Lang và Vương;
Mùa hè ở Việt Nam, chỉ một từ thôi: nóng. Nóng vãi. Trời này mà chường mặt ra đường thì đúng là dở hơi.
Ấy vậy mà ở trường Trung học phổ thông Chuyên Amsterdam lại không thiếu những kẻ dở hơi như vậy. Chính xác là ba chục đứa có lẻ. Dưới cái nắng vỡ đầu của một rưỡi chiều, chúng nó lôi nhau ra sân bóng học quân sự. Đầu đội mũ cối, chân tay lê lết trên sân cỏ nóng rẫy, miệng liên tục than vãn làm sao mà cái trường sắp xếp thời khóa biểu cho chúng nó khéo thế, khoa học thế. Thầy Nhất dạy quốc phòng của chúng nó cũng bất lực lắm, thầy cũng đâu khá hơn là bao: trời này mà thầy phải đóng nguyên bộ quân phục, đeo cầu vai, đi giày tây chỉn chu, mồ hôi thầy cứ chảy ròng ròng như tắm mà không than một câu nào. Vì dù là thầy hay trò, đã phục vụ cho Tổ quốc thì không được phép than.
Thầy nhớ lại hồi còn đang huấn luyện trong quân đội, hồi thầy còn là thằng bé làm liên lạc bé xíu xiu, bé hơn đám học trò của thầy bây giờ, thầy cùng đám bạn chạy việc, nắng nào cũng chịu, nửa đêm hay giữa trưa đều như nhau, đều chạy chân trần đi liên lạc. Bọn thầy có than chứ, than ác là khác, nhưng chân tay thì vẫn cần mẫn làm việc cho kháng chiến. Ấy vậy mà có một đứa duy nhất không than thở một câu nào, chính là thằng công tử Ngự Ảnh Linh Vương.
Theo như thầy Nhất nhớ, Ngự Ảnh Linh Vương là con một của thằng Việt gian bự nhất cái Sài Gòn. Mà làm Việt gian, cay đắng thay, lại đồng nghĩa với giàu. Giàu nứt đố đổ vách. Thằng Linh Vương được chiều hết mức, được cho ăn cho uống no nê, được học hành đầy đủ, việc nhà không cần phải động vào một tí nào. Tay nó là để chơi dương cầm, vĩ cầm chứ tuyệt đối không phải là để đào hố, đào hầm cùng các anh chiến sĩ.
Ấy vậy mà nó bỏ quách, giữa trưa tháng sáu nó chạy vào hàng ngũ của đội chiến sĩ liên lạc, dõng dạc tuyên bố nó muốn cùng các anh chị giải phóng đất nước, muốn đuổi cổ bọn Mĩ mà bố nó trước giờ bám càng đi. Không cái nắng nào gây sốc bằng ánh sáng trong mắt thằng Vương lúc nó hát Quốc ca ngay sau lời tuyên bố hùng hồn ấy. Thầy Nhất nhớ như in, hồi đó đội thầy còn tưởng nắng quá nên mọi người đều bị ảo giác. Ảo giác giống hệt nhau, rằng có thằng con nhà giàu đem hết tiền tiết kiệm của nó ủng hộ cho kháng chiến, mang quần áo của nó tặng cho bọn trẻ con làm liên lạc quần áo rách rưới như tổ đỉa, mang cây đàn măng-đô-lin của nó đàn bao nhiêu bài hát về kháng chiến cho cả làng nghe.
Thầy Nhất không nhớ, mà cũng không biết làm thế nào mà thằng Vương, một đứa sống ở thành phố, sống trong nhung lụa, trong giáo dục tinh anh từ bé, có thể hòa nhập với đám trẻ con thô lỗ bỗ bã vùng nông thôn bọn thầy nhanh như thế. Có lẽ vì chúng nó đều ngưỡng mộ khả năng chịu đựng kinh khủng của thằng Vương, ngưỡng mộ cái ánh mắt kiên cường của nó, sáng hơn mặt trời tháng sáu, mạnh mẽ hơn gió mùa tháng mười một, trong trẻo hơn mầm non tháng hai. Mà nói đến khả năng chịu đựng của Vương, không thể không nói tới Phong Thành Sĩ Lang, mật danh Lang Lười, không cần nói cũng biết nó là chúa lười của tổ đội.
Ngay từ khi thằng Vương mới vào đội, nó đã thân thiện cởi mở với tất cả mọi người. Ai nó cũng tiếp chuyện, cũng giúp đỡ, cũng chia sẻ, vậy nên dù mang cái danh công tử nhưng mọi người vẫn quý nó lắm, ai cũng muốn làm thân với nó. Ấy vậy mà không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, nó chỉ dính lấy thằng Lang Lười. Hỏi ra thì mới biết thằng Vương mê khả năng leo trèo, chui lủi và khả năng phản xạ linh hoạt của Lang Lười, một khả năng mà nguyên cái đội, kể cả anh phụ trách, không nhận ra cho tới tận khi thằng Vương khoe thằng Lang mới nhảy lên cây bắt được cho nó cái áo nó phơi suýt bị bay xuống suối. Từ đó lúc nào cũng chỉ thấy thằng Vương đi với Lang Lười, thấy Vương là thấy Lang, thấy Lang là thấy Vương, không thấy đứa nào hỏi đứa còn lại chắc chắn sẽ biết. Thằng Vương chiều Lang lắm, hỏi nó thì lúc nào nó cũng cười tươi mà cho một câu:
"Lúc thường Lang cứ lười vậy để tui lo hết cũng được. Chỉ cần tới lúc làm việc Lang lại tỏa sáng như lần đó thôi."
Tưởng Vương nói chơi vậy thôi mà nó lo hết thật. Giặt đồ, rửa bát, dọn giường, cái gì cũng làm phần của nó và của Lang. Lang được chiều thì càng lười tợn, đến đi đứng ăn uống bình thường nó cũng để Vương làm cho. Đi từ lán đến sân huấn luyện có Vương cõng, cơm ăn có Vương đút, đổ mồ hôi có Vương lau, đến quần áo ướt còn có Vương thay, nói chung là ở cái đội liên lạc này thằng Lang Lười oai như cóc. Thằng Thiên, thân với Vương chỉ sau Lang, nhìn thằng công tử chạy đôn chạy đáo mãi mà thương, nó ngỏ lời giặt giúp Vương quần áo của hai đứa nó thì bị Lang lườm cháy cả mặt. Từ sau hôm đó trở đi đội lại thấy thằng Lang Lười giặt áo cho cả nó và Vương, cả đám tá hỏa tưởng lúc đi rừng nó cắn phải cái gì bậy bạ.
Lang Lười vậy thôi nhưng thực ra nó quen sống tự lập từ bé tí, tại bố mẹ nó mất trong đợt Mĩ càn, ngay sau khi nó chập chững biết đi. Lang được gửi cho dì nuôi, mà dì của Lang thì nổi tiếng là lòng trắc ẩn vô biên, trước nó dì đã nhận nuôi sáu, bảy đứa rồi. Lang lớn lên chủ yếu là nhờ vòng tay của các anh chị nuôi, mà chúng cũng đều là trẻ con cả, đều ham chơi, đều đãng trí, nên việc chăm sóc Lang hay vô tình bị bỏ quên. Chính vì thế Lang phải tự chăm sóc mình, lớn thêm chút nữa dì nó lại nhận nuôi thêm đứa khác, thế là nó lại phải lãnh trách nhiệm chăm em. Nó biết giặt giũ, rửa bát từ bốn tuổi, năm tuổi đã biết thổi cơm, sáu tuổi trên bàn ăn không món gì nó không biết nấu, bảy tuổi biết sửa cái ghế, cái bàn, biết vá cái áo, cái quần rách.
Quá khứ oanh liệt như vậy nhưng nó chỉ kể với Vương. Buổi tối đến, Vương không quen chỗ nên không ngủ được, Lang sáng đã ngủ trương thây nên cũng không nhắm được mắt, hai đứa dẫn nhau ra sân mà nằm đó ngắm sao. Vương thích ngắm sao lắm. Hồi còn ở nhà, buổi tối nó đã bị giữ rịt trong biệt thự lại còn phải đi ngủ sớm, thành ra nó chẳng có cơ hội ngắm sao. Lang không có hứng thú lãng mạn như vậy, nhưng biết bạn thích sao thì cũng chiều bạn mà dẫn nó ra chỗ đẹp nhất nằm nhìn trời cho thỏa.
Những buổi tối như thế Vương vừa hướng mắt lên trời vừa kể chuyện cho Lang nghe, từ chuyện nó ghét ông bố Việt gian của nó ra sao, đến việc người nhà nó bảo bọc nó thế nào, đến việc trường lớp, việc học hành mà Lang chẳng bao giờ có cơ hội được tiếp cận. Lang không nói, nhưng nó thích nghe chuyện Vương kể lắm. Nó nghe Vương kể có đôi chỗ chẳng hiểu gì, nhưng nó thích đôi mắt của Vương lúc kể chuyện, thích khuôn miệng của nó, thích luôn cả đôi bàn tay cứ múa lên trong không khí theo lời nó nói.
Vương nói mãi cũng chán, nó lân la gợi chuyện hỏi Lang về cuộc sống của nó trước khi tham gia kháng chiến. Lang Lười vốn ngại nói chuyện, nhưng thấy Vương hỏi thì nó cũng kể, đầu nó gối lên vai Vương mà nói với cái giọng bằng bằng, hỏi gì nó kể nấy, nó ngồi im kể chứ không múa lên như thằng Vương. Nó càng kể thằng Vương thấy càng thương, càng chiều nó dữ hơn nữa.
Thằng Lang Lười hóa ra cũng biết chăm sóc người khác. Đội chỉ được biết điều ấy sau khi thằng Vương đổ bệnh, sốt rét rên hừ hừ. Nó kiên nhẫn đút cho Vương từng thìa cháo, mà cháo ấy là do nó bớt phần cơm vốn ít ỏi của nó để lấy gạo nấu cho Vương, nó không nỡ để Vương ăn cháo loãng. Lang chạy đôn chạy đáo mượn chăn đắp cho Vương, nó không ngại chạy hẳn sang đội ba, ở cách đội một của chúng nó một ngày đi bộ, chỉ vì nghe nói ở đó có cái chăn nhung giống hệt cái Vương có ở nhà. Trước khi chạy đi nó còn không quên nhờ Thiên chăm sóc Vương hộ nó. Cứ lúc nào không bận làm nhiệm vụ là nó lại ngồi chăm Vương ốm, buổi đêm nó cũng chẳng ngủ mà ngồi đuổi muỗi cho Vương. Nhất phải công nhận, đợt đấy thằng Vương ốm mà trông thằng Lang mới giống như người ốm.
Suốt hai tuần Vương ốm, Lang chăm ngày chăm đêm mà không than vãn lấy một lời nào. Ấy mà Vương hết ốm cái nó đã làm nũng ngay được, nào là đòi dựa vào Vương, đòi gối đầu lên đùi Vương, đòi nắm tay Vương lúc cả đám vào rừng, ... Chính mồm nó còn tự nói, nó không được Vương chiều chuộng thì không lớn được, vì vậy nên lúc Vương ốm nó mới gầy đi. Vương nghe vậy chẳng biết nó có tin hay không, nhưng nó vẫn cứ luôn chiều Lang như thế. Lang Lười thì cứ thế già mồm than, Vương thì cứ thế vừa làm liên lạc vừa nhận thêm việc trông trẻ, như thể thằng Lang đã than hộ phần nó luôn rồi. Các anh chị thấy hai đứa nó như thế thì dở khóc dở cười, nửa muốn lên lớp cho thằng Lang một trận, nửa muốn để đôi chíp bông cứ vậy dựa vào nhau.
Nhưng kí ức sâu đậm nhất của thầy Nhất với đôi bạn này không phải là những lần chúng nó làm phiền đội với cái trò hường phấn của hai đứa, mà là lần thầy cùng chúng nó đi làm nhiệm vụ. Ba đứa nó không cẩn thận bị phát hiện, Lang không nói không rằng đạp Vương bay vào sâu trong đống đổ nát, đoạn nó co cẳng định đạp nốt thằng Nhất vào nhưng không kịp nên nó và Nhất bị địch lôi đi. Chắc là vì Lang trông trắng trẻo yếu nhớt (Nhất hồi ấy bé hơn Lang nhưng đen thùi lùi và trông rắn rỏi hơn), bọn giặc quyết định hành hạ thằng Lang lấy khẩu cung trước. Nhất nằm dưới hầm nghĩ thể nào Lang cũng kêu váng cái đồn địch cho xem, ngày thường phơi nắng một tí thôi mà nó kêu ca muốn ong cái đầu thằng Vương cơ mà.
Nghĩ vậy nhưng cuối cùng Nhất chỉ nghe thấy tiếng roi vun vút cùng lời chửi tiếng tây tiếng ta lẫn lộn của thằng Việt gian. Sau một lúc lâu như thế, thằng Lang bị địch tống vào, một bên mắt tím bầm, môi bị dập, hai má bị tát đỏ lựng, trên cổ, vai, tay, chân chỗ nào cũng có lằn roi ứa máu, lưng áo nó thì rách te tua, trên đó vết roi này chồng lên vết roi kia, máu chảy ròng ròng. Nó khó khăn ngồi xuống cạnh Nhất, miệng lẩm bẩm rằng tụi địch làm hỏng mất cái áo Vương cho nó.
"Sao không thấy kêu ca gì?" Nhất hạ giọng hỏi.
"Bị khùng đâu mà kêu cho địch nó nghe. Tui chỉ kêu với Vương của tui thôi." Nó đáp lời. Thật vậy. Tối đó một lời cũng không thấy nó kêu.
Hôm sau địch lại lôi thằng Lang đi hành hạ. Nhất nằm dưới hầm tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng động nào, nghĩ bụng hôm nay địch chuyển sang dụ dỗ nhẹ lời. Ấy vậy mà mấy giờ sau thấy địch đẩy một thằng Lang nát bấy vào ngục. Vết thương từ hôm qua chưa lành đã chồng thêm vết mới, từ đầu tới chân nó vừa ướt sũng lại vừa lạnh ngắt, móng tay móng chân của nó bị rút sạch, máu thấm đỏ cả quãng đường nó đi. Nhưng nó tuyệt đối không để giọt nào rơi lên cái áo Vương cho nó. Nó cắn cái môi xám ngoét, từ đầu chí cuối chỉ rên nhẹ một tiếng "Vương." rồi ngất lịm đi mất.
Lang gọi thì Vương tới. Đó là quy luật không bao giờ sai. Lần này cũng vậy. Lang vừa gọi Vương thì tầm hai tiếng sau, khi bọn địch đã ăn uống no nê mà lăn ra ngủ trưa thì tiếng súng đì đùng của các anh chị nổ ngay cổng đồn địch, Nhất nghe không lẫn đi đâu được. Một lúc sau Nhất nghe tiếng cái cửa hầm giam chúng nó bị thô bạo đốn xuống, sau đó là thằng Vương tay cầm cái rìu chẳng biết đâu ra xông vào. Nhất thấy mắt Vương sáng lên khi nhìn thấy hai đứa chúng nó, có lẽ chúng sáng lên vì Lang nhiều hơn một chút, nhưng Nhất không chạnh lòng. Vương công tử không nói không rằng quẳng cho Nhất cái rìu rồi cõng thằng Lang đang bất tỉnh nhân sự lên lưng, tiện tay úp luôn cái mũ nó đang đội lên đầu Lang.
Vương dẫn chúng nó bươn qua làn mưa đạn. Đôi chân nó nhanh thoăn thoắt, còn đôi mắt nó thì nhìn ngang nhìn dọc, Nhất nhớ ra là Vương có khả năng nhìn ra được vị trí địch-ta trên chiến trường rất đỉnh. Nhưng Nhất cũng nhớ ra, sức Vương cũng chỉ hơn nó một tí. Nhìn thấy đôi chân của Vương chậm lại, hẳn là ban nãy nó đi cùng anh chị tới tận đây cũng rất mệt, Nhất vừa cất lời gọi Vương lại để nó cõng Lang hộ thì một sự kiện cả đời Nhất sẽ không quên xảy ra.
Vương nghe tiếng Nhất gọi thì khựng lại, đánh mắt nhìn nó. Một thằng Tây cao lừ lừ từ đâu tới chắn trước mặt tụi nó, có lẽ hắn cũng chỉ là tình cờ vào đây, vì trông hắn như rất ngỡ ngàng khi thấy đám "Việt Minh con". Thằng Vương không chậm một giây nào, tay giật lấy cái rìu mà đốn thẳng vào cái chân như cột đình của tên địch, đốn thêm hai nhát nữa vào hai cổ tay hắn mà giật luôn khẩu súng hắn còn cầm trên tay. Nhất còn chưa hoàn hồn trước một màn máu me mà Vương vừa biểu diễn thì nghe thấy nó lên nòng súng, bắn một phát rất gọn vào sọ thằng Tây đang nằm sõng soài trên đất. Tới tận sau ngày giải phóng Nhất mới biết được đó là bản lĩnh của đứa trẻ phải giương mắt nhìn người bố Việt gian của mình cùng tay sai của ông hành hạ những chiến sĩ cộng sản.
Thằng Lang bị thả xuống đất, nghe tiếng súng ngay sát tai thì tỉnh dậy, chỉ kịp để thấy một thằng Tây khác xuất hiện, chắc hắn đi ngay sau tên vừa bị bắn. Thằng Tây mới đến cầm một khẩu súng hết đạn và một cái chùy sắt. Ngay khi hắn vừa thấy Vương, hắn đã không thương tiếc mà vung tay cầm chùy đánh một cú trời giáng vào thái dương, làm nó theo quán tính mà đập bụp vào tường gạch một tiếng rất dễ sợ. Trước con mắt kinh hoàng của Lang và Nhất, chân Vương trở nên mềm oặt, nó trượt xuống chân tường, vết thương trên đầu để lại một vệt máu đỏ chói trên bờ tường vàng lợt. Thằng Tây chưa kịp xử lí hai đứa còn lại thì đã bị bắn một phát vào đầu, ra đi nhanh như khi hắn xuất hiện.
Lang lảo đảo đứng dậy trên đôi chân te tua của nó mà lết về phía Vương. Nó xé một mảnh áo, cẩn thận băng bó cho Vương đúng như tụi nó được dạy rồi nhẹ nhàng cúi người, đặt Vương lên cái lưng vẫn rớm máu của nó. Nhất thấy Lang đi không vững mà còn đòi cõng Vương thì phản đối, nhưng nhìn đôi mắt Lang nó lại không nói gì nữa. Nó quyết định nhận vai trò chạy trước dò đường. Nhất tập trung nhìn chiến trận mà không không quên liếc nhìn hai đứa kia để trông chừng, vậy mà không thấy đằng sau nó thằng Lang muôn-đời-một-biểu-cảm đã giàn giụa nước mắt từ khi nào.
Lang chạy như tên bắn, chạy như chạy giặc đúng nghĩa, một tay nó đỡ Vương sau lưng, một tay nó giữ yên đầu Vương để khi chạy không gây thêm thương tổn nào cho nó nữa. Được một lúc thì nó thấy tay mình ươn ướt. Lang hoảng hồn nhận ra máu Vương đã nhuộm đỏ cả mảnh vải băng bó, chảy xuống đỏ cả vai áo nó.
"Vương, Vương ơi..." Nó mếu máo gọi, chân không dám dừng chạy. "Vương đừng chảy máu nữa, được không? Ngừng chảy máu đi mà..."
"Sắp tới nơi rồi, nên Vương đừng chảy máu nữa nha?" Lang vừa giữ chặt vết thương trên đầu Vương vừa chạy, miệng vừa an ủi liên tục như thể thằng Vương nghe thấy thì sẽ khỏi ngay vậy. "Vương sắp được cứu rồi, cố lên."
"Vương giỏi quá, không than thở một câu nào." Không nói chuyện máu me nữa, nó chuyển sang khen Vương hết lời như mọi khi ở căn cứ. "Vương đúng là rất kiên cường ha. Tớ ngưỡng mộ Vương cực kì. Tớ cũng thích Vương cực kì luôn nữa."
"Nhưng bây giờ tớ lại muốn Vương than thở cơ. Tớ muốn nghe thấy giọng Vương." Nói mãi máu cũng ngưng, nhưng hình như thằng Lang vẫn chưa yên tâm. Vì nó vẫn nói.
"Thôi không sao. Đợi Vương khỏe lại, Vương lại nói cho tớ nghe nhé. Vương phải kể lại cho tớ chuyện đi chơi du thuyền, tớ thích nghe chuyện ấy lắm. Tớ sẽ kể cho Vương chuyện em Cửu nhà tớ, đứa thứ chín dì tớ nhận nuôi ấy."
Vương càng im thì Lang nói càng nhiều. Bụi đất bay vào mồm nó, làm họng nó khô đi, nó nói tới khản cả giọng nhưng nó vẫn cứ nói, như thể bây giờ không nói thì sẽ không bao giờ nói được nữa vậy, như thể chục năm qua nó im lặng để bây giờ nó nói. Nói mãi nói mãi, cuối cùng chúng nó cũng về tới nơi. Vừa vào tới bệnh xá của căn cứ, việc đầu tiên Lang làm là gọi váng cả khu lên, kêu trời kêu đất đòi bác sĩ. Nó kêu tới lạc cả giọng mới thấy một chị y tá tất tả chạy về, chắc tình hình bên đó cũng dữ dội lắm nên các bác các chị đi hết. Lang cẩn thận đặt một thằng Vương da dẻ xanh lét xuống giường bệnh, xong thì ngoan ngoãn tránh sang một bên để chị y tá kiểm tra cho nó, hai con mắt nó dán vào Vương.
Chị thấy cả hai đứa Lang, Vương máu me đầm đìa thì không khỏi hoảng hốt, vội bảo thằng Nhất đi tìm một chị y tá nữa cho thằng Lang. Bấy giờ chị mới nhìn kĩ vết thương trên đầu thằng Vương. Cú đánh bằng dùi cui làm tổn thương từ bên trong đầu nó, máu chảy ra từ tai. Bên kia đầu, chỗ bị đập vào tường gạch cũng chảy máu vì tổn thương ngoài da, lại đúng chỗ có mạch máu nên máu chảy càng tợn. Chị nhìn da thằng Vương thì cắn môi, chị biết nước da này. Nước da nhợt nhạt của người lính đã hy sinh, làm sao mà chị không biết cho được. Chị biết chắc, thằng Vương mất rồi, mất trên đường tới đây, có khi là mất từ khi đầu nó đập vào tường.
Chị đánh mắt sang thằng Lang, nó vẫn ngồi nhìn Vương chằm chằm, tay nó đưa ra như thể rất muốn nắm tay bạn nhưng không dám. Không ai trong cái quân khu này không biết hai đứa nó dính nhau như sam, chị cũng vậy. Chính vì thế nên chị lúng túng, không biết phải báo tin cho thằng Lang thế nào. Tay chị vẫn bắt mạch, vẫn vạch mắt Vương lên xem đồng tử, tất cả đều cho chị biết rằng Vương đã chết. Chị thầm cầu nguyện thằng Lang có thể tự biết được, bởi chị không thể làm cái người báo tin tử trận của Vương cho Lang.
"Chị ơi, Vương sao rồi ạ?" Giọng nói của thằng Lang vang lên khản đặc. Thế nào tối nay nó cũng sốt.
Tay chị run lên, chị mím môi ngăn dòng nước mắt nóng hổi đang trào dâng.
"Chị ơi?" Nó túm áo chị kéo kéo, tưởng chị không nghe thấy giọng nó.
Chị y tá từ từ quay lại đối diện với thằng Lang, chị nhắm mắt lại cho nước mắt chảy xuống, cũng là để chị không nhìn thấy Lang khi chị cố giữ cho giọng mình bình tĩnh để mà báo tin:
"Vương mất rồi!" Giọng chị vẫn vỡ ra, những tiếng nấc chen vào câu nói của chị. "Vương mất máu nhiều quá, em ấy chắc đã ra đi từ khi mấy đứa còn đang đi về."
Thằng Lang lặng người đi nhìn chị chết trân. Thực ra sâu trong thâm tâm nó biết chuyến này Vương lành ít dữ nhiều. Nó đã biết từ khi Vương nằm trên lưng nó, khi hai trái tim áp sát nhau, một đập thình thịch, một đập chậm dần rồi dừng lại, dừng ở cái đồn địch đó, không thể tiếp tục chạy thoát được. Nó biết chứ. Thế nên nó mới liên mồm nói, nói để quên đi, nói để không khuỵu xuống ôm Vương mà khóc giữa làn khói đạn vô tình. Lang không muốn chấp nhận sự thật, nó muốn tin là Vương vẫn sống cho tới khi có người tới lôi nó ra khỏi cái mộng tưởng ấy.
Đôi mắt Lang mờ đi, nó dò dẫm nắm lấy bàn tay lạnh lẽo của Vương. Nó cứ ngồi như thế, như một pho tượng, chẳng nói năng gì, chị y tá gọi cũng không đáp, Nhất nói cũng không nghe, chị y tá tới xử lí vết thương cho nó mà nó cũng chỉ để kệ cho chị làm. Nhưng nó tuyệt đối không cho ai đụng vào Vương. Nó đợi chị băng bó xong cho nó, tự nó lại đi lấy khăn, lấy nước rửa vết thương, lau người cho Vương, thay cho nó một bộ quần áo mới rồi cẩn thận bế Vương vào chiếc giường trống trong góc bệnh xá cho gọn. Rồi với đôi tay bầm dập mới được băng bó của nó, Lang đào một cái hố trong cái nghĩa trang nhỏ của quân khu bằng cái xẻng sứt mẻ mà nó kiếm được. Lang lủi thủi làm một mình, không cho ai động vào. Nó chỉ để thằng Nhất lấy nước dội cho đất mềm ra đúng một lần, rồi lại cứ thế đào tiếp tới tận khi mặt trời lặn mới thấy vừa lòng. Xong xuôi, nó bế Vương ra, mang theo trong tay cái chăn nhung các anh chị đội ba cho Vương từ đợt nó sốt rét.
Lúc bấy giờ Lang mới chịu cho mọi người lại gần để tiễn Vương đi. Nó nghe thấy thằng Thiên nói một tràng những câu gì đấy, nghe thấy từng đứa trong đội chào tạm biệt Vương, nghe thấy anh đội trưởng tuyên dương Vương, nghe thấy toàn đội hát Quốc ca để tạm biệt Vương, như khi Vương hát Quốc ca để chào toàn đội. Lang nghe thấy rất nhiều, nhưng đồng thời nó chẳng nghe thấy gì cả. m thanh cứ từ tai này lọt qua tai kia khi nó chăm chú nhìn Vương, nó nhớ đôi má đỏ hây hây vì dị ứng thời tiết của Vương, nó nhớ người Vương lúc nào cũng ấm hơn nó, nó nhớ đôi mắt Vương sáng rực nhiệt huyết như mặt trời, nó nhớ đôi tay đôi chân tháo vát của Vương, nó nhớ giọng nói nhẹ nhàng mà dõng dạc của Vương. Vậy mà giờ tất cả những thứ ấy đều không còn nữa rồi.
Lang ôm Vương trong lòng ngồi bất động, để mặc cho mọi người cử hành tang lễ nhỏ cho Vương. Trong thế giới của Lang bây giờ chỉ có nó và Vương, một Vương hoạt bát luôn miệng nói chuyện, còn nó thì dựa vào Vương mà nghe, nghe bằng cả tâm hồn, vì tới đây nó không còn được nghe Vương nói nữa. Lúc đội trưởng đọc xong diễn văn chia tay cũng là lúc nó phải đưa Vương xuống huyệt, phải chính thức chấp nhận rằng Vương của nó đã không còn gì ngoài thân xác đã lạnh cóng. Lang muốn tự tay bọc Vương vào trong chăn, tự tay đưa Vương xuống nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng không hiểu sao tay nó cứ run lên, mắt nó thì mờ đi và đôi chân thì bủn rủn không đứng dậy được. Nó muốn tự tay tiễn Vương đi, nhưng cuối cùng vẫn đành chấp nhận để anh đội trưởng làm hộ nó.
Hôm nay quân ta thắng lớn nhưng cũng có không ít người hy sinh, đáng ra toàn đội sẽ viếng từng người một, mà nhìn Lang không ai nỡ lôi nó rời khỏi mộ của Vương. Nấm mồ đã đắp xong xuôi, mà nó cứ thế ngồi đó thẫn thờ nhìn đám đất lùm lùm, nơi mà sâu xuống vài mét có đầu Vương nằm đó. Nó vẫn cầm theo cái mũ cối mà theo lời thằng Nhất kể, ấy là do chính tay Vương đội lên đầu nó lúc nó đang hôn mê. Lang nhìn xuống đôi tay đôi chân vốn được băng bó cẩn thận, nay đã xổ ra mà dính đầy bùn đất của nó, vu vơ nghĩ nếu Vương không nhường mũ cối cho nó thì Vương đã sống rồi, nếu nó không ngất đi thì Vương sẽ không phải lo cho nó, thì Vương đã sống. Vương chết là tại nó.
Lang không nói cho ai nỗi dằn vặt của mình, nhưng nó luôn nghĩ Vương chết là lỗi của nó. Sau khi Vương mất, Lang Lười lại quay lại nếp sống cũ của nó khi chưa gặp Vương, hằng đêm nó vẫn ngủ muộn, nhưng nó không nằm thao thức trong lán mà mò ra mộ Vương rồi nghển cổ lên ngắm sao, miệng lầm rầm đọc tên các chòm sao mà Vương đã từng chỉ cho nó. Các anh chị biết thế thì dọa ma nó, nhưng nó lì lắm, nó dõng dạc khẳng định, nếu Vương có biến thành ma trở về thì nó cũng muốn gặp. Các anh chị vốn biết thằng Lang lầm lì chỉ có Vương trị được, nói vài lần không nghe thì lại đành kệ nó muốn làm gì thì làm. Lang ngắm sao từ đêm này qua đêm khác, cuối cùng nó khẳng định, chẳng sao nào sáng như mắt Vương.
Ngày nào cũng vậy, cứ lúc ăn cơm là nó lại bưng bát đũa ra ngồi cạnh mộ Vương, miệng lầm bầm cái gì mà ăn uống phiền phức lắm. Mới đầu thằng Thiên nhìn vậy còn thở dài, nhưng rồi nó cũng bưng bát ra ngồi với Lang cho có bạn. Cũng nhờ thế mà Thiên hiểu ra chấp niệm của Lang về cái chết của Vương vẫn luôn còn đó. Thiên hiểu ra vì sao Lang lại luôn phát hoảng mỗi khi có đứa đi làm nhiệm vụ mà quên mang mũ, cũng hiểu sao Lang đi đâu cũng kè kè cái mũ cối có ghi tên Vương. Có những lúc Lang ngồi thừ ra ôm mũ, Thiên cũng im lặng ngồi cùng nó.
Lang đủ chín chắn để biết nó cứ suốt ngày đờ đẫn nhớ Vương như thế cũng không phải cách nên ngoài những lúc đêm xuống nó ra ngồi cạnh Vương thì nó cố gắng cư xử như bình thường. Có một điều đáng chú ý là nó không còn là Lang Lười nữa. Thấy sự thay đổi bất ngờ của nó, thằng Lẫm, người đặt cho nó cái bí danh Lang Lười, phải trố mắt, đắn đo nghĩ lại xem có nên gọi nó là Lang Chăm không. Những chuyện lặt vặt như giặt giũ, rửa bát nó làm hết, y như một thằng Vương thứ hai, việc của các anh chị giao nó cũng xung phong làm, huấn luyện thì không một lời kêu ca, không một lần nhăn nhó. Cứ như hồn thằng Vương nhập vào xác nó vậy, thằng Lẫm thì thầm bình luận với thằng Nhất như thế. Thằng Nhất không đồng ý, nó bảo Vương sẽ không lầm lũi im lặng như vậy đâu. Nhưng hai đứa không biết, và cũng không đứa nào biết, Lang vẫn luôn thầm thì nói chuyện với Vương.
Chừng ba năm sau khi Vương mất, Lang cùng đội một được cho phép hoạt động trên chiến trường. Suốt những năm tháng ấy, Lang không rời cái mũ đã sờn cũ của Vương nửa bước, lúc nào cũng đội nó khư khư trên đầu. Cái mũ đó đã cứu nó bao nhiêu phen khi mà đất đá bị bom địch xới lên cứ từ trên trời rơi xuống. Nhưng mũ cối chỉ chống được đất đá chứ không chống được bom của địch.
Hôm ấy mấy đứa trong đội một nhìn rõ, chỉ nhoáng một cái, chiếc mũ cối mà Lang hết mực nâng niu vỡ làm đôi, bản thân nó thì bị tung lên không trung rồi rơi bịch xuống. Máu cứ từ miệng nó trào ra, Lang bị bom làm cho nội thương nặng. Nhưng hình như do thói quen đã ăn vào máu, nó không nhăn nhó một tí nào. Trái lại nó còn cười ngây ngô, miệng thì thầm:
"Tớ tới đòi Vương thực hiện lời hứa đi đến hết đời cùng tớ đây."
Lần này thì Vương đừng hòng thất hứa với nó.
Đội một không ngờ lần đầu tiên chúng nó nhìn thấy Lang cười lại chính là lần cuối cùng. Lang thì thầm xong thì mãn nguyện trút hơi thở cuối cùng, nụ cười vẫn tươi rói trên môi. Lang mất thì tới lượt thằng Thiên hoá dở hơi. Nó sống chết đòi mang Lang về quân khu cũ của đội một, để rồi mình nó băng qua bom đạn khiêng Lang bọc trong cái túi đựng pháo về, suốt một ngày đường không ăn uống gì cả. Về tới nơi nó cũng không vội ăn mà lao vào nghĩa địa nhỏ của quân khu, hì hục đào một cái hố bên cạnh mộ của Vương. Thiên chạnh lòng nhìn phần mộ nó đào cho Lang, mới có ba năm mà Lang đã lớn lên gần gấp rưỡi Vương. Nó dở khóc dở cười nghĩ, không biết hai đứa mà gặp nhau trong bộ dạng ấy sẽ như thế nào. Phen này thằng Lang có muốn thì cũng không leo lên lưng thằng Vương được nữa rồi.
Thiên đặt Lang xuống huyệt, nó chần chừ chưa muốn lấp cái hố, nhưng nó cũng không biết làm gì cho phải. Thiên chợt nhớ ra hai nửa chiếc mũ cối của Vương mà nó khó khăn cầm theo vẫn để bên cạnh đống đất, nó với lấy ngắm nghĩa cho có việc mà làm.
"Lang này, mũ vỡ mất rồi. Cậu có muốn tớ dán lại cho cậu không?"
Nó đột nhiên hỏi, giọng đượm buồn.
"Vải sờn hết rồi này. Tớ thì lại không biết căng lại vải thế nào."
Thiên nói, như thể bên cạnh nó là một thằng Lang còn sống sờ sờ.
"Tớ nghe Vương kể Lang khéo tay lắm. Trên đó có đồ dùng tử tế, cậu tự sửa lại vậy nhé."
Nó cười nhạt, tay nhẹ nhàng đặt cái mũ xuống cạnh Lang.
"Lên đó cậu với Vương nhớ phù hộ cho kháng chiến nghe." Nói ra nghe sai sai, nó lại thêm. "Hai cậu nhớ nhìn bọn tớ cùng mọi người giành độc lập về."
Còn nhiều điều nó muốn nói với Lang, như là nó rất ngưỡng mộ tình bạn của nó với Vương, như là nó rất bất ngờ khi Lang thay đổi, như là nó muốn kết thân với cả hai đứa, muốn làm bạn với hai đứa cho tới tận những ngày hòa bình,... rất nhiều điều nó muốn nói, nhưng chẳng có âm thanh nào rời khỏi môi nó. Vì nó đang cắn chặt môi để nén những tiếng nấc. Bấy giờ nước mắt nó mới trào dâng, những giọt nước mắt nó kìm nén từ lúc khiêng Lang về, từ lúc bưng bát cơm ra ngồi cùng Lang cạnh mộ Vương, từ tận lúc Vương hát Quốc ca xin gia nhập đội. Thiên muốn hét, muốn gào lên cho Lang và Vương ở trên chín tầng mây nghe thấy, rằng nó mến hai đứa lắm, nó tự hào vì đất nước mình có những người như hai đứa, rằng nó sẽ cố gắng hết mình cho tự do của Tổ quốc.
Nước mắt vẫn còn giàn giụa nhưng Thiên nhanh chóng vun đất lấp hố. Nó phải mau lên mà quay về với chiến trường, Tổ quốc còn đang kêu gọi nó, nó không thể buồn bã lâu được. Thiên vun xong đất, nó đứng trước mộ của hai đứa bạn, tay phải đặt nơi ngực trái mà hét to:
"Ngự Ảnh Linh Vương! Phong Thành Sĩ Lang! Xin hẹn ngày thống nhất gặp lại!"
Đoạn nó quay đầu, chạy ngược con đường để về với tiếng bom đạn, tiếng quân ta quân địch láo nháo.
Thiên được tận mắt chứng kiến ngày thống nhất, và hôm đó anh lại khóc. Việc đầu tiên anh làm sau khi nhận tin thống nhất là tìm đường quay về quân khu cũ. Tất cả những làng mạc, cảnh quan trên đường về quân khu đều đã bị phá hủy, vậy mà Thiên vẫn cứ đi, đi theo cảm tính, theo con tim. Càng gần tới nơi, tim anh đập càng mạnh, và đôi chân anh sải bước càng nhanh. Và đây rồi. Căn cứ cũ của đội một không còn lại cái gì ngoài một nửa cái cổng sắt và một đống đổ nát lộn xộn, nhưng anh vẫn nhận ra, đôi chân dẫn anh đi theo trí nhớ đến đúng trước mộ của hai người đồng đội.
"Vương ơi, Lang ơi, miền Nam giải phóng rồi! Tụi mình thắng rồi!" Giọng anh run run, nước mắt lại cứ thế chảy dài.
Đôi bàn tay mảnh khảnh đào mộ cho Lang giờ chỉ còn một bên, nhưng Thiên vẫn tự hào dang ra như thể muốn ôm linh hồn của hai người bạn, và của tất cả những người lính đã hy sinh vào lòng.
"Tự do rồi! Tự do rồi!" Thiên lại hét to. Anh muốn tất cả mọi người, dù còn sống hay đã mất, hòa vào niềm vui giải phóng.
Dường như tiếng hét của anh lay động cả chín tầng mây, tới nỗi những đám mây phải né ra cho mặt trời chiếu rọi vào anh, chiếu lên đất nước mới được tự do. Thiên quay người lại đối diện với mặt trời, nụ cười tươi rói trên môi. Còn chưa tới tháng năm, nhưng mặt trời ngày giải phóng đúng là sáng như ánh mắt kiên định của Vương vậy.
Thiên ngồi xuống bên cạnh hai đám đất, thoải mái như bên cạnh anh có hai đứa bạn chí cốt đã trưởng thành và cũng đang cười tươi như anh.
"Bố của Vương tìm cậu đấy." Thiên bắt đầu mà không có đầu đuôi gì cả. "Nhưng tớ không nói Vương ở đâu. Những người còn lại của đội mình cũng không nói. Tớ nghĩ Vương thích ở đây hơn."
Anh ngừng một lúc, như thể đang lắng nghe Vương trả lời.
"Tớ sẽ xây mộ tử tế cho Vương, Lang và các anh ở đây nữa. Tớ nghĩ mọi người nằm ở đây êm lưng hơn là về thành phố, nhỉ?"
Thiên cười khúc khích. Ừ, chắc chắn là như thế.
"Tớ ra đây báo tin cho hai cậu và các anh biết. Bây giờ tớ về sắp xếp để xây mộ cho mọi người nhé."
Anh vừa nói vừa đứng dậy.
"Mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!"
Thiên ngẩng cao đầu, tay phải đã bị bom cướp đi nhưng vẫn nghiêm chỉnh đưa lên chào. Anh đã trưởng thành trong bom đạn, và anh sẽ mãi ghi nhớ những người đồng đội đã ngừng lớn vì bom đạn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro