Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ngủ dưới vòm cây 2

2. Chích chòe và hoa sao - Cái cây giữa đồng - Tình yêu của người mất trí

Năm mười sáu tuổi, đang học lớp 11, tôi đi học vẽ để thi vào Kiến Trúc. Lần đầu tiên đến căn nhà cuối con hẻm vàng màu hoa mai cũng là lần đầu tiên tôi gặp Diệp. Diệp không đến để học. Cô làm người mẫu cho lớp hình họa mà phải mất cả năm tôi mới học đến. Tôi chỉ vẽ Diệp được có một lần, và bức họa ấy tệ đến mức tôi đã không thể nào chấp nhận nhìn vào nó đến lần thứ hai.

Cũng nhờ lấy vẽ Diệp làm động lực mà tôi mới có thể bám trụ vào việc học hành ở căn gác ấy lâu đến như thế. Tôi từ nhỏ vốn là một đứa ham chơi và được phú cho nhiều tài lẻ để chơi hơn là để học hành đàng hoàng. Thơ, ca, nhạc, họa... mỗi thứ tôi biết một ít, tuy chẳng đâu đến đâu. Cái ý nghĩ muốn vào Kiến Trúc cũng chỉ đến trong một buổi trưa nằm vắt vẻo trên chạc cây ngắm mây trời. Không phải tôi không có hoạch định gì cho tương lai, chẳng qua mọi thứ đã qúa rõ ràng đến mức tôi có hoạch định gì thì cũng chẳng ăn thua. Gia đình tôi là tư sản lâu đời ở miền Nam này, thế lực lớn đến mức sau năm 75 chúng tôi vẫn có thể bảo toàn tài sản của mình và phất lên sau mở cửa như diều gặp gió. Mang danh là một thằng bé nhà giàu, tôi thường mường tượng cuộc đời mình là một chuỗi ngày nối tiếp nhau vắt vẻo trên chạc cây và nghe kiến bò rúc rích dưới lưng. À, kiến, phải rồi, kiến. Kiến làm tôi nghĩ đến Kiến Trúc và mười cái hoa tay mà tôi vẫn dùng để vẽ vung vít những khi rảnh rỗi. Thế là tôi vác giấy bút đi học mà hoàn toàn chẳng có chút xíu ý niệm nghiêm túc nào trong đầu.

Cho nên, đừng hỏi tôi về căn gác gỗ kê mấy hàng ghế châu lưng vào nhau, hai bên tường đầy những mẫu vật thạch cao hay gạch gỗ, bóng tròn... hoặc những đứa học trò còng lưng hý hoáy trên giấy và bút chì, nheo mắt đo đo đạc đạc. Cái tôi nhớ chi tiết, rõ ràng nhất là những cái lồng chim líu ríu suốt ngày ngoài hiên, cái cầu thang tròn trông ra con hẻm vàng rực màu hoa mai, phải rẽ hai khúc quanh mới ra đường lớn. Căn nhà ấy giống như một thế giới biệt lập hoàn toàn với thành phố ồn ào bên ngoài. Mà cũng không giống như vẻ u tịch của ngôi nhà ông bà tôi, nó là một thế giới tươi sáng, trong veo, bao giờ cũng thơm thơm mùi phấn hoa trong nắng, rộn ràng tiếng chim hót. Và nhất là, ở đó có Diệp- cô búp bê xinh xắn đi giày gót nhọn. Những khi rảnh rỗi, không phải làm mẫu, Diệp lôi sách vở ra học dưới hàng hiên, vừa mút ly nước mía mua đầu hẻm vừa ghi chép, tính toán. Lớp học của tôi từ 1 đến 5 giờ chiều, nhưng tôi thường chỉ quấy qúa vẽ bài của mình đến chừng 3 giờ rưỡi rồi tót xuống ngồi cạnh Diệp. Mười cái hoa tay giúp tôi đắc lực trong việc rút ngắn thời gian mà chẳng khiến ông thầy mặt dài sọc hay nhăn nhó quát tháo kia phàn nàn.

Ở dưới đất cũng bày rất nhiều chậu cây. Bên cạnh chỗ Diệp thường ngồi là một cụm hoa sao- đó là do Diệp nói. Còn tôi chẳng quan tâm đến tên của cái loại hoa đủ màu hơi toe toét đó. Và tôi cũng sẽ không quan tâm nếu như chiều hôm ấy không có người đã ngồi lên chậu cây- nghĩa là, ngay cạnh Diệp. Tôi bên trái và hắn bên phải.

Hắn- nghĩa rằng đó là một thằng con trai. Một thằng con trai lớn hơn chúng tôi, nhưng mặc một bộ quần áo hầu như không khác gì tôi- áo thun đen với những hàng chữ trắng, quần jean và một cái đầu không thèm chải. Không nói không rằng, hắn từ trong nhà bước ra, ngồi xuống thành chậu hoa sao, nhìn xuống bàn tay Diệp đang đặt trên cuốn tập, rồi lại trông lên lồng chim chích chòe trên đầu. Sự hiện diện đó ngay lập tức làm thằng tôi mười sáu tuổi cảm thấy ngứa mũi.

Anh uống nước không? Diệp hỏi, đẩy ly nước mía của mình về phía hắn. Chỉ liếc nhìn qua, hắn lắc đầu. Hắn có khuôn mặt đẹp, đôi mắt đen huyền ấm và sắc dưới mái tóc lòa xòa qua trán. Trong màu xanh điểm xuyết chút sắc tươi roi rói của hoa lá, trông hắn có vẻ càng cô độc hơn, tựa như một cái cây giữa đồng cỏ.

Thầy vừa gọi điện bảo tối nay mới về được. Diệp vẫn kiên nhẫn nói với cái kẻ đến giờ vẫn chưa mở miệng ra này. Hắn lại gật đầu. Lần này thì hắn đứng dậy, đi loanh quanh con hẻm, quan sát những bụi hoa mai và ngắm nghía mây trời. Ở khoảng trống hắn vừa bỏ lại, hoa sao lại toe toét nở bung.

Anh ta là ai thế?

Bạn của thầy, nghe nói vậy. Cũng có lần anh ấy ngồi làm mẫu cho lớp hình họa. Anh ấy đẹp đấy chứ, phải không?

Diệp cười, quan sát hắn ta vẫn đứng lơ vơ trong nắng. Cái nhìn của cô khiến tôi cảm thấy nóng ran trong ngực.

Bộ anh ta cả ngày không cạy được một câu nói thế á?

Ừ, thì tính tình người ta là thế. Kể cũng tiếc. Giọng anh ấy hay lắm.

Tính tình gì mà kỳ quặc.

Nghe đâu sau khi người yêu đi mất thì anh ấy mới càng trầm lặng hơn. Tội ghê!

Chị ta đi đâu?

Lần trước em hỏi thì anh ấy nói: Chị ấy đi, quên mất đường về.

Mất trí à?

Ai biết được.

Mười sáu tuổi, tôi tin như đinh đóng cột rằng người con gái trong câu chuyện kia bị mất trí. Thế là từ cảm giác ghen ghét, tôi lại thấy tội nghiệp anh chàng kia. Anh ta đứng đó, một mình trong nắng, qủa là giống cái cây đứng trong đồng cỏ.

Mười mấy năm sau, tôi lại chẳng thể tin những thứ tôi đã từng tin như thế nữa. Tôi không bao giờ gặp lại anh chàng ấy, nhưng tôi gặp một cô gái mất trí, chẳng hiểu sao tôi lại tin rằng đó là người yêu của anh ta.

Chị ta là người quen của Thiên Thiên. Ngồi cạnh Thiên Thiên chải chuốt đỏm dáng, chị ta trông thanh thoát kiều diễm đến trong suốt với dáng điệu đơn giản, hầu như không điểm trang. Chân nhịp theo điệu nhạc, chị ta nhìn tôi, mỉm cười thay cho lời chào khi Thiên Thiên giới thiệu. Nụ cười đẹp đến mức tôi cũng phải cảm thấy tim mình giật nhẹ. Tất nhiên, chuyện đó không qua được mắt của Thiên Thiên.

Chị ấy đẹp há! Cô nàng nói trên đường về. Chiếc răng khểnh bên khóe miệng lóe lên đầy nguy hiểm tựa như hình tượng trong một cuốn truyện tranh.

Ờ. Tôi chẳng dại gì mà giả ngây. Một người phụ nữ đẹp là một người phụ nữ đẹp, tôi cũng chẳng cần phải giả mù để vờ vịt không nhận thấy.

Tiếc là không gặp lại được nữa. Giọng điệu của Thiên Thiên rất là khó đoán. Không giống như cô thăm dò tôi, mà cũng không hẳn là cô đang nói thật.

Sao vậy?

Chị ấy không nhớ được một con đường đến lần thứ hai đâu.

Tôi chợt nghĩ đến người thanh niên nhiều năm trước, trong lòng tràn ngập nghi ngờ.

Vậy mà tôi lại gặp chị ta, cùng một quán cà phề lần đầu tiên. Chị ta vẫn ngồi chỗ cũ, chân đong đưa theo điệu nhạc, như thể chưa bao giờ rời đi.

Tôi kể cho chị nghe về người thanh niên nọ. Chỉ thấy chị chớp mắt, ánh mắt hơi xao động như nắng trượt trên mặt hồ nước lặng.

Tự nhiên tôi cứ nghĩ chị biết anh ta.

Có thể chứ.

Chị ta chỉ cười. Nụ cười dịu dàng, không rõ buồn vui. Man mác như thể có một điều gì đã mất.

Chị quên đường thật à?

Đã từng có ai đợi cậu chưa?

Chị ta không trả lời câu hỏi của tôi. Chiều hôm ấy, nắng đã hanh vàng trên đường lộ, sau lớp kính mờ của qúan cà phê. Tôi nhớ về ngõ hẻm của nhiều năm trước mà chưa một lần quay lại bao giờ.

Có.

Cậu có quay lại không?

Không.

Tại sao?

Chắc hẳn cũng như chị, đã quên mất đường trở về rồi.

Chị ta cười theo tôi.

Thế này người ta gọi là phản bội phải không?

Có lẽ.

Nhưng chúng ta nhớ tất cả mọi thứ, chúng ta chỉ quên mất đường về thôi mà.

Thế thì chắc hẳn là mất trí. Chắc là có cái gì đó đã mất.

Ừ, có lẽ.

Lại cười. Nắng xon xót trên mi. Và khi chị ta đi rồi, tôi vẫn ngồi yên, dẫu biết rằng sẽ chẳng còn gặp lại chị lần thứ ba. Tôi không nói với chị rằng tôi cũng có một bức vẽ người thanh niên nọ. Nhưng nói để làm gì?

Giờ đây tôi có thể vẽ lại chân dung Diệp một cách chân xác và sống động hơn những buổi chiều hì hục bôi bôi xóa xóa năm mười bảy tuổi nhiều, nhưng cũng chẳng để làm gì nữa. Rất nhiều năm đã qua đi, và tôi đã không trở về con hẻm ấy lấy một lần. Diệp hẳn đã quên tôi rồi. Chẳng có gì để lưu luyến khi người ta mới mười sáu tuổi. Chỉ có tôi là nhớ mãi về bụi hoa sao và tiếng chim líu ríu, không hiểu vì sao.

Ắt hẳn có những điều chỉ có thể đến năm người ta mười sáu tuổi, và chẳng bao giờ quay lại được.

Hoa mai đã nở thật vàng trong năm ấy và năm sau nữa. Nắng đã chan trong cả những ngày trời u ám, như thế mặt trời đã trút hết hơi ấm vào khoảng gạch lát nhỏ nhoi. Và cả người thanh niên đã ngồi cùng chúng tôi chiều hôm ấy cũng nổi bật lên như một cành cây giữa đồng. Cảnh sắc ấy quấn quýt vào với nhau tựa như một bụi trường xuân trên bức tường tróc lở đủ màu vôi mốc hanh vàng nắng hoàng hôn.

Tôi vẫn nhớ về Diệp, mối tình đầu của tôi, với tình yêu của một người mất trí.

3. Hố chôn trong đất - Ra đi và ở lại - Tôi nghe lời hát của thiên thần

Anh biết cảm giác bị chôn trong đất không?

Tự nhiên có lần Thiên Thiên hỏi như thế. Không biết, nhưng anh biết cảm giác chôn kẻ khác, tôi định trả lời thế, nhưng không nói. Đó là bí mật. Một bí mật sâu kín và khủng khiếp. Bí mật của mẹ tôi- và cũng là của tôi, từ cái ngày tôi phát hiện ra nó trong cuốn nhật ký sâu dưới tầng hầm trong khu nhà cũ của ông bà.

Mẹ tôi đã chôn đi người anh em của tôi. Trong một đêm trời mịt mùng bão tố. Khi sinh linh ấy còn chưa kịp cất lên tiếng khóc chào đón hay vĩnh biệt cuộc đời.

Bí mật ấy ngay cả ba tôi cũng không biết. Và mẹ tôi cũng không bao giờ biết tôi đã phát hiện ra điều đó từ xấp giấy cũ mục nát năm tôi mười sáu tuổi. Mẹ tôi vĩnh viễn không biết rằng tôi hiểu được giọt nước mắt của bà có ý nghĩa gì khi xác em tôi được đưa về và bà đã thốt lên một lời duy nhất "Qủa báo!" trước khi vào chùa, không bao giờ bước ra khỏi nơi ấy nữa. Tôi chưa bao giờ nói ra, và tôi sẽ gánh lấy bí mật này suốt cả cuộc đời mình mà không một lần oán trách. Tôi chưa bao giờ oán trách mẹ tôi, ngay cả với tội lỗi lớn nhất của một người mẹ là giết chết con mình.

Lúc ấy, mẹ tôi đã không còn lựa chọn nào khác. Ông ngoại tôi đã mất trong trại cải tạo, để lại bà ngoại đang hấp hối và mẹ tôi ở trong ngôi trường một miền quê nước nổi xa lắc. Xác anh tôi hẳn đã trôi theo con nước mấy mùa lên xuống trong mấy chục năm, không thể tìm lại được nữa. Hoặc đã bị thú hoang tha đi ngay trong cái đêm mà mẹ tôi trở dạ bên bờ ruộng, trong bóng tối đặc quánh cô quạnh, chỉ có một mình. Cha của đứa con đã bỏ rơi bà. Quan hệ với một đứa con gái "ngụy" sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ sự nghiệp của ông ta. Mẹ tôi lúc đó chẳng có gì ngoài một mái gia đình nát vụn và một cái lý lịch in dấu đỏ. Ngay cả lý do tại sao lúc đó bà không đâm đầu xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy dưới bờ đất kia cũng là một điều thần kỳ.

Mẹ tôi đã ghi lại tên người đàn ông ấy trong nhật ký. Cái tên trùng với một vị lãnh đạo thành phố bây giờ, người mà hôm trước đã lên tiếng phê phán những kẻ "kích động hận thù cá nhân phá vỡ cuộc sống yên bình".

Với tôi, nỗi đau của mẹ lớn hơn cuộc sống yên bình của những kẻ ích kỷ đạo đức giả đã cố vùi dập và lãng quên qúa khứ ấy. Một sự đạo đức giả được xã hội đồng thuận và ca ngợi như nó đã luôn đồng thuận và ca ngợi.

Mẹ tôi không hận thù. Bà chỉ đau đớn. Suốt cả cuộc đời. Chỉ có một mình.

Tôi đã từng gặp người đàn ông có cái tên mà mẹ tôi ghi trong nhật ký. Tôi đã hỏi ông ta về một cái tên cũ, nhưng ông ta không nhớ, hay là không biết, hoặc là cố tình tỏ ra không biết. Tôi cũng chẳng thể nào xác định được, và thế là tôi chỉ im lặng. Và rồi tôi căm ghét tất cả những kẻ đạo đức giả, tất cả những gì có biểu hiện của thứ nhân danh cao qúy đáng buồn cười ấy.

Tôi yêu thích những người như Thiên Thiên. Người ta gọi cô là "cave của làng truyền hình", còn tôi thấy cô thành thực một cách đầy cợt nhạo và tàn nhẫn. Tôi biết cô đã từng ngủ với những kẻ đáng tuổi cha chú mình để tiến thân, Thiên Thiên cũng chẳng che giấu điều đó. Có một điều duy nhất mà không ai chạm vào được ở cô, đó là trái tim. Còn lại thì cô bất chấp.

Anh thì hiểu cái gì chứ? Một lần, trong lúc say, Thiên Thiên cười nhạo tôi. Anh có biết tại sao lúc mới vào nghề, cực nhục thế nào em vẫn phải đeo bám lấy không? Vì mẹ em đã đi khoe với tất cả làng trên xóm dưới rồi, lúc ấy mà quay lại thì thà chết sướng hơn.

Năm mười bảy tuổi, mẹ em một mình vào thành phố - Thiên Thiên rù rì kể, cô nằm gọn trong lòng tôi, mềm mại như một con mèo - Mẹ em muốn con cái mình được học hành, đổi đời. Ông ngoại không cho bà cái gì hết, chỉ có bà ngoại dúi vội cho mấy tấm vải màn làm băng vệ sinh. Mẹ em đã lập nghiệp từ hai bàn tay trắng như thế đó. Còn em từ nhỏ đã lớn lên ở lề đường thành phố này. Anh hiểu thế nào là cực, là nhục chứ? Những thứ đó là vật chất hữu hình, chạm vào được đấy.

Anh chẳng hiểu gì hết. Không gì hết!

Thiên Thiên cứ nói, còn tôi cứ im lặng. Như cách mà tôi đã đối mặt với mẹ, với nỗi đau của bà. Khi cô ngủ say, tôi vẫn ôm cô, và nghĩ tới khu vườn xanh bóng cây của ngôi nhà cũ. Dưới lớp đất của nó là một bí mật đã bị tôi hóa kiếp thành tàn tro vào ngày hè năm tôi mười sáu tuổi. Sẽ vĩnh viễn không ai biết được nó. Nếu nó sẽ bị những kẻ đạo đức giả trên thế giới này bôi bẩn, thì thà chính tay tôi hủy hoại tất cả dấu tích còn lại của qúa khứ. Ngay cả dấu tích ấy là cái xác còn lại của người anh em ruột thịt, tôi cũng sẽ làm.

Đó là suy nghĩ của tôi năm mười sáu tuổi. Còn giờ đây, tôi hiểu rằng chẳng có gì xóa đi được những điều đã thực sự xảy ra. Sự thẳng thắn của Thiên Thiên cũng là một cách mà cô tàn ác với chính bản thân mình.

Anh biết cảm giác bị chôn trong đất không?

Không biết, nhưng tôi đã từng mơ. Một tháng sau cái ngày mà tôi thảy cuốn nhật ký của mẹ vào đám lửa dưới gốc xoài, tôi đã mơ thấy vùng nước nổi mà mẹ từng nhắc đến. Trong cái nắng trưa hanh gắt, mồ hôi tôi chảy đầm đìa ướt lưng áo, trong khi người tôi run lên bần bật. Tôi đã cảm thấy đất dưới lưng tôi rung lên từng đợt, mùi mạt cưa và bùn lành lạnh len vào phổi như làm nghẹn tắc cả hơi thở.

Ngày hôm ấy, tôi đã bị chôn sống dưới bóng cây. Trong cái lạnh đến mức không thể khóc hét lên được. Tôi đã nhìn thấy nước lên đỏ đục, tiếng rì rào của nước cuốn đi trên đất. Nhưng tôi không thể cảm thấy nó chạm vào tôi. Tôi nằm đó, lặng yên và mất dần cảm giác của mình.

Rồi tôi nghe tiếng hát. Nhiều năm sau này, tôi gọi đó là tiếng hát của những thiên thần. Cái tên thật đẹp cho điệu nhạc cầu hồn khủng khiếp nhất trần gian. Giọng hát bởi những cổ họng non nớt tàn hơi được đệm bởi tiếng kẽo kẹt như khớp gỗ, không biết đến từ đâu. Nó là một chuỗi ê a kéo dài, dai dẳng và ám ảnh. Nó là lời kêu cứu cuối cùng của những linh hồn chưa bao giờ được chạm mặt trần gian. Là những bàn tay bám víu đập vào mạn thuyền trong cơn sóng lũ đang dâng. Là cái móng tay cào một lần cuối vào da thịt. Là tiếng lấc khấc trong cổ họng của đứa trẻ không khóc. Là tiếng gió thổi mải miết qua những gốc rạ đẫm sương đêm.

Tôi đã nghe tất cả thanh âm ấy khi bị chôn sống trong nắng hè.

Diệp đã cứu tôi khi lay tôi tỉnh dậy. Bàn tay cô là thứ duy nhất ấm áp trong ngày hôm đó. Tôi đã nắm lấy bàn tay ấy, run lên không thể kiểm soát nổi.

Anh lại mơ thấy đất à?

Không. Giấc mơ của tàn tro.

Tôi không bao giờ giải thích cho Diệp. Đó là bí mật của riêng tôi. Bí mật của mẹ tôi. Tôi sẽ đem nó xuống đáy mộ và đất sẽ giữ lấy nó, không bao giờ kể ra cho bất cứ ai. Không ai được biết về nỗi đau ấy. Không một ai.

Có lúc, tôi đã tự hỏi, nếu hôm ấy Diệp không tới thì tôi sẽ ra sao?

Em tôi đã chết trong một lần sốc thuốc, khi đang nằm dưới gốc cây ấy. Nó ra đi vì những viên thuốc quái qủy kia hay là vì những bàn tay của tàn tro đã từng nắm lấy tôi? Câu hỏi đó cũng là một bí mật khác của tôi, chỉ của riêng mình tôi.

Mẹ tôi đã phải trả giá. Tôi cũng phải trả giá. Nhưng kẻ đáng lẽ phải gánh chịu tất cả lại quên chúng tôi rồi. Những bàn tay của tàn tro chỉ nắm được một sinh mạng vô tội và vô tri nhất là đứa em tôi. Những bàn tay của ký ức chỉ nắm được tôi và mẹ. Những bàn tay của số phận chỉ dập vùi được Thiên Thiên.

Bàn tay của Diệp chỉ chìa ra với tôi một lần vào buổi trưa hôm ấy. Trong thăm thẳm màu đất và tiếng hát của thiên thần.

Thiên thần yếu đuối chưa từng được bật lên tiếng khóc. Biết bám víu vào đâu?

Tôi đốt thiên thần thành tàn tro. Dưới tán cây tròn.

Tôi ôm Thiên Thiên trong tay như ôm lấy những tàn tro rát bỏng.

4. Chong chóng giấy màu trắng - Cầu thang tối - Giấc mơ kẹo ngọt

Một chiều chủ nhật, Thiên Thiên đưa tôi lên căn hộ cũ của gia đình cô- căn phòng mười hai mét vuông trên tầng 5 một khu chung cư cũ kỹ, đã từng là nơi ở của năm người chen chúc nhau. Đi theo sau cô, tôi vừa bước vừa dò dẫm trong khu cầu thang tối mờ mờ, hầu như đen đặc ở những tầng giữa, nơi mà ánh sáng không hắt đến được. Khu nhà có mùi rất lạ, oi oi như bùn ngâm lâu dưới đáy nước. Tay nắm của cầu thang bằng gỗ, trơn nhờn, ghê ghê tay khi chạm vào trong bóng tối.

Coi vậy chứ khu này không dơ bẩn đâu nhé. - Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Thiên Thiên chợt lên tiếng. Gót giày cô vẫn gõ đều đặn xuống bậc thang gạch. - Mỗi tuần cả khu đều có buổi lau dọn, xối nước ào ào khắp nơi. Nhưng mà đó cũng là chuyện lâu rồi, chẳng biết bây giờ còn làm nữa không...

Câu cuối cùng, Thiên Thiên nói với cái nhún vai nhẹ, rất mơ hồ. Giọng của cô cũng y như thể đang nói với tôi về lịch sử khu nhà này. Đây là khu văn phòng của chính quyền cũ được trưng dụng lại làm nhà ở. Anh có thấy những cửa thang máy hay kết cấu của sân và những khu biệt lập không? Giá mà được chiếu đèn, lắp kính lại thì hẳn sẽ đẹp lắm đấy, nhưng thay vào đó thì người ta lắp dây điện, dẫn ống nước, đục chỗ này một tí, chỗ kia một tí để thành chỗ ở. Bên ngoài nhìn vào, khu nhà này giống hệt như một cái tổ qụa được kết bằng khối hộp đen xì, rào lại mấy vòng bằng đai sắt, lởm chởm dây điện và ang-ten, có cả một bãi rác nho nhỏ đằng trước. Ai mà nghĩ đây đã từng và có thể là một nơi rất đẹp?

Hồi nhỏ em thường lê la ở đây này!- Thiên Thiên dừng lại trên khoảng sân ở lầu bốn, dang hai tay trước cái hố sâu tạo bởi cầu thang uốn quanh. Cầu thang rộng và dài, nhiều gấp khúc, vừa hao tốn sức lực của người đi vừa tạo ra một cái giếng sâu hút ngay giữa khu nhà. Gần lên tới tầng trên cùng, ánh sáng hất xuống càng rõ rệt hơn, làm cái giếng trời ấy trở nên sâu lại, tối đen. Tôi có thể thấy cái bóng lờ mờ của hàng rào sắt chăng ngang tầng trệt, che bên trên tầng hầm chứa nước cho khu nhà, khoảng đất ấy bao giờ cũng lõng bõng bùn.

Em xé giấy gấp chong chóng thả xuống dưới. Mỗi lượt chừng chục cái một. Chúng xoay tròn, xoay tròn trắng xóa. Hồi ấy em nghĩ chúng giống như bông tuyết.

Vì không biết nói gì, tôi ậm ừ im lặng. Tôi không có cách nào hình dung ra những gì Thiên Thiên đang mô tả, cũng như không thể hiểu được niềm vui ánh lên trong đôi mắt cô. Thiên Thiên đang mỉm cười một mình. Bên cạnh cô, đầu cầu thang tròn bằng gỗ được điêu khắc tinh xảo bệch bạc đi trong nắng như thể bị phủ lên một lớp đất trắng. Đặt bàn tay lên đấy, Thiên Thiên nhẹ nhàng xoay một vòng trên đôi giày cao, quay lưng leo lên nốt tầng lầu. Những móng tay sơn đỏ óng ánh như ngọc sa tuyến, hắt lại trong mắt tôi ánh sáng cuối cùng của nắng.

Mỗi buổi em ngồi đây, cầu thang và cả mành lưới phía dưới ấy trắng xóa giấy. Thiên Thiên nói như độc thoại. Tôi chợt nhớ ra rằng cô mới hai mươi bốn tuổi. Hai mươi bốn tuổi, người ta còn lưu giữ rất nhiều ký ức.

Đã từng có người rơi xuống đây, may mà có cái lưới phía dưới đỡ được. Thiên Thiên lại chợt đổi giọng. Cậu ta hơn em có hai tuổi thôi. Sau lần đó thì cậu ta bị ngớ ngẩn.

Dựa lưng vào thành cầu thang, Thiên Thiên hơi nghiêng mình ra phía sau, nửa thân trên của cô ngả trên khoảng trống hút sâu xuống bóng tối mờ mờ phía dưới. Có nhiều lần em nghĩ, rơi xuống đó thì có cảm giác gì nhỉ? Có giống như những cái chong chóng trắng xoay tròn hay không?

Chong chóng không có cảm giác như người. Tôi nhắc, Thiên Thiên cười mũi.

Còn anh thì đâu có hiểu cảm giác rơi xuống, nhỉ? Không chỉ có chong chóng giấy, em còn thổi bong bóng xà phòng, hắt nước, phóng máy bay... đủ thứ trò. Cái hố này là thứ chơi đùa duy nhất của em đấy. Thả mọi thứ, rồi chúng sáng trắng lên, thẩn thơ lất phất rơi xuống khoảng tối đen bên dưới này, rất là vui...

Thân hình Thiên Thiên lúc này đã ngả một góc 45 độ so với cái lan can. Cô đong đưa chân, mỉm cười vu vơ nhìn lên trần nhà xám, mạng nhện giăng đây đó. Tôi chợt nghĩ, có thể, cái tầng cao này là thiên đường của riêng cô, được dẫn lên bằng những tầng mây đầy mùi bùn, lơ lửng nằm giữa đất và trời cao. Ở đó, cô đã mặc sức chơi đùa với những ánh nắng và bông tuyết trong thế giới hình vuông tròn trịa nhỏ bé của mình. Một thiên đường nắng lờ đờ và hanh hao bóng tối. Một thiên đường hun hút và lặng yên hơi lạnh của đá, âm vang quẩn quanh tiếng động như vọng lại từ một cõi rất xa xôi.

Cũng như thiên đường của tôi là một tán cây tròn và cái cầu thang xoắn, thiên đường của Thiên Thiên là một hố sâu hình vuông phủ nắng nhạt. Chẳng biết nơi nào tốt hơn nơi nào. Chẳng biết nơi nào đẹp hơn nơi nào.

Em có thích truyện cổ tích không?

Tự nhiên tôi hỏi khi đã vào căn phòng cũ của gia đình Thiên Thiên. Căn phòng trống, chẳng còn gì ngoài một vài cái hộp cactông vứt trong góc. Gió lồng lộng thổi vào từ cửa sổ lắp song sắt nhìn ra khoảng trống trên mái nhà kho sau cảng. Từ đây nhìn ra xa xa có thể thấy cờ trên những con tàu.

Thiên Thiên hơi nhướn mày nhìn tôi. Nhún vai.

Thích, theo kiểu chúng là những câu truyện. Còn lại thì không có gì đặc biệt. Em đọc Tây Du Ký từ năm lớp 2, như vậy thì truyện cổ tích đâu còn hấp dẫn gì nữa. Em thích đọc Xì trum, Mít đặc, Tintin, truyện tranh ba xu một mớ được thảy trên bao ni lông bán trước cổng trường... Ừ, em là đứa hời hợt mà.

Khi nói điều đó, Thiên Thiên lại có vẻ vui vui. Vui thật chứ không phải cái cười mỉa mai thường trực.

Em chẳng có niềm đam mê nào với truyện cổ tích, dù là truyện cổ Anđecxen hay Grim, truyện Việt Nam hay Nghìn lẻ một đêm... Có thì em đọc, thế thôi. Không có vấn đề gì chứ?

Không.

Thế sao anh lại hỏi?

Nhìn căn phòng này, anh nghĩ em như đang sống trên mây.

Anh biết không, anh chẳng biết khổ là gì nên suy nghĩ của anh lãng mạn một cách rất ba xu.

Thiên Thiên trở lại cái giọng nói xóc hông. Tất nhiên, tôi chẳng biết gì về tình trạng năm người nhét trong mười hai mét vuông, quần áo không có chỗ phơi bay lất phất suốt ngày vào mặt, leo cầu thang mỗi ngày đến hụt hơi, cúp điện cúp nước phải bê quần áo xuống tầng dưới múc nước lên giặt giũ, cho nên, tôi im lặng. Thiên thần trên trời hay người trong truyện cổ tích hẳn không phải sống cuộc đời trần tục thế, tất nhiên rồi.

Anh muốn nghe một bí mật không?

Thấy sự im lặng của tôi, hẳn Thiên Thiên cũng nghĩ rằng cô hơi qúa lời. Thế là cô ngồi xuống cạnh tôi, ngả đầu vào vai tôi, thỏ thẻ như mèo con. Phụ nữ và thái độ quay như chong chóng của họ, tôi nghĩ, hơi thở ra. Tôi vốn rất nhạy cảm với những từ như "bí mật", nên tôi lại im lặng thêm một quãng thời gian nữa trước khi trả lời.

Ừ.

Em bị bệnh nghiện kẹo. Thật đấy, từ nhỏ cơ. Kẹo Thái Lan, mùi đường ngọt lịm, dai dai, cắn tan trong miệng. Đến giờ có nhiều khi em vẫn lên cơn, thèm khủng khiếp. Mà đó là loại kẹo dẻo dành cho trẻ con, vài nghìn đồng một bịch, lúc em đi mua thì ai cũng nhìn em cười. Nhưng không có kẹo thì em không thể sống được. Số tiền đầu tiên em kiếm được là dùng để mua kẹo đấy. Vậy mà có tiền rồi thì nhiều lúc không có thời gian đi mua.

Đấy là bí mật?

Ừ. Cả ba mẹ em cũng không biết chuyện đó đâu.

Vậy là từ nhỏ đến lớn không có ai mua kẹo cho em?

Ừ. Hồi bé tí, em nghĩ rằng nếu có ai mua cho em một căn phòng chất đầy kẹo, em sẽ yêu người đó suốt đời.

Thật à?

Giờ thì trễ rồi. Có lần em đem kẹo về chất khắp phòng, ăn một mình cả tháng mới hết. Em sẽ yêu em nhất trên đời.

Từ bên cửa sổ, tôi nghe tiếng chim đập cánh bay đi.

Yêu hay không yêu vốn cũng chẳng phải là một điều qúa quan trọng. Tôi đã nghĩ thế ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ Thiên Thiên. Cô đến với tôi vì tiền tài của tôi hay vì chỉ muốn có nơi để chơi đùa, tôi chẳng bao giờ được biết. Nhưng nghĩ rằng cô gái ấy cũng có một khoảng thời gian nào đó chờ đợi và khao khát để yêu ai đó suốt cả cuộc đời, tôi lại thấy bâng khuâng như nuối tiếc.

Vai Thiên Thiên vẫn tựa vào tôi, mềm mại và êm ái. Cô mới hai mươi bốn tuổi. Khi cô ở tuổi mười sáu, tôi đang lang thang ở một con phố xa lạ bên phương trời lạ. Khi cô còn đang chờ đợi một người để yêu thương trên hố sâu của cầu thang tối, tôi đang lơ đãng trong một khoảng sân nắng, dưới tán cây tròn và mơ về cô gái có khuôn mặt búp bê. Rồi nhiều năm nữa, cô ở đâu và tôi sẽ ở đâu?

Cuộc sống như những dòng nước chảy ngầm dưới lòng đất với những đường đi mà không ai nhìn thấy. Có lúc, hai mạch ngầm chạm vào nhau, đi cùng nhau trong một quãng đường. Rồi cũng có khi chúng đột ngột tách ra, tắt lịm, khô kiệt vì bất cứ lý do nào.

Cho nên, sau ngày ấy, sau cái buổi chiều lặng yên trong căn nhà trống hoang đầy nắng ấy, khi Thiên Thiên đã biến mất khỏi đời tôi, tôi vẫn cứ nghĩ mãi về cái mạch nước ngầm đứt đoạn, không sao dứt được.

5. Giấc mơ buổi sáng - Chuyến thăm của một người chưa quen - Cái bóng trên cửa sổ

Qua rất nhiều năm rồi, thế mà buổi sáng hôm ấy, tôi lại mơ thấy Diệp. Giấc mơ đến trong một khoảnh khắc ngắn ngủi sau lần chợt tỉnh lúc bình minh lành lạnh. Trong mơ, Diệp đứng cạnh cửa sổ, ánh nắng hắt ngược làm khuôn mặt cô tối đi, chỉ có dáng vẻ và mái tóc cắt ngắn ngang cằm làm tôi nhận ra được người quen cũ. Ngoài khung cửa, nắng và lá xanh ngắt, sáng rực rỡ như vừa qua một cơn mưa. Trong mơ, hình như tôi ngửi được cả mùi phấn hoa, hương thơm cũ kỹ như rớt lại giữa những trang sách lâu ngày.

Diệp không nói gì, chỉ đứng nhìn tôi- đó là tôi nghĩ thế khi cô quay mặt về phía tôi, nhưng tôi không thể thấy rõ được khuôn mặt cô. Nắng nhấp nháy sau khung cửa, rơi xuống thành từng hạt tròn, vỡ bung trên lá. Tiếng chim líu ríu đập cánh vào lồng tre, và nghe được cả tiếng giấy loạt soạt trên tầng thượng.

Đó là khung cảnh của căn phòng dưới gác, nơi mà thỉnh thoảng Diệp đã dẫn tôi vào. Vẫn là ánh nắng của ngày hôm ấy, con người và cả vị trí nơi Diệp đứng vẫn như xưa, cái ngày mà tôi nói rằng sẽ đi xa. Diệp cũng đã lặng yên, khuôn mặt bị bóng tối và ánh nắng che khuất. Cuối cùng, tôi chỉ nghe tiếng cười khẽ.

Ừ, anh đi nhé.

Đơn giản như thế. Vậy là tôi đi, và không bao giờ quay lại, ngay cả trong những giấc mơ.

Đã nhiều năm rồi, vậy mà buổi sáng hôm ấy, tôi lại mơ thấy Diệp, trong ánh nắng và âm thanh xưa cũ như chưa từng đổi thay. Có điều gì đó khiến tôi nghĩ rằng khung cảnh mà tôi thấy không phải là ký ức. Dường như sự cũ mòn của thời gian đã lửng lơ trong không khí, nơi Diệp đứng và cả trong dáng vẻ của cô. Sự im lặng của cô cũng khác, nó kéo dài như sợi nắng mỏng manh qua kẽ hở của khe cửa, sự day dứt âm thầm, ánh lập lòe chớp tắt của nhớ nhung và lãng quên.

Này, anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.

Có thể, Diệp đã nói thế trước khi tôi tỉnh khỏi giấc mơ. Cũng có thể, đó chỉ là âm vọng trong đầu tôi vào khoảnh khắc hồi tỉnh, nhìn nắng chiếu vào phòng, ánh xanh mờ. Dù sao, cũng thật là lạ lùng khi tôi nghe tiếng Diệp một cách rõ ràng, chân xác như thể cô đã thì thầm bên tai tôi.

Đôi khi, phát hiện ra rằng có những chuyện không bao giờ thay đổi cũng khiến người ta hoang mang. Giấc mơ vào buổi sáng hôm ấy thực đến mức tôi đã phải ngẩn người ra trước cái gương trong một lúc lâu, cố dò lại hình ảnh của thằng bé mười sáu tuổi còn vương lại đâu đó trên khuôn mặt, dáng vẻ mình. Nhưng có lẽ, vấn đề nằm trong não tôi, đâu đó giữa các nếp nhăn sâu như vết nứt của thời gian, ngay cả chính tôi cũng không chạm vào được.

Nhưng hôm ấy, chắc chắn tôi đã không nhầm lẫn khi nghe tiếng bản nhạc Serenade văng vẳng bên kia tai nghe lúc Thiên Thiên gọi điện cho tôi, bảo rằng cô phải đi công tác gấp. Lẫn trong tiếng máy xe chạy trên đường là thanh âm dìu dặt của piano, hơi rè rè như được phát ra từ máy nghe nhạc đi đường, bộ loa không tốt lắm.

À, có ai tới tìm anh không? - Thiên Thiên chợt hỏi, giọng thong thả như hỏi tôi đã uống trà buổi sáng hay chưa.

Không. Ai thế?

Người mà anh chưa quen, nhưng hai người biết nhau đấy.

Thiên Thiên chỉ nói thế, rồi tắt máy. Tôi cũng chẳng mấy bận tâm đến câu hỏi hơn là vẩn vơ nghĩ về tiếng nhạc bên cạnh cô. Ngoại trừ một lần duy nhất hỏi tôi về bản nhạc trong cái đêm đứng trước vũ trường, Thiên Thiên chưa bao giờ tỏ ra thực sự quan tâm đến âm nhạc, cũng chưa bao giờ bật bản nhạc ấy bên tôi. Cô đụng đến mỗi thứ một tí, sống lớt phớt và lơ đãng đến mức tôi nghĩ chẳng có gì đủ sức ám ảnh hay tạo một ấn tượng sâu sắc nào trong cô.

Cũng có thể tôi mới là kẻ bị ám ảnh để suy nghĩ qúa nhiều, tôi nghĩ khi ngày làm việc sắp kết thúc mà chẳng có gì xảy ra. Đúng vào khoảnh khắc mà tôi ôn lại giấc mơ một lần cuối khi bước ra xe, trước khi xếp nó lại trong trí nhớ để quên bẵng đi, thì anh ta xuất hiện bên cạnh tôi như thể bước ra từ không khí.

Chào.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe giọng nói của anh ta. Giọng nói miền Bắc, trầm và hơi khàn, như gió thổi trong đêm mùa hạ. Đôi mắt đen nhìn xoáy thẳng vào tôi, sâu hút. So với buổi chiều năm nào, anh ta đổi khác rất nhiều, từ cách ăn mặc, diện mạo cho tới kiểu tóc. Lạ thay, sự thay đổi đó lại cũng trùng hợp với tôi. Chỉ có đôi mắt khiến tôi nhận ra anh ta, người thanh niên đã ngồi cạnh Diệp và tôi tại ngõ hẻm vàng rực hoa mai. Khuôn mặt nghiêng nghiêng với vầng trán ương ngạnh dưới mái tóc lòa xòa ấy vẫn mang dáng vẻ cô độc như trong bức vẽ nằm sâu dưới tủ ở tầng hầm căn nhà cũ của tôi.

Sao anh lại ở đây?

Có lẽ, nếu là khi khác hoặc với con người khác, tôi đã không hỏi thẳng như thế. Nhưng qủa thật lúc ấy tôi qúa ngạc nhiên. Rất ít người có mặt trong ký ức của tôi và Diệp, và hầu như cũng chẳng còn ai có liên hệ với tôi. Sự xuất hiện của anh ta, trong một ngày được bắt đầu bằng một giấc mơ kỳ quái khiến tôi cảm thấy mình như đang rơi lại về qúa khứ. Như thể đã có một bàn tay bắt kịp tôi trong cuộc chạy trốn từ mười mấy năm về trước.

Tôi nhìn thấy cậu, rồi tôi nghĩ nên chào cậu. Vậy thôi.

Hai chữ cuối, anh ta nói với một nụ cười. Đèn đường đã sáng, và bóng tối rơi thăm thẳm sau lưng anh ta, khuất vào đường hầm để xe tôi tối.

Anh ta nheo mắt, như thể cũng giống tôi, đang tự hỏi: Thế ra vẫn còn nhớ mình à? Mười mấy năm, nói xa thì thật là xa, nhưng cũng đột nhiên bị gấp lại, sát rạt như hơi thở nóng rực của khói.

Lâu qúa rồi nhỉ. Tôi buột miệng. Câu nói vừa có vẻ thật vừa cảm thấy giả trên môi tôi.

Ừ.

Anh ta vẫn là kẻ ít nói. Anh ta im lặng. Chẳng có gì để nói với nhau. Chỉ là một lần ngoái lại và muốn nhìn thấy chứng tích của những tháng năm cũ, chứng tích sự tồn tại của chính mình. Để thấy đúng thực nó đã từng hiện diện.

Chúng tôi trao đổi mấy câu xã giao, đưa bưu thiếp rồi chia tay. Thậm chí, lúc anh ta đã khuất vào trong bóng đèn đường, tôi mới nhớ ra rằng mình đã từng gặp một người có thể là bạn gái cũ của anh ta.

Mà chuyện đó có thực sự quan trọng hay không?

Đêm. Tôi gọi điện cho Thiên Thiên. Cô không bắt máy.

Theo thói quen, tôi nhấn nút play cho máy nghe nhạc. Bản tango hôm nào Thiên Thiên mở vẫn nằm yên trong máy. Âm thanh rộn ràng va đập vào bốn bức tường. Nhắc nhớ tôi đến một hơi ấm khác, rất khác.

Này, anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.

Không biết giọng nói của ai đã vang lên trong đầu tôi. Tôi thấy mình bị bao phủ bởi một nỗi nhớ khủng khiếp, mông lung và cô quạnh đến mức sức lực như bị rút cạn. Nỗi nhớ về ai, về cái gì, tôi cũng không hiểu rõ. Chỉ nghe tiếng nghiến rào rạo trong lòng, rơi xuống như mạt cưa. Lấm tấm mảnh vụn.

Những mảnh vụn... Thiên Thiên có lần chợt lẩm nhẩm khi đang ngối trong quán nước, nhìn bọt sủi lên trong ly nước ngọt trước mặt. Những mảnh vụn, phủi một cái là đi mất. Nhưng lâu ngày lại thấy chỗ bị nát khuyết một mảng lớn.

Em đang nói gì vậy?

Sao anh cứ bảo rằng anh yêu em nhỉ?

Vì sự thật là thế.

Thiên Thiên chỉ cười. Nụ cười giống với lúc cô nói về bản Serenade. Thoảng qua như bóng mờ của hoàng hôn.

Tôi mở mắt khi nghe tiếng đập vào cửa sổ, giống tiếng cánh chim đã bay qua khung cửa căn phòng chung cư buổi chiều đó. Trong đêm, tôi chỉ thấy một bóng đen vụt qua, mảnh, dài, phất phơ tựa bóng một mảnh lụa dệt bằng sương.

Điện thoại kêu. Tin nhắn của Thiên Thiên sáng lên trên màn hình. Tôi đọc. Tôi đọc lại lần nữa, lần nữa rồi lần nữa. Dòng chữ ngắn ngủn ấy không thể nào lọt được vào trong tâm thức tôi, tôi không thể nào hiểu được ý nghĩa của nó, không một chữ nào.

Mình chia tay đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: