#2. Bầu trời nhuộm một màu trắng buồn bã
Hạ kéo Xuân đi mãi, đi mãi, anh thậm chí không biết con đường này sẽ dẫn mình tới đâu, nhưng bản năng không cho anh ngừng lại. Bờ vai anh run rẩy. Nhưng không phải do cái lạnh của cơn mưa phùn đầu xuân, mà bởi vì, Hạ đang khóc.
Anh thương bố, dù ông có chè chén hay chửi bới thì anh vẫn thương bố, thương nhiều lắm. Trong đôi mắt ngây thơ hồi còn là một đứa trẻ, bố với anh luôn là người đàn ông hiền hòa nhất, dịu dàng nhất. Là cái hiện thực tàn khốc của xã hội đã cướp mất bố của anh, lấy đi cuộc sống hạnh phúc của gia đình anh.
Phải, ông Hùng vô công rỗi nghề, nhưng lỗi không phải tại ông. Là tại cái máy cắt trong nhà máy nhựa chết tiệt đó đã đổ sầm và lia những lưỡi dao sắc bén lên người ông Hùng, cắt đứt một bên chân và khiến bên chân còn lại bị chấn thương. Làm cho ông cả đời cũng chỉ có thể sống với cái chân giả cùng cây gậy chống. Mẹ anh không hiểu nỗi bất lực của bố, đứa em gái thiểu năng của anh cũng chẳng hơn gì bà. Anh không trách mẹ, vì lời lẽ bố mắng mẹ quá nhẫn tâm. Anh càng không mong em gái có thể cho bố sự đồng tình. Chỉ có thể dùng tất cả tình thương yêu mà bản thân có dành cả cho bố, thay mẹ và em yêu bố nhiều hơn.
Nhưng hỡi ôi, anh lại tự tay giết đi người mà anh yêu thương nhất! Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mà anh đang phải gánh chịu?
Ánh bình minh nơi chân trời soi rõ đôi mắt sưng vù của Hạ. Hai anh em đã đi suốt cả đêm, băng qua không biết cơ man nào là cánh đồng, sương đêm và cơn mưa phùn làm quần áo trên người ướt hết cả. Hạ nhìn Xuân, xoa đầu và kéo nó vào lòng khi thấy đôi môi nó đang tím dần đi. Anh quyết định nghỉ ngơi một lát trước khi tiếp tục.
Hạ kéo Xuân ngồi xuống một gốc cây, để nó ngồi lên chân mình. Xuân quàng tay ôm Hạ, vùi đầu vào ngực anh như chú mèo tìm hơi ấm. Ánh mắt nó nhìn anh vẫn phần nào mang vẻ ngờ nghệch, nhưng không hiểu là vô tình hay cố ý, mà bàn tay trơ những xương của Xuân lại đặt lên mắt Hạ. Nó có phải đang an ủi anh?
Giọt lệ còn vương trên khóe mắt Hạ được Xuân cẩn thận lau đi, anh cười gượng, nắm lấy tay Xuân xoa xoa và hà hơi để nó ấm lên. Trên cuộc đời đầy rẫy những khổ hạnh này, Xuân chỉ còn lại mình anh là người thân. Bởi vậy nên Hạ dặn lòng mình, không được khóc nữa, hãy nén nỗi đau thương, lấy lại tinh thần mà còn chăm sóc và làm chỗ dựa cho Xuân.
Bàn tay bị thương của Hạ đã được anh băng bó qua loa bằng miếng vải xé ra từ góc áo, may mà máu đã ngừng chảy. Tay Xuân vẫn lem luốc máu, máu của bố cũng có mà của Hạ cũng có. Cơn mưa phùn chưa thể làm trôi đi lớp máu khô cứng này. Hạ lấy tay Xuân chà chà vào vạt áo ẩm ướt của mình, vết máu nhạt dần rồi biến mất. Từ trong gói đồ, anh lấy ra hai chiếc áo bà ba đã cũ nát. Hai anh em thay đi chiếc áo đã ướt để không thấm lạnh và tiếp tục lên đường.
Không biết đã đi bao lâu, chỉ biết bụng của hai anh em sớm đã réo lên liên hồi vì cơn đói cồn cào. Phía xa xa, những mái nhà bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ sau những rặng cây. Dùng đôi ba đồng bạc lẻ còn sót lại trong túi, Hạ mua vài cái bánh mì để ăn lót dạ, và dự trữ khoảng năm sáu cái bỏ vào túi. Anh lại dắt Xuân đi, vì anh biết nơi này chưa phải chỗ an toàn. Mười ngày sau cuộc lang bạt, hai anh em mới dừng chân ở một ngôi làng nhỏ khá yên tĩnh. Một túp lều tạm bợ dựng lên từ vải bạt xin được từ dân làng và đôi ba cây tre Hạ chặt được sẽ là chỗ trú ẩn cho hai anh em trong những ngày tới.
Hạ bắt nhịp cuộc sống nơi này khá nhanh, anh lại tiếp tục công việc làm thuê của mình. Sau gần một tháng tích cóp, cuối cùng anh cũng thuê được một căn trọ khá cũ kĩ với giá thuê rẻ. Hạ cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi trút đi gánh nặng lo mưa lo gió khi ở túp lều vải kia.
Dù Hạ không yêu cầu Xuân phải làm bất cứ điều gì, nhưng dường như nó vẫn hiểu anh không có đủ thời gian vừa lo việc ngoài vừa làm việc trong, nên mọi công việc từ giặt giũ, dọn dẹp đến rửa chén bát hay gấp đồ đạc Xuân đều làm tất. Hạ hơi cảm động, xoa đầu Xuân như thường lệ và mua thêm chút quà vặt để nó ăn cho đỡ nhàm chán lúc đợi anh đi làm về.
Bà chủ nhà trọ rất thương anh em Hạ, thấy Xuân tuy hơi ngốc nhưng đảm đang, nên thường hay bảo Xuân xuống phụ giúp bà một số việc và trả công cho Xuân bằng tiền hẳn hoi. Ngày Xuân mang xấp tiền đó đưa cho Hạ, anh cứ tưởng nó lượm được của người ta. Nhưng cứ mỗi tuần vào ngày đó nó lại đưa anh số tiền y chang, anh mới đi hỏi bà chủ phòng trọ và biết được sự thật. Anh sợ Xuân làm việc quá nặng nhọc, nhưng bà chủ chỉ bảo Xuân rửa chén với học bà đan áo len bán nên anh cũng nguôi ngoai.
Chẳng mấy chốc mà đã gần nửa năm trôi qua, Hạ vốn tưởng thần may mắn đã mỉm cười với anh em họ, nhưng thì ra đó chỉ là những huyễn hoặc mà anh dùng để tự lừa bản thân. Ngày cảnh sát kéo ầm ầm đến trong sự sửng sốt của bà chủ phòng trọ và còng tay Hạ dẫn đi mất là một ngày đầu hạ, cơn mưa đầu mùa giăng lên nền trời xanh thẳm một màu trắng buồn bã.
"Các chú... cháu xin các chú... cho cháu gặp em gái cháu một chút... cháu còn chưa dặn nó uống thuốc... van các chú..."
Mặc cơn mưa cùng tia sét giăng đầy trời, kệ luôn cả đôi cổ tay đã đỏ ửng vì bị chiếc còng số tám ma sát, Hạ khụy hai chân xuống, bấu lấy gấu quần xanh sậm của người cảnh sát mà van xin. Mưa cuốn trôi nước mắt trên mặt anh, chỉ còn lại đôi mắt sưng vù cùng khóe miệng méo xệch.
Bốn người cảnh sát ái ngại nhìn nhau, nhưng trước cái thê lương trong đôi mắt Hạ, họ cũng chỉ đành thở dài thườn thượt và xách ô đưa anh trở lại phòng trọ.
Xuân vừa trở về từ nhà bà chủ và đang ngồi ôm gối trước cửa phòng đợi Hạ về như thường lệ, bóng nó lọt thỏm trong cái to lớn của dãy phòng trọ. Thoáng thấy bóng Hạ, đôi mắt ngờ nghệch của nó ánh lên vẻ vui mừng. Hạ chạy đến chỗ em gái, khóc không thành tiếng khi chứng kiến nó giơ lên chiếc kẹo mút còn nguyên vỏ dứ dứ trước môi anh.
"Anh đi rồi... em phải làm sao đây... em gái tôi phải làm sao đây... làm sao đây..."
Chiếc còng lạnh lẽo trên đôi cổ tay khiến Hạ không thể ôm Xuân vào lòng được nữa, tiếng gào khóc cùng câu hỏi của anh át cả tiếng mưa lộp bộp, xộc thẳng vào màng nhĩ bà chủ nhà và bốn viên cảnh sát. Bà chủ đứng từ xa nhìn lại, quay lưng quệt một giọt nước mắt mặn chát. Bốn viên cảnh sát không kiềm được mà rùng mình: họ đang thương hại anh em Hạ.
Dẫu chẳng thể hiểu vì sao Hạ lại rơi nước mắt, Xuân vẫn đưa đôi tay gầy guộc vuốt ve hai bên má Hạ như đã làm ở gốc cây nửa năm trước. Nó không hiểu, nhưng nó đau, đau khi chứng kiến thứ nước còn trong suốt hơn cả nước mưa lăn dài trên má Hạ.
Ông trời trút nỗi đau khổ trong tiếng sấm gầm gừ, gió rít gào luồn sâu vào chiếc áo ướt đẫm nước của Hạ. Anh vẫn khóc, nhưng không gào lên nữa, chỉ nhìn Xuân bằng ánh mắt bất lực. Tiếng thì thầm rơi khẽ vào màn mưa: "Anh xin lỗi... xin lỗi em..."
.
Sau khi điều tra chứng minh, người ta kết án Hạ tù hai mươi năm với tội danh: vì tự vệ mà giết người rồi bỏ trốn. Xuân với vai trò là người chứng kiến cũng như người thân của nạn nhân và hung thủ, được mời đến phiên tòa. Khi chiếc búa của thẩm phán nện xuống, Xuân rõ ràng hơi run. Hạ như mất hết sức lực, chỉ biết sụt sùi và quay đầu nhìn em gái.
"Cô sẽ thay cháu chăm sóc Xuân, cháu đừng quá lo lắng."
Tiếng Hân - bà chủ phòng trọ vọng đến tai Hạ như một lời ân xá đến từ thượng đế, ngoài giọt lệ đang tuôn trào, Hạ chỉ có thể mấp máy đôi môi khô khốc hai chữ "cám ơn" trước khi bóng anh khuất sau dãy tường kiên cố.
Mắt Xuân ráo hoảnh, ráo như cái ngày mà bố nó mất. Chỉ có Hân thấy rõ, đôi mắt vô hồn của Xuân vẫn luôn đăm đăm nhìn chỗ Hạ khuất bóng, nếu không phải bởi vì bị bảo vệ đuổi, Hân nghĩ có lẽ Xuân sẽ nhìn nơi đó cho đến khi Hạ xuất hiện trở lại.
.
Nhà Hân thuộc dạng khá giả nhất vùng, chồng mất sớm, con trai thì đã lên thành phố làm việc, nên sự xuất hiện của Xuân trong nhà bà không làm ai cảm thấy khó chịu. Hân vốn cũng chẳng phải người hay mủi lòng, nhưng chứng kiến hoàn cảnh của hai anh em Hạ, bà không thể ngừng chậc lưỡi: cuộc sống quá tàn nhẫn với họ. Hân cũng biết dù bà không nhận nuôi Xuân, thì người ta cũng sẽ đưa nó vào trại mồ côi hay khuyết tật gì đó nuôi dưỡng, nhưng nhìn dòng lệ cùng cái lắng lo chất chứa trong mắt Hạ, Hân biết anh không yên tâm để Xuân đến mấy chỗ đó. Vậy nên bà chấp nhận nuôi Xuân: một đứa mà trí não mãi dừng lại ở năm tám tuổi, hoặc có thể còn ngốc hơn đứa trẻ tám tuổi bình thường.
Hân từng nhiều lần tìm cách khiến Xuân mở miệng nói chuyện, nhưng không được. Sau này bà mới biết, rằng sự thật là Xuân không thể nói. Dây thanh quản của Xuân vốn đã có vấn đề khi nó sinh ra, lại thêm cơn sốt năm ấy... Xuân, đã mất đi cái quyền được giao tiếp.
Cũng bởi Xuân không thể nói, nên Hân chẳng thể hiểu hết những mong muốn đến từ đôi mắt có phần đờ đẫn của nó. Chỉ biết rằng Xuân rất hay ngồi ôm gối trước cửa nhà, tay cầm que kẹo mút, mắt đau đáu nhìn về khoảng không xa xăm nào đó. Những ngày đầu mới chuyển đến nhà Hân, cứ tối đến Xuân thường hay mò về căn phòng cũ của hai anh em nó trước kia, vẫn cái tướng ngồi cùng ánh mắt đó - nó tựa bên cửa suốt cả đêm. Đến sáng Hân thức dậy mới tá hỏa đi tìm, nhưng bà chẳng thể lí giải, vì sao trái tim như thắt lại khi trông thấy Xuân tím tái co ro trước bậc thềm.
Đôi mắt nó rất ráo, Hân thề là Xuân không hề rơi nước mắt, nhưng không phải nó mạnh mẽ, chỉ là nó không hiểu được cái nỗi đau chia xa mà thôi. Có lẽ trong tiềm thức, nó vẫn nghĩ rằng Hạ đang đi làm, và sẽ về khi công việc đã xong. Nó cứ đợi, cứ chờ, dù sự chờ đợi đó vô vọng đến mức Hân phải rơi nước mắt thay.
.
Lại nửa năm nữa trôi qua, tết tây đã qua, và người ta đang chờ để đón một cái tết ta thật linh đình: chả là họ nghe nói, rằng con trai bà Hân - nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng năm nay sẽ về quê ăn tết. Xưa nay người ta chỉ nghe danh, chứ chưa được tận mắt trông thấy Ám Dương lần nào, anh chưa bao giờ đi học, từ nhỏ chỉ quanh quẩn trong xó nhà, và chưa một lần ra khỏi ngôi nhà ấy - như một vị tiểu thư ở trong khuê phòng thời xưa.
Người ta nghĩ mãi không ra vì sao anh lại có thể trở thành nghệ sĩ dương cầm, nhưng họ vẫn mong mỏi được tận mắt trông thấy anh diễn tấu một lần. Vậy nên trưởng thôn đành vác mặt đến tận nhà Hân, gắng xin bà bảo Ám Dương đánh cho một khúc đàn vào đêm giao thừa, không thì sáng mồng một tết cũng được. Hân hơi lưỡng lự, nhưng rồi vẫn gật đầu: "Tôi sẽ cố bảo, nhưng còn có được hay không, phải chờ nó về mới biết."
Ám Dương về quê vào đúng ngày ba mươi, tức là chỉ trước tết một ngày. Dân làng bâu đầy hai bên vệ đường, nhưng vẫn chẳng thể thấy được anh, bởi lẽ anh đang ngồi trên một chiếc xe ô tô màu đen. Chiếc xe rẽ vào khu chung cư cao tầng của bà Hân, người ta chỉ đành ra về trong sự tiếc nuối.
Sau khi biết được Ám Dương đã đồng ý đánh đàn vào sáng mồng một, trưởng thôn liền cho người đến nhà Hân để dựng lên một cái sân khấu nhỏ. Đôi ba cô thôn nữ mới lớn cũng sẽ góp vui sau tiết mục đàn của Ám Dương, hát có mà kịch cũng có. Ám Dương vẫn mảy may không xuất hiện trong quá trình người ta dựng sân khấu, và họ được cho hay là lúc anh đánh đàn, rèm sân khấu sẽ phải kéo lại: Ám Dương không muốn người ta nhìn thấy mình khi diễn tấu, đó là quy luật bất thành văn, và cũng là ý nghĩa cái nghệ danh "Ám Dương" của anh.
.
Xuân lại lạc đường, không biết đây là lần bao nhiêu nó bị lạc trong cái khu chung cư rộng lớn này. Nó nghe đâu đó có âm thanh rất êm tai, vậy nên nó tiến tới, nhưng không bước vào trong phòng, mà lại tiếp tục tựa vào bên cửa. Âm thanh ấy ru Xuân vào giấc ngủ, đầu nó ngả dần vào bức tường vững chắc.
Xuân bỗng giật mình tỉnh giấc, hòa lẫn vào âm thanh xuôi tai mà nó không biết phải gọi tên thế nào, là tiếng pháo nổ đùng đoàng vang vọng trên bầu trời. Giao thừa: nó đưa ra câu trả lời cho khoảnh khắc náo nhiệt lúc này. Nhưng hình như thứ âm thanh trong phòng kia làm át cả tiếng pháo, khiến Xuân không còn quá chán ghét trước những ánh pháo lập lòe màu sắc đang nở rộ trên bầu trời nữa. Nơi ngực trái nó bất giác dịu lại sau cái hoảng hốt lúc đầu.
"Ai vậy?"
Tiếng đàn lặng hẳn, Ám Dương hơi nhíu mày. Rõ ràng lúc nãy anh đã nhắc mẹ không được để ai đến đây, nếu anh nghe không lầm thì hiện tại bên ngoài có tiếng bước chân. Là một kẻ nhiều chuyện muốn nghe trộm anh đánh đàn? Ám Dương nghĩ thế. Và anh hơi bực bội, khi có kẻ phá vỡ quy luật mà bấy lâu nay anh cố gắng xây dựng.
Ám Dương lặp lại câu hỏi lần nữa, và dò dẫm tiến bước ra ngoài cửa. Kẻ lạ mặt có lẽ bị đánh động, nên đã quay đầu bỏ chạy ngay cả khi anh chưa tới gần. Ám Dương cố ghi nhớ kĩ tiếng bước chân của "hắn ta", để sau này nếu có gặp lại, anh tin mình sẽ nhận ra kẻ đó ngay. Ám Dương quay lại ghế ngồi, từng nốt nhạc da diết bay bổng theo từng nhịp gõ của đầu ngón tay anh, tâm trạng anh cũng dần dịu lại.
Đêm giao thừa Xuân thức trắng, nhưng chẳng phải vì háo hức trước năm mới, chỉ là cảm giác thiếu thốn thứ gì đó khiến nó không ngủ được. Là thứ gì? Hay là ai đó? Xuân chỉ nhớ mang máng hình bóng của người đó, nhớ cái vòng tay ôm, cái vuốt đầu đầy tình thương của anh. Nhưng anh tên gì? Anh là ai? Anh đâu rồi? Xuân dáo dác tìm xung quanh, không có anh, không thấy anh, nơi trái tim bỗng thót lên một cái, nó đau.
Cũng giống Xuân, nhiều người trong làng cũng không ngủ được. Chưa đầy bốn giờ sáng, đã có lác đác người kéo đến nhà Hân. Những chiếc ghế nhựa bị sương đêm thấm một tầng nước cũng không ngăn được nỗi hiếu kì của người dân, họ lau ghế bằng tất cả những gì có được: ghẻ lau, khăn giấy, hay thậm chí có người còn ngồi xuống luôn mà không quan tâm đến ghế ướt. Rồi dần dần, người ta kéo đến ngày càng đông. Sân khấu được bao bọc bởi những tấm màn trắng vẫn là một mảnh vắng lặng, sau cùng, đợi người dân trong làng đều đã đến, Hân mới bước ra yêu cầu mọi người trật tự. Những trao đổi thầm thì lặng hẳn, người ta thôi không nói chuyện, chỉ chú mục lên sân khấu, dỏng tai chực trờ tiếng đàn vang lên.
Đúng năm giờ, đèn sân khấu được bật sáng, ngay khoảnh khắc đó, mọi người ồ lên bằng một vẻ kinh ngạc. Ánh sáng của bóng đèn hằn lên tấm vải mỏng màu trắng bóng một người đang ngồi: dáng người thẳng tắp, bàn tay đặt nhẹ lên phím đàn, đôi chân đặt song song dưới gầm đàn một cách ngay ngắn. Chỉ vài giây sau, những nốt nhạc nhẹ hẫng như đóa bồ công anh bay trong gió vang lên từ từ, đều đều. Đôi ba người thậm chí nín thở, chỉ vì không muốn tiếng hít thở của mình quấy nhiễu đến người nghệ sĩ đang say mê trên cây đàn dương cầm kia.
Tiếng nhạc to dần, bắt đầu da diết hơn, một dạo họ lại nghe tiếng đàn như réo rắt oán than, khiến dăm ba kẻ yếu lòng bỗng không kìm được nước mắt. Nhưng chỉ trong phút chốc, tiếng đàn lại mang một vẻ tươi vui đúng điệu ngày tết, và kéo dài điệu nhạc ấy cho đến cuối buổi biểu diễn.
Xuân ngẩn người, nó bất chợt phát hiện, ngay cái lúc mà tiếng nhạc đến đoạn thê lương, khóe mắt nó bỗng cay cay, giọt nước mắt đầu tiên sau mười năm không biết khóc lặng lẽ tuôn rơi. Bởi nó rất nhớ, nhớ anh trai, anh Hạ của nó.
.
Có thể nói buổi biểu diễn của Ám Dương hôm đấy đã khiến dân làng nơi đây có một cái nhìn hoàn toàn khác, họ sùng bái anh còn hơn tin đạo phật, nhiều người tự nhận là fan hâm mộ Ám Dương và muốn đến xin chữ kí của anh. Chữ kí thì họ vẫn được nhận, nhưng diện mạo của người nghệ sĩ ấy đến nay vẫn là một bí ẩn.
Ám Dương không hay đánh đàn, suốt khoảng thời gian ở nhà, anh luôn nhốt mình trong phòng, không biết đang làm gì. Cho đến một ngày, anh buộc lòng phải rời khỏi phòng trong một sự tức giận chưa từng có.
Phía trong phòng chứa đàn, Xuân cố gắng đưa đôi bàn tay của mình gõ loạn xạ lên phím đàn đen trắng đan xen. Những âm thanh chát chúa đó khiến chính bản thân Xuân cũng phải nhíu mày, nhưng nó không bỏ cuộc, nó cứ đánh hết lần này đến lần khác, lần này đến lần khác. Những phím đàn dưới bàn tay nó bắt đầu hình thành nốt nhạc, dù chỉ là chốc lát, nhưng dường như khóe môi Xuân đã nhếch lên, một đường cong rất nhẹ.
_____
Truy Quang
0:00
29/12/2018
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro