Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

2

Moscow, tháng 6/1928

Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản vẫn đang diễn ra đầy sôi nổi. Trần Phú lần đầu hiểu cái cảm giác "thời thanh niên sôi nổi" thật sự là thế nào.

Trần Phú đã học xong năm thứ 2 ở trường Phương Đông. Nghỉ hè, nhà trường tổ chức cho sinh viên đi tìm hiểu về lao động và sinh hoạt của công nhân, nông dân ở các nhà máy và nông trang. Nhưng trớ trêu thay cái sức khỏe của Trần Phú không cho phép. Anh bị đau tràng nhạc, không đi được với đoàn, phải vào bệnh viện của trường để chữa bệnh và nhận được phiếu đi nghỉ mát từ ngày 13/6/1928.

Trần Phú chăm chú theo dõi tất cả các vấn đề trên ở Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Mặc dù đang nằm trên giường bệnh, đồng chí vẫn theo dõi các bản thông báo nội bộ và báo chí, đặc biệt là những buổi thảo luận về các vấn đề thuộc địa và nửa thuộc địa - những thứ rất mật thiết liên quan đến tình hình Việt Nam.

Ở An Nam, Trần Phú đương hoạt động cách mạng dở dang thì bị bại lộ thân phận. Tới năm 1926, anh phải trở lại Quảng Châu để tiếp tục các hoạt động của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội sau khi bị bại lộ thân phận khi làm việc tại Vinh. Và đầu năm 1927, Trần Phú lần đầu được đặt chân sang một nước ở châu Âu - đó là nước Nga và anh đã ở đây được hơn 1 năm rồi.

Trường Đại học Phương Đông ở Moscow có an ninh chính trị rất tốt. Sinh viên đến học từ nhiều nước với tình hình chính trị xã hội các nước rất khác nhau; vì vậy, để đảm bảo bí mật, an toàn trong thời gian học và sau khi ra trường, học viên phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy chế về quan hệ nội bộ và với bên ngoài. Một trong các quy chế ấy là mọi người đều mang một bí danh do nhà trường đặt cho.

Đã 2 năm Trần Phú bôn ba xứ người, nhưng ở Nga, ít nhất đồng chí có thể hoạt động cách mạng mà không cần giấu giếm.

Cái cảm giác làm điều đúng - đó là đấu tranh vì dân tộc - mà phải trốn chạy, với Phú nó thật nhục nhã là bao. Nhưng biết sao được. Chừng nào nước Nam vẫn còn chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, thì chừng đó đồng chí vẫn phải cẩn thận trong từng bước đi và lời nói, tránh để cả tổ chức bị ảnh hưởng.

Sau tiếng bom Phạm Hồng Thái, Trần Phú hiểu vận mệnh của mình sẽ đi về đâu nếu như tiếp tục con đường này. Nhưng dù được chọn lại, anh vẫn sẽ chọn con đường anh đang đi.

Sống lâu để làm gì nếu nhục nhã. Sống lâu để làm gì nếu nhân dân mãi lần than. Sống để làm gì nếu dân tộc bị dày xéo dưới gót thực dân.

Sống để làm gì nếu không thể đứng dậy bảo vệ tổ quốc.

Sống để làm gì?

Câu hỏi này thật khó trả lời.

Tự nhiên Trần Phú phần nào hiểu quyết định quyên sinh của cha anh. Ít nhất, cụ Phổ không chịu bán mình cho lũ giặc Tây, cụ thà chết chứ không làm điều đó.

Mùa hè Moscow cũng chẳng nắng cháy da thịt như ở miền Trung quê anh. Cái khí hậu mùa này ở Nga đẹp, không khắc nghiệt đến sợ như mùa đông. Lúc đầu, Trần Phú cũng tò mò tuyết rơi thế nào, nhưng khi phải sống với nó, anh đâm ra ghét tuyết. Vừa lạnh, vừa bẩn.

Moscow cho dù là châu Âu nhưng vẫn có những thứ chẳng khác gì Việt Nam. Thực ra ở trung tâm Moscow rộng lớn thì có lẽ sạch đẹp, văn minh tựa như phương Tây vẫn rao giảng, còn ở những nơi xa trung tâm thì mọi thứ vẫn còn rất nghèo nàn, vì đất nước mới đang chỉ ở giai đoạn bắt đầu đổi mới mà thôi.

Cách mạng tháng 10 Nga mới thành công được 10 năm, còn cả chặng đường dài để nước Nga Xô Viết tiến lên giàu mạnh với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ít nhất, trên thế giới này có nước Liên Xô độc lập, đi theo con đường cách mạng vô sản vững chắc để trở thành chỗ dựa cho những đồng chí vô sản ở thuộc địa như anh đây. Trên con đường ra lấy gạch để sưởi, Trần Phú nghe các thanh niên trên đường tụ tập thành nhóm, nghêu ngao hát các bài hát cách mạng như Bài ca Marseille của công nhân, lời Nga còn nhạc chính là quốc ca La Marseillaise của nước Pháp.

Đi đâu cũng không thể thoát được nước Pháp. Cái số mệnh phải chống lại Pháp có lẽ hiện rõ lên từng ngày, từng ngày...

Họ uống rượu cũng thật nhiều. Thứ rượu của Nga nặng đến khé cổ. Trần Phú luôn xin kiếu trong những cuộc vui vô bổ này. Anh dành thời gian đọc sách, nghiên cứu triết học thay vì uống rượu thì hơn.

Gần đây, có thông tin báo tới Phú rằng em trai anh, Trần Ngọc Danh đã bị lộ thân phận khi hoạt động cách mạng ở An Nam, thực dân Pháp đang khủng bố gắt gao Danh cùng với nhiều đồng chí khác như Hà Huy Tập.

Họ đang phải tìm cách lánh nạn sang Trung Quốc để tiếp tục hoạt động, không khác gì Trần Phú cách đây vài năm... chuỗi ngày chạy Tây như dài dằng dặc, vô định, không biết sống chết thế nào.

Nhưng kể cả có bị bắt, Trần Phú cũng sẵn sàng hy sinh tất cả. Anh sẵn sàng chết, chứ nhất quyết không khai nửa chữ.

Khai ra để được tha bổng thì cũng phải đi khổ sai, làm cu li cho lũ giặc Tây. Thế thì chẳng phải thà chết đi còn hơn sao? Giữ vững nghĩa khí mới chính là tinh thần đúng đắn của một nhà cách mạng. Nhất quyết không được bán mình cho Tây, bằng mọi giá.

Chấp nhận khai để giảm án, "được" đi lao dịch cũng là chấp nhận phục vụ cho thực dân, tiếp tay cho chúng vơ vét của cải từ thuộc địa để làm giàu cho chính quốc. Làm như thế là hại nước, hại dân. Xét cho cùng, chết vì tổ quốc vẫn hơn là cuộc sống chịu đựng dưới ách đô hộ của thực dân như thế.

Có lẽ cũng chính vì lẽ đó, vì anh hiểu số mệnh của mình không dài, nên anh cố gắng không để trái tim mình rung động trước bất kỳ người con gái nào.

Tìm được một cô gái có tinh thần cách mạng và hiểu cho những người như anh quả là khó vô cùng. Và hơn nữa, họ có chịu được khổ không... Khi người mình thương luôn ở nơi xa xôi cách trở, có thể bị bắt bất cứ khi nào, vào tù ra tội có lẽ trở thành cơm bữa.

Làm gì có người phụ nữ nào chịu cảnh đó được chứ. Anh đâu thể nỡ làm khổ người khác...

Mẹ anh cũng đã khốn khổ khi cha qua đời. Bà quá đỗi đau buồn mà ra đi chỉ 2 năm sau đó. Anh không muốn có người phụ nữ nào cũng sẽ phải khổ như thế vì anh...

Suy cho cùng, Trần Phú cũng chỉ là người thanh niên trẻ tuổi. Anh cũng có những suy nghĩ cá nhân thầm kín của riêng anh chứ...

Chính những thứ thầm kín riêng tư ấy mới khiến mỗi chúng ta trở nên khác biệt trong mỗi người. Chứ nếu Trần Phú chỉ có tư tưởng cách mạng, thì anh cũng sẽ như bao chiến sĩ cách mạng khác mà thôi...

Paris, tháng 6/1928

"Cái gì đây?"

Tên giám thị trường đại học hét vào mặt cô sau khi lục soát cặp và nhìn thấy một tờ báo Le Paria. Thật may là cô đã giấu mấy tờ khác ở dưới gầm tủ ký túc xá. Cô chỉ mang theo tờ này.

"Như ngài thấy, đây là báo", Minh Nguyệt nhìn thẳng, không e ngại trước ánh mắt như muốn ăn thịt cô của tên giám thị lỗ mãng.

"Cô là người An Nam mà đọc tờ báo này, phải chăng cô có ý định tuồn cái thứ này về Đông Dương ?", tên đó đi đi lại lại trước mặt cô.

Ừ, cô chưa kịp làm thôi... Minh Nguyệt trộm nghĩ.

"Tờ báo này đâu bị cấm ở Pháp, tôi có quyền mua nó và đọc như bất kì sinh viên nào khác mua báo", cô nói lý và vẫn rất lịch sự. "Chừng nào tôi có ý định phản động, hay giúp đỡ cách mạng ở thuộc địa, thì các ngài mới khép tội tôi được. Hơn nữa, tờ báo này cũng đã không xuất bản 2 năm. Chỉ là cái tờ báo cũ để lót cặp thôi mà mấy ông cũng định bắt bẻ tôi sao?"

Tất nhiên, cô phải nói dối không chớp mắt như thế để qua mặt đám thực dân này. Chứ cô nào dám để tư liệu quý đi lót cặp...

"Cô chỉ cần dám nghĩ đến là đã không được rồi", tên giám thị châm thuốc rồi cố tình phả khói vào mặt cô.

Cô cũng thật đáo để, không chịu đựng khói mà đưa tay phẩy để khói tan ra. Tên giám thị cười khẩy trước cái gan của cô gái nhỏ bé này.

"Chà, vậy các ngài sợ cách mạng sao?", cô cũng không chịu thua.

"Đã ai bảo cô là cô nhỏ bé nhưng gan của cô thì ngang với Napoleon chưa?", tên giám thị bật cười trước chí khí lớn của cô học trò trước mặt.

"Tôi thích Louis XIV hơn", cô còn chẳng biết cô đang nói thật hay không, chỉ là cô muốn chọc giận tên này tức điên lên thôi.

"Với cái gan của cô thì đúng là phải chọn một người cỡ Louis XIV làm chồng mới xứng đáng".

"Chà, tôi sẽ coi đó là lời khen", Minh Nguyệt nhếch miệng. "Sắp đến giờ vào lớp, tôi có thể đi được chưa ạ?"

"Cô đi đi, nhưng lần sau đừng lảng vảng quanh trường với tờ báo này", tên giám thị đành để cô đi. "Còn lần sau nữa cô sẽ không được bỏ qua đâu".

"Vậy cho tôi xin lại được chứ?", cô hướng mắt vào tờ Le Paria trên bàn.

Con bé này đúng là...

Chưa kịp đợi hắn đồng ý, cô tiến đến rồi lấy lại tờ báo, gấp gọn rồi cất vào cặp và rời đi nhanh chóng.

Cô phải sinh ra là con của cụ Yết Kiêu mới đúng. Trình độ "sủi tăm" thoắt ẩn thoắt hiện phải nói là thượng thừa.

Vừa ra khỏi phòng giám thị, cô gặp ngay tên Lucien. Minh Nguyệt ngay lập tức đảo mắt, rồi vội lướt đi coi như không nhìn thấy hắn.

Giờ thì không tránh mặt được, vì gã ta sắp có giờ Triết cùng với cô.

"Chà, chắc là cô gái của tôi vừa bị giáo huấn 1 trận rồi", Lucien lảm nhảm phía sau lưng cô. Nhưng đừng nghĩ cô không nghe thấy đấy, cô được trời phú cho đôi tai rất thính.

"Ít nhất tôi có gan để nghe", Minh Nguyệt không quay lưng lại, tiếp tục những bước đi thoăn thoắt trên hành lang để tiến vào lớp học.

"Tôi đã nói gì đâu", Lucien phì cười. Nàng mặt trăng của anh quả là nóng tính. Chẳng dịu dàng giống cái tên của cô gì cả.

Thay vì là "Lune" (mặt trăng), cô phải tên là "Soleil" (mặt trời) thì đúng hơn. Tính cách dữ dội đến vậy mà.

Lucien giữ khoảng cách và đi sau lưng cô đến tận khi vào cửa lớp của giáo sư Cartier. Minh Nguyệt ngồi bàn đầu, với vóc dáng thấp bé đó thì hẳn phải ngồi đó rồi. Nhìn xung quanh, Lucien nhận ra cũng chẳng còn chỗ nào. Gã đành ngồi ở phía sau lưng cô, và gã thề là gã chẳng cố tình đâu nhớ. Với kẻ chỉ đi học cho có như gã, thì gã luôn muốn tránh tầm mắt giáo viên. Nhất là với giáo sư kỹ tính như thầy Cartier.

"Hôm nay cậu Moreaux ngồi bàn gần bảng, chuyện lạ đấy", ngay lập tức giáo sư Cartier để ý khi cậu học trò cá biệt này có biểu hiện lạ. "Các trò cẩn thận lúc về mưa".

Cả giảng đường phá lên cười sau khi giáo sư pha trò. Lucien biết ngay mà. Đấy là lý do vì sao gã muốn ngồi những bàn cuối cùng.

Tiên sư đứa nào chiếm chỗ của gã.

Minh Nguyệt cười nhẹ vì trò đùa của giáo sư. Ai chẳng biết tên Lucien này vốn xuất thân nhà giàu quý tộc, gã đi học chỉ để chiều lòng cha mẹ, chứ đâu có thiết tha gì học giỏi.

Minh Nguyệt bỗng thấy cay đắng ở cổ họng. Ở chính quốc, môi trường học tập tốt thì có những kẻ coi thường việc học đến vậy... trong khi ở thuộc địa, hàng ngàn đứa trẻ muốn đi học để lấy con chữ thì chúng mở nhà máy rượu, thuốc phiện thay vì mở trường học.

Thật khốn nạn làm sao.

Hy vọng ở nước nhà, tiên sinh Dương Quảng Hàm dạy được thật nhiều chữ quốc ngữ cho đám học trò. Cô chỉ cần chúng biết chữ, biết viết, biết nhận thức để về dạy lại những người xung quanh, chứ chẳng mong chúng đứng lên đấu tranh. Điều đó vẫn quá xa xỉ với dân tộc này.

Khi ở Việt Nam, người ta vẫn gọi cô là cô Tú Nguyệt, vì cô thi đỗ Tú tài ở trường Bưởi. Lúc nào cậu mợ cô cũng nở mày nở mặt vì có người con gái học hành không kém bất kỳ đứa con trai nào.

Cậu mợ cô cũng đã dốc biết bao tiền bạc của cải để cô được sang Pháp du học, vì thế, cô dốc sức học hành, dốc sức nghiên cứu.

Nhưng cô cũng vẫn luôn giữ tinh thần dân tộc cháy bỏng. Cô Tú Nguyệt mà không yêu nước thì còn ai yêu nước vào đây chứ...

Cô ngưỡng mộ Tống Khánh Linh, "nhị tỉ ái quốc" của nhà họ Tống, Phu nhân của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Cô cũng muốn được cống hiến cho tổ quốc giống như Tống Khánh Linh vậy. Ai bảo phụ nữ thì không thể làm cách mạng.

Từ xưa cô đã ngưỡng mộ cụ Lương Văn Can, tiên sinh Dương Bá Trạc, các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh với tinh thần phản kháng trước thực dân Pháp. Cho dù các phong trào đều thất bại, nhưng ít nhất dân tộc của cô vẫn luôn nồng nàn tình yêu nước. Rồi mai đây, những phong trào yêu nước này sẽ góp phần khiến cách mạng thành công.

Hôm nay, giáo sư Cartier giảng về René Descartes với chủ nghĩa duy lý cận đại. Descartes được xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Triết học Pháp luôn rất hay, chẳng qua những gì họ làm với thuộc địa hoàn toàn đi ngược lại với triết lý ông cha họ đã viết mà thôi.

Cô chăm chỉ ghi chép, đầu không ngừng liên hệ về những gì đang diễn ra ở Đông Dương. Minh Nguyệt tự dưng thấy nực cười cho nước Pháp. Họ đào tạo tất cả những người như cô để sau này phục vụ cho bộ máy thực dân, nhưng rồi xem. Chính những người như cô lại đang dùng kiến thức được Pháp dạy để phản kháng lại nước Pháp.

Hằng năm trường Bưởi đuổi học cơ số nam sinh vì tuyên truyền tình yêu nước, tuyên truyền về tinh thần cách mạng, chính cô cũng từng bị gọi lên kỷ luật khi còn học ở trường Đồng Khánh vì có thái độ không tốt với các giáo viên khinh thường học sinh bản xứ, may mà cậu mợ cô có tiền, không thì có lẽ cô cũng chẳng tốt nghiệp Tú tài được.

Cũng may cậu mợ hiểu cho những gì cô làm, họ chỉ khuyên cô hãy nghĩ cho tương lai trước. Sau khi cô học xong đại học, cô có thể làm bất kỳ điều gì cô muốn.

Giờ cô chỉ còn 1 năm ở Paris nữa thôi là sẽ được về với thủ đô Hà Nội thương yêu của cô.

Nước Nam có thế nào thì cũng là nước của cô, là tổ quốc của cô. Cô thà chết chứ không từ bỏ tổ quốc của mình.

Nhưng cô chỉ dám cất giữ những ý nghĩ phản kháng này ở sâu trong tâm trí, chừng nào về Đông Dương, cô sẽ liên hệ với các tổ chức của tiên sinh Nguyễn Ái Quốc và xin được hoạt động cách mạng.

Chắc chắn tổ chức cách mạng phải cần chi phí mới duy trì được hoạt động, và cô thì có đủ tài chính để tài trợ cho cách mạng.

Cô tin rằng trí tuệ của cô cũng không thua kém bất kỳ một nam thanh niên nào. Cô hoàn toàn có thể phục vụ cách mạng.

Ai bảo tiểu thư xuất thân tư sản như cô là không có tinh thần dân tộc chứ? Dù gì cô cũng xuất thân là con gái của người tài trợ cho Đông Kinh Nghĩa Thục cơ mà.

Gia đình cô có truyền thống yêu nước, làm sao mà cô con gái cả của họ Nguyễn lại có thể không có tinh thần chiến đấu với thức dân được chứ.

Bất kỳ ai nghĩ khác, cô sẽ chứng minh cho họ thấy họ đã sai lầm thế nào khi nghi ngờ tình thần của cô.

Rồi những tên thực dân sẽ phải chịu dày xéo dưới gót chân người An Nam. Không bao giờ cô và người dân chịu mất nước. Không bao giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro