NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
IX
NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
1. Xung quanh khái niệm ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học
Ngôn ngữ trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn từ thì không thể có tác phẩm văn học (phi ngôn ngữ bất thành văn). Trong tác phẩm văn học, ngôn từ là phương tiện để cụ thể hoá và vật chất hoá sự biểu hiện chủ đề và tư tưởng tác phẩm, tính cách nhân vật và cốt truyện v.v... Nguyễn Tuân đã định nghĩa về nghề văn như sau: "Nghề văn là nghề của chữ - chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh"(1). Bàn về ngôn từ trong văn học, M.Goocki cho rằng: "Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học".
Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn từ toàn dân đã được nghệ thuật hoá. Ngôn từ đã được chọn lọc, gọt rũa, trau chuốt,... và đặc biệt ngôn từ ấy phải đem lại cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ, xúc cảm được nhận biết thông qua những rung động tình cảm. Điều đó khác hẳn với những xúc cảm khoa học - những rung động thông qua suy lý và chứng minh. Ví dụ bài thơ "Lũ ngẩn ngơ" (Hồ Xuân Hương); "Núi đôi" (Vũ Cao), v.v...
Ngôn từ của tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng đều được viết hoặc được kể bằng lời (văn học viết hoặc văn học dân gian - truyền miệng). ở phương diện thể loại văn học có lời thơ, lời văn. ở phương diện chức năng và các thành phần cấu tạo của lời văn nghệ thuật có lời tác giả, lời nhân vật, lời trực tiếp, lời gián tiếp... nói chung gọi là lời văn. Lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Lời văn thực chất là một dạng ngôn từ tự nhiên đã được nhà văn tổ chức theo quy luật nghệ thuật về mặt nội dung, phương pháp, phong cách, thể loại, được đưa vào hệ thống giao tiếp khác mang chức năng khác (không phải giao tiếp thông thường như lời nói thông thường).
Lời nói thông thường Lời văn tác phẩm
- Giải quyết các nhiệm vụ tức thời, một lần.
- Phụ thuộc vào hoàn cảnh nói người nói đó là ai, nói trong trường hợp nào... thì người nghe mới hiểu được tách khỏi hoàn cảnh đó, lời nói sẽ trở nên vô nghĩa và vô giá trị.
- Lời nói thông thường không trọn vẹn, đầy đủ.
- Lời nói thông thường có nhiều các để diễn đạt một ý. - Ngược lại, có tham vọng trở thành lời nói cho nhiều lần, lời nói với muôn đời.
- Ngược lại, lời văn nghệ thuật lại có khả năng tương đối độc lập với hệ thống giao tiếp tự nhiên thông thường, nghĩa là lời văn nghệ thuật có thể bị tách rời ngữ cảnh giao tiếp tức thời và tham gia vào nhiều ngữ cảnh khác.
- Lời văn luôn là một hiện tượng trọn vẹn, đầy đủ để tự nó thuyết minh ý nghĩa của nó trong môi trường giao tiếp văn học.
- Nhà văn hoàn thiện văn bản, tức là đã tạo thành lời văn duy nhất, cách nói duy nhất biểu đạt được ý, tình định nói.
- Lời văn không giản đơn là lời nói mà nó là hình thức của tác phẩm văn học, có quy luật tổ chức riêng của nó.
2. Một số đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học
2.1. Tình hình tượng từ trong nội dung của lời nói
Tính hình tượng không phải chỉ có trong ngôn từ văn học mà còn có cả trong ngôn từ thực tế đời sống. Song đặc trưng này thể hiện hoàn toàn khác nhau giữa ngôn từ văn học và ngôn từ trong thực tế đời sống.
Trong thực tế, tác giả lời nói và chủ thể lời nói là một, là đồng nhất và người nghe phải hiểu nó một cách rất thực tế nghĩa là phải chú ý xem tác giả lời nói đó là ai, nói trong trường hợp nào, nhằm mục đích gì. Như vậy, tác giả lời nói giữ vai trò quan trọng, quyết định, cho nên dân gian có câu: "Miệng người sang có gang có thép" hoặc "Vai mang túi bạc kè kè. Nói ấm nói ớ người nghe ầm ầm", tức là địa vị xã hội cao hoặc thấp, tình trạng giàu hoặc nghèo của tác giả lời nói có ý nghĩa quyết định.
Trong văn học, tác giả lời nói và chủ thể lời nói không phải là một và điều quan trọng là chủ thể lời nói (không phải tác giả lời nói như lời thực tế trong đời sống). Tính hình tượng của ngôn từ văn học bắt nguồn từ lời của chủ thể hình tượng, chủ thể tư tưởng thẩm mỹ xã hội có tầm khái quát, có ý nghãi đại diện cho tư tưởng, tình cảm, tâm trạng... của một tầng lớp giai cấp, của một thế hệ nào đó. Ngay cả khi nhà thơ xưng "ta" hoặc "tôi" đấy nhưng cũng không phải là lời của tác giả, của một người thực tế mà là lời của chủ thể hình tượng, chủ thể tư tưởng thẩm mỹ mang ý nghĩa đại diện. Ví dụ khi Lê Anh Xuân viết: "Tay cầm nắm đất cha ông. Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trong tay" (Về Bến Tre) thì đây không phải là lời của một Lê Anh Xuân trong thực tế mà là lời của nhân vật trữ tình có ý nghĩa đại diện cho tư tưởng, tình cảm của hàng nghìn thanh niên sau khi tập kết từ miền Bắc được trở về quê hương miền Nam tiếp tục chiến đấu, suy nghĩ sâu xa về lẽ sống, về trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước, với dân tộc.
Tính hình tượng của ngôn từ văn học không chỉ biểu hiện ở các biện pháp tu từ, các phương thức chuyển nghĩa (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, nhân hoá, ngoa dụ...) mang tính chất cục bộ bề ngoài mà còn nằm sâu trong bản chất hình tượng của sáng tác. Trong khi tái hiện đời sống, ngôn từ văn học không chỉ miêu tả sự "vận động" và "động tác" của các sự vật, hiện tượng mà còn tái hiện trạng thái tinh thần của toàn bộ sự vật và con người trong những thời khắc nhất định. Theo A.Tônxtôi, mọi vật trên thế giới đều có cái động tác hành động và vận động riêng của nó trong một thời điểm nào đó, không chỉ là tác động của cơ thể mà còn là tác động của tâm hồn, của tình cảm(1).
2.2. Tính tổ chức cao
Nói chung, ngôn từ trong các loại hình văn bản đều đòi hỏi phải có tính tổ chức cao. Song do đặc thù của mỗi loại văn bản, tính tổ chức cao thực hiện những chức năng khác nhau.
Văn bản khoa học, lời văn khoa học tổ chức cao để đảm bảo nội dung, khái niệm của từ trong tư duy lôgíc chính xác, chặt chẽ.
Văn bản nghệ thuật, lời văn nghệ thuật tổ chức cao để giải phóng tính hình tượng của từ. Tính tổ chức cao của lời thơ thể hiện rõ ở vần nhịp, niêm đối chặt chẽ. Tính tổ chức cao của lời văn xuôi thể hiện ở cách dùng từ, sắp xếp các từ ngữ vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, uyển chuyển nhưng không phải rời rạc, xuôi xuôi. Tính tổ chức cao trong ngôn từ văn học không chỉ thể hiện ở việc sử dụng từ ngữ mà còn thể hiện ở cả dấu câu - một yếu tố tưởng chừng rất nhỏ trong sử dụng ngôn từ cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong một hội thảo khoa học, khi nói về dấu câu, nhà văn Tô Hoài rất có lý khi cho rằng: "Dấu câu là hình thức của chữ, của từ. Thật ra không phải chỉ có dấu câu mà ngay cả cách ngắt nhịp cũng cần được xem là một từ đa nghĩa, một từ đặc biệt (không có vỏ âm thanh) trong vốn ngôn từ chung của nhân loại".
Tính tổ chức cao của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học còn thể hiện ở sự linh hoạt, uyển chuyển đặc biệt là ngôn từ tiểu thuyết - một thể loại văn học mới mẻ, hiện đại, luôn luôn biến chuyển cho phép nhà văn vận dụng linh hoạt, sáng tạo tất cả các loại hình ngôn từ, các cách diễn đạt khác nhau. Đó là những lối nói khẩu ngữ (Theo nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến thì khẩu ngữ là máu của văn xuôi nghệ thuật. Khẩu ngữ không chỉ là nguồn nuôi dưỡng của văn xuôi nghệ thuật mà nó còn làm nên thần thái, khí sắc, đặc tính mĩ học của văn xuôi nghệ thuật), thành ngữ, tục ngữ, những từ địa phương, những từ nước ngoài, những từ mới phát sinh (những từ mới "mà mỗi chữ đều soi bóng hoàn cảnh và tình hình xã hội lúc chữ ấy ra đời"). Thậm chí ngôn từ tiểu thuyết có thể dung nạp được cả ngôn từ của các loại hình văn bản khác như nhật ký, thư từ, những tư liệu sự kiện có tính chất báo chí... thể hiện trạng thái đa ngữ của thế giới hiện thực, của cuộc sống và con người trong thời hiện đại, nói như nhà nghiên cứu văn học Xô viết M.Bakhtin thì đó là hiện tượng "phá rào" của ngôn từ tiểu thuyết, nó có thể bước qua mọi ranh giới, đặc trưng của văn học nghệ thuật.
Riêng đối với ngôn từ địa phương có một vấn đề mà nhà văn và cả nhà báo cần phải quan tâm. Đó là vấn đề sử dụng ngôn từ địa phương như thế nào, ở mức độ nào trong mỗi tác phẩm (Văn học và báo chí). Tác dụng của tiếng địa phương là nêu bật được hình tượng, sự kiện, con người... tạo ra được những sắc thái địa phương trong tác phẩm, đóng góp cho sự phong phú chung của ngôn từ dân tộc. Song người viết vẫn phải hết sức chú ý bên cạnh những từ địa phương được sử dụng rộng rãi với tần số xuất hiện rất lớn đã gần như được phổ thông hoá, ai cũng có thể hiểu được còn có nhiều từ ngữ địa phương chỉ được sử dụng trong một phạm vi hạn hẹp, một vùng miền nào đó. Do vậy, khi sử dụng từ ngữ địa phương cần phải có sự cân nhắc thận trọng. Chỉ sử dụng trong những trường hợp cần thiết và cũng không nên dùng quá nhiều từ ngữ địa phương trong một tác phẩm. Nếu lạm dụng từ ngữ địa phương sẽ dễ tạo ra những cản trở trong tâm lý tiếp nhận của công chúng độc giả; không những không giúp ích gì cho việc cảm thụ thẩm mỹ tác phẩm mà ngược lại còn làm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của tác phẩm.
2.3. Tính hàm súc
Xuất phát từ yêu cầu về mặt thông tin của tác phẩm văn học; với tư cách là một văn bản thông tin, bằng một lượng ngôn từ hạn hẹp, tác phẩm văn học cần phải cung cấp cho người đọc những lượng thông tin lớn nhất, không có độ dư thừa. Nếu hiểu hàm súc là súc tích, ngắn gọn hàm chứa nhiều ý nghĩa thì tính hàm súc là khả năng của ngôn từ văn học có thể miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý, ý ở ngoài lời, "ý tại ngôn ngoại". Một từ trong ngôn ngữ văn học có khả năng gợi được một ý nghĩa lớn hơn nó, tràn ra ngoài nó.
Hiện nay, nhu cầu gia tăng thông tin đang đặt ra như một đòi hỏi tất yếu và chính đáng trong thời đại bùng nổ thông tin liên quan đến cả nhịp điệu của cuộc sống hiện đại. Nhu cầu gia tăng thông tin trong ngôn từ văn học hay nói cách khác là rút ngắn con đường dẫn đến thông tin là một trong những nhu cầu mới của công chúng văn học ngày hôm nay.
2.4. Tính biểu cảm
Tính biểu cảm là khả năng của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học có thể biểu hiện cảm xúc của đối tượng được miêu tả trong tác phẩm; có thể tác động tới tình cảm của người đọc, truyền đạt được những tình cảm, xúc cảm tới người đọc, người nghe. Nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Văn học là một loại hình nghệ thuật nên ngôn từ văn học không thể thiếu tính biểu cảm. Văn học tác động tới cuộc sống bằng con đường tình cảm, con đường của trái tim. Để dẫn dắt người đọc tới những bến bờ xa xôi của lý trí thì trước hết văn học phải tác động tới trái tim người đọc, có những câu văn, câu thơ có khẳ năng "làm tổ" trong trái tim người đọc, để giúp người đọc, người nghe cảm thụ đời sống một cách mới mẻ hơn theo quy luật của cái đẹp. Ví dụ: "Bên đường chiến tranh", "Cỏ lau" (Nguyễn Minh Châu), "ánh trăng" (Nguyễn Bản) v.v...
Ngôn từ văn học thuộc thể loại tự sự (văn xuôi, văn vần, thơ tự sự) phải hàm chứa được những yếu tố thời gian. Nhà văn cần phải có tư duy thời gian - tư duy định lượng, cái trước làm đinh đế cho cái sau, hạn chế đến mức tối đai sự đoán trước của độc giả. Tư duy thời gian có thể giúp cho các nhà văn sáng tác tiểu thuyết nhiều tập đạt tới những thành công nhất định.
2.5. Tính chính xác
Xuất phát từ một yêu cầu rất quan trọng đối với văn học là nó phải phản ánh hiện thực một cách chân thực như ý kiến của nhà bác học Lê Quý Đôn: "Văn muốn hay, trước hết phải đúng". Nói một cách cụ thể, đây chính là khả năng của ngôn từ văn học có thể biểu hiện đúng điều mà nhà văn muốn nói, miêu tả đúng cái mà nhà văn muốn tái hiện. Một từ bình thường nhưng dùng đúng chỗ, sẽ giúp người đọc tưởng tượng và cảm thụ một cách đúng đắn, hợp lý về đối tượng được miêu tả.
Tính chính xác trong văn nghệ thuật khác với tính chính xác trong văn khoa học. Trong văn bản khoa học tính chính xác của ngôn từ dựa trên cơ sở tính đơn nghĩa của từ ngữ, thuật ngữ. Tính chính xác của ngôn từ trong văn nghệ thuật dựa trên cơ sở tính hình tượng, giàu hàm ẩn. Chính xác ở văn nghệ thuật là vẽ đúng được một nét sinh động của đối tượng miêu tả theo như quan niệm của tác giả, theo yêu cầu riêng rất tinh vi của văn học. Nghĩa là phải chọn đúng từ ấy chứ không phải từ khác; phải đặt đúng chỗ ấy, không thể chuyển sang vị trí khác, có như thế mới đúng được cảnh ấy, dáng điệu ấy, cái tình ấy, cái ý ấy. Chẳng hạn trong Truyện Kiều, vẫn là diễn tả tâm trạng Thuý Kiều song mỗi hoàn cảnh Kiều lại có những diễn biến tâm trạng, những nỗi niềm khác nhau: Gặp Thúc Sinh trong màn Kiều báo ân báo oán khác với lúc gặp lại Kim Trọng trong màn đoàn viên. Hoặc trong Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), nhân vật bà Nhuần thuộc tầng lớp thị dân thì ngôn ngữ của bà sặc mùi chợ búa phe phẩy. Hay trong Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Lý là một nhân vật mà tính cách rất phong phú, đặc sắc, đầy cá tính, dễ đổi thay thì ngôn ngữ của Lý luôn thay đổi giọng điệu, sắc thái biểu cảm thể hiện đúng tính cách của chị: khi thì mệnh lệnh, kẻ cả, lúc thì cay nghiệt, đành hanh, trợn trạo, nhưng cũng có lúc lại rất mượt mà, tình cảm, đầm ấm... Nghĩa là hình tượng nhân vật thế nào thì ngôn ngữ thể hiện phải như thế ấy. Hoàn cảnh nào, tâm trạng nào, tính cách nào,... thì ngôn ngữ phải đúng như thế: Ngôn ngữ chính xác sẽ tạo cơ hội cho nhà văn dựng lên được những chân dung sinh động, khắc hoạ được tính cách điển hình, sắc nét.
3. Các phương tiện và phương thức tổ chức của lời văn nghệ thuật
3.1. Các phương tiện của lời văn nghệ thuật
Lời văn vận dụng toàn bộ khả năng và phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ toàn dân thuộc các bình diện ngữ âm, từ vựng, cú pháp, phong cách... Các phương tiện từ vựng như từ đồng nghĩa, phản nghĩa, từ tục, từ thanh, từ cổ, từ mới, tiếng lóng, tiếng nghề nghiệp, tiếng địa phương, từ tôn giáo, từ dân tộc ít người, tiếng nước ngoài... các phương tiện ngữ pháp như câu cảm thán, câu đặc biệt, câu nghi vấn, câu rút gọn, phép đảo ngữ... Các phương thức chuyển nghĩa (phương tiện tu từ) như ẩn dụ, hoán dụ, ví von, mỉa mai, tượng trưng, nhân hoá, phúng dụ, biểu trưng, so sánh... Ngoài các phương thức chuyển nghĩa còn có các phương thức tổ hợp từ làm biến đổi sắc thái biểu đạt như các loại điệp ngữ (trùng điệp), nói giảm (uyển ngữ, nhã ngữ) phản ngữ, tỉnh lược ngữ (lược bỏ mà người đọc vẫn hiểu) tương phản, chơi chữ (dùng từ đồng âm, biến âm), dẫn ngữ, tập kiều, tập ca dao,...
3.2. Các phương thức tổ chức lời văn nghệ thuật
Có hai bình diện tổ chức lời văn:
Tổ chức lời văn như là lời văn nghệ thuật nói chung.
Tổ chức lời văn phù hợp với một phong cách, phương pháp sáng tác, đặc trưng thể loại nhất định. Lời văn nghệ thuật khác với các loại lời văn khác, thường được tổ chức theo các nguyên tắc sau:
a. Cụ thể hoá có định hướng đối tượng miêu tả: Lời văn tác phẩm văn học có chức năng tái hiện đời sống, thể hiện sự lý giải, đánh giá trước phạm vi đời sống được miêu tả, phản ánh. Do đó lời văn thường phải làm cho đối tượng ngày một cụ thể hơn, lớn lên, tác động vào tâm tư, tình cảm người đọc.
b. Sự tỉnh lược, sự cố tình và thường xuyên im lặng một số phương diện nào đó của nhân vật. Tỉnh lược để văn hàm súc, lời chật ý rộng.
Có trường hợp vừa cụ thể hoá có hướng vừa tỉnh lược đan xen nhau tạo nên sự linh hoạt, biến hoá, uyển chuyển trong nhịp điệu của lời văn: khi căng, khi chùng, khi gần, khi xa, khi thưa, khi nhặt như nhịp điệu của đời sống thường nhật.
c. Lời văn nghệ thuật còn truyền cho người đọc một điểm nhìn cá thể mang cá tính sáng tạo của người trần thuật hoặc của nhân vật, hoặc kết hợp đan xen cả hai. Nhà văn không chỉ truyền điểm nhìn mà còn truyền điểm cảm xúc, điểm tình cảm, cảm hứng tình điệu. Các điểm nhìn ấy không chỉ mang ý nghĩa mà còn mang nội dung tâm lý, mang cảm xúc của người trần thuật và nhân vật. Đồng thời cái nhìn ấy phải mới, mở ra những viễn cảnh, ý nghĩa mới, gắn liền với chi tiết mới và cách dùng từ mới. Những chi tiết chung chung với những từ mòn có sẵn sẽ làm triệt tiêu ý vị của lời văn nghệ thuật.
Nói là chữ nhưng thực chất là cách nhìn, cách hiểu, cách cảm về đời sống. Lời văn nghệ thuật tự nó phải mang một cái nhìn mới mẻ, giàu cá tính, giàu phát hiện đối với hiện thực để truyền cho người đọc.
Lời văn tác phẩm văn học là hình thức của tác phẩm nên nó gắn bó và phục tùng nội dung của tác phẩm. Các phương tiện, phương thức nói trên chỉ thực sự trở thành lời văn nghệ thuật khi nó găn liền với nội dung cụ thể của tác phẩm biểu đạt đắc lực cho nó.
Các nguyên tắc cụ thể hoá có định hướng và truyền đạt cái nhìn của lời văn nghệ thuật lại phụ thuộc vào quan niệm và tính cụ thể của cuộc sống, vào cách nhìn cuộc sống của nhà văn và thời đại của nhà văn, vào ý đồ sáng tác của tác giả. Vì thế, trước một tác phẩm nghệ thuật thực sự, cần xem xét sự thể hiện của các nguyên tắc trên trong việc dùng từ vựng, các phương thức tu từ, các cách viết câu để nhận ra hình thức độc đáo của lời văn trong tác phẩm.
Tóm lại, để tìm hiểu được lời văn, nghệ thuật như là hình thức của tác phẩm chẳng những phải hiểu được các phương tiện ngôn từ được tác giả sử dụng, nhận ra chính xác hình thức và nội dung của các phương tiện ngôn từ ấy mà còn phải lý giải được sự tổ chức của chúng phù hợp với các nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ của tác giả.
4. Các thành phần của lời văn trong tác phẩm văn học
4.1. Lời trực tiếp
Là lời của chủ thể phát ngôn (nhân vật hoặc tác giả) trực tiếp nói lên trong tác phẩm.
Lời trực tiếp được sử dụng rộng rãi ở mọi thể loại văn học, nhất là trong văn tự sự và kịch. Trong văn tự sự, lời trực tiếp được tác giả lựa chọn, đưa vào cấu trúc trần thuật ở những chỗ cần thiết. Trái lại, trong kịch bản văn học, lời trực tiếp của nhân vật đóng vai trò chủ đạo, lời gián tiếp thu hẹp tới mức tối thiểu dưới một số hình thức nhất định. Trong thơ tự bạch, thơ "điệu nói" hoặc thơ trữ tình "nhập vai" lời trực tiếp chiếm ưu thế.
Lời trực tiếp của nhân vật văn học thực hiện các chức năng cơ bản sau: chức năng phản ánh hiện thực ở ngoài nhân vật, chức năng tự bộc lộ của nhân vật cho thấy sự tồn tại của nó, chức năng như một hành động, một sự kiện đối với nhân vật khác, chức năng của thực tại lời nói bên ngoài ý thức tác giả, đối tượng suy tư của tác giả, chức năng biểu hiện nội tâm, thế giới bên trong của nhân vật.
Nội dung lời trực tiếp nào cũng thể hiện các chức năng đó, song tuỳ theo chức năng nào được sử dụng nhiều hơn thì các phương tiện ngôn từ ứng với nó sẽ được tác giả chú ý phát triển hơn.
Chức năng phản ánh hiện thực thường mang yếu tố thông báo, trần thuật, miêu tả nhưng rất giản đơn, không trọn vẹn chỉ có tính chất bổ sung và đặc biệt mang tính chất chủ quan rất đậm, được thể hiện dưới hình thức chuyện trò, đối thoại. Trong kịch, lối này cũng thường được sử dụng. Lời trực tiếp không chỉ phản ánh hiện thực bên ngoài nhân vật bằng nội dung,mà còn bằng cả hình thức nữa vì đối thoại là một phương diện của tồn tại con người, nó cho thấy cả một bộ mặt tự nhiên, sinh động của hiện thực.
Chức năng tự bộc lộ, lời nhân vật là một đối tượng của miêu tả nghệ thuật. Lời trực tiếp thể hiện đời sống ngôn ngữ của xã hội. Nhà văn vận dụng các phương tiện lời nói để tái hiện lời nói trong tính quy định của môi trường, giai cấp xuất thân, nghề nghiệp, học vấn, tâm lý lứa tuổi, tâm trạng, cá tính. Thực hiện chức năng này, nhà văn phải ý thức được rằng lời nhân vật là một tồn tại khách quan, phải quan sát chú ý mới khắc hoạ được.
Chức năng như một hành động, một sự kiện đối với nhân vật khác, lời trực tiếp là một kích thích đầy sức mạnh. Nó vừa mang thông tin mà nhân vật khác trông chờ, vừa có hình thức tác động vào cảm xúc, lý trí của nhân vật khác.
Chức năng đối tượng miêu tả, suy tư của tác giả, lời trực tiếp là một kiểu phát ngôn có đặc trưng riêng về mặt lời nói thể hiện ở từ vựng, kiểu câu, ngữ điệu...
Chức năng thể hiện nội tâm lời trực tiếp hoặc là được thể hiện qua các mẩu lời nói của một quá trình nội tâm hoặc được thể hiện dưới hình thức độc thoại nội tâm mở rộng.
Lời trực tiếp thể hiện tâm lý, có thể có nhiều hình thức đa dạng do mối quan hệ của lời nói ngoài (phát ngôn) và ý nghĩ thầm kín quy định. Có hai loại:
Lời trực tiếp phù hợp khi nhân vật nghĩ thế nào nói thế ấy (A->A).
Lời trực tiếp không phù hợp khi nhân vật nghĩ một đằng nói một nẻo (A->B) hoặc nghĩ nhiều mà nói ít hoặc vừa nói vừa giải thích ý nghĩ định nói, hoặc dùng lời nói để che đậy ý nghĩ.
Sự phù hợp hay không phù hợp cho thấy lời nói trực tiếp không giản đơn chỉ là việc phát ngôn, là câu chữ mà là một hoạt động, một quá trình im lặng đằng sau vầng trán.
Như vậy, phải hiểu lời nói không phải bằng câu chữ mà bằng ẩn ý, ý định tế nhị.
Trong lời trực tiếp có dạng đặc biệt là lời nội tâm (có thể độc thoại, có thể đối thoại song không phải để giao tiếp). Lời nội tâm thường được sử dụng khi nhân vật tự đối diện với mình và nhân vật "tự nhủ", tự "nghĩ thầm" và không phải bao giờ cũng rành rọt, rõ ràng mà thường rối ren, lộn xộn, chắp nối. Đó là hình thức tái hiện tính tự phát của dòng ý thức và cảm xúc.
Lời nội tâm cũng có thể chuyển thành lời gián tiếp khi có sự dẫn dắt của người trần thuật.
Ngoài những lời trực tiếp của nhân vật còn có lời trực tiếp của tác giả, có thể là lời "trữ tình ngoại đế", có thể là lời bình luận đạo đức, triết lý của tác giả.
4.2. Lời gián tiếp
Là lời của tác giả, của người trần thuật hoặc người kể chuyện có chức năng trình bày toàn bộ thế giới hình tượng, kể cả các yếu tố nội dung, hình thức của lời nhân vật cho người đọc.
Lời gián tiếp có hai chức năng thống nhất: tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khách quan, sự việc, con người, cảnh vật, đồ vật,... tái hiện và phân tích, lý giải lời nói ý thức cho người khác. Theo Bakhtin lời gián tiếp chia làm hai loại:
Lời gián tiếp một giọng, đó là lời tái hiện đánh giá các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩ khách quan vốn có của chúng theo ý đồ của tác giả, hướng trực tiếp đến đối tượng, gọi tên đối tượng ra. Lời gián tiếp một giọng thường mang sắc thái trung tính, khách quan.
b. Lời gián tiếp hai giọng, đó là lời tái hiện, phẩm bình các hiện tượng hướng tới lời và ý thức người khác, tranh biện, phản bác hay đồng tình với chúng. Loại này có các dạng chính sau:
Lời nửa trực tiếp, là lời gián tiếp bao hàm các yếu tố khác nhau của lời trực tiếp.
Ví dụ: Lời kể của Vợ chồng A Phủ nhiều đoạn vừa bao hàm lời tác giả vừa hấp thụ lời nhân vật.
Lời gián tiếp phong cách hoá, là lời gián tiếp phỏng theo một lời nào đó, một ý thức nào đó. Lời và ý thức đó không thuộc đối tượng miêu tả, nhưng lại mang một ý vị bổ sung, thường là mỉa mai, hài hước.
Ví dụ: đoạn văn mở đầu truyện Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn của Nguyễn Công Hoan.
Lời gián tiếp của người kể chuyện (người kể chuyện thường là một nhân vật trong truyện).
Là lời của một nhân vật thì lẽ ra phải là lời trực tiếp nhưng tác giả lại trao cho nó chức năng trần thuật nên lời này trở thành gián tiếp...
Như vậy là lời của nhân chứng hoặc của người trong cuộc nên lời của người kể chuyện có một sức thuyết phục riêng, có màu sắc cá tính đậm đà và cảm xúc rất mạnh. Nhưng mang chức năng trần thuật nên lời người kể chuyện phải thể hiện quan điểm của tác giả. Chức năng chung của loại lời này là tăng cường sức biểu hiện cảm xúc trực tiếp, chức năng thuyết phục của nhân chứng, chức năng tự giãi bày, tự thú, trữ tình.
Chức năng văn học của lời gián tiếp của người kể chuyện là đưa các loại lời nói khác nhau. Lời kể dân gian, lời khẩu ngữ, lời tự thú, tự trào, thậm chí là lời điên lên hàng lời văn học, làm phong phú cho văn học.
Chú ý: Trong văn học không phải chỉ lời gián tiếp là có hai giọng mà lời trực tiếp của nhân vật, lời trực tiếp của tác giả cũng có hai giọng. Những hiện tượng phong cách đó đều làm cho cấu trúc lời văn nghệ thuật thêm phong phú, sinh động.
Tóm lại: Lời văn nghệ thuật trong tác phẩm văn học khôngphải là một ngôn ngữ trừu tượng mà rất cụ thể,nó là hình thức của tác phẩm. Cần phải thưởng thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm như là sự biểu hiện nội dung của tác phẩm, do nội dung tác phẩm quy định.
5. Các biện pháp nghệ thuật trong tác phẩm văn học
Biện pháp nghệ thuật của tác phẩm văn học là các cách thức vận dụng ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật, thể hiện quan niệm về đời sống. Nếu hội hoạ có cách sử dụng đường nét, màu sắc, độ sáng tối, đậm nhạt,... âm nhạc có các biện pháp âm điệu, âm sắc, tiết tấu, hoà thanh, giai điệu, phức điệu... thì văn học cũng có những biện pháp đặc trưng của nó. Các biện pháp này rất đa dạng. Thứ nhất là các biện pháp tu từ.Thứ hai là các biện pháp tạo hình, biểu hiện. Thứ ba là các phương thức biểu đạt. Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày một cách sơ lược các phương thức nhằm tạo dựng hình tượng. Đó là miêu tả, trần thuật, trữ tình, nghị luận.
5.1. Trần thuật là biện pháp nghệ thuật cổ xưa nhất xuất hiện từ trong thần thoại. Trần thuật không chỉ là kể, thuyết minh, giới thiệu về đặc điểm, việc làm của nhân vật, chi tiết sự kiện, bối cảnh trong truyện mà quan trọng hơn, trần thuật cung cấp điểm nhìn, con đường cho người đọc đi vào thế giới nghệ thuật một cách hứng thú, gây đợi chờ, lôi cuốn họ và áp đặt quan điểm đánh giá cho họ. Nó phải xác định điểm mở đầu, điểm chuyển biến qua các giai đoạn và điểm kết thúc. Muốn vậy nó phải xác định ai kể từ đâu, bằng giọng điệu như thế nào. Lý luận văn học trước đây chưa quan tâm đầy đủ về trần thuật, xem nó không đặc trưng như miêu tả. Nhưng thực tế, vị trí trần thuật quan trọng hơn miêu tả rất nhiều vì miêu tả chỉ phục vụ cho trần thuật, dù tỉ lệ miêu tả trong văn bản nhiều đến đâu thì xét trong chỉnh thể trần thuật vẫn là cái khung của sự kiện.Các chức năng miêu tả giúp cho trần thuật được dừng lại nghỉ ngơi hoặc chuẩn bị và thúc đẩy trần thuật. Như vậy, miêu tả phục tùng trần thuật. Trần thuật có nhiều thủ pháp như thời gian trần thuật, nhịp điệu trần thuật, ngôi trần thuật, điểm nhìn (góc độ) trần thuật, giọng điệu trần thuật. Đó là phạm vi nghiên cứu tự sự học hiện đại.
Các biện pháp trần thuật thường gặp là kể xuôi, kể theo trình tự và lôgíc tự nhiên của sự kiện. Kể ngược là kể ngược lại trình tự kể xuôi: từ kết quả, hậu quả lần ngược trở lại đi tìm các sự kiện, nguyên nhân. Kể chêm (kể xen) là biện pháp trong quá trình kể chuyện, dừng lại nửa chừng để chêm vào một sự kiện khác có tác dụng bổ sung thông tin. Kể chêm nếu kể chuyện quá khứ, thì giống với kể ngược nhưng tính chất lại khác, nó chỉ có tác dụng bổ sung; còn kể ngược là xét trong bố cục tổng thể của toàn bộ tác phẩm vănhọc. Ví dụ đoạn kể thuở bé và thời trẻ của Chí Phèo là kể chêm (kể xen). Ngoài ra, trần thuật còn có biện pháp bỏ lửng, ngắt quãng, gây hoài nghi, tạo chờ đợi.
Các biện pháp trần thuật tương ứng với việc cung cấp thông tin, sự việc của văn bản như sự kiện xảy ra, diễn biến, nhân vật, tính cách, số phận làm nền tảng để biểu hiện tư tưởng của văn bản. Biện pháp trần thuật cũng được sử dụng cả ở thể loại thi ca.
5.2. Miêu tả là biện pháp văn bản nhằm tái hiện con người, sự vật, sự kiện, đồ vật... một cách cụ thể, cảm tính nhằm mục đích khêu gợi trí tưởng tượng, tình cảm và làm cho người đọc rung đọng.... Trong tu từ học cổ điển miêu tả là một phương pháp đối lập với trần thuật, nội dung chỉ là những lời xa đề, không liên quan đến diễn biến sự kiện. Người ta có thể bỏ qua những đoạn miêu tả mà vẫn hiểu được cốt truyện. Việc Homer miêu tả cái khiên của Asin trong Iliát là một sự kiện gây tranh cãi. Miêu tả trong Tây du kí vừa nặng về trang sức, vừa nặng về công thức, ước lệ. Miêu tả trong Truyện Kiều như chân dung Từ Hải: "Râu hùm hàm én mày ngày" cũng là công thức, ước lệ. Vì miêu tả nhấn mạnh đời sống vật chất, một yếu tố của thế tục cho nên xung đột với qui phạm mỹ học chủ nghĩa cổ điển. Miêu tả ba chức năng chính: Một là tái hiện, thay thế, vẽ ra sự vật hiện tượng với đường nét cụ thể, gợi cảm.Hai là trang trí cho sự vật, con người những đường nét vui mắt. Ba là giải thích, phân tích và tạo biểu tượng. Trong văn học truyền thống, miêu tả thường gắn với thơ ca là yếu tố tạo thành chất thơ, còn trần thuật gắn với kể chuyện như truyện cười, truyện cổ tích... "Cỏ non xanh rợn chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa" (Nguyễn Du); "Lao xao chợ cá làng ngư phủ. Dắng dõi cầm ve lầu tịch dương" (Nguyễn Trãi) v.v... Việc đưa miêu tả vào tiểu thuyết làm thay đổi cấu trúc trần thuật, làm cho nó gần với thơ. Với Hugo, Balzac,miêu tả trở thành điển phạm, Zola miêu tả sự vật từ nhiều góc độ. Miêu tả gắn với phân tích tâm lí.
Trong miêu tả nổi lên vai trò của tính từ, các chi tiết của sự vật, con người, đặc biệt là vai trò của các giác quan trong việc quan sát, cảm nhận sự vật: âm thanh, màu sắc, không gian, đường nét...
Sự phát triển miêu tả trong văn xuôi cho phép phân chia miêu tả thành nhiều loại: Xét từ đối tượng có miêu tả nhân vật, miêu tả hoàn cảnh, miêu tả chi tiết, miêu tả cảnh vật, miêu tả nội tâm. Xét từ góc độ được sử dụng để miêu tả có miêu tả chính diện, trắc diện. Xét từ phương pháp có miêu tả động, miêu tả tĩnh, miêu tả đường nét (bạch miêu), miêu tả tương phản, miêu tả phóng đại. Do yêu cầu miêu tả mà câu văn thay đổi, biến dạng. Chẳng hạn đưa vị ngữ lên trước: "Còn chi nữa, cánh hoa tàn. Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiếu Lân" (Nguyễn Du). Hoặc gián cách chủ ngữ và vị ngữ bằng một trạng ngữ làm cho động tác chậm rãi. Ví dụ: "Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều". Sự gián cách giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu văn trên đã gợi lên nhịp điệu chậm rãi của buổi chiều. Miêu tả là biện pháp quan trọng để tạo hiệu quả nghệ thuật.
5.3. Trữ tình là biện pháp cơ bản nhất nhằm bộc lộ tư tưởng, tình cảm của tác giả. Trữ tình trực tiếp thường dùng ngôi thứ nhất để trút xả dòng cảm xúc. Trữ tình thường dùng lời giãi bày, cảm thán, câu hỏi bộc lộ cảm xúc trực tiếp. Trong văn bản thơ ca thường dùng lối này: Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng... Có con bướm trắng thường sang bên này. Bướm ơi! Bướm hãy vào đây! Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi... Chả bao giờ thấy nàng cười. Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên. Mát nàng đăm đắm trông lên... Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi! Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi. Tôi buồn tự hỏi:"Hay tôi yêu nàng?" - Không, từ ân ái nhỡ nhàng. Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao? (Người hàng xóm - Nguyễn Bính). Trữ tình gián tiếp là giấu ngôi thứ nhất "tôi", mượn người, mượn sự tích hay câu chuyện để bộc lộ tình cảm một cách hàm súc, kín đáo. Ví dụ: Tầm tầm giời cứ đổ mưa. Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm. Cô đơn buồn lại thêm buồn... Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi (Người hàng xóm - Nguyễn Bính). Thơ cổ điển thường kết hợp cả hai biện pháp trữ tình này. Trong văn xuôi, các đoạn độc thoại, các đoạn phát biểu trực tiếp của người kể chuyện đều là biện pháp trữ tình trực tiếp. Đoạn tả cảnh có tác dụng trữ tình gián tiếp.
5.4. Nghị luận là sự nhận định, đánh giá đối với sự vật khách quan, thường dùng các biện pháp suy lý, thuyết lý. Văn học nghệ thuật cũng thường sử dụng nghị luận để biểu đạt tư tưởng, tình cảm. Ví dụ: "Thành phố đang ở một thời điểm khó xác định phẩm chất của nó, vào lúc câu chuyện này đang diễn ra. Rồi cái thời điểm này sẽ qua đi, không bao giờ trở lại, tất nhiên. Nhưng hiện tại nó giống như một đại lượng vô định trộn lẫn trong nó các yếu tố; các cực của các mặt đối lập. Đó là thời kỳ đấu tranh dữ dội và âm thầm, thời kì của những cuộc tranh luận quyết liệt ở mỗi con người" (Mưa mùa hạ - Ma Văn Kháng). Biện pháp nghị luận ở đây đã làm bật ra các vấn đề có tính chất triết lý thời cuộc.
Các biện pháp nghệ thuật nói trên có tác dụng chuyển văn bản ngôn từ nói chung thành một văn bản nghệ thuật nhằm mục đích sáng tạo một thế giới hình tượng. Vận dụng các biện pháp ấy, nhà văn sẽ tạo ra các nhân vật, sự kiện, tình huống, cảnh sắc, tạo ra được nhân vật người kể chuyện hoặc nhân vật trữ tình có cách nhìn, tình cảm, giọng điệu.
Như vậy, nói tới ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học chúng ta không chỉ nói tới các đặc trưng của nó, các phương tiện và phương thức tổ chức của lời văn nghệ thuật, các thành phần của lời văn nghệ thuật mà còn phải nói tới các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm văn học.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro