Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2: Đoạn 1

'Trong mọi cuộc chiến tranh đều luôn có thương vong, ít hoặc nhiều, và điều này chỉ được các chiến lược gia chấp nhận trong một phạm vi định trước nhằm đạt được mục tiêu đặt ra trước cuộc chiến. Lợi ích có thể chia đều hoặc không đều giữa quý tộc và thường dân, nhưng thiệt hại thì thường dân là đối tượng phải hứng chịu nhiều nhất...

...Thiệt hại nhân mạng để lại hậu quả rất lớn trong nền kinh tế của các vương quốc. Có thể tính bắt đầu từ sự kiện Mỏ Sa Mạc, sau đó là chiến tranh Bảy Vương Quốc, cho tới đỉnh điểm là trận Cổng Vàng. Tỉ lệ nam giới trong cơ cấu dân số giảm sút tụt dốc, trong khi đó tỉ lệ trẻ mồ côi nạn nhân chiến tranh gia tăng, điều này tạo gánh nặng cho bất kỳ vương quốc nào. Nhân giới què quặt do mải đánh lẫn nhau, chưa kịp đi tới một hiệp ước đình chiến tạm thời, chứ đừng mơ đến hiệp ước hòa giải, thì đã phải chống đỡ tiếp quân đoàn quỷ xâm lăng từ Quỷ Môn Quan.

Lúc đó Ramses, ngôi sao chính trị đang lên xuất thân từ giới quân phiệt, xuất hiện với ý tưởng thu nạp toàn bộ trẻ mồ côi vào biên chế quân đội, để quân đội nuôi dưỡng, đào tạo, huấn luyện để trở thành lực lượng chính quy của nhà vua. Một chiến binh được đào tạo từ lúc còn bé hiển nhiên sẽ dũng mãnh và thiện chiến hơn một anh nông dân bị lệnh cưỡng bức tòng quân. Những đứa trẻ với cái đầu non nớt, trong sáng như một tờ giấy trắng sẽ dễ dàng tiếp nhận những tư tưởng thù hận và tư tưởng phe phái mà quân đội tiêm nhiễm cho chúng, mà họ gọi những cái đó bằng cách gọi mỹ miều là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Để rồi sau đó họ, tướng lĩnh, sẽ có được sự trung thành không nghi ngờ của thế hệ quân sĩ tương lai.

Không thể không nhắc tới chương trình "cưỡng bức lao động" để bù đắp khoản trống nguồn lực lao động, điều hay ho hơn nữa là bọn trẻ chưa nắm được khái niệm "lương bổng".

Ý tưởng này giúp Ramses giải quyết hai vấn đề kinh tế và quân sự nan giải, bất chấp sự chỉ trích về mặt đạo đức của một phần nhỏ là dư luận, phần lớn là từ các đại thần trung thành với Leonin. Họ nghi ngờ lòng trung thành của thế hệ quân sĩ mới, là dành cho nhà vua hay cho giới quân phiệt.

-Heh'ran ký trình-'

Chương 2

Tarbas, Năm Leonin thứ XXX

Denfort sau hai mươi năm thất thủ, giờ trở thành một thành trì bị bỏ hoang và đã rậm cỏ dại. Lúc đêm tối nơi đó nom như là một cõi hoang vu im lặng của người chết. Người ta lo sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại nên tuyệt nhiên không một ai dám có ý nghĩ sẽ tiếp tục dung thân ở đó.

Cái tin Denfort thất thủ cứ như lan truyền ra khắp nơi theo con gió lơ đãng. Thời điểm đó, người ta chứng kiến làn sóng Đông Tiến lần thứ hai, lượng người di cư phải đến mười vạn dân. Người ta lũ lượt rời bỏ các thôn làng, thị trấn, dám bỏ lại sau lưng tài sản, đất đai, ruộng đồng và cả hoa màu sắp tới ngày đơm bông trổ lúa. Tất cả là vì nỗi lo sợ biết đâu đêm nay lũ quỷ sẽ mò đen. Họ ùn ùn kéo đi bất chấp sự ngăn cấm của quân đội. Họ chỉ trích quân đội đã ở đâu khi dân chúng đang bị đe dọa. Họ chất vấn quân đội liệu có thể làm gì để ngăn chặn lũ quỷ.

"Hổ còn thua thì mèo sẽ đỡ sao cho được?" – Một người dân tay xách nách mang, đùm đề lỉnh kỉnh linh tinh các thứ cho hay.

Các vị vua thần Tarbas lo sợ rằng đất đai ở miền Đông Đại Lục sẽ phải quá tải. Nếu như có xảy ra làn sóng di cư lần thứ ba thì sợ rằng chính các vương quốc sẽ lại lục đục với nhau về vấn đề lãnh thổ.

~~~~~~

'Hãy cùng có một cái nhìn mường tượng về thế giới Đại Lục. Đó là một vùng đất rộng lớn và bằng phẳng, có diện tích hơn một triệu hai mươi lăm vạn cây vuông, là khắp thế giới của mười một triệu con người. Cái thế giới của họ có dạng nom như một cái hình lục giác. Chỉ là nom nom thôi.

Phương Đông của Đại Lục là thế giới của sỏi đá gập ghềnh và bạt ngàn đồng cỏ, trải dài mãi cho tới khi chạm phải Biển Đông (East Sea) rộng lớn. Là thế giới của mù sương và những trận mưa nặng hạt kéo dài suốt nửa năm.

Phương Tây là thế giới của rừng rậm và đầm lầy, nơi con sông Bắc Sơn chảy qua và sau đó phân nhánh thành các con sông nhỏ, rồi thành các con suối nhỏ, tạo thành một mạng lưới sông ngòi dày đặc mang tới sắc màu tươi tốt trải trộng khắp. Sắc xanh tươi đó bị chặn lại bởi dãy nũi Cực Tây dựng đứng và trơ đá.

Phương Bắc là thế giới của giá lạnh, bị chặn lại bởi dãy núi Bắc Liên Sơn (North Ridge) sừng sững trập trùng. Chưa từng có một ai dám liều lĩnh trèo qua dãy núi để thử sức một chuyến phiêu lưu trắc trở hòng khám phá ra một miền đất mới.

Phương Nam là thế giới của nóng bức, khô hạn và đất đai cằn cỗi. Nơi tận cùng của vùng đất là biển Nam ấm áp, được các vị thần phú cho nguồn thủy sản dồi dào và sản vật biển quý giá hiếm có.

Ở Đại Lục, tổ tiên xa xưa của loài người đã trải qua thời kì ngàn năm xung đột các bộ lạc và mười bảy Tiền Vương để thống nhất thành một vương quốc duy nhất, mở ra thời đại của Huyền Vương. Vương quốc thống nhất tồn tại được tám trăm năm và qua mười ba đời Huyền Vương thì tan rã, chia thành bảy vương quốc. Tại thời điểm trước khi xảy ra sự kiện Sa Mạc, bảy vương quốc và các vua là:

- Phía Đông: xứ Aldanine của vua Mefatos.

- Phía Đông-Bắc: xứ Gadolin của vua Astan.

- Phía Tây-Bắc: xứ Telnum của vua Ranus.

- Phía Tây: xứ Gardin của vua Lierthan.

- Phía Tây-Nam: xứ Halatan của vua Din.

- Phía Đông-Nam: xứ Eshulu của vua Malikeli.

- Và ở trung tâm là xứ Tarbas của vua Constantan.

Tarbas là vương quốc giàu có và hùng mạnh nhất, có hơn hai triệu hai mươi vạn dân và sáu vạn quân thường trực. Trong chiến tranh tổng lực, vua Constantan có thể huy động tới hơn mười một vạn lính.

Các vương quốc còn lại có dân số đồng đều nhau, khoảng chừng hơn một triệu bốn mươi vạn dân. Lực lượng lính thường trực cũng đồng đều chừng hai vạn lính.

~~~~~~

Làn sóng di cư lần thứ nhất (hay sự kiện Đông Tiến lần thứ nhất) diễn ra ngay sau khi hai vương quốc Halatan (phía Tây-Nam) và vương quốc Gardin (phía Tây) sụp đổ trước các đợt tiến công xâm lăng của quân đoàn quỷ. Khi đó lượng người di cư là con số khổng lồ, sáu mươi vạn! Trên tổng số hai triệu chín mươi vạn dân của cả hai vương quốc!

Người di cư đem theo mình một thứ bệnh dịch - đó là nỗi kinh hoàng và những câu chuyện ghê rợn về sự chết chóc - tới những vùng đất khách xứ người. Cư dân bản địa hiền hoà rộng bụng, dễ chứa chấp dễ tin, để rồi bị lây nhiễm và hóa thành con bệnh hoang mang lo sợ, phải hòa mình vào đoàn người đi tìm kiếm phương thuốc sống. Rồi cứ thế xuất hiện một đội quân bất vũ trang ùn ùn kéo đi, tựa như một thứ thiên tai đại họa như trận tuyết lở rặng núi Bắc Sơn đổ ầm (North Ridge) hay cơn lũ con sông Đại Phù dâng trào (Major Alluvia), càng quét và cuốn phang tất cả, biến những vùng đất nhộn nhịp sự sống trở thành nơi hoang vu tĩnh lặng chỉ trong ngày và đêm. Những câu chuyện kể ghê rợn về một giống loài hung ác, tàn bạo, xuất hiện từ trong bóng tối phía Tây mỗi khi trời vừa tắt nắng cứ thế lan truyền đi khắp thế gian, và đến tai các vị vua. Giống loài đó được gọi là quỷ. Quỷ dữ.

"Chúng gieo rắc nỗi kinh hoàng và chết chóc. Chúng giết người chẳng ghê tay, mà lại còn xem đó như là một niềm vui thú bệnh hoạn. Chúng xé xác trẻ con, moi ruột phụ nữ, lóc thịt đàn ông. Chúng tận hưởng niềm vui khoái lạc khi được uống máu tanh, nuốt thịt sống như rằng trên đời không gì có thể thỏa mãn chúng hơn."

Khoảng bốn mươi vạn dân miền Tây và Tây Nam Tarbas đã di hành cùng với đoàn người, đó là con số mà ta ước chừng.

Trước sự việc kỳ lạ, vua Constantan đã gửi một lời đề nghị tới bốn vị vua còn lại về việc tạm gác qua một bên mâu thuẫn quốc gia, và hãy cùng ngồi lại xem xét vấn đề, tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với Gardin và Halatan. Nhưng trước hết, vua Constantan cấm đoàn người di tản không được định cư trên vương quốc của ông, nhưng cũng chẳng chặn đường họ. Thế là đoàn người tiếp tục tiến xa hơn về phía Đông, tiến về xứ Aldanine của vua Mefatos và Gadolin của vua Astan.

Khi đó trong cuộc họp bàn tròn, vua Mefatos và vua Astan đã chỉ trích, đổ lỗi vua Constantan về việc không tiếp nhận đoàn người di cư, để họ gây náo loạn khắp nơi. Hiển nhiên là Constantan rất phẫn nộ, vì họ phần lớn không phải là dân Tarbas! Việc chấp nhận họ cũng chẳng dễ dàng gì, đó còn hơn cả một gánh nặng xã hội. Bởi phần đông trong số họ là người già, phụ nữ và trẻ con. Nếu có trai trẻ thì đa phần là bệnh tật, ốm yếu. Đám trai tráng sức vóc đều bị các vị vua bắt lính phục vụ cho chiến tranh hậu Sa Mạc hết rồi còn đâu!

Bất cứ ai trong số các vị vua đều có cái cớ "chính đáng" của riêng mình. Riêng vua Mefatos của Aldanine và vua Astan của Gadolin là hai người cảm thấy phiền phức và bức xúc nhất trước làn sóng tị nạn. Đơn giản vì người tị nạn có xu hướng thích miền Đông hơn, dù gì khí hậu đất đai ở đó vẫn dễ chịu hơn các vùng còn lại.

Ngoài ra, hai vị vua lo ngại những người tị nạn lang thang sẽ định cư bừa bãi ngay trên đường biên giới, về sau này sẽ gây nhập nhằng cho việc phân định lãnh thổ. Vì thế ngay từ ban đầu hai vị vua đều rất kiên quyết với Tarbas trong vấn đề chấp nhận nhập cư, một phần nữa là vì mâu thuẫn giữa bọn họ thời chiến tranh hậu Sa Mạc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Những người dân nhập cư muốn được chấp nhận ở Aldanine hoặc Gadolin thì buộc phải tuyên thệ trung thành với vị vua mới của họ.

Vậy là sau làn sóng di cư thứ nhất, miền Đông Tarbas phải nói là chật ních người. Đó là sau khi năm vị vua cùng ngồi lại với nhau thỏa thuận và bàn bạc về việc cùng nhau tiếp nhận số người di cư.

Cuộc họp bàn ngày hôm sau, bọn quỷ là chủ đề mà năm vị vua đem ra mổ xẻ.

~~~~~~

Vùng biên phía Đông của Đại Lục là Đông Hải. Nước ở đây là nước ngọt, nhưng dân Aldanine phải đặt tên vùng nước đó như thế là vì nó mênh mông như là đại dương phía Nam. Bờ Biển Đông kéo dài lên phía Bắc thì giao nhau với dãy núi Bắc Sơn, còn kéo dài xuống phương Nam thì bị chặn ngang lại bởi dãy núi Philins sừng sững, rồi sau đó từ phía sau của dãy núi là nhiều con sông nhỏ đổ ra biển Nam. Còn xét bề rộng của nó thì tưởng chừng như mênh mông vô cùng tận, đến nỗi họ nghĩ chỉ có biển mới rộng được như thế. Vùng nước này quanh năm luôn có sương, càng xa bờ thì sương càng dày đặc, khiến cho người tinh mắt nhất cũng chẳng thế thấy được gì cách xa bờ quá năm trăm bước.

Nhiều lần vua Mefatos đã cử các đoàn thuyền thám hiểm để làm cho rõ liệu Biển Đông rộng chừng nào và phía bên kia của vùng nước này có gì. Tuy nhiên chưa từng có một chiếc thuyền nào trở về. Nỗi sợ lẫn thói tò mò đã khiến cho người ta thêu dệt nên những truyền thuyết về lũ thủy quái khổng lồ hung bạo ở vùng nước xa Đông Hải luôn chờ chực để nuốt chửng cả một chiến thuyền lớn cùng hàng trăm món ăn tươi sống (mặc dù Aldanine rất ít hải quân, mối quan hệ giữa Aldanine và Gadolin không xấu tới mức phải dùng hải chiến).

Nếu thuyền có men theo bờ lên phương Bắc thì cũng chỉ phải dừng lại tại chân núi Bắc Liên Sơn. Nhiều con thuyền liều lĩnh tiến xa hơn thì kết cục là bị những con sóng hiểm ác bí ẩn đánh tấp đâm sầm vào ghềnh đá lởm chởm ven bờ rồi vỡ tan tành thành từng mảnh. Nếu thuyền có men theo dãy Philins thì cũng chỉ có kết cục tương tự, nhưng thay vì bị sóng đánh thì thuyền sẽ những con nước có dòng chảy siết thất thường cuốn đâm vào đá ngầm.

Biên phía Nam của Đại Lục là biển Nam Hải. Cũng như Đông Hải, bờ biển Nam Hải bị chặn lại bởi dãy Cực Tây và dãy Philins. Và ở những nơi giao nhau đó cũng luôn có những con sóng bí hiểm và con nước siết dị thường, luôn tìm cách đánh chìm những con tàu khám phá miền đất mới lớn nhất, và dìm chết những thủy thủ có máu phiêu can trường nhất.

Còn nếu ra xa hơn về vùng biển sâu phía Nam, người ta đồn đại rằng lũ rồng biển Nam Hải còn ghê sợ hơn lũ thủy quái Đông Hải. Mỗi khi nó xuất hiện là mỗi lần giông tố u ám nổi lên, sóng biển cuồn cuộn trồi cao hơn cả một quả núi rồi chợt đổ ầm xuống nhấn chìm chiến thuyền nhỏ bé. Nó cũng chẳng thèm thịt người làm gì, chỉ là họ xui xẻo mới đi vô tình bị gió cuốn sóng đẩy vào đường đi của nó mà thôi. Nhìn vậy, vùng biển nông Nam Hải vẫn giàu tài nguyên sức sống, nhưng người ta không thể sống ổn nếu chỉ có cá với muối.

Biên phía Bắc của Đại Lục là dãy Bắc Liên Sơn quanh năm phủ tuyết trắng. Dốc núi dựng đứng như muốn đâm thẳng lên trời và thế núi cheo leo hiểm trở, trập trùng núi sau nối tiếp núi trước. Dãy núi chạy dài từ bờ biển Đông cho tới tận dãy cực Tây, tựa như một bức Vạn Lý Trường Thành khổng lồ phân cách hai thế giới, như lưỡi dao cắt đôi bầu trời. Người ta đồn đại rằng sống ngay trên kia sống núi là tộc người tuyết khổng lồ, người rậm lông trắng muốt như lũ trâu tuyết, thân cao lớn hơn cả một căn nhà, hét to như núi lở và hung ác thèm thuồng thịt người chẳng kém gì lũ quỷ đen cả.

Nói cách khác, Đại Lục là một thế giới rộng lớn tù túng. Cuộc sống sẽ còn thoải mái khi đất còn rộng và người còn thưa. Nhưng đất thì chẳng thể rộng mãi và người sẽ còn sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống. Đây là cái cớ "chính đáng" của các vị vua.

~~~~~~

Khi đoàn người vẫn ùn ùn kéo đi như đàn hươu sa mạc di cư tìm cỏ xanh nước mát, Constantan đã phái quân lính đi về hướng Tây để điều tra thực hư về lũ quỷ đen hung ác từ tận cùng phương Tây. Những người lính phi ngựa về hướng Tây, vượt qua biên giới và tiến vào trong lãnh thổ Gardin. Họ chẳng tìm thấy một dấu hiệu gì về sự tồn tại của quỷ cả, ngoài đống đổ nát và hoang tàn. Những nơi trước kia từng là làng trấn nhộn nhịp, đông người qua lại giờ đã trở thành một cõi hoang vu u ám. Nhà cửa bị thiêu rụi. Vách tường, nền đất vẫn còn bám vết máu khô. Của quý châu báu thì bị cướp sạch, kể cả cái chảo đồng nồi sắt cũng biến mất. Khắp nơi nặng mùi chết chóc, xương xám chất cao thành đống, của người lẫn cả thú vật, nhưng chẳng thấy một thi thể nào. Lúc họ trở về thì trời vẫn còn nắng.

Có toán lính quyết định dựng trại lại qua đêm, định sáng mai sẽ tiến sâu hơn về hướng Tây. Sau đêm đó thì chẳng thấy lại bóng dáng họ nữa.

Constantan bèn phái cả một quân đoàn năm ngàn lính, quyết tâm điều tra cho rõ gốc gác của lũ quỷ. Nhà vua tin rằng câu trả lời phải nằm ở đâu đó sâu trong nơi rừng thiêng nước độc Tây Gardin. Đêm đó đoàn quân của ông ta dựng trại gần kinh thành Gardin. Sáng hôm sau cả quân đoàn biến mất như chưa hề có chuyện họ đến đây. Cả người lẫn ngựa! Tin đến tai vua Constantan như là sét đánh. Hằng đêm ông ta cứ mơ thấy ác mộng, ông mơ thấy một làn khói đen hắc ám sặc mùi tử khí từ sâu trong những cánh rừng âm u ma ám phương Tây bay tới phủ trùm lấy cả vương quốc Tarbas. Và khi làn khói quỷ ám tan biến lúc nắng lên, cả vương quốc biến mất ngay trước mắt nhà vua.

Một tháng sau đó, cơn ác mộng của vua Constantan dần trở thành sự thật. Từ phương xa nơi biên thùy, nhiều quân đồn biên phòng chợt nhiên mất liên lạc với sở chỉ huy. Hàng ngàn lính biến mất. Dân làng trấn gần đó sợ hãi mà bỏ nhà bỏ ruộng chạy hết. Có người đi thật xa tìm đến họ hàng ở phía Đông, có người thì đến xin được trú thân ở các thành trì gần đó.

Một tuần sau, thành trì lớn nhất ở miền Tây Tarbas là Mearodon bị quỷ tấn công. Nội thành Mearodon có hơn mười hai ngàn dân và tổng quân lực ba ngàn hai trăm lính. Lũ quỷ kéo tới vây kín thành ngay cái lúc người dân đang ngồi quây quần bên bữa ăn tối. Những người lính dũng cảm của Mearodon đã không thể cầm cự được cho tới lúc bình minh.

Cái tin Mearodon thất thủ lan truyền nhanh như con gió. Nhiều thành trì, quân đồn liên tục thất thủ sau đó, kể cả khi đã được nhà vua cho gửi quân chi viện. Lũ quỷ hành quân như cơn lũ tức nước tràn đê, xuất hiện và biến mất nhanh như cơn giông tố âm u và tàn phá như một trận bão lốc cuồng nộ. Chẳng bao lâu thì chúng đã xuất hiện dưới chân thành Tarbas.

Lúc đó trong thành chỉ còn hai vạn quân, vua Constantan liền gửi thư cầu cứu tới các vị vua kia. Nhưng ông e rằng kinh thành sẽ chẳng trụ được lâu trước sức mạnh vũ bão của quỷ. Thế nhưng kinh thành vẫn trụ vững được nhiều đêm như một phép màu thần kỳ. Đó không phải là phép màu. Đó là bởi vì kinh thành Tarbas là một thành trì kiên cố, bảo vệ bởi tới hai lớp tường dày. Và bởi Ramses, một vị tướng trẻ kiệt xuất đã đứng ra chỉ huy quân sĩ, điều binh khiển tướng. Bất chấp những lời dị nghị về tuổi tác, Ramses đã thể hiện tài năng như mà một thiên tài quân sự. Quân sĩ dưới trướng ông đã đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của quỷ trong nhiều đêm.

Ramses là phó tướng dưới trướng của Thống Chế Bình Tây, tướng Dwusniw. Tướng Dwusniw đã tử trận ngay trong đêm đầu tiên Tarbas giao chiến với quỷ. Ramses liền thay ông ta điều lệnh quân sĩ và đã đẩy lùi được bọn quỷ. Vua Constantan hết mực tín nhiệm Ramses, liền phong Ramses làm Thống Chế Tối Cao, đứng đầu ba quân.

Trong cái đêm quyết định, lũ quỷ đã tập trung một lực lượng đông nhất, đến nỗi mặt đất như rung lên theo mỗi nhịp bước hành quân của chúng. Ramses tin rằng, như vậy thì chẳng dưới hai mươi vạn! Vua Constantan lúc này xuất hiện với bộ giáp vàng sáng bóng, nhưng sự xuất hiện của nhà vua thực ra chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà thôi.

Bốn vị vua dẫn đoàn viện quân tổng hơn mười vạn quân cũng đã tới kịp lúc tham chiến. Dường như các vị vua đã huy động lực lượng hùng mạnh nhất của mỗi vương quốc. Họ ý thức được rằng, nếu Tarbas thất thủ thì chẳng còn gì trên đời có thể chặn được bước tiến của đoàn quân quỷ cả, Đại Lục sẽ bị diệt vong.

Từ những nôi xa xôi từ miền Đông, Nam, Bắc Tarbas, một lực lượng hơn sáu vạn lính được huy động từ thường dân cũng đã kịp tham gia vào đoàn quân của nhà vua Constantan.

Trận đánh đó chính là trận quyết định sự tồn tại của con người ở trên cõi Đại Lục, ngày nay họ gọi đó là Trận Cổng Vàng. Trong năm cổng lớn ở bờ Tây thành Tarbas, có một cổng lớn nhất ở giữa. Trên vòm cổng được dát những lá vàng mỏng, ý nghĩa rằng sự giàu có thịnh vượng của Tarbas là tới từ hướng Tây. Cánh cổng đó có tên là Cổng Vàng.

Hai bên dàn quân đối đầu nhau dưới chân thành, hừng hực và khí thế. Lũ quỷ ồ ạt xông lên tấn công trước. Liên quân các vua tuy đông và dũng mãnh, nhưng họ chiến đấu rời rạc, không theo ý lệnh thống nhất. Tệ nhất là chẳng vị vua nào lại muốn nghe lệnh từ người đồng cấp cả. Đó là cả một thảm họa đoàn kết. Liên quân chẳng mấy chốc thì bị đánh cho tan tác, đến nỗi các vị vua phải mạnh ai nấy chạy.

Còn sáu vạn lính dân quân Tarbas chẳng khá gì hơn. Thường ngày họ chỉ là một đám nông dân chân lấm tay bùn, thợ thuyền tay búa tay dùi, thế nên ra trận thì tay chân lóng ngóng vụng về, thần kinh yếu kém, sĩ khí bốc hơi, vỡ trận bỏ chạy như chạy lũ.

Liên quân phải chạy ngược trở lại vào trong thành. Bọn quỷ thừa thắng xông lên. Với số đông áp đảo, chúng phá sập Cổng Vàng mà chẳng mấy khó khăn rồi liền ồ ạt tràn vào trong thành. Ramses tài phép tới mấy cũng chẳng thể cầm chân được chúng. Trong lúc giao tranh hỗn loạn, vua Constantan bị chúng giết chết, biểu tượng (embodiment) quyền năng của Tarbas đã gục đổ và ý chí quân sĩ như tan biến thành khói bụi.

Ngay lúc đó, từ trên trời cao các vị thánh có cánh lao xuống và đánh bay lũ quỷ, giải cứu liên quân khỏi thảm họa diệt vong. Sau đó, liên quân người cùng đi theo các vị thánh truy đuổi bọn quỷ tới tận nơi xa xăm nhất của phía Tây Đại Lục, dãy núi Cực Tây. Họ phát hiện dưới chân dãy núi có một hang động lớn, đó là nơi bọn quỷ chui ra. Họ gọi đó là Quỷ Môn Quan. Liên quân người và thần tiến vào hang để quyết tận diệt giống loài quỷ dữ. Trận giao tranh xảy ra sau đó được gọi là Trận Quỷ Môn Quan.

~~~~~~

Đó là cả một trận thảm bại.

-Musache ký trình-'

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro