Cưới nàng anh toan dẫn voi
Bên cạnh mảng ca dao trữ tình, ca dao hài hước cũng phản chiếu một khía cạnh khác trong tâm hồn của người bình dân ngày xưa, chứa đựng tinh thần lạc quan, sức sống mạnh mẽ và tinh thần phản kháng của nhân dân. Không những thế, tiếng cười trong ca dao cũng chính là những uất ức bất bình , những thái độ ứng xử , điều chỉnh hành vi , hướng tới một cuộc sống tốt đẹp công bằng hơn.
Ca dao hài hước chứa đựng cái nhìn, thái độ, tình cảm của người bình dân trước các hiện tượng đời sống, mối quan hệ tình cảm giữa người với người và tiếng cười trong ca dao phong phú thể hiện nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau. Chúng ta cùng đến với bài ca dao hài hước sau:
“CƯỚI NÀNG ANH TOAN DẪN VOI”
Bài ca dao là tiếng cười tự trào đầy yêu đời, lạc quan của người nông dân trước cảnh nghèo. Song chọn đúng cảnh cưới để bộc lộ chính tâm hồn mình, lấy cái nghèo để cười, để vui. Phải chăng, khi con người ta tự cười chính mình cũng chính là lúc tâm hồn họ được bộc lộ rõ nhất? Chuyện dẫn cưới là chuyện vui. Câu chuyện vui ấy mà buồn nhưng buồn mà lại hóa vui. Buồn chuyện dẫn cưới sao nhiều điều phải suy nghĩ thế! Đó là lẽ thường của người dân nghèo. Họ nghèo, sao đủ sính lễ để đi xin cưới? Nhiều đôi trai gái vì món đồ dẫn cưới quá nặng mà phải đứt gánh giữa đường. Nhưng ở bài ca dao này, câu chuyện dẫn cưới đã được giải quyết một cách khéo léo mà rất mực tự nhiên, hợp tình, hợp lí.
Cưới nàng, anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.
Miễn là có thú bốn chân,
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.
Chàng dẫn thế em lấy làm sang,
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang:
Củ to thì để mời làng,
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà;
Bao nhiêu củ rím, củ hà,
Để cho con lợn, con gà nó ăn…
Bài ca dao có hình thức kết cấu theo kiểu đối đáp nam nữ vui đùa về lễ cưới và cảnh nghèo của mình. Cũng từ đó mà chúng ta chia ra, đầu tiên là về lời dẫn cưới của chàng trai (6 câu đầu), thứ hai là lời thách cưới của cô gái (10 câu sau).
I. Lời dẫn cưới của chàng trai:
Có thể nói rằng chính những sự lí thú bắt đầu từ chỗ chàng trai chủ động kể về những lễ vật mà mình đã toan dẫn cưới khi anh ta chưa hể hỏi người yêu là nhà gái thách cưới những gì. Và có thể thấy được chính lời tâm sự bộc lộ hoàn cảnh, tấm lòng, tính nết, tâm tư, nguyện vọng của chàng trai. Nhà nghèo thì nghèo thật đấy nhưng chuyện cưới vợ chẳng lẽ lại không có lễ vật dẫn cưới theo đúng phong tục hay sao chứ? Dễ nhận thấy được chính sự khoác lác, ba hoa của chàng trai được tác giả hé mở qua từ “toan” được dùng đặc sắc.
“Cưới nàng, anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.”
Động từ “Toan” là động từ có ý định thực hiện một điều gì đó nhưng mà, lại không thực hiện được. Chàng trai ở đây toan dẫn voi, một ý định phi lý khó có thể thành hiện thực. Cách nói của anh chàng giống hệt như cách nói khoác ở một số địa phương ở Phú Thọ, Hải Phòng, hay như kiểu của bác Ba Phi Nam Bộ. Nói cho vui, nói để gây nên những tràng cười giòn giã, cho quên đi trong phút chốc cải thân phận nghèo hèn của mình.
Ba con vật xuất hiện trong lời dẫn cưới của chàng trai: Dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò. Con trâu, con bò, con voi đều là những vật quý hiếm, đắt tiền, thường được đưa ra làm điều kiện thách cưới ngày xưa.
Để có thể trấn an người yêu, chính bằng lối nói khoa trương, phóng đại, ta như thấy được chính chàng trai đã dõng dạc lặp lại ba lần với vẻ tự tin như đinh đóng cột rằng là dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò. Chàng trai dường như cũng đã khéo “tưởng tượng” ra lễ cưới thật sang trọng, lình đình. Và cho đến cuối cũng ai ngờ mỗi lần công bố lại là một lần thay đổi, mỗi lần thay đổi lại được giải thích bằng lí do nực cười:
Dẫn voi/ sợ quốc cấm (phạm luật), dẫn trâu / sợ máu hàn (đau bụng) và dẫn bò/ sợ họ nhà nàng co gân (què quặt).
Điệp từ “sợ”
Lập luận. lý lẽ mang tính giả tưởng, suy diễn đầy hài hước thông minh.
Thận trọng, chu đáo với nhà gái.
Ta như nhận ra được những lí lẽ của chàng trai thoạt nghe cũng có vẻ chấp nhận được. Và thông qua đó thì chàng giải thích lí do không dẫn các lễ vật nêu trên một cách khôn ngoan đó chính là do một phần vì tôn trọng luật pháp, phần vì lo lẳng cho sức khỏe họ hàng nhà của nhà gái. Và đây cũng quả đúng là một chàng rể chu đáo, cẩn thận, ai nỡ ngờ vực lòng thành của chàng.
Vậy cái lễ vật mà chàng trai đưa đến là gì?
“Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo. Mời dân mời làng”
Lễ vật: chàng trai đã chọn Chuột béo
Chuột béo có điều kiện gì, để anh ta cho thành điều kiện dẫn cưới?
Thú bốn chân (chuột có bốn chân): đảm bảo tiên chuẩn về số lượng.
Béo: đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng.
Một quyết đinh bất ngờ và gây cười.
Lễ vật đàng hoàng, tươm tất để mời dân làng, nào có thua kém gì so với những lễ vật khác.
Tiểu kết 6 câu đầu:
Lối nói giảm dần: voi -> trâu -> bò -> chuột
Lời nói đối lập: con chuột (số ít) > < dân làng (số nhiều)
Chàng trai nông dân nghèo lạc quan yêu đời, thông minh dí dỏm và khéo léo, chu đáo quan tâm đến nhà gái.
Việc dẫn cưới khác thường vừa hóm hỉnh, đáng yêu, vừa thể hiện được tình cảm chân thật, mộc mạc của mình với người yêu.
Vậy cô gái khi nghe người yêu bàn thế thì có thái độ ra sao ?
II. Lời thách cưới của cô gái.
Bằng sự thông minh, sắc sảo, cô lấy ngay cái độc đáo chưa từng có trong tục dẫn cưới để đối đáp lại:
Chàng dẫn thế em lấy làm sang,
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang:
Củ to thì để mời làng,
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà;
Bao nhiêu củ rím, củ hà,
Để cho con lợn, con gà nó ăn…
Trước tiên, cô gái đã đánh giá qua từ “sang”, điều đó thể hiện sự có giá trị cao, tuy nhiên cô chỉ đang đánh giá tấm lòng của chàng trai chứ không đánh giá lễ vật của chàng. Hình ảnh “Nỡ nào em lại phá ngang” thể hiện sự lịch sự, tế nhị của cô gái trước nhà trai.
Cô gái như không còn lạ gì tính sĩ diện của chàng trai muốn làm đám cưới thật linh đình trong khi nhà nghèo, dường như chính tiền nong chẳng có. Cô gái ở đây cũng như đã thông minh bắt thóp được điểm yếu của chàng trai Bằng chính một tấm lòng chân thành của người vợ tương lai, cô ôn tồn giãi bày ý định của mình:
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
“lợn”, “gà” là những vật thách cưới thông thường, trong khi đó, cô gái lại thách cưới bằng khoai lang – thứ rất bình dân, quen thuộc với quê làng. Nếu như so với lời hỏi cưới của chàng trai thì con “lợn”, “gà” của cô gái có giá trị thấp hơn rất nhiều so với con “trâu”, “bò”, “lợn”, cho thấy cả chàng trai lẫn cô gái đều ý thức được sự nghèo của mình.
Từ đó cho ta thấy được sự đơn giản, nhẹ nhàng, vô tư, dí dỏm, đáng yêu, chứa đựng sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu với cảnh nghèo của nhau. Cả hai người đều yêu nhau và hiểu được hoàn cảnh của nhau, nên họ không hề đưa ra những yêu cầu quá xa vời , cao sang mà chỉ gắn kết với nhau bằng những thứ gần gũi, nhỏ bé, quen thuộc.
Không chỉ có vậy, ta còn bắt gặp hình ảnh “ một nhà khoai lang”. Đến đây, ta dường như nghĩ đến một số lượng khoai lang rất lớn, điều đó đã tạo nên lối nói khoa trương, phóng đại, lấy số lượng lớn bù đắp cho giá trị của khoai lang. Nếu như so sánh với “lợn”, “gà” thì giá trị của khoai lang thấp hơn rất nhiều, vì vậy việc lấy số lượng nhiều là để giảm đi, che bớt chất lượng của khoai lang, qua đây lại cho thấy được sự yêu thương gắn bó tình cảm của hai người. Cô gái không đả động đến những vật dẫn cưới như voi, trâu, bò, chuột… mà chàng trai vừa nêu ra.
Hai từ đối lập “Người ta” và “Nhà em” chi ra hai lối suy nghĩ khác nhau. Chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi cô gái thách cưới bằng một lễ vật độc đáo, ít ai nghĩ đến: một nhà khoai lang. Cũng hài hước, dí dỏm nhưng chàng trai thì úp úp, mở mở; còn cô gái lại thật thà như đếm. Bởi vì lễ vật mà cô thách cưới giản dị quá, tầm thường quá! Câu nói của cô như mở lòng, mở dạ cho chàng trai, khiến chàng thoát khỏi tình thế phân vân, lúng túng. Một nhà khoai lang, mới nghe tưởng quá nhiều nhưng thực tế đó là thử lễ vật xoàng xĩnh, chàng trai có thể kiếm được. Dân tộc ta bao đời nay sống bằng lúa ngô, khoai sắn. Lễ vật tuy bình thường nhưng ý nghĩa thì sâu xa, thấm thía. Để cho người yêu an tâm không còn băn khoăn gì nữa, cô gái giải thích cặn kẽ:
“Củ to thì để mời làng/Còn như củ nhỏ họ hàng ăn chơi.”
Làng là các vị chức sắc trong làng xã, mỗi khi có ma chay, cưới hỏi, phải nghĩ đến họ trước tiên. Cô gái đã cẩn thận chọn những củ to để mời làng theo đúng lễ nghi.Còn khoản đãi bà con họ hàng, cô gái dùng những củ nhỏ hơn. Cùng cảnh ngộ “thân cò, thân chim”, ai mà không cảm thông, chia sẻ.Lo cho làng và họ hàng xong, cô gái mới quay về với gia đình mình:
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.
Tiếng gọi “chàng ơi!” như thổn thức tận đáy lòng cô gái. Cô muốn có sự đồng cam cộng khổ với người yêu. Cô tính toán tỉ mỉ: bao nhiêu củ mẻ sẽ để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà. Thật tội nghiệp nhưng không sao! Trẻ con, rất hồn nhiên, chúng không đòi hỏi gì cả, vì chúng hiểu nhà mình cũng rất nghèo.Cách suy tính của cô gái thật cụ thể, kĩ càng: Bao nhiêu củ rim, củ hà,Để cho con lợn, con gà nó ăn… Tấm lòng chân thành của cô gái dành cho làng, họ hàng, con trẻ và còn cho cả con lợn, con gà nữa.
Dường như cô muốn tất thảy đều vui vẻ chia sẻ với hạnh phúc của cô. Lời nói mang tính giảm dần cùng với giọng điệu hài hước, dí dỏm, đáng yêu cho ta thấy một đám cưới nghèo nhưng giàu tình cảm đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, qua đó ta thấy việc thách cưới khác thường vừa vô tư, hóm hỉnh vừa bộc lộ tâm hồn trong sáng, bao dung, coi trọng tình nghĩa hơn vật chất của người con gái.
* Tiểu kết 10 câu cuối:
=> Tấm lòng bao dung của cô gái đối với những chàng trai, những người có chung cảnh ngộ. Luôn luôn tôn trọng, thấu hiểu cho nhà trai. Cô gái và anh chàng trong đây cũng cùng cảnh lao động nghèo, cảm thông nhau. Họ đến với nhau vì tình nghĩa chứ không phải vì vụ lợi vật chất.
- Có lẽ rằng khi đọc bài ca dao trào lộng “Cưới nàng anh toan dẫn voi…,” nhưng dường như đằng sau tiếng cười hả hê có khi là nước mắt. Với chính những tình cảm sâu sắc cả sự thương yêu, đồng cảm trong cuộc sống, thuận vợ thuận chồng trong nếp nghĩ và công việc, và đó chính là động lực là lý do để những đôi lứa đang yêu nhất định sẽ sống hạnh phúc. Đó cũng cùng là ước mơ của người bình dân tự ngàn xưa.
III. Vẻ đẹp của người nông dân hiện lên qua bài ca dao
Từ câu chuyện của đôi trai gái, chúng ta cũng có thể thấy được vẻ đẹp hội tụ ở những người lao động thơi xưa.
Trước hết, ta thấy ở họ sự lạc quan, yêu đời dù ở trong hoàn cảnh nghèo khó. Đám cưới của đôi trai gái tuy không cao sang nhưng vẫn chứa chan rất nhiều niềm vui. Người bình dân đã tìm thấy niềm vui ngay trong cảnh nghèo như thế.Đây là cái vui tự trào của người bình dân trong ca dao. Người lao động tự cười mình trong cảnh nghèo. Lại chọn đúng cảnh đám cưới là lúc bộc lộ rõ nhất cái nghèo để cưới, để vui, để thể hiện lòng yêu đời, ham sống. Khi người ta tự cười mình thì tiếng cười ấy bộc lộ rõ nhất bản lĩnh và quan niệm sống của họ. Những khó khăn của cuộc đời dường như không thể dập tắt được tâm hồn trong trẻo, tươi sáng của người lao động.
Không chỉ vậy, họ còn giàu lòng nhân ái, tình thương, có tình yêu thương giữa con người với con người. chính cái sự nghèo khó ấy đã khiến họ đồng cảm với nhau, từ đó làm họ càng thêm gắn kết quan hệ, biết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn.
Vẻ đẹp của họ còn khiến ta nhớ đến những câu ca dao của cha ông:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hơn thế nữa, ta còn thấy được quan niệm tình nghĩa vợ chồng cao đẹp của những người lao động. Họ đến với nhau bằng tình yêu, sự chân thành, sống coi trọng tình nghĩa, không màng đến của cải vật chất hay những thứ quyền quý cao sang. Bát chấp cảnh ngộ nghèo khó, họ chỉ cần có nhau là đủ. Đúng như dân gian ta vẫn hay nói: “Râu tôm nấu vói ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Những con người ấy có thể thiếu thốn về vật chất của cải nhưng họ không hề nghèo nàn về tình cảm, tâm hồn. Có thể thấy ở nhân dân ta hội tụ biết bao vẻ đẹp và phẩm chất vô giá, thậm chí chúng vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Điều đó thật đáng trân trọng làm sao!
_________________________
Là một bài tìm hiểu của nhóm mình. Không liên quan nhưng PowerPoint bài này nhóm mình làm đẹp xỉu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro