Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

3

Paris, tháng 6/1929

Minh Nguyệt vươn vai sau khi nghiên cứu đống tài liệu về xã hội chủ nghĩa trong thư viện của trường. Cô chuẩn bị tốt nghiệp và sẽ vào làm cho báo L'Humanité, tờ báo đại diện cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa. So với Le Figaro, L'Humanité vẫn còn khá mới khi được thành lập năm 1904 bởi lãnh tụ xã hội chủ nghĩa Jean Jaurès, tức 25 năm trước.

Cô từng đọc được thông tin chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc từng ghé qua tòa soạn này năm 1922, chắc là khi vào làm cô cũng sẽ có thông tin về tiên sinh. Liên hệ với tiên sinh giờ là không thể, không ai biết được Nguyễn Ái Quốc sẽ đi đâu, và Nguyễn Ái Quốc cũng sẽ chẳng để người ta biết mình đi đâu.

Hy vọng giờ ở nước nhà, phong trào cách mạng vẫn đang sục sôi. Cô sẵn sàng cống hiến cho bất kỳ tổ chức nào, miễn là con đường đó là giải phóng dân tộc, đem lại lợi ích cho tất cả người dân.

Minh Nguyệt cất tài liệu về đúng chỗ rồi rời đi, trước khi người thủ thư mất kiên nhẫn. Cô cầm cặp rồi bước ra cửa. Trời đã tối, khuôn viên trường vắng tanh.

"E hèm", cô vừa đi được vài bước ra khỏi thư viện thì nghe tiếng ai đó đằng sau.

"Em về muộn thế này là nguy hiểm đấy".

Minh Nguyệt sớm đã nhận ra cái giọng đó là của ai. Cô lại đảo mắt. Thói quen này thật xấu, khi ở Việt Nam cô chẳng làm điều đó bao giờ, nhưng từ khi sang đây, cô lại làm điều đó thường xuyên.

"Anh ở đây làm gì?" Cô tỏ vẻ khó chịu ra mặt.

"Tôi không làm gì cả đâu, và tôi thề sẽ câm nếu em muốn. Tôi chỉ đưa em về đến ký túc xá thôi rồi sẽ đi", Lucien có vẻ không nói dối, gã ta có âm mưu gì đây.

"Anh muốn gì?" Minh Nguyệt sớm đã hiểu mấy cái tên thực dân này. Làm gì có chuyện chúng giúp cô vô điều kiện, kiểu gì cũng phải có "điều khoản" đi kèm.

"Em luôn thực dụng như vậy à?" Lucien ngạc nhiên khi thấy cô thẳng thắn thế.

"Người như anh đương nhiên không tốt đến mức giúp đỡ ai đó mà không đổi lại điều gì", cô cười khẩy.

Lucien không phủ nhận mà chỉ nhếch mắt ấn tượng. Không hổ danh là sinh viên xuất sắc, sắp tốt nghiệp với tấm bằng danh dự rời trường. Trong mắt cô, hẳn gã luôn là tên thực dân khó ưa. Nhưng đó là việc của cô, cô ghét gã là việc của cô, gã thì chẳng quan tâm người khác nghĩ gì về mình.

"Mình vừa đi vừa nói nhé?" Gã đành thừa nhận

"Dĩ nhiên", cô đâu còn cách nào khác. Cô chấp nhận để tên Lucien đi song song và cách xa cô một đoạn

Nam nữ thụ thụ bất tương thân.

"Nghe nói em sẽ làm ở L'Humanité sau khi ra trường?" Lucien bắt đầu.

"Phải", cô nói ngắn gọn.

"Bỏ đi", Lucien nói giọng như thể ra lệnh làm cô muốn tát cho tên này một phát. Đúng là cái giọng của mấy tên thực dân.

"Anh có quyền gì mà bảo tôi bỏ", cô cười mỉa mai. "Này sinh viên ra trường bằng vớt, anh lo cho thân anh trước đi".

"Về làm cho anh và bố anh, bố anh có hẳn 1 công ty xuất bản", anh đề nghị. "Em có thể làm nhà văn, nhà báo, gì cũng được".

"Tôi không muốn làm cho ai hết, tôi chỉ muốn làm cho tôi", cô đương nhiên là sẽ từ chối. "Và tôi cũng không định ở Pháp lâu thêm, nên anh đừng dại mà đầu tư vào tôi. Sẽ lỗ đấy", cô nhếch miệng cười.

Minh Nguyệt không có vẻ gì do dự khi nói điều đó. Thực tình, Lucien cũng sớm tiên lượng trước là phần nhiều cô sẽ từ chối. Trông cô chẳng có vẻ gì là một cô gái Đông Dương ngưỡng mộ nước Pháp đến mức tìm mọi cách ở lại.

Lucien im lặng. Gã nhớ về lúc nhìn thấy cô lần đầu tiên khi ngồi ghế ở khuôn viên trường, trên tay cầm tờ báo L'Humanité vốn không được khuyến khích đọc ở thuộc địa. Cô gái Á Đông này gan phải lớn thế nào mới dám làm điều đó công khai.

Rồi gã được biết cô là người An Nam, anh lại càng ấn tượng. Cô sinh viên đến từ thủ phủ An Nam của Đông Dương, thuộc địa của Pháp ở Châu Á, lại ngấm ngầm ủng hộ Nguyễn Ái Quốc, dù chẳng nói nhưng gã cũng biết cô có ý chí phản kháng lại đất nước của anh thế nào.

Gã thừa biết cô có tinh thần dân tộc ra sao, chẳng lẽ gã lại chưa từng bắt gặp cô nghiên cứu về cách mạng tư sản Pháp và công xã Paris trong thư viện bao giờ. Cô đọc nhiều, viết nhiều đến mức quên cả trời đất cơ mà.

Nhưng với gã, đó là sai lầm. Chẳng bao giờ có chuyện một quốc gia thuộc địa nhỏ bé có thể đánh bại quốc gia lớn như Pháp. Cô định làm Jeanne d'Arc hay gì cơ chứ?

Với tài năng của cô, không nên làm những thứ vô nghĩa như thế. Ở lại Pháp và kiếm nhiều tiền, hay nếu cô muốn về Việt Nam thì cũng hãy làm cho nhà nước Pháp, cô hoàn toàn có thể sống dư dả. Còn một khi cô đã có tinh thần dân tộc và phản kháng, thứ chờ đợi cô hiển nhiên là chẳng có tiền tài gì hết, và tệ hơn là bị giam cầm, tra tấn, tệ nhất chính là cái chết.

"Đi làm cho Le Figaro đi", gã không tìm cách thuyết phục cô. "Em sẽ được trả lương cao hơn L'Humanité. Em muốn kiếm tiền thì hãy đến đó làm".

"Tôi không định ở lại Pháp lâu, nên kiếm nhiều tiền cũng không phải mục đích của tôi", cô nhún vai. "Với cả, anh đừng quên tôi không phải là người Pháp như anh, mà muốn đi đâu xin việc cũng được. Việc tôi thấp bé và tóc đen đã là lý do khiến nhiều nơi đuổi tôi đi từ cái nhìn đầu tiên rồi".

Đã về đến ký túc xá của cô, và gã cũng nhận ra điều đó. Gã dừng lại rồi quay người để đứng đối diện cô

"Em định làm gì khi trở về Việt Nam chứ?"

"Lấy chồng", cô nói nửa đùa nửa thật.

"Nếu chỉ cần lấy chồng thì lấy tôi đây này", gã thì lại chẳng đùa. Gã thà lấy một người vợ thông minh như cô, chứ chẳng đi lấy những nàng tiểu thư nhà giàu nhưng não rỗng tuếch.

Đấy là gã chưa biết cô cũng có xuất thân danh giá thôi. Biết rồi thì gã có lẽ cũng không đợi đến giờ mới nói câu này thôi.

Cô phì cười. Gã cũng thẳng thắn hơn cô nghĩ.

"Lấy anh là điều cuối cùng tôi nghĩ đến trên đời này đấy", cô chép miệng. "Anh nên tìm một cô vợ cao ráo, xinh đẹp, xuất thân cao quý hơn là người như tôi".

"Em luôn từ chối anh", gã bật cười. Trên đời này chỉ có một người duy nhất dám từ chối gã, đó là nàng mặt trăng đang đứng trước mặt gã đây.

"Tại sao tôi lại không nên từ chối anh?", cô nheo mắt. "Cho tôi một lý do".

"Lấy tôi em có thể làm bất kỳ điều gì em muốn. Tôi không bắt em ở nhà. Tôi không truyền thống như em nghĩ đâu", gã khẽ nhếch mày.

"Anh hãy học cách trân trọng phụ nữ thay vì chỉ coi họ như đồ trang trí trước khi hỏi cưới một ai đó", cô không to tiếng gì hết, mà chỉ dùng những từ ngữ sâu sắc nhất để nói với gã.

"Tôi vào đây", cô không đợi gã phản ứng mà đi thẳng vào tòa nhà rồi khép cửa lại.

Làm sao cô biết được gã đang ngẩn tò te thế nào trước những gì cô nói chữ. Lần đầu có người nói với gã như thế.

Đã từ chối gã, còn ám chỉ rằng gã chưa trưởng thành để hỏi cưới bất kỳ một người phụ nữ nào. Quả thật, gã đã quá bốc đồng khi hỏi cô điều đó. Rõ ràng gã thừa biết cô sẽ từ chối, nhưng gã vẫn muốn thử xem phản ứng của cô thế nào. Chỉ là gã không lường trước được cô không chỉ từ chối thông thường mà còn có ý coi thường gã đến thế.

Nhưng gã chẳng giận cô. Cô nói đúng. Gã còn trẻ và quả thật vẫn cần phải học cách trưởng thành.

Ngửa mặt lên trời, Lucien thấy đêm nay trăng khuyết, chỉ có một mảnh ở cuối bầu trời.

Moscow, tháng 10/1929

Trần Phú nhận được thư của một người ẩn danh, nhưng đó là nét chữ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ám hiệu tên cũng chính là của ông Nguyễn Ái Quốc.

Đại khái, Nguyễn Ái Quốc sẽ đưa Trần Phú về nước để bổ sung anh vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời của Đảng. Điều này được xem là sự ghi nhận lớn đối với đồng chí. Chừng ấy thời gian học tập, phải rời xa xứ sở, Trần Phú chỉ chờ tới giờ phút này. Cuối cùng anh cũng đã được phục vụ cho Cách mạng.

Trần Phú hạnh phúc nhưng rồi lại suy ngẫm một hồi lâu. Trần Ngọc Danh, em trai Trần Phú cũng sẽ sớm đến Moscow để học, đúng lúc anh phải trở về. Bao nhiêu năm anh em xa cách, chỉ để đổi lấy khoảng thời gian ngắn tương phùng, quả là chua chát biết bao.

Thằng bé Danh ngoan và hiểu chuyện. Khi Danh còn đỏ hỏn, cụ Phổ thân sinh anh đã thắt cổ tự tử ở công đường. Nó vừa lên 2, cái tuổi đang học đi, học nói, thì cụ bà Cát cũng quá đau khổ vì cái chết của chồng mà lâm bệnh rồi qua đời. Danh mất cả cha lẫn mẹ từ khi mới 2 tuổi. Thằng bé còn quá nhỏ để hiểu nỗi bất hạnh ấy...

Thằng bé cũng như đi lại con đường của Phú, năm 1928 bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao, Danh cùng các đồng chí như Hà Huy Tập phải tìm đường sang Trung Quốc để tiếp tục hoạt động.

Tình hình có vẻ không ổn, nên Nguyễn Ái Quốc lại tìm cách đưa thằng bé sang Moscow giống như Phú. Hai anh em gặp nhau trong hoàn cảnh không mấy dễ chịu, nhưng cũng dễ hiểu và có phần nào tự hào, vì cả 2 người họ đều đang ra sức dùng tuổi trẻ của mình cống hiến cho cách mạng, cho tổ quốc.

"Nghĩ gì đấy, Likvey", anh bạn cùng phòng người Nhật huých vai anh.

"Tôi sắp phải về", anh không giấu, vì Trần Phú biết họ khó lòng gặp lại, và người này cũng không có mục đích rõ ràng để hại anh.

"Vậy sao?", chàng trai không quá ngạc nhiên. Chuyện học viên ở đây rời đi không hiếm gặp. Ai cũng sẽ có lúc phải về để phục vụ công tác cách mạng vô sản ở nước của mình.

Việc được gọi về là may mắn, điều đó chứng tỏ học viên ấy thật sự đã đủ trình độ để hoạt động trực tiếp tại quốc gia của mình. Đây là nhiệm vụ đáng tự hào nhưng cũng đầy nguy hiểm, cái chết luôn sẵn sàng đón chờ họ một khi bị phát giác.

Anh lại ho khù khụ. Mấy cơn gió tháng 10 ở Moscow chưa bao giờ là dễ chịu. Bạn bè cũng biết điều đó, nên cứ đến tầm này họ thường không bắt anh làm quá nhiều việc nặng. Mấy thứ khuân vác họ không để anh làm bao giờ, hầu như Trần Phú chỉ có nhiệm vụ quét sân và thông báo thư từ ở trường.

Với tinh thần vô sản, không được làm việc cùng khiến Trần Phú cũng khá áy náy, nhưng biết sao được, sức khỏe anh không cho phép, thì đâu thể nào cố được.

"Quàng cái này vào đi, Likvey", anh bạn cùng phòng lôi chiếc khăn đã sờn trong tủ rồi đưa cho Trần Phú.

Họ đều không biết tên thật của nhau, đây chỉ đều là những cái tên bí danh để hoạt động cách mạng.

Có một thứ Trần Phú tuyệt đối không dám chia sẻ, đó là việc càng ngày anh càng thấy mâu thuẫn với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề cách mạng.

Với anh, những gì Nguyễn Ái Quốc làm đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tư tưởng tiểu tư sản, đang hoàn toàn không đúng với những gì anh được học ở đây. Trần Phú nghi ngờ thứ tư tưởng mà Nguyễn Ái Quốc đang theo đuổi là chủ nghĩa dân tộc, thay vì chỉ nghĩa cộng sản mà Đông Dương cần phải theo đuổi.

Ông Quốc nghĩ gì khi đặt niềm tin vào giai cấp tiểu tư sản và đám tư sản dân tộc chứ? Thật nực cười. Đám tiểu tư sản trí thức vẫn đang phục vụ cho đế quốc đấy thôi, họ đâu có kiếm tiền nặng nhọc đến như thế. Làm sao họ hiểu được tầng lớp công nhân và nông dân khốn khổ thế nào để kiếm được cái ăn. Chúng đâu có hiểu được cái thứ thuế máu chết tiệt ngày ngày giết dần giết mòn tầng lớp công - nông.

Trần Phú đã chứng kiến những tên tư sản thương nghiệp đứng về phía đế quốc để đàn áp dân đen, cha anh đã qua đời cũng vì không chịu được tình cảnh dân chúng lầm than, khổ cực. Mấy tên nhà thơ, nhà báo đó tựu chung vẫn sống tốt, đâu có khổ sở như những người mà anh phải gặp hằng ngày khi còn nhỏ cơ chứ.

Nếu mai sau có kết hôn, Trần Phú cũng sẽ tránh xa những người phụ nữ ấy. Đó là những người chắc chắn sẽ ghê tởm con người vô sản của anh, ghê tởm cách mạng và chỉ mong duy trì cái cuộc sống đang có lợi cho họ thế này.

Khi trở về nước, anh sẽ tìm mọi cách để thay đổi và chứng minh ông Quốc đã sai lầm. Cuộc sống của nhân dân phải được đặt lên đầu tiên, rồi từ đó mới có thể đánh đuổi bè lũ cướp nước và bán nước.

Anh thương người dân An Nam ngày đêm không ngủ nổi. Thương cho thân phận con sâu cái kiến của họ. Ruộng đất chẳng có, bán bao nhiêu đồ đạc cũng chẳng đủ mà trả thuế thân, và chưa kể là hàng nghìn thứ thuế vô lý khác. Cuộc sống của người dân bây giờ chẳng khác gì địa ngục. Chẳng phải thứ cấp thiết nhất bây giờ là mang lại cho họ những gì họ đang cần nhất - đó là ruộng đất hay sao.

Rồi họ sẽ chẳng còn lầm than nữa, nhân dân sẽ không còn khổ cực nữa. Chắc chắn Trần Phú sẽ làm được điều đó.

Anh sẽ khiến tất cả những kẻ đã dày xéo nhân dân anh phải trả giá cho tất cả những gì chúng làm. Không một ai sẽ thoát. Nếu anh không làm kịp, rồi cũng sẽ có người khác làm thay anh.

Giờ anh lại mong chờ thằng nhóc Ngọc Danh đến đây biết bao. Anh sẽ tâm sự với em trai anh thật nhiều thứ...

Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Trần Phú sẽ rời Moscow lên tàu hoả đi Leningrad, bắt đầu cuộc hành trình trở về nước hoạt động. Chỉ hy vọng thằng bé đến kịp...

Paris, tháng 11/1929

Minh Nguyệt đọc những tờ báo cũ được lưu trữ ở tòa soạn L'Humanité sau giờ làm. Cuốn sổ tay cô chép đã kín hết tất cả những thông tin cô cần, cách đối xử của thực dân Pháp với thuộc địa châu Âu cũng như châu Á, cách chúng dùng chính sách ngu dân để cai trị và cách chúng đàn áp các cuộc cách mạng.

Không chỉ có thực dân Pháp, thực dân Anh cũng đàn áp những cuộc khởi nghĩa ở Ấn Độ một cách dã man. Đúng là trên đời này không thể tin được bất kỳ một kẻ xâm lược nào.

Văn minh, khai hóa cái con khỉ.

Liberté, Égalité, Fraternité cái con khỉ.

Rặt một lũ đạo đức giả và tàn nhẫn với nhau cả. Sớm muộn đám thực dân này rồi cũng mâu thuẫn vấn đề thuộc địa với nhau, và chắc là chúng sẽ xé xác nhau ra cho mà xem.

Khi về nước, cô sẽ dùng những thứ này để viết báo và chống lại chúng. Nếu cô may mắn. Tất nhiên, mọi thứ sẽ không dễ như thế. Trước mắt cô còn cả một chặng đường rất dài...

Cách mạng phức tạp hơn một tiểu thư như cô nghĩ rất nhiều.

Trong khi đó, ở Quảng Châu, Trung Quốc, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đang gấp rút chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Moscow, tháng 11/1929

Sau nhiều tháng dài đằng đẵng, cuối cùng Trần Ngọc Danh cũng đã sang đến nơi để theo học trường Đông Phương ở Moscow. Cậu đang không thể chờ được để gặp anh trai của mình. Đã nhiều năm rồi...

"Danh, em", vừa bước xuống con tàu cập cảng, Danh đã nghe được cái thứ tiếng Nghệ Tĩnh đầy thân thuộc...

"Anh Phú", Danh không đợi lâu để nhận ra người đó là ai. Cậu dường như chạy đến rồi ôm chầm lấy người anh trai của mình. Đã 5 năm rồi hai anh em họ mới được gặp nhau lần đầu

Danh giờ đã cao hơn Phú. Mới ngày nào thằng bé còn đỏ hỏn khóc tu tu trong vòng tay mẹ, chẳng biết gì khi cha qua đời, giờ nó đã cao lớn hơn cả anh trai và chững chạc biết bao.

"Anh mong em cả tháng trời", Phú ôm Danh lần nữa bằng nửa vòng tay của mình, bởi anh vẫn đang xách chiếc cặp khi vừa trên đường đi có việc về.

"Em cũng thế", Danh mừng mừng tủi tủi.

"Mình về thôi, anh em ta chắc nhiều chuyện để tâm sự lắm", Trần Phú khoác vai cậu em của anh rồi cùng các đồng chí khác trở về căn nhà chung ở trường Phương Đông.

Các đồng chí mới đến lần lượt làm quen với mọi người ở đây, tất cả đều dùng tiếng Nga một cách thành thạo. Họ đều chung chí hướng, lý tưởng, nên không khó khăn để tất cả đều sớm làm quen với nhau.

Đêm đến, Trần Phú vẫn chưa đi ngủ mà anh ngồi trầm ngâm ở phía ngoài. Anh tưởng rằng em trai anh đã ngủ rồi, nhưng không...

"Anh ngồi đây làm gì vậy?", Danh huých nhẹ vai Phú rồi ngồi xuống bên cạnh.

"Anh tưởng chú ngủ rồi", Phú cười.

"Em muốn tâm sự với anh một chút đã", Danh nhận ra hình như giờ Trần Phú anh trai cậu đã gan góc và lạnh lùng hơn.

Cũng dễ hiểu thôi, làm sao mà trải qua chừng ấy sóng gió vẫn giữ dáng vẻ thư sinh được. Huống gì anh Phú trải qua cả nỗi đau mất mẹ lẫn mất cha từ khi còn quá trẻ, Danh thì còn nhỏ nên chẳng hiểu được nỗi đau đó là thế nào.

"Nếu như vẫn ở quê, giờ khéo anh đã lấy vợ rồi ấy nhỉ?", Danh nói đùa.

"Cũng có thể lắm chứ", Phú bật cười. Quả thật Phú chưa từng nghĩ đến chuyện lập gia đình, chắc bố mẹ anh cũng sẽ thất vọng lắm khi thấy con trai mình mãi chưa chịu lấy vợ dù đã 25 tuổi.

"Anh Phú của em đẹp trai thế này cơ mà, kiểu gì cũng lấy được cô vợ xinh".

Cả hai cùng cười thống khoái. Lâu lắm rồi anh mới được cười thoải mái như thế.

Trước mặt Ngô Đức Trì, người đồng chí thân thiết nhất với anh, Phú cũng chẳng cười thoải mái đến vậy. Chỉ đơn giản là vì Phú không quá gần gũi với ai đó đến thế thôi.

"Em biết anh sắp phải về Việt Nam", Danh thở dài. "Nhưng ít nhất anh em ta vẫn được gặp nhau. Cũng đã vài năm rồi..."

"Anh của em sẽ về nước và được vào Ban chấp hành", Phú kể lại nội dung trong bức thư mà ông Quốc đã gửi. "Về nước anh sẽ tham gia phong trào vô sản hóa".

"Em tự hào về anh", Danh nói thật lòng, chỉ cần anh trai anh làm điều đúng đắn, thì xa nhau cũng chẳng là vấn đề.

Chẳng phải ước mơ của bất kỳ người làm cách mạng nào là cũng được về nước để hoạt động hay sao? Anh không thất vọng vì anh trai mình sắp rời đi, trái lại còn thấy vui nữa. Mừng cho anh và cho cách mạng, vì anh trai anh là một người xuất sắc, chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều cho tổ chức Đảng..

"Tuyết rơi rồi kìa", Danh thích thú khi nhìn thấy tuyết lần đầu ở Nga. Lạnh thật đấy, chỉ với 3 lớp áo ở cái tiết trời này là quá lạnh, nhưng lòng cả 2 anh em họ lại ấm áp biết bao...

Là ấm áp vì tình anh em, tình đồng chí, hay ấm áp vì ngon lửa cách mạng đang nhen nhóm trong lòng họ? Ấm áp vì nhiệt huyết tuổi trẻ cống hiến đang sục sôi?

Đã sắp sửa bước sang năm 1930, chắc chắn cách mạng Việt Nam cũng sẽ sang trang mới và có nhiều bước tiến quan trọng hơn. Hy vọng là thế...

Ngày ra đi, Trần Phú không bảo em trai ra tiễn mình. Nhất cử nhất động đều cần sự cẩn thận, vì anh đang về nước và làm nhiệm vụ trọng đại, chứ không phải đơn giản chỉ như đi chơi. Nhìn lại nước Nga lần cuối trước khi con tàu cập bến, Trần Phú nhớ lại những kỷ niệm đẹp với những người đồng chí ở nơi đây.

Có những buổi chiều lao động mệt nhọc xong, họ lại chia nhau mấy cái bánh cái kẹo, rồi mấy chai rượu Nga, cùng nhau hát bài hát Quốc tế ca. Toàn là đàn ông ở với nhau, họ cũng xuề xoà, thoải mái chứ chẳng nặng lễ nghĩa.

Ở Nga, hầu như Trần Phú được yên tâm học hành, không phải lo chuyện bị khủng bố hay đàn áp. Anh có những giấc ngủ ngon sau những giờ học, nghiên cứu tài liệu. Trần Phú biết, bước chân lên con tàu rời cảng Moscow cũng là lúc những giờ phút đó kết thúc. Từ này, anh sẽ mang trong mình nhiều trọng trách hơn.

Anh để lại thư cho em trai của mình trước khi rời đi vào sáng sớm, cũng để lại thư cho tất cả anh em ở trường trước khi họ kịp thức dậy. Phú chẳng muốn mọi người đưa tiễn mình quá nhiều, vì như thế càng khiến anh lưu luyến họ thêm.

Ít nhiều cũng đã ở với nhau 3 năm, làm sao mà không có chút cảm xúc gì được cơ chứ. Con người chứ đâu phải cây cỏ đâu.

Tiếng động cơ tàu rền vang, đó cũng là lúc con tàu cập cảng Moscow.

Anh nhìn về phía bầu trời xa xăm, kéo lại vạt áo bộ Âu phục của mình rồi bước lên con tàu sẽ đưa anh đi một hành trình dài trước khi cập bến Việt Nam. Để tránh nghi ngờ, Trần Phú dự kiến sẽ phải lênh đênh một khoảng thời gian rất dài trên biển, và đi tới nhiều nước.

Đức - Bỉ - Pháp rồi cuối cùng mới là Việt Nam. Con đường này chắc chắn vất vả vô cùng, và cũng chẳng thể biết khi nào mới cập bến quê hương.

Tiếng còi réo inh ỏi, anh nhìn từng con sóng đang thi nhau vỗ vào bờ. Moscow vẫn yên bình đến vậy, chỉ có lòng người là nổi sóng.

Paris, tháng 12/1929

Bước xuống tàu hỏa từ Lille đến Paris sau một hành trình rất dài từ Bỉ, Trần Phú choáng ngợp bởi thủ đô nước Pháp. Không hổ danh là trung tâm văn hóa Châu Âu.

Người Pháp ăn mặc thời thượng hơn hẳn nước Đức, nơi anh đã đến cách đây vài tuần. Những quý cô với những chiếc váy không tay, cắt tóc ngắn rất tân thời.

Trần Phú cùng hộ chiếu của một Hoa Kiều để thuê khách sạn gần đường Voltaire, nhằm thoát khỏi con mắt của mật thám. Đến đây, sẽ có những đồng chí khác tiếp tục lo cho anh giấy tờ và hộ chiếu để về Việt Nam.

Paris từng là ước mơ của anh khi đọc những áng văn bất hủ của những Balzac, của Hugo, của Dumas. Trung tâm nghệ thuật của thế giới. Sau thế chiến thứ hai, rất nhiều nghệ sĩ cũng đã di cư tới Paris, nơi khiến cảm hứng văn học trở nên dồi dào.

Nhưng Paris cũng thật lắm đau thương...

Cuối tháng 12, Trần Phú đã đến thăm thăm khu mộ các chiến sĩ Công xã Paris trong thời gian chờ hộ chiếu. Công xã Paris được xem là nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa xã hội, cho giai cấp vô sản - những người không nắm gì trong tay.

Trần Phú sởn da gà... Anh chợt nghĩ, có khi nào một ngày người dân Việt Nam, những người vô sản khốn khổ ở vùng Nghệ - Tĩnh cũng sẽ vùng lên đấu tranh giành chính quyền như vậy không? Những công nhân, nông dân quyết tâm đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi cơ bản về phía mình, đánh đổ sự đàn áp của chủ nghĩa tư bản, ban bố lệnh bảo hộ lợi ích của người lao động...

Trong đầu anh hiện lên hình ảnh những đoàn quân tự vệ oai phong lẫm liệt, nắm chặt tay súng, xung quanh là những khẩu pháo lớn bóng loáng...

Có vẻ giờ khu mộ này đã không còn được chăm chút nhiều, cũng đã hơn 40 năm rồi... Giờ đây đám thực dân này lại quay lại bóc lột, đàn áp cách mạng vô sản và giai cấp công nhân. Không chỉ ở Pháp, mà cả ở những nước thuộc địa.

Hãy xem chúng làm những gì với cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh. Những năm tháng ấy, chị cần để tang cụ Phan Chu Trinh, sinh viên trường Quốc học hay trường Bưởi có thể dễ dàng bị đuổi học mà chẳng cần bất kỳ lý do gì khác.

Mải mê nghĩ ngợi, Trần Phú lỡ chạm phải ai đó đang đi về hướng đối diện. Anh thoáng giật mình. Anh tưởng anh là người duy nhất ở đây vào giờ này cơ...

« Désolé. »

Người đối diện vội vàng xin lỗi. Cô gái nhỏ bé với mái tóc đen rất dài, đang luống cuống nhặt mấy tờ báo rơi dưới mặt đất. Trần Phú cũng cúi xuống giúp cô nhặt.

Đó là tờ L'Humanité.

Anh thoáng bất ngờ, khi vô tình gặp được nhà báo của cơ quan ngôn luận đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp.

« Êtes-vous journaliste ? », Trần Phú đặt câu hỏi sau khi người phụ nữ đối diện đã nhặt xong đồ của mình

« Oui », cô mỉm cười. Cô nhà báo anh đang nói chuyện đội chiếc mũ chuông, mặc đúng kiểu nhà báo với blazer và chân váy xuông. Thân hình nhỏ bé của cô như bị nuốt gọn trong bộ Âu phục.

"Khoan đã"

Trần Phú giật mình khi nghe được tiếng mẹ đẻ. Anh không thể tin nổi vào tai mình. Chuyện quái quỷ gì đây.

"Anh là người An Nam, phải không?", cô nhà báo đối diện bỏ kính râm xuống, nhìn thẳng vào mắt anh.

Giờ Trần Phú mới nhìn rõ gương mặt của cô. Anh không biết đáp gì... Nếu anh đáp lại bằng tiếng Việt, liệu anh có gặp nguy hiểm không?

Anh cũng nhớ cái tiếng mẹ đẻ thân thương lắm, nhưng không thể nào tự đặt mình vào nguy hiểm được.

« Je ne comprends pas de quoi vous parlez ? », Trần Phú bình tĩnh đáp lại bằng tiếng Pháp, « Je viens de Chine. »

Cô nhà báo thoáng xấu hổ sau khi nghe anh đáp anh không hiểu cô nói gì bằng tiếng Pháp. Cô lắc đầu, có lẽ tự trách mình đã nhầm lẫn rồi. Anh là người Hoa, không phải người An Nam.

« Désolé. Je pense que... vous êtes de l'Annam. », người phụ nữ đồng hương với anh xin lỗi rối rít. Thực ra cô chẳng nhầm đâu... Anh đang lừa cô thôi.

Khá khen cho mắt nhìn người nhanh nhạy của cô gái này. Con gái An Nam thông minh hơn người quả là hiếm có.

« Rien. La confusion est... normale. »

Trần Phú mỉm cười rồi rời đi, không nán lại quá lâu tránh nghi ngờ. Nhưng hình như cô ấy vẫn đuổi theo anh.

Anh ngoái đầu lại nhìn, quả thật là thế. Không biết cô gái này có ý đồ gì đây.

Trần Phú không tin cô tiếp cận anh với mục đích gì xấu xa. Anh dừng bước.

« Désolé, je vous envoie un journal de ma rédaction en guise de compensation. »

Cô muốn đưa anh tờ báo để tạ lỗi vì đã nhầm lẫn sao? Trần Phú thoáng nghĩ, chỉ là nhận nhầm thôi mà, có cần phải áy náy thế không.

Anh không nói gì, vui vẻ nhận lấy rồi tiếp tục bước đi. Cô gái đó cũng chẳng đuổi theo anh nữa.

Du học sinh An Nam mà lại đi làm cho L'Humanité. Có gái này cũng có cái gan lớn quá rồi.

Cũng lâu lắm rồi, Trần Phú mới lại nhìn thấy người con gái để mái tóc dài như thế. Khi nãy đứng gần cô, anh còn cảm nhận được cả mùi hương hoa bưởi rất Việt Nam nữa.

Người ở Pháp, nhưng tâm hồn vẫn ở Việt Nam là thật. Cô gái này chắc sẽ sớm về Việt Nam thôi.

Nếu có duyên, chắc cô và anh sẽ gặp lại không biết chừng...

Paris, tháng 2/1930

Tại ga tàu Paris-Saint-Lazare...

"Nguyệt về trước, Huyên học xong sẽ về", cậu bạn cùng tuổi Nguyễn Văn Huyên của Minh Nguyệt đang học ở trường Sorbonne cũng ra tiễn cô.

Huyên mới học xong Cử nhân Văn khoa năm ngoái, chắc còn rất lâu nữa cậu bạn của cô mới về Việt Nam, vì Huyên còn học thêm cả Luật nữa.

"Huyên ở lại mạnh giỏi. Nguyệt về Hà Nội lấy chồng", cô đùa khiến cậu bạn của mình cũng phì cười.

"Có gì... nhờ bà mai Nguyệt đây tìm vợ hộ Huyên nhé", Nguyễn Văn Huyên nháy mắt. "Đừng lập gia đình một mình xong để bạn độc thân, tội bạn lắm".

"Huyên yên tâm, Nguyệt sẽ tìm cho Huyên cô vợ vừa trẻ vừa xinh", Minh Nguyệt hứa chắc nịch, "Huyên chỉ cần lo học, Nguyệt sẽ lo chuyện cưới vợ cho Huyên"

"Nguyệt hứa đấy", Huyên nheo mắt nghi ngờ cô bạn đáo để của mình.

"Quân tử nhất ngôn. Cô Tú Nguyệt đây chưa thất hứa với ai bao giờ".

"Giờ phải là cô Cử rồi. Được, cậu Cử Huyên tin lời cô Cử Nguyệt".

Minh Nguyệt ngoắc tay hứa hẹn với cậu bạn, rồi cùng cười lớn trước khi tiễn Huyên về.

Huyên chỉ đến một lúc, vì còn bận việc học. Nguyễn Văn Huyên đã ở Pháp từ năm 1923, tức là lúc cậu vừa tròn 18 tuổi. Huyên giúp đỡ Minh Nguyệt rất nhiều khi cô mới đặt chân đến Paris.

Minh Nguyệt nhìn lại nước Pháp lần cuối, có lẽ sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại đây một lần nào nữa.

5 năm ở nước Pháp dài đằng đẵng, 5 năm học hành cực khổ, 5 năm nghiên cứu và đọc sách thâu đêm để giữ được học bổng. Cô về nước với tấm bằng danh dự, rời bỏ thủ đô Paris hoa lệ để về với thuộc địa.

Nhưng Minh Nguyệt không thấy buồn. Cô tin rằng nơi đây không dành cho cô. Nếu dành cho cô thật, cô đã tìm mọi cách để ở lại, chứ không phải là chẳng có bất kỳ nỗ lực nào mà liên tục từ chối lời đề nghị làm việc tại đây.

Tổng biên tập của tờ L'Humanité cũng lấy làm tiếc khi nhà báo như cô không ở lại lâu, nhưng ông hiểu cho quyết định của cô. Một cô gái thông minh như cô nếu không trở về nước phục vụ cho cách mạng sẽ là tổn thất lớn cho tổ chức Đảng.

Tất nhiên khi ở lại Paris, cô có thể có bất kỳ thứ gì. Tiền tài, địa vị, nhưng những thứ đó cô không cần.

"Em định đi mà chẳng nói gì sao?"

Minh Nguyệt đã quen với việc Lucien xuất hiện bất ngờ thế này. Tai mắt của gã ở khắp nơi mà. Con trai  cưng của tổng biên tập nhà xuất bản lớn nhất nước Pháp, làm sao mà không biết nổi thông tin về một nhà báo tép riu như cô.

"Tôi thấy không có lý do gì để nói với anh", Minh Nguyệt lịch sự với gã. Ít nhất cô có thể làm điều đó.

"Sao lại không?", gã đút tay vào túi rồi tiến về gần phía cô hơn.

"Vậy tại sao lại cần?", cô trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác.

Lucien đã quen với cái kiểu trả lời này của cô. Anh chẳng nói gì mà chỉ mỉm cười.

"Tôi định đưa em thứ này", gã lôi từ sau lưng ra một bọc vải, buộc gọn gàng đúng kiểu Á Đông.

"Gì đây?", cô khoan nhận, mà nhìn đăm chiêu vào nó.

"Sách, mấy thứ liên quan đến ngôn ngữ Pháp mà tôi tìm được trong phòng sách cũ của bố tôi", anh không giấu giếm. "Em nên cầm về, rồi em sẽ cần".

"Tôi không nhận được", cô từ chối nhưng riêng lần này Lucien nhất quyết không nhận lời từ chối đó.

Gã đặt vào tay cô, buộc cô phải nhận.

"Cầm lấy đi", Lucien cao giọng, "Tôi và em biết nhau bao năm rồi?"

"Từ ngày tôi mới sang Pháp", cô nhớ lại cái lần đầu tiên gặp mặt tên khó ưa này

"5 năm rồi đấy", Lucien khẽ nhếch miệng cười, nếu không để ý thì chẳng ai biết gã đang cười cả, "Chẳng lẽ khi chia tay tôi lại chẳng cho em được thứ gì sao?"

"Chúng ta không thân đến mức đó", cô nhíu mày. "Anh không cần khách sáo".

"Chỉ là mấy quyển sách cũ, coi như em nhận hộ tôi để tôi đỡ phải vứt đi", anh đổi cách nói. "Em cứ nghĩ như thế đi".

"Vậy thì tôi nhận", cô miễn cưỡng cầm lấy.

Tiếng loa thông báo lên tàu vang lên inh ỏi. Cô biết đã đến lúc mình phải đi rồi.

"Tôi không giữ em được nữa...", Lucien có chút lưu luyến. "Em đi mạnh giỏi".

"Tôi cũng chúc anh sức khỏe", cô mỉm cười với gã lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

"Au revoir".

Gã chào cô lần cuối và không nhận được lời hồi đáp. Cô đi thẳng lên tàu với chiếc cặp to quá khổ với dáng người nhỏ bé của cô.

Cô nghe được tiếng "Au revoir" của gã nhưng không đáp lại. Cái tiếng "Au revoir" đó thật chẳng đúng vào lúc này chút nào. Dịch ra tiếng Việt chính là hẹn gặp lại, cô và gã chắc chỉ có 1% có cơ hội đó.

Mà không gặp thì càng tốt.

Đôi khi cô cũng chẳng rõ được phải đối xử với gã thế nào. Gã ở ranh giới giữa đen và trắng, không phải người tốt, nhưng cũng không phải người xấu. Nói chuyện với những người như thế thật khó khăn.

Cô ngồi yên vị trên con tàu, được một nhân viên cất hộ chiếc cặp quá khổ. Con tàu này sẽ cập cảng Le Havre trong vài tiếng nữa, và cô sẽ đi tàu thủy từ đó để về đến cảng Hải Phòng, về đến Việt Nam, về với đất mẹ của cô.

Cô nhớ cậu mợ và hai đứa em của cô biết bao. Hai đứa chắc giờ cũng đã lớn lắm rồi...

Tàu lăn bánh, tiếng động cơ rú lên inh ỏi.

Salut, Paris!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro