Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1

Sài Gòn, tháng 9/1931

Người tù số... nằm trên giường bệnh, mắt hướng về cửa sổ.

Tay chân anh bị cùm chặt. Thân thể yếu ớt chẳng thể làm gì nhưng thực dân Pháp vẫn cử người đứng canh trước cửa.

Đám thực dân này cũng thật cẩn thận quá rồi.

Trần Phú chỉ thấy nực cười với đám xâm lược.

Chúng nó nghĩ giết anh, giam cầm anh, tra tấn anh là cách mạng kết thúc hay sao?

Chẳng bao giờ có chuyện đó đâu.

Ánh trăng sáng rọi qua khe cửa nhà thương Chợ Quán khiến anh nhớ về người con gái có cái tên thật đẹp.

Minh Nguyệt.

"Chẳng lẽ trước khi chết vẫn được nhìn em lần cuối đó sao?", Trần Phú mỉm cười khi dõi theo ánh trăng lấp ló phía bên ngoài cửa sổ.

Anh chết, để Minh Nguyệt được sống.

Anh chỉ mong con cái cô được lớn lên ở một đất nước độc lập tự do.

Anh yêu cô như yêu đất nước này.

Thân xác này anh đã hiến dâng cho đất nước.

Trọn vẹn trái tim và tâm hồn anh đã dành cho lý tưởng vô sản cao đẹp.

Còn cô... anh chỉ dành cho cô một phần nhỏ. Nhưng anh tin cô hài lòng với điều đó.

Bỗng Trần Phú ho khù khụ, máu nhuộm đỏ tay áo. Màu của cách mạng, hay màu của tình yêu?

Bác sĩ và một người đồng chí khác chạy vội vào, nhưng Trần Phú không còn nghe được gì nữa.

Mắt anh mờ dần. Tâm trí anh miên man thả về những ngày thu vàng ruộm ở Moscow.

Trái tim anh thả về những ngày hè chói chang ở Hà Nội với cái nắng rực rỡ tựa như nụ cười của người con gái anh yêu...

Moscow, tháng 10/1927

"Đồng chí Likvey, đến giờ quét sân rồi".

Anh bạn cùng phòng người Nhật Bản của Trần Phú dùng cái giọng nặng nề để nói từng chữ tiếng Nga sớm đã quen thuộc với Trần Phú theo thời gian. Thực ra, anh không quan tâm đến quốc tịch hay giọng nói của họ thế nào. Miễn đó là người đồng chí, Trần Phú sẽ đối xử với tất cả bọn họ như một.

Họ đã tới đây học thì chắc hẳn họ đều có chung lý tưởng, đó là cách mạng vô sản, đem lại công bằng dân chủ cho nhân dân, chàng trai Việt Nam với dáng dấp nhỏ bé trộm nghĩ.

Trần Phú là người học sinh đầu tiên đến Trường đại học Phương Đông, do Nguyễn Ái Quốc giới thiệu và cũng là người cách mạng Việt Nam đầu tiên đến Liên Xô học tập qua con đường Trung Quốc.

Đây là một vinh dự, niềm hạnh phúc lớn và trách nhiệm nặng nề đối với Trần Phú lúc đó và anh cũng nhận thấy phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ở đây đa phần những người theo học là sinh viên Châu Á, người Việt Nam theo học ở đây đều là do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu. Từ cuối năm 1927 trở đi, số sinh viên Việt Nam sang học tăng lên nhanh, phần lớn từ Pháp sang, số ít từ Việt Nam qua Trung Quốc đến.

Vào học ở đây đòi hỏi phải sử dụng thông thạo tiếng Pháp hay tiếng Anh để nghe giảng, đọc tài liệu, trao đổi với bạn học và thầy giáo, Trần Phú là thủ khoa thành chung của trường Quốc học Huế, anh thạo tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, nên hiển nhiên, Trần Phú có ưu thế hơn nhiều người về mặt ngoại ngữ.

Tất nhiên, về trí tuệ, anh tin tất cả bọn họ đều có trình độ tiếp thu về cách mạng ngang nhau, nhưng về khí tiết, có lẽ thời gian sẽ trả lời cho anh tất cả.

Moscow tháng 10 thật lạnh, những cơn gió thấu xương miền Trung mùa đông cũng chẳng nhằm nhò gì với mùa này ở Nga.

Tháng 11 tới sẽ là ngày giỗ mẹ của anh, đã thêm 1 năm nữa anh thoát ly và không thể làm tròn chữ hiếu của một người con trai...

Nhưng biết sao được. Anh đã chấp nhận hy sinh bản thân mình vì nước Nam, vì con dân khốn khổ của cái xứ này, thì anh sẽ làm trọn nhiệm vụ của người cách mạng đến những giờ phút cuối cùng.

Trần Phú quét mấy chiếc lá vàng vào một góc. Tiếng chổi và tiếng lá khô xào xạc, chợt khiến đồng chí nhớ tới người mẹ thân sinh của anh...

Bà mẹ khốn khổ tần tảo ấy đã không chịu được nỗi đau mất chồng để rồi bỏ cả 8 anh chị em anh mà ra đi theo cha...

Chính những ký ức về cha mẹ và những người dân quê hương đã thôi thúc Trần Phú đi theo con đường cách mạng. Anh tin rằng cách mạng là con đường duy nhất để giải phóng đất nước khỏi ách áp bức của thực dân Pháp và mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Cơn gió thổi đến khiến Trần Phú ho khù khụ, không dừng được. Những học viên khác để ý tới anh không thôi...

"Ngồi nghỉ chút đi, Lý Quý", Ngô Đức Trì, người bạn Việt Nam của anh tại đây vội tới đỡ, dìu anh ngồi xuống

"Cảm ơn, Le Man", Trần Phú gọi Trì bằng bí danh tiếng Nga

Trì cũng là đồng chí được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu tới Trường Đại học Phương Đông học, vô tình trở thành bạn với anh. Trì cũng là người đáng tin cậy, Trần Phú xem Trì như người bạn thân ở đây, và anh sẵn sàng chia sẻ mọi điều với Trì.

"Tôi nghe nói em trai đồng chí cũng đa gia nhập cách mạng", Trì nói với cái giọng khàn khàn, gã thực ra là một kẻ rất thực dụng, gã sẽ không chịu đánh đổi tất cả chỉ vì một thứ.

Nhưng Trần Phú không nghĩ xấu về gã nhiều như đồng chí Hà Huy Tập. Phú tin rằng Trì có thể thay đổi, nhất là khi Trì có người cha cũng là một nhà cách mạng nhiệt thành như cụ Kế. Phú tin rằng bất kỳ ai hiểu về con đường cách mạng vô sản cũng sẽ sẵn sàng hiến dâng tất cả cho lý tưởng. Trì cũng sẽ trở thành người như thế.

Cũng có thể Trì có nhiều thứ để mất hơn Phú. Trì vẫn còn cha, chưa chưa mồ côi cả cha lẫn mẹ như Phú. Từ khi thoát ly gia đình, Phú hiểu trên con đường này chỉ có mình anh mà thôi, không nên kéo những người thân vào.

Họ hiểu được cho những gì anh làm đã là tốt lắm rồi, đừng quá hy vọng họ sẽ chịu đồng hành cùng. Bởi giờ vẫn chưa phải thời điểm chín muồi đó...

Trần Phú biết rằng con đường cách mạng đầy chông gai và thử thách. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho những hy sinh có thể xảy ra.

"Đồng chí có nhớ Việt Nam không ?", Trì hỏi.

Phú không nói gì, chỉ trầm ngâm nhìn vào đám lá rụng trước mắt.

Phú có nhớ Việt Nam? Phú xót cho quê hương của mình nhiều hơn là nhớ. Thật ra, tuổi thơ của Phú đầy bất hạnh, cũng chẳng có gì thật sự đáng để nhớ...

Phú xót cho những người bần cố nông khốn khổ ở quê mình, mùa gặt đã không được bao nhiêu, nhưng tiền thuế thì trói chặt lấy cổ họ, không khác gì con trâu cho thực dân Pháp cày bừa. Cày đến kiệt sức thì thôi.

Phú xót cho thế hệ tri thức đương thời...

Thế hệ cách mạng thời kỳ cũ đã qua đi, cụ Phan Châu Trinh đã mất, cải cách không hợp thời của cụ cũng đã mất theo. Phong trào Đông Du tan rã, cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt và giờ đang chịu an trí ở Huế.

Nam Đồng Thư Xã vì ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Ninh do Quản Trạc lãnh đạo cũng đã phải đào tẩu, chỉ còn Nguyễn Thái Học là người đủ bản lĩnh để lãnh đạo cách mạng.

Nhưng suy cho cùng, Phú không hy vọng nhiều. Anh Nguyễn Thái Học nhiều chữ, thông minh là điều miễn bàn, nhưng con đường anh chọn vẫn là giống 2 cụ Phan - và con đường ấy trớ trêu thay lại là không dựa vào chính sức mình.

Ngay cả dù anh Học muốn, nhưng con đường anh chọn là dân chủ tư sản đã không đúng ngay từ đầu.

Mà thật ra, Trần Phú cũng chẳng hiểu điều mình đang làm là đúng hay sai, vì thật ra tổ chức đã làm gì đâu... Chưa thể kiểm chứng được con đường anh chọn, con đường đi theo Nguyễn Ái Quốc là thật sự đúng đắn hay không nữa...

Đúng sai giờ thật mơ hồ...

Phú gạt ý nghĩ đó đi. Phải tin vào thành quả cách mạng, dù muộn đi chăng nữa. Cách mạng tháng 10 Nga với nền tảng vững chắc như thế, chắc chắn ở Việt Nam cũng sẽ thành công.

Cơn gió lạnh ở Moscow lại khiến Phú ho nặng thêm. Trì chỉ vỗ lưng Phú, vì quả thật giờ gã cũng chẳng biết phải làm gì..

"Anh cẩn thận bệnh phổi lại tái phát", Trì nói. "Cố gắng uống nước ấm".

Trì móc ra từ túi mình gói gì đó nhỏ nhỏ, được bọc trong khăn mùi xoa rồi dúi vào tay Phú. Phú nắm nhẹ...

"Thuốc và mấy thứ trà tôi thó được từ ông bạn Nhật", Trì nháy mắt. "Giữ mà uống".

"Tôi không nhận đâu", Trần Phú toan đưa lại thì Trì phủi đi.

"Cầm lấy. Sau có gì cũng chia sẻ cho tôi là được. Tôi biết đồng chí không muốn nợ ai".

"Cảm ơn anh đã giúp", Trần Phú miễn cưỡng đút vào túi.

Anh biết giờ anh cãi gì cũng không được. Bệnh trở nặng thì không ai giúp được anh, nên anh phải cố gắng giữ gìn sức khỏe.

Phải có sức khỏe mới có thể giúp được đất nước. Bằng không thì muốn giữ mạng còn khó.

"Anh có thấy con gái Liên Xô xinh không ?", Trì đổi chủ đề. "Kể kiếm được cô vợ Tây cũng không tệ".

Trì chỉ nói bâng quơ, chứ gã cũng chẳng mong đợi cái tên Trần Phú bên cạnh mình đáp lời. Gã đã sớm quen với cái sự im lặng, lì lợm của người đồng hương mình.

Phú không nói gì, như thường lệ.

Tình yêu quá xa xỉ, nhất là với người làm cách mạng như Phú thì nào đâu dám mơ đến cái viễn cảnh ấy chứ. Anh biết mình có thể chết bất kỳ khi nào, nhẹ hơn thì vào tù ra tội. Nên anh không dám làm khổ bất kỳ người con gái nào cả, ngay cả khi anh yêu người đó rất nhiều...

Trong tâm trí Phú, anh không thể nào thấy thứ gì đẹp hơn hình ảnh người con gái Việt Nam với mái tóc dài...

Paris, tháng 10/1927

Cô tiểu thư Minh Nguyệt giấu kỹ tờ báo Le Paria vào cặp. Đã hơn 1 năm tờ Người cùng khổ dừng hoạt động, và cô cũng chỉ đọc đi đọc lại đến thuộc lòng những dòng viết cũ bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc.

Minh Nguyệt ở Pháp từ năm 1924. Cô theo học trường École normale supérieure ở Paris, khoa Lịch sử và Văn học. Cậu cô dự định về nước sẽ xin cho cô vào làm nhà nước, với trình độ của cô, cô có thể dễ dàng có mức lương rất cao và lấy được người chồng tử tế.

Ngôi trường của cô từng là ngôi trường của bác sĩ lừng danh Louis Pasteur - người thầy đáng kính của vị bác sĩ đáng kính Yersin, hay nhà văn nổi tiếng Henri Bergson được giải Nobel Văn học mới đây, và rất nhiều những nhân vật vĩ đại khác của nước Pháp.

Khi bước chân sang Pháp, cô mới nhận thấy sự bất bình đẳng của mẫu quốc với thuộc địa. Ở đây, phụ nữ như cô được đi học, thậm chí có thể học cao, những người đàn ông quần là áo lượt, phụ nữ ăn mặc thời thượng với mùi nước hoa nồng nặc đủ các mùi hương.

Trong khi đó, thực dân Pháp ở quê hương cô coi nhân dân An Nam như rơm như rác. Đúng như Nguyễn Ái Quốc viết, đám quan chức Pháp dùng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Chính phủ thuộc địa tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho thanh niên An Nam sang du học bên Pháp, và cô cũng phải rất vất vả mới sang được tới Paris để có con chữ. Nếu không có học bổng nhờ vào mối quan hệ của một người rất thân với gia đình cô, cô cũng khó lòng sang được Paris để học.

Cô cũng từng muốn dạy trẻ con học chữ, ước mơ của cô là trở thành giáo viên. Thế nhưng ước mơ đó sẽ chẳng thể trọn vẹn, chừng nào đất nước còn bị đám thực dân dày xéo.

"Cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số 1.000 làng đó lại chỉ vẻn vẹn 10 trường học... Hàng năm người ta cũng đã tặng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con", cô nhớ lại từng câu từng chữ trong Bản án chế độ thực dân Pháp mà Nguyễn Ái Quốc viết.

Cậu cô là nhà tư sản dân tộc, ông quyên góp hàng trăm đồng bạc cho trường Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Lương Văn Can và tiên sinh Dương Bá Trạc, thậm chí từng bị bắt thẩm vấn, nhưng không đủ bằng chứng để giam giữ, chúng buộc phải thả cậu ra. Cậu cô cũng muốn dân An Nam có con chữ, thoát khỏi sự ngu muội, nên mới ủng hộ phong trào Đông King Nghĩa Thục của những sĩ phu khắc khoải duy tân, mang con chữ đến cho những mảnh đời khốn khổ.

Khi còn học ở trường Đồng Khánh, đôi khi cô không còn nhận ra Hà Nội trong lời kể của cậu mợ. Hà Nội giờ tràn ngập nạn mại dâm, những ả đàn bà mắt xanh mỏ đỏ.

Nhưng cô hiểu, phải đi đến bước đường nào họ mới chọn con đường đó để kiếm sống. Cô thông cảm thay vì khinh rẻ họ. Ở cái thời đại thối nát này, ai cũng phải bán rẻ thân mình, không cách này thì cách khác.

Cô và cậu mợ cô cũng thế, gia đình cô lựa chọn thỏa hiệp, bán rẻ phần nào nhân cách, để đổi lấy sự hòa hoãn tạm thời... Lùi một bước tiến hai bước, có vậy cách mạng mới thành công.

"Lune", Lucien, anh bạn cùng lớp Triết học với cô phẩy tay qua mặt Minh Nguyệt. Cô khẽ giật mình...

"Luc", cô lạnh lùng đáp lời chàng trai người Pháp.

Cô biết là anh ta chẳng có lỗi gì, và ở đâu thì cũng có người này người kia. Nhưng nhìn đời sống sung sướng của nhân dân ở chính quốc rồi nhìn đời sống cơ cực của nhân dân cô, cô hiển nhiên có lý do để tức giận với những đám người này.

"Em là cô gái kiêu kỳ nhất mà tôi biết ở Paris", anh ta châm điều xì gà rồi ngồi xuống cạnh cô ở băng ghế khuôn viên trường.

"Làm ơn tắt thuốc, tôi không ngửi được", cô lấy khăn mùi xoa che mũi.

Là cô khinh bỉ mùi thuốc hay khinh bỉ cái mùi giàu sang nhờ đổi lấy hàng tấn máu ở thuộc địa ?

Minh Nguyệt theo đó ngồi xa hắn ta, tiếp tục cắm mặt vào cuốn sách của Charles Fourier về chủ nghĩa xã hội không tưởng.

"Em có gu triết học thật lạ", Lucien miễn cưỡng dẹp điếu xì gà rồi nhìn vào cuốn sách cô đang đọc.

"Lạ hay không đâu cần đến anh phán xét", cô khẽ nhếch khóe miệng khi trả lời anh.

"Em có tư tưởng cấp tiến hơn tôi nghĩ chăng", Lucien cũng đã quen với việc cô gái đến từ An Nam này lạnh nhạt với anh. Chính vì cô tới từ quốc gia thuộc địa, nhỏ bé với mái tóc dài tới thắt lưng, nhưng có khí chất không kém cô tiểu thư Pháp nào đã khiến Lucien dành sự chú ý đặc biệt tới cô.

"Nếu anh có tư tưởng cấp tiến thì anh sẽ không thấy những thứ này cấp tiến đâu", cô gập sách, cầm lấy cặp rồi rời đi, không nhìn Lucien dù chỉ bằng nửa ánh mắt.

Lucien đứng lên đuổi theo cô. Cô dù thấp bé nhưng bước chân rất nhanh nhẹn. Bố anh vẫn luôn nói những người có bước chân nhanh như thế là những người rất thông minh nhưng thường sẽ gặp vất vả. Không biết anh nên thấy mừng cho cô hay lo nữa.

"Em không thể nói chuyện với tôi tử tế dù chỉ một câu được à?", anh chỉ cần vài bước chân đã đuổi kịp cô, đi song song phía bên cạnh.

"Không", cô trả lời vỏn vẹn một chữ "non".

"Pourquoi?"

"Vì tôi không có thời gian", cô gằn giọng. "Nếu anh cảm thấy nhàn rỗi quá thì đi tìm Amélia cùng lớp với chúng ta ấy. Cô ấy sẽ tiếp chuyện anh".

"Em ghen với cô ấy đấy à", lần này Lucien không đuổi theo cô nữa, mà đứng nói với từ phía sau lưng cô với cái nụ cười nhếch mép kiêu ngạo đầy khó ưa.

Thật may, cái tên khó ưa này đã không đuổi theo cô nữa.

"Tôi nhổ vào", cô hét và bước chân vẫn liến thoắng. "Anh tiếp tục mơ đi".

Minh Nguyệt không chỉ đẹp mà cái miệng của cô cũng sắc như dao găm. Tiếng Pháp của cô duyên dáng, nhưng điều đó cũng không mất đi sự sắc sảo trong ngôn từ.

Lucien bật cười. Lúc nào cũng kết thúc với câu chửi thề từ cô. Nhìn thì nhỏ bé nhưng khí chất lại chẳng tầm thường.

Người nào yêu được cô có lẽ cũng phải có cái ý chí lớn tựa như núi đấy. Vậy thì mới hợp với cô gái đáo để như Minh Nguyệt chứ.

Cô đi tìm giáo sư Cartier, ông thầy triết học của cô. Tất nhiên, cô và giáo sư đã có một số trận cãi nhau ra trò, nhưng kiến thức của ông thì vẫn đáng xem trọng.

"Nếu con đến đây để nói chuyện về Nguyễn Ái Quốc, ta không có thời gian", giáo sư ngay lập tức đoán được cô sẽ hỏi gì. Nghe bước chân thôi là ông đã đoán ra ai đang vào văn phòng của mình.

"Con không hỏi về Nguyễn Ái Quốc", cô đảo mắt. Cô sẽ tìm cách đánh lạc hướng thầy rồi hỏi sau.

"Vậy con đến đây làm gì?"

"Fourier", cô đặt sách lên bàn.

"Con đã đọc xong rồi sao ?", ông thầy của cô bỏ kính rồi đặt lên trên bàn, nhẹ nhàng day day 2 bên thái dương. Dự là cuộc nói chuyện này sẽ tốn của ông không ít sức lực.

"Con chưa đọc xong", Minh Nguyệt không nói dối. "Nhưng con ngưỡng mộ tư tưởng tôn trọng nữ giới của Fourier".

"Ta không phủ nhận điều đó", ông bắt đầu "đánh hơi" thấy mùi lạ lạ...

Cô học trò An Nam của ông hôm nay không đến đây để nói về đất nước của mình, thật kỳ lạ làm sao. Chắc chắn con bé này lại dở trò gì rồi đây.

« Le mariage est le tombeau de la femme, le principe de toute servitude féminine (Hôn nhân là nấm mồ của người phụ nữ, là nguyên tắc của mọi sự nô lệ của phụ nữ)», cô đọc vanh vách bằng tiếng Pháp dòng chữ trong sách viết.

"Nhưng Fourier cũng viết 'Le bonheur de l'homme, en amour, se proportionne à la liberté dont jouissent les femmes', rõ ràng là con cũng sẽ tin điều đó", ông mỉm cười

Minh Nguyệt ngẫm một lúc để thật sự hiểu câu nói này. Dịch ra tiếng Việt, câu nói mà giáo sư đang trích lại của Fourier có nghĩa là: Hạnh phúc của đàn ông trong tình yêu tỷ lệ thuận với sự tự do mà phụ nữ được hưởng.

Cô cười, nhớ lại tác phẩm Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen mà cô đã đọc hằng đêm trong thư viện. Elizabeth Bennet đúng là một người phụ nữ rất tự do, bởi cô có một người đàn ông như Fitzwilliam Darcy yêu cô thật lòng và hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi đó.

Có lẽ nếu Minh Nguyệt tìm được một ý chung nhân cũng thật sự hiểu cô, yêu cô, hạnh phúc trong tình yêu với cô, thì người ấy sẽ chẳng ngăn cấm cô điều gì cả. Cô sẽ vẫn tự do dù là người đã có gia đình.

"Con thấy đấy, đôi khi lấy chồng giàu không sung sướng đâu", giáo sư Cartier nheo mắt.

"Ví dụ như vợ thầy ấy hả?", cô không quên đùa vị giáo sư của mình.

"Con đấy, luôn tìm cách nói xấu ta".

"Con nói sự thật mà".

Giáo sư Cartier có một người vợ rất đẹp, cô hiền dịu và biết vun vén. Vợ giáo sư là tiểu thư xuất thân danh giá ở Marseille. Bà đã được hứa hẹn với con trai của một thương gia khác có tiếng, nhưng rồi lại phải lòng ông...

Bà phải lòng một ông giáo khi ấy còn trẻ, gần như chẳng có gì trong tay.

Nhưng bà chưa từng hối hận về chặng đường đã đi qua. Bà tin rằng lấy ông, bà được tự do làm tất cả những gì bà muốn. Còn nếu lấy người đàn ông kia, bà sẽ phải bỏ dở việc học và chỉ có thể ở nhà mà thôi.

Những người phụ nữ yêu và được yêu, họ quả thật luôn hạnh phúc và đầy tự do.

"Con biết đấy, ta nghĩ khi về nước, con có thể nói điều này cho mọi người".

"Quan chức đồng hương của thầy ở nước con sẽ không cho phép con mở lớp dạy học đâu. Mở lớp vỡ lòng đã khó rồi chứ đừng nhắc tới những thứ cao siêu thế này", cô cười khẩy đầy khinh bỉ khi nhắc tới bộ máy cai trị thực dân ở thuộc địa.

"Sau cùng chúng ta lại vẫn đi về chủ đề tinh thần dân tộc của con", ông bật cười. "Con luôn biết cách khiến ta không thể tránh được cuộc trò chuyện này".

"Người Pháp duy nhất ở đất nước con mà con ngưỡng mộ chỉ có tiên sinh Alexandre Yersin mà thôi", cô gấp sách rồi bỏ vào cặp, nhìn đồng hồ trên trường rồi đứng dậy. "Con phải đi, hẹn thầy một hôm khác ạ".

Cô lễ phép cúi đầu chào thầy, trong đầu cô vẫn vang vọng cái tên của vị bác sĩ đáng kính - Alexandre Yersin.

Xét cho cùng, bác sĩ thời trẻ cũng rất đẹp trai. Nếu như cô sinh ra sớm hơn, cô sẽ bám riết lấy bác sĩ để ông buộc phải cưới cô.

Bác sĩ sẽ chỉ cắm mặt vào nghiên cứu rồi thám hiểm, cô đương nhiên sẽ được làm bất kỳ điều gì mình thích.

Ông cũng rất tôn trọng Việt Nam, cô đương nhiên sẽ có quyền ủng hộ đất nước của mình.

Giá mà điều đó là sự thật thì tốt biết mấy. Nhưng bác sĩ Yersin giờ là một ông già 64 tuổi. Cô nên gạt cái suy nghĩ đó đi mà tìm một vị bác sĩ trẻ và đẹp trai khác thì hơn.

Nhưng kể ra có một người đàn ông cũng quan tâm tới cách mạng và vận mệnh của dân tộc giống như cô thì cũng tốt biết mấy...

Thanh niên Việt Nam có suy nghĩ cấp tiến đâu có thiếu. Cô tin là như thế. Nhưng họ có lẽ đã ngăn mình khỏi những thứ tình cảm tầm thường đó từ lâu rồi.

Như người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, nếu có người nào đó có được trái tim của tiên sinh, chắc hẳn đó phải là người phụ nữ vô cùng đặc biệt.

Nhưng ngay cả khi trái tim tiên sinh có thuộc về người phụ nữ nào đó, chắc chắn lý trí của tiên sinh cũng thắng thôi. Người đâu có thể để người ta chịu khổ vì mình được chứ.

Moscow, tháng 10/1927

Trần Phú ho khù khụ cả đêm. Anh bạn Nhật Bản cùng phòng của anh trùm kín chăn ngủ mà không biết.

Cứ càng gần đến ngày giỗ mẹ, Trần Phú càng ho nhiều hơn. Như thể cái chữ "Hiếu" nó đang giày vò anh hằng ngày hằng giờ...

Mẹ anh luôn mong ngóng các con trai mình sẽ trưởng thành, lập gia đình rồi có con cái. Cụ muốn được thấy con cháu đề huề. Nhưng 2 năm sau khi ông thân sinh Trần Phú mất, bà cũng quá đỗi đau khổ mà qua đời. 6 tuổi, Trần Phú mồ côi cả cha lẫn mẹ. Còn Trần Ngọc Danh, em trai Phú, khi ấy mới 2 tuổi, chỉ khóc trong vô tri vô giác, vì thằng bé còn quá nhỏ để hiểu được sự mất mát...

Ông cụ thân sinh của Phú, Tri huyện Trần Văn Phổ, do không chịu được sự đè nén, áp bức, nhục mạ của công sứ Pháp Dodey Besra và bất lực trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than mà đã thắt cổ tự sát tại công đường năm 1908.

Trần Phú trộm nghĩ, thế hệ phong kiến đôi khi có những cách giải quyết chẳng đâu vào đâu. Thay vì đấu tranh, họ chọn tự sát vì bất lực.

Đôi khi Trần Phú nghĩ, giá như cha của anh đừng chết oan uổng như thế, thì mẹ anh cũng đã con sống, ít nhất tuổi thơ của anh không phải khổ cực đến như vậy.

"Làm sao những người đủ ăn đủ mặc ngoài kia hiểu được nỗi khổ của tầng lớp như ta cơ chứ?"

Có thật như vậy không?

Liệu những kẻ giàu có ngoài kia có tinh thần dân tộc không?

Nguyễn Ái Quốc luôn tôn vinh sự đoàn kết của tất cả những tầng lớp, nhưng Trần Phú không nghĩ như thế. Trong con mắt anh, kể cả là những nhà tư sản dân tộc cũng không thể hiểu được nỗi khổ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động...

Họ đâu có phải chịu cái cảnh thuế máu, thực dân Pháp như con đỉa hút cạn máu họ, thậm chí hút cả cái xác. Chết rồi vẫn phải đóng thuế thân cơ mà.

Họ đâu có phải chịu cái cảnh nhục mạ đến mức phải tự mình thắt cổ tự tử như cha anh...

Làm gì có cái gọi là "tư sản dân tộc" cơ chứ. Những kẻ đó phải chăng chỉ muốn dùng đồng tiền của họ để sau này đổi lấy quyền lợi ? Xét cho cùng, những nhà "tư sản dân tộc" đó có vẻ còn khôn lỏi hơn đám tư sản mại bản. Họ vừa đóng góp cho cách mạng, vừa đút lót chính quốc Pháp, luôn chừa cho mình một con đường lùi... đó chẳng phải mới chính là những kẻ nham hiểm hay sao?

Ông Nguyễn Ái Quốc đã nhầm rồi... Giai cấp tư sản sao có thể đứng cùng với giai cấp công nhân và nông dân chứ.

Rồi sẽ có một ngày anh chứng minh điều đó là đúng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro