Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

8. Giúp đỡ

Hành động giúp đỡ được thể hiện qua nhiều cách, hoặc bằng lời nói hướng dẫn cách thức làm ăn mua bán cho người, hoặc bằng hành động làm giúp công việc nặng nhọc cho người, hoặc bằng cách cho, tặng (bố thí cúng dường) tài vật đến người. Từ sự giúp đỡ như thế, người khác được dễ dàng trong cuộc sống hơn, nghĩa là họ được vui sướng hơn.

Mỗi một sự giúp đỡ cho người khác sẽ tạo thành một hay nhiều quả báo lành ở vị lai cho chúng ta. Ví dụ anh Hai đã giúp ông Tám dựng lại ngôi nhà sau cơn hỏa hoạn. Hành vi giúp đỡ của anh Hai đem lại cho ông Tám những lợi ích sau đây:
- Gia đình ông Tám có nơi ẩn trú, tránh được mưa nắng và bớt bị bệnh tật.
- Tài sản còn lại như một số quần áo, giường ghế đước cất giữ tử tế tránh được mất mát.
- Ông Tám nhanh chóng ổn định, xây dựng lại kinh tế gia đình.
- Gia đình ông được vơi bớt nỗi buồn vì thấy có sự quan tâm giúp đỡ của láng giềng.
Mỗi lợi ích của gia đình ông Tám sẽ kết thành một quả báo lành cho anh Hai ở vị lai.
Sau này ngay ở trong kiếp hiện tại hoặc những kiếp vị lai. Anh Hai thường có nhà cửa ổn định, không phải bệnh tật vì phải phơi mình giữa mưa nắng, tài sản ít bị mất mát vì có nơi cất giữ an toàn, nhanh chóng ổn định về kinh tế, luôn luôn được mọi người quan tâm giúp đỡ.

Nếu một người suốt đời tích lũy nghiệp từ thiện, thường xuyên giúp đỡ mọi người một cách nhiệt tình, quả báo dành cho họ là sự thành công vinh quang rực rỡ ở những kiếp về sau.

Trong cuộc sống có những người làm chơi ăn thiệt, họ được thần may mắn mỉm cười, những dự định đều được tiến hành suôn sẻ. Đôi khi mọi người phải ngạc nhiên về sự may mắn liên tiếp của họ. Tất cả đều bắt nguồn từ hành vi giúp đỡ kẻ khác trong quá khứ! Thiếu làm việc từ thiện, cuộc đời chúng ta sẽ kém may mắn.

Tuy nhiên tùy theo tính chất của việc làm từ thiện mà chúng ta sẽ đạt được quả báo lành về sau một cách khác nhau.

Ví dụ nếu đời trước chúng ta dùng lời nói để chỉ bảo cho người khác đi đến thành công. Nhờ sự chỉ bảo này họ gặt hái được kết quả tốt đẹp. Quả báo về sau của chúng ta là dễ dàng, may mắn tiếp nhận được những phương pháp tốt để hành động, nhưng trên bước đường hành động chúng ta phải nổ lực bởi chính khả năng của mình, ít được sự giúp đỡ chia xẻ gánh nặng bởi vì trước kia chúng ta chỉ giúp đỡ người khác chứ không "làm giùm" cho họ. Ví như chúng ta chỉ cho một người đi về ngọn núi phía Tây mà đào vàng nhưng không đi đào giúp họ. Về sau tuy chúng ta cũng được chỉ vẽ phương pháp làm ăn mua bán (hay học tập), nhưng phải làm lấy tất cả bởi sức lực của mình.

Nếu chúng ta hay giúp đỡ kẻ khác về tài vật nghĩa là bố thí hoặc cúng dường, khiến cho kẻ khác không tốn công sức mà vẫn có tài sản, thì quả báo chờ đợi chúng ta là thường gặp những may mắn kỳ lạ để có được tiền mà không cần phải cực nhọc nhiều như trúng số, hoặc tìm thấy kho tàng, hoặc kinh doanh lời hơn mức dự tính, hoặc được thừa kế gia tài của tiền nhân.
Lisa Marie Presley mới 9 tuổi đã thừa kế một gia tài kếch sù của cha cô là vua nhạc Rock Elvis Presley khi ông qua đời vì bệnh tim.

Một số người mua nhầm tờ vé số trúng độc đắc. Một người mua khu vườn, đã đào phải hũ vàng khi sửa sang lại khu vườn đó.
Vô số trường hợp không làm mà hưởng như thế đều là quả báo của sự bố thí tài vật lớn lao từ những kiếp trước.

Phần đông còn lại ai cũng phải làm mới có ăn. Tuy nhiên với công lao khó nhọc của tâm hồn và thể xác giống nhau, nhưng sự thành công mỗi người lại khác nhau. Có những người từ kẻ mua đồ đồng nát dạo, gánh trên vai rao mua ve chai (phế liệu), sau này trở thành tỷ phú lừng lẫy một thời như chú Hỏa ở Chợ lớn. Hoặc từ một đại phú như Âu Vinh có tiền cho vay khắp cả Sài gòn thuở trước, bây giờ chết không có hòm chôn tại HongKong. Riêng Ââu Vinh có một đặc tính là không bao giờ bố thí từ thiện một xu nhỏ "Hãy bảo họ ráng làm mà ăn" ! Đó là câu trả lời cho đoàn lạc quyên cứu trợ khi đến gặp ông ta.
Mức độ thành công của chúng ta ở kiếp này tùy thuộc vào mức độ chúng ta giúp đỡ mọi người ở kiếp trước. Nghiệp từ thiện càng nhiều thì sự thành công càng lớn lao.

Đôi khi chúng ta nhìn lại cuộc đời mình và không tránh khỏi giật mình sợ hãi. Bao nhiêu năm tháng bình an trôi qua, chúng ta làm việc và sống một cách êm đềm. Thỉnh thoảng có một vài biến động nhỏ không đáng kể. Nhưng khi tính sổ lại, dường như suốt thời gian vừa rồi chúng ta chưa làm được việc thiện nào cả, chưa giúp đỡ ai một cách tận tình có ý nghĩa. Khi nhìn lại điều này chúng ta cũng "nhìn thấy" luôn về kiếp sau, dường như sẽ không có sự may mắn nào đến với chúng ta, sẽ không có một thành công đặc biệt nào cho đời sống kế tiếp.
Như vậy, không siêng năng làm việc từ thiện là một sai lầm, một sự kém hiểu biết, một sự thiếu sót nghiêm trọng trong cuộc đời.

Ở phương diện khác, quả báo của sự giúp đỡ tùy thuộc vào đối tượng được giúp đỡ. Nếu chúng ta giúp đỡ cho một vị Thánh cao cả để vị này sống một cuộc đời đẹp đẽ thánh thiện với một nội tâm bình an vô hạn, với một đạo đức hoàn hảo tuyệt vời. Sự tốt đẹp còn lan tỏa cho nhiều người khác khi vị thánh ấy rao giảng về đạo đức, thiền định và giải thoát cho mọi người. Với một "đối tượng" như thế, sự giúp đỡ - cúng dường đem đến một quả báo cực kỳ vinh hiển ở vị lai. Chúng ta đã đem hạt giống gieo trên mảnh đất vô cùng màu mỡ và sẽ gặt hái một vụ bội thu về sau.

Khi nói về một triệu phú vừa chết ở thành Vương Xá, không con để thừa kế nên vua Pasenadi cho sung công tài sản, Đức Phật bảo rằng nhiều kiếp về trước, ông ta thường hay cúng vật thực cho một vị độc giác Phật khất thực ngang nhà. Kết quả trở lại là bảy đời liên tiếp ông luôn được giàu sang sung túc. Chỉ vì có lần ông đã giết người con trai duy nhất của người anh mình nên ông mắc quả báo là không bao giờ có con để kế thừa tài sản sau khi đã trả xong quả báo giết người kia với hình phạt vô cùng đau đớn.

Ở mức độ thấp hơn, đối tượng được giúp đỡ là một người bình thường, cũng có những buồn thương giận ghét trong đời sống hằng ngày như mọi người. Với một đối tượng như thế, quả báo đem lại cho thí chủ là những sự may mắn vừa phải, không đặc biệt lắm. Tuy nhiên, nếu tích lũy nhiều nghiệp thiện như thế, chúng ta cũng đạt được phước báo lớn lao.

Thế rồi, với sự hiểu biết Nhân Quả sâu sắc, chúng ta đã lựa chọn đối tượng để giúp đỡ, lựa những người có đạo đức tốt đẹp để cúng dường vì mong sẽ được quả báo lớn lao về sau và không ngó ngàng tới những người bình thường vốn dày đặc trên cuộc đời bụi bặm này. Như vậy, rõ ràng hành vi giúp đỡ của chúng ta không xuất phát từ tấm lòng thương yêu kẻ khác. Chúng ta chỉ lợi dụng luật Nghiệp Báo để mưu cầu lợi ích cho bản thân mình về sau. Với ý tưởng như thế chúng ta chỉ có phước (vì đã làm lợi ích cho người khác) mà không có đức (vì xuất phát từ một tâm hồn vị kỷ). Phước mà không có đức cũng giống như nhà không có nền móng vững chắc, sự sụp đổ là điều không tránh khỏi. Sau này, tuy được giàu sang sung sướng nhưng tâm hồn chúng ta vẫn đầy những mưu toan ích kỷ hẹp hòi. Chính khuynh hướng vị kỷ này sẽ thúc đẩy chúng ta tạo những nghiệp bất thiện để rồi chuốc lấy đau khổ về sau.

Vì thế, chúng ta hãy trang bị cho tâm hồn mình một tình thương yêu rộng lớn đối với mọi người, mọi loài, hãy giúp đỡ họ qua cơn khốn khó, hãy làm tất cả vì họ chứ không phải vì quả báo của mình mai sau.
Ở khía cạnh khác, chúng ta phải cẩn thận khi giúp đỡ kẻ ác, bởi vì có thể từ sự giúp đỡ này họ có thêm phương tiện hãm hại người khác. Và như vậy sự giúp đỡ của chúng ta tới với họ sẽ tạo cho chúng ta một quả báo xấu về sau giống như chúng ta đã tiếp tay cho họ tạo ác nghiệp.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta ruồng bỏ kẻ xấu, không giúp đỡ gì cho họ. Lòng từ bi không cho phép chúng ta hạn chế sự giúp đỡ của mình đối với mọi người. Chỉ là, đối với kẻ xấu, chúng ta vừa giúp đỡ họ qua cơn khó khăn, vừa khéo léo dẫn dắt họ về với đạo đức. Con người chỉ chịu nghe lời khi họ đã thọ ân. Các vị bồ tát đi vào sinh tử để hóa độ mọi người cũng phải tuân theo quy luật này, nghĩa là phải tạo ân nghĩa cho mọi người rồi mới dùng lời nói để đưa họ về với đạo đức. Chúng ta chưa phải là Bồ Tát đã chứng ngộ nhưng cũng có thể bắt chước hạnh Bồ Tát bằng cách bố thí để giáo hóa cho kẻ xấu.
Sự giúp đỡ đối với kẻ xấu đòi hỏi nơi chúng ta một sự kiên nhẫn, khôn khéo và độ lượng. Chúng ta vẫn phải giúp họ mà vẫn không tạo điều kiện cho họ làm ác, chỉ làm sao cho họ chuyển hóa tâm hồn để trở thành người tốt cho xã hội mà thôi.

Tùy theo tình hình giúp đỡ, chúng ta sẽ nhận lại một quả báo tương ứng. Ví dụ người thường hay dùng sức lực để làm lụng đỡ đần cho kẻ khác, quả báo trở lại là sức mạnh sung mãn. Và với sức mạnh này họ vươn tới thành công.
Ví dụ, người thường hay phụ giúp xây cất trường học, giúp đỡ việc học hành của người khác, quả báo trở lại là học giỏi, bằng cấp cao và có nhà cửa khang trang rộng rãi.
Ví dụ, người thường hay lo việc thắp sáng công cộng, quả báo trở lại là được đôi mắt tinh tường.
Người thường hay lo việc cứu trợ cho những nạn nhân bị thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh... quả báo trở lại là được yên ổn trong cuộc sống, nếu vừa gặp bất trắc liền có người giúp đỡ.
Người thường hay bênh vực kẻ cô thế, yếu đuối, oan ức... quả báo trở lại là được thế lực lớn (để cho không có ai dám ăn hiếp).
Có một số người đang giàu có sung mãn, bỗng do một biến động trong việc kinh doanh, hay tai nạn liền trở thành một người nghèo khổ túng thiếu. Quả báo này xuất phát từ đời trước họ hay làm việc thiện, bỗng qua một lần nóng giận đã rủ bỏ tất cả, phá hoại tất cả.
Bà Thái là một hội viên đắc lực của một hội từ thiện. Bà đã đóng góp cả tài sản và công sức rất nhiều cho hoạt động từ thiện suốt một thời gian dài. Thế rồi trong một lần tranh cãi với bạn bè về địa vị trong hội, bà bất mãn ra khỏi hội và ngăn trở hội tiếp tục hoạt động.
Hoặc một ông phật tử thường lo lắng công quả cho ngôi chùa trong làng với các nghi lễ và các hoạt động phước thiện xã hội. Sau một lần bị va chạm tự ái ông đã chấm dứt sự công quả của mình.
Quả báo của những trường hợp như thế là ở những kiếp sau, sự thành công bỗng dưng bị đổ vỡ, bị dừng lại.

Thế nên, đối với các việc thiện, chúng ta phải phát tâm kiên trì trường viễn. Đừng vì những việc nhỏ nhặt mà tự phá hoại thiện nghiệp của mình, Phải tích lũy mãi, tích lũy mãi từng chút phước nghiệp bằng cách hễ có cơ hội là giúp đỡ người khác không tiếc công.

Có một người thuở niên thiếu gian nan vất vả, đến khi trưởng thành mới đạt được may mắn, thành công. Có hai nguyên nhân của quả báo đó.
Một là do từ kiếp trước, lúc còn trẻ họ chỉ mãi lo vui đùa học hành, không làm được nghiệp phước nào. Đến lớn tuổi, có ý thức, họ bắt đầu làm việc từ thiện. Qua kiếp sau, thời gian tương ứng với từng giai đoạn là thiếu thời bình thường, đến trưởng thành mới bắt đầu thành công.
Hai là do từ kiếp trước, họ ít quan tâm giúp đỡ người nhỏ tuổi, chỉ để ý đến người lớn tuổi. Quả báo trở lại là khi còn nhỏ tuổi họ kém may mắn, đến khi lớn tuổi mới gặt hái nhiều tốt đẹp.

Có nhiều người than thở rằng họ thường bị phản bội bởi những kẻ đã thọ ân của họ. Họ mất niềm tin với luật Nghiệp Báo vì thấy rằng họ không hưởng được sự tốt đẹp nào từ hành vi giúp đỡ người khác. Tại sao sự tử tế của họ được đáp lại bằng thái độ vong ân tráo trở?

Có nhiều nguyên nhân của hiện tượng đó. Có thể là lỗi không phải từ nơi người thọ ân. Họ cũng biết ơn và mong muốn có dịp đền trả. Nhưng họ thấy khó gần gũi ân nhân vì ân nhân này luôn kể công và tự phụ. Người thọ ân cảm thấy bị sỉ nhục và khó chịu khi đến gần một ân nhân như thế. Đôi khi họ ân hận vì đã lỡ thọ ân với một con người tầm thường kiêu hãnh đó.

Cũng có thể là lỗi xuất phát từ nơi người thọ ân vì người này quá vị kỷ, chỉ lo cho mình, chỉ nghĩ đến cái được mất của mình mà quên đi ơn nghĩa của người khác. Nếu gặp phải hạng người này chúng ta chỉ nên cười xòa rồi bỏ qua vì người cao thượng có bao giờ "Thi ân cầu báo" đâu, phải không bạn?

Đối với luật Nghiệp Báo, không bắt buộc rằng quả báo lành phải do nơi kẻ thọ ân đền trả. Nếu khi thọ ân người này có khởi ý niệm đền ơn thì sau này (có thể qua nhiều kiếp) chính họ sẽ đền ơn một cách mỹ mãn. Trong cuộc đời thỉnh thoảng chúng ta gặp một vài người tốt với ta một cách đặc biệt, giúp đỡ chúng ta đủ điều. Có thể họ đã chịu ơn chúng ta từ kiếp trước và có khởi ý niệm đền trả.
Đối với người vong ân, không có ý muốn đền ơn, thì quả báo lành sẽ đến từ vô số trường hợp khác. Hoặc chúng ta được trúng số, hoặc kinh doanh gặp thời thu lợi bội phần, hoặc được những người tốt giúp đỡ (người tốt này không phải là kẻ đã chịu ơn ta).

Chúng ta sẽ thấy nghiệp tác động vào tận trong tâm thức của mỗi người.
Một tên cướp với tâm hồn nhuốm đầy sự ác độc, luôn sẵn sàng mưu hại kẻ khác, thế nhưng khi quan sát trên đường phố để tìm đối tượng đánh cướp, tâm ác độc của hắn chỉ khởi dậy khi trông thấy người có tạo ác nghiệp, và dường như bỏ qua những người không có ác nghiệp trong quá khứ.

Cũng vậy, một nhà hảo tâm luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhưng khi gặp một kẻ đã gieo nghiệp bỏn xẻn quá nhiều, tâm tốt của ông dường như lơ đãng chìm lặng không khởi dậy, khiến cho ông quên đi việc giúp đỡ kẻ đó. Và tâm ấy chỉ khởi dậy mạnh mẽ khi gặp những người đã gieo nghiệp thiện từ quá khứ.
Thế nên, một người gieo ác nghiệp quá nhiều, đi đến đâu chỉ đánh thức ác tâm của mọi người chung quanh khiến cho họ chỉ chực muốn hại mình, xua đuổi, mắng chửi mình. Ngược lại, một người gieo thiện nghiệp quá nhiều, đi đến đâu đều khơi dậy thiện tâm của mọi người, khiến cho mọi người phải đối xử tử tế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro