Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

nghĩa địa mã kết

Truyện Ma-Tâm linh

Nghĩa địa mả kếtCập nhật ngày: 04/09/2008, 12:53 GMT+7.

Những câu chuyện thoạt nghe rùng rợn từ một nghĩa địa làng mà dường như không thể tìm được lời giải thích. Người ta gọi đó là nghĩa trang mả kết bởi ở đó có mấy mươi cái xác, nằm dưới đất lạnh đã lâu nhưng không rã được xương thịt...

Nghĩa địa Đồng Hang

Câu chuyện của người đào mộ

Nghĩa địa Đồng Hang (thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), một ngày cuối thu vắng vẻ, hiu quạnh. Đã sớm nghe những câu chuyện rùng rợn về khu nghĩa trang này, giờ nghe tiếng muối vo ve bên tai, chúng tôi cũng cảm thấy sống lưng lành lạnh.

Hơn ba chục ngôi mụ nằm lúp xúp trong đám cỏ vàng ệch, xung quanh là những đống rác lớn nhỏ từ những nhà dân xung quanh. Không khí bốc lên một thứ mùi ngai ngái, rất lạ. Người dân nơi đây bảo, đó là mùi xác bốc hơi. Họ đang râm ran nói về những cái xác còn nguyên vẹn sau nhiều năm chôn dưới đất. Lạ kỳ hơn, có cái xác vẫn còn nguyên tay chân, có cái chỉ tiêu được nửa người trên,...

Mong muốn tìm được câu trả lời cho những điều khó hiểu này, chúng tôi tìm về nhà một người phu đào mộ - ông Lê Văn Mật.

Ngôi nhà của ông Mật nằm thu mình buồn bã cạnh cánh đồng Minh Đức. Ngồi xuống chiếc ghế nhựa nằm chỏng chơ cạnh bộ bàn ghế gỗ giả cổ, tôi lặng lẽ ngắm ông Mật. Đúng là một người đàn ông đào mộ điển hình như tôi vẫn thường mượng tượng: gương mặt đen sắt lại, hai khóe miệng hằn sâu hai bên như kéo cả khuôn mặt chùng xuống. Chỉ duy có nụ cười chắc nịnh nhắc tôi rằng "sự nhiệt tình và can trường đang tồn tại song hành nơi con người này".

Thấy tôi chăm chú quan sát, lão đào mộ cười: "Có gì lạ đâu, không có việc làm thì quay sang làm cái nghề "lấy tiền người chết nuôi người sống" chứ sao". Được mở màn, tôi bắt đầu vào đề câu chuyện:

- Ông đã làm nghề này lâu chưa?

- Cũng được gần 20 năm rồi, cả cái nghĩa địa này, đến phân nửa là do tôi cải mả chứ ai.

- Vậy chắc ông là người rõ hơn ai hết chuyện những cái xác hàng chục năm chưa rã thịt?

Im lặng, tợp một ngụm nước trà đặc quánh, lão già chậm rãi kể lại câu chuyện cách đây gần chục năm:

- Năm nào ít thì vài ba trường hợp, nhiều thì 5, 6 trường hợp, mặc dù đây chỉ là nghĩa địa của làng. Trường hợp đầu tiên mà tôi chứng kiến là của ông T. Chuyện ông già này lạ lắm, những người trước tôi từ trước đã truyền tụng chuyện ông. Đời thuở nhà ai quy tiên từ năm 1972 mà cải mả mấy lần không được, lần nào xác cũng còn nguyên. Tôi cũng lung lắm, sợ rằng đào lên vẫn xanh như thế thì mình vừa mất công mà lại thấy tội cho gia đình họ.

Cuối cùng, suy đi tính lại, tôi nhận lời. Hôm đó trời mưa tầm tã như có ai nghiêng cái ghè mà trút, cả đoàn người bì bõm lội trong mưa và đêm tối. Đến mả, cả toán hồi hộp bắt tay vào việc. Chỉ chừng mươi phút bới đất, nắp quan tài hiện ra trong vũng nước nhão nhoét. Bởi được mai táng bằng gỗ tốt nên nắp hòm khá nặng, hai kẻ đàn ông lực lưỡng còng lưng bẩy mà nó vẫn không nhúc nhích, phải thêm hai người nữa...

Tôi cố định thần nhìn vào quan tài. Cái xác vẫn cứ trương lên như một hình nộm bằng cao su. Tuy đã bịt mũi bốn lần khăn, ruột gan tôi vẫn như bị ai thò tay vào mà vặn, mà xoắn. Sự khủng khiếp đến quá sức tưởng tượng. Sau một hồi bàn bạc, suy tính cả gia đình thống nhất lấp đi vĩnh viễn.

Theo người phu đào mộ này, ở đây có một quy định bất thành văn: nhà nào cần bốc mộ cũng phải chuẩn bị sẵn hai con dao thật sắc để lóc thịt người đã khuất vì hầu cái xác chỉ mới tiêu được một phần. Chính vì thế, ở đây thường để 4 năm mới bốc, thay vì 3 năm như thông lệ chung của người Việt.

Ông Hồng ở khu Quyết Thành, người làm nghề bốc mộ ở đây nhiều năm, cho biết: "Ở đây tỉ lệ xác người không tiêu hết chiếm đến 30%, những trường hợp đó chúng tôi phải lóc thịt. Còn những trường hợp xác oải thì rất nhiều, còn "sạch" thì rất ít".

Có một chuyện mà ông Hồng "nhớ đến khi xuống mồ", đó là trường hợp của ông C., một người cũng ở thị trấn Minh Đức. Chừng tháng 10 âm lịch năm đó, sau hơn 4 năm hạ huyệt, cả nhà quyết định cải mả cho ông C. Khi đào lên, cả nhà mặt cắt không còn giọt máu, không ai dám tin vào mắt mình: dưới mộ, ông C. vẫn như đang nằm ngủ, da dẻ còn khá mịn và hơi bủng. Khi người đào mộ lại gần vỗ vào người, vẫn thấy tiếng bịch bịch của xác chết đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình ứ nước.

Lấp đi chôn lại thì không thể, nhưng nếu phải lóc thì ai sẽ làm? Những phu đào huyệt nhất quyết không làm vì... không đủ gan. Không còn cách nào khác, những người trong gia đình phải tự làm từ đầu đến cuối. Từng nhát dao nặng nề đưa xuống. Tiếng khóc hờn ai oán vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch.

Những chuyện như thế ở đây nhiều lắm. Những người đã khuất, người béo, người gầy, người giàu, kẻ nghèo; nhưng tựu chung lại, đều phải lóc thịt khi cải táng.

Tại ô nhiễm?

Anh Lê Văn Minh, một người dân sống ngay cạnh nghĩa địa Đồng Hang, vừa lụi cụi khuấy chậu rau diếp cá, vừa cất giọng rầu rầu: "Chuyện đó chả phải bây giờ mới có đâu. Có lẽ phải hai chục năm rồi. Người dân chúng tôi sợ lắm, mỗi lần nghĩ đến lúc chết, nằm xuống rồi mà vẫn không yên, phải để con cháu chặt ra từng khúc, lóc thịt thì... Nguyên nhân thì chả biết, người thì nói tại mả kết. Mả kết gì mà nhiều thế? Có người nói là vì ô nhiễm quá. Các chú muốn tìm hiểu, ra uỷ ban chắc họ biết rõ hơn dân".

Nghe theo lời mách nước, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND thị trấn Minh Đức. Ông Bùi Văn Trung, Phó chủ tịch UBND thị trấn, cũng mang nỗi day dứt: "Đây là nỗi trăn trở của chúng tôi. Người dân thì nói rằng do bị ảnh hưởng từ một số hóa chất ngấm xuống lòng đất từ các cơ sở công nghiệp tại địa phương. Nhưng chưa có ai nghiên cứu để có kết luận chính thức cả. UBND thị trấn đã có chủ trương sẽ di dời nghĩa địa Đồng Hang sang một địa điểm khác. Chứ bây giờ, nghĩa địa bị thu hẹp, xung quanh là bốn bức tường như thế, mỗi khi trời mưa thì ngập hết, không còn nhìn thấy bia mộ đâu. Tội lắm!".

Liệu có phải bức màn bí ẩn của nghĩa địa này bắt nguồn từ hai chữ "ô nhiễm"? Nếu quả đúng như vậy thì ô nhiễm không chỉ làm khổ người sống, mà còn hành hạ cả người chết.

Rất mong các cơ quan chức năng có sự quan tâm cụ thể, để giải tỏa bớt những lo lắng hoang mang cho người dân

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: