Ngũ hành và khoa học
Ngũ hành và khoa học
PhD. Nguyễn Thế Hùng
Tác giả cung cấp
01:58' PM - Thứ bảy, 14/06/2008
Lời nói đầu
Tập sách này được viết nhờ sự khích lệ của một nhà nghiên cứu thâm niên về tiền tệ và ngân hàng, vốn là bạn cũ của chúng tôi. Ông muốn có cái nhìn từ góc khác biệt với chuyên môn của ông. Ông hy vọng các môn khoa học tự nhiên có thể cung cấp những kiến giải phi truyền thống về dòng chảy tiền tệ, để nhận chân sự vận động của đồng tiền trong nền kinh tế hiện đại.
Trong thực tế, chúng tôi đang nghiên cứu về đề tài hợp nhất các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Hiện nay, các nhà khoa học gần như đã thống nhất rằng nhờ sự phát triển của máy tính và tin học chúng ta đã có thể số hóa mọi quá trình và sự kiện trong thực tế. Điều đó cho phép nghĩ đến một giải pháp liên kết các môn khoa học trong một thể thống nhất mà cơ sở là toán học.
Quá trình đi tìm sự thống nhất đó vô cùng phức tạp, vì khó tìm thấy những sợi dây liên hệ nền tảng cho các lĩnh vực khác nhau, gồm xã hội học, văn hóa, kinh tế, sinh học, y học, vật lý, hóa học, nông nghiệp, hàng hải, chính trị, tâm lý... Tuy nhiên, cái mà mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội và tự nhiên có thể chung với nhau là sự biến đổi và vận động không ngừng. Nhưng sự vận động và biến đổi ấy có hình thức như thế nào? Cái biến dạng, cái vô hình thức của chúng ta ra sao?
Thực ra, theo quan điểm toán học hình thức của vận động được mô tả bằng các phương trình động học. Đó là các phương trình phi tuyến đa biến số. Và chỉ có các phương trình phi tuyến mới mô tả được các quá trình đầy biến động và luôn luôn dịch chuyển của cuộc sông xã hội và tự nhiên.
Mặt khác, ngày nay trên thế giới khái niệm "phát triển bền vững" đang ngày càng phổ biến. Xét về ngữ nghĩa thì "bền vững" nghĩa là dài lâu. Hiểu theo nghĩa đó thì những gì được phát kiến trong quá khứ và tồn tại đến ngày nay thì được xét là bền vững. Điểm xuất phát càng sâu trong quá khứ thì càng bền vững, vì chính chúng ta đang mong muốn những gì chúng ta sáng tạo ra ngày hôm nay sẽ bền vững trong tương lai xa.
Xét trong lịch sử, Học thuyết Ngũ Hành có tuổi vài ngàn năm rồi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Những Học thuyết ấy rất huyền bí. Ví dụ, tại sao một người sinh tuổi Dậu thì đa tài nhưng lắm truân chuyên, tại sao khởi hành giờ Mão lại không thuận tiện... Chính vì vậy mà Ngũ Hành được khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững". Về mặt toán học, nếu vẽ đồ thị của các quá trình vận động, của các đối tượng thực theo Ngũ Hành trong không gian pha thì đó chính là các đường cong diễn tả các phương trình phi tuyến.
Kết hợp hai khai niệm bền vững và phi tuyến để soi xét Học thuyết Ngũ Hành, dùng nó để lật bỏ tấm voan huyền bí đi, chúng ta thấy Ngũ Hành là khoa học. Cái khoa học này cho phép chúng ta tư duy về mọi vấn đề từ tu thân, tề gia đến quản trị doanh nghiệp, xây dựng đất nước theo khoa học. Nó có thể dùng cho học sinh hay Giám đốc, chiến sĩ hay tướng lĩnh, thậm chí người hưu trí hay Cán bộ đương chức đều có ít nhiều ích lợi, vì Ngũ Hành theo cách hiểu Khoa học chính là cái vô-lăng điều chỉnh hướng lái của con tàu cuộc đời của mỗi chúng ta.
Đây mới chỉ là khởi đầu cho các công trình nghiên cứu rộng lớn sau này đặc biệt các nghiên cứu về mối quan hệ giữa Ngũ Hành và Dịch Học, những nghiên cứu dùng Ngũ Hành trong quản lý văn hóa và kinh tế...
Cuốn sách được hoàn thành có sự đóng góp rất lớn của nhiều người, chúng tôi xin chân thành cám ơn TS Vật lý Hạt nhân Trần Đính Trí, KS Lương Thanh Tịnh, Cử Nhân Tống Võ Lệ Hà đã đọc bản thảo và cho các góp ý quí báu. Chúng tôi cũng xin cám ơn Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo, TS Ngô Sỹ Thuyết, Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan... đã động viên và giúp đỡ chúng tôi trong quá trình biên soạn.
Chương 1: Các nguyên lý cơ bản
1.1. CÁC PHƯƠNG PHÁP TÌM ĐƯỜNG TỐI ƯU
Trong thực tế chúng ta thường gặp vấn đề tìm đường tối ưu. Ví dụ: nhân viên chuyển phát nhanh phải tìm được con đường ngắn nhất, ít ùn tắc nhất để đến một số địa điểm trong thành phố nhận thư từ, bưu kiện, mang về trung tâm, sau đó thuê các phương tiện vận chuyển phát tới các địa điểm ở xa, sao cho bảo đảm được thời gian nhanh nhất. Các hãng vận tải cũng vậy.
Bài toán tìm đường tối ưu được gọi là bài toán qui hoạch. Ở mức độ đơn giản ta có bài toán qui hoạch tuyến tính, ở mức độ phức tạp hơn ta có bài toán qui hoạch phi tuyến.
Động từ "qui hoạch" theo định nghĩa đơn giản là phóng tầm nhìn về tương lai, tìm ra con đường tới đích một cách nhanh chóng, tốn ít năng lượng, không gây các phản ứng phá hoại sự bền vững của hệ thống.
Bài toán qui hoạch đơn giản nhất là qui hoạch chuyển phát nhanh thư tín. Bài toán qui hoạch phức tạp là bài toán tìm con đường phát triển bền vững của cộng đồng xã hội (một tỉnh, một nước, một khu vực và cả toàn cầu). Các bài toán vật lý, hoá học, sinh học, giao thông, xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế, ngân hàng, ...là các bài toán qui hoạch bậc trung.
Các bài toán qui hoạch nhỏ thường do một người tìm lời giải và được thực hiện bởi chính người đó. Trong quá trình thực hiện lời giải họ sửa chữa các sai sót, hòan chỉnh lời giải. Đó chính là quá trình tích lũy kinh nghiệm cá nhân. Các kinh nghiệm ấy đúng với hòan cảnh của chính cá nhân đó, và cũng chỉ đúng với những điều kiện ban đầu (điều kiện biên) cụ thể. Khi mở rộng lời giải và phương pháp giải, người sâu sắc thường thường có thái độ rất thận trọng.
Các bài toán bậc trung, hoặc siêu lớn thường do một tập thể tìm lời giải. Khi đó, vấn đề trở nên ngày càng phức tạp vì các ý kiến và phương pháp mỗi người đưa ra rất khác nhau.
Trên thực tế, gần như không tồn tại các bài toán qui hoạch tuyến tính, mà chỉ có các bài toán qui hoạch phi tuyến. Lời giải của bài toán qui hoạch phi tuyến chỉ đúng trong phạm vi hẹp về thời gian và không gian. Lời giải đó được gọi là tối ưu cục bộ (Local optimal solution).
Việc tìm ra lời giải đúng của bài toán qui hoạch phi tuyến luôn luôn rất khó khăn. Nhiều vị anh hùng cái thế thường chặc lưỡi khi biết mình đã nhận nhầm một lời giải thoạt nhìn tưởng là đúng. Cái chặc lưỡi của Từ Hải không phát ra thành tiếng kêu "chậc, chậc". Ông đứng im chịu nhận một lời giải sai lầm trong thực tế. Còn nhiều ví dụ đau lòng khác khi chúng ta nhận nhầm lời giải của bài toán qui hoạch phi tuyến. Cái giá phải trả không chỉ là cái "chết đứng" của một cá nhân, mà đôi khi là sự kéo lùi lịch sử của cả cộng đồng đi một khoảng xa.
Vậy có cách thức nào cho phép ta tìm lời giải tối ưu, khả dĩ đúng được không? Đó là nội dung của nghiên cứu này.
1.2. PHÉP BIỆN CHỨNG
Phép biện chứng là nền tảng tư duy của nhiều thế hệ đương đại. Trong thực tế phép biện chứng đã đạt được các kết quả rất tốt. Có thể nói sự thành công của cách mạng tháng 10 Nga, mở ra một kỷ nguyên cách mạng sau năm 1917 là kết quả của tư duy biện chứng của Lê Nin.
Về mặt kinh điển, phép biện chứng có hai nguyên lý cơ bản:
- Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến,
- Nguyên lý về sự phát triển.
Diễn giải một cách dễ hiểu ra thì hai nguyên lý ấy như sau: Mọi sự trên đời này có liên quan trực tiếp xa gần với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau. Ảnh hưởng ấy có thể gián tiếp hoặc trực tiếp, mạnh hoặc yếu, nhưng nhất thiết không có một vật nào, một hệ thống nào có thể hoàn toàn độc lập tồn tại một mình. Có nó thì luôn có cái gì đó đối lập với nó.
Hơn nữa mọi hệ thống đều trong quá trình vận động và phát triển không ngừng. Sự vận động ấy là do mâu thuẫn và thống nhất giữa các mặt đối lập trong hệ thống thúc đẩy. Những thúc đẩy ấy tạo ra những thay đổi nhỏ về lượng. Khi tích lũy về lượng đạt ngưỡng thì xảy ra những thay đổi lớn, đột biến về chất. Đó gọi là sự phát triển. Sự phát triển ở giai đoạn sau phủ định giai đoạn trước. Đó gọi là qui luật phủ định của phủ định.
Sự diễn nôm hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng cho thấy phép biện chứng chính là trường hợp riêng biệt của một học thuyết cổ hơn: Thuyết Âm Dương - Ngũ Hành. Khoa học luôn có tính kế thừa và phát triển. Vì vậy để tìm hiểu sâu hơn về phép biện chứng trước hết chúng ta thử gạn những tinh hoa của học thuyết cổ Âm Dương - Ngũ Hành. Sau đó tích hợp với những tiến bộ mới trong thời đại ngày nay để cho học thuyết cổ kia đỡ mang màu sắc mê tín dị đoan.
1.3. HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH
1.3.1. Thuyết âm dương
Theo học thuyết âm dương thì mọi sự vật trên đời, từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình đến vô hình, từ hữu hạn đến vô hạn đều bao gồm hai mặt âm và dương. Hai mặt ấy tương sinh và tương khắc nhau. Trong Âm có Dương, trong dương có âm. Âm và Dương luôn trong quá trình vận động và chuyển hoá lẫn nhau. Âm và Dương chỉ là cách nói cổ điển của danh từ mới "các mặt đối lập".
Nhưng sự chuyển hoá và vận động của hai mặt âm dương xảy ra như thế nào? Có nhất thiết xảy ra theo hình thái phủ định của phủ định hay không? Câu trả lời là không luôn luôn. Mọi sự phủ định đều có tính kế thừa. Nói rộng ra, sự phủ định chỉ là một hình thức chuyển hoá.
Vậy sự chuyển hoá xảy ra như thế nào? Cổ nhân, hay nói cách khác là sự tích luỹ kiến thức góp nhặt của nhiều bộ óc siêu việt trong hàng ngàn năm, đã tổng kết sự chuyển hoá ấy trong học thuyết Âm dương - Ngũ Hành. Theo đó, Âm chuyển hóa dần thành Dương theo quá trình 5 bước, gọi là Ngũ Hành. Nắm vững học thuyết Âm Dương Ngũ Hành chúng ta có thể suy đoán, luận giải, chiêm nghiệm về con đường và động lực của sự phát triển.
Nếu coi âm dương chính là các các mặt đối lập, thì các mặt đối lập ấy có thể là nam nữ, nóng lạnh, trên dưới, trong ngoài,... Khi xem xét mọi đối tượng và quá trình đều có thể nhìn thấy âm dương.
Còn Ngũ Hành chính là cách thức vận động, là cái biểu hiện ra ngoài của quá trình vận động, đồng thời cũng là bản chất của động lực tạo ra sự phát triển. Ngũ Hành có thể được xem là biểu tượng không gian, cũng có thể được xem là thời gian, có thể là vật chất, cũng có thể là tinh thần. Tuy vậy, cách giải thích về Ngũ Hành thường có những ý kiến khác nhau đến mức đôi khi trái ngược hẳn với nhau. Hơn nữa, các sách vở nói về Ngũ Hành gốc thường bằng chữ Hán. Khi dịch ra đôi khi không hết nghĩa, hoặc thậm chí bị méo mó. Mà người ngày nay phàm cái gì của xưa đều cho là cổ hủ, không thèm nhếnh mắt nhìn, chứ chưa nói đến để tâm xem xét. Đó cũng có thể là cội nguồn của sự đánh giá chưa thống nhất về Ngũ Hành.
Cho nên để lột cái áo mê tín của Học thuyết Âm Dương - Ngũ Hành, khoác cho nó các danh từ khoa học, đặng dễ đồng ý với nhau trong các thảo luận dưới về sau, chúng tôi sẽ trình bày cội nguồn sâu xa của Ngũ Hành bằng nhãn quan khoa học hiện đại.
1.3.2. Lý thuyết big bang trong vật lý học
Ngày nay các nhà khoa học đã xây dựng thuyết big bang về những giai đoạn đầu tiên nhất của vũ trụ. Theo học thuyết đó, tại khoảng thời gian vô cùng bé nhỏ (10-43s đầu tiên của vũ trụ) thì cả vũ trụ ngày nay của chúng ta chỉ bé tí xíu, rất đặc và rất nóng, đó là lúc cả vũ trụ bùng nổ. Vụ nổ khai sáng đó được khoa học gọi là vụ nổ lớn, big bang. Sau thời điểm vụ nổ lớn đó, vật chất, năng lượng thoát ra từ vụ nổ được phóng ra vô cùng mạnh mẽ, tạo thành các dòng thác hạt và sóng năng lượng toả ra mọi hướng. Rồi thì toàn không gian nguội dần, tạo thành các đám tinh vân. Các đám tinh vân tạo thành các ngôi sao, các hành tinh, các ngân hà và thiên hà. Trong đó có rất nhiều hệ mặt trời như chúng ta.
Tại một hành tinh đặc biệt, nơi có các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm,... thích hợp thì một số nguyên tử và phân tử đã xoắn quyện vào với nhau tạo ra các ADN. Đó là bước đầu của sự hình thành sự sống. Dần dà phát triển đến bây giờ thành một xã hội văn minh. Trong đó con người là sinh vật bậc cao nhất. Họ là những hậu duệ xa vời của bụi tinh vân và ánh sáng sau 15 tỉ năm vận động của vũ trụ.
Quá trình vận động và phát triển của vũ trụ luôn có các chuyển động quay. Trái đất quay quanh mặt trời với quĩ đạo hơi méo so với đường tròn Euclit. Hệ mặt trời quay trong Ngân hà với quĩ đạo méo nhiều. Cả dải Ngân hà lại quay trong Thiên hà với quĩ đạo méo hơn nữa. Nhiều Thiên hà cũng đang vận động vô cùng mãnh liệt.
Như vậy thuyết big bang là một thuyết duy vật. Thuyết đó nói rằng vật chất có trước rồi đến ADN, rồi đến sinh vật, xã hội loài người và các ý thức xã hội khác. Một điểm trong thuyết big bang chưa được sáng cho lắm là thời điểm trước vụ nổ lớn thì toàn vũ trụ là cái gì?
Thực tế, thuyết big bang chấp nhận vũ trụ là một quá trình vận động và phát triển không ngừng. Biên dạng của sự phát triển ấy là dãn nở theo các vòng xoáy. Mỗi cung trong các vòng xoáy phát triển ấy có cái vỏ khác nhau. Nhiệm vụ của khoa học ngày nay là nhận chân các cung đó để phán đoán về cung bậc phát triển tiếp theo.
Những chuyển động ấy luôn phải qua các trạng thái quay, như hình 1 dưới đây.
Hình 1. Chuyển động xoay trong vũ trụ - Spiral Galaxy M81
Trong hình trên ta thấy chuyển động xoay của tinh vân. Trong quá trình đó, các phân tử hydro bị cuốn đi với vận tốc cao, chúng va chạm, dính kết, phân rã, tạo nên các phân tử nặng hơn, dần dà thành các hạt bụi tinh vân. Sự tương tác giữa các hạt bụi ấy tạo nên các khối nặng hơn, quá trình cứ như thế tiếp tục, dần dần các ngôi sao mới được sinh ra. Đây chính là giai đoạn đầu tiên của sự phát triển. Quan sát quá trình này sẽ vô cùng có ích cho chúng ta trong các luận giải về sau.
1.4. KHÁI NIỆM SƠ ĐẲNG VỀ NGŨ HÀNH
1.4.1.Ngũ Hành là biểu tượng
Nhờ quan sát bầu trời, vũ trụ, quan sát những thay đổi trong xã hội về vật và về tình mà người xưa đã xây dựng nên học thuyết Âm dương - Ngũ hành. Họ không có các bức ảnh chụp về vận động vũ trụ, nhưng mô hình tượng trưng trong Ngũ Hành rất giống với bức ảnh trên.
Người xưa chưa có biện pháp ký hiệu các giai đoạn kế tiếp nhau của sự vận động nên đã lấy các chữ Kim - Thuỷ - Mộc - Hoả - Thổ để diễn tả vận động. Những khái niệm về Kim - Thuỷ - Mộc - Hoả - Thổ không khác gì cách thức các nhà toán học sáng tạo ra các ký hiệu toán học ngày nay. Chúng không đơn thuần:
Kim = kim khí,
Thuỷ = nước,
Mộc = gỗ,
Hoả = lửa,
Thổ = đất.
Chúng chỉ là các cách gọi mang tính biểu tượng. Nhưng các biểu tượng ấy có quan hệ chặt chẽ với nhau, tương sinh, tương khắc, ủng hộ kìm hãm, thúc đẩy ức chế nhau. Trong mấy ngàn năm qua, học thuyết Ngũ Hành không ngừng được bổ sung phát triển, không ngừng mở rộng lĩnh vực ứng dụng. Từ cấy cày, chăn nuôi đến chữa bệnh, soạn nhạc, vẽ tranh, thi cử, dùng binh, đánh trận, xây dựng, quản lý đất nước,..., tất thảy trên mọi lĩnh vực người ta đều dùng Ngũ Hành để tìm hiểu quá trình, phán đoán sự vận động, ra quyết định và sửa chữa sai lầm. Nội việc nó trở thành nền tảng không thể thiếu của bất cứ ai theo nghề y cổ truyền đã là một minh chứng cho tính đúng đắn của học thuyết này.
Tiếc thay, từ vài chục năm nay, Ngũ Hành bị bỏ rơi, ít nhất là trên nước Việt nam. Lúc quá khích người ta coi nó là mê tín dị đoan, lúc yêu mến nó thì lại không đọc được nó. Vì phần lớn các trước tác kinh điển của Ngũ Hành được viết bằng chữ Hán. Những người lưu giữ cái tính hoa của Ngũ Hành lại không diễn giải nó dưới ánh sáng của ngôn từ mới. Do đó, có thể nói rằng chúng ta đang thực sự quay lưng lại với di sản văn hóa bậc nhất của tổ tiên mà trong khi đang kêu gọi hãy bảo tồn tinh hoa văn hóa cổ truyền.
Để phần nào bổ khuyết sai sót đó chúng tôi xin trình bày cách hiểu mới của của mình về Ngũ Hành, cố gắng hiểu đúng cái tinh hoa cốt tuỷ của Ngũ Hành bằng cách diễn đạt hiện đại, không bóp méo nó.
Cơ sở quan trọng nhất trong phương pháp của chúng tôi xuất phát từ việc xem Kim - Thuỷ - Mộc - Hoả - Thổ chính là các biểu tượng về các giai đoạn kế tiếp nhau không ngừng của quá trình vận động phát triển.
1.4.2 Sơ đồ biểu tượng cổ về Ngũ Hành
Sơ đồ truyền thống diễn tả Ngũ Hành như hình 2 (có trong tất cả các sách nói về Ngũ Hành).
Hình 2. Sơ đồ truyền thống diễn tả Ngũ Hành.
Trong sơ đồ truyền thống này có 5 đối tượng, được đặt tên là Kim - Thuỷ - Mộc - Hoả - Thổ. Ta quan sát thấy một đối tượng có hai mũi tên đi vào và hai mũi tên đi ra. Hai mũi tên liền vạch và hai mũi tên đứt nét. Cặp mũi tên liền vạch được gọi là quan hệ tương sinh, cặp mũi tên đứt nét được gọi là quan hệ tương khắc. Ví dụ xét đối tượng HOẢ, nó là con của Mộc, và là mẹ của Thổ. Mối quan hệ mẹ con đó được hiểu là một đối tượng sẽ sinh ra đối tượng ngay sau nó trong vòng Ngũ Hành và lại là con đẻ của đối tượng ngay phía trước. Đồng thời trong quá trình sinh trưởng và vận động ấy nó sẽ làm phiền phức đối tượng khác (Kim), làm mất cơm ăn áo mặc của đối tượng đó. Ngược lại cũng còn một đối tượng khác nữa (Thuỷ) khắc chế quá trình sinh trưởng của nó. Đó gọi là quan hệ tương khắc.
Ta diễn tả mối quan hệ sinh khắc đó bằng hình 3.
Hình 3. Quan hệ tương sinh - tương khắc
Như vậy, nếu xem đối tượng Hoả là lửa đang cháy thì một cách trực quan ta thấy các quan hệ sinh - khắc trên rất hợp lý: Muốn có lửa cháy phải có gỗ (Mộc, quan hệ mẹ con), lửa cháy sẽ đẻ ra than tro (Thổ). Nhưng trong quá trình lửa cháy nó sẽ làm phiền đối tượng Kim, làm Kim bị nóng, biến dạng, chảy thành nước. Trong khi lửa (Hoả) đang tập trung tác động lên một đối tượng khác thì nó hòan toàn có thể bị nước (Thuỷ) khắc hại, có thể còn bị dập tắt, nếu nước mạnh và nhiều. Các hành khác cũng có quan hệ sinh khắc tương tự.
Nhưng vấn đề đặt ra, là tại sao chỉ có 5 hành, không phải 4 hay 6, hay nhiều hơn nữa. Liệu 5 hành đó đã có thể mô tả muôn hình vạn trạng của tự nhiên và xã hội hay chưa.
Do vậy, để giải mã Ngũ Hành trước hết không thể quan niệm nó như là các đối tượng vật chất thuần tuý, mà phải xem các hành là biểu tượng của các quá trình, các cung đoạn của vòng xoáy phát triển.
1.4.3. Trạng thái vận động của một đối tượng theo Ngũ Hành
Trước hết chúng ta thống nhất chữ trạng thái trong các thảo luận dưới đây không đồng nhất với trạng thái vật chất của vật lý học (rắn, lỏng, khí, plasma). Trạng thái sẽ được hiểu một cách rộng rãi hơn, mang tính biểu tượng hơn.
Ta trực tiếp bàn luôn vào biểu hiện của 5 hành (Hỏa, Thổ, Kim, Thuỷ, Mộc) dưới dạng các trạng thái. Mỗi trạng thái là một cung đoạn của sự phát triển. Mỗi cung đoạn đó có thể phân ra thành nhiều giai đoạn nhỏ. Để tránh trừu tượng hoá ta sẽ lấy ví dụ về một đối tượng nào đó, có thể là một người, một thành phố, một đất nước, cũng có thể là một đối tượng vật chất,... Tất nhiên, các thảo luận dưới đây mang tính khái quát rất cao, không sa đà cụ thể vào một trường hợp chuyên biệt. Khi đã nắm được phương pháp phân tích trạng thái của Ngũ hành, chúng ta có thể chiêm nghiệm nó sang các đối tượng và quá trình khác, dần dần làm phong phú thêm kiến văn của chính mình. Các phân tích trạng thái giản lược nhất về Ngũ Hành như sau:
Kim: hành Kim là trạng thái đầu tiên của một chu trình phát triển. Trong thời Kim đối tượng đang rèn luyện, tích luỹ năng lượng (năng lực), đang kết khối các thành phần mới vào hàng ngũ của nó. Sự kết khối ấy rất chặt chẽ, như thêm một nguyên tử vào mạng của một khối kim loại. Học tập kiến thức mới cũng là trạng thái Kim, vì mỗi khi ta thêm một kiến thức mới thì kiến thức ấy phải thích ứng chặt chẽ logic với toàn bộ các nguyên lý cơ sở đã có. Đặc trưng cơ bản của Kim là tích luỹ, tất nhiên tích luỹ phải có chọn lọc. Hành Kim có tính chất cơ bản là thu vào.
Thuỷ: Sau hành Kim là hành Thuỷ. Đó là quá trình mang cái đã được tích luỹ trong thời gian của Kim len lỏi vào môi trường xung quanh. Lúc đầu sự phát triển của Thuỷ âm thầm như nước thấm, như sự rò rỉ. Người ta gọi quá trình thấm ra môi trường đó là khai Thuỷ. Nó như manh nha của sự phát triển. Mới đầu thì nhỏ bé, mềm yếu, dễ thích ứng với môi trường xung quanh, dần dần Thuỷ có thể mạnh lên thành sông thác. Thuỷ mang cái năng lượng của nó thấm sâu, tưới nhuần, kết hợp với Kim để tạo ra một mô hình mới, một thành tố mới. Các ý tưởng mới nảy sinh chính là Thủy. Các ý tưởng đó đôi khi chưa rõ hình hài. Người phát sinh ra ý tưởng đôi khi còn phải đắn đo, suy luận, thẩm định để dần dần làm cho một mạch ý tưởng trở nên dứt khoát. Vậy Thuỷ có tính chất cơ bản là tản ra.
Mộc: Hết thời Thuỷ thì sang giai đoạn Mộc. Mộc là trạng thái sáng tạo mạnh mẽ, thử nghiệm cái mới, nuôi dưỡng, chăm sóc cái mới, tạo lập mô hình. Trong quá trình sáng tạo thử nghiệm Mộc thường gặp các khó khăn cản trở. Do đó, Mộc cần có sức mạnh phi thường, có Đức (không phải đạo đức theo nghĩa thông thường) lớn, rất dũng cảm. Khi đã thành mô hình ổn định Mộc bắt đầu lan toả cái mẫu mực ra xung quanh. Khác với Thuỷ, chỉ len lỏi đưa cái hay của Kim đi xa, có tính ngấm ngầm, âm nhu, Mộc hiển lộ ra, mọi người đều thấy nó, có thể Mộc sẽ được ủng hộ, cũng có thể bị ngăn chặn. Tính của Mộc là cứng rắn, trái với tính của Thuỷ là mềm mại. Tính chất cơ bản của Mộc là sáng tạo mô hình mới, như ta trồng một cây mới.
Hoả: là giai đoạn phát triển kế tiếp của Mộc. Đó là trạng thái của một đối tượng đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bừng bừng như lửa, đang biến đổi rất nhanh. Khi biến đổi vận động, đối tượng luôn cần bổ sung thêm năng lượng từ bên ngoài, và huy động tối đa năng lượng bên trong nữa. Ở trạng thái Hoả, đối tượng sẵn sàng tiếp thu các phần tử mới, nhưng các phần tử mới phải chấp nhận chép gần như nguyên bản phương cách hoạt động của hệ thống. Các phần tử của hệ thống có tính cách gần giống nhau. Trạng thái Hoả có tính chất phong trào. Hoả được Mộc sinh ra theo vòng Ngũ Hành thuận, đôi khi nó cũng được tạo thành do sự vận động trực tiếp theo chiều ngược của hành Kim mà ra. Tính chất cơ bản của Hỏa là sao chép mô hình một cách nhanh chóng.
Thổ: Khi hết thời của Hoả thì kế tiếp ngay sau là Thổ. Đó là trạng thái tất yếu của một đối tượng sau khi đã mang hết hoặc gần hết năng lượng của minh để phát sinh Hỏa. Thổ là đang nghỉ ngơi, biến đổi rất chậm, gần như không quan sát thấy bằng mắt thường. Trong thời gian Thổ, đối tượng tê liệt, chậm chạp, thường là hơi nhúc nhích. Những thay đổi bên trong lòng của trạng thái thổ rất âm ỉ, liên kết của các phần tử trong Thổ rất lỏng lẻo. Ở trạng thái Thổ, đối tượng dễ tiếp thu các thành phần mới, như ta ném bất cứ vật gì xuống mặt đất thì đất cũng nhận nó. Thổ không phản ứng mạnh mẽ lại với các phần tử mới gia nhập. Thổ học tập các phần tử mới một cách từ từ, có thể đồng hoá cái mới nhập vào cũng có thể bị thay đổi theo cái mới, nếu quán tính của Thổ nhỏ, hoặc nếu thành phần mới có sức mạnh lớn, khả năng cảm hoá lớn.
Kim kế tiếp: Kim kế tiếp là hậu quả của Thổ ở vòng sau của quá trình phát triển vĩnh hằng, nó là con đẻ của sau một thời nghi ngơi của Thổ. Lúc này, Kim dần dần hình thành trong trạng thái thu tĩnh của Thổ. Kim là bước khởi đầu của một quá trình mới, nhiều khi chỉ là các ý tưởng, và Kim mới chính là phôi thai của vòng Ngũ Hành sau. Nhiều khi Kim kế tiếp là ngoại lai đưa tới, vì trên khuôn vi của Thổ cũ năng lượng hoạt động đã cạn kiệt rồi.
Như vậy chúng ta đã thảo luận sơ bộ về vòng tương sinh của Ngũ Hành, của 5 giai đoạn vận động phát triển của một đối tượng riêng biệt. Đó là 5 trạng thái, 5 giai đoạn mà đối tượng nhất định sẽ phải trải qua. Cái khó của người học Ngũ Hành là đoán định xem trạng thái hiện thời của một đối tượng đang diễn biến trước mắt là thuộc hành nào. Bởi vì không có đối tượng nào độc lập tồn tại, hơn nữa trong mỗi thành phần cấu tạo của một đối tượng lại có nhiều đối tượng con. Các đối tượng con đó lại đang vận động theo Ngũ Hành con. Mà các Ngũ Hành con đó cũng rất chênh lệch nhau.
1.4.4. Vài ví dụ đơn giản về Ngũ hành
Ví dụ 1.
Nước Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ 20 thuộc hành Thổ. Lúc ấy các phong trào kháng Pháp đã bị dập tắt. Cả nước gần như im lặng chịu sự khai phá thuộc địa. Khoảng năm 1925 có phong trào thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hành Kim đang dần dà được khởi động. Đó là trạng thái của quá trình thu luyện năng lượng, tìm tòi phương pháp đấu tranh mới. Lúc đó, có sự tích tụ âm thầm các cá nhân yêu nước thành các tổ chức đấu tranh mới. Tiếp theo, là hành Thuỷ, khi mà các chi bộ dần dần phát triển, cấy sâu vào các khu vực, các vùng nông thôn và thành thị. Khi các chi bộ đã lớn dần thì tạo thành mạng lưới, các khu uỷ, các vùng an toàn khu, dần dần có các lực lượng vũ trang nhỏ (Ba tơ, Bắc Sơn, Tuyên Quang). Lúc đó là thời của Mộc. Lực lượng cách mạng ngày càng mạnh tức Mộc ngày phát triển. Cách mạng 1945 là thời của Hoả, thời của môt trạng thái bừng bừng, sôi động.
Ví dụ 2
Vòng đời của một con người cũng là một ví dụ khác nữa về Ngũ Hành. Kể từ lúc mới sinh ra đó là thời của Kim. Cha mẹ cho anh ta ăn uống, nuôi dưỡng cho lớn, cho học hành là quá trình tích luỹ năng lượng, quá trình hình thành một đối tượng mang tính Kim. Học được thành tài, anh ta bắt đầu vào đời, đó là trạng thái Thuỷ. Làm được một việc gì đó là Mộc. Nhân rộng nó ra là Hoả. Qua công việc đó anh ta có tiền bạc địa vi, có danh tiếng, đó là lúc bừng lên của Hoả. Nếu không khéo thì anh ta đi ngay vào Thổ, thân bại danh liệt, đời anh ta thành tro tàn im lặng. Nhiều người gặp vận Thổ vẫn vùng lên vì tích luỹ được yếu tố Kim ngay trong thất bại Thổ. Như vậy một đời người có thể phân thành nhiều vòng Ngũ hành.
Ví dụ 3
Sự hình thành của phóng điện sét là một ví dụ về Ngũ Hành tự nhiên. Nắng nóng làm hơi nước bốc lên tạo thành mây. Các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, gió làm cho các phần tử nhỏ bé trong đám mây cọ sát nhau, tạo thành các điện tích. Lúc đó, là quá trình tích tụ điện tích của đám mây- hành Kim. Khi Kim (điện tích đám mây) đã tích tụ đủ lớn thì có sự cảm ứng điện tích trái dấu đáng kể ở mặt đất bên dưới đám mây. Các tia tiên đạo phóng điện nhỏ lẻ dần dần hình thành và vươn dài ra- hành Thủy. Khi các tia tiên đạo từ đám mây đi xuống và từ mặt đất đi lên vươn ra đủ gần nhau thì có sự phóng điện nối liền hai kênh dẫn điện đó. Ta nghe thấy tiếng sét nổ - hành Mộc hình thành. Đó là lúc một kênh dẫn điện mới từ đám mây xuống đất đã được sáng tạo (tạo lập). Nếu sự bảo vệ chống sét không tốt, cú sét đánh lại rơi trúng vào một mái nhà gỗ, thì căn nhà sẽ bốc lửa cháy. Đó là hành Hỏa. Giả sử căn nhà bị cháy rụi hoàn toàn ta có ngay hành Thổ. Tro tàn sẽ sinh ra từ Hỏa.
Ba ví dụ trên là ba vòng Ngũ Hành. Ví dụ 3 là một vòng Ngũ Hành khá ngắn. Đôi khi mây mưa và sấm sét chỉ hình thành và phát triển nhanh chóng khoảng 1 giờ trong cơn giông. Các yếu tố tham gia vào vòng Ngũ Hành này chỉ có nước bốc hơi, nhiệt độ, gió, mái nhà, bầu không khí và mặt đất tại khu vực khảo sát. Đó là ví dụ về một vòng Ngũ Hành tự nhiên. Ví dụ 2 là một vòng Ngũ Hành trung bình. Đó là vòng Ngũ Hành cá nhân tổng hợp của đời một con người. Độ kéo dài về thời gian trong các vòng ấy dài ngắn khác nhau, dài ngắn tuỳ thời, tuỳ hòan cảnh. Vòng Ngũ Hành này chịu tác động của muôn vàn vòng khác trong đời, (thầy cô, cha mẹ, đồng nghiệp,...). Ví dụ 1 là một hành Ngũ Hành khá lớn nói về sự vận động của cả dân tộc Việt nam trong giai đoạn lịch sử cận đại vừa qua. Đó là vòng Ngũ Hành dân tộc. Vòng này có sự tham gia của hàng triệu vòng Ngũ Hành cá nhân tổng hợp và nhiều triệu Vòng Ngũ Hành tự nhiên và xã hội khác.
Ngay cả vòng Ngũ Hành trong ví dụ 1 cũng nằm trong lốc xoáy của một vòng Ngũ Hành rộng lớn hơn là dòng chảy lịch sử đương đại toàn cầu. Cuối cùng, cả vòng Ngũ Hành vận động của nhân loại đang quay trong một vòng Ngũ Hành vũ trụ vĩ đại như trong hình 1.
1.4.5. Các khác biệt với cách giải thích kinh điển
Trước hết chúng tôi không hề phát hiện ra các vấn đề mới của Ngũ Hành, mà chỉ dùng các danh từ mới để giải thích Ngũ Hành theo cách hiểu của mình. Rất có thể cách hiểu này còn chứa nhiều sai lầm, cho nên từ "khác biệt" mà chúng tôi dùng dưới đây với hàm nghĩa là cách giải thích có đôi phần khác biệt với cách giải thích trong các cổ thư.
- Khác biệt về đối tượng và quá trình:
Các nhà Ngũ Hành kinh điển ở Việt nam, Trung hoa và các nước Á đông khác, thường giải thích Ngũ Hành như là các vật thể, các đối tượng tương đối tĩnh. Ví dụ trong đông y luôn xem Thận thuộc hành Thuỷ, Phổi thuộc hành Kim. Giải thích như vậy đúng trong phạm vi hẹp, nếu xem Thận và Phổi là hai cơ quan tham gia vào quá trình vận động sống của một cơ thể bình thường. Nhưng chính Thận (Thuỷ) lại có vận động riêng của nó được cấu tạo bởi nhiều vòng Ngũ Hành nhỏ hơn. Đặc biệt Thận sẽ mất dần trạng tính Thuỷ khi cơ thể bắt đầu suy yếu, khi lối sống quá ham tửu sắc. Những nhà Đông y học uyên thâm không bao giờ xem Thận là Thuỷ tĩnh tại. Nhưng để đạt được mức uyên áo đó thường khi mất cả đời. Do vậy, nếu xem Ngũ Hành là các trạng thái kế tiếp của sự vận động thì một người trẻ tuổi có thể đi vào Đông y dễ dàng hơn, chóng đạt đến mức thâm hậu của nghề nghiệp hơn. Ở đây không cố định một khu vực chứa nước (thận) là Thuỷ và chứa khí (phổi) là Kim. Hoặc giả theo cách phân chia cổ nước Việt nam ta thuộc phương Nam, về hành Hoả. Điều đó theo Ngũ Hành cổ là bất biến. Nhưng trong vòng quay vô tận của vũ trụ thì phương Nam là một khái niệm tương đối, cho nên mảnh đất Việt nam của chúng ta không phải luôn luôn thuộc hành Hoả. Theo quan điểm mới về Ngũ Hành thì các hành đều động và mang tính quá trình hơn là tính sự vật. (Hành chính là hành trình, quá trình, hành động, hành biến,...). Chúng ta hoàn toàn có thể quyết đoán như vậy, vì chúng ta đã nhìn nhận Ngũ Hành dưới quan điểm các bài toán phi tuyến có điều kiện biên thay đổi, chứ không phải các bài toán tuyến tính tĩnh. Ngũ Hành mang tính quá trình động hơn là mô tả các sự vật tĩnh là khác biệt thứ nhất trong bài này.
- Khác biệt về thời gian tĩnh và động
Khái niệm huyền bí nhất của Ngũ Hành cổ là thời gian. Các nhà Ngũ Hành cổ phân thời gian thành các vận hạn. Ví dụ năm Bính Thân thuộc hành Hoả. Sáu mươi năm sau lại là năm Bính Thân, một vòng hoa giáp kinh điển quay lại, với một mở đầu Hoả như trước, chằn chặn bất biến. Hơn nữa, đời người luôn bị chi phối chặt chẽ bởi các năm sinh tháng đẻ. Điều đó có phần đúng, vì mỗi chúng ta đang cùng vận động với vòng Ngũ Hành Vũ Trụ vĩ đại. Nhưng cùng năm sinh tháng đẻ mà đời người khác nhau vô cùng. Tức là, không thể lấy các khoảng thời gian dài của vũ trụ, cắt ngắn một cách tuyến tính ra, cứ 10 năm là một vòng thiên can. Xét bài toán Ngũ Hành trên mặt đất, trong điều kiện xã hội hiện đại thì các vòng Ngũ Hành trung bình (một đời người, một quốc gia) có thời gian dài ngắn du di rất nhiều, hành Kim có thể rất dài, hành Hoả có thể rất ngắn. Ví dụ một đời học tập tích luỹ để đạt được tột đỉnh của hành Kim thì đã 50 tuổi, nếu gặp vận thì chuyển sang hành Thuỷ và hành Mộc trong có 10 năm cuối đời. Đó nguyên lý xuất xử (lui tới) của các nhà quân tử xưa. Vậy nên mỗi hành có thời lượng dài ngắn khác nhau. Thời lượng biến động của các hành là một khác biệt thứ hai trong phép tìm hiểu Ngũ Hành của chúng tôi.
- Sự tham gia của ý chí cá nhân vào Ngũ Hành
CON NGƯỜI là một vật thể vũ trụ. Bản thân con người xét về mặt thể chất và tinh thần là sự kết hợp của nhiều vòng Ngũ Hành. Ý chí cá nhân chính là Kim của một con người. Kim đó một phần do thiên bẩm, phần lớn là do tích luỹ học hành. Mỗi người tích Kim một cách khác nhau, tuỳ thuộc vào cái phần thiên bẩm kia.
Vậy trước hết ta hãy xét tính tự nhiên của con người. Về mặt thể chất mỗi cá nhân con người là một hệ tự thích nghi, tự điều chỉnh, tự bảo vệ, ở mức cao hơn rất nhiều so với các sinh vật khác. Cái hệ thống ấy đói thì ăn, khát thì uống, nóng lạnh biết thêm áo bớt khăn, bệnh tật ốm yếu biết tự động phân phối năng lượng, thực phẩm và thuốc men đến các cơ quan phủ tạng....
Về mặt tinh thần con người là một hệ có tính tò mò, óc sáng tạo, tính cạnh tranh, nhu cầu chăm sóc cho tương lai,.... Ngay từ nhỏ óc tò mò giúp đứa trẻ cầm cái này nắm cái kia, hỏi cha mẹ tại sao thế này, tại sao thế nọ. Óc tò mò là một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động của các nhà bác học. Óc tò mò cũng là căn cứ cho mọi hoat động sáng tạo. Tính cạnh tranh là một tính tự nhiên của con người, mà thiếu nó thế giới này sẽ phẳng lặng như ao nước mùa thu, không có chiến tranh và tiến bộ. Nếu thiếu tính cạnh tranh thì thế giới chắc là cũng không phát triển nhanh như hiện nay nữa. Nhu cầu chăm sóc cho tương lai làm cho người ta thích dạy dỗ con trẻ, cất giữ tiền bạc, tích luỹ âm đức,.... Tất cả mấy tính chất kể trên đều là tính tự nhiên của mỗi con người. Tuỳ cá thể tính tò mò, óc sáng tạo, tính cạnh tranh, nhu cầu chăm sóc tương lai sẽ khác nhau. Có kẻ cực kỳ sáng tạo, có người chỉ làm theo bài bổn lập sẵn,.... Nhưng dù thế nào thì tính tự nhiên của con người cũng tác động mạnh đến thế giới xung quanh anh ta và làm biến dạng Ngũ Hành, nhất là các vòng Ngũ Hành nhỏ. Một người không làm thay đổi được thời tiết, nhưng hoạt động của 6 tỉ người đang làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Tôi dám đoán chắc rằng chỉ 50 năm nữa mùa đông trên đất Việt sẽ bớt lạnh đi nhiều. Đấy chính là ví dụ về hoạt động của con người đang làm thay đổi Ngũ Hành của 4 mùa. Hành Hoả sẽ dài hơn lên, hành Thuỷ sẽ ngắn đi. Mà cái vòng Ngũ Hành của trái đất là lớn lắm chứ. Lớn vậy mà con người nhỏ bé kia còn làm thay đổi được. Thế thì, chúng ta có thể rút ra khác biệt thứ ba là ý chí con người có thể làm thay đổi các vòng Ngũ hành, nhất là các vòng Ngũ Hành nhỏ. Ý chí con người cũng chính là điểm xuất phát cơ bản của rất nhiều vòng Ngũ Hành trên thế gian này. Điểm khác biệt thứ ba này nhấn mạnh rằng các vòng Ngũ Hành có một điểm khởi đầu, đó là hành Kim. Hơn nữa, hành Kim của nhiều vòng Ngũ Hành xã hội có thể được tạo lập do ý chí con người.
1.4.6. Tóm tắt về Ngũ Hành dưới quan điểm mới
Ngũ Hành là 5 biểu tượng về quá trình và trạng thái của sự vận động phát triển.
Hành Kim có biểu hiện bên ngoài như những quá trình thu gom tích luỹ, năng lượng, tiền bạc, tài năng, đức độ, sức mạnh, khối lượng, vật chất,...Trong thời đại ngày nay Kim là sự học tập không ngừng. Trong Phật học Kim là "tinh tiến". Tất cả các vòng Ngũ Hành đều bắt đầu từ tích Kim.
Hành Thuỷ có biểu hiện bên ngoài như những quá trình lan toả cái tinh tuý thu góp mà giai đoạn Kim đã thực hiên được. Nó lặng lẽ, từ tốn, thấm sâu, thử sai và sửa chữa.
Hành Mộc là sự sang tạo ra cái mới, hoặc là một mô hình, một đối tượng, một quần thể, một tổ chức,.... Tính chất của Mộc vô cùng mạnh mẽ và cứng rắn, đôi khi cũng rất mềm dẻo và uyển chuyển.
Hành Hoả là cái gì có biểu hiện bên ngoài ở độ cao về số lượng, mạnh về cường độ, ít sáng tạo, nhiều sao chép, thu nạp năng lượng từ bên ngoài ít khắt khe. Biểu hiện ào ào, mạnh liệt, biến đổi nhanh về lượng.
Hành Thổ là quá trình lụi tàn của Hoả, sự xuống dốc, suy kiệt. Biểu hiện ra bên ngoài là nặng nề, chậm biến đổi, cam chịu, chấp nhận,...
Năm hành ấy nối tiếp nhau, xoay vòng vô tận, không ngừng không nghỉ. Lúc nhanh lúc chậm, lúc sinh lúc khắc. Mỗi người bằng kinh nghiệm sống của mình sẽ nhìn thấy Ngũ Hành dưới các dáng vẻ khác nhau, sinh động biến ảo khác nhau, nhưng đường nét cơ bản của Ngũ Hành là như trên đã miêu tả.
Nhấn mạnh theo danh từ khoa học mới, thì Ngũ Hành có 3 điểm khác biệt với cổ thư, đó là:
- Ngũ Hành mang tính quá trình động, chứ không luôn luôn là các vật thể tĩnh, các đối tượng cụ thể
- Thời lượng của mỗi hành rất biến ảo, ngắn dài, có khi trong một vòng hành Kim được tính bằng năm, mà thời lượng của Thuỷ và Mộc chỉ tính bằng tháng, hoặc ngày,
- Ý chí cá nhân có thể tác động mạnh mẽ lên Ngũ Hành, đặc biệt các ý chí có tầm ảnh hưởng vĩ mô.
1.4.7. Khái niệm về Ngũ Hành thuận và Ngũ Hành ngược
Các vòng Ngũ Hành thuận đi thuận chiều kim đồng hồ và (có lẽ) thuận cả chiều quay của vũ trụ nữa, như hình 4. Các vòng Ngũ Hành ngược thì ngược chiều kim đồng hồ như hình 5. Nếu đi theo vòng thuận thì nhất định sẽ từ Kim sang Thuỷ, đến Mộc, phát Hoả và về Thổ. Ngay tại Hoả cũng có thể chuyển về Kim một phần năng lượng cho vòng sau. Vòng Ngũ Hành thuận có một đặc điểm nổi bật để nhận biết là sau tích Kim và khai Thủy nhất định sinh Mộc, tức là khai phát một đối tượng, sản phẩm, qui trình hay sự vật mới. Đó gọi là sang tạo. Một sự vận động mà không có sáng tạo thì nhất định không phải là đang vận động theo Ngũ Hành thuận.
Ngược lại nếu đi theo chiều ngược, thì từ Kim có thể ghé qua Thổ mà sinh Hoả, nhưng không bao giờ về Mộc được, không có sáng tạo, không phát triển. Trạng thái hoả chỉ là giả tạo. Ví dụ, tham nhũng có tiền, sau đó dùng tiền mua đất, thì chưa thấy ai phát hoả từ đất đai, mà chỉ dần dần chìm xuống.
Trong một vùng mà các vòng Ngũ Hành do con người khởi tạo đa số thuận chiều, thì vùng ấy sẽ phát triển bền vững. Ngược lại, trong vùng ấy có nhiều vòng ngược thì sẽ nảy sinh các lốc xoáy, vùng sẽ phát triển thiếu bền vững. Tuy nhiên, con người dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đảo lộn các vòng Ngũ Hành tự nhiên từ thuận sang ngược. Những người đã "ngộ" ra chiều thuận không bao giờ vì tham vọng và ý chí cá nhân mà khởi tạo các vòng ngược. Các hôn quân bạo chúa ngày xưa đều bị lịch sử đào thải vì đã khởi động các vòng ngược. Ai làm chủ các vòng ngược thì sớm muộn đều bị các vòng Ngũ Hành tự nhiên đào thải và huỷ diệt.
Với các khái niệm cơ bản về Ngũ Hành như trên, chúng ta có thể bắt đầu phân tích một số vấn đề thực tế, chiêm nghiệm sự vận động và phát triển đã và đang xảy ra, dự báo và qui hoạch phát triển trong tương lai. Nghiên cứu càng sâu ta càng nhìn rõ sự vận động của các vấn đề trừu tượng. Lồng các vòng ấy vào nhau, ta nhìn rõ đường nét của cả khối Ngũ Hành đang diễn ra trên đất nước mình và trên cả hoàn cầu nữa.
Ngũ Hành theo quan điểm Vật lý học phải có một điểm khởi đầu. Điểm khởi đầu đó là quá trình tích luỹ để tạo thành hành Kim. Sau khi có hành Kim thì quá trình phát triển sẽ khởi động, hoặc thuận chiều bằng cách khai Thuỷ, sinh Mộc, phát Hoả, hoặc ngược chiều bằng cách qua Thổ thẳng sang Hoả.
Để thuận lợi cho các theo dõi về sau chúng tôi sẽ trình bày kỹ các cách tích Kim.
1.5. TÍCH KIM, VẤN ĐỀ MẤU CHỐT CỦA NGŨ HÀNH
Ngũ Hành như đã phân tích là cặp đôi của phép biện chứng khi chúng ta nghiên cứu về khoa học của các quá trình vận động phát triển. Sự phát triển trong mọi trường hợp luôn luôn xảy ra theo cùng một qui trình: Tích Kim, Khơi Thuỷ, Sinh Mộc, Phát Hoả, Về Thổ.
Quá trình phát triển theo 5 giai đoạn là các quá trình phát triển bền vững. Khi một trong 5 giai đoạn ấy bị bỏ qua, bị dập tắt, hoặc bị trượt trên nền ảo tưởng duy ý chí thì sự phát triển không bền vững. Đặc biệt, khi ý chí chủ quan làm nảy sinh các vòng ngược, thì sự phát triển càng kém bền vững.
Để mở đường cho sự phát triển bền vững tối ưu chúng ta luôn luôn phải khởi đầu quá trình phát triển ấy bằng Tích Kim. Tích Kim tốt sẽ mở đầu cho các vòng Ngũ Hành to lớn và bền vững.
Về mặt vũ trụ học tích Kim chính là quá trình tích tụ các hạt bụi tinh vân thành các thiên thể.
Nếu một thiên thể tích tụ đủ lớn về khối lượng thì sẽ thu nạp thêm các đám tinh vân lân cận bằng lực hấp dẫn, tạo thành các hành tinh. Hơn nữa, quá trình tích Kim vũ trụ ngoài việc tích các hạt vật chất còn kèm theo tích tụ năng lượng. Nếu một vật thể vũ trụ vừa có khối lượng lớn, vừa có năng lượng lớn thì cơ hồ có thể trở thành một mặt trời. Các mặt trời, tức các ngôi sao có phát xạ ánh sáng, có khả năng tạo thành một thái dương hệ. Các Thái dương hệ luôn bền vững hơn nhiều các hành tinh đơn lẻ. Còn các hành tinh đơn lẻ sớm muộn nhất định cũng bị lực hấp dẫn qui tụ về một hệ nào đó. Như vậy quá trình tích Kim trong vũ trụ luôn bao gồm hai phần tích Kim vật thể và tích Kim năng lượng. Các nhà Vật lý nghiên cứu về lỗ đen cũng chỉ ra rằng xung quanh lỗ đen có một trường hấp dẫn cực mạnh hút mọi vật thể, từ các thiên thể rất lớn cho đến các hạt bụi vũ trụ siêu nhỏ, cả ánh sáng nữa, vào lỗ đen đó. Vậy trong thiên nhiên song song với quá trình phát xạ sau vụ nổ lớn (big bang) luôn luôn tồn tại quá trình tích luỹ vật chất và năng lượng vào các lỗ đen chuẩn bị cho các quá trình sinh tạo khởi phát mới.
Mô hình tích Kim vũ trụ cũng chính là mô hình tích Kim của con người và xã hội. Tuy vậy, con người với tư cách là sinh vật có ý thức, nên sự tích Kim còn phụ thuộc ý chí cá nhân. Dưới đây sẽ xét một số vòng Ngũ Hành cơ bản khởi đầu bằng tích Kim để minh hoạ.
1.5.1. Tích Kim cá nhân
Như đã phân tích, đời của một con người là một hoặc nhiều vòng Ngũ hành. Cha mẹ sinh ta ra là đã thay tự nhiên trao cho ta một sinh mệnh, một thứ Kim vô giá. Nhưng để sống trong đời, thì cái Kim tiên thiên ấy không đủ đảm bảo rằng bạn sẽ được hạnh phúc, an nhiên, vô thường. Ngoài việc bồi đắp thực phẩm, hấp thu dưỡng khí để cái Kim tiên thiên ấy phát triển từ một hài nhi thành một cơ thể tráng kiện, thì một con người cần phải học tập rất nhiều để sống hài hòa, hạnh phúc trong xã hội, cùng đóng góp cho xã hội phát triển tốt đẹp. Vậy học tập là quá trình tích Kim. Lúc bập bẹ học nói, lẫm chẫm học đi ở nhà là bắt đầu tích Kim phản xạ để ta biết cách ứng xử với môi trường xung quanh ban sơ. Học ở trường để ta nhanh chóng nắm được kiến thức chuyên môn, đặng có việc làm. Học ở đời để ta nắm được các qui luật sống. Tất cả các việc học ấy là tích Kim kiến thức.
Khổng Tử học đến 50 tuổi mới dám nói rằng biết thiên mệnh, tức là biết được qui luật vận động của trời đất và xã hội. Cho nên đến thế kỷ 21, khi nhiều người trên hành tinh này cùng nhau xác định rằng nền kinh tế tương lai là nền kinh tế tri thức, còn cuộc đời là một cuộc học tập mãi mãi, thì chúng ta đã may mắn hơn tổ tiên rất nhiều, vì chúng ta đang được sống trong một môi trường có thể tích Kim không ngừng, tích Kim một cách chủ động.
Nhưng mọi con người bình thường ngoài việc học tập còn bao nhiêu việc phải làm, lo cơm áo, lo nhà cửa, kiếm việc làm, nuôi dạy con cái,... Những công việc ấy cũng giúp ta học tập, đặc biệt là học tập từ các kinh nghiệm thực tế của chính mình và quần thể xung quanh. Nhưng kinh nghiệm là gì? Kinh nghiệm chính là lời giải của bài toán cuộc sống thực đã được kiểm nghiệm trong một hòan cảnh cụ thể nào đó. Đôi khi, kinh nghiệm lại là lời giải tối ưu. Khi gặp hòan cảnh tương tự, hoặc gần tương tự chúng ta thường mang cái qui trình "tối ưu kinh nghiệm hoá" đó mở rộng ra để làm kế hoạch hành động. Khi hành động theo kinh nghiệm thì kết quả có thể đúng, có thể sai. Những người trải nhiều gian truân thì kinh nghiệm già dặn và hành động ít sai lầm hơn. Điều đó có nghĩa là một người càng hoạt động đa môi trường càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Nếu anh ta biết bổ sung, chuẩn hoá kinh nghiệm bằng việc phân tích, suy đoán, khái quát hoá nghiêm túc thì việc tích Kim của anh ta càng mạnh mẽ, càng phong phú.
Vậy đối với một con người việc tích Kim qua học tập và qua kinh nghiệm là một công việc phải làm liên tục và mãi mãi. Tích Kim qua học tập và học hỏi kinh nghiệm không ngừng của Lê Quang Đạo là một tấm gương đáng để chúng ta học tập. Ông chỉ được đi học ít năm ở trường Thăng Long rồi đi làm cách mạng. Từ một học sinh nhỏ nhoi ông nhanh chóng trở thành Bí Thư thành Hà Nội, rồi thành một vị tướng trong quân đội, tham gia nhiều chiến dịch lừng lẫy, cuối cùng ông trở thành một vị chủ tịch Quốc hội, là một nhà đổi mới có nhiều công lao. Cuối đời ông để lại hơn ngàn cuốn sổ ghi chép, đó chính là khối lượng Kim ông đã tích luỹ được.
Kim tích được qua con đường học tập và kinh nghiệm gọi là Kim tri thức, hay gọi theo danh từ hiện nay là tích Kim phi vật thể.
Kim phi vật thể, ngoài phần Kim tri thức, còn một phần cực kỳ quan trọng là Kim nhân cách. Một người kiến thức chuyên môn rất cao, mà nhân cách kém, thì không thể tích Kim nhân sự (tức là quần tụ được nhiều cá nhân khác để làm việc lớn). Hai loại tích Kim tri thức và Kim nhân cách là phần chủ chốt của Kim phi vật thể.
Tất nhiên, một cá nhân ngoài tích Kim phi vật thể còn phải tích Kim vật thể. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, vì tích Kim vật thể có thể đồng pha hoặc lệch pha với quá trình tích Kim tri thức. Tích Kim vật thể có thể là tích tiền bạc, tài sản, máy móc, nhân sự,...
Quá trình tích Kim vật thể rất có thể phạm tới tự do và sản nghiệp của các cá nhân khác, vì vậy có thể sinh mẫu thuẫn. Mâu thuẫn lớn thì sự nghiệp tích Kim của bạn có thể sẽ bị cản trở. Vì vậy tích Kim vật thể đòi hỏi một tấm lòng nhân ái. Lòng nhân ái càng lớn thì bạn càng có cơ hội tích Kim nhiều hơn nữa. Các qui tắc đạo đức cần, kiệm, liêm, chính là các qui tắc tối quan trọng cho quá trình tích Kim vật thể. Bài phú Tiền Xích Bích của Tô Đông Pha đời Tống là một qui tắc tuyệt vời cho những ai muốn tích Kim vật thể bền vững mà vẫn giữ được mối giao hòa với những người xung quanh.
Khi bạn đã tích Kim phi vật thể và tích Kim vật thể được rất lớn thì theo Ngũ Hành bạn được gọi là người có Đức lớn. Có Đức lớn thì dễ dàng rất nhiều trong việc Khơi Thuỷ, Sinh Mộc và Phát Hoả. Khởi Thuỷ có thể xem như là nảy sinh ý tưởng. Các ý tưởng lúc đầu lặng lẽ tồn tại trong hộp sọ, chưa làm phát sinh một vòng Ngũ Hành nào cả. Các ý tưởng ấy cần phải được thẩm định kỹ trước khi mang ra thực hiện. Quá trình thẩm định ý tưởng trong thực tế chính là khai Thuỷ. Lúc bắt đầu thực hiện ý tưởng là thuộc về Mộc. Ý tưởng chỉ có thể đứng vững khi Mộc được thực tế chấp nhận. Nếu thực tế đào thải Mộc thì Đức của Mộc đó nhỏ yếu, có thể không hợp tự nhiên nữa. Khi thực tế đã kiểm định ý tưởng biến nó thành một cây Mộc xanh tốt, hùng tráng thì vòng Ngũ Hànhđã đi đúng hướng, và có thể nghĩ đến việc phát Hỏa cho quá trình phát triển, biến ý tưởng thành một thực thể mạnh mẽ. Ngay lúc Hoả bắt đầu phát thì vòng Ngũ Hành đã tự vận động được. Cũng như cha mẹ sinh con, lúc con lớn, tự chủ cuộc đời thì cũng là lúc vòng Ngũ Hành của người con ấy đứng vững. Lúc đó, đã phải nghĩ đến tích Kim cho vòng sau, không vui với thắng lợi của Hoả mà để có thể lâm vào cảnh tro tàn của Thổ.
Những gia đình gia giáo luôn có ý thức cao về tích Kim cá nhân. Cha ông trong các gia đình ấy luôn lấy tấm gương cá nhân về học tập làm gia bảo. Sau vài đời có thể từ lầm than mà trở thành danh gia vọng tộc. Ngược lại, các gia đình chỉ lấy võ công làm gia bảo thì chỉ bền được vài thế hệ là nhiều. Đó là biết hay không biết tích Kim cho các vòng phát triển sau.
Tóm lại, có thể mô tả việc tích Kim cá nhân bằng hình 6 dưới đây.
Hình 6. Mô tả quá trình tích Kim cá nhân
1.5.2. Tích Kim doanh nghiệp
Lịch sử một doanh nghiệp bao giờ cũng bắt đầu từ chỗ nhỏ bé. Ngay cả các đại công ty, các công ty toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia mà chúng ta biết như TOYOTA, Nokia, Motorola, Microsoft,...cũng bắt đầu từ chỗ rất nhỏ bé. Vậy một doanh nghiệp đã bắt đầu tích Kim như thế nào, để có thể vận động từ nhỏ bé đến khổng lồ như chúng ta đang thấy.
Trước hết, bao giờ cũng có một cá nhân trụ cột, chẳng hạn như Bill Gate đối với Tập đoàn Microsoft . Cá nhân khởi nghiệp ấy đã tích Kim ở mức độ khá trước khi khởi tạo doanh nghiệp. Trong cái Kim cá nhân mà họ đã tích luỹ có phần phi vật thể rất lớn. Phần phi vật thể ấy bao gồm tri thức, ý chí, năng lượng,... Ngoài ra, cá nhân trụ cột có thể cũng đã tích Kim được cả phần vật thể như tiền bạc, tài sản, đất đai nữa. Nhưng không nhất thiết, đôi khi họ bắt đầu từ tay trắng.
Sau khi đã tích Kim cá nhân thì người trụ cột phải tích Kim tiếp tục về nhân sự bằng cách tìm đồng chí (hiểu theo nghĩa Hán Việt từ đồng chí là những người có cùng ý chí). Số lượng đồng chí có thể không nhiều. Tiếp nữa họ tìm công nghệ. Khi đã có công nghệ thì nhóm tích Kim khởi nghiệp cho doanh nghiệp coi như đã hội đủ các thành phần của Kim cơ bản cho doanh nghiệp. Kim cơ bản càng mạnh thì vòng Ngũ Hành doanh nghiệp càng có cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Vậy đối với doanh nghiệp muốn khởi phát một vòng Ngũ Hành cần tích Kim cơ bản gồm ít nhất ba thành phần: Cá nhân trụ cột, các đồng ý chí, các bí quyết công nghệ.
Công nghệ hiểu theo nghĩa rộng là bộ qui trình để tạo lập sản phẩm. Công nghệ có thể là bí quyết về cơ khí, điện tử, hoá chất,...đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá vật chất. Còn đối với các doanh nghiệp dịch vụ thì công nghệ là cách thức tổ chức bán hàng, qui trình chăm sóc y tế, phương pháp thu thập phân tích thông tin,... Cao nhất là công nghệ tổ chức hệ thống. Đó là bản thiết kế tổng thể ghép nối tất cả các thành phần của doanh nghiệp lại thành một hệ thống nhất.
Công nghệ có thể có được bằng cách tự nghiên cứu, tự trải nghiệm, hoặc cũng có thể thu được bằng cách mua bán trao đổi. Tuy nhiên, truy xét tận gốc, công nghệ cuối cùng vẫn là kết quả của quá trình học tập nghiên cứu trước đó.
Trong thời đại ngày nay, tích Kim doanh nghiệp có thể hòan thành nhanh bằng cách đóng góp cổ phần, để rút ngắn thời gian tích Kim công nghệ.
Sau khi tích Kim thì các công tác như mở công ty, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, chế thử sản phẩm, marketing,... là các công tác thuộc về Thuỷ. Thuỷ chính là công tác xây dựng kế hoạch tổng thể (master plan).
Lúc bắt đầu bán hàng, có thêm đại lý, đặt chân vào thị trường thì doanh nghiệp đã khởi Mộc. Cuối cùng khi sản phẩm bán chạy, tăng công suất, mở rộng qui mô, xây dựng chi nhánh ở tỉnh khác, vùng khác, nước khác,...gọi là Hoả. Ngay trong lúc đang Hoả vượng mà biết dành dụm lãi để nghiên cứu sản phẩm mới thì gọi là tích Kim trong Hoả. Không điềm nhiên hưởng lợi nhuận từ Hoả, để rồi suy sụp trong tro tàn của Thổ, thì gọi là kẻ trí nhân.
Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần phải luôn luôn tích Kim. Tích Kim cơ bản lúc khởi nghiệp gọi là tích Kim sơ cấp. Tích Kim trong khi doanh nghiệp đã phát Hoả gọi là tích Kim thứ cấp. Bất cứ khi nào doanh nghiệp dừng tích Kim thứ cấp thì nó có thể rơi vào thế suy tàn của Thổ, nhất là tronmg thời đại cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tích Kim thứ cấp bao gồm đổi mới công nghệ, tăng cường nguồn nhân lực, giữ gìn đoàn kết để các yếu tố Hoả không tự thiêu cháy nhau. Các doanh nghiệp thành đạt, bất cứ ở nước nào, đều phải có cơ quan Nghiên cứu Phát triển R&D. Đó chính là hình thức tích Kim thứ cấp về công nghệ. Họ luôn luôn nghiên cứu tìm tòi công nghệ mới, đổi mới công nghệ sẵn có. Trên cơ sở đó họ có sản phẩm ngày càng tốt hơn, giá rẻ hơn, thậm chí họ có thể sáng tạo ra các sản phẩm mà ngay khi khởi nghiệp, nhóm cá nhân trụ cột của doanh nghiệp (những sáng lập viên) còn chưa hề nghĩ đến. Sở dĩ như vậy vì họ luôn luôn tích Kim. Tích Kim liên tục là yêu cầu thiết yếu không thể thiếu được nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.
Trong tích Kim doanh nghiệp, đặc biệt là tích Kim thứ cấp, thì vấn đề tích Kim nguồn nhân sự và chất gắn kết (đoàn kết) nhân sự là vấn đề sống còn không kém vấn đề đổi mới và nghiên cứu công nghệ.
1.5.3. Tích Kim của một vùng
1.5.3.1. Phạm vi của vùng
Một vùng là một khu vực có nhiều người cùng sinh sống. Vùng trong Ngũ Hành không đơn thuần được xác lập bởi địa giới hành chính. Vùng là một khu vực được xác lập bởi phạm vi ảnh hưởng của các vòng Ngũ Hành. Tích Kim của vùng khó khăn hơn rất nhiều tích Kim cá nhân và tích Kim doanh nghiệp. Nếu qui hoạch tốt, lại có lãnh đạo giỏi thì vùng được tích Kim có chủ hướng. Ngược lại, vùng có thể được tích Kim tự phát do tổng hòa của các vòng Ngũ hành cá nhân và các vòng Ngũ Hành doanh nghiệp trong vùng đó. Tích Kim tự phát của vùng thường có tốc độ chậm và bị ảnh hưởng rất mạnh của các điều kiện ngoại lai.
Để tích Kim cho một vùng, làm cho nó phát triển bền vững cần trước hết xác định các vòng Ngũ Hành cơ bản đang tác động lên vùng. Các vòng Ngũ Hành cơ bản của vùng bao gồm:
- Các vòng Ngũ Hành tự nhiên như sông, hồ, các ngọn núi, gió mưa bốn mùa, điều kiện khí hậu, đất đai, hầm mỏ...Các đối tượng tự nhiên đó cũng có vận động. Chúng vận động theo Ngũ Hành của vũ trụ. Cần xác định các vòng Ngũ Hành của các đối tượng đó để xác định phạm vi của vùng. Trong các vòng Ngũ Hành tự nhiên thì đặc biệt quan trọng là vòng khí và vòng nước. Chúng ta phải xác định được phạm vi của các vòng này để biết sức mạnh của chúng trong vùng đang xét.
- Các vòng Ngũ Hành xã hội như lịch sử đấu tranh, lịch sử phát triển âm nhạc, văn hoá, kinh tế,.. Lịch sử phát triển âm nhạc có vai trò cực kỳ quan trọng. Âm nhạc chính là hồn của các vòng Ngũ Hành cá nhân cả trong quá khứ, cả ở hiện tại. Âm nhạc cũng chính là biểu hiện của các ao ước và dự định tương lai xoắn quyện vào trong các vòng Ngũ Hành xã hội. Nếu chẩn đoán được vòng Ngũ Hành Âm nhạc đang trong cung nào (Kim, hay Mộc,...) thì chúng ta đã thu thập được một lượng thông tin khá lớn để xác định phạm vi của vùng. Đôi khi có thể dùng các vòng Ngũ Hành Văn hóavà Ngôn ngữ để chuẩn đoán trạng thái của vùng. Văn hóacó đặc tính hấp thụ và phát toả. Trong lịch sử bất cứ giai đoạn nào mà văn hóathiếu những phát toả lớn thì chính giai đoạn đó là Thổ, hoặc đang trong quá trình chuyển từ Hoả sang Thổ. Một vùng đang lên, roi rói sức mạnh, thì sẽ có nhiều phát kiến về Khoa học, Nghệ thuật, Tiểu thuyết, vì vùng đó đang trong hành Mộc, hoặc đang từ Mộc sang Hoả. Một vùng, mà ca khúc, văn chương phải nói tránh, nói nhịu, nói vòng vo là đang trong quá trình từ Hoả về Thổ . Vì nóng quá phải nói nhịu đi, thay vì cách dùng các từ trực tiếp, ngắn gọn, hùng hồn và cụ thể để diễn tả. Trong văn phong chính thức, ngày nay người ta dùng từ "giảm thiểu" để thay "giảm", dùng từ "bức xúc" để thay "trầm trọng", dùng từ "tiêu cực" để thay từ "kém cỏi",... Trong khi đùa vui người ta hay dùng các từ "yết kiêu" để thay "kiêu căng", "bắc cạn" để thay "cạn", "điều trị" thay cho "trị".... Đó là biểu hiện cho văn hóavà ngôn ngữ vùng đang đi từ Hoả về Thổ.
1.5.3.2. Trạng thái của vùng
Vì chúng ta đang xét vấn đề làm thế nào để tích Kim cho một vùng đặng đảm bảo một sự phát triển bền vững. Nên sau khi đã xác định được phạm vi của vùng, điều quan trọng nhất là phải xác định được vùng đang trong hành nào: Hoả hay Thổ, Mộc hay Thuỷ,...
Trước hết, cần xác định vùng hiện đang có bao nhiêu vòng Ngũ Hành lớn bé. Tổng hòa của các vòng ấy sẽ cho ta mường tượng về hình thế phát triển của vùng. Phải biết được hình thế phát triển của vùng đang trong giai đoạn nào. Khi hình thế của vùng đang trong Thuỷ hoặc Mộc thì việc tích Kim khá dễ, nhưng khi hình thế phát triển của vùng đang trong Hoả thì việc tích Kim rất khó. Vì trong vùng có nhiều người, lại đang trong Hoả thì ai cũng bừng bừng, ít người muốn tích Kim tri thức mà phần nhiều chỉ muốn tích Kim vật thể. Nếu vùng đang trong Thổ việc tích Kim càng khó khăn hơn. Lúc đó tích Kim tri thức cũng khó, mà tích Kim vật thể cũng khó. Tuy vậy, đôi khi có thể tích Kim phi vật thể sẽ dễ dàng vì trong Thổ bừng lên ý chí.
Vì một vùng có rất nhiều người sinh sống nên trạng thái của các vòng cá nhân không đồng nhất với nhau. Tuy nhiên, có thể dùng thống kê để đánh giá trạng thái của vùng. Tức là, khi một vùng mà có rất nhiều người đang ở cùng một trạng thái thì cơ hồ âm nhạc và màu sắc của vùng sẽ bị qui định bởi mẫu số chung của các vòng cá nhân đó. Ví dụ, một vùng mà đa số đang tích Kim tri thức thì đó là một xã hội học tập tích cực, mầu sắc tươi sáng, âm nhạc dịu dàng, khoan thai. Khi một vùng mà đa số đang ở Thổ thì xã hội trì trệ, mầu sắc hỗn tạp, đồng bóng, âm nhạc nặng nề, dâm dật. Ví dụ, một vùng có rất nhiều người đang kiếm tiền bằng mọi cách (kể cả tham nhũng) sau đó mua bất động sản thì chính là đang chuyển từ Kim sang Thổ. Đây là trạng thái Ngũ Hành ngược, cực kỳ nguy hiểm cho sự phát triển.
Ở trên đã đề cập đến việc tìm hiểu các vòng Ngũ HànhTự nhiên và Xã hội để xác định phạm vi vùng. Ngoài ra, cũng đã đề cập đến việc tổng hòa các vòng lớn bé sẵn có trong vùng để xác định trạng thái của vùng. Tuy vậy, những gợi ý đó vẫn còn rất mơ hồ. Cần phải có linh cảm lớn, khả năng khái quát lớn, lượng thông tin dồi dào, khả năng tổng hợp mạnh mẽ mới xác định được trạng thái thực của vùng.
Trang: 3/7 « 1 2 3 4 5 6 ... »
Nguồn: Tác giả cung cấp
Số lượt đọc: 26660 - Cập nhật lần cuối: 16/06/2008 06:14:00 PM
Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang
Trao đổi/Nhận xét Tổng số: 8
Đánh giá
Dương NGọc Toàn - Email: [email protected] (27/09/2009 02:53:37 PM)
Âm dương ngũ hành là một biểu tượng cho các đối tượng VD như trai - gái; cứng - mềm; nóng- lạnh; vuông - tròn, , hoả là lửa, thủy là nước , đất là thổ vv.v.v.
Âm dương ngũ hành được con người áp dụng vào đời sống từ hàng ngàn năm nay ở TQ và VN VD như các cuốn sách " Kinh dịch"; " Chu dịch" vv.vv Ở đó đã nói lên rất rõ về quy luật của ngũ hành: Trong âm có dương và trong dương có âm, chúng luôn luôn biến dịch không ngừng; KIm sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc; mộc sinh hoả vv.vv NHưng để mọi đối tượng trong vũ trụ luôn được cân bằng thì đòi hỏi quy luật sinh, khắc cũng luôn phải cân bằng. VD thuỷ sinh mộc, nhưng nếu thuỷ mạnh quá thì khiến cho mộc bị đui chột và mộc mạnh quá thì cùng khiến thủy bị đui chột; Hoả khắc kim, nhưng nếu hoả yếu thì cũng không thể khắc được kim vv.vv.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì con người sinh ra bởi 4 yếu tố( Đất, nước, lửa và gió) chứ không hề nói như các sách của các phái trong đó có các sách về ngũ hành là sinh ra vào toạ đọ thời gian nào và toạ độ không gian nào? có nghĩa là giờ, ngày, tháng năm sinh đều nằm vào một toạ độ nhất định của thời gian và không gian mà trong đó đều được biểu tượng bởi ngũ hành ( Kim, mộc ,thuỷ....) Và nếu các hành này trong các thông tin về ngày tháng năm sinh của con người được cân bằng thì có nghĩa là cuộc đời của người đó tương đối cân bằng ( Tốt). Tương tự như vậy trong vũ trụ và trong bất kể đối tượng nào, cũng đều nằm trong quy luật này. TRong khi tôi thấy tác giả đặt vấn đề triền miên , không có tính thuyết phục và không có cơ sở VD như " Tích kim" , " Phát hoả", " Về thổ" . Nói như vậy có nghĩa là nó là một sự cố định của các hành nào đó, mà cụ thể là tác giả nói từ " Tích kim" . Trong khi ngũ hành là luôn luôn biến đổi và không dừng lại ở bất cứ đối tượng nào và không có điểm xuất phát cùng như không có điểm dừng của bất cứ hành nào mà nó chỉ là đối tượng đã,đangvà sẽ được mang một biểu tượng của ngũ hành với một hành hoặc những hành nào đó mà thôi.
Từ đầu cuốn sách cho đến kết luận tôi chỉ thấy rất nhiều từ "tích kim" và cuối cùng cũng chỉ là một sự gán ghép mơ hồ , không có cơ sở và cũng chẳng áp dụng được một chút nào quy luật của ngũ hành vào đời sống ,vào khoa học như tiêu đề của cuốn sách, thậm chí tác giả còn bóp méo tính chất và ép buộc nó đi sai quy luật như " Ngũ hành ngược". Ngược là gì ? Trong khi bản chất của nó đã có quy luật như trong bất cứ vật thể nào đang tồn tại trong vũ trụ chứ nó đâu có ý thức như con người mà tự nó đi ngược lại được ? Nếu tác giả có ý đồ đưa ngũ hành vào khoa học thì cái được của nó phải đem lại lợi ích cho người đọc chứ!
Liệu độc giả có hiểu và áp dụng được ý đô của tác giả không hay là chỉ nhận được một điều tuỳ theo hiểu biết của mỗi người đối với cuốn sách để người thì đánh giá " ÔNg này giỏi thật" Người thì đánh giá ngược lại và có nhiều người cũng chẳng hiểu gì cả. Còn tôi tôi nhận thấy tác giả đang muốn t hể hiện một sự hiểu biết về ngũ hành cho mọi ngươi trên một cái gọi là" tác phẩm" với một sự còn vô cùng rỗng trong nhận thức về bản chất của ngũ hành. Những ai đã đọc thì sẽ thấy một thực tế xuyên suốt là : Nếu tác gỉa không đưa ngũ hành vào tác phẩm thì có lẽ tác phẩm sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Như vậy nó giống như một bức tranh đẹp đang được tác giả bắt chiếc một hoạ sỹ khác tô thêm một số nét và màu sắc khác trong khi anh ta chẳng hiểu mục đích và bản chất của nét vẽ và màu sắc mình thêm vào đó để làm gì ?!. Thật đáng tiếc !
Xin cảm ơn
Đạo Trường hiểu nhầm khá nhiều
Chau Tuan - Email: [email protected] (21/09/2009 08:28:26 AM)
Tôi đã đọc nhiều phản biện và góp ý của Đạo Trường. Trước hết, ông đã hiểu nhầm công thức toán học về độ đo văn hoá. Công thức ấy là hàm số mũ, không phải phép nhân. Lẽ ra, tác giả nên viết:
Độ đo văn hoá = (tích luỹ) mũ (trình diễn)
hay W = X exp (t)
thì Đạo Trường không hiểu nhầm.
Phép nhân là một phép toán tuyến tính, cho tư duy thẳng, một chiều. Phép luỹ thừa (hàm số mũ) là phép toán phi tuyến, làm cơ sở cho các tư duy mềm dẻo, và cũng là cơ sở toán học quan trong nhất để thiết kế các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, Đạo Trường đã nhìn nhận thô khái niệm tích tản. Thực chất, khối lượng tích tản trong một đơn vị thời gian ít khi cân bằng. Nếu tích nhiều mà tản ít thì thuộc hành Kim. Chẳng hạn, trong quá trình kiến tạo trái đất có sự hình thành các mỏ dầu, quá trình đó thuộc Kim, chủ yếu là tích. Quá trình khai thác các mỏ dầu thuộc Thuỷ (sở khởi, thế kỷ 19), sau đó sang Mộc (dầu mỏ tìm thấy các ứng dụng mới như thắp sáng, chạy xe,..., khoảng đầu thế kỷ 20) và sang Hoả (khai thác tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng chế biến, từ giữa thế kỷ 20 đến nay). Các quá trình này tản nhiều hơn tích.
Việc gán Ngũ Hành cho các giai đoạn của vận động chỉ là một cách tư duy biểu tượng. Tất nhiên, mỗi người có quyền tư duy theo phong cách riêng của mình. Ngũ hành không ép buộc ai phải theo nó. Ai có duyên thì tìm thấy ở Ngũ Hành một mối tương hợp, thế thôi. Còn nhất định Ngũ hành không "phản động" như Đạo Trường đã viết.
Với NGŨ HÀNH chúng ta dễ trở thành con người VÔ VĂN HOÁ
Đạo Trường - Email: [email protected] (24/08/2009 07:22:56 AM)
Nguyên nhân: Ngũ Hành làm ta hiểu mù mờ về văn hoá cho nên dẫn đến những sai lầm cơ bản khi cảm nhận và đánh giá về văn hoá.
Để chứng minh nhận định này chúng ta hãy cùng nhau phân tích tư duy của tác giả:
1/ Tác giả định nghĩa "văn hoá là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục", ngụ ý theo ngũ hành thì " văn hoá là quá trình tích và tản liên tục". Cắt một hay vài bước trong một thể thống nhất tiến trình vận động Ngũ hành để làm tiêu chuẩn xác định một tồn tại là hành động ngớ ngẩn. Để cho đơn giản xin xét ví dụ: các nhà triết học theo Tứ Hành ( Sinh già bệnh chết ) định nghĩa văn hoá là Sinh.
Ngũ hành mơ hồ nên làm tác giả mơ hồ theo, xác định bâng quơ " Hấp thụ" và "trình diễn" không hiểu hấp thụ và trình diễn cái gì. Trong thế giới này, sự vật hiện tượng nào cũng vận động và luôn chứa đựng tích tản trong tiến trình vận động ấy. Như thế, căn cứ theo định nghĩa của tác giả trên đời này không có gì là không văn hoá. Một người uống nước vào rồi toát mồ hôi ra là người có văn hoá hay sao? Một giám đốc đi lãnh tiền về rồi sài tiền vào việc mua máy móc là văn hoá hay sao? một người mẹ cứ liên tục thụ thai rồi sanh con bầy đàn là văn hoá hay sao?
Sai lầm cơ bản của tác giả là lấy tính chất chung của thế giới làm căn cứ xác định, định nghĩa một tồn tại riêng biệt. Ngũ Hành ngắt tích và tản ra làm hai giai đoạn để xem xét một tiến trình vận động là một hành động siêu hình, mất biện chứng.
Sự xem xét một cách siêu hình của Ngũ Hành rất có hại cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu trong thời đại ngày nay. Ví dụ ngũ hành cho ta suy nghĩ "Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa". Học tập như thế khó mà giỏi được vì đã thiếu hai bước quan trọng: a/đồng thời phải loại bỏ (Tản) kiến thức đã lạc hậu vào hư không,b/ sau khi "tích" và trước khi "tản" phải có một quá trình tư duy sâu sắc trong đầu của ta ( Không thuộc bước tích hay tản của ngũ hành) đó là bước quyết định cho sự phát sinh sáng tạo. Phân tích sâu hơn ý tưởng trên của tác giả, ta sẽ thấy tác giả đã xác định học tập là quá trình văn hoá - tác giả mù mờ về tiếp thu văn hoá và việc trau dồi tri thức , mù mờ giữa văn hoá và trình độ, mù mờ giữa văn hoá và văn minh, mù mờ giữa văn hoá và kinh tế, văn hoá và chiến tranh...
2/ Sai lầm cơ bản về khái niệm "Độ Đo Văn Hoá". Dùng khái niệm độ đo văn hoá của tác giả sẽ dẫn ta đến việc đánh giá sai lầm về văn hoá, từ đó sẽ sai lầm trong việc quyết định tiếp thu hay loại bỏ một hiện tượng, trào lưu, nền văn hoá. Như vậy , chúng ta sẽ có lúc trở thành người vô văn hoá mà không hay:
- Việc "đo lường" có bản chất là sự so sánh ( so sánh một đặc tính nào đó của một tồn tại với một vật được chọn ra làm chuẩn mẫu). Như vậy phải khái niệm, định nghĩa được tồn tại đó là gì rồi ta mới có thể mang ra đo lường. Tác giả không xác định được cụ thể văn hoá là gì cho nên đã xác định cách đo lường cho một tồn tại mơ hồ mang tên văn hoá. Một tồn tại mang hàng tỷ đặc tính nên ta có thể đo lường hàng tỷ tham số. Vậy trong thực hành người ta phải chọn những đặc tính chuyên biệt của đối tượng nhưng phải quan trọng và hữu ích cho đời sống con người để đo đạc. Đặc tính vận động, tích tản là đặc tính chung của mọi sự vật hiện tượng, không chuyên biệt cho văn hoá. do đó chỉ đo ( khảo sát) " quan hệ tương đối giữa trình diễn và hấp thụ theo phép tính luỹ thừa" sẽ cho một cái nhìn cực kỳ mơ hồ và phiến diện về văn hoá.
- Công thức W = x t. Với W là độ đo trình độ văn hóa. Tác giả cho biết ta xác định được W khi biết được x và t. thế nhưng điều này không khả thi trên thực tiễn. chúng ta không bao giờ xác định được x và t vì chúng là những biến số mơ hồ: a/ "x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường...." ta vô phương xác định được " tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa" dù chỉ là rất tương đối. b/ " t là kết quả trình diễn...". như vậy t cũng là biến số mơ hồ nốt, không thể xác định chính xác được. "Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải "khả hấp". Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t" - như vậy t đã không phải là yếu tố nội tại của cái " văn hoá " mà ta đang đo lường. giá trị t bị chi phối bởi yếu tố ngoại lai là khả năng hấp thụ bởi cá thể khác. Như vậy t càng không thể xác định được. Xét ví dụ thực tiễn: nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc lỗi lạc châu Âu là kém văn hoá hơn Cải lương của VN hay sao? bởi vì rất ít người VN hấp thụ cảm nhận được nhạc cổ điển . có người khác vặn lại: " độ khả hấp nhạc cổ điển của dân VN là rất lớn, tuy rằng tôi không biết lớn đó là cỡ nào"...tất cả lý lẽ tranh luận là một mớ mơ hồ.
3/ Chúng ta xem xét cụ thể vài nhận định của tác giả để thấy quan niệm mù mờ về văn hoá và mức độ văn hoá sẽ kéo theo sai lầm trong đời sống như thế nào:
-"Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t =1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được". sai hoàn toàn, "im lặng" chính là trình diễn im lặng chứ không phải " chẳng trình diễn" như tác giả nhận định. Khi các bạn đi giao thiệp làm ăn, đi tâm sự chia sẻ với bạn bè, đi xem các hoạt động văn hoá.... thì tôi khuyên bạn hãy im lặng ( im lặng là vàng đấy), chăm chú hấp thụ, ít trình diễn thì chắc chắn bạn sẽ được mọi người cho rằng bạn là người lịch thiệp, rất có văn hoá. Sự không trình diễn của bạn đã làm chất văn hoá trong người bạn tăng cao hơn hàm lượng bạn có trước và đang hấp thụ.
- "Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t < 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm ": Vì định nghĩa văn hoá mù mờ cho nên khó mà xác định được cái gì là phản văn hoá hay là văn hoá, chuẩn mực xã hội sẽ không được xác định rõ ràng. Trong cuộc sống có nhiều người có hành vi phản văn hoá nhưng có tính khả hấp cao, tạo nên những trào lưu sống tiêu cực trong thế hệ trẻ, băng hoại xã hội thì độ đo văn hoá của những người đó có cao không?
- "Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ "khả hấp" cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao": Không hoàn toàn đúng. Ví dụ ở VN đã xảy ra vụ cô ca sĩ , chàng nhạc sĩ sáng tạo những phim đồi truỵ của bản thân rồi tung lên mạng, làm dân cư mạng hấp thụ tưng bừng ( độ khả hấp của tác phẩm của họ quá lớn ), rồi dân cư mạng lại trình diễn lối sống tự do tình dục, sống thử.... Theo công thức của tác giả thì tất cả họ đã đạt được Trình độ văn hoá rất cao?
- "Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới". Tác giả và mọi người VN không phân biệt được trình độ giáo dục, trình độ tri thức với trình độ văn hoá. Điều này do tác giả không phân biệt được văn hoá và tri thức.
- "Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn". Sai, cái nhìn phiến diện về cuộc sống. Tôi có Anh bạn trẻ tốt nghiệp Bác Sĩ ở VN nhưng anh ta bỏ ngành y từ lúc mới ra trường đi làm thương mại, có tiền anh ta làm từ thiện rất tích cực. anh ta không thích nghề y vì không muốn sống trên xương máu người bệnh và cũng không muốn gia đình khổ ải vì chỉ có những đồng lương tượng trưng. Một người khác là kỹ sư xây dựng nhưng đã bỏ nghề sau vài tháng cọ sát " chiến trường" vì không chấp nhận cuộc sống đầy toan tính và tiêu cực. Những người đó không hề có trình độ văn hoá thấp hơn bạn bè, trái lại bạn bè phải ngước lên mỏi cổ mới thấy đỉnh cao văn hoá của họ.
- "Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện". Lý luận xa rời cái công thức " Độ đo văn hoá" mà tác giả đã đề ra. Các bạn để ý kỹ sẽ thấy tác giả phân tích các ví dụ trên một cách không toán học - ông ta chú trọng khảo sát W bằng riêng t . Trong khi W = x.t chứng minh rằng W là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa x và t. Theo công thức W =x.t của tác giả thì nếu ông cán bộ tăng hấp thu (x) lên bao nhiêu lần rồi ông ấy sống tiêu cực để giảm kết quả trình diễn (t) xuống bấy nhiêu lần thì ông ấy có văn hoá không đổi? Một người hấp thụ được thật nhiều giá trị văn hoá thì có thể sống vô văn hoá không sao ( x tăng nhiều, t giảm ít hơn độ tăng của x làm cho W vẫn tăng )?
- Toán học là phương tiện để ta tiến dần đến cái cụ thể chính xác, thế nhưng công thức toán học của tác giả quá mơ hồ, làm cho khái niệm văn hoá của tác giả đã mù mờ rồi còn rối lên như mớ bòng bong. Tác giả không đạt được mong muốn ban đầu là đo lường độ văn hoá để giúp định nghĩa văn hoá. Tôi có thể thông cảm chuyện này vì tác giả đã thừa nhận: "Chúng tôi tạm diễn tả (có thể là khiên cưỡng) độ đo văn hóa theo toán học". Nhưng không thể thông cảm và chấp nhận cái lối tư duy, cái nhận thức mù mờ dẫn đến định nghĩa và thước đo văn hoá mù mờ không khả thi không hữu dụng như vậy. Và điều tôi muốn nói là NGŨ HÀNH QUÁ LẠC HẬU VÀ TRỞ THÀNH PHẢN ĐỘNG CHO CHÚNG TA VÌ NÓ TẠO CHO CHÚNG TA LỐI TƯ DUY MÙ MỜ PHIẾN DIỆN. CHÚNG TA NGỢI CA NGŨ HÀNH LÀ CHÚNG TA ĐANG VÔ TÌNH CHIA SẺ KIẾN THỨC LẠC HẬU CHO MỌI NGƯỜI.
4/ Còn nhiều chuyện, đụng vào ý tưởng nào cũng có chỗ cần xem xét lại để loại bỏ kiến thức mơ hồ lạc hậu: Tinh hoa văn hoá VN, mối quan hệ văn hoá - ngũ hành, mối quan hệ văn hoá kinh tế, ngũ hành và khoa học, ngũ hành và y học, ngũ hành và kinh tế, .....nhưng dài dòng quá rồi xin tạm khép tại đây.
THAY LỜI KẾT: Tôi biết phản biện với những bài trình bày về thuyết Ngũ Hành là phản biện với một tập thể trí thức đầu ngành vật lý Việt Nam. Phản biện của tôi xuất phát từ tấm lòng xây dựng theo quan điểm của chungta.com : chia sẻ tri thức, cùng nhau phát triển sự nghiệp.
Tôi thấy rằng các quý vị có nhận thức sai lầm về Ngũ Hành, ngợi ca quá đáng về một kiến thức khoa học đơn sơ và lạc hậu. Triết lý ngũ hành làm cho tư duy con người bị mắc lỗi nhiều, trở nên mơ hồ và xa rời thực tế, có hại cho thế hệ trẻ . Tôi e rằng các quý vị đang vô tình chia sẻ tri thức lạc hậu cho mọi người. Có thể ý phản biện của tôi có chỗ không đúng, đặc biệt là không làm vui lòng các tác giả
. Nhưng tôi mong rằng chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm với những gì mình đã viết và với xã hội. Cần tranh luận khoa học khách quan, vì chỉ qua tranh luận nghiêm túc đến nơi đến chốn mới giúp chúng ta rút ra được những tri thức đúng đắn nhất.
Chân thành cám ơn chungta.com và các bạn.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Đạo Trường - Email: [email protected] (08/08/2009 09:20:44 AM)
Chúng ta dư thông mình, dôi lý luận, thừa logic, quá học hỏi.
Chúng ta nhầm lẫn thê thảm ở điểm này: chúng ta nghĩ thế là hay, chúng ta tự hào về chuyện đó.
Đức Phật cho biết: sự thật thì dư thông minh, dôi lý luận thừa logic, quá học hỏi là một tai hoạ. Bởi vì sự quá, dư, dôi thừa cũng có ý nghĩa như không có, thiếu, hụt... làm cho một sự tồn tại của tinh thần trở nên rối rắm, mất ý nghĩa ban đầu của nó. Với trí thông minh bị rối rắm như thế thì sẽ không làm được cái gì đáng kể.
Chúng ta loay hoay đã xây xẩm mặt mày lắm rồi đấy, nhưng vì thiếu trình độ nên vẫn chưa tìm ra được đầu mối của thông minh và những đoạn dư cần cắt.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Văn Thành - Email: [email protected] (20/05/2009 02:45:21 PM)
Người Việt Nam chúng ta thông minh và thật sự là rất thông minh?
Chúng ta toàn đi vào lý giải, biện minh những vấn đề khó nhất thâm sâu nhất trong nhận thức của nhân loại nào là các vấn đề tâm linh, âm dương ngũ hành, triết học Đông triết học Tây.
Nhưng thử hỏi có mấy ai trong số chúng ta trở thành 1 trong số các nhà : nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà phát minh... được thế giới công nhận có đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại?
Đất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển để thực hiện" dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh", tất cả những ai mang tư duy, nhận thức của mình hoạt động tích cực thúc đẩy tiến trinh đó đều khiến tôi khâm phục! CÒN BẠN THÌ SAO?
Tôi nghĩ thật sự chúng ta chưa biết bản thân chúng ta là ai?
THẬT SỰ CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN Ở ĐÂU?
Rất cảm ơn tác giả về bài viết.
Đánh giá
Binh Dinh - Email: [email protected] (28/04/2009 03:42:02 PM)
Bài viết rất tổng quan, dễ hiểu, rất hay!
Xin cảm ơn nhiều.
Cảm ơn tác giả
nhung - Email: [email protected] (16/04/2009 07:46:34 PM)
Tôi là một sinh viên khối ngành chính trị, đã được học nhiều về lý thuyết ngũ hành nhưng khi đọc bài nay tôi mới thực sự hiểu sâu sắc và thấy được giá trị thực tiễn của thuyết ngũ hành.
Rất cảm ơn tác giả.
Chương 2 . NGŨ HÀNH TRONG KINH TẾ
2.1.Vài ví dụ về trạng thái nền kinh tế Việt nam đương đại
2.1.1. Kinh tế mặt tiền
Người Việt nam ta hiện nay đa số đang thực hiện nền kinh tế mặt tiền. Ai cũng muốn nhà mình có vài mét vuông mặt tiền, để sắm cái cửa hàng buôn bán vặt vãnh. Nếu bạn ở Phố Trần Nhân Tông, Hà nội, là người đầu tiên bán quần áo may sẵn, thì bây giờ bên cạnh của hàng của bạn có hàng ngàn cửa hàng khác. Cái phương thức của bạn đã được sao chép vô tư. Mọi người ào ào bắt chước bạn. Họ không mất công tích luỹ kiến thức và quyết tâm (Kim) để sinh ra cái cửa hàng đầu tiên, họ chỉ phải tích luỹ tiền bạc để thực hiện giai đoạn cuối là Hoả. Bạn đã phải marketing, phải thăm dò thị trường, tìm mối hàng, đắn đo và trăn trở,...Bạn đã trải qua Kim và Thuỷ, rồi mới có Mộc (nảy sinh cửa hàng). Những người khác thấy phương thức làm ăn của bạn đã được thực tế thẩm định, họ ào ào bắt chước, họ tích Kim rất nhanh, bỏ qua Thuỷ, tiến thẳng tới Mộc. Hiện nay, bạn và các cửa hàng lân cận đang làm ăn khá ổn, các bạn đang cùng ở trạng thái Hoả khá bền vững, vì sức nóng cạnh tranh chưa thật khốc liệt, cung - cầu trên thị trường còn tạm cân bằng. Nếu thế cân bằng ấy bị phá vỡ thì giai đoạn Hoả kết thúc, bạn sẽ đi vào giai đoạn Thổ khá buồn tẻ. Giả sử con bạn được sinh ra vào thời Hoả vượng, của hàng làm ăn phát đạt, bạn có thu nhập ổn định cao, thì nó sẽ tích một thứ Kim khác. Có thể là học tập để vươn xa khỏi cái nghề kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc dùng vốn để mở siêu thị chứ không thuần là bán mỗi một mặt hàng quần áo may sẵn, cũng có thể lại ăn chơi để tàn phá cái Hoả vượng của cửa hàng. Ngược lại, giả sử con bạn lại sinh ra vào thời Thổ, khi cửa hàng quần áo may sẵn suy thoái, thì chính nó sẽ tích Kim để thoát hiểm cho dòng tộc. Cho nên, nếu nhìn nhận theo 3 điểm khác biệt ở trên chúng ta thấy từ một vòng Ngũ Hành là cửa hàng quần áo may sẵn trên phố Trần Nhân Tông thì có thể có vô vàn vòng khác nảy sinh từ vòng này.
Nhưng các vòng Ngũ Hành tương tự như ở phố Trần Nhân Tông đều có một đặc điểm là buôn bán nhỏ mặt tiền. Mỗi cửa hàng là một đốm lửa, mà nhiều đốm lửa cạnh nhau lại chưa đủ lực liên kết để tạo thành một vòng mới mạnh mẽ hơn. Kinh tế mặt tiền có trên mọi ngành hàng ở nước Việt nam ta. Ngay cả danh từ "Đại gia" mà chúng ta hay dùng hiện nay nhiều khi cũng chỉ là mặt tiền ở mức cao mà thôi. Chẳng hạn phong trào ào ào mở Khu Công nghiệp, mở Đại học, xây cảng biển, làm du lịch, thành lập ngân hàng cổ phần chính là biến thái của kinh tế mặt tiền ở qui mô lớn.
Các nhà lập pháp dùng Ngũ Hành có thể gom nhiều đốm lửa nhỏ mặt tiền thành một tích luỹ lớn, tạo điều kiện cho sự ra đời của một hành Kim mạnh mẽ. (Đây là một nội dung nghiên cứu có thể đào sâu sau này).
2.1.2 Vỡ hụi
Cách đây khoảng hai mươi năm bắt đầu phong trào hụi. Theo định nghĩa nôm na hụi gồm hai đối tượng: chủ hụi và người chơi hụi. Người chơi thì muốn cho vay để thu lãi nhanh và nhiều. Còn chủ hụi lại không phải là một nhà thu gom tài chính để tạo ra lãi bằng các hoạt động sản xuất kinh doanh thực. Nhưng người chơi hụi thường không nhìn rõ bản chất quá trình, thấy mối lợi của vài lần thanh toán đầu là lao vào cuộc chơi như con thiêu thân. Đó là một trạng thái bốc Hoả rất bừng bừng. Trong phép chơi hụi, Hoả rất mạnh nên cũng chóng tàn, người chơi hụi về Thổ thật điêu tàn đôi khi chỉ vài tháng là đã bị về Thổ. Nhiều người phải chịu trốn lủi, phải trả giá bằng một vài thế hệ, thậm chí Thổ của họ lan sang cả đời con và đời cháu. Bởi vì họ đã vào Hoả không phải bằng quá trình tích luỹ hành Kim thực sự. Sự tích luỹ hành Kim bằng năng lượng tự thân, kinh nghiệm, kiến thức,... Họ tích Kim và lao sang Hoả, họ thực sự đã chơi các vòng ngược. Do đó khi Hoả đã đốt cháy chút năng lượng tích luỹ của Kim thì hui về Thổ rất nhanh.
Xét các vòng Ngũ Hành cá nhân trong hụi, ta thấy hành Hoả là một giai đoạn cực ngắn, và đương nhiên các hành khác cũng ngắn. Từ đây suy ra một hệ quả: Tuy thời lượng của các hành trong một vòng Ngũ Hành dài ngắn khác nhau, nhưng độ dài tương đối không khác nhau quá nhiều.
Một đặc điểm quan trọng khác của hụi là bắt chước. Không có ví dụ nào về sự bắt chước mà sinh động như sự bắt chước trong hụi. Người ta lao vào chơi hụi vì thấy người khác chơi hụi giàu lên nhanh quá. Chỉ sau vài phân tích nhỏ, lại được thông tin rằng bà A, ông B lãi nhanh là vay mượn để chơi, bán nhà để chơi. Họ bỏ qua quá trình tích Kim, đốt cháy giai đoạn Thuỷ, bỏ qua Mộc và tiến thẳng vào Hoả. Thực chất quá trình này chỉ khởi phát từ một sự tích Kim "dởm", vay mượn hoặc cầm cố. Vì Kim "dởm" nên khi vào Hoả cháy như lửa rơm, không bền vững, dễ bị thổi tạt chỉ bởi một luồng gió nhẹ. Các nhà Ngũ Hành gọi sự vào Hoả theo kiểu bắt chước (như trong chơi hụi) là các vòng Ngũ Hành ngược: Từ Kim (non yếu) ngược ngay sang Hoả (mong manh). Bản chất của các vòng ngược là không bền vững, dễ bị đè bẹp bởi các vòng Ngũ Hành khác, đặc biệt các vòng lớn. Hình 7 mô tả các vòng ngược của hụi.
Hình 7. Vòng Ngũ Hành ngược, từ Kim "dởm" chảy ngược về Hoả.
Thực trạng của nền kinh tế Việt nam hiện nay có cực kỳ nhiều vòng Ngũ Hành ngược. Ví dụ, phòng trào xây dựng xi măng lò đứng, đường mía, dứa, phong trào ào ào nuôi chó cảnh, nuôi vẹt, mở trang trại sinh thái,....
Dòng vốn FDI to lớn đang chảy vào Việt nam, xét dưới quan điểm nhà đầu tư là dòng thuận, nhưng xét dưới quan điểm chủ nhà là dòng ngược vì hành Kim không phải do chúng ta tích luỹ mà có. Kim ngoại lai được xác lập trên một phạm vi Thổ nhỏ bé để đứng chân sau đó phát Hỏa ngay. Hỏa này không thể dùng để tích Kim cho các vòng phát triển sau. Đây là một đề tài cực kỳ quan trọng cần tập trung nghiên cứu xét dưới góc độ quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế, mà chúng tôi sẽ đề cập tới ở mục sau.
2.2. Xe ôm và nền kinh tế vĩ mô
Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới có một hình thức kinh doanh vận tải đặc biệt như ở Việt nam: xe ôm. Bạn có thể thuê xe ôm đi làm, đi viện, đưa đón con đến trường, .....
Hãy xét xe ôm theo Ngũ Hành. Một người muốn trở thành tài xế xe ôm cần có hành Kim để khởi nghiệp. Anh ta phải biết lái xe hai bánh, phải có bằng (?), phải tương đối thuộc đường trong thành phố, phải có một cái xe,... Tích luỹ tất cả các yếu tố đó gọi là tích Kim của vòng Ngũ Hành xe ôm. Sau khi tích Kim anh ta phải tìm được một chỗ đứng chờ xe, ít cạnh tranh (có vài người bạn xe ôm), một góc phố (dễ đón khách), có biển hiệu (thường là một tấm bìa các tông nguệch ngoạc hai chữ xe ôm) càng hay, ít bị săn đuổi, hàng ngày dậy sớm ra đứng chờ khách. Các hành động đó chính là mang cái Kim mà anh ta đã tích luỹ len lỏi vào thị trường, hành Thuỷ. Khi gặp khách là Mộc. Đi một cuốc xe, lúc khách móc ví trả tiền là Hoả. Quay về vị trí cũ tiếp tục chờ khách là Thổ. Mỗi ngày anh ta có thể làm được vài vòng Ngũ hành. Nếu các vòng Ngũ Hànhđủ tích luỹ thì cuộc sống anh dần cải thiện. Giả sử anh ta lại có tài tổ chức, liên kết được nhiều bạn xe ôm lập thành công ty, thì cơ hồ cái công ty ấy có thể trở thành một hãng vận tải. Vòng Ngũ Hành của anh ta là "dương hành phát", nếu thu nhập hàng ngày đủ chi trả các yêu cầu tối thiểu của cuộc sống gia đình và có đôi chút tích luỹ. Vòng ấy sẽ là "âm hành phát" nếu anh ta không kiếm đủ khách. Anh ta có thể dùng ý chí tác động lên mọi giai đoạn từ Kim, Thuỷ, Mộc đến Hoả, Thổ của vòng này để biến nó thành "dương hành phát". Giả sử trong thành phố có rất nhiều vòng "dương hành phát" của nghề xe ôm, thế thì, các vòng Ngũ Hành xe ôm ấy sẽ đóng góp phần dương vào tăng trưởng GDP của quốc gia.
Trong một vùng, một quốc gia có hàng triệu triệu vòng Ngũ Hành như vậy. Cái bóng hình tổng thể của các vòng Ngũ Hành ấy chính là sự lưu thông của đồng tiền. Hàng triệu triệu vòng Ngũ Hành ấy thông qua đồng tiền đã đóng góp vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế vĩ mô.
Mỗi công ty ra đời, mỗi dự án được thực hiện là một vòng Ngũ Hành mới được xác lập, thêm vào cái hoạt động vô cùng vô tận của đời sống. Thước đo của sự vận động ấy chính là sự lưu thông của đồng tiền. Lượng tiền phát hành ra từ ngân hàng Nhà nước phải tương ứng với quá trình tích Kim của hàng triệu vòng Ngũ Hành kia. Có hai hình thức tích Kim. Tích kim sơ cấp là chuẩn bị điều kiện đủ để nảy sinh một vòng Ngũ Hành mới. Tích Kim thứ cấp là tích Kim của chính các vòng đang tồn tại cho một chu trình tiếp sau nữa. Nếu lượng tiền in ra vượt mức độ tích Kim thì có lạm phát. Lạm phát càng lớn nếu quá trình tích Kim càng yếu ớt.
Đặc điểm của nền kinh tế hiện nay là hội nhập. Do đó, ngoài dòng chảy của nội tệ, còn có dòng chảy của ngoại tệ. Vì vậy, người cầm cân nảy mực cho sự vận hành của đồng tiền quốc gia cần biết rõ sức mạnh của cả hai dòng chảy nội tệ và ngoại tệ. Hiện nay ở nước ta, dòng ngoại tệ khá mạnh. Các đầu vào của dòng ngoại tệ có thể do dòng vốn chính thức FDI, dòng vốn vay của chính phủ, dòng viện trợ, dòng kiều hối, dòng do khách du lịch lẻ đưa vào....
Ngày nay dân ta quá quen với đô la. Mua máy tính, máy điện thoại, các đồ gia dụng cao cấp, mua ô tô xe máy, mua nhà,... người ta có thể tính toán, cân nhắc giá trị món hàng qua đô la. Đôi khi, người ta còn thanh toán trực tiếp bằng đô la. Thậm chí, một du khách có thể trả tiền phòng trọ, tiền ăn một bát phở bằng đô la nữa. Điều đó cho thấy dòng chảy ngoại tệ trên thị trường khá mạnh. Dòng chảy ngoại tệ một phần đi qua các ngân hàng, một phần không đi qua ngân hàng. Thực tế khó đánh giá hai phân lượng đó. Vậy dùng Ngũ Hành có thể phân tích được luồng ngoại tệ ngoài ngân hàng hay chăng. Trên qui mô thế giới, các ngoại tệ mạnh có sức tích Kim và khởi Thủy mạnh mẽ. Vùng ảnh hưởng của các ngoại tệ mạnh chính là bóng dáng các vòng Ngũ Hành của các quốc gia mẹ đẻ của chúng. Việc nghiên cứu phạm vi vùng của các ngoại tệ mạnh sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn cầu về đường lối phát triển kinh tế của các nước đang phát triển.
Ngày hôm nay, khi chúng tôi đang soạn tài liệu này, thì thông tin trên mạng cho thấy rằng đô la đang ế. Tiền mặt đô la của các ngân hàng bán ra không có khách mua. Đây chính là trạng thái Thổ của dòng chảy đô la bên trong các ngân hàng. Bởi vì Thổ chính là trạng thái ngưng trệ, vận động không mạnh, không có sự giao lưu của dòng đô la bên ngoài với dòng đô la bên trong ngân hàng. Có thể đoán rằng dòng bên ngoài đã tích luỹ đến trạng thái gần bão hòa. Như vậy dòng bên ngoài đang tích Kim. Nếu dòng nội tệ yếu thì sẽ xảy ra Ngũ Hành ngược, dòng đô la cả trong và ngoài ngân hàng sẽ gây áp lực làm dòng nội tệ lao nhanh sang Hoả, sẽ lạm phát lớn.
Ngân hàng Nhà nước muốn tránh trạng thái này phải kiểm soát được dòng đô la ngoài ngân hàng. Muốn kiểm soát được nó phải cho nó chảy qua ngân hàng. Phải có một nghị định hoặc luật, cấm giao dịch trực tiếp bằng đô la dưới mọi hình thức. Mọi hợp đồng hoặc giao dịch dân sự phải thông qua nội tệ. Nhà nước không cấm tích trữ đô la, nhưng khi thực hiện các giao dịch mua bán phải thông qua nội tệ. Cho phép tư nhân mở các điểm đổi tiền tự do.
Người chủ cửa hàng đổi tiền phải có đăng ký, mỗi khi đổi tiền chỉ cần ghi lại số CMND hoặc hộ chiếu, số lượng đổi không hạn chế. Chỉ cần một máy điện tử nối mạng là có thể kiểm soát tại từng thời điểm có bao nhiều đô la đang được đổi, thậm chí đến đồng lẻ. Một người bạn tôi nói, khi anh ta mua một bức hình tháp đôi ở Kuala lamper (Thủ đô Malaixia) giá 10 $, anh ta định trả trực tiếp bằng đô la. Người bán hàng chỉ anh sang bên cửa hàng đổi tiền gần đó đổi ra Ringit, bảo đổi tiền đi rồi thanh toán cho anh ta. Điều này khác với Việt nam. Chúng ta có thể học tập cách làm của nước bạn. Như vậy vừa thu được thuế đổi tiền vừa kiểm soát được dòng chảy ngoại tệ. Dòng chảy ngoại tệ bên ngoài ngân hàng chỉ còn ở mức rất nhỏ không đủ sức tích Kim cho các vòng Ngũ Hành ngoài ý muốn, không đủ gây áp lực cho dòng nội tệ.
2.3. Ngũ Hành trong ngành xây dựng
Ngành hiểu theo Ngũ Hành chính là tổ hợp các vòng Ngũ Hành doanh nghiệp đồng đẳng. Ví dụ, ngành xây dựng chứa vô vàn các vòng Ngũ Hành về xây nhà ở, xây trường học, xây công sở, mở mang thành phố, ....Các vòng doanh nghiệp đó cùng dựa trên một công nghệ tổng quát là kết cấu các khối vật chất đa chủng loại thành một vật thể mới hoặc quần thể mới. Ngành xây dựng nói theo nghĩa tổng quát là sắp đặt các vòng Ngũ Hành cạnh nhau. Sau khi một công trình được xây dựng xong thì coi như ổn định lâu dài, tức đối tượng xây dựng sẽ về Thổ. Nó sẽ là nền móng cho các quá trình tích Kim khác. Vì vậy đối với một đất nước đang trong thời kỳ phát triển như Việt nam thì công tác xây dựng cực kỳ quan trọng.
Trước đổi mới, muốn xây một cái nhà cũng phải có giấy phép mua xi măng, sắt thép. Bây giờ, cứ có tiền là mua thoải mái, mua đủ loại vật liệu, thậm chí cả các tấm trang trí tường khổ cực lớn bằng đá cẩm thạch đen tuyền pha tuyết thửa tận Giang Châu - Trung quốc. Chỉ hơn 20 năm, trạng thái của ngành xây dựng đã phát triển đến mức Hoả. Nhân dân đua nhau xây nhà ở, cơ quan đua nhau xây công sở. Xây nhà dưới mọi hình thức, thậm chí mỏng dính. Kiến trúc cực kỳ lộn xộn, mái vòm, đỉnh nhọn, tháp chuông có cả.
Vậy trạng thái dòng chảy Ngũ Hành xây dựng đang trong Hoả. Nhưng là Hoả không bền, hoả không đượm, đang suy về Thổ. Vì các cá nhân làm việc trong ngành xây dựng đều muốn giàu nhanh nên họ thúc đẩy các vòng Ngũ Hành vận động quá nhanh. Ngay khi có dự án là họ tích Kim (tiền, nhân lực, máy móc,...) rồi thi công luôn, tức là khởi chuyển sang Mộc ngay. Do đó, bộ mặt các thành phố rất lộn xộn. Bức tranh kiến trúc rất xấu. Họ không để ý nhiều lắm đến Thuỷ (cấp nước kém, cống rãnh nhỏ hẹp, không bền vững,...). Việc nôn nóng sang Mộc đi tắt qua Thuỷ làm cho thành phố không thể phát triển bền vững. Hậu quả là hiện nay, môi trường sống trong đô thị bị xuống cấp, phố phường chật hẹp, dân cư đông đúc, cung cấp nước kém, không khí nồng nặc,..
Hơn nữa, vì các vòng Ngũ Hành xây dựng đặt quá gần nhau, nên Hoả xây dựng càng ngày mãnh liệt. Nếu xét theo Ngũ Hànhthì chỉ vài chục năm nữa phần lớn các nhà cửa, công trình hiện tại sẽ sụp nhanh về Thổ. Phải qui hoạch lại, phải mở đường lại, phải giảm mật độ dân số đô thị. Vậy nếu dùng Ngũ Hành có thể đoán trước tình trạng Thổ của ngành xây dựng đang dần đến. Muốn ngành xây dựng phát triển bền vững cần giảm nhiệt của trạng thái Hoả xây dựng, như vậy vừa tiết kiệm cho hiện tại, vừa tiết kiệm cho tương lai.
Để tránh tình trạng quá nóng của Hoả xây dựng, cần phải dãn các vòng Ngũ Hành trong ngành xây dựng. Mà dãn vòng cần có đất. Nhưng hiện nay đất đều thuộc các UBND Tỉnh quản lý. Việc đền bù và giải phóng đều khó khăn.
Do đó muốn tích Kim trong xây dựng phải kiên quyết xây dựng các thành phố cỡ vừa, mới hòan toàn, trực thuộc trung ương. Mỗi thành phố có khởi đầu khoảng 10 vạn dân, dự tính khi phát Hoả có khoảng 1-2 triệu dân. Khi xác lập thành phố mới sẽ tập trung tích Kim tri thức luôn, đó chính là các thành phố công nghệ. Ví dụ Hòa Lạc có thể trở thành một thành phố công nghệ mới, chứ không thuần tuý là khu Công nghệ cao. Một thành phố công nghệ hướng dần tới mức phát triển cao. Trong đó có khu Đại học, Viện Công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp, nhiều làng nghề. Đặc biệt có thể học tập Ngọc Linh của Quảng Tây để biến Hòa Lạc thành một trung tâm thuốc nam, với việc tập trung công nghệ đa ngành như sẽ trình bày trong mục "Khoa học và chiếc bánh". Hòa Lạc là vùng lưng dựa vào núi cao, lên ngược một chút là đến rừng, xuống thấp một chút gặp sông lớn, nhân dân thì khôn ngoan chăm chỉ, lại gần thủ đô, nên có đủ điều kiện tích Kim nhanh chóng cho cá nhân và cho cả doanh nghiệp nữa. Chính vì vậy đây là vùng giảm nhiệt tốt cho trạng thái Hoả quá mức do việc xây dựng thiếu qui hoạch của trung tâm Hà nội. Các thành phố cỡ nhỏ nên được xây dựng đều khắp ở ba miền Trung Nam Bắc để giảm hỏa xây dựng. Đó là các thành phố tích Kim. Nước Việt nam ta có cái lợi thế to lớn gần biển, mà bờ biển lại dài, do đó việc qui hoạch các thành phố tích Kim dọc bờ biển là một điều kiện thuận lợi trời cho để phát triển bền vững. Nhưng việc qui hoạch các thành phố tích Kim nhất thiết phải do chính phủ đảm đương chứ không phải như xây các Khu công nghiệp cấp Tỉnh như hiện nay.
2.4. Ngũ Hành trong ngành giao thông
Ngành giao thông hiện nay cũng đang trong thái Hoả. Người và xe tham gia giao thông quá nhiều, vượt qua chỉ số mật độ an toàn cho phép so với hiện trạng đường xá nhiều lần. Ra đường bất kỳ lúc nào cũng thấy ào ào, bừng bừng. Nguyên do giao thông đạt đến trạng thái Hoả, là do tốc độ phát triển kinh tế cao, tốc độ xây dựng cao, khối lượng người và hàng hóa phải chuyển dịch lớn.
Giao thông và Xây dựng là hai ngành hành chính theo tổ chức chính phủ. Trong chính phủ có hai Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Nhưng theo Ngũ Hành hai bộ ấy chỉ là một. Xây dựng là dịch chuyển các đơn vị khối lượng vật chất về một khu đất nào đó, rồi kết cấu chúng lại với nhau. Giao thông cũng là dịch chuyển khối lượng vật chất, nhưng trong đó có cả dịch chuyển người và dịch chuyển hàng hoá. Khi ngành xây dựng vào Hoả thì nhất định giao thông còn vào Hoả mạnh hơn, vì dịch chuyển người nhanh và dễ hơn dịch chuyển xi măng gạch ngói.
Có thể nói Hoả trong giao thông hiện nay ở trạng thái hỗn độn rất cao. Cụ thể là nhiều tai nạn, trong khi đường xá không lưu chuyển nhanh và kịp thời được khối lượng lớn hàng hoá và người. Bạn vẫn thấy hàng ngàn người bị tắc đường, hàng vạn người ùn tắc ở các bến xe buýt. Sự ùn tắc ấy là lãng phí xã hội. Cho nên phải biến đổi Hoả trong giao thông. Làm cho nó bớt nóng đi, làm cho nó tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cách giảm nhiệt cho trạng thái Hoả giao thông một cách bền vững không gì hơn là nỗ lực chủ động đưa giao thông một phần về Thổ. Ví dụ thúc đẩy nhanh việc xây dựng các đường cao tốc (mở ộng Thổ). Tại khu vực đồng bằng sông Hồng nhất thiết phải xây gấp các đường cao tốc nối Hà nội với 7 hướng phụ cận. Mở rộng thật nhanh đường số 32A, đường Láng Hòa lạc, đường số 2, đường số 1, đường số 5, đường số 6, đường số 3. Tất cả các đường kể trên phải được biến thành đường 6 làn xe. Tách riêng đường ô tô ra khỏi đường xe máy. Tại đồng bằng sông Cửu Long cũng phải làm tương tự. Nhưng khi mở rộng đường không làm tràn lan, phải tập trung Kim mãnh liệt để giải quyết dứt điểm từng cung đường.
Tuy vậy, chuyển Hoả giao thông về Thổ rất chật vật, vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng trong giao thông còn khó gấp 10 lần giải phóng mặt bằng trong xây dựng. Vì Hoả xây dựng chuyển về Thổ cực nhanh, nên dễ chuyển thành Kim (tiền) để làm lợi cho người duyệt dự án, lợi cho người thực thi. Trong xây dựng, có đất là có tiền. Trong giao thông không như vậy, vì đất làm đường không trực tiếp sinh ra tiền. Tiền chỉ được lái vào các túi tham nhũng qua ngả chế tác hồ sơ và các thủ tục hành chính. Do vậy, chuyển Hoả giao thông về Thổ bị khó khăn rất lớn. Khó khăn ngay từ chính những người ra quyết định mở đường. Muốn chuyển Hoả giao thông về Thổ nhất định phải tư nhân hoá việc xây dựng cầu phà, đường bộ, đường sắt.
Ngoài ra, trong thành phố phải chuyển Hoả giao thông về Thổ bằng các đường xe điện ngầm. Tuy nhiên tích Kim cho đủ mà làm đường xe điện ngầm rất tốn thời gian. Do đó, có thể nói biện pháp giảm nhiệt giao thông trước mắt và lâu dài vẫn là mở rộng Thổ cho giao thông đường bộ, đường sắt.
Hơn nữa, vì trong Ngũ Hành coi Giao thông và Xây dựng là một cho nên việc giảm Hoả của hai ngành này liên quan trực tiếp với nhau. Điều đó có nghĩa là các biện pháp giảm nhiệt của ngành Xây dựng sẽ ủng hộ tích cực cho giảm nhiệt trong Giao thông. Ví dụ, ngoài Hòa Lạc rất cần xây dựng thêm nhiều thành phố nhỏ khác trực thuộc trung ương. Tại sao lại phải trực thuộc Trung ương, vì xây dựng thành phố mới là tích Kim, mà muốn tích Kim phải có Thổ. Thổ hiện nay, lại đang bị giam giữ bởi tính cục bộ địa phương ở các tỉnh. Một khi đã có nhiều thành phố nhỏ, thì mật độ dân cư ở các trung tâm lớn sẽ giảm xuống, do đó vấn đề giao thông sẽ bớt Hoả.
Tóm lại, có thể liệt kê mấy biện pháp giảm Hoả trong giao thông đã trình bầy ở trên như sau:
- Qui hoạch tốt các trục giao thông chính của vùng,
- Xây dựng các thành phố mới cỡ nhỏ trực thuộc Trung ương,
- Cho phép tư nhân tham gia xây dựng giao thông (tất nhiên cần có các biện pháp giám sát chất lượng đi kèm),
- Xây dựng chính sách mạnh để thu hồi Thổ (giải phóng mặt bằng) về cho giao thông,
- Các biện pháp cấp thời tình thế như đội mũ bảo hiểm, tăng cường xử lý vi phạm là cần thiết trong giai đoạn trước mắt, nhưng không có tính chất bền vững, vì không hề làm giảm được Hoả trong giao thông (mật độ cao).
2.5. Dòng vốn FDI và dòng ngân sách
Năm 2007, mới qua chín tháng mà dòng vốn FDI chảy vào Việt nam đã hơn chục tỉ USD. Đó là một lượng tiền rất lớn, vì nó tương đương ¼ tổng thu nhập GDP của nước ta. Xét trên bình diện vòng Ngũ Hành trừu tượng tầm cỡ thế giới đó là một sự tích Kim rất mãnh liệt cho vùng Việt nam. Trong quá trình tích Kim đó, người điều hành dòng chảy của Kim sang Thuỷ chính là các chủ đầu tư nước ngoài. Chính phủ và nhân dân Việt nam chỉ cung cấp môi trường (Thổ) và các điều kiện phụ trợ khác cho quá trình tích Kim FDI ngoại quốc. Có thể nói về sức mạnh tài chính và nhân sự, phía trong nước không có các quá trình tích Kim tương đương với các dự án lớn mà dòng FDI mang lại. Vậy theo Ngũ Hành đó là dụng khắc thể, khách lấn át chủ.
Khách ngày càng mạnh lên, vì quá trình dòng chảy FDI đang tăng, hơn nữa các nhà đầu tư không những chỉ mang đến tài chính, mà quan trọng hơn là họ mang đến cả công nghệ nữa. Sau quá trình tích Kim họ sẽ khơi Thuỷ, dần dần các công ty có vốn nước ngoài sẽ phát triển mạnh mẽ, sang Mộc, sang Hoả. Đó là điều đáng mừng, vì các công ty đó đã tạo thêm việc làm, tăng thuế cho ngân sách,... Như vậy dòng FDI chảy theo vòng Ngũ Hành thuận.
Trong khi đó, tuy sự tích luỹ vốn của ngân sách nhà nước trong mấy năm qua đã có hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, nhưng Kim từ ngân sách nhà nước không luôn luôn tạo ra các dòng thhuận. Thực vậy, ngân sách nhà nước đã giúp mở mang nhiều công sở, nhiều đường xá, bệnh viện,... Nhưng có thể phán đoán chắc rằng nhiều khoản chi từ ngân sách nhà nước ra có thất thoát, đôi khi thất thoát khá lớn. Những thất thoát ấy được gọi là tham nhũng. Báo chí gọi hiện tượng tham nhũng hiện nay là quốc nạn, chính phủ có một vị phó Thủ tướng đặc trách chống tham nhũng. Tức là tham nhũng đang rất trầm trọng. Vậy dòng vốn sau khi chảy từ ngân sách ra đã vào túi tham nhũng một phần, có thể là lớn hoặc rất lớn. Kim (tiền) của tham nhũng được dùng để chi dùng cá nhân, mua xe, mua đất, ăn chơi, sa đoạ, huỷ hoại cán bộ,...Tất cả các động thái ấy gọi là Thổ. Như vậy dòng Kim đang về Thổ, tức là chảy theo Ngũ Hành ngược. Phần còn lại của ngân sách, không bị tham nhũng đục khoét được chi ra để duy trì các hoat động bộ máy của Chính phủ, tức là dòng tĩnh. Phần tích cực của dòng ngân sách lại được chi dùng phân tán, không tập trung vào các mũi đột phá. Do vậy có thể kết luận rằng đa phần dòng ngân sách đang vận hành theo Ngũ Hành ngược.
So sánh hai phân tích ở trên ta thấy, dòng FDI tạo các vòng Ngũ Hành thuận là chính, trong khi dòng ngân sách bị lợi dụng tạo sinh các vòng Ngũ Hành ngược. Do đó cái trạng thái khách lấn chủ sẽ ngày càng mạnh.
Muốn thay đổi trạng thái đó, cần đảo ngược chiều quay của dòng ngân sách. Mà chỉ có thể đảo chiều quay từ chính cán bộ, tức là phải tích Kim phi vật thể cho cán bộ.
Trang: 4/7 « 1 2 3 4 5 6 7 »
Nguồn: Tác giả cung cấp
Số lượt đọc: 26661 - Cập nhật lần cuối: 16/06/2008 06:14:00 PM
Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang
Trao đổi/Nhận xét Tổng số: 8
Đánh giá
Dương NGọc Toàn - Email: [email protected] (27/09/2009 02:53:37 PM)
Âm dương ngũ hành là một biểu tượng cho các đối tượng VD như trai - gái; cứng - mềm; nóng- lạnh; vuông - tròn, , hoả là lửa, thủy là nước , đất là thổ vv.v.v.
Âm dương ngũ hành được con người áp dụng vào đời sống từ hàng ngàn năm nay ở TQ và VN VD như các cuốn sách " Kinh dịch"; " Chu dịch" vv.vv Ở đó đã nói lên rất rõ về quy luật của ngũ hành: Trong âm có dương và trong dương có âm, chúng luôn luôn biến dịch không ngừng; KIm sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc; mộc sinh hoả vv.vv NHưng để mọi đối tượng trong vũ trụ luôn được cân bằng thì đòi hỏi quy luật sinh, khắc cũng luôn phải cân bằng. VD thuỷ sinh mộc, nhưng nếu thuỷ mạnh quá thì khiến cho mộc bị đui chột và mộc mạnh quá thì cùng khiến thủy bị đui chột; Hoả khắc kim, nhưng nếu hoả yếu thì cũng không thể khắc được kim vv.vv.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì con người sinh ra bởi 4 yếu tố( Đất, nước, lửa và gió) chứ không hề nói như các sách của các phái trong đó có các sách về ngũ hành là sinh ra vào toạ đọ thời gian nào và toạ độ không gian nào? có nghĩa là giờ, ngày, tháng năm sinh đều nằm vào một toạ độ nhất định của thời gian và không gian mà trong đó đều được biểu tượng bởi ngũ hành ( Kim, mộc ,thuỷ....) Và nếu các hành này trong các thông tin về ngày tháng năm sinh của con người được cân bằng thì có nghĩa là cuộc đời của người đó tương đối cân bằng ( Tốt). Tương tự như vậy trong vũ trụ và trong bất kể đối tượng nào, cũng đều nằm trong quy luật này. TRong khi tôi thấy tác giả đặt vấn đề triền miên , không có tính thuyết phục và không có cơ sở VD như " Tích kim" , " Phát hoả", " Về thổ" . Nói như vậy có nghĩa là nó là một sự cố định của các hành nào đó, mà cụ thể là tác giả nói từ " Tích kim" . Trong khi ngũ hành là luôn luôn biến đổi và không dừng lại ở bất cứ đối tượng nào và không có điểm xuất phát cùng như không có điểm dừng của bất cứ hành nào mà nó chỉ là đối tượng đã,đangvà sẽ được mang một biểu tượng của ngũ hành với một hành hoặc những hành nào đó mà thôi.
Từ đầu cuốn sách cho đến kết luận tôi chỉ thấy rất nhiều từ "tích kim" và cuối cùng cũng chỉ là một sự gán ghép mơ hồ , không có cơ sở và cũng chẳng áp dụng được một chút nào quy luật của ngũ hành vào đời sống ,vào khoa học như tiêu đề của cuốn sách, thậm chí tác giả còn bóp méo tính chất và ép buộc nó đi sai quy luật như " Ngũ hành ngược". Ngược là gì ? Trong khi bản chất của nó đã có quy luật như trong bất cứ vật thể nào đang tồn tại trong vũ trụ chứ nó đâu có ý thức như con người mà tự nó đi ngược lại được ? Nếu tác giả có ý đồ đưa ngũ hành vào khoa học thì cái được của nó phải đem lại lợi ích cho người đọc chứ!
Liệu độc giả có hiểu và áp dụng được ý đô của tác giả không hay là chỉ nhận được một điều tuỳ theo hiểu biết của mỗi người đối với cuốn sách để người thì đánh giá " ÔNg này giỏi thật" Người thì đánh giá ngược lại và có nhiều người cũng chẳng hiểu gì cả. Còn tôi tôi nhận thấy tác giả đang muốn t hể hiện một sự hiểu biết về ngũ hành cho mọi ngươi trên một cái gọi là" tác phẩm" với một sự còn vô cùng rỗng trong nhận thức về bản chất của ngũ hành. Những ai đã đọc thì sẽ thấy một thực tế xuyên suốt là : Nếu tác gỉa không đưa ngũ hành vào tác phẩm thì có lẽ tác phẩm sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Như vậy nó giống như một bức tranh đẹp đang được tác giả bắt chiếc một hoạ sỹ khác tô thêm một số nét và màu sắc khác trong khi anh ta chẳng hiểu mục đích và bản chất của nét vẽ và màu sắc mình thêm vào đó để làm gì ?!. Thật đáng tiếc !
Xin cảm ơn
Đạo Trường hiểu nhầm khá nhiều
Chau Tuan - Email: [email protected] (21/09/2009 08:28:26 AM)
Tôi đã đọc nhiều phản biện và góp ý của Đạo Trường. Trước hết, ông đã hiểu nhầm công thức toán học về độ đo văn hoá. Công thức ấy là hàm số mũ, không phải phép nhân. Lẽ ra, tác giả nên viết:
Độ đo văn hoá = (tích luỹ) mũ (trình diễn)
hay W = X exp (t)
thì Đạo Trường không hiểu nhầm.
Phép nhân là một phép toán tuyến tính, cho tư duy thẳng, một chiều. Phép luỹ thừa (hàm số mũ) là phép toán phi tuyến, làm cơ sở cho các tư duy mềm dẻo, và cũng là cơ sở toán học quan trong nhất để thiết kế các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, Đạo Trường đã nhìn nhận thô khái niệm tích tản. Thực chất, khối lượng tích tản trong một đơn vị thời gian ít khi cân bằng. Nếu tích nhiều mà tản ít thì thuộc hành Kim. Chẳng hạn, trong quá trình kiến tạo trái đất có sự hình thành các mỏ dầu, quá trình đó thuộc Kim, chủ yếu là tích. Quá trình khai thác các mỏ dầu thuộc Thuỷ (sở khởi, thế kỷ 19), sau đó sang Mộc (dầu mỏ tìm thấy các ứng dụng mới như thắp sáng, chạy xe,..., khoảng đầu thế kỷ 20) và sang Hoả (khai thác tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng chế biến, từ giữa thế kỷ 20 đến nay). Các quá trình này tản nhiều hơn tích.
Việc gán Ngũ Hành cho các giai đoạn của vận động chỉ là một cách tư duy biểu tượng. Tất nhiên, mỗi người có quyền tư duy theo phong cách riêng của mình. Ngũ hành không ép buộc ai phải theo nó. Ai có duyên thì tìm thấy ở Ngũ Hành một mối tương hợp, thế thôi. Còn nhất định Ngũ hành không "phản động" như Đạo Trường đã viết.
Với NGŨ HÀNH chúng ta dễ trở thành con người VÔ VĂN HOÁ
Đạo Trường - Email: [email protected] (24/08/2009 07:22:56 AM)
Nguyên nhân: Ngũ Hành làm ta hiểu mù mờ về văn hoá cho nên dẫn đến những sai lầm cơ bản khi cảm nhận và đánh giá về văn hoá.
Để chứng minh nhận định này chúng ta hãy cùng nhau phân tích tư duy của tác giả:
1/ Tác giả định nghĩa "văn hoá là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục", ngụ ý theo ngũ hành thì " văn hoá là quá trình tích và tản liên tục". Cắt một hay vài bước trong một thể thống nhất tiến trình vận động Ngũ hành để làm tiêu chuẩn xác định một tồn tại là hành động ngớ ngẩn. Để cho đơn giản xin xét ví dụ: các nhà triết học theo Tứ Hành ( Sinh già bệnh chết ) định nghĩa văn hoá là Sinh.
Ngũ hành mơ hồ nên làm tác giả mơ hồ theo, xác định bâng quơ " Hấp thụ" và "trình diễn" không hiểu hấp thụ và trình diễn cái gì. Trong thế giới này, sự vật hiện tượng nào cũng vận động và luôn chứa đựng tích tản trong tiến trình vận động ấy. Như thế, căn cứ theo định nghĩa của tác giả trên đời này không có gì là không văn hoá. Một người uống nước vào rồi toát mồ hôi ra là người có văn hoá hay sao? Một giám đốc đi lãnh tiền về rồi sài tiền vào việc mua máy móc là văn hoá hay sao? một người mẹ cứ liên tục thụ thai rồi sanh con bầy đàn là văn hoá hay sao?
Sai lầm cơ bản của tác giả là lấy tính chất chung của thế giới làm căn cứ xác định, định nghĩa một tồn tại riêng biệt. Ngũ Hành ngắt tích và tản ra làm hai giai đoạn để xem xét một tiến trình vận động là một hành động siêu hình, mất biện chứng.
Sự xem xét một cách siêu hình của Ngũ Hành rất có hại cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu trong thời đại ngày nay. Ví dụ ngũ hành cho ta suy nghĩ "Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa". Học tập như thế khó mà giỏi được vì đã thiếu hai bước quan trọng: a/đồng thời phải loại bỏ (Tản) kiến thức đã lạc hậu vào hư không,b/ sau khi "tích" và trước khi "tản" phải có một quá trình tư duy sâu sắc trong đầu của ta ( Không thuộc bước tích hay tản của ngũ hành) đó là bước quyết định cho sự phát sinh sáng tạo. Phân tích sâu hơn ý tưởng trên của tác giả, ta sẽ thấy tác giả đã xác định học tập là quá trình văn hoá - tác giả mù mờ về tiếp thu văn hoá và việc trau dồi tri thức , mù mờ giữa văn hoá và trình độ, mù mờ giữa văn hoá và văn minh, mù mờ giữa văn hoá và kinh tế, văn hoá và chiến tranh...
2/ Sai lầm cơ bản về khái niệm "Độ Đo Văn Hoá". Dùng khái niệm độ đo văn hoá của tác giả sẽ dẫn ta đến việc đánh giá sai lầm về văn hoá, từ đó sẽ sai lầm trong việc quyết định tiếp thu hay loại bỏ một hiện tượng, trào lưu, nền văn hoá. Như vậy , chúng ta sẽ có lúc trở thành người vô văn hoá mà không hay:
- Việc "đo lường" có bản chất là sự so sánh ( so sánh một đặc tính nào đó của một tồn tại với một vật được chọn ra làm chuẩn mẫu). Như vậy phải khái niệm, định nghĩa được tồn tại đó là gì rồi ta mới có thể mang ra đo lường. Tác giả không xác định được cụ thể văn hoá là gì cho nên đã xác định cách đo lường cho một tồn tại mơ hồ mang tên văn hoá. Một tồn tại mang hàng tỷ đặc tính nên ta có thể đo lường hàng tỷ tham số. Vậy trong thực hành người ta phải chọn những đặc tính chuyên biệt của đối tượng nhưng phải quan trọng và hữu ích cho đời sống con người để đo đạc. Đặc tính vận động, tích tản là đặc tính chung của mọi sự vật hiện tượng, không chuyên biệt cho văn hoá. do đó chỉ đo ( khảo sát) " quan hệ tương đối giữa trình diễn và hấp thụ theo phép tính luỹ thừa" sẽ cho một cái nhìn cực kỳ mơ hồ và phiến diện về văn hoá.
- Công thức W = x t. Với W là độ đo trình độ văn hóa. Tác giả cho biết ta xác định được W khi biết được x và t. thế nhưng điều này không khả thi trên thực tiễn. chúng ta không bao giờ xác định được x và t vì chúng là những biến số mơ hồ: a/ "x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường...." ta vô phương xác định được " tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa" dù chỉ là rất tương đối. b/ " t là kết quả trình diễn...". như vậy t cũng là biến số mơ hồ nốt, không thể xác định chính xác được. "Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải "khả hấp". Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t" - như vậy t đã không phải là yếu tố nội tại của cái " văn hoá " mà ta đang đo lường. giá trị t bị chi phối bởi yếu tố ngoại lai là khả năng hấp thụ bởi cá thể khác. Như vậy t càng không thể xác định được. Xét ví dụ thực tiễn: nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc lỗi lạc châu Âu là kém văn hoá hơn Cải lương của VN hay sao? bởi vì rất ít người VN hấp thụ cảm nhận được nhạc cổ điển . có người khác vặn lại: " độ khả hấp nhạc cổ điển của dân VN là rất lớn, tuy rằng tôi không biết lớn đó là cỡ nào"...tất cả lý lẽ tranh luận là một mớ mơ hồ.
3/ Chúng ta xem xét cụ thể vài nhận định của tác giả để thấy quan niệm mù mờ về văn hoá và mức độ văn hoá sẽ kéo theo sai lầm trong đời sống như thế nào:
-"Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t =1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được". sai hoàn toàn, "im lặng" chính là trình diễn im lặng chứ không phải " chẳng trình diễn" như tác giả nhận định. Khi các bạn đi giao thiệp làm ăn, đi tâm sự chia sẻ với bạn bè, đi xem các hoạt động văn hoá.... thì tôi khuyên bạn hãy im lặng ( im lặng là vàng đấy), chăm chú hấp thụ, ít trình diễn thì chắc chắn bạn sẽ được mọi người cho rằng bạn là người lịch thiệp, rất có văn hoá. Sự không trình diễn của bạn đã làm chất văn hoá trong người bạn tăng cao hơn hàm lượng bạn có trước và đang hấp thụ.
- "Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t < 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm ": Vì định nghĩa văn hoá mù mờ cho nên khó mà xác định được cái gì là phản văn hoá hay là văn hoá, chuẩn mực xã hội sẽ không được xác định rõ ràng. Trong cuộc sống có nhiều người có hành vi phản văn hoá nhưng có tính khả hấp cao, tạo nên những trào lưu sống tiêu cực trong thế hệ trẻ, băng hoại xã hội thì độ đo văn hoá của những người đó có cao không?
- "Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ "khả hấp" cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao": Không hoàn toàn đúng. Ví dụ ở VN đã xảy ra vụ cô ca sĩ , chàng nhạc sĩ sáng tạo những phim đồi truỵ của bản thân rồi tung lên mạng, làm dân cư mạng hấp thụ tưng bừng ( độ khả hấp của tác phẩm của họ quá lớn ), rồi dân cư mạng lại trình diễn lối sống tự do tình dục, sống thử.... Theo công thức của tác giả thì tất cả họ đã đạt được Trình độ văn hoá rất cao?
- "Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới". Tác giả và mọi người VN không phân biệt được trình độ giáo dục, trình độ tri thức với trình độ văn hoá. Điều này do tác giả không phân biệt được văn hoá và tri thức.
- "Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn". Sai, cái nhìn phiến diện về cuộc sống. Tôi có Anh bạn trẻ tốt nghiệp Bác Sĩ ở VN nhưng anh ta bỏ ngành y từ lúc mới ra trường đi làm thương mại, có tiền anh ta làm từ thiện rất tích cực. anh ta không thích nghề y vì không muốn sống trên xương máu người bệnh và cũng không muốn gia đình khổ ải vì chỉ có những đồng lương tượng trưng. Một người khác là kỹ sư xây dựng nhưng đã bỏ nghề sau vài tháng cọ sát " chiến trường" vì không chấp nhận cuộc sống đầy toan tính và tiêu cực. Những người đó không hề có trình độ văn hoá thấp hơn bạn bè, trái lại bạn bè phải ngước lên mỏi cổ mới thấy đỉnh cao văn hoá của họ.
- "Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện". Lý luận xa rời cái công thức " Độ đo văn hoá" mà tác giả đã đề ra. Các bạn để ý kỹ sẽ thấy tác giả phân tích các ví dụ trên một cách không toán học - ông ta chú trọng khảo sát W bằng riêng t . Trong khi W = x.t chứng minh rằng W là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa x và t. Theo công thức W =x.t của tác giả thì nếu ông cán bộ tăng hấp thu (x) lên bao nhiêu lần rồi ông ấy sống tiêu cực để giảm kết quả trình diễn (t) xuống bấy nhiêu lần thì ông ấy có văn hoá không đổi? Một người hấp thụ được thật nhiều giá trị văn hoá thì có thể sống vô văn hoá không sao ( x tăng nhiều, t giảm ít hơn độ tăng của x làm cho W vẫn tăng )?
- Toán học là phương tiện để ta tiến dần đến cái cụ thể chính xác, thế nhưng công thức toán học của tác giả quá mơ hồ, làm cho khái niệm văn hoá của tác giả đã mù mờ rồi còn rối lên như mớ bòng bong. Tác giả không đạt được mong muốn ban đầu là đo lường độ văn hoá để giúp định nghĩa văn hoá. Tôi có thể thông cảm chuyện này vì tác giả đã thừa nhận: "Chúng tôi tạm diễn tả (có thể là khiên cưỡng) độ đo văn hóa theo toán học". Nhưng không thể thông cảm và chấp nhận cái lối tư duy, cái nhận thức mù mờ dẫn đến định nghĩa và thước đo văn hoá mù mờ không khả thi không hữu dụng như vậy. Và điều tôi muốn nói là NGŨ HÀNH QUÁ LẠC HẬU VÀ TRỞ THÀNH PHẢN ĐỘNG CHO CHÚNG TA VÌ NÓ TẠO CHO CHÚNG TA LỐI TƯ DUY MÙ MỜ PHIẾN DIỆN. CHÚNG TA NGỢI CA NGŨ HÀNH LÀ CHÚNG TA ĐANG VÔ TÌNH CHIA SẺ KIẾN THỨC LẠC HẬU CHO MỌI NGƯỜI.
4/ Còn nhiều chuyện, đụng vào ý tưởng nào cũng có chỗ cần xem xét lại để loại bỏ kiến thức mơ hồ lạc hậu: Tinh hoa văn hoá VN, mối quan hệ văn hoá - ngũ hành, mối quan hệ văn hoá kinh tế, ngũ hành và khoa học, ngũ hành và y học, ngũ hành và kinh tế, .....nhưng dài dòng quá rồi xin tạm khép tại đây.
THAY LỜI KẾT: Tôi biết phản biện với những bài trình bày về thuyết Ngũ Hành là phản biện với một tập thể trí thức đầu ngành vật lý Việt Nam. Phản biện của tôi xuất phát từ tấm lòng xây dựng theo quan điểm của chungta.com : chia sẻ tri thức, cùng nhau phát triển sự nghiệp.
Tôi thấy rằng các quý vị có nhận thức sai lầm về Ngũ Hành, ngợi ca quá đáng về một kiến thức khoa học đơn sơ và lạc hậu. Triết lý ngũ hành làm cho tư duy con người bị mắc lỗi nhiều, trở nên mơ hồ và xa rời thực tế, có hại cho thế hệ trẻ . Tôi e rằng các quý vị đang vô tình chia sẻ tri thức lạc hậu cho mọi người. Có thể ý phản biện của tôi có chỗ không đúng, đặc biệt là không làm vui lòng các tác giả
. Nhưng tôi mong rằng chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm với những gì mình đã viết và với xã hội. Cần tranh luận khoa học khách quan, vì chỉ qua tranh luận nghiêm túc đến nơi đến chốn mới giúp chúng ta rút ra được những tri thức đúng đắn nhất.
Chân thành cám ơn chungta.com và các bạn.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Đạo Trường - Email: [email protected] (08/08/2009 09:20:44 AM)
Chúng ta dư thông mình, dôi lý luận, thừa logic, quá học hỏi.
Chúng ta nhầm lẫn thê thảm ở điểm này: chúng ta nghĩ thế là hay, chúng ta tự hào về chuyện đó.
Đức Phật cho biết: sự thật thì dư thông minh, dôi lý luận thừa logic, quá học hỏi là một tai hoạ. Bởi vì sự quá, dư, dôi thừa cũng có ý nghĩa như không có, thiếu, hụt... làm cho một sự tồn tại của tinh thần trở nên rối rắm, mất ý nghĩa ban đầu của nó. Với trí thông minh bị rối rắm như thế thì sẽ không làm được cái gì đáng kể.
Chúng ta loay hoay đã xây xẩm mặt mày lắm rồi đấy, nhưng vì thiếu trình độ nên vẫn chưa tìm ra được đầu mối của thông minh và những đoạn dư cần cắt.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Văn Thành - Email: [email protected] (20/05/2009 02:45:21 PM)
Người Việt Nam chúng ta thông minh và thật sự là rất thông minh?
Chúng ta toàn đi vào lý giải, biện minh những vấn đề khó nhất thâm sâu nhất trong nhận thức của nhân loại nào là các vấn đề tâm linh, âm dương ngũ hành, triết học Đông triết học Tây.
Nhưng thử hỏi có mấy ai trong số chúng ta trở thành 1 trong số các nhà : nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà phát minh... được thế giới công nhận có đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại?
Đất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển để thực hiện" dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh", tất cả những ai mang tư duy, nhận thức của mình hoạt động tích cực thúc đẩy tiến trinh đó đều khiến tôi khâm phục! CÒN BẠN THÌ SAO?
Tôi nghĩ thật sự chúng ta chưa biết bản thân chúng ta là ai?
THẬT SỰ CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN Ở ĐÂU?
Rất cảm ơn tác giả về bài viết.
Đánh giá
Binh Dinh - Email: [email protected] (28/04/2009 03:42:02 PM)
Bài viết rất tổng quan, dễ hiểu, rất hay!
Xin cảm ơn nhiều.
Cảm ơn tác giả
nhung - Email: [email protected] (16/04/2009 07:46:34 PM)
Tôi là một sinh viên khối ngành chính trị, đã được học nhiều về lý thuyết ngũ hành nhưng khi đọc bài nay tôi mới thực sự hiểu sâu sắc và thấy được giá trị thực tiễn của thuyết ngũ hành.
Rất cảm ơn tác giả.
CHƯƠNG III. NGŨ HÀNH VÀ VĂN HOÁ
3.1. Văn hóa lùn
Có lần tôi được mời dự tiệc ở trường Bồi dưỡng Cán bộ Văn hóa, Bộ VH TT DL. Bữa ấy thật vui, có nhiều nhà văn hoá, nhiều nghệ sỹ danh tiếng. Trong lúc vui chén rượu có một ông tóc bạc chê một cậu tóc xanh:
- Này, cậu làm vậy thật là văn hóa lùn!
Hôm đó, cũng nhờ chén rượu mà tôi mạo muội xen vào câu chuyện của người ta, nên đánh bạo hỏi vị tóc bạc:
- Theo Ngài thế nào là lùn và thế nào là cao?
Ông ấy vui vẻ cười, không nói ngay, rồi thành thật bảo:
- Chịu thôi, tôi chỉ biết lơ mơ cao và lùn, nhưng như tôi là văn hóa vừa đủ dùng!!
Tất cả cùng cười vui vẻ.
Nhưng khi ra về tôi cứ băn khoăn. Khái niệm về văn hóa ai ai cũng nói, nhưng đánh giá nó thế nào là cao hay thấp thì lại rất khó khăn. Thực vậy, có đến hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hoá. Đó là một vấn đề lớn của nền văn hóa toàn cầu, vấn đề lớn của hội nhập.
Hơn nữa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với đa số chúng ta là khá mơ hồ. Cái gì là chất văn hóa tinh hoa của dân Việt, bảo tồn và phát huy nó như thế nào cũng là các câu hỏi lớn.
Cuối cùng, chúng ta nghe nói nhiều đến mệnh đề: "văn hóa và kinh tế là hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau, văn hóa có thể là đòn bẩy của phát triển kinh tế". Nhưng chúng ta cũng chưa xác định rõ được dùng đòn bẩy kinh tế đó như thế nào?
Vậy đối với văn hóa có ba vấn đề quan trọng cần làm sáng tỏ:
- Định nghĩa văn hoá, độ đo văn hoá,
- Tinh hoa văn hóa dân tộc,
- Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế.
Dưới đây dùng Ngũ Hành chúng ta sẽ bàn về ba vấn đề đó.
3.2. Định nghĩa văn hóa, độ đo văn hóa
Trong ngôn ngữ châu Âu, văn hóa được viết là"culture". Các hệ ngữ lớn của nhân loại như tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây ban nha, Slavơ,... đều viết như vậy. Nghĩa gốc của từ "culture" là trồng trọt, sau này thêm các nghĩa mới là mở mang, tu dưỡng, trau dồi, văn hoá,... Ta không biết tại thời điểm nào thì từ "culture" biến đổi cái nghĩa gốc trồng trọt của nó thành nghĩa phổ biến hiện nay là văn hoá.
Trong tiếng Hán từ văn hóa được viết là Wén hua. Nó gồm chữ văn trong văn chương và chữ hóa trong biến hóa. Vậy, nghĩa gốc của từ văn hóa theo tiếng Hán là làm biến hóa cái hồn của văn. Mà văn tức là người. Nói rộng ra văn hóa là trình diễn cái tinh tuý nhất mà con người thu nạp được trong tinh thần của mình.
Điều đó không mâu thuẫn với cách nhìn văn hóa theo quan điểm trồng trọt ở phương Tây. Lịch sử loài người bắt đầu biết trồng trọt từ khoảng 8.000-13.000 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, các bộ lạc săn bắn hái lượm chuyển dần sang trồng trọt chăn nuôi. Khi đó, có lẽ loài người mới biết đến từ "culture" theo nghĩa trồng trọt. Về bản chất, trồng trọt ngoài việc mang lại thực phẩm, còn mang lại một cuộc sống ít bấp bênh và ít chiến tranh hơn cho các bộ lạc. Nhờ trồng trọt mà cuộc sống con người no đủ hơn và hòa bình hơn. Vì thế cái hình thái lao động trồng trọt lan toả nhanh dần khắp các châu lục. Bộ lạc này học tập bộ lạc khác. Họ học tập nhau trồng trọt để bảo đảm cuộc sống. Cái phương thức sản xuất ấy có sức lan toả mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử từ 13.000 năm trước đến nay trên qui mô toàn cầu. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn học tập nhau trồng trọt (trong lai ghép, tạo giống, biến đổi gen,...). Trong tiến trình lịch sử giao lưu giữa các bộ lạc, dần dần cái từ trồng trọt kia mang thêm nghĩa văn hóa, văn minh để trỏ một cái gì có sức lan tỏa. Ta không khẳng định được khi nào thì có sự thêm nghĩa ấy. Nhưng có lẽ nó được thêm nghĩa vì người ta muốn gán cho phương thức sản xuất trồng trọt như là một phương thức cao hơn, bền vững hơn, đáng hấp thu hơn so với săn bắn và hái lượm.
Điều đó giống như ngày nay chúng ta vẫn đôi khi dùng từ văn minh cho các cộng đồng biết những phương thức sản xuất tiên tiến hơn mình. Đó chính là quá trình biến đổi của từ "culture" với nghĩa thuần túy là trồng trọt thành ra nghĩa là văn hóa: nếu bạn biết trồng trọt là bạn có văn hóa, tức là bạn có cái phương thức hoạt động ở tầm cao hơn so với việc săn bắn hái lượm thuần tuý.
Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa. Quá trình ấy gồm hai pha: hấp và nhả. Hệt như quá trình phản xạ phôton ánh sáng trong vật lý học. Một điện tử hấp thụ năng lượng bên ngoài từ các photon tới, nhẩy lên mức năng lượng cao hơn, sau đó nó trở về các trạng thái mức dưới và phát ra các photon khác.
Không một ai làm văn hóa mà không thực hiện quá trình hai bước ấy: hấp và nhả (hấp thụ và trình diễn). Nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ điêu khắc, diễn viên, nhà kiến trúc,...đều thực hiện quá trình hai pha ấy. Công trình, tác phẩm của họ chỉ được gọi là tác phẩm văn hóa, công trình văn hóa nếu cái mà họ nhả ra ấy có tác dụng "khả hấp". Tức là phải khả dĩ để cho người khác hấp thu được. Vậy, văn hóa là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục.
Đó là định nghĩa của chúng tôi về văn hóa. Để mô tả khái niệm nhả hấp này chúng tôi dùng sơ đồ Hình 8 dưới đây.
Hình 8. Mô tả định nghĩa văn hóa.
Một người hấp thụ được nhiều thuần phong mỹ tục của vùng, lại kiên trì trau dồi các kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sống, thì hành vi và lối sống của anh ta có thể trở thành gương mẫu cho người xung quanh. Cái gương mẫu đó nằm ở biên giới phát xạ. Nếu số người hấp thụ cái gương mẫu ấy nhiều thì anh ta được gọi là người có văn hóa. Ngược lại số người hấp thụ cái mà anh nhả ra không nhiều thì cơ hồ anh là người văn hóathấp. Vì muốn trở thành văn hóa anh ta còn phải biết nhào nặn những điều đã hấp thụ, sáng tạo ra cái mới, mà cái mới ấy chỉ có thể được thẩm định bằng số lượng người hấp thụ cái mà anh ta nhả ra.
Theo trên, nếu chấp nhận khái niệm văn hóa cần có một định nghĩa, thì một cách toán học, cái được gọi là đã định nghĩa khi và chỉ khi có thể đo được nó. Vì vậy, dưới đây chúng tôi tiếp tục trình bày khái niệm độ đo văn hóa.
Độ đo văn hóa được định nghĩa một cách toán học là quan hệ tương đối giữa trình diễn và hấp thụ theo phép tính luỹ thừa. Một người học nhạc mãi nhưng trình diễn kém khó có thể trở thành nghệ sỹ biểu diễn, và chắc cũng ít người biết đến anh ta như một người có trình độ văn hóa cao. Một người học võ rất nhiều, tổng hợp nhiều môn phái, sáng tạo các thế võ độc đáo, vừa rèn sức vừa rèn tâm, lại đẹp đẽ. Anh ta múa võ, lúc thì mạnh mẽ như sấm sét, lúc thì mềm mại như mưa bay, gió thổi, biến ảo khôn lường. Bí kíp võ thuật của anh ta là một tác phẩm văn hóa trình độ cao. Vì tỉ số giữa trình diễn và hấp thu cao. Hơn nữa, vì anh ta đạt đến một môn phái tổng hợp mới, một bí kíp võ thuật, nên sự trình diễn của anh ta chính là sự thăng hoa của những gì mà anh ta hấp thụ, nâng tổng số những hấp thụ lên một lũy thừa bậc cao. Càng sáng tạo thì càng nhiều người thán phục và theo học, nên cái anh ta đã trình diễn ấy càng đạt độ "khả hấp" cao.
Một áng thơ hay, được nhiều người hấp thụ như Truyện Kiều là một công trình văn hóa cao. Sở dĩ Nguyễn Du sáng tạo ra được truyện Kiều vì ông hấp thụ tinh hóa ở cả hai nôi văn hóa Bắc Ninh và Nghệ Tĩnh, lại trải nhiều truân chuyên đường đời. Nên Truyện Kiều được rất nhiều thế hệ Việt nam hấp thụ. Tác phẩm đó được gọi là một kiệt tác văn hóa.
Có thể mang định nghĩa độ đo văn hóa để thẩm định nhiều công trình văn hóa. Như trong Khoa học ngày nay, người ta đánh giá các nhà bác học qua số lần trích dẫn công trình. Một công trình khoa học được gọi là có giá trị cao khi có nhiều người trích dẫn, tức nó có thể được dùng làm cơ sở cho nhiều sáng tạo khác nữa.
Cũng vậy, có thể thẩm định trình độ văn hóa cá nhân thông qua độ đo văn hóa theo quan hệ tương đối ở trên. Chẳng hạn một thái độ lăng loàn, rất ít được người đời hấp thụ, nên gọi là hành động kém về văn hóa. Tham nhũng là kém văn hóa. Một người tham nhũng có thể được một số người xấu xung quanh hấp thụ các thủ đoạn của anh ta. Nhưng sớm muộn cũng bị trả giá, bằng phạt, bằng tù tội, nên không bền vững. Các hành động không bền vững là kém văn hóa, vì người ta không hấp thụ được, số người hấp thụ ít mà số người phản đối nhiều.
Chúng tôi tạm diễn tả (có thể là khiên cưỡng) độ đo văn hóa theo toán học như sau:
W = x t.
Trong đó:
-W là độ đo trình độ văn hóa. Nó có giá trị càng cao khi trình độ văn hóa càng cao.
-x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường. Khả năng cảm thụ, khả năng nhận biết cái hay cái dở, năng lực trí tuệ, tình cảm, trí nhớ, nhân cách, lòng trắc ẩn,... có ảnh hưởng lớn đến tổng lượng hấp thụ x của cá nhân.
-t là kết quả trình diễn. Muốn trình diễn phải có học tập, tích luỹ, nhào nặn và sáng tạo. Nếu không anh sẽ chỉ là máy ghi âm không phải là trình diễn. Trình diễn phải trên cơ sở sáng tạo. Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải "khả hấp". Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t.
Khi đã biết x và t thì ta có thể đánh giá độ đo văn hóa W.
Theo cách tính trên thì một người sẽ có trình độ văn hóa cao khi anh ta hấp thụ nhiều giá trị tinh hoa x và có sáng tạo lớn để trình diễn giỏi, đạt giá trị t lớn. Kết quả là khi trình diễn anh ta đã nâng cái mà anh hấp thụ được lên luỹ thừa, tạo thành một tác phẩm, có tác dụng cho cộng đồng hấp thụ một tinh hoa lớn hơn.
Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t =1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được.
Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t < 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm W < x. Công lao hấp thụ của bạn bị huỷ hoại, như câu ngạn ngữ: "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".
Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ "khả hấp" cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao.
Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới.
Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn.
Một người dân thường hấp thu các giá trị văn hóa trong môi trường, hàng ngày anh ta trình diễn ra xung quanh lối sống của mình. Nếu lối sống ấy là cao đẹp và "khả hấp", thì chưa cần sáng tạo gì anh ta đã tự nâng tầm văn hóa của mình lớn hơn cái mà anh ta đã hấp thụ.
Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện.
Do đó, văn hóa là một khái niệm động. Muốn giữ cho trình độ văn hóa của mình không xuống cấp, hàng ngày chúng ta phải rèn luyện, để không trình diễn cái xấu, như trong kinh Phật dạy chúng sinh phải "tinh tiến".
Văn hóa theo định nghĩa trên gồm hai pha, hấp thụ và trình diễn. Đó chính là Ngũ Hành. Hấp thụ thuộc về Kim và trình diễn thuộc về Thuỷ, Mộc, Hoả hoặc Thổ. Trình diễn Mộc là sáng tạo giá trị mới. Trình diễn kiểu Thổ là chôn vùi giá trị và làm quay ngược vòng Ngũ Hành cá nhân.
Vì tài liệu này đề cập đến quan hệ giữa Ngũ Hành và Văn Hóa nên chúng tôi không đi sâu phân tích các sắc thái văn hóa của từng bộ môn, cũng như không trình bày khái niệm trình độ văn hóa tổng hợp của cá nhân như là một tổng các vectơ toán học về các hành vi văn hóa, mà chỉ cốt đưa ra một định nghĩa và một thước đo văn hóa. Sau khi có định nghĩa văn hóa chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về tinh hoa văn hóa Việt nam. Sau đó, nghiên cứu quan hệ giữa Văn Hóa và Ngũ Hành. Cuối cùng sẽ tìm lý do vì sao văn hóa có thể được xem là đòn bẩy của phát triển kinh tế.
3.3. Tinh hoa văn hóa Việt nam
Nước Việt nam chúng ta trải qua một chặng đường đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, chúng ta luôn phải thực hành sóng đôi hai quá trình hấp thụ và trình diễn, học tập và thực hành, thu vào để bùng ra,...Do vậy, văn hóa của dân tộc Việt nam chúng ta rất cao.
Các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay hay dùng từ tiếp biến văn hóa để chỉ khả năng hấp thụ và cải biên văn hóa. Theo họ, khả năng tiếp biến văn hóa của dân tộc Việt nam cao. Họ cho đó là một trong những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc. Theo chúng tôi đó là một nhận xét tinh tế và đúng đắn. Nhưng nếu dùng định nghĩa văn hóa theo kiểu toán học ở trên để phân tích tinh hoa văn hóa thì chúng ta có thể phát hiện nhiều tinh hoa văn hóa khác nữa.
- Tinh hoa văn hóa NEM: Món ăn nổi tiếng của Việt nam là nem. Món ăn đó hợp khẩu vị của nhiều người, là một món khá phổ biến trong hầu hết các bữa tiệc của người Việt. Trong nem có thịt, rau, giá, gia vị, trứng,... Nó là tổng hòa của nhiều thứ thực phẩm cao cấp trong một lá cuốn bằng bột gạo. Có thể chỉ ra nhiều ví dụ khác về sự tích hợp của nhiều thành phần tinh hoa trong một không gian và thời gian hẹp như NEM trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Chẳng hạn hoa văn trống đồng cổ, các tác phẩm trạm trổ trên gỗ, phong cách đình đền chùa, sự thờ cúng tam giáo Khổng - Lão - Phật,... Các nốt nhạc rung luyến trong đàn bầu cũng là nén ép các nét tinh hoa trong một thang bậc âm. Các trận thần tốc trong lịch sử dân tộc cũng là kết quả tích hợp của nhiều tinh hoa trong thời gian và không gian hẹp. Cái tài khéo của dân ta trong việc nén ép tinh hoa, nhào nặn nó, để sang tạo cái mới chính là một tinh hoa văn hóa cao đẹp của dân tộc. Tướng quân Cao Thắng của khởi nghĩa Phan Đình Phùng chế tạo ra súng trường trong rừng Hương Khê làm kinh ngạc các kỹ sư Pháp chính là một ví dụ sắc nét của tinh hoa văn hóa NEM.
- Tinh hoa văn hóa LÀNG: Người ta bảo ở Việt nam nhiều khi "phép vua thua lệ làng". Khía cạnh tiêu cực của câu nói đó chính là sự không tôn trọng phép nước. Nhưng thử hỏi nếu lệ làng không có "tố chất quan trọng đáng kể" nào cả thì làm sao thắng được phép vua. Theo các nghiên cứu nghiêm túc về lệ làng thì mỗi làng cổ đều có các hương ước. Rất nhiều lệ trong hương ước ngày này vẫn còn giá trị. Hương ước được lập bởi một hội đồng làng xã, gồm các chức sắc, các chức mua, các vị tiên chỉ, các nhân sĩ hưu trí, những người cao tuổi,... Vậy lệ làng được lập ra bởi tập hợp các bộ óc thông thái nhất của làng. Đó chính là truyền thống dân chủ cao mà dân ta đã tích luỹ được trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Và đó chính là một tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt nam. Chính vì có tố chất dân chủ cao trong làng, mà làng tồn tại qua hơn ngàn năm bắc thuộc. Bộ máy cai trị của chính quyền phương Bắc không thấm xuống làng được. Làng chính là sức mạnh lớn nhất trong quá trình mở rộng bờ cõi nước Việt từ vùng Hoan Ái đến tận Đồng Nai, Gia Định.
Chúng tôi chỉ nêu vài ví dụ trên để chỉ ra rằng tinh hoa văn hóa Việt nam là nghệ thuật tích Kim, tích Kim trong văn hóa NEM và trong văn hóa LÀNG.
Do đó, trong giai đoạn hiện tại, khi yêu cầu tích Kim rất cấp bách đối với sự phát triển trong hội nhập ngày nay, thì cái tinh hoa cần phát huy nhất chính là tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật tích Kim của dân tộc. Điều đó cần được phát huy tối đa, để chúng ta có thể chung sống với bạn bè năm châu, học tập công nghệ của họ, biến thành của mình, để chính chúng ta, người Việt nam, chứ không phải các chuyên gia cố vấn nước ngoài khởi phát các vòng Ngũ hành.
3.4. Mối quan hệ giữa Văn hóa và Ngũ hành
Trong Ngũ Hành thì Kim là cơ sở để xác định độ đo văn hóa của toàn bộ vòng Ngũ Hành, đặc biệt Kim phi vật thể. Quá trình tích Kim phi vật thể đòi hỏi phải rèn rũa ý chí và nhân cách lâu dài, lại phải không ngừng tích luỹ tri thức mới. Kim là quá trình hấp thụ trong định nghĩa văn hóa. Sau khi tích Kim đạt độ, thì cá nhân trụ cột lại qui tụ những người đồng thanh đồng khí, tích luỹ công nghệ để khai Thuỷ, sinh Mộc. Lúc vòng Ngũ Hành đạt đến Mộc, thì Kim đã biểu hiện cái Đức của nó. Lúc đó có thể xác định độ đo văn hóa của Vòng Ngũ Hành mới tạo lập. Nếu Hoả rất mạnh tức là cái Kim đó đã trình diễn một cách rộng rãi. Nhưng nếu Hoả có nhiều nguy cơ về Thổ nhanh thì đó gọi là Hoả yếu. Hoả yếu tức là Kim tích được ít, ăn xổi, ở thì, không bền vững, tính công nghệ không cao. Đánh giá mức độ mạnh yếu của Hoả có thể biết cái gốc Kim của nó. Xét tương quan tỉ lệ Hoả/Kim có thể đánh giá trình độ văn hóa của Vòng Ngũ Hành đang xét. Ví dụ, một người có quá trình phấn đấu lâu dài, được xem là có tích Kim, nhưng khi phát quan (Hoả) lại nhanh chóng bị tha hóa, lao vào tham nhũng, thì Hoả của anh ta đoản. Tương quan tỉ lệ Hoả/Kim yếu. Anh ta chắc chắn là một người văn hóa thấp, mặc dù có thể anh ta có bằng cấp cao, được khen thưởng lớn trước đó.
Theo cách xét đoán Ngũ Hành đó, thì những doanh nghiệp hoặc tổ chức có vòng Ngũ Hành mà tương quan Hoả/Kim nhỏ đều đang bị người có trình độ văn hóa thấp lũng đoạn và sẽ không bền vững.
3.5. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế
Phần lớn các hoạt động kinh tế đều có mục đích chung là thu về mối lợi kinh tế có thể đo bằng tiền, tức là tích Kim vật thể. Người ta thường đánh giá một hoạt động kinh tế qua doanh thu và lãi suất. Đối với một quốc gia thì chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế là thu nhập trên đầu người, hay GDP,... Tức là đánh giá sự phát triển kinh tế qua tích Kim vật thể là chính.
Trong khi đó, phần lớn các hoạt động văn hóa là hấp thụ các giá trị (chủ yếu là giá tri tinh thần) để phát ra những tác phẩm (thường là ở trình độ cao), để công chúng có thể hấp thụ và mang lại trong tâm hồn người ta những cảm giác hưng phấn tinh thần. Vậy hoạt động văn hóa chủ yếu là tích Kim phi vật thể.
Nếu xem Kim vật thể và Kim phi vật thể là hai mặt đối lập (hay âm dương) trong cùng hành Kim thì có thể mô tả mối quan hệ Kinh tế - Văn hóa như hình 9 dưới đây. Trong hình này, khối Văn hóa của toàn xã hội chủ yếu là Kim phi vật thể, còn khối Kinh tế chủ yếu là Kim vật thể. Nếu phát triển kinh tế mà không hài hòa thì lượng Kim phi vật thể bị lấn át, và có cơ hồ làm cho sự phát triển trở nên thiếu bền vững. Đôi khi, ở một số vùng văn hóa bản địa bị triệt tiêu trong một nền kinh tế mới, và vùng đó bị biến dạng hoàn toàn.
Hình 9. Mối quan hệ Kinh tế và Văn hóa
Khi quan hệ giữa kinh tế và văn hóa mất cân đối thì hệ thống không bền vững. Nếu khối Kim vật thể (Kim tiền bạc) rất lớn hơn so với Kim phi vật thể (giá trị tinh thần) thì người ta gọi là trọc phú.
Ngược lại, nếu khối Kim phi vật thể rất lớn, nghĩa là tích Kim văn hóa lớn, (ý chí cao, công nghệ giỏi, quan hệ cộng đồng doanh nghiệp hài hòa,...) thì văn hóa có thể trở thành đòn bẩy kinh tế. Do đó, mọi doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu chụp giật, lừa đảo đều không bền vững và tự giết mình.
Vấn đề là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể đạt đến trình độ phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế. Điều đó chỉ có thể đạt được bằng chính ban lãnh đạo tối cao của doanh nghiệp. Họ, chứ không phải người lao động, phải chủ động tìm ra triết thuyết về tích Kim văn hóa cho doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của chính mình. Mà điều làm nên bản sắc văn hóa của sản phẩm chính là công nghệ lõi. Do đó, muốn kinh tế của doanh nghiệp bền vững thì phải tạo lập công nghệ lõi của chính mình.
Xét rộng ra, đối với một vùng có nhiều doanh nghiệp hoạt động bằng 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, thì vùng đó là vùng thiếu công nghệ lõi. Do đó, nếu có phát triển thì là phát triển không bền vững. Quả vậy khi chủ đầu tư nước ngoài rút vốn thì vùng trở thành điêu tàn, công nhân thiếu việc làm, và một loạt các vấn đề xã hội khác sẽ nảy sinh.
Do đó, đối với một vùng thì văn hóa chính là công nghệ lõi. Ví dụ vùng Bắc Bộ Việt nam có công nghệ đúc trống đồng cách đây khoảng 3000 - 5000 năm. Công nghệ đó đến bây giờ được biết đến dưới tên gọi Văn hóa Đông sơn, mà đặc trưng tiêu biểu nhất là trống đồng Đông Sơn. Lúc người ta đang đúc trống thì có thể là làm kinh tế, nhưng vì có công nghệ lõi, nên trống đồng đã vượt thời gian trở thành di sản văn hóa của cư dân Việt cổ trên vùng đồng bằng Bắc bộ.
Những người xưa nay có tài kinh bang tế thế đều là những người khởi tạo được các vòng Ngũ Hành mạnh mẽ. Họ trước hết phải là người có trình độ văn hóa cao, có tỉ lệ nhả/hấp dồi dào. Họ có thể hấp thu công nghệ, hoặc tổ chức hấp thu công nghệ mới rất nhanh và rất hiệu quả. Chẳng hạn cách làm của Trung quốc về các sản phẩm điện tử. Bất kỳ một sản phẩm điện tử mới nào của các hãng sản xuất hàng đầu trển thế giới vừa tung ra thị trường đều được trung tâm hấp thụ công nghệ mua về. Họ có khoảng 200 kỹ sư điện tử rất giỏi. Các kỹ sư ấy nghiên cứu các mạch điện tử của sản phẩm mới, và chỉ không đầy 2 tháng sau, họ có thể chế tạo các sản phẩm tương tự, thậm chí cao cấp hơn, dưới mẫu mã và tên gọi Trung Quốc.
Ngày nay người Trung quốc không chỉ hấp thụ các sản phẩm điện tử riêng lẻ, họ còn hấp thụ cả dây chuyền công nghệ tổng thành theo cách trên.
Cái cách hấp thụ công nghệ theo kiểu đó, thoạt xem có vẻ không hợp với công ước bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhưng xét kỹ thì toàn bộ quá trình lan toả công nghệ trong suốt tiến trình lịch sử nhân loại là như vậy.
Như vậy, văn hóa chỉ có thể trở thành đòn bẩy kinh tế khi và chỉ khi nó là động lực cho quá trình tích Kim công nghệ.
Trang: 5/7 « ... 2 3 4 5 6 7 »
Nguồn: Tác giả cung cấp
Số lượt đọc: 26661 - Cập nhật lần cuối: 16/06/2008 06:14:00 PM
Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang
Trao đổi/Nhận xét Tổng số: 8
Đánh giá
Dương NGọc Toàn - Email: [email protected] (27/09/2009 02:53:37 PM)
Âm dương ngũ hành là một biểu tượng cho các đối tượng VD như trai - gái; cứng - mềm; nóng- lạnh; vuông - tròn, , hoả là lửa, thủy là nước , đất là thổ vv.v.v.
Âm dương ngũ hành được con người áp dụng vào đời sống từ hàng ngàn năm nay ở TQ và VN VD như các cuốn sách " Kinh dịch"; " Chu dịch" vv.vv Ở đó đã nói lên rất rõ về quy luật của ngũ hành: Trong âm có dương và trong dương có âm, chúng luôn luôn biến dịch không ngừng; KIm sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc; mộc sinh hoả vv.vv NHưng để mọi đối tượng trong vũ trụ luôn được cân bằng thì đòi hỏi quy luật sinh, khắc cũng luôn phải cân bằng. VD thuỷ sinh mộc, nhưng nếu thuỷ mạnh quá thì khiến cho mộc bị đui chột và mộc mạnh quá thì cùng khiến thủy bị đui chột; Hoả khắc kim, nhưng nếu hoả yếu thì cũng không thể khắc được kim vv.vv.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì con người sinh ra bởi 4 yếu tố( Đất, nước, lửa và gió) chứ không hề nói như các sách của các phái trong đó có các sách về ngũ hành là sinh ra vào toạ đọ thời gian nào và toạ độ không gian nào? có nghĩa là giờ, ngày, tháng năm sinh đều nằm vào một toạ độ nhất định của thời gian và không gian mà trong đó đều được biểu tượng bởi ngũ hành ( Kim, mộc ,thuỷ....) Và nếu các hành này trong các thông tin về ngày tháng năm sinh của con người được cân bằng thì có nghĩa là cuộc đời của người đó tương đối cân bằng ( Tốt). Tương tự như vậy trong vũ trụ và trong bất kể đối tượng nào, cũng đều nằm trong quy luật này. TRong khi tôi thấy tác giả đặt vấn đề triền miên , không có tính thuyết phục và không có cơ sở VD như " Tích kim" , " Phát hoả", " Về thổ" . Nói như vậy có nghĩa là nó là một sự cố định của các hành nào đó, mà cụ thể là tác giả nói từ " Tích kim" . Trong khi ngũ hành là luôn luôn biến đổi và không dừng lại ở bất cứ đối tượng nào và không có điểm xuất phát cùng như không có điểm dừng của bất cứ hành nào mà nó chỉ là đối tượng đã,đangvà sẽ được mang một biểu tượng của ngũ hành với một hành hoặc những hành nào đó mà thôi.
Từ đầu cuốn sách cho đến kết luận tôi chỉ thấy rất nhiều từ "tích kim" và cuối cùng cũng chỉ là một sự gán ghép mơ hồ , không có cơ sở và cũng chẳng áp dụng được một chút nào quy luật của ngũ hành vào đời sống ,vào khoa học như tiêu đề của cuốn sách, thậm chí tác giả còn bóp méo tính chất và ép buộc nó đi sai quy luật như " Ngũ hành ngược". Ngược là gì ? Trong khi bản chất của nó đã có quy luật như trong bất cứ vật thể nào đang tồn tại trong vũ trụ chứ nó đâu có ý thức như con người mà tự nó đi ngược lại được ? Nếu tác giả có ý đồ đưa ngũ hành vào khoa học thì cái được của nó phải đem lại lợi ích cho người đọc chứ!
Liệu độc giả có hiểu và áp dụng được ý đô của tác giả không hay là chỉ nhận được một điều tuỳ theo hiểu biết của mỗi người đối với cuốn sách để người thì đánh giá " ÔNg này giỏi thật" Người thì đánh giá ngược lại và có nhiều người cũng chẳng hiểu gì cả. Còn tôi tôi nhận thấy tác giả đang muốn t hể hiện một sự hiểu biết về ngũ hành cho mọi ngươi trên một cái gọi là" tác phẩm" với một sự còn vô cùng rỗng trong nhận thức về bản chất của ngũ hành. Những ai đã đọc thì sẽ thấy một thực tế xuyên suốt là : Nếu tác gỉa không đưa ngũ hành vào tác phẩm thì có lẽ tác phẩm sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Như vậy nó giống như một bức tranh đẹp đang được tác giả bắt chiếc một hoạ sỹ khác tô thêm một số nét và màu sắc khác trong khi anh ta chẳng hiểu mục đích và bản chất của nét vẽ và màu sắc mình thêm vào đó để làm gì ?!. Thật đáng tiếc !
Xin cảm ơn
Đạo Trường hiểu nhầm khá nhiều
Chau Tuan - Email: [email protected] (21/09/2009 08:28:26 AM)
Tôi đã đọc nhiều phản biện và góp ý của Đạo Trường. Trước hết, ông đã hiểu nhầm công thức toán học về độ đo văn hoá. Công thức ấy là hàm số mũ, không phải phép nhân. Lẽ ra, tác giả nên viết:
Độ đo văn hoá = (tích luỹ) mũ (trình diễn)
hay W = X exp (t)
thì Đạo Trường không hiểu nhầm.
Phép nhân là một phép toán tuyến tính, cho tư duy thẳng, một chiều. Phép luỹ thừa (hàm số mũ) là phép toán phi tuyến, làm cơ sở cho các tư duy mềm dẻo, và cũng là cơ sở toán học quan trong nhất để thiết kế các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, Đạo Trường đã nhìn nhận thô khái niệm tích tản. Thực chất, khối lượng tích tản trong một đơn vị thời gian ít khi cân bằng. Nếu tích nhiều mà tản ít thì thuộc hành Kim. Chẳng hạn, trong quá trình kiến tạo trái đất có sự hình thành các mỏ dầu, quá trình đó thuộc Kim, chủ yếu là tích. Quá trình khai thác các mỏ dầu thuộc Thuỷ (sở khởi, thế kỷ 19), sau đó sang Mộc (dầu mỏ tìm thấy các ứng dụng mới như thắp sáng, chạy xe,..., khoảng đầu thế kỷ 20) và sang Hoả (khai thác tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng chế biến, từ giữa thế kỷ 20 đến nay). Các quá trình này tản nhiều hơn tích.
Việc gán Ngũ Hành cho các giai đoạn của vận động chỉ là một cách tư duy biểu tượng. Tất nhiên, mỗi người có quyền tư duy theo phong cách riêng của mình. Ngũ hành không ép buộc ai phải theo nó. Ai có duyên thì tìm thấy ở Ngũ Hành một mối tương hợp, thế thôi. Còn nhất định Ngũ hành không "phản động" như Đạo Trường đã viết.
Với NGŨ HÀNH chúng ta dễ trở thành con người VÔ VĂN HOÁ
Đạo Trường - Email: [email protected] (24/08/2009 07:22:56 AM)
Nguyên nhân: Ngũ Hành làm ta hiểu mù mờ về văn hoá cho nên dẫn đến những sai lầm cơ bản khi cảm nhận và đánh giá về văn hoá.
Để chứng minh nhận định này chúng ta hãy cùng nhau phân tích tư duy của tác giả:
1/ Tác giả định nghĩa "văn hoá là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục", ngụ ý theo ngũ hành thì " văn hoá là quá trình tích và tản liên tục". Cắt một hay vài bước trong một thể thống nhất tiến trình vận động Ngũ hành để làm tiêu chuẩn xác định một tồn tại là hành động ngớ ngẩn. Để cho đơn giản xin xét ví dụ: các nhà triết học theo Tứ Hành ( Sinh già bệnh chết ) định nghĩa văn hoá là Sinh.
Ngũ hành mơ hồ nên làm tác giả mơ hồ theo, xác định bâng quơ " Hấp thụ" và "trình diễn" không hiểu hấp thụ và trình diễn cái gì. Trong thế giới này, sự vật hiện tượng nào cũng vận động và luôn chứa đựng tích tản trong tiến trình vận động ấy. Như thế, căn cứ theo định nghĩa của tác giả trên đời này không có gì là không văn hoá. Một người uống nước vào rồi toát mồ hôi ra là người có văn hoá hay sao? Một giám đốc đi lãnh tiền về rồi sài tiền vào việc mua máy móc là văn hoá hay sao? một người mẹ cứ liên tục thụ thai rồi sanh con bầy đàn là văn hoá hay sao?
Sai lầm cơ bản của tác giả là lấy tính chất chung của thế giới làm căn cứ xác định, định nghĩa một tồn tại riêng biệt. Ngũ Hành ngắt tích và tản ra làm hai giai đoạn để xem xét một tiến trình vận động là một hành động siêu hình, mất biện chứng.
Sự xem xét một cách siêu hình của Ngũ Hành rất có hại cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu trong thời đại ngày nay. Ví dụ ngũ hành cho ta suy nghĩ "Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa". Học tập như thế khó mà giỏi được vì đã thiếu hai bước quan trọng: a/đồng thời phải loại bỏ (Tản) kiến thức đã lạc hậu vào hư không,b/ sau khi "tích" và trước khi "tản" phải có một quá trình tư duy sâu sắc trong đầu của ta ( Không thuộc bước tích hay tản của ngũ hành) đó là bước quyết định cho sự phát sinh sáng tạo. Phân tích sâu hơn ý tưởng trên của tác giả, ta sẽ thấy tác giả đã xác định học tập là quá trình văn hoá - tác giả mù mờ về tiếp thu văn hoá và việc trau dồi tri thức , mù mờ giữa văn hoá và trình độ, mù mờ giữa văn hoá và văn minh, mù mờ giữa văn hoá và kinh tế, văn hoá và chiến tranh...
2/ Sai lầm cơ bản về khái niệm "Độ Đo Văn Hoá". Dùng khái niệm độ đo văn hoá của tác giả sẽ dẫn ta đến việc đánh giá sai lầm về văn hoá, từ đó sẽ sai lầm trong việc quyết định tiếp thu hay loại bỏ một hiện tượng, trào lưu, nền văn hoá. Như vậy , chúng ta sẽ có lúc trở thành người vô văn hoá mà không hay:
- Việc "đo lường" có bản chất là sự so sánh ( so sánh một đặc tính nào đó của một tồn tại với một vật được chọn ra làm chuẩn mẫu). Như vậy phải khái niệm, định nghĩa được tồn tại đó là gì rồi ta mới có thể mang ra đo lường. Tác giả không xác định được cụ thể văn hoá là gì cho nên đã xác định cách đo lường cho một tồn tại mơ hồ mang tên văn hoá. Một tồn tại mang hàng tỷ đặc tính nên ta có thể đo lường hàng tỷ tham số. Vậy trong thực hành người ta phải chọn những đặc tính chuyên biệt của đối tượng nhưng phải quan trọng và hữu ích cho đời sống con người để đo đạc. Đặc tính vận động, tích tản là đặc tính chung của mọi sự vật hiện tượng, không chuyên biệt cho văn hoá. do đó chỉ đo ( khảo sát) " quan hệ tương đối giữa trình diễn và hấp thụ theo phép tính luỹ thừa" sẽ cho một cái nhìn cực kỳ mơ hồ và phiến diện về văn hoá.
- Công thức W = x t. Với W là độ đo trình độ văn hóa. Tác giả cho biết ta xác định được W khi biết được x và t. thế nhưng điều này không khả thi trên thực tiễn. chúng ta không bao giờ xác định được x và t vì chúng là những biến số mơ hồ: a/ "x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường...." ta vô phương xác định được " tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa" dù chỉ là rất tương đối. b/ " t là kết quả trình diễn...". như vậy t cũng là biến số mơ hồ nốt, không thể xác định chính xác được. "Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải "khả hấp". Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t" - như vậy t đã không phải là yếu tố nội tại của cái " văn hoá " mà ta đang đo lường. giá trị t bị chi phối bởi yếu tố ngoại lai là khả năng hấp thụ bởi cá thể khác. Như vậy t càng không thể xác định được. Xét ví dụ thực tiễn: nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc lỗi lạc châu Âu là kém văn hoá hơn Cải lương của VN hay sao? bởi vì rất ít người VN hấp thụ cảm nhận được nhạc cổ điển . có người khác vặn lại: " độ khả hấp nhạc cổ điển của dân VN là rất lớn, tuy rằng tôi không biết lớn đó là cỡ nào"...tất cả lý lẽ tranh luận là một mớ mơ hồ.
3/ Chúng ta xem xét cụ thể vài nhận định của tác giả để thấy quan niệm mù mờ về văn hoá và mức độ văn hoá sẽ kéo theo sai lầm trong đời sống như thế nào:
-"Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t =1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được". sai hoàn toàn, "im lặng" chính là trình diễn im lặng chứ không phải " chẳng trình diễn" như tác giả nhận định. Khi các bạn đi giao thiệp làm ăn, đi tâm sự chia sẻ với bạn bè, đi xem các hoạt động văn hoá.... thì tôi khuyên bạn hãy im lặng ( im lặng là vàng đấy), chăm chú hấp thụ, ít trình diễn thì chắc chắn bạn sẽ được mọi người cho rằng bạn là người lịch thiệp, rất có văn hoá. Sự không trình diễn của bạn đã làm chất văn hoá trong người bạn tăng cao hơn hàm lượng bạn có trước và đang hấp thụ.
- "Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t < 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm ": Vì định nghĩa văn hoá mù mờ cho nên khó mà xác định được cái gì là phản văn hoá hay là văn hoá, chuẩn mực xã hội sẽ không được xác định rõ ràng. Trong cuộc sống có nhiều người có hành vi phản văn hoá nhưng có tính khả hấp cao, tạo nên những trào lưu sống tiêu cực trong thế hệ trẻ, băng hoại xã hội thì độ đo văn hoá của những người đó có cao không?
- "Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ "khả hấp" cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao": Không hoàn toàn đúng. Ví dụ ở VN đã xảy ra vụ cô ca sĩ , chàng nhạc sĩ sáng tạo những phim đồi truỵ của bản thân rồi tung lên mạng, làm dân cư mạng hấp thụ tưng bừng ( độ khả hấp của tác phẩm của họ quá lớn ), rồi dân cư mạng lại trình diễn lối sống tự do tình dục, sống thử.... Theo công thức của tác giả thì tất cả họ đã đạt được Trình độ văn hoá rất cao?
- "Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới". Tác giả và mọi người VN không phân biệt được trình độ giáo dục, trình độ tri thức với trình độ văn hoá. Điều này do tác giả không phân biệt được văn hoá và tri thức.
- "Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn". Sai, cái nhìn phiến diện về cuộc sống. Tôi có Anh bạn trẻ tốt nghiệp Bác Sĩ ở VN nhưng anh ta bỏ ngành y từ lúc mới ra trường đi làm thương mại, có tiền anh ta làm từ thiện rất tích cực. anh ta không thích nghề y vì không muốn sống trên xương máu người bệnh và cũng không muốn gia đình khổ ải vì chỉ có những đồng lương tượng trưng. Một người khác là kỹ sư xây dựng nhưng đã bỏ nghề sau vài tháng cọ sát " chiến trường" vì không chấp nhận cuộc sống đầy toan tính và tiêu cực. Những người đó không hề có trình độ văn hoá thấp hơn bạn bè, trái lại bạn bè phải ngước lên mỏi cổ mới thấy đỉnh cao văn hoá của họ.
- "Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện". Lý luận xa rời cái công thức " Độ đo văn hoá" mà tác giả đã đề ra. Các bạn để ý kỹ sẽ thấy tác giả phân tích các ví dụ trên một cách không toán học - ông ta chú trọng khảo sát W bằng riêng t . Trong khi W = x.t chứng minh rằng W là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa x và t. Theo công thức W =x.t của tác giả thì nếu ông cán bộ tăng hấp thu (x) lên bao nhiêu lần rồi ông ấy sống tiêu cực để giảm kết quả trình diễn (t) xuống bấy nhiêu lần thì ông ấy có văn hoá không đổi? Một người hấp thụ được thật nhiều giá trị văn hoá thì có thể sống vô văn hoá không sao ( x tăng nhiều, t giảm ít hơn độ tăng của x làm cho W vẫn tăng )?
- Toán học là phương tiện để ta tiến dần đến cái cụ thể chính xác, thế nhưng công thức toán học của tác giả quá mơ hồ, làm cho khái niệm văn hoá của tác giả đã mù mờ rồi còn rối lên như mớ bòng bong. Tác giả không đạt được mong muốn ban đầu là đo lường độ văn hoá để giúp định nghĩa văn hoá. Tôi có thể thông cảm chuyện này vì tác giả đã thừa nhận: "Chúng tôi tạm diễn tả (có thể là khiên cưỡng) độ đo văn hóa theo toán học". Nhưng không thể thông cảm và chấp nhận cái lối tư duy, cái nhận thức mù mờ dẫn đến định nghĩa và thước đo văn hoá mù mờ không khả thi không hữu dụng như vậy. Và điều tôi muốn nói là NGŨ HÀNH QUÁ LẠC HẬU VÀ TRỞ THÀNH PHẢN ĐỘNG CHO CHÚNG TA VÌ NÓ TẠO CHO CHÚNG TA LỐI TƯ DUY MÙ MỜ PHIẾN DIỆN. CHÚNG TA NGỢI CA NGŨ HÀNH LÀ CHÚNG TA ĐANG VÔ TÌNH CHIA SẺ KIẾN THỨC LẠC HẬU CHO MỌI NGƯỜI.
4/ Còn nhiều chuyện, đụng vào ý tưởng nào cũng có chỗ cần xem xét lại để loại bỏ kiến thức mơ hồ lạc hậu: Tinh hoa văn hoá VN, mối quan hệ văn hoá - ngũ hành, mối quan hệ văn hoá kinh tế, ngũ hành và khoa học, ngũ hành và y học, ngũ hành và kinh tế, .....nhưng dài dòng quá rồi xin tạm khép tại đây.
THAY LỜI KẾT: Tôi biết phản biện với những bài trình bày về thuyết Ngũ Hành là phản biện với một tập thể trí thức đầu ngành vật lý Việt Nam. Phản biện của tôi xuất phát từ tấm lòng xây dựng theo quan điểm của chungta.com : chia sẻ tri thức, cùng nhau phát triển sự nghiệp.
Tôi thấy rằng các quý vị có nhận thức sai lầm về Ngũ Hành, ngợi ca quá đáng về một kiến thức khoa học đơn sơ và lạc hậu. Triết lý ngũ hành làm cho tư duy con người bị mắc lỗi nhiều, trở nên mơ hồ và xa rời thực tế, có hại cho thế hệ trẻ . Tôi e rằng các quý vị đang vô tình chia sẻ tri thức lạc hậu cho mọi người. Có thể ý phản biện của tôi có chỗ không đúng, đặc biệt là không làm vui lòng các tác giả
. Nhưng tôi mong rằng chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm với những gì mình đã viết và với xã hội. Cần tranh luận khoa học khách quan, vì chỉ qua tranh luận nghiêm túc đến nơi đến chốn mới giúp chúng ta rút ra được những tri thức đúng đắn nhất.
Chân thành cám ơn chungta.com và các bạn.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Đạo Trường - Email: [email protected] (08/08/2009 09:20:44 AM)
Chúng ta dư thông mình, dôi lý luận, thừa logic, quá học hỏi.
Chúng ta nhầm lẫn thê thảm ở điểm này: chúng ta nghĩ thế là hay, chúng ta tự hào về chuyện đó.
Đức Phật cho biết: sự thật thì dư thông minh, dôi lý luận thừa logic, quá học hỏi là một tai hoạ. Bởi vì sự quá, dư, dôi thừa cũng có ý nghĩa như không có, thiếu, hụt... làm cho một sự tồn tại của tinh thần trở nên rối rắm, mất ý nghĩa ban đầu của nó. Với trí thông minh bị rối rắm như thế thì sẽ không làm được cái gì đáng kể.
Chúng ta loay hoay đã xây xẩm mặt mày lắm rồi đấy, nhưng vì thiếu trình độ nên vẫn chưa tìm ra được đầu mối của thông minh và những đoạn dư cần cắt.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Văn Thành - Email: [email protected] (20/05/2009 02:45:21 PM)
Người Việt Nam chúng ta thông minh và thật sự là rất thông minh?
Chúng ta toàn đi vào lý giải, biện minh những vấn đề khó nhất thâm sâu nhất trong nhận thức của nhân loại nào là các vấn đề tâm linh, âm dương ngũ hành, triết học Đông triết học Tây.
Nhưng thử hỏi có mấy ai trong số chúng ta trở thành 1 trong số các nhà : nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà phát minh... được thế giới công nhận có đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại?
Đất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển để thực hiện" dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh", tất cả những ai mang tư duy, nhận thức của mình hoạt động tích cực thúc đẩy tiến trinh đó đều khiến tôi khâm phục! CÒN BẠN THÌ SAO?
Tôi nghĩ thật sự chúng ta chưa biết bản thân chúng ta là ai?
THẬT SỰ CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN Ở ĐÂU?
Rất cảm ơn tác giả về bài viết.
Đánh giá
Binh Dinh - Email: [email protected] (28/04/2009 03:42:02 PM)
Bài viết rất tổng quan, dễ hiểu, rất hay!
Xin cảm ơn nhiều.
Cảm ơn tác giả
nhung - Email: [email protected] (16/04/2009 07:46:34 PM)
Tôi là một sinh viên khối ngành chính trị, đã được học nhiều về lý thuyết ngũ hành nhưng khi đọc bài nay tôi mới thực sự hiểu sâu sắc và thấy được giá trị thực tiễn của thuyết ngũ hành.
Rất cảm ơn tác giả.
CHƯƠNG IV. NGŨ HÀNH TRONG GIÁO DỤC VÀ KHOA HỌC
4.1. Bài toán giáo dục Việt nam
Cách đây hơn 1 năm, trước khi có vận động nói 2 không trong giáo dục thì trạng thái của cả nền giáo dục Việt nam là Hoả. Người ta bừng bừng quay cóp, ào ào ghi nhận thành tích cao. Ngoài ra, còn nhận thấy nhiều trạng thái khác được tạo lập do bắt chước mà không do tích luỹ Kim. Ví dụ, ào ào dạy thêm, ào ào "đi thầy", ào ào mở trường, bừng bừng in sách, ... Rất nhiều phương thức hoạt động trong giáo dục có trạng thái ào ào của lửa, không phải là con đẻ của một quá trình tích luỹ bền bỉ của hành Kim.
Cuộc vận động 2 không trong giáo dục là một biện pháp dùng Thuỷ để khắc Hoả. Nhưng Thuỷ phải được duy trì, phải được phun tưới thường xuyên mới khắc được Hoả. Trong kỳ thi năm tới nếu khảo thí bớt nghiêm đi, trạng thái ào ào sẽ quay trở lại. Vì Hoả trong giáo dục chưa chuyển thành Thổ, mà ngay trong lòng Hoả chưa có một yếu tố Kim của vòng Ngũ Hành mới đang sinh thành. Cuộc vận động 2 không trong giáo dục là biện pháp chữa tại ngọn. Tất nhiên chữa tại ngọn cũng có hiệu quả, có thể rất tốt, nhưng không lâu dài. Muốn chữa gốc nhất thiết phải tạo các vòng Ngũ Hành mới trong lòng của trạng thái Hoả hiện nay. Ví dụ phải giảm tải tối đa các môn học, hướng mạnh vào học thực hành tinh gọn ở bậc phổ thông và học kết hợp nghiên cứu thực tế ở bậc đại học. Các biện pháp tích luỹ cho hành Kim mới phải làm biến đổi sâu sắc năng lượng dư thừa đang tạo nên thế bừng bừng ở hành Hoả.
Dưới đây tiếp tục dùng Ngũ Hành để xem xét vấn đề thi trắc nghiệm. Như đã phân tích ở trên, toàn ngành giáo dục Việt nam hiện nay đang ở trong trạng thái Hoả. Thi trắc nghiệm là một kiểu hành động nhanh, trong một giờ thi học sinh phải đánh dấu một số lượng lớn các câu hỏi thi. Mặt khác chủ trương mở rộng thi trắc nghiệm là sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên diện rộng về địa lý, khắp mọi miền, mọi tỉnh, mọi trường, và dần dần lan rộng ra hầu hết các môn học. Như vậy, biện pháp thi trắc nghiệm mở rộng chính là tăng cường Hoả. Điều này trái qui luật của Ngũ Hành, vì chính chúng ta đang muốn giảm bởt mức độ Hoả vượng của ngành giáo dục cơ mà. Chúng ta muốn giảm Hoả, thực chất là can thiệp vào sự vận động tự nhiên của vòng Ngũ Hành, tức là dùng ý chí cá nhân tác động lên sự luân chuyển tự nhiên. Điều này là có thể được, nhưng biện pháp dùng Thuỷ để khắc Hoả là biện pháp nhất thời, biện pháp dùng Hoả (thi trắc nghiệm) để bớt Hoả là cực kỳ khó khăn. Còn nếu buông xuôi thì Hoả khi cháy hết sẽ để lại đống tro tàn, tức là Thổ. Chúng ta chỉ có thể giảm Hoả cho giáo dục một cách bền vững bằng việc tạo lập những vòng Ngũ Hành mới ngay trong lòng nền giáo dục hiện tại. Một vòng Ngũ Hành sẽ được tạo lập bằng một quá trình tích luỹ của hành KIM.
Do vậy, thay vì mở rộng thi trắc nghiệm, chúng ta hãy thi theo quá trình, trong đó mọi điểm thi phải được thể hiện như kết quả của một quá trình tích luỹ kiến thức, tích lũy KIM. Chẳng hạn chúng ta phải chấm điểm quá trình cho 3 năm cuối (lớp 10, 11 và 12) của phổ thông trung học. Mỗi năm một kỳ thi, mỗi điểm là 100/100. Kết thúc mỗi môn học, các học sinh phải làm báo cáo tiểu luận môn học trình bày trước cả lớp. Thầy giáo được phép cho đến tối đa 50/100. Các bạn trong lớp được cho tối đa 50/100. Vì trong lớp tất cả các học sinh đều có quyền cho điểm, nên phần điểm học sinh tự đánh giá nhau là con số trung bình cộng. Điểm kết quả thi của từng môn sẽ là cộng điểm của thầy chấm và của cả lớp chấm. Thi như vậy, tức là thi theo quá trình. Học sinh vừa được rèn luyện khả năng trình bày trước đám đông, vừa được rèn luyện sinh hoạt cộng đồng theo dân chủ. Mỗi năm từ lớp 10 sẽ có một bộ điểm và khi thi tú tài lớp 12 chỉ cần một kỳ thi nhẹ nhàng, mà vẫn biết được thực chất ai giỏi ai kém. Thi như vậy cũng triệt tiêu luôn sự học thêm dạy thêm tràn lan. Còn kỳ thi đại học sẽ cực kỳ nghiêm ngặt cho đầu vào của các trường lớn, còn các Đại học bình thường thì chỉ cần xét bộ điểm quá trình học phổ thông mà tuyển thẳng. Như vậy chỉ cần đổi cách thi, thi theo tích luỹ hành KIM mà giải quyết được trạng thái Hoả vượng của nền giáo dục nước nhà. Quá trình ấy phải được thực hiện trong ít nhất 3 năm mới thành công.
Những vấn đề khác thuộc triết lý giáo dục, tăng học phí, cải cách giáo dục cũng có thể đem Ngũ Hành soi xét và tìm ra giải pháp.
Tóm lại, trong ví dụ về giáo dục đã xét ở trên, bản chất của chính sách không phải là dùng một hành để khắc một hành, mà phải chuyển toàn bộ năng lượng tồn dư ở hành Hoả vào quá trình tích luỹ hành KIM mới, từ đó tạo lập một vòng Ngũ Hành mới, mà vòng này ngay từ khởi phát đã vận hành trong hành lang pháp lý.
4.2. Khoa học và chiếc bánh
Giáo sư Hoàng Tuỵ đã nói nền khoa học Việt nam đương đại như một chiếc bánh bị phân nhỏ. Ngân sách nhà nước dành cho khoa học chưa nhiều, đời sống cán bộ khoa học lại khó khăn nên lượng ngân sách đó được chia ra cho các cơ sở nghiên cứu khoa học và các cán bộ khoa học theo kiểu chia nhỏ chiếc bánh, mỗi người một chút, để giảm mức đói nghèo. Về một phương diện nào đó, cho đến tận bây giờ, ý kiến của GS Hoàng vẫn còn đúng. Xét theo Ngũ Hành thì đó là biểu hiện của trạng thái Thổ. Trong trạng thái Thổ các phần tử chia lìa, ít có các mối liên kết chặt chẽ, trọng số các phần tử tương đương nhau. Trạng thái Thổ là yếm thế, hưu trí, nghỉ ngơi. Quả vậy trong hàng chục năm qua không có đề tài nào mang tính đột phá, liên kết được nhiều nhà khoa học làm việc ngày đêm vì một mục đích chung thật sự to lớn vĩ đại.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn có các điển hình phát triển mạnh trên cơ sở ứng dụng khoa học. Ví dụ, ngành công nghiệp đóng tầu. Có lẽ nhóm hạt nhân trong việc thúc đẩy công nghiệp đóng tầu đã đi con đường như sau. Bước đầu họ làm chủ được công nghệ thiết kế 3D trên máy tính các profile vỏ tầu, rồi họ tập hợp được một số cơ sở vật chất, một số cán bộ giỏi, họ biết hàn các tấm lớn, biết chế tạo que hàn loại tốt,...Đó là quá trình tích Kim. Sau đó họ đã len lỏi bằng cách đóng các con tầu hạng nhẹ, marketing để nhận các hợp đồng lớn dần. Tức là sau Kim họ đã sang giai đoạn Thuỷ. Tiếp đến họ vươn ra các thị trường lớn hơn. Trong khi các nước khác coi công nghiệp đóng tầu là lao động nặng, ô nhiễm môi trường thì họ không ngại gian khổ, sẵn sàng nhận đóng các con tầu lớn dần với giá cả phải chăng. Dần dần ngành công nghiệp đóng tầu Việt nam lớn mạnh nhanh trong vài năm gần đây. Đó là giai đoạn Mộc. Ngay năm vừa qua, họ đã bước vào giai đoạn Hoả, bùng phát rất mạnh, nhận các hợp đồng vài tỉ đô la. Có lúc họ đã dám đề nghị nhà nước cho đầu tư 8000 tỉ (VN đồng) để phát triển điện lực. Như vậy xét trên quan điểm Ngũ Hành, ngành đóng tầu dựa vào việc tích luỹ Kim về khoa học và công nghệ đã có bước tiến ngoạn mục trong thời gian chưa đầy 10 năm.
Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa tìm ra môt ví dụ thứ hai về việc khép kín một vòng Ngũ Hành bằng khởi đầu của tích tụ khoa học công nghệ ở mức cao và đậm đặc.
Muốn khoa học có một bước đột phá lớn phải khởi phát một vòng Ngũ Hànhngay trong lòng của Viện KHCN VN bằng việc tích Kim đa ngành. Nghĩa là phải xây dựng một đề tài tầm cỡ lớn hoặc rất lớn, mà muốn hoàn thành nó phải kết hợp nhiều ngành khoa học công nghệ. Trước hết phải tập hợp một nhóm các nhà khoa học có tài và có đạo đức, xung quanh một trụ cột nào đó. Rồi tập hợp một số cơ sở vật chất nhất định, nhắm một mục tiêu nhất định. Việc tập hợp ấy phải theo nguyên tắc tích Kim. Hành Kim phải thật bền, thật cứng vững. Dần dần sẽ theo vòng Ngũ Hành mà tiến, thì sẽ tiến rất nhanh.
Ví dụ, có thể tích Kim quanh công nghiệp giấy gỗ. Nước ta hàng năm hiện nay cần khoảng 800.000T giấy các loại, từ giấy viết, giấy báo, tới vỏ hộp cactông,... Chúng ta mới chỉ sản xuất được khoảng 300.000T bột giấy. Còn lại phải nhập khẩu. Nhiều dự án giấy lập ra rồi lại khép vào, mà vẫn chưa giải quyết được lượng thiếu hụt 500.000T bột giấy. Đó là do khó khăn công nghệ. Vì sản xuất giấy là một ngành công nghiệp dựa trên rất nhiều ngành khoa học và công nghệ liên quan, từ Vật lý, Cơ học, Hóa học đến Toán học, Môi trường.... Trong khi đó để đầu tư một nhà máy giấy cần vốn đầu tư rất lớn, hàng tỉ đô la (tương đương 1000-2000 tỉ đồng). Số vốn đó ở qui mô quốc gia còn khó khăn, ở qui mô tư nhân càng khó hơn. Nếu khoa học giải quyết được một đề tài tổng hợp liên quan đến sấy, phân huỷ lignin, kết khối cellulose non (hemi-cellulose), tái sinh nước,... thì có thể đầu tư các nhà máy giấy nhỏ cỡ vài chục tỉ đồng, mà vẫn không bị vấn đề môi trường cản trở. Lúc đó tư nhân có thể đầu tư được các nhà máy giấy nhỏ đó. Vậy vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học là giải quyết các vấn đề mấu chốt công nghệ nêu trên. Nhưng để làm được việc đó phải tích Kim. Nếu tích Kim được trong công nghệ giấy thì ngành này cũng sẽ phát triển ngoạn mục như công nghiệp đóng tầu. Lúc đó nông thôn Viêt nam sẽ có một bộ mặt mới, vì trồng rừng nguyên liệu làm giấy lãi gấp đôi trồng lúa nước.
Đề tài tầm cỡ thứ hai cho khoa học là công nghiệp dược liệu thảo mộc. Muốn phát triển công nghiệp này phải giải quyết các mấu chốt khoa học sau:
- Phát triển nghiên cứu các hợp chất tự nhiên,
- Nghiên cứu bản đồ dược liệu ba miền Bắc, Trung, Nam,
- Tin học hóa kiến thức y học cổ truyền, số hóa kinh nghiệm ngàn đời của các nhà Đông y học,
- Chế tạo máy nghiền dược liệu tới qui mô cận nano,
- Nghiên cứu các cơ chế vi lượng truyền dẫn thuốc,
- Nghiên cứu tác dụng dược phẩm chức năng,
- Nghiên cứu tinh bột biến tính làm tá dược,
- Nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng đông dược,....
Như vậy, để giải quyết đề tài lớn này cần tích Kim đa ngành bao gồm Hóa học, Vật lý, Toán học, Tin học, Nông nghiệp, Kinh tế, Đông y dược,... Nếu đề tài này được tích Kim thì trong vòng 10 năm, nước Việt nam sẽ có một trung tâm hạng quốc tế về thảo dược thiên nhiên. (Quảng Tây trong 10 năm qua đã xây dựng thành phố Ngọc Linh từ một vùng hẻo lánh thành một trung tâm có 6 triệu dân. Thành phố Ngọc Linh được tích Kim như là một trung tâm hạng nhất của Trung quốc về thuốc bắc).
Nhưng trước khi tích Kim trong khoa học chúng ta cũng lưu ý rằng tích Kim nhân sự khoa học là khó khăn nhất, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý người Việt. Ngược lại, nếu tích Kim được trong khoa học thì Viện Khoa học & Công nghệ Việt nam nói riêng, rồi nền khoa học Việt nam nói chung sẽ thoát nhanh ra khỏi trạng thái Thổ. Chỉ có thoát ra khỏi trạng thái Thổ thì nền khoa học Việt nam mới thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
4.3. Ngũ Hành và một Đại học mới
Trong tài liệu này chúng ta đã bàn về một số biện pháp tích Kim. Tích Kim cá nhân lấy trọng tâm là tích Kim phi vật thể để xây dựng nhân cách. Tích Kim Doanh nghiệp lấy trọng tâm là tích Kim công nghệ và nhân sự. Tích Kim vùng bằng cách tìm hiểu rõ các vòng Ngũ Hành của vùng, sau đó đề ra các biện pháp cụ thể, để tiệm cận đến tích Kim của vùng. Bây giờ chúng ta bàn về việc tích Kim qui mô lớn thông qua một Đại học mới.
Tích Kim qui mô lớn về một phương diện nào đó chính là tích Kim của cả nước. Cao hơn nữa là tích Kim hòan cầu.
Xưa nay việc tích Kim ở qui mô toàn cầu bị các tiến trình lịch sử qui định. Vì thực tế các chính phủ có ý chí khác nhau, khó mà có thể thống nhất ý kiến giữa các chính phủ để tích Kim cho cả nhân loại.
Nhưng trong một nước thì chính phủ có thể hướng các hoạt động tích Kim cá nhân, tích Kim doanh nghiệp và tích Kim vùng theo một dòng chảy tương đối đẳng phương.
Nước Việt nam ta trong các giai đoạn kháng chiến chống quân Nguyên Mông và kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ là những lúc mà các dòng tích Kim chảy tương đối đẳng phương.
Hiện nay không như vậy. Nỗ lực của chính phủ là khởi sinh các vòng thuận, trong khi đó tham nhũng lại vận hành các dòng ngược. Hơn nữa, tham nhũng quyền lực mới là các dòng ngược mạnh mẽ.
Vậy nên, dưới đây trình bày một số ý tưởng về tích Kim qui mô lớn, qui mô quốc gia, đặng sao cho các dòng thuận dần lớn lên, lấn át dần các dòng chảy ngược.
Lịch sử tiến bộ của nhân loại chính là lịch sử của công nghệ hiểu theo nghĩa rộng, trong đó cách tổ chức xã hội cũng là công nghệ nữa. Nếu công nghệ tổ chức hoạt động xã hội không chặt chẽ, văn minh, thì các dòng chảy tích Kim cá nhân và tích Kim doanh nghiệp đơn lẻ sẽ hỗn loạn, không đẳng phương, có cơ hồ triệt huỷ nhau nữa.
Vì vậy, tích Kim qui mô lớn gồm hai thành phần. Thành phần thứ nhất chú trọng đến việc tạo khuôn dòng, để cho các dòng ngược không nảy sinh được, không rẽ nhánh được. Đó là lập pháp phải khéo léo, hành pháp phải nghiêm minh. Thành phần thứ hai là tạo lập các dòng chủ đạo để cuốn hút các vòng Ngũ Hànhnhỏ lẻ chạy theo xu thế chính.
Thành phần thứ nhất chúng ta đang nỗ lực ngày đêm, từ việc cải cách hành chính (chính phủ lo) đến tăng cường đưa pháp luật vào cuộc sống (quốc hội lo).
Thành phần thứ hai, tạo lập các dòng chủ đạo, chưa được chú trọng lắm. Thực vậy, trên bình diện quốc gia hiện nay không có một quá trình tích Kim nào mà toàn dân đều hăng hái tham gia. Người ta ào ào chơi cổ phiếu, không phải là tích Kim. Thanh niên nhiều người học hai ba bằng, sau giờ làm chong đèn học ngoại ngữ, nhưng đó chỉ là tích Kim cá nhân tự phát, mong muốn có một chỗ làm tốt hơn, chứ không phải để khởi tạo. Số lượng doanh nghiệp mới mở thì nhiều nhưng có đến 85% là thương mại chứ không phải là sản xuất. Các doanh nghiệp ấy không đi theo con đường phát triển bằng tích Kim công nghệ.... Ngoài ra, những người tham nhũng đang thực sự xâu xé Kim quốc gia giam hãm vào Thổ.
Mặt khác, Kim cơ bản của quốc gia là công nghệ thì đang chìm đắm trong Thổ. Thực vậy, ba cơ quan nắm giữ khối công nghệ lớn nhất của đất nước là Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt nam, Bộ giáo dục Đào tạo, lại phân tán và chia rẽ. Hiện tại, chưa có một định hướng nào nhằm tích luỹ năng lượng và vật chất thuộc ba cơ quan vào một đầu mối có thể tạo nên đột phá trong tích Kim quốc gia.
Từ các phân tích trên, chúng ta thấy phải tích Kim quốc gia bằng cách phát triển công nghệ một cách tập trung. Ngay từ bây giờ, phải thành lập một cơ sở công nghệ mạnh, vừa nghiên cứu khoa học và công nghệ, vừa giáo dục và đào tạo, để sau 10 năm nữa chúng ta có một đội ngũ những người quân tử có thể khởi tạo các vòng Ngũ hành. Trong cơ sở ấy, cá nhân phải rèn luyện ý chí và năng lực. Nhiệm vụ của họ là học tập để trở thành các tổng công trình sư, thành các nhà khởi tạo. Bài tập của họ là khởi tạo doanh nghiệp. Ý chí của họ là gánh việc nước bằng năng lực công nghệ.
Lịch sử chỉ ra rằng chỉ cần một cá nhân khởi tạo như Nguyễn Công Trứ thì dân mấy vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã được nhờ nhiều lắm rồi. Nếu cơ sở đào luyện các nhà khởi tạo "hành Kim" đó thuộc về quốc gia, thì cái lò quốc gia đào tạo nhân tài ấy xứng đáng được gọi là một "Đại học đẳng cấp quốc tế" theo kiểu Việt nam. Hay nói theo các cụ, đại học đẳng cấp quốc tế kiểu Việt nam trong thời đại mới chính là Quốc tử giám hiện đại. Nếu chúng ta lập được một cơ sở như vậy thì đó chính là món quà lớn cho Thăng Long Hà Nội ngàn năm tuổi.
Các nét chính của đại học đó như sau:
-Thầy phải là các nhà quân tử thứ thiệt về tâm đức và tài năng,
-Trò phải được tuyển là những tinh hoa ưu tú nhất trong thanh niên,
-Người tốt nghệp phải nói thông ít nhất một hai ngoại ngữ,
-Các môn học về nhân cách trước hết phải có là lịch sử, triết học, địa lý, văn chương,... Những môn này bồi đắp Kim nhân cách. Người học có thể không bắt buộc phải theo lớp các môn này, nhưng phải làm tiểu luận về chúng, để tiết kiệm thời gian học. Đó là các môn bắt buộc, nhằm tạo lập cơ sở nhân cách cá nhân và ý chí mạnh mẽ. Các môn này phải được các bậc cao minh nhất giảng bằng tiếng Việt.
-Các môn về công nghệ phải bao gồm cơ học, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, đông dược học, điện tử học, điện lực, vật liệu học... Đó là các môn nền tảng công nghệ bắt buộc. Đó là các môn tạo cơ sở căn bản cho sáng tạo công nghệ và tích Kim công nghệ về sau. Đặc biệt, trong đó phải dậy kỹ và học kỹ môn vẽ kỹ thuật, vì nó làm nền tảng của tư duy trừu tượng sau này. Các môn này có thể được dạy bằng tiếng nước ngoài, bởi giáo sư Việt hoặc giáo sư nước ngoài.
-Các chuyên đề: sau khi học cơ bản, người học có thể tự mình đề xuất các đề tài nghiên cứu, ngay từ năm đầu hoặc năm thứ hai. Tuỳ mức độ hòan thành chuyên đề có thể tốt nghiệp sớm. Mức độ hoàn thành chuyên đề thể hiện mức độ sáng tạo.
-Số lượng năm học có thể chỉ là 2-3 năm đối với các cá nhân xuất sắc. Vì họ có thể tự học. Không nhất thiết là 5 năm.
-Trường Đại học này phải thực sự là cơ quan nghiên cứu, dạy để nghiên cứu, mà học cũng để nghiên cứu nữa. Cả thầy và trò đều phải trực tiếp nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu ưu tiên nhất phải thuộc về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt nam. Mọi sinh viên chỉ được tốt nghiệp khi hòan thành đề tài nghiên cứu thực tế. Họ phải có khả năng phát hiện đề tài, phải sáng tạo cách giải quyết. Đó chính là tích Kim công nghệ. Họ phải thâm nhập sâu vào thực tế đời sống để tìm kiếm đề tài nghiên cứu.
-Những năm đầu chỉ cần tuyển khoảng 100-200 sinh viên. Họ phải là những sinh viên tốt nhất nước. Sau này, khi trường đã lớn mạnh thì tăng lượng tuyển.
-Về cơ sở vật chất, chính phủ có thể dùng vốn ngân sách để khởi tạo Kim cho Đại học này. Trong quá trình phát triển, nó phải dần dần đảm đương các nhiệm vụ lớn lao hơn, thực hiện các đề tài nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế. Lúc đó nó có thể tự chủ kinh phí một phần.
-Triết lý của Đại học này là dạy và học các phương pháp để khởi tạo các vòng Ngũ Hành. Nó không dạy học thuần tuý mà nó dạy người ta nghiên cứu, vì chỉ có thể sáng tạo trong nghiên cứu. Còn dạy chay như các Đại học hiện nay gọi là đọc bài giảng, ghi bài giảng và nhớ bài giảng. Không phải là đào tạo những nhà sáng tạo.
-Sinh viên tốt nghiệp trường này phải là những nhà sáng tạo, những Creator với chữ C được viết hoa một cách trân trọng.
Việc lập trường Đại học đẳng cấp quốc tế theo kiểu trên chính là công tác tích Kim qui mô lớn quan trọng nhất, cấp thiết nhất hiện nay. Công việc này thuộc về Chính phủ.
Trường này nên được mang tên Đại học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nguyen Binh Khiem University) . Vì chỉ nhờ một câu của Ngài khuyên Nguyễn Hoàng mà nước Nam ta ngày nay đã được mở rộng từ Đèo Ngang đến tận mũi Cà mâu. Ngài chính là một nhà sáng tạo bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt nam.
4.4.Ngũ Hành và Internet
Trong gần mười năm trở lại đây thế giới chúng ta đang sống có một sự thay đổi rất lớn lao. Sự thay đổi đó ai cũng biết, nhưng đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, tranh thủ được những mặt tích cực của nó thì không phải dễ. Đó chính là sự phát triển đến mức độ cao của Internet.
Internet chính là một khối Kim tri thức khổng lồ của toàn nhân loại. Trước khi Internet ra đời và phát triển như ngày nay thì tri thức nhân loại nằm rải rác trong các bộ óc, trong các sách vở và thư viện,... Khi các con người qua đời thì phần lớn tinh hoa tích lũy hành KIM của họ bị chôn vùi theo thân xác họ. Phần rất nhỏ tinh hoa mà họ tích lũy còn lại với nhân loại trong các thư tịch, sách vở, thư viện, ...
Hơn nữa, người ta cũng chỉ ghi chép và lưu giữ những tri thức của các nhà văn, nhà giáo, những người viết sách, các bác học, ...vì dung lượng của tàng thư rất hạn chế. Còn tâm tư tình cảm, kinh nghiệm nhỏ lẻ, tri thức địa phương của đa số quần chúng vẫn âm thầm đi xuống lòng đất theo cái chết.
Ngày nay nhờ Internet, bất kỳ ai cũng có thể ghi chép bất cứ điều gì vào tàng thư điện tử của nhân loại, bằng đủ loại ngôn ngữ. Đó là một khối KIM phi vật thể khổng lồ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nó sẽ còn lại ngay cả khi các tác giả chết đi.
Việc khai thác Internet, khơi dòng để tri thức nhân loại chảy về với ta chính là Khai Thủy. Khai Thủy từ KIM khổng lồ để mà tích KIM cho cá nhân. Rào cản của việc khai Thủy đó là ngôn ngữ.
Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, thậm chí sinh viên, bà nội trợ cũng có thể sử dụng Internet để làm phong phú kiến thức của mình, để cân nhắc trước khi ra quyết định.
Do vậy trên qui mô quốc gia, nếu chúng ta tổ chức tốt việc khai thác KIM tri thức trên Internet thì vô cùng có lợi cho công cuộc phát triển và xây dựng đất nước. Khai thác Internet phải trở thành thói quen của tất cả các cán bộ trong hệ thống điều hành và quản lý đất nước, thậm chí khai thác Internet phải trở thành chiến lược phát triển con người trong mọi ngành, mọi nghề.
Bất kỳ ai muốn sáng tạo, muốn tìm được giải pháp tối ưu trong hoàn cảnh của mình đều phải có khối KIM cá nhân to lớn. Mà muốn tích KIM tri thức nhanh thì trước hết và cấp bách phải làm chủ Internet.
4.5. Ngũ Hành và công tác cán bộ
Như đã phân tích ở trên, cá nhân tích Kim là bước khởi đầu của hầu hết các vòng Ngũ Hành xã hội. Một cá nhân tích Kim có hai phần: tích Kim phi vật thể và tích Kim vật thể. Ta hãy xét tương quan của hai quá trình tích Kim này trong các giai đoạn cận đại.
Hồi tiền khởi nghĩa số lượng đảng viên không nhiều, nhưng ai đi làm cách mạng đều là những người ý chí cao, có lòng dũng cảm, không lo tích Kim vật thể. Các nhà cách mạng tiền bối chỉ lo học tập thêm cho nhuần cương lĩnh, giỏi công tác bí mật, giỏi tổ chức vận động quần chúng cùng đi làm cách mạng,.... Tức là họ đặt phần tích Kim phi vật thể lên trên hết.
Đến hồi kháng chiến chống Mỹ, những người vì nước quên thân rất nhiều, phần lớn họ bền bỉ tích Kim phi vật thể. Tuy nhiên có một phần nhỏ cũng sợ ra trận, bắt đầu tích Kim vật thể.
Sau khi thống nhất nước nhà năm 1975, đất nước lâm vào trạng thái Thổ suốt từ 1975 đến 1986, khi đó số lượng cán bộ lo tích Kim vật thể ngày càng tăng.
Cho đến nay, cán bộ là những người tích Kim vật thể rất giỏi. Càng cương vị cao, càng nhiều người tích Kim vật thể giỏi. Đôi khi họ sẵn sàng vi phạm điều lệ đảng và pháp luật nhà nước để tích Kim vật thể. Hiện nay rất ít cán bộ nghèo. Tích Kim vật thể không phải là xấu, nhưng đối với một cá nhân nếu tích Kim vật thể mạnh hơn tích Kim phi vật thể thì có cơ sa ngã nhanh để trở thành cán bộ xấu.
Công tác cán bộ chỉ cần xét tương quan giữa hai quá trình tích Kim này là có thể đánh giá ai quân tử và ai nguỵ quân tử. Trăm người không sai một. Trong lịch sử cũng vậy mà thời hiện đại cũng vậy, đó là qui tắc vàng để đánh giá con người nói chung và cán bộ nói riêng. Trong tích Kim phi vật thể, chúng ta đề cập đến một phần quan trọng là tích Kim tri thức, nhưng lưu ý, tri thức nhất quyết không phải là bằng cấp. Trung tướng Lê Quang Đạo là một mẫu hình về tích Kim phi vật thể, nhưng Ông không hề có một bằng cấp nào.
Cán bộ hiện nay có rất nhiều người tốt, một lòng vì Đảng vì dân vì nước. Họ hành động theo vòng thuận. Tuy nhiên, không ít người bị sa đọa. Những người bị sa đọa chẳng qua vì họ không biết Ngũ Hành, mà liều lĩnh đi vào các vòng ngược. Họ không biết sợ. Nếu một người hiểu Ngũ Hành thì biết sợ. Họ sợ đi trái qui luật tự nhiên. Vì vậy, dùng Ngũ Hành không những tìm được cán bộ tốt, bằng cách xem xét quá trình tích Kim của họ, mà còn có thể dùng Ngũ Hànhđể giáo dục cán bộ. Khi họ đã ngộ ra qui luật tự nhiên thì họ sẽ không đi theo vòng ngược. Đó chính là một trong những biện pháp chống tham nhũng hiệu quả nhất.
Khi đã tìm được cán bộ giỏi, Đảng phải tập hợp họ lại thành một đội quân như binh chủng đặc công trước đây trong kháng chiến. Giao cho họ nhiệm vụ khởi tạo các vòng Ngũ Hành kinh tế, khởi tạo từ đầu, chứ không phải cải tạo các Công ty và Tổng công ty Nhà nước sẵn có. Vũ khí của họ là ý chí và công nghệ. Họ không phải lo tích Kim vật thể cho cá nhân mình, chỉ lo điều hành Kim mà Đảng giao cho sao cho khéo, biến thành Thuỷ, sinh Mộc và khởi Hoả. Công việc quan trọng trước hết họ có thể làm là xây đắp các thành phố mới cỡ nhỏ, tích Kim công nghệ trong các thành phố ấy, sao cho các thành phố ấy là các mặt trận tiền tiêu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các thành phố công nghệ này dần dần sẽ làm cho vị thế khách lấn chủ đảo ngược lại.
Cán bộ thông qua các bài tập khởi tạo vòng Ngũ Hành sẽ trở thành các cán bộ giỏi hơn nữa. Đó chính là cách mà nhiều doanh nghiệp vẫn làm để bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.
Trang: 6/7 « ... 3 4 5 6 7 »
Nguồn: Tác giả cung cấp
Số lượt đọc: 26661 - Cập nhật lần cuối: 16/06/2008 06:14:00 PM
Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang
Trao đổi/Nhận xét Tổng số: 8
Đánh giá
Dương NGọc Toàn - Email: [email protected] (27/09/2009 02:53:37 PM)
Âm dương ngũ hành là một biểu tượng cho các đối tượng VD như trai - gái; cứng - mềm; nóng- lạnh; vuông - tròn, , hoả là lửa, thủy là nước , đất là thổ vv.v.v.
Âm dương ngũ hành được con người áp dụng vào đời sống từ hàng ngàn năm nay ở TQ và VN VD như các cuốn sách " Kinh dịch"; " Chu dịch" vv.vv Ở đó đã nói lên rất rõ về quy luật của ngũ hành: Trong âm có dương và trong dương có âm, chúng luôn luôn biến dịch không ngừng; KIm sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc; mộc sinh hoả vv.vv NHưng để mọi đối tượng trong vũ trụ luôn được cân bằng thì đòi hỏi quy luật sinh, khắc cũng luôn phải cân bằng. VD thuỷ sinh mộc, nhưng nếu thuỷ mạnh quá thì khiến cho mộc bị đui chột và mộc mạnh quá thì cùng khiến thủy bị đui chột; Hoả khắc kim, nhưng nếu hoả yếu thì cũng không thể khắc được kim vv.vv.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì con người sinh ra bởi 4 yếu tố( Đất, nước, lửa và gió) chứ không hề nói như các sách của các phái trong đó có các sách về ngũ hành là sinh ra vào toạ đọ thời gian nào và toạ độ không gian nào? có nghĩa là giờ, ngày, tháng năm sinh đều nằm vào một toạ độ nhất định của thời gian và không gian mà trong đó đều được biểu tượng bởi ngũ hành ( Kim, mộc ,thuỷ....) Và nếu các hành này trong các thông tin về ngày tháng năm sinh của con người được cân bằng thì có nghĩa là cuộc đời của người đó tương đối cân bằng ( Tốt). Tương tự như vậy trong vũ trụ và trong bất kể đối tượng nào, cũng đều nằm trong quy luật này. TRong khi tôi thấy tác giả đặt vấn đề triền miên , không có tính thuyết phục và không có cơ sở VD như " Tích kim" , " Phát hoả", " Về thổ" . Nói như vậy có nghĩa là nó là một sự cố định của các hành nào đó, mà cụ thể là tác giả nói từ " Tích kim" . Trong khi ngũ hành là luôn luôn biến đổi và không dừng lại ở bất cứ đối tượng nào và không có điểm xuất phát cùng như không có điểm dừng của bất cứ hành nào mà nó chỉ là đối tượng đã,đangvà sẽ được mang một biểu tượng của ngũ hành với một hành hoặc những hành nào đó mà thôi.
Từ đầu cuốn sách cho đến kết luận tôi chỉ thấy rất nhiều từ "tích kim" và cuối cùng cũng chỉ là một sự gán ghép mơ hồ , không có cơ sở và cũng chẳng áp dụng được một chút nào quy luật của ngũ hành vào đời sống ,vào khoa học như tiêu đề của cuốn sách, thậm chí tác giả còn bóp méo tính chất và ép buộc nó đi sai quy luật như " Ngũ hành ngược". Ngược là gì ? Trong khi bản chất của nó đã có quy luật như trong bất cứ vật thể nào đang tồn tại trong vũ trụ chứ nó đâu có ý thức như con người mà tự nó đi ngược lại được ? Nếu tác giả có ý đồ đưa ngũ hành vào khoa học thì cái được của nó phải đem lại lợi ích cho người đọc chứ!
Liệu độc giả có hiểu và áp dụng được ý đô của tác giả không hay là chỉ nhận được một điều tuỳ theo hiểu biết của mỗi người đối với cuốn sách để người thì đánh giá " ÔNg này giỏi thật" Người thì đánh giá ngược lại và có nhiều người cũng chẳng hiểu gì cả. Còn tôi tôi nhận thấy tác giả đang muốn t hể hiện một sự hiểu biết về ngũ hành cho mọi ngươi trên một cái gọi là" tác phẩm" với một sự còn vô cùng rỗng trong nhận thức về bản chất của ngũ hành. Những ai đã đọc thì sẽ thấy một thực tế xuyên suốt là : Nếu tác gỉa không đưa ngũ hành vào tác phẩm thì có lẽ tác phẩm sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Như vậy nó giống như một bức tranh đẹp đang được tác giả bắt chiếc một hoạ sỹ khác tô thêm một số nét và màu sắc khác trong khi anh ta chẳng hiểu mục đích và bản chất của nét vẽ và màu sắc mình thêm vào đó để làm gì ?!. Thật đáng tiếc !
Xin cảm ơn
Đạo Trường hiểu nhầm khá nhiều
Chau Tuan - Email: [email protected] (21/09/2009 08:28:26 AM)
Tôi đã đọc nhiều phản biện và góp ý của Đạo Trường. Trước hết, ông đã hiểu nhầm công thức toán học về độ đo văn hoá. Công thức ấy là hàm số mũ, không phải phép nhân. Lẽ ra, tác giả nên viết:
Độ đo văn hoá = (tích luỹ) mũ (trình diễn)
hay W = X exp (t)
thì Đạo Trường không hiểu nhầm.
Phép nhân là một phép toán tuyến tính, cho tư duy thẳng, một chiều. Phép luỹ thừa (hàm số mũ) là phép toán phi tuyến, làm cơ sở cho các tư duy mềm dẻo, và cũng là cơ sở toán học quan trong nhất để thiết kế các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, Đạo Trường đã nhìn nhận thô khái niệm tích tản. Thực chất, khối lượng tích tản trong một đơn vị thời gian ít khi cân bằng. Nếu tích nhiều mà tản ít thì thuộc hành Kim. Chẳng hạn, trong quá trình kiến tạo trái đất có sự hình thành các mỏ dầu, quá trình đó thuộc Kim, chủ yếu là tích. Quá trình khai thác các mỏ dầu thuộc Thuỷ (sở khởi, thế kỷ 19), sau đó sang Mộc (dầu mỏ tìm thấy các ứng dụng mới như thắp sáng, chạy xe,..., khoảng đầu thế kỷ 20) và sang Hoả (khai thác tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng chế biến, từ giữa thế kỷ 20 đến nay). Các quá trình này tản nhiều hơn tích.
Việc gán Ngũ Hành cho các giai đoạn của vận động chỉ là một cách tư duy biểu tượng. Tất nhiên, mỗi người có quyền tư duy theo phong cách riêng của mình. Ngũ hành không ép buộc ai phải theo nó. Ai có duyên thì tìm thấy ở Ngũ Hành một mối tương hợp, thế thôi. Còn nhất định Ngũ hành không "phản động" như Đạo Trường đã viết.
Với NGŨ HÀNH chúng ta dễ trở thành con người VÔ VĂN HOÁ
Đạo Trường - Email: [email protected] (24/08/2009 07:22:56 AM)
Nguyên nhân: Ngũ Hành làm ta hiểu mù mờ về văn hoá cho nên dẫn đến những sai lầm cơ bản khi cảm nhận và đánh giá về văn hoá.
Để chứng minh nhận định này chúng ta hãy cùng nhau phân tích tư duy của tác giả:
1/ Tác giả định nghĩa "văn hoá là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục", ngụ ý theo ngũ hành thì " văn hoá là quá trình tích và tản liên tục". Cắt một hay vài bước trong một thể thống nhất tiến trình vận động Ngũ hành để làm tiêu chuẩn xác định một tồn tại là hành động ngớ ngẩn. Để cho đơn giản xin xét ví dụ: các nhà triết học theo Tứ Hành ( Sinh già bệnh chết ) định nghĩa văn hoá là Sinh.
Ngũ hành mơ hồ nên làm tác giả mơ hồ theo, xác định bâng quơ " Hấp thụ" và "trình diễn" không hiểu hấp thụ và trình diễn cái gì. Trong thế giới này, sự vật hiện tượng nào cũng vận động và luôn chứa đựng tích tản trong tiến trình vận động ấy. Như thế, căn cứ theo định nghĩa của tác giả trên đời này không có gì là không văn hoá. Một người uống nước vào rồi toát mồ hôi ra là người có văn hoá hay sao? Một giám đốc đi lãnh tiền về rồi sài tiền vào việc mua máy móc là văn hoá hay sao? một người mẹ cứ liên tục thụ thai rồi sanh con bầy đàn là văn hoá hay sao?
Sai lầm cơ bản của tác giả là lấy tính chất chung của thế giới làm căn cứ xác định, định nghĩa một tồn tại riêng biệt. Ngũ Hành ngắt tích và tản ra làm hai giai đoạn để xem xét một tiến trình vận động là một hành động siêu hình, mất biện chứng.
Sự xem xét một cách siêu hình của Ngũ Hành rất có hại cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu trong thời đại ngày nay. Ví dụ ngũ hành cho ta suy nghĩ "Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa". Học tập như thế khó mà giỏi được vì đã thiếu hai bước quan trọng: a/đồng thời phải loại bỏ (Tản) kiến thức đã lạc hậu vào hư không,b/ sau khi "tích" và trước khi "tản" phải có một quá trình tư duy sâu sắc trong đầu của ta ( Không thuộc bước tích hay tản của ngũ hành) đó là bước quyết định cho sự phát sinh sáng tạo. Phân tích sâu hơn ý tưởng trên của tác giả, ta sẽ thấy tác giả đã xác định học tập là quá trình văn hoá - tác giả mù mờ về tiếp thu văn hoá và việc trau dồi tri thức , mù mờ giữa văn hoá và trình độ, mù mờ giữa văn hoá và văn minh, mù mờ giữa văn hoá và kinh tế, văn hoá và chiến tranh...
2/ Sai lầm cơ bản về khái niệm "Độ Đo Văn Hoá". Dùng khái niệm độ đo văn hoá của tác giả sẽ dẫn ta đến việc đánh giá sai lầm về văn hoá, từ đó sẽ sai lầm trong việc quyết định tiếp thu hay loại bỏ một hiện tượng, trào lưu, nền văn hoá. Như vậy , chúng ta sẽ có lúc trở thành người vô văn hoá mà không hay:
- Việc "đo lường" có bản chất là sự so sánh ( so sánh một đặc tính nào đó của một tồn tại với một vật được chọn ra làm chuẩn mẫu). Như vậy phải khái niệm, định nghĩa được tồn tại đó là gì rồi ta mới có thể mang ra đo lường. Tác giả không xác định được cụ thể văn hoá là gì cho nên đã xác định cách đo lường cho một tồn tại mơ hồ mang tên văn hoá. Một tồn tại mang hàng tỷ đặc tính nên ta có thể đo lường hàng tỷ tham số. Vậy trong thực hành người ta phải chọn những đặc tính chuyên biệt của đối tượng nhưng phải quan trọng và hữu ích cho đời sống con người để đo đạc. Đặc tính vận động, tích tản là đặc tính chung của mọi sự vật hiện tượng, không chuyên biệt cho văn hoá. do đó chỉ đo ( khảo sát) " quan hệ tương đối giữa trình diễn và hấp thụ theo phép tính luỹ thừa" sẽ cho một cái nhìn cực kỳ mơ hồ và phiến diện về văn hoá.
- Công thức W = x t. Với W là độ đo trình độ văn hóa. Tác giả cho biết ta xác định được W khi biết được x và t. thế nhưng điều này không khả thi trên thực tiễn. chúng ta không bao giờ xác định được x và t vì chúng là những biến số mơ hồ: a/ "x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường...." ta vô phương xác định được " tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa" dù chỉ là rất tương đối. b/ " t là kết quả trình diễn...". như vậy t cũng là biến số mơ hồ nốt, không thể xác định chính xác được. "Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải "khả hấp". Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t" - như vậy t đã không phải là yếu tố nội tại của cái " văn hoá " mà ta đang đo lường. giá trị t bị chi phối bởi yếu tố ngoại lai là khả năng hấp thụ bởi cá thể khác. Như vậy t càng không thể xác định được. Xét ví dụ thực tiễn: nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc lỗi lạc châu Âu là kém văn hoá hơn Cải lương của VN hay sao? bởi vì rất ít người VN hấp thụ cảm nhận được nhạc cổ điển . có người khác vặn lại: " độ khả hấp nhạc cổ điển của dân VN là rất lớn, tuy rằng tôi không biết lớn đó là cỡ nào"...tất cả lý lẽ tranh luận là một mớ mơ hồ.
3/ Chúng ta xem xét cụ thể vài nhận định của tác giả để thấy quan niệm mù mờ về văn hoá và mức độ văn hoá sẽ kéo theo sai lầm trong đời sống như thế nào:
-"Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t =1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được". sai hoàn toàn, "im lặng" chính là trình diễn im lặng chứ không phải " chẳng trình diễn" như tác giả nhận định. Khi các bạn đi giao thiệp làm ăn, đi tâm sự chia sẻ với bạn bè, đi xem các hoạt động văn hoá.... thì tôi khuyên bạn hãy im lặng ( im lặng là vàng đấy), chăm chú hấp thụ, ít trình diễn thì chắc chắn bạn sẽ được mọi người cho rằng bạn là người lịch thiệp, rất có văn hoá. Sự không trình diễn của bạn đã làm chất văn hoá trong người bạn tăng cao hơn hàm lượng bạn có trước và đang hấp thụ.
- "Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t < 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm ": Vì định nghĩa văn hoá mù mờ cho nên khó mà xác định được cái gì là phản văn hoá hay là văn hoá, chuẩn mực xã hội sẽ không được xác định rõ ràng. Trong cuộc sống có nhiều người có hành vi phản văn hoá nhưng có tính khả hấp cao, tạo nên những trào lưu sống tiêu cực trong thế hệ trẻ, băng hoại xã hội thì độ đo văn hoá của những người đó có cao không?
- "Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ "khả hấp" cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao": Không hoàn toàn đúng. Ví dụ ở VN đã xảy ra vụ cô ca sĩ , chàng nhạc sĩ sáng tạo những phim đồi truỵ của bản thân rồi tung lên mạng, làm dân cư mạng hấp thụ tưng bừng ( độ khả hấp của tác phẩm của họ quá lớn ), rồi dân cư mạng lại trình diễn lối sống tự do tình dục, sống thử.... Theo công thức của tác giả thì tất cả họ đã đạt được Trình độ văn hoá rất cao?
- "Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới". Tác giả và mọi người VN không phân biệt được trình độ giáo dục, trình độ tri thức với trình độ văn hoá. Điều này do tác giả không phân biệt được văn hoá và tri thức.
- "Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn". Sai, cái nhìn phiến diện về cuộc sống. Tôi có Anh bạn trẻ tốt nghiệp Bác Sĩ ở VN nhưng anh ta bỏ ngành y từ lúc mới ra trường đi làm thương mại, có tiền anh ta làm từ thiện rất tích cực. anh ta không thích nghề y vì không muốn sống trên xương máu người bệnh và cũng không muốn gia đình khổ ải vì chỉ có những đồng lương tượng trưng. Một người khác là kỹ sư xây dựng nhưng đã bỏ nghề sau vài tháng cọ sát " chiến trường" vì không chấp nhận cuộc sống đầy toan tính và tiêu cực. Những người đó không hề có trình độ văn hoá thấp hơn bạn bè, trái lại bạn bè phải ngước lên mỏi cổ mới thấy đỉnh cao văn hoá của họ.
- "Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện". Lý luận xa rời cái công thức " Độ đo văn hoá" mà tác giả đã đề ra. Các bạn để ý kỹ sẽ thấy tác giả phân tích các ví dụ trên một cách không toán học - ông ta chú trọng khảo sát W bằng riêng t . Trong khi W = x.t chứng minh rằng W là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa x và t. Theo công thức W =x.t của tác giả thì nếu ông cán bộ tăng hấp thu (x) lên bao nhiêu lần rồi ông ấy sống tiêu cực để giảm kết quả trình diễn (t) xuống bấy nhiêu lần thì ông ấy có văn hoá không đổi? Một người hấp thụ được thật nhiều giá trị văn hoá thì có thể sống vô văn hoá không sao ( x tăng nhiều, t giảm ít hơn độ tăng của x làm cho W vẫn tăng )?
- Toán học là phương tiện để ta tiến dần đến cái cụ thể chính xác, thế nhưng công thức toán học của tác giả quá mơ hồ, làm cho khái niệm văn hoá của tác giả đã mù mờ rồi còn rối lên như mớ bòng bong. Tác giả không đạt được mong muốn ban đầu là đo lường độ văn hoá để giúp định nghĩa văn hoá. Tôi có thể thông cảm chuyện này vì tác giả đã thừa nhận: "Chúng tôi tạm diễn tả (có thể là khiên cưỡng) độ đo văn hóa theo toán học". Nhưng không thể thông cảm và chấp nhận cái lối tư duy, cái nhận thức mù mờ dẫn đến định nghĩa và thước đo văn hoá mù mờ không khả thi không hữu dụng như vậy. Và điều tôi muốn nói là NGŨ HÀNH QUÁ LẠC HẬU VÀ TRỞ THÀNH PHẢN ĐỘNG CHO CHÚNG TA VÌ NÓ TẠO CHO CHÚNG TA LỐI TƯ DUY MÙ MỜ PHIẾN DIỆN. CHÚNG TA NGỢI CA NGŨ HÀNH LÀ CHÚNG TA ĐANG VÔ TÌNH CHIA SẺ KIẾN THỨC LẠC HẬU CHO MỌI NGƯỜI.
4/ Còn nhiều chuyện, đụng vào ý tưởng nào cũng có chỗ cần xem xét lại để loại bỏ kiến thức mơ hồ lạc hậu: Tinh hoa văn hoá VN, mối quan hệ văn hoá - ngũ hành, mối quan hệ văn hoá kinh tế, ngũ hành và khoa học, ngũ hành và y học, ngũ hành và kinh tế, .....nhưng dài dòng quá rồi xin tạm khép tại đây.
THAY LỜI KẾT: Tôi biết phản biện với những bài trình bày về thuyết Ngũ Hành là phản biện với một tập thể trí thức đầu ngành vật lý Việt Nam. Phản biện của tôi xuất phát từ tấm lòng xây dựng theo quan điểm của chungta.com : chia sẻ tri thức, cùng nhau phát triển sự nghiệp.
Tôi thấy rằng các quý vị có nhận thức sai lầm về Ngũ Hành, ngợi ca quá đáng về một kiến thức khoa học đơn sơ và lạc hậu. Triết lý ngũ hành làm cho tư duy con người bị mắc lỗi nhiều, trở nên mơ hồ và xa rời thực tế, có hại cho thế hệ trẻ . Tôi e rằng các quý vị đang vô tình chia sẻ tri thức lạc hậu cho mọi người. Có thể ý phản biện của tôi có chỗ không đúng, đặc biệt là không làm vui lòng các tác giả
. Nhưng tôi mong rằng chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm với những gì mình đã viết và với xã hội. Cần tranh luận khoa học khách quan, vì chỉ qua tranh luận nghiêm túc đến nơi đến chốn mới giúp chúng ta rút ra được những tri thức đúng đắn nhất.
Chân thành cám ơn chungta.com và các bạn.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Đạo Trường - Email: [email protected] (08/08/2009 09:20:44 AM)
Chúng ta dư thông mình, dôi lý luận, thừa logic, quá học hỏi.
Chúng ta nhầm lẫn thê thảm ở điểm này: chúng ta nghĩ thế là hay, chúng ta tự hào về chuyện đó.
Đức Phật cho biết: sự thật thì dư thông minh, dôi lý luận thừa logic, quá học hỏi là một tai hoạ. Bởi vì sự quá, dư, dôi thừa cũng có ý nghĩa như không có, thiếu, hụt... làm cho một sự tồn tại của tinh thần trở nên rối rắm, mất ý nghĩa ban đầu của nó. Với trí thông minh bị rối rắm như thế thì sẽ không làm được cái gì đáng kể.
Chúng ta loay hoay đã xây xẩm mặt mày lắm rồi đấy, nhưng vì thiếu trình độ nên vẫn chưa tìm ra được đầu mối của thông minh và những đoạn dư cần cắt.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Văn Thành - Email: [email protected] (20/05/2009 02:45:21 PM)
Người Việt Nam chúng ta thông minh và thật sự là rất thông minh?
Chúng ta toàn đi vào lý giải, biện minh những vấn đề khó nhất thâm sâu nhất trong nhận thức của nhân loại nào là các vấn đề tâm linh, âm dương ngũ hành, triết học Đông triết học Tây.
Nhưng thử hỏi có mấy ai trong số chúng ta trở thành 1 trong số các nhà : nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà phát minh... được thế giới công nhận có đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại?
Đất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển để thực hiện" dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh", tất cả những ai mang tư duy, nhận thức của mình hoạt động tích cực thúc đẩy tiến trinh đó đều khiến tôi khâm phục! CÒN BẠN THÌ SAO?
Tôi nghĩ thật sự chúng ta chưa biết bản thân chúng ta là ai?
THẬT SỰ CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN Ở ĐÂU?
Rất cảm ơn tác giả về bài viết.
Đánh giá
Binh Dinh - Email: [email protected] (28/04/2009 03:42:02 PM)
Bài viết rất tổng quan, dễ hiểu, rất hay!
Xin cảm ơn nhiều.
Cảm ơn tác giả
nhung - Email: [email protected] (16/04/2009 07:46:34 PM)
Tôi là một sinh viên khối ngành chính trị, đã được học nhiều về lý thuyết ngũ hành nhưng khi đọc bài nay tôi mới thực sự hiểu sâu sắc và thấy được giá trị thực tiễn của thuyết ngũ hành.
Rất cảm ơn tác giả.
KẾT LUẬN
Ngũ Hành như đã trình bày trong tài liệu này chính là hành trình của sự vận động. Đó là hành trình 5 trạng thái. Hết 5 trạng thái thì sự vật, đối tượng, lại quay về trạng thái mang mầu sắc của cái ban đầu. Nhưng nhất quyết không phải là quay về cái ban đầu. Đó là qui luật phản phục trong triết học cổ phương Đông. Hàng triệu vòng Ngũ Hành ấy lồng ghép vào nhau tạo nên sự luân chuyển vô cùng của vũ trụ.
Để vận dụng phép phân tích Ngũ Hành vào thực tế cuộc sống thì phải tập phân tích từ các bài toán nhỏ. Đến lúc nào đó chúng ta sẽ ngộ ra cái qui luật bất biến của Ngũ Hành. Khi đó có thể ung dung với sự luân chuyển phi thường của vũ trụ. Người quân tử, một khi nắm được Ngũ Hành có thể biết tiến lui nhịp nhàng, mang cái ý chí cá nhân của mình tham dự vào cái vận hành vô biên của trời đất.
Ngày nay, người dùng Ngũ Hành ngày càng ít. Có chăng để cưới hỏi, xây nhà, ma chay, ... Những nghiên cứu nghiêm túc về Ngũ Hành chưa nhiều. Nhưng chắc chắn rằng nghiên cứu Ngũ Hành rất có ích trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt trong các bài toán vĩ mô, khó tìm lời giải tổng quát.
Vì vậy ở qui mô quốc gia rất nên thành lập một Viện nghiên cứu về Ngũ Hành, tập hợp các nhân tài để tìm ra sách lược cũng như chiến lược cho sự phát triển, của từng ngành, từng địa phương, của cả nước nữa.
Trên đây chỉ là khai phá vài bước đơn giản về Ngũ Hành, đặc biệt chú trọng đề cập tới việc tích KIM. Tích KIM chỉ dựa vào cần cù và bền bỉ, ai cũng làm được. Nhưng khai Thủy và sinh Mộc thuộc về nghệ thuật. Vì đó là sáng tạo cái mới. Những thảo luận tiếp theo về nghệ thuật khai Thủy, sinh Mộc và điều hành sự phát triển ổn định bền vững của Hỏa chúng tôi sẽ bàn trong các tập sau.
Cái tinh tuý uyên thâm của Ngũ Hành còn rất nhiều, nằm trong mối quan hệ của các hành với thời gian. Cần phải kết hợp với Dịch học để hiểu thấu sự vận hành theo thời gian của Ngũ Hành nữa.
Cuối cùng, nghiên cứu Ngũ Hành là nghiên cứu qui luật vận động của tự nhiên và xã hội. Nhờ Ngũ Hành để biết cái đang xảy ra, cái sắp đến, cho nên người nghiên cứu Ngũ Hành có thái độ khách quan. Mọi đánh giá, nhận xét của người nghiên cứu Ngũ Hành phải hết sức vô tư. Nếu người nghiên cứu mà đem lòng tây vị thì kết quả nghiên cứu không còn chuẩn nữa. Vì vậy, phải luôn giữ thái độ nói thật. Nếu kết quả nghiên cứu chưa đúng thì phải chỉnh sửa và tự nhận mình còn non nớt.
Để kết thúc, chúng tôi xin chép lại đây câu đối treo trong Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh tại An Toàn Khu (ATK) Tỉn Keo huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên như sau:
THU HẾT TINH HOA THẾ GIAN LẠI
XÂY CAO VĂN HIẾN NƯỚC NON NÀY
Trang: 7/7 « ... 4 5 6 7
Nguồn: Tác giả cung cấp
Số lượt đọc: 26661 - Cập nhật lần cuối: 16/06/2008 06:14:00 PM
Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang
Trao đổi/Nhận xét Tổng số: 8
Đánh giá
Dương NGọc Toàn - Email: [email protected] (27/09/2009 02:53:37 PM)
Âm dương ngũ hành là một biểu tượng cho các đối tượng VD như trai - gái; cứng - mềm; nóng- lạnh; vuông - tròn, , hoả là lửa, thủy là nước , đất là thổ vv.v.v.
Âm dương ngũ hành được con người áp dụng vào đời sống từ hàng ngàn năm nay ở TQ và VN VD như các cuốn sách " Kinh dịch"; " Chu dịch" vv.vv Ở đó đã nói lên rất rõ về quy luật của ngũ hành: Trong âm có dương và trong dương có âm, chúng luôn luôn biến dịch không ngừng; KIm sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc; mộc sinh hoả vv.vv NHưng để mọi đối tượng trong vũ trụ luôn được cân bằng thì đòi hỏi quy luật sinh, khắc cũng luôn phải cân bằng. VD thuỷ sinh mộc, nhưng nếu thuỷ mạnh quá thì khiến cho mộc bị đui chột và mộc mạnh quá thì cùng khiến thủy bị đui chột; Hoả khắc kim, nhưng nếu hoả yếu thì cũng không thể khắc được kim vv.vv.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì con người sinh ra bởi 4 yếu tố( Đất, nước, lửa và gió) chứ không hề nói như các sách của các phái trong đó có các sách về ngũ hành là sinh ra vào toạ đọ thời gian nào và toạ độ không gian nào? có nghĩa là giờ, ngày, tháng năm sinh đều nằm vào một toạ độ nhất định của thời gian và không gian mà trong đó đều được biểu tượng bởi ngũ hành ( Kim, mộc ,thuỷ....) Và nếu các hành này trong các thông tin về ngày tháng năm sinh của con người được cân bằng thì có nghĩa là cuộc đời của người đó tương đối cân bằng ( Tốt). Tương tự như vậy trong vũ trụ và trong bất kể đối tượng nào, cũng đều nằm trong quy luật này. TRong khi tôi thấy tác giả đặt vấn đề triền miên , không có tính thuyết phục và không có cơ sở VD như " Tích kim" , " Phát hoả", " Về thổ" . Nói như vậy có nghĩa là nó là một sự cố định của các hành nào đó, mà cụ thể là tác giả nói từ " Tích kim" . Trong khi ngũ hành là luôn luôn biến đổi và không dừng lại ở bất cứ đối tượng nào và không có điểm xuất phát cùng như không có điểm dừng của bất cứ hành nào mà nó chỉ là đối tượng đã,đangvà sẽ được mang một biểu tượng của ngũ hành với một hành hoặc những hành nào đó mà thôi.
Từ đầu cuốn sách cho đến kết luận tôi chỉ thấy rất nhiều từ "tích kim" và cuối cùng cũng chỉ là một sự gán ghép mơ hồ , không có cơ sở và cũng chẳng áp dụng được một chút nào quy luật của ngũ hành vào đời sống ,vào khoa học như tiêu đề của cuốn sách, thậm chí tác giả còn bóp méo tính chất và ép buộc nó đi sai quy luật như " Ngũ hành ngược". Ngược là gì ? Trong khi bản chất của nó đã có quy luật như trong bất cứ vật thể nào đang tồn tại trong vũ trụ chứ nó đâu có ý thức như con người mà tự nó đi ngược lại được ? Nếu tác giả có ý đồ đưa ngũ hành vào khoa học thì cái được của nó phải đem lại lợi ích cho người đọc chứ!
Liệu độc giả có hiểu và áp dụng được ý đô của tác giả không hay là chỉ nhận được một điều tuỳ theo hiểu biết của mỗi người đối với cuốn sách để người thì đánh giá " ÔNg này giỏi thật" Người thì đánh giá ngược lại và có nhiều người cũng chẳng hiểu gì cả. Còn tôi tôi nhận thấy tác giả đang muốn t hể hiện một sự hiểu biết về ngũ hành cho mọi ngươi trên một cái gọi là" tác phẩm" với một sự còn vô cùng rỗng trong nhận thức về bản chất của ngũ hành. Những ai đã đọc thì sẽ thấy một thực tế xuyên suốt là : Nếu tác gỉa không đưa ngũ hành vào tác phẩm thì có lẽ tác phẩm sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Như vậy nó giống như một bức tranh đẹp đang được tác giả bắt chiếc một hoạ sỹ khác tô thêm một số nét và màu sắc khác trong khi anh ta chẳng hiểu mục đích và bản chất của nét vẽ và màu sắc mình thêm vào đó để làm gì ?!. Thật đáng tiếc !
Xin cảm ơn
Đạo Trường hiểu nhầm khá nhiều
Chau Tuan - Email: [email protected] (21/09/2009 08:28:26 AM)
Tôi đã đọc nhiều phản biện và góp ý của Đạo Trường. Trước hết, ông đã hiểu nhầm công thức toán học về độ đo văn hoá. Công thức ấy là hàm số mũ, không phải phép nhân. Lẽ ra, tác giả nên viết:
Độ đo văn hoá = (tích luỹ) mũ (trình diễn)
hay W = X exp (t)
thì Đạo Trường không hiểu nhầm.
Phép nhân là một phép toán tuyến tính, cho tư duy thẳng, một chiều. Phép luỹ thừa (hàm số mũ) là phép toán phi tuyến, làm cơ sở cho các tư duy mềm dẻo, và cũng là cơ sở toán học quan trong nhất để thiết kế các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, Đạo Trường đã nhìn nhận thô khái niệm tích tản. Thực chất, khối lượng tích tản trong một đơn vị thời gian ít khi cân bằng. Nếu tích nhiều mà tản ít thì thuộc hành Kim. Chẳng hạn, trong quá trình kiến tạo trái đất có sự hình thành các mỏ dầu, quá trình đó thuộc Kim, chủ yếu là tích. Quá trình khai thác các mỏ dầu thuộc Thuỷ (sở khởi, thế kỷ 19), sau đó sang Mộc (dầu mỏ tìm thấy các ứng dụng mới như thắp sáng, chạy xe,..., khoảng đầu thế kỷ 20) và sang Hoả (khai thác tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng chế biến, từ giữa thế kỷ 20 đến nay). Các quá trình này tản nhiều hơn tích.
Việc gán Ngũ Hành cho các giai đoạn của vận động chỉ là một cách tư duy biểu tượng. Tất nhiên, mỗi người có quyền tư duy theo phong cách riêng của mình. Ngũ hành không ép buộc ai phải theo nó. Ai có duyên thì tìm thấy ở Ngũ Hành một mối tương hợp, thế thôi. Còn nhất định Ngũ hành không "phản động" như Đạo Trường đã viết.
Với NGŨ HÀNH chúng ta dễ trở thành con người VÔ VĂN HOÁ
Đạo Trường - Email: [email protected] (24/08/2009 07:22:56 AM)
Nguyên nhân: Ngũ Hành làm ta hiểu mù mờ về văn hoá cho nên dẫn đến những sai lầm cơ bản khi cảm nhận và đánh giá về văn hoá.
Để chứng minh nhận định này chúng ta hãy cùng nhau phân tích tư duy của tác giả:
1/ Tác giả định nghĩa "văn hoá là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục", ngụ ý theo ngũ hành thì " văn hoá là quá trình tích và tản liên tục". Cắt một hay vài bước trong một thể thống nhất tiến trình vận động Ngũ hành để làm tiêu chuẩn xác định một tồn tại là hành động ngớ ngẩn. Để cho đơn giản xin xét ví dụ: các nhà triết học theo Tứ Hành ( Sinh già bệnh chết ) định nghĩa văn hoá là Sinh.
Ngũ hành mơ hồ nên làm tác giả mơ hồ theo, xác định bâng quơ " Hấp thụ" và "trình diễn" không hiểu hấp thụ và trình diễn cái gì. Trong thế giới này, sự vật hiện tượng nào cũng vận động và luôn chứa đựng tích tản trong tiến trình vận động ấy. Như thế, căn cứ theo định nghĩa của tác giả trên đời này không có gì là không văn hoá. Một người uống nước vào rồi toát mồ hôi ra là người có văn hoá hay sao? Một giám đốc đi lãnh tiền về rồi sài tiền vào việc mua máy móc là văn hoá hay sao? một người mẹ cứ liên tục thụ thai rồi sanh con bầy đàn là văn hoá hay sao?
Sai lầm cơ bản của tác giả là lấy tính chất chung của thế giới làm căn cứ xác định, định nghĩa một tồn tại riêng biệt. Ngũ Hành ngắt tích và tản ra làm hai giai đoạn để xem xét một tiến trình vận động là một hành động siêu hình, mất biện chứng.
Sự xem xét một cách siêu hình của Ngũ Hành rất có hại cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu trong thời đại ngày nay. Ví dụ ngũ hành cho ta suy nghĩ "Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa". Học tập như thế khó mà giỏi được vì đã thiếu hai bước quan trọng: a/đồng thời phải loại bỏ (Tản) kiến thức đã lạc hậu vào hư không,b/ sau khi "tích" và trước khi "tản" phải có một quá trình tư duy sâu sắc trong đầu của ta ( Không thuộc bước tích hay tản của ngũ hành) đó là bước quyết định cho sự phát sinh sáng tạo. Phân tích sâu hơn ý tưởng trên của tác giả, ta sẽ thấy tác giả đã xác định học tập là quá trình văn hoá - tác giả mù mờ về tiếp thu văn hoá và việc trau dồi tri thức , mù mờ giữa văn hoá và trình độ, mù mờ giữa văn hoá và văn minh, mù mờ giữa văn hoá và kinh tế, văn hoá và chiến tranh...
2/ Sai lầm cơ bản về khái niệm "Độ Đo Văn Hoá". Dùng khái niệm độ đo văn hoá của tác giả sẽ dẫn ta đến việc đánh giá sai lầm về văn hoá, từ đó sẽ sai lầm trong việc quyết định tiếp thu hay loại bỏ một hiện tượng, trào lưu, nền văn hoá. Như vậy , chúng ta sẽ có lúc trở thành người vô văn hoá mà không hay:
- Việc "đo lường" có bản chất là sự so sánh ( so sánh một đặc tính nào đó của một tồn tại với một vật được chọn ra làm chuẩn mẫu). Như vậy phải khái niệm, định nghĩa được tồn tại đó là gì rồi ta mới có thể mang ra đo lường. Tác giả không xác định được cụ thể văn hoá là gì cho nên đã xác định cách đo lường cho một tồn tại mơ hồ mang tên văn hoá. Một tồn tại mang hàng tỷ đặc tính nên ta có thể đo lường hàng tỷ tham số. Vậy trong thực hành người ta phải chọn những đặc tính chuyên biệt của đối tượng nhưng phải quan trọng và hữu ích cho đời sống con người để đo đạc. Đặc tính vận động, tích tản là đặc tính chung của mọi sự vật hiện tượng, không chuyên biệt cho văn hoá. do đó chỉ đo ( khảo sát) " quan hệ tương đối giữa trình diễn và hấp thụ theo phép tính luỹ thừa" sẽ cho một cái nhìn cực kỳ mơ hồ và phiến diện về văn hoá.
- Công thức W = x t. Với W là độ đo trình độ văn hóa. Tác giả cho biết ta xác định được W khi biết được x và t. thế nhưng điều này không khả thi trên thực tiễn. chúng ta không bao giờ xác định được x và t vì chúng là những biến số mơ hồ: a/ "x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường...." ta vô phương xác định được " tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa" dù chỉ là rất tương đối. b/ " t là kết quả trình diễn...". như vậy t cũng là biến số mơ hồ nốt, không thể xác định chính xác được. "Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải "khả hấp". Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t" - như vậy t đã không phải là yếu tố nội tại của cái " văn hoá " mà ta đang đo lường. giá trị t bị chi phối bởi yếu tố ngoại lai là khả năng hấp thụ bởi cá thể khác. Như vậy t càng không thể xác định được. Xét ví dụ thực tiễn: nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc lỗi lạc châu Âu là kém văn hoá hơn Cải lương của VN hay sao? bởi vì rất ít người VN hấp thụ cảm nhận được nhạc cổ điển . có người khác vặn lại: " độ khả hấp nhạc cổ điển của dân VN là rất lớn, tuy rằng tôi không biết lớn đó là cỡ nào"...tất cả lý lẽ tranh luận là một mớ mơ hồ.
3/ Chúng ta xem xét cụ thể vài nhận định của tác giả để thấy quan niệm mù mờ về văn hoá và mức độ văn hoá sẽ kéo theo sai lầm trong đời sống như thế nào:
-"Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t =1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được". sai hoàn toàn, "im lặng" chính là trình diễn im lặng chứ không phải " chẳng trình diễn" như tác giả nhận định. Khi các bạn đi giao thiệp làm ăn, đi tâm sự chia sẻ với bạn bè, đi xem các hoạt động văn hoá.... thì tôi khuyên bạn hãy im lặng ( im lặng là vàng đấy), chăm chú hấp thụ, ít trình diễn thì chắc chắn bạn sẽ được mọi người cho rằng bạn là người lịch thiệp, rất có văn hoá. Sự không trình diễn của bạn đã làm chất văn hoá trong người bạn tăng cao hơn hàm lượng bạn có trước và đang hấp thụ.
- "Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t < 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm ": Vì định nghĩa văn hoá mù mờ cho nên khó mà xác định được cái gì là phản văn hoá hay là văn hoá, chuẩn mực xã hội sẽ không được xác định rõ ràng. Trong cuộc sống có nhiều người có hành vi phản văn hoá nhưng có tính khả hấp cao, tạo nên những trào lưu sống tiêu cực trong thế hệ trẻ, băng hoại xã hội thì độ đo văn hoá của những người đó có cao không?
- "Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ "khả hấp" cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao": Không hoàn toàn đúng. Ví dụ ở VN đã xảy ra vụ cô ca sĩ , chàng nhạc sĩ sáng tạo những phim đồi truỵ của bản thân rồi tung lên mạng, làm dân cư mạng hấp thụ tưng bừng ( độ khả hấp của tác phẩm của họ quá lớn ), rồi dân cư mạng lại trình diễn lối sống tự do tình dục, sống thử.... Theo công thức của tác giả thì tất cả họ đã đạt được Trình độ văn hoá rất cao?
- "Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới". Tác giả và mọi người VN không phân biệt được trình độ giáo dục, trình độ tri thức với trình độ văn hoá. Điều này do tác giả không phân biệt được văn hoá và tri thức.
- "Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn". Sai, cái nhìn phiến diện về cuộc sống. Tôi có Anh bạn trẻ tốt nghiệp Bác Sĩ ở VN nhưng anh ta bỏ ngành y từ lúc mới ra trường đi làm thương mại, có tiền anh ta làm từ thiện rất tích cực. anh ta không thích nghề y vì không muốn sống trên xương máu người bệnh và cũng không muốn gia đình khổ ải vì chỉ có những đồng lương tượng trưng. Một người khác là kỹ sư xây dựng nhưng đã bỏ nghề sau vài tháng cọ sát " chiến trường" vì không chấp nhận cuộc sống đầy toan tính và tiêu cực. Những người đó không hề có trình độ văn hoá thấp hơn bạn bè, trái lại bạn bè phải ngước lên mỏi cổ mới thấy đỉnh cao văn hoá của họ.
- "Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện". Lý luận xa rời cái công thức " Độ đo văn hoá" mà tác giả đã đề ra. Các bạn để ý kỹ sẽ thấy tác giả phân tích các ví dụ trên một cách không toán học - ông ta chú trọng khảo sát W bằng riêng t . Trong khi W = x.t chứng minh rằng W là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa x và t. Theo công thức W =x.t của tác giả thì nếu ông cán bộ tăng hấp thu (x) lên bao nhiêu lần rồi ông ấy sống tiêu cực để giảm kết quả trình diễn (t) xuống bấy nhiêu lần thì ông ấy có văn hoá không đổi? Một người hấp thụ được thật nhiều giá trị văn hoá thì có thể sống vô văn hoá không sao ( x tăng nhiều, t giảm ít hơn độ tăng của x làm cho W vẫn tăng )?
- Toán học là phương tiện để ta tiến dần đến cái cụ thể chính xác, thế nhưng công thức toán học của tác giả quá mơ hồ, làm cho khái niệm văn hoá của tác giả đã mù mờ rồi còn rối lên như mớ bòng bong. Tác giả không đạt được mong muốn ban đầu là đo lường độ văn hoá để giúp định nghĩa văn hoá. Tôi có thể thông cảm chuyện này vì tác giả đã thừa nhận: "Chúng tôi tạm diễn tả (có thể là khiên cưỡng) độ đo văn hóa theo toán học". Nhưng không thể thông cảm và chấp nhận cái lối tư duy, cái nhận thức mù mờ dẫn đến định nghĩa và thước đo văn hoá mù mờ không khả thi không hữu dụng như vậy. Và điều tôi muốn nói là NGŨ HÀNH QUÁ LẠC HẬU VÀ TRỞ THÀNH PHẢN ĐỘNG CHO CHÚNG TA VÌ NÓ TẠO CHO CHÚNG TA LỐI TƯ DUY MÙ MỜ PHIẾN DIỆN. CHÚNG TA NGỢI CA NGŨ HÀNH LÀ CHÚNG TA ĐANG VÔ TÌNH CHIA SẺ KIẾN THỨC LẠC HẬU CHO MỌI NGƯỜI.
4/ Còn nhiều chuyện, đụng vào ý tưởng nào cũng có chỗ cần xem xét lại để loại bỏ kiến thức mơ hồ lạc hậu: Tinh hoa văn hoá VN, mối quan hệ văn hoá - ngũ hành, mối quan hệ văn hoá kinh tế, ngũ hành và khoa học, ngũ hành và y học, ngũ hành và kinh tế, .....nhưng dài dòng quá rồi xin tạm khép tại đây.
THAY LỜI KẾT: Tôi biết phản biện với những bài trình bày về thuyết Ngũ Hành là phản biện với một tập thể trí thức đầu ngành vật lý Việt Nam. Phản biện của tôi xuất phát từ tấm lòng xây dựng theo quan điểm của chungta.com : chia sẻ tri thức, cùng nhau phát triển sự nghiệp.
Tôi thấy rằng các quý vị có nhận thức sai lầm về Ngũ Hành, ngợi ca quá đáng về một kiến thức khoa học đơn sơ và lạc hậu. Triết lý ngũ hành làm cho tư duy con người bị mắc lỗi nhiều, trở nên mơ hồ và xa rời thực tế, có hại cho thế hệ trẻ . Tôi e rằng các quý vị đang vô tình chia sẻ tri thức lạc hậu cho mọi người. Có thể ý phản biện của tôi có chỗ không đúng, đặc biệt là không làm vui lòng các tác giả
. Nhưng tôi mong rằng chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm với những gì mình đã viết và với xã hội. Cần tranh luận khoa học khách quan, vì chỉ qua tranh luận nghiêm túc đến nơi đến chốn mới giúp chúng ta rút ra được những tri thức đúng đắn nhất.
Chân thành cám ơn chungta.com và các bạn.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Đạo Trường - Email: [email protected] (08/08/2009 09:20:44 AM)
Chúng ta dư thông mình, dôi lý luận, thừa logic, quá học hỏi.
Chúng ta nhầm lẫn thê thảm ở điểm này: chúng ta nghĩ thế là hay, chúng ta tự hào về chuyện đó.
Đức Phật cho biết: sự thật thì dư thông minh, dôi lý luận thừa logic, quá học hỏi là một tai hoạ. Bởi vì sự quá, dư, dôi thừa cũng có ý nghĩa như không có, thiếu, hụt... làm cho một sự tồn tại của tinh thần trở nên rối rắm, mất ý nghĩa ban đầu của nó. Với trí thông minh bị rối rắm như thế thì sẽ không làm được cái gì đáng kể.
Chúng ta loay hoay đã xây xẩm mặt mày lắm rồi đấy, nhưng vì thiếu trình độ nên vẫn chưa tìm ra được đầu mối của thông minh và những đoạn dư cần cắt.
Chúng ta nhầm lẫn ở đâu?
Văn Thành - Email: [email protected] (20/05/2009 02:45:21 PM)
Người Việt Nam chúng ta thông minh và thật sự là rất thông minh?
Chúng ta toàn đi vào lý giải, biện minh những vấn đề khó nhất thâm sâu nhất trong nhận thức của nhân loại nào là các vấn đề tâm linh, âm dương ngũ hành, triết học Đông triết học Tây.
Nhưng thử hỏi có mấy ai trong số chúng ta trở thành 1 trong số các nhà : nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà phát minh... được thế giới công nhận có đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại?
Đất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển để thực hiện" dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh", tất cả những ai mang tư duy, nhận thức của mình hoạt động tích cực thúc đẩy tiến trinh đó đều khiến tôi khâm phục! CÒN BẠN THÌ SAO?
Tôi nghĩ thật sự chúng ta chưa biết bản thân chúng ta là ai?
THẬT SỰ CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN Ở ĐÂU?
Rất cảm ơn tác giả về bài viết.
Đánh giá
Binh Dinh - Email: [email protected] (28/04/2009 03:42:02 PM)
Bài viết rất tổng quan, dễ hiểu, rất hay!
Xin cảm ơn nhiều.
Cảm ơn tác giả
nhung - Email: [email protected] (16/04/2009 07:46:34 PM)
Tôi là một sinh viên khối ngành chính trị, đã được học nhiều về lý thuyết ngũ hành nhưng khi đọc bài nay tôi mới thực sự hiểu sâu sắc và thấy được giá trị thực tiễn của thuyết ngũ hành.
Rất cảm ơn tác giả.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro