Truyện ngắn : Oán
Phía tây huyện thành Hoài Dương thuở ấy là một pháp trường dùng để hành quyết tử tội. Khoảng hai năm vừa qua, pháp trường huyện đã xử quyết không biết bao tử tù khiến nơi đây tràn ngập tử khí u ám, vắng người qua lại. Người ta đồn rằng ở đó oan hồn dã quỷ tụ tập mang nặng oán khí nhiều đời bởi không phải thời nào cũng xuất hiện minh quan và càng không phải chỉ người đúng tội mới đặt chân lên đoạn đầu đài. Thành thử lánh xa tốt hơn lai vãn để khỏi chuốc lấy điềm gỡ.
Bận ấy, cách không xa pháp trường huyện Hoài Dương có dựng một chốt canh phòng do hai người luân phiên đảm trách canh gác. Liễu Tích Nguyên vì gia cảnh cơ hàn đã không e ngại việc canh gác một pháp trường khi đó hầu như đa số thanh niên địa phương chẳng ai dám nghĩ đến chuyện bén mãn đến chỗ chết chốc ấy. Ngày đầu tiên đến nhận việc, Tích Nguyên vẫn rất ung dung thư nhàn, y lấy làm đắc chí tự cho mình gan dạ bằng trời bèn mua một vò rượu lớn cùng đồng sự là Trịnh Tiệp uống say bí tỉ, đêm hôm ấy cả hai ngủ mê man chẳng có gì kỳ dị xảy ra như lời đồn đại của thiên hạ thế là Liễu và Trịnh mỗi ngày cứ chạng vạng tối lại thay nhau mang rượu thịt nóng hổi ra chốt canh hành sự. Tháng ngày trôi qua bình yên bất biến những tưởng công việc an ổn thuận lợi ai hay đâu bỗng chốc tai dị ập đến.
Năm Hồng Hy thứ thứ nhất, triều Minh, cả nhà hào tộc Triệu Văn Tú bị xử trảm vì tội thông đồng mưu phản. Chẳng biết ông Triệu có phản nghịch hay bị vu cáo, dân huyện Hoài Dương tụ tâp quanh pháp trường bàn tán xì xầm nhỏ to, canh ba tam khắc một đoàn hơn trăm người Triệu gia nam nữ lớn bé nối gót tiến lên đoạn đầu đài, lập tức quan phủ nổi trống liên hồi như thúc giục. Hàng loạt đao thủ giàn thành hình chữ nhất nghe trống hiệu mà vung đao chém, tiếng trống vừa dứt những quả đầu đồng loạt rơi xuống, máu trào như thác đổ tràn lan khắp đài xử trảm. Liễu Tích Nguyên đứng xa xa chứng kiến toàn bộ cảnh tượng hành hình tử tội nhưng y mặc nhiên như không, cứ dốc bình rượu mà uống và cười nhạt bảo.
- Sống chết ở vận trời, dù oan khuất hay chăng thì khó lòng minh bạch.
Buổi trảm quyết thị chúng kết thúc, quan quân ra về tất thảy để lại hơn trăm chiếc thủ cấp còn tươi treo lũng lẳng trên xà ngang. Dân tình vây quanh xôn xao hoang mang, người ta cho rằng ông Triệu chết oan bởi nhẽ họ biết ông là một người trung nghĩa ái quốc nhưng có điều khiến dân huyện lo sợ hơn hẳn đó là việc xử trảm một lúc quá nhiều người xưa nay chưa từng có.
Trong đám đông tụ tập bên dưới đoạn đầu đài người ta thấy một thiếu nữ xinh đẹp thướt tha nhưng thoáng hiện trên gương mặt nàng nỗi buồn khó tả thành lời, tựa hồ là một nỗi đau xé tâm can. Hai hàng lệ lăng dài trên đôi má hồng, nàng gạt nước mắt quay người dợm bước, thoắt cái đã biến mất giữa dòng người đông đúc.
Đêm hôm ấy, hai người Liễu Tích Nguyên cùng Trịnh Tiệp rượu uống quá chén mà say mèm chẳng biết cơ sự chi nữa. Tàn canh một, bên ngoài văng vẳng tiếng quạ kêu, lũ quạ đen đậu trên xà ngang dùng để treo thủ cấp người bị xử chém. Đêm nay chúng kéo đến đông lắm, lại thi nhau kêu những tiếng "quan quát, quan quát" inh ỏi kinh động người gác pháp trường. Trịnh Tiệp trong cơn say ngủ mê, gã bỗng choàng dậy thở hổn hển, mồ hôi vịn ra ướt như tắm, gã lây lây đánh thức họ Liễu, bảo.
- Tôi vừa gặp Triệu Văn Tú, anh Liễu tin thực chăng ?!
Tích Nguyên nhăn mặt đáp
- Anh Trịnh uống nhiều rồi, ông Triệu đã chết lúc sáng nay, còn chi mà gặp !
Trịnh Tiệp lắc đầu phân bua
- Không, tôi gặp ông Triệu thật, ông ta bảo thủ cấp của mình bị thất lạc, muốn nhờ cậy tôi và anh tìm lại.
Họ Liễu khẽ cau mày, y nhìn Trịnh Tiệp đăm đăm.
- Lẽ nào là khổ chủ thực sự gặp nạn.
Cã hai vùng chạy ra pháp trường xem xét sự thể thế nào cho tường tận. Nơi đoạn đầu đài bày quạ vẫn đậu trên thanh xà ngang treo lủng lẳng hàng trăm chiếc thủ cấp. Tích Nguyên cố căng mắt nhìn cho rõ từng chiếc thủ cấp đung đưa không ngừng, bất chợt, một luồng gió nhẹ lùa qua khiến hai người rùng mình lạnh sóng lưng. Trịnh Tiệp bất thần hét lên một tiếng thất thanh, gã hoảng loạn trỏ tay về khoảng trống nơi xà ngang. Miệng mấp máy không nên lời.
- Ông...ông...ông Triệu !
Liễu Tích Nguyên quát.
- Anh Trịnh chớ nói lung tung !
Thế nhưng Trịnh Tiệp vẫn bấn loạn, gã nói.
- Là ông ta, Triệu Văn Tú, ông ta về đòi lại đầu mình đấy !
Lúc bấy giờ họ Liễu đứng chôn chân tại chỗ, y có thể cảm nhận được sau lưng mình là một bàn tay lạnh lẽo, năm ngón tay cựa ngoạy liến thoắn đang bò lên bả vai y. Thình lình bàn tay kỳ lạ bóp lấy yết hầu Tích Nguyên từ từ siết chặt khiến y không tài nào thở được. Rồi, như thể từ chốn xa xôi nào đó vọng về một gióng nói âm trì nặng nề.
- Đầu của tôi. Anh Liễu. Đầu của tôi. Anh Liễu !
Giọng nói phát xuất từ vô hình, cứ lập đi lập lại như sự tuần hoàn làm cho Liễu Tích Nguyên khiếp hãi khôn cùng.
- Đầu của tôi...
Bất giác theo thói quen mỗi khi gặp nguy biến y lại lấy trong áo ra phiến đá bạch ngọc khắc tượng Phật Nam Hải mà ôm vào lòng ngực hòng xua tan tà khí. Vật này vốn do mẹ y thỉnh từ chùa Phù Quốc về, sau truyền lại cho y để mong nhận sự bảo hộ của thần phật linh thiêng. Phiến ngọc thoáng chốc nóng ran, cái lạnh lẽo chạy dọc sóng lưng y hầu như không còn, Tích Nguyên thở hắt ra lập tức giọng nói kia tan biến vào hư vô. Y dồn hết can đảm quay phắt người ra sau thì chẳng thấy ai chỉ có Trịnh Tiệp vì sợ quá nên ngất đi tự bao giờ. Họ Liễu vón vén tiến gần đến thanh xà ngang treo đầu tử tù, y há hốc miệng kinh ngạc khi tận mắt trông thấy đầu của Triệu Văn Tú đã mất tăm, chỉ còn sợ dây trống trơ với vết cắt vụng về. Nơi nút thắt còn vươn lại một mớ tóc rối.
Sáng hôm đó, cả thành Hoài Dương vẫn yên ổn vô sự, toàn dân chẳng ai hay biết chuyện kỳ dị xảy ra đêm qua. Phố chợ vẫn náo nhiệt, quan phủ vẫn làm việc như thường ngày, riêng hai người Liễu, Trịnh thì hãy còn chưa hết kinh sợ, cả hai bàn định tìm đến am Tịnh Nghiệp trên núi Cửu Vân để thỉnh vấn Thượng toạ Pháp Dung về sự kỳ quái đêm qua.
Trong thiền thất, sau vài tuần trà đãi khách Thượng toạ Pháp Dung cất lời chỉ điểm.
- Thực ra, chuyện ông Tú, lão tăng đã biết. Trên dưới Triệu gia oan khuất mà chết thành thử tâm oán hận của họ sâu nặng không thể siêu thoát. Họ cậy nhờ chủ nhân của mình mong được trả lại sự công bằng minh bạch.
Liễu Tích Nguyên hỏi.
- Thế chẳng hay tôn sư có thể giải hoá oán hận của họ chăng ?
Nhà sư thở dài, ông chậm rãi lắc đầu, cái lắc đầu nói lên sự bất lực hoàn toàn.
- Đến Đại đức Thượng toạ còn không thể làm được thì hạng phàm tục như hai ta cũng chẳng nên sự tình chi. - Trịnh Tiệp rầu rỉ nói.
Pháp Dung mỉm cười, đôi mắt nhân hậu nhìn chằm chằm họ Trịnh, ông nói.
- Anh Liễu, anh biết tại sao nhà họ Triệu chết oan mà không đi cáo trạng nơi Diêm phủ không ?
Tích Nguyên cau mày khó hiểu hỏi
- Bạch tôn sư con ngu muội không thấu sự việc. Xin tôn sư chỉ bảo.
Nhà sư chẳng đáp, ông chỉ thư thả rót thêm trà vào chung của Trịnh Tiệp, vừa rót vừa tủm tỉm cười đầy hàm ý.
- Thủ cấp ông Tú chẳng mất đi đâu cả. Chẳng qua là phép ám chỉ dành cho cừu nhân mà thôi.
Chẳng biết câu nói ấy liệu có động chạm chi đến tâm địa họ Trịnh hay không mà khiến gã kinh ngạc chẳng thốt nên lời.
- Bạch...bạch Đại đức, lẽ nào...lẽ nào ngài đã biết...biết hết rồi ư ?!
Nhà sư nhấp một ngụm trà ung dung nói.
- Lão sống hơn nửa đời, những thị phi nhơ uế chốn nhân gian ngõ hầu quán triệt tất thảy. Há không hiểu một chuyện cỏn con này.
Nguyên do dẫn đến cái chết oan uổng của toàn thể Triệu gia khởi nguồn từ một tên người hầu thân cận của Triệu Văn Tú. Khi đó gã vì say mê sắc hương kiều diễm của Diêu Tố Vân là ái thiếp mà họ Triệu hết mực chiều chuộng nên đã sinh sự dan díu. Hai kẻ gian phu dâm phụ lén lút tình tứ sau lưng Văn Tú cho đến cái ngày định mệnh ấy. Trưởng tử Triệu gia là Triệu Mạc phát giác cha mình bị bọn hạ nhân vụng trộm nơi phòng thất, bèn nửa đêm đi báo quan bắt quả tang một đôi tình nhân đang say sưa vui vẻ dưới mái đình sau nhà. Ông Triệu giận dữ vô cùng, phần giận con mình dại dột vạch áo cho thiên hạ xem lưng, phần vì gã họ Trịnh cả gan làm chuyện phong lưu bất phân tôn ty, dấy bẩn danh dự chủ nhân. Tuy nhiên vận hạn trớ trêu, quan phủ Hoài Dương lúc bấy giờ hiềm khích sâu nặng với Triệu Văn Tú nên phán gã kia trắng án, gã vì thù ông chủ khiến mình rơi vòng lao lý bèn viết cáo trạng tố giác Triệu Văn Tú cấu kết phản tặc mưu nổi quân làm phản. Quan phủ bắt giam ông Triệu rồi thì chẳng cần xét đến bằng cớ đã vội tuyên án tử hình trên dưới cả Triệu gia. Đến đây kẻ họ Trịnh ấy ẩn trốn đâu biệt tích, bỗng một hôm gã quay về Hoài Dương nghiễm nhiên trở thành chức sắc trong vùng gác giữ pháp trường, kẻ đó đích thị là Trịnh Tiệp, chẳng phải ai khác.
Gã ngồi trơ như tượng, đôi mắt kinh ngạc nhìn Thượng toạ Pháp Dung đang từ tốn uống trà. Gã không tài nào liệu trước được cã huyện chẳng ai biết lấy một phần mười chuyện gian phỉ mà gã đã làm lại có người ở tận nơi núi rừng nắm rõ tất thảy không sót một chi tiết. Pháp Dung đặt chung trà đã nguội lên án thư, miệng khẽ cười bảo.
- Đầu của Triệu Văn Tú lão đây biết thất lạc nơi nào, nhưng oán thù chất chứa của hàng trăm mạng người vô tội thì lão vô năng khả giải.
Liễu Tích Nguyên lúc này đã hiểu rõ sự tình, y đã hiểu oan khuất Triệu gia từ ai mà ra.
- Là mi chứ chẳng ai xa. - Tích Nguyên trỏ mặt Trịnh Tiệp lớn tiếng mắng khiến gã hổ thẹn bỏ chạy.
Tưởng chừng mọi sự đã rõ ngờ đâu cái rắc rối lại ập đến, năm ngày sau lần gặp Thượng toạ Pháp Dung người dân Hoài Dương lại được dịp huyên náo khi mà thủ cấp Triệu Văn Tú xuất hiiện trong nhà Trịnh Tiệp và gã thì không biết trốn đi đâu nữa. Nhưng có một điều sư Pháp Dung quả đoán rằng "họ Trịnh sẽ lãnh quả báo, chắc như đinh đóng cột Trịnh Tiệp khó thoát trái đắng do chính tay mình gieo trồng" Bẵng đi một thời gian khá lâu, người ta lại bắt gặp họ Trịnh trên phố trong bộ dạng kẻ hành khất đói khổ. Gã trở về Hoài Dương tự bao giờ và nom thê thảm lắm. Liễu Tích Nguyên thấy cảnh họ Trịnh tàn phế cũng mủi lòng, y thương tình mua vài chiếc bánh nướng mang đi biếu người bạn cũ nhưng khi vừa đặt chân đến mái chồi lụp xụp ấy thì y không khỏi bàng hoàng. Trịnh Tiệp đã chết, cái chết thật thống khổ, khuôn mặt gã lúc chết trắng bệch thất khiếu chảy máu không ngừng chẳng ai dám nhìn lâu. Ngay chiêu hôm ấy, Thượng toạ Pháp Dung xuống núi,,ngài gõ cửa từng nhà xin quyên góp làm tang ma cho kẻ đã chết kia. Hai tháng sau Liễu Tích Nguyên thôi việc gác pháp trường, y từ giã huyện Hoài Dương mang theo nỗi ám ảnh về một nơi đầy rẫy oan hồn dã quỷ này mà đi, vĩnh viễn không trở lại. Về phần cô gái đã chứng kiến toàn bộ cảnh tượng hành quyết cả nhà họ Triệu, nàng là vợ của Triệu Mạc, tên là Lý Thanh Nương, vốn đã hoài thai được bốn tháng, may mắn thoát chết. Cứ mỗi độ đến ngày giỗ phu quân nàng lại mang rượu cùng các thức hương đăng phẩm vật đến mộ chồng làm lễ tế vong cứ thế cuộc sống trôi qua bình dị. Mỗi ngày nàng dệt thêu đổi lấy tiền mà trang trải miếng cơm manh áo, nàng sống với chồng chung thuỷ một đạo, nhan sắc dẫu kiều diễm nhưng vẫn thủ tiết thờ người phu quân bạc mệnh. Ấy thế mà những cơn sóng gió tai ách vẫn chưa lắng xuống, ngày tháng tưởng chừng yên ổn hoá ra tiềm tàng vô vàn hiểm nạn. Người dân Hoài Dương lại một phen chứng kiến nhân quả ân oán tiếp nối nhau thành một vòng tròn cay nghiệt siết lấy gia đình họ Triệu vốn dĩ đã trở nên tang tốc đau thương.
Một thời gian sau...
Đêm hôm ấy đã qua canh hai, Lý Quan vẫn chưa ngủ chàng trở mình trằn trọc mãi thi thoảng lại buông tiếng thở dài nặng nề. Lúc này bên ngoài đêm đen tịch mịch bao trùm khắp huyện Hoài Dương những mái nhà san sát nhau yên ắng cửa nẻo đóng im lìm cài then kín kẽ. Trên phố huyện vắng vẻ tịch không một bóng người chỉ duy nhất có Trần Bảo Vinh đang thong dong điểm mõ đều đặng, tiếng mõ canh trong veo, văng vẳng như gõ vào quãng vô thanh. Nghe tiếng mõ bên ngoài đang đến gần, Lý Quan ngồi bật dậy, chàng chạy nhanh ra mở cửa thì vừa đúng lúc Trần Bảo Vinh đi tới.
- Sao rồi, ông Trần ? - Giọng Lý Quan khẽ gọi.
Lão Trần đảo mắt lắm lét nhìn quanh như kẻ trộm rồi nhỏ tiếng đáp.
- Chị gái anh sắp lâm bồn rồi, Triệu gia sẽ có người nối dõi mai sau !
Chàng mừng quýnh lên ba chân bốn cẳng chạy ngay đến cổng phía tây huyện thành, đến trước cửa một ngôi nhà nhỏ mà ngóng nghía nhìn vào bên trong.
- Làm trò gì đó ?! - Một binh sĩ tuần đêm quát.
Lý Quan giật mình, chàng ngoảnh lại cố tỏ vẻ bình thản.
- Dạ bẩm quân gia. Chị nhà con sắp sinh ạ ! Con lo quá nên chầu chực ở đây ạ.
Gã lính tuần nhíu mày, giơ cao lồng đèn soi thật kỹ rồi vui vẻ nói
- Thế tôi mừng cho nhà cậu ! Thôi không có chi, tôi đi đây.
Một canh giờ, hai canh giờ trôi qua, trời cũng đã tờ mờ sáng. Chờ mãi chưa nghe tiếng trẻ con khóc, Lý Quan lo sốt ruột, chàng đẩy hé cửa nhìn vào buồng sinh con thì trông thấy bà mụ đỡ đang ngồi thất thần như vô hồn. Xung quanh giường sản phụ giăng kín các bức màn che giúp sản phụ chắn gió độc từ bên ngoài. Lý Quan không nghe tiếng trẻ khóc, cũng chẳng nghe tiếng chị gái gào khóc lâm bồn nữa, bên trong tối như bưng lờ mờ chút ánh nến chập chờn. Bất giảc bụng Lý Quan quặng lên, chàng cảm thấy có điều gì đó bất thường lắm bèn rón rén bước vào nhà chậm rãi tiến đến buồng sinh nở, nhẹ tay vén bức màn lên thì than ôi ! Trên giường toàn những máu, chị gái Lý Quan đã bất tỉnh mê man còn hài nhi thì nằm bên cạnh song không có động tĩnh gì. Đánh bạo, chàng chạm vào hài nhi, làn da mịn màn lạnh lẽo của đứa trẻ khiến chàng sởn hết tóc gấy. Đứa trẻ, NÓ - ĐÃ - CHẾT - YỂU.
- Cháu tôi ! - Lý Quan gào lên bi phẫn, hai hàng lệ lăn dài trên gò má. Chàng lây lắc mụ đỡ, ánh mắt sắc máu giận dữ - Rốt cuộc là thế nào hử, bà làm việc kiểu chi, giờ cháu tôi, nó chết rồi !
Thế là số trời đã rõ, cả nhà họ Triệu chẳng ai được sống nữa dù là một sinh linh vừa chào đời thì nó cũng phải vội vàng vĩnh biệt dương gian. Sáng hôm sau Lý Quan lặng lẽ gọi các hữu hảo trong vùng làm hậu sự cho hài tử yểu mệnh của chị mình. Lý Thanh Nương đau xót khôn khuay, nàng khóc ngất đi, khóc đến độ đôi mắt tựa ngọc phách trước kia hút hồn biết bao lãng tử nay u ám phẫn uất nhìn vào có thể thấy cả biển lớn khổ đau. Đời nàng là vậy, lênh đênh bấp bênh, một thời kiều diễm vang dang mà lâm vào cảnh tan cửa nát nhà, trước mất phu quân sau tiễn con về cõi hoàng tuyền duyên phu thê đương nồng ấm bỗng nguội lạnh, duyên mẫu tử chớm nở vội tàn. Phải cuộc đời là muôn vạn sự tan hợp, là muôn vạn nghiệp duyên, duyên tan duyên hợp trăm năm ôm nỗi đau ly biệt nào ai thấu. Từ đấy, Thanh Nương chẳng nói chẳng rằng, tự giam mình trong căn nhà ảm đạm chịu sự quạnh dày vò tâm can ngày qua ngày, nơi ánh mắt ấy đã chất chứa tất cả sầu ai bi kịch chốn nhân gian phiền nhiễu này. Sau cái chết của Triệu An, giọt máu cuối cùng mà Triệu Mạc để lại cõi đời. Thanh Nương đau khổ cùng cực, nàng chẳng thiết ăn uống, chẳng buồn ra ngoài nhìn mặt ai nữa. Nàng hổ thẹn với Triệu gia, nàng tự trách mình mang tội với phu quân và hơn hết nàng thấy mình có lỗi với con trai. Đứa trẻ ấy, số mệnh của nó định sẵn không thể đón ánh bình minh ngày chào đời và bạc phúc như cha nó vậy. Lý Quan ngồi ngoài hiên nhà, trong lòng phẫn uất vô cùng, người trong thiên hạ phủ nhận cháu nó đã đành mà nay ngay cả ông trời cũng tàn nhẫn thu lại sự sống của một linh hồn nhỏ bé, vô tội. Lý Quan không tài nào chấp nhận cho được. Chàng ngẩng mặt nhìn trời, thét lên một tiếng sôi sục uất ức.
- Ông có thể giết người nhưng cớ sao lại là cháu tôi chứ ?!
- Nhân quả hiện hành khôn tránh. Ân oán trả vây tuần hoàn. Đấy là tạo hoá luân chuyển chẳng do vận trời định đoạt. - Bất chợt từ đâu vọng tới một giọng nói ôn tồn trầm bổng đáp lại Lý Quan.
Chàng đứng phắt dạy nhìn về phía góc phố nơi bày hàng trà nước của ông Diêu Thúc Cẩn có một nhà sư đang ngồi.
- Là ông vừa nói ư ? - Chàng lên tiếng
Nhà sư im lặng khẽ gật đầu.
Chàng lại hỏi
- Òng biết cháu tôi chết thế nào chăng ?
- Lão chẳng biết ! - Ông bình thản nói.
Lý Quan nổi giận mắng
- Tên già trọc miệng nói vu hoặc chẳng biết ta đây đang đau buồn ư ?!
Nhà sư từ từ đứng lên, ông tiến đến, buông tiếng thở dài não nề.
- Thọ yểu do nhân quả kết duyên, duyên trường nhờ thiện phúc, duyên đoản vì nghiệp ác trổ quả. Chẳng ông trời nào bất nhẫn giết hại con dân vả sức trời dẫu mạnh cũng chẳng dập tắt được lửa oán hận. Cháu của anh bị kẻ khác thù hằn mà hại chết !
Kinh ngạc, Lý Quan không ngờ nhà sư nom nghèo rách nhưng nói năng lại dễ thuyết phục nhân tâm. Chàng trân trọng hành lễ rồi nói.
- Thầy là bậc đắc thiên nhãn, hẳn sẽ thấy rõ cớ sự xin hãy chỉ bày cho con !
- Lão là Pháp Dung, trước gửi mình nơi rừng núi thanh vắng, vì nghe tiếng oán thán của chúng sinh nên tuỳ duyên phổ hoá. - Nhà sư nói.
Lý Quan nói
- Thế ra thầy là vị thánh nhân từng ra ân cứu lấy chị con đấy sao ? Hôm nay con gặp được thầy thực là phúc lành mà, xin thầy thể lòng từ bi của Phật mà độ chị con thoát cảnh đau khổ.
Trước đây khi quan binh xộc vào bắt trói già trẻ nam nữ nhà họ Triệu thì bỗng dưng trời nổi gió lớn phút chốc cát bụi vẩn lên mịt mù. Trong khoảng khắc hỗn loạn, người ta thấy trong làn gió bụi ẩn hiện một bóng người và rồi lúc gió lặng đám binh lính mơ mơ hồ hồ, chúng chẳng rõ chuyện gì xảy ra đoạn điểm lại số người bị bắt thì vắng mặt Lý Thanh Nương là phu nhân của Triệu Mạc. Sợ quan trên truy tội để thoát phạm nhân, cả đám binh lính viện cớ Thanh Nương tự tận nên đem mai táng dưới gò hoang. Lão huyện lệnh nghe thủ hạ báo lại chuyện của Thanh Nương thì cũng vững dạ tin thực chẳng tra xét chi nhiều. Ngày Triệu Văn Tú, Triệu Mạc bị điệu lên đoạn đầu đài, nàng đã khẩn cầu Pháp Dung cho mình được trông thấy phu quân lần cuối. Thượng toạ chỉ nhìn nàng bằng ánh mắt hiền từ mà nói :
- A di đà Phật. Sống chết là lẽ đương nhiên, ái tình khiến người si dại. Cô hà tất quyến luyến để chuốc lấy thương đau.
Nàng thống thiết nói
- Con xin thầy, ngàn lạy xin thầy cho con nhìn chàng lần cuối. Chỉ lần cuối này thôi, con lạy thầy, xin thầy giúp con toại nguyện.
Nàng dập đầu lạy, dập đầu đến chảy máu, nước mắt đầm đìa. Cứ thế huyết lệ hoà một màu chảy dài trên gương mặt đau khổ làm lay động Pháp Dung. Sư nói.
- Thôi được, con đi mau rồi về.
Thanh Nương bái biệt rồi nhanh chóng rời khỏi chùa Tịnh Nghiệp, nàng chạy đến pháp trường chen qua dòng người đông đúc nơi phố chợ. Nàng phải gặp phu quân, dù chỉ là lần cuối, dù sẽ đau đớn vì sinh tử cách ly. Nàng không màng những chuyện đó, trong lòng Thanh Nương giờ chỉ còn Triệu Mạc, người chống duyên nợ muôn kiếp.
"Năm năm hương tình nồng
Bỗng một ngày biệt ly
Thiếp ngặm ngùi tiễn vọng
Lòng quyết theo lang quân.
Mệnh này lưu luyến chi
Vì đâu mà sầu khổ
Cố nhân hoá mây gió
Giờ ngọ cùng quyên âm"
Bài thơ Thanh Nương để lại, người ta tìm thấy nàng trong cánh rừng ngoại thành về phía bắc huyện Hoài Dương. Nàng đã chết, chết cùng hài nhi của mình, nàng chọn cái chết vì tâm nguyện đoàn tụ với tiên quân. Âu đời nghiệt ngã nhưng tình người là thiên thu vượt mọi rào cản, Lý Thanh Nương và Triệu Mạc họ không còn trên thế gian dù đã chết song có lẽ gia đình ấy giờ đang hưởng niềm vui xum vầy.
Thời gian sau, đêm đêm tại ngôi miếu hoang ngoại thành người ta vẫn thường nghe thấy một giọng nói kỳ lạ. Giọng nói có vẻ là của một cô gái nào đó vọng về lúc thì du dương trầm bổng, khi lại ai oán thống thiết.
"Năm năm hương tình nồng
Bỗng một ngày biệt ly
Thiếp ngặm ngùi tiễn vọng
Lòng quyết theo lang quân.
Mệnh này lưu luyến chi
Vì đâu mà sầu khổ
Cố nhân hoá mây gió
Giờ ngọ cùng quyên âm"
Chẳng ai dám bén mãn đến miếu nữa dù bao lâu nay dân tiều hay tụ tập chè chén ở đấy và nay thì nó quạnh quẽ đìu hiu. Người huyện đoán chú đoán anh rằng vong hồn của Lý Thanh Nương trở về từ cõi âm, nàng vì khiếu oan cho phu quân quá cố, đòi lẽ công bằng thay đứa con yểu mệnh mà hiện hồn nhiễu loạn sinh dân.
Tại một khu rừng hoang vắng khi ấy.
Đêm về, lạnh lẽo và cô liêu, trong am nhỏ chập chờn ánh nến sắp tàn Thiền sư Đạo Vân đang tịnh tâm toạ thiền, nơi cửa am trông ra xa là cả một khoảng đen rộng lớn, cảnh vật yên ắng. Một bóng trắng đứng tựa mình bên cửa, nó chỉ đứng đấy chẳng nói chẳng rằng, nhìn chòng chọc vị thiền sư bằng đôi mắt đầy oán hận.
Đạo Vân thiền sư cất tiếng :
- Tôi biết cô mất chồng mất con, nỗi hận chất nặng như chín ngọn Thái Sơn. Thế nhưng tạo hoá có nhân quả, trời cao tự có luật thiện ác nên hãy ngừng cố chấp để đầu thai đi.
Bóng trắng phất tay đáp, giọng nói nặng nề chất chứa muôn vàn cay đắng :
- Luật trời ở đâu, nhân quả ở đâu ? Tôi hỏi ông, tại sao đến nay kẻ thủ ác vẫn tiêu diêu pháp ngoại, không những thế hắn còn yểm mộ khiến tôi chẳng thể siêu sinh !
Thiền sư đứng dậy, ông hướng về tượng Phật rồi chấp tay lạy ba lạy, hành lễ xong ông quay sang bóng trắng, ôn tồn nói :
- Thanh Nương à ! Cô chấp vào thù hận nên linh hồn mãi lang thang trên dương thế. Ấy là nhiễu loạn cả người lẫn mình hà cớ khổ nhọc như thế ! Cô có biết, Diêm vương hiện đã kết sổ tội trạng của cô, sắp cử Quan Minh ty đến truy tróc cô rồi.
Bóng trắng ấy đích thị là Lý Thanh Nương, nàng bấy lâu vẫn còn quyến luyến cõi trần, trong lòng luôn ấp ủ báo thù nên mãi lang thang tìm cừu nhân năm xưa để mà phục hận. Vì phu quân, vì hài nhi chết quá oan khuất khiến nàng không tài nào từ bỏ oán niệm rắp tâm đến cùng hòng giành lại công bằng.
Thiền sư nhìn linh hồn mờ ảo của Thanh Nương dưới ánh trăng, ông từ tốn nói :
- Ta khuyên cô "Buông xả tất thanh thản, cố giữ ắt nặng lòng" Hãy về đầu thai cho mau, ta sẽ độ vong giúp cô.
Nàng lắc đầu cự tuyệt hiển nhiên không đành lòng buông bỏ :
- Không cần ông thương hại ! Tôi sẽ tự mình tìm tên quan huyện ấy. Hắn sẽ phải trả giá, phải chết thật thê thảm.
Nói rồi một cơn gió thổi qua, trong tiếng gió vi vu rộ lên tiếng cười man dại văng vẳng khắp cánh rừng. Thiền sư Đạo Vân nhìn ra cửa thì chẳng còn thấy Lý Thanh Nương ở đấy, nàng đã đi mất mang theo lòng hận thù cố chấp. Đạo Vân khẽ thở dài, miệng lẩm nhẩm niệm :
- A Di Đà Phật ! Tội chướng thay !
HẾT !
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro