cứ lùng bùng. Sau bước ngoặt ấy, tự dưng nó đâm ra siêng học, cứ đều đều thẳng tiến, đi thi đội tuyển, đi thi học sinh giỏi, được giao trọng trách sao đỏ, lớp phó học tập, rồi làm cả Liên đội phó trong trường nữa. Bắt 1 cặp dính như sam với con bạn thân, đứa kia số 1 đứa này số 2, đứa kia trưởng thì đứa này phó. Nắm tay cùng nhau đi hết tuổi thơ, trong veo, tuyệt đẹp.
Bức tranh tuổi thơ của nó, tất nhiên không thể không có sự góp mặt của Người Ấy, vẽ nên một khung cảnh tươi vui, đầy màu sắc sống động.
Con đường của nó đi, tấp tểnh từ những bài thơ, Người Ấy mỗi đêm vẫn thường hay ngâm nga đọc và dạy cho nó tập gieo vần, tập ghép chữ. Học Văn không bao giờ nó cần đến sách tham khảo, vì Người Ấy luôn có cả một kho tàng cho nó học hỏi, Người Ấy kiên nhẫn chỉ cho nó cách miêu tả một cái lá cây nó xanh ngăn ngắt thì như thế nào, miêu tả một vầng trăng thì lung linh huyền dịu như thế nào, nghe tiếng chim hót nó ngân nga ra sao... Trong năm đứa con, có lẽ gen di truyền cái khoản này, nó thừa hưởng từ Người Ấy mạnh nhất, làm văn phải dài hơn 4 mặt giấy mới thỏa mãn, lớp 4 lớp 5 nó đã bắt đầu viết được những bài thơ con cóc. Cho nên, dù bận rộn thế nào, mà thấy nó lon ton theo đuôi hỏi bài, Người Ấy vẫn vui vẻ vừa làm vừa chỉ bảo thêm cho nó. Người Ấy học Văn, ban C cơ mà. Cả kho sách Người Ấy từ Ca dao tục ngữ Việt Nam đến Việt Nam Sử Lược, chất đầy trên kệ, nó đều đọc hết sạch chữ từ lúc còn bé xíu. Hết sách, phải sang nhà bạn đọc ké truyện, báo Nhi đồng, nó đọc say sưa không chừa 1 quyển. Có những buổi chiều chạng vạng, nó bắc nồi cơm, nhen cái bếp lò, khói um đầy gian bếp nhỏ, ngồi trong cái ánh chiều chạng vạng đầy mùi khói ấm áp ấy, nó tựa cửa chúi đầu đọc sách, đọc đến khi cơm cháy khét khê, là biết... thế nào tối nay cả nhà phải ăn cơm cháy, còn nó tất nhiên sẽ bị ăn mắng vì tội đoảng.
Người Ấy học Văn nhưng nhất quyết không cho nó theo nghiệp đó, sợ nó lớn lên, đa đoan sẽ khổ. Lớp 5, nó được vô trường chuyên học chuyên Văn, nhưng... trốn về. Lên lớp 8, lại một lần nữa thi vào trường chuyên, nhưng lần này Người Ấy bảo nó học Toán. Cũng may, nó... học được, nói ra thì học khá sáng dạ các môn tự nhiên, nên theo nghiệp ban A chuyên Toán luôn cho hết cấp 3. Học Toán nhưng vẫn léng phéng làm thơ, viết truyện ngắn, rồi đôi khi vẫn gửi bài đăng báo, mong chờ có nhuận bút để có tiền đãi bạn ăn bánh lọc, cóc xoài ổi và mua thêm sách nâng cao Toán về tự học. Đôi lúc, nó thầm nghĩ, nếu Người Ấy không kiên quyết bảo nó học Toán, mà để nó học Văn, thì bây giờ nó như thế nào nhỉ, trở thành một cô giáo Văn khoa thay cho 1 cô nàng kỹ sư khoa Điện? Cuộc đời của nó sẽ không phải ngày ngày gắn bó với đèn đóm, công suất, nguồn, và điện trở ư? Nó thật không tưởng tượng ra...
Nó nhớ hôm thi đầu vào lớp 10 chuyên, nó thức trắng đêm học bài, sáng ra Người Ấy lái xe trong sương sớm chở nó ra Đông Hà, hai cha con không kịp ăn gì, nó thi xong vừa đói vừa mệt, Người Ấy chở nó vào 1 tiệm phở, kêu 1 tô thật to thật ngon cho nó. Nhưng không kêu thêm 1 tô nào cho mình, mà chỉ mỉm cười nhìn nó ăn ngon lành. Nó thật vô tư, không biết rằng là ba nó đang nhường phần ngon nhất cho nó, mặc dù bụng đói. Kỳ đó, nó thi kết quả rất tốt, phải nói là rất tốt, được xếp học bổng loại I, nó biết Người Ấy vui sướng biết bao, tự hào về nó nữa. Thế là nó khăn gói quả mướp đi học xa nhà.
Cái hồi thi Đại học, mẹ muốn nó học Sư phạm, nhưng nó lại nhất quyết đòi vào Sài Gòn học. Người Ấy tay xách nách mang, đưa nó đi thi, con trong phòng thi thì cha ngồi ngoài cổng, chờ đợi. Cũng may, đậu hết. Nó chọn vào Bách Khoa. Tự mình đón xe vào Sài Gòn, tự đi nộp hồ sơ nhập học, tự đi xin vào ký túc xá, với hành trang đầu tiên bên người là tấm bản đồ TpHCM mua ở quầy sách.
Người Ấy, mỗi năm nó học Đại học, vẫn 2 lần đưa, 2 lần đón nó ở ga tàu lửa. Cái ánh mắt mừng vui lẫn xót xa, mỗi khi đón con trở về nhà, thấy con ốm hơn, đen hơn, nhưng cứng cáp trưởng thành hơn, mừng vui và lo toan ấy đều hằn in sau đáy mắt. Người Ấy chắt chiu mở tiệm, sửa đồ điện, bán ti vi nội địa, rồi qua ti vi màu, đi lắp ăng ten cho người ta, rồi làm cả máy rà, thức đêm thức hôm cần cù kiếm tiền nuôi cả đàn con ăn học, bao gồm cả nó, mà chưa bao giờ than thở một lần.
Có biết tại sao nó học môn Điện tử, mà trong khi bạn cùng lớp đọc điện trở còn ấp úng, nó đã thuộc làu làu Đen Nâu Đỏ Cam Vàng... không? Là Người Ấy đã dạy nó từ quyển Điện tử căn bản mà Người Ấy mua về và tự học ở nhà, khi làm nghề đó. Hồi đó mới lớp 8, lớp 9 mà nó đã có thể cùng Người Ấy hì hục mở quạt máy người ta hư đem đến tiệm nhờ sửa, nó xin “ba cho con sửa trước nghe”, thế là nó sửa, quạt mà chạy thì okie mà quạt không chạy thì người kia xử lý hậu quả. Vừa làm, Người Ấy vừa dạy cho nó, bắt đọc thuộc làu cách quy ước vạch màu trên điện trở, đọc như ngâm thơ vậy đó, riết thuộc như bảng cửu chương luôn.
Chính Người Ấy là thầy dạy bơi đầu tiên cho nó, cho dù nó chỉ biết nổi và bơi kiểu...chó. Cái thủy lợi trước nhà, cứ buổi chiều là nhảy bùm bùm, rồi cứ quẫy chân vẫy tay, bơi từng đoạn ngắn ngắn. Không chìm... là được.
Tính nó hay lẫy, mà Người Ấy cũng hay lẫy. Đôi lúc gấu ó nhau, thế là ”mỗi đứa” quay lưng một đường, nhưng được cái chẳng bao giờ giận nhau lâu.
Đôi lúc, nó vẫn thẫn thờ, cảm thấy cuộc đời trôi nhanh quá, nó đã có tóc bạc rồi, mà Người Ấy lại càng nhiều tóc bạc hơn. Đuôi mắt nó đã có dấu chân chim rồi, mà Người Ấy càng nhiều vết chân chim hơn. Người Ấy cũng không còn trẻ khoẻ như lúc xưa nữa, hai lần mổ sỏi mà chưa lành hẳn, thêm phải đề phòng cao huyết áp, trở trời lại nhức đầu... Nó biết mình chưa đền đáp được bao nhiêu cả, đôi lúc còn vì hạnh phúc riêng tư của mình mà lần lữa không thường về thăm Người Ấy. Nhưng nó biết Người Ấy tấm lòng bao la, chưa bao giờ giận nó cả.
Tối nay, rủ rỉ rù rì, Người Ấy bảo nó có muốn làm thơ Song thất lục bát không, Người Ấy chỉ cho. Nó cười: thôi, mấy cái thơ đó, luật âm rắc rối lắm, con thích thơ tự do thôi, viết sao thoải mái cảm xúc là được. Mà... con gái của ba... viết thơ có hay hem? He he... đâu cần bằng trắc chi cho mệt...
A, thôi, ba ngồi yên đó, hai cha con mình selfie vài tấm cho nó tình cảm đi. Lâu lâu mới có dịp...
Đấy, thế là Người Ấy cũng chịu ngồi yên, cho nó bá vai nắm tay, tựa đầu làm dáng. Cười nhé, nghiêng đầu tí nha, ... a ha ha... 1...2...3...
Hình đẹp, ba ơi. Lâu lắm rồi 2 cha con mình mới có hình chụp chung đấy. Đẹp không ba?
Tối nay, nó thức khuya tí, viết cái bài ni. Viết tặng Người Ấy yêu thương của nó, người mà nó trìu mến gọi là “Ba”. Người mà cả tuổi thơ nó, đã cho nó một ngôi nhà ấm áp, cho nó một bờ vai để nương tựa, cho nó một vòng tay yêu thương, và dạy cho nó sống có mục tiêu, sống có cố gắng, sống phải biết san sẻ, sống có yêu thương, mỗi ngày mở mắt ra hãy tưới tắm cho tâm hồn nở hoa, thì nỗi buồn sẽ ít lại. Vui buồn mà, ai chẳng có... phải không?
Cảm ơn Người - vì tất cả, kể cả nụ cười rạng rỡ của hôm nay, cho con biết Người vẫn luôn thương yêu con như ngày nào.
Không có ba, không có mẹ, thì làm sao có con của hôm nay, mạnh mẽ, tự tin, yêu đời và luôn khát vọng mong cầu sống hạnh phúc, an yên.
Cảm ơn papa! Cảm ơn mami!
I love U!!!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro