Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

cảm nhận Khăn thương nhớ ai

Văn hiến Việt Nam đã trải qua bốn ngàn năm giang sơn gấm vóc, trải qua bao đổi thay của thời đại, nay ta còn lại những gì? Có lẽ, kiên cường nhất, in dấu ấn đậm sâu nhất trong tâm trí người Việt, không đâu khác chính là những lời ca, những làn điệu, những câu ca dao. Ca dao gắn bó với nhân dân, là tiếng hát trái tim, tinh thần, là tiếng tơ đàn muôn điệu. Nó đã trở thành một món ăn tinh thần để răn dạy, khích lệ tinh thần của biết bao thế hệ. “Khăn thương nhớ ai” là một trong những bài ca dao tiêu biểu diễn tả nỗi niềm thương nhớ của một cô gái với nỗi nhớ thương tới da diết, cồn cào mà chỉ có thể kìm chặt trong tim.

“Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề”

Bài ca nằm trong hệ thống ca dao viết về người thương, một cung bậc cảm xúc trong ca dao tình yêu của người dân Việt Nam ta. Bài ca diễn tả nỗi nhớ và niềm thương của một cô gái, nhớ thương da diết, nhớ đến thao thức, nhớ tới run rẩy bàn tay mà không thể giãi bày với ai. Cô phải hỏi “khăn”, hỏi “đèn”, hỏi cả “đôi mắt mình” về những băn khoăn, những tâm sự xoáy sâu trong cõi lòng. Những câu hỏi không lời đáp ấy cứ ngày càng chồng chất, nén chặt nỗi thương nhớ trong trái tim nhỏ bé kia, để rồi cuối cùng trào ra trong nỗi lo âu của mình.

Hình ảnh người con gái với nỗi nhớ khôn nguôi về một mối tình đẹp đẽ được thể hiện qua hình tượng nghệ thuật chiếc khăn trong sáu câu thơ đầu:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt”
Dễ hiếu vì sao hình ảnh chiếc khăn được lặp đi lặp lại nhiều lần nhu một điệp khúc nhớ thương triền miên, da diết như thế. Trong tình yêu trai gái, chiếc khăn thường là vật trao duyên để người ta gửi khăn, gửi áo, gửi lời. Khăn cũng là một vật luôn gẩn gùi, quấn quýt với người con gái. Ở đây chiêc khăn được nhân hoá, trở nên có tâm trạng và là đốì tượng để cô gái bộc lộ nồi niềm thương nhớ người yêu đến thấp thỏm không yên. Ba lần hỏi, mỗi lần nỗi nhớ lại càng trào dâng, cuồn cuộn trong lòng, nỗi nhớ toả theo chiều hướng không gian: “rơi xuống đất”, “vắt lên vai” và cao độ là khi chiếc khăn giúp cô gái giấu đi những giọt nước mắt khóc thẩm. Khăn được hỏi đến đầu tiên và cũng là vật được nhắc đến nhiều nhất, chiếc khăn ấy phải chăng đã ấp ủ biết bao hơi ấm bàn tay, đã thấm đượm nhiều vô chừng những lời ân ái mặn nồng. Cô gái trong bài ca dao là một người biết trân trọng kỉ niệm, biết kìm nén lòng mình dẫu cho trái tim đã băng lạnh vì nỗi buồn man mác gặm nhấm lụi tàn mất rồi. Có lẽ, người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi thương, khi yêu cũng chỉ biết lặng lẽ một mình và ôm thương nhớ, trăn trở với bản thân mình như thế. Ta cũng đã bắt gặp hình ảnh chiếc khăn – vật trao duyên qua “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm:
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Những tâm tình ngổn ngang trăm mối của người con gái ấy còn được gửi gắm vào hình ảnh ngọn đèn:
“Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt”
Vẫn là điệp khúc “thương nhớ” cũ, nhưng nỗi nhớ đã chuyển từ “khăn” sang “đèn”. Hình ảnh ngọn đèn gợi ra đêm khuya vò võ canh tàn, và cái đốm lửa đang cháy kia phải chăng là hình ảnh của nỗi nhớ cháy rực trong lòng cô gái? Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn nguôi. Cũng như chiếc khăn, ngọn đèn đã giúp cô gái thổ lộ nỗi lòng. Hình ảnh đèn gợi cho ta liên tưởng tới cảnh một người con gái ngày đêm vò võ trong nỗi nhớ thương. Nỗi thương nhớ khôn nguôi như ngọn đèn kia cứ mãi không chịu tắt. Nhưng dù có mượn đèn, mượn khăn cũng không thể diễn tả hết nỗi nhớ. Cũng vẫn dùng thủ pháp nhân hóa nhưng nếu như ở hình ảnh chiếc khăn, nỗi nhớ được trải ra theo không gian thì đến đây nó được đo theo thời gian. Hình ảnh ngọn đèn không tắt chính là ngọn lửa thương nhớ đang cháy trong trái tim người con gái. Chính là người con gái đang trằn trọc đêm thâu trong nhớ thương đằng đẵng. Hình ảnh "cái đèn" cũng có thể được hiểu là một con mắt khác thức thi với mắt người giữa đêm thâu vời vợi. Chẳng phải ngọn đèn vẫn thường làm bạn với ta mỗi khi ta có điều lo nghĩ đó sao?

Đến dòng thơ thứ chín, cô gái không kìm lòng được nữa, thứ “cảm xúc không được gọi tên” của cô trên kia chợt vỡ òa, cô tự hỏi chính mình:
“Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên”
Mắt xuất hiện với biện pháp hoán dụ là để chỉ người con gái - nhân vật trữ tình trong bài ca dao. Mắt là cửa sổ tâm hồn, là hình ảnh thực gần nhất về nhân vật trữ tình. Nếu khăn với đèn là những sự vật thông qua sự vật bên ngoài để chỉ nỗi nhớ, thì mắt ở đây là một bộ phận cơ thể con người nó trực tiếp khiến chúng ta liên tưởng đến nhân vật trữ tình. Câu hỏi tu từ: “Mắt thương nhớ ai” kết hợp với điệp cấu trúc và điệp từ ”thương nhớ” đã diễn tả nỗi nhớ vô cùng thường trực, tha thiết, khắc khoải. Nỗi nhớ ấy quá da diết khiến cô gái trở nên bất an. thấy được tiếng lòng thổn thức của người con gái, nỗi nhớ được dâng trào theo tự nhiên. Điệp khúc “Thương nhớ ai” được nhắc lại đến tận năm lần là để cho chúng ta thấy tình yêu chân thành, tha thiết của người con gái là cốt lõi cho sự nhớ mong, khắc khoải của cô gái trong cả bài ca dao, từ đầu đến cuối nỗi nhớ của cô gái được trải dài từ không gian qua thời gian, từ sự vật này đến sự vật khác. Và cuối cùng nỗi nhớ ấy cũng chính được thể hiện thông qua bản thân của cô gái. Có thể nói việc thương nhớ cho chúng ta thấy tình yêu của cô gái vô cùng chung thuỷ, không một tác động nào có thể thay đổi giữa cô gái với chàng trai mà cô đang chờ đợi, mong ngóng.

Và rồi, nỗi nhớ trong lòng cô gái bộc phát cao trào tới đỉnh điểm qua hai câu ca dao cuối cùng:
“Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề”
Nếu 10 câu thơ đầu dùng thể thơ 4 chữ như những lời giãi bày của cô gái với nỗi nhớ miên man, da diết chỉ được bộc lộ gián tiếp qua hình ảnh cái khăn, đôi mắt, cây đèn, thì hai câu thơ cuối, cảm xúc này đã dồn nén và được bộc lộ một cách trực tiếp bằng thể thơ lục bát. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “lo” được nhắc đến hai lần, nó mang ý nghĩa phổ biến cho người phụ nữ trong cuộc đời xưa, yêu tha thiết nhưng luôn lo sợ cho hạnh phúc bấp bênh. Nhớ thương người yêu và lo lắng cho duyên phận của mình “không yên một bề”. Tuy cô gái chỉ nói là lo một nỗi, một bề, nhưng thực ra trong lòng cô có rất nhiều vấn vương thao thức. Những nỗi lo ấy ám ảnh cô gái, xoáy lấy trái tim bé nhỏ kia vào một vòng lặp bất tận. Những suy nghĩ, tâm tư của nàng ngổn ngang, lộn xộn như một mê cung không lối thoát, lạc bước theo tiếng gọi của tình yêu. 
Nghệ thuật sử dụng trong bài thơ vô cùng độc đáo, thể vắt dòng, chuyển giao vãn bốn sang lục bát. Cách gieo vần trong bài cũng cực kỳ thành công, đặc biệt hơn là lối nói bóng gió bằng những hình tượng gần gũi mà đầy ý nghĩa, góp phần tạo nên nét đẹp của bài ca dao. Ta thấy được cảm xúc của cô gái dồn nén trong thâm tâm rồi tuôn trào ra như thác, ta còn thấy được nỗi thương nhớ, niềm lo âu được diễn tả trong bài ca, ta nhận ra tiếng hát yêu thương của người phụ nữ. Họ khát khao yêu thương, được cuộc sống yên bình.

Lời ca dao giản dị với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi đã tạo nên một nét đẹp rất mộc mạc, truyền thống của tình yêu đôi lứa. Qua nỗi nhớ và niềm lo âu trong bài, người đọc có thể cảm nhận được tình yêu và khát vọng được yêu của những người dân chân chất xưa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro