NGƯỜI ĂN XIN
Chiều hôm nay, tan học, tôi cảm thấy rất vui vẻ bởi bản thân vừa trải qua bài kiểm tra lý khá thuận lợi. Tôi vui vẻ chạy chiếc wave cũ của mình khắp thành phố để tận hưởng bầu không khí lúc ngã chiều. Phố xá lúc này rất đông đúc, ngay giờ cao điểm, người người xe xe qua qua lại lại, tiếng cười nói, tiếng xe, tiếng còi,… trông mọi thứ thật ồn ào, náo nhiệt.
Tôi dừng xe trước một cửa hàng nước ép, mua cho mình một ly nước ép dưa hấu – thứ thức uống quen thuộc của tôi. Cầm nó trên tay, tôi háo hức ra về. Tôi chạy một vòng lớn và cuối cùng chọn về con đường chính – con đường tấp nập nhất thành phố. Tôi dừng xe chờ đèn đỏ, chợt trong khung cảnh nhộn nhịp ấy, tôi bắt gặp một người ăn xin đang ngồi bên vệ đường, gần cột đèn đỏ. Đó là một ông lão gần 80 tuổi, tóc đã bạc, da đã nhăn, ông mặc trên người bộ quần áo gần như rách hết, không còn lấy một mảnh nguyên vẹn, trên đầu ông đội một chiếc nón vành màu xanh nhưng đã bạc màu. Phải chăng chiếc nón ấy đã che nắng, che mưa cho ông lão suốt một thời gian dài? Ông lão đi chân trần, ông đang ngồi co ro bên vệ đường, đôi tay run run cầm chiếc nón nhỏ giơ lên cao, đôi mắt ánh lên vẻ đau thương nhìn dòng người đang ở trước mặt. Mọi người xung quanh dường như không có lấy một ai quan tâm đến sự tồn tại của ông. Người thì nói chuyện với con, người thì tranh thủ vài chục giây đèn đỏ ngắn ngủi mà trả lời tin nhắn, người thì ngó lơ nhìn đi nơi khác để hình ảnh ông lão ăn xin kia không lọt vào mắt họ. Và đau lòng thay, tôi cũng thế. Tôi thấy ông. Nhìn thấy tất cả, thấy vẻ cùng cực nơi ông, thấy cả sự mệt nhọc, tủi nhục, cô đơn, thống khổ nơi ông và thấy cả cách đối xử lạnh lùng mà mọi người đi qua nơi đó dành cho ông. Trong tâm trí tôi luôn thúc đẩy tôi rằng “Hãy đến và giúp đỡ ông đi”. Nhưng, tôi đã không làm thế, tôi cũng giống như dòng người kia, vô tâm, thật sự rất vô tâm.
Đèn xanh bật lên, tôi ái ngại nhìn ông rồi cũng chạy đi mất. Trong người tôi cứ xuất hiện một cảm giác rất tội lỗi, tôi luôn nhớ về hình ảnh của ông. Tôi tự trách bản thân tại sao lúc ấy lại không chạy đến giúp đỡ cho ông. Bất giác tôi nhìn xuống ly nước ép của tôi đang treo trên xe, tôi thầm trách mình “Phải lúc đấy cho ông ly nước ép này thì có phải sẽ tốt hơn không, chắc là ông cần ly nước này hơn tôi, nếu không mua nó thì có phải với số tiền nhỏ ấy cũng có thể giúp ông không?”. Tôi rất phân vân, trước nay tuy tôi rất hay giúp đỡ mọi người, đặc biệt là các cụ già có hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi chưa từng cho tiền một người ăn xin bao giờ cả và tôi cũng chẳng biết cho bao nhiêu là thích hợp. Và một điều quan trọng hơn cả là lúc đấy trong người tôi đã hết tiền “lẻ” rồi, chỉ còn độc mỗi tờ 500.000đ – đó là sinh hoạt phí tuần sau của tôi - thế tôi phải cho ông bằng cách nào đây? Tôi luôn cố gắng bịa ra một lý do nào đấy để bản thân mất đi cái cảm giác tội lỗi ấy nhưng tôi vẫn luôn bị dằn vặt về nó. Tôi trách bản thân sao lại có thể làm như thế, tôi từng rất ghét những con người vô cảm như thế, nhưng hôm nay tôi lại thế, tôi cảm giác mình là một tên “khốn”. Tôi thật sự không biết phải làm như thế nào nữa. Tôi kể chuyện này cho một người chị của tôi, chị ấy nói:
- Rồi khi em lớn lên, em sẽ trở thành con người mà chính bản thân em của ngày xưa đã từng “ghét cay ghét đắng”.
Tôi cảm thấy rất hụt hẫng, thất vọng vì bản thân mình. Tôi không nghĩ bản thân tôi có một ngày phải tự trách mình nhiều đến vậy. Tôi lại càng không nghĩ bản thân mình lại trở nên vô cảm như vậy. Tôi nghĩ, hình ảnh ông lão ăn xin ấy sẽ mãi bám vào trí nhớ mãi không dứt. Nó như một “cơn ác mộng tâm lý” đè lên trái tim và lòng trắc ẩn của tôi. Nó sẽ nhắc nhở tôi “làm người không thể nào vô tâm như thế được”.
Và nếu gặp ông thêm một lần nữa, tôi hy vọng, bản thân có thể giúp được ông.
Gun.N – người kể những câu chuyện đời thường.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro