Quấy rối tình dục (3) - Victim blaming - End
Cách đây năm, tôi có đọc một bài viết. Tuy không nhớ rõ tựa đề và nội dung nhưng có một câu mà ám ánh tôi đến tận giờ.
"Mẹ ơi, bạn chọc con là đứa bị hiếp dâm."
Đứa trẻ ấy gọi những đứa trẻ chọc mình là bạn.
Thật mỉa mai làm sao!!!
Điều bạn có thể dễ dàng nhận thấy được, những hành động chọc phá như vậy được được coi là victim blaming - đổ lỗi cho nạn nhân. Một cụm từ thường chỉ đến việc "Không có lửa làm sao có khói", với nạn nhân là "lửa", châm ngòi cho "khói" xảy ra với họ. Đó là tư tưởng đổ lỗi nạn nhân, cho rằng bằng một số hành vi cụ thể nào đó, nạn nhân đã âm thầm mong muốn tội ác xảy ra với mình. Tại sao chúng ta lại hăm hở đổ lỗi cho nạn nhân đến thế khi mà chúng ta chẳng gặt lại được gì từ nó?
Đổ lỗi cho nạn nhân không chỉ đơn giản là cách để trốn tội, mà nó còn giúp chúng ta tránh được cảm giác yếu nhược. Nói trắng ra, đối với chúng ta, nạn nhân càng vô tội bao nhiêu, thì họ càng là mối đe dọa bấy nhiêu. Họ đe dọa cảm giác rằng thế giới, nơi an toàn, đầy đạo đức và chính nghĩa của chúng ta, nơi mà điều tốt đẹp thường xảy ra với người tốt, và xui xẻo, bất hạnh chỉ xảy ra với người xấu lại xấu xa đến thế. Khi bất hạnh xảy ra với người tốt, nó nhấn mạnh rằng không một ai là an toàn cả , dẫu cho chúng ta có tốt đến đâu thì chúng ta đều có khả năng gặp chuyện xấu.
Thêm nữa, một trong những lý do khiến chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân là để cách ly chúng ta ra khỏi những tình huống tiêu cực này và tự nhủ rằng chúng ta sẽ không dễ gì gặp chuyện nguy hiểm như vậy. Bằng việc dán nhãn, hay đổ lỗi cho nạn nhân, người khác sẽ nhìn nạn nhân khác hẳn với họ. Bởi vì đó là cách chứng minh, cũng là cách chúng ta trấn an mình, bằng cách suy nghĩ: "Bởi vì mình không giống như cô ta, bởi vì mình không làm như thế, cho nên chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra với mình."
Những thứ mà chúng ta cho là "đáng trách" mà nạn nhân thực hiện để "mời mọc chuyện xấu xảy ra" thực ra lại là quyền lợi và quyền tự do mà mỗi con người đều có. Khi chúng ta đi theo chiều hướng đó, chúng ta đã quên mất rằng tên tội phạm mới thực sự là người gây ra tội ác chứ không phải là nạn nhân, là bộ quần áo hay những bức hình của họ. Tội ác xảy ra khi tội phạm lựa chọn để xâm phạm ai đó. Hiếp dâm, trộm cắp, quấy rầy, phát tán ảnh mang tính gợi dục mà không có sự đồng ý của chủ nhân,... là những quyết định của một ai đó để xâm phạm một ai khác.
Đó không phải lỗi của nạn nhân.
Nếu ai đó cho rằng chỉ cần ở tù, hay đơn giản là nộp phí sau khi thủ phạm đã bị phát giác là lạm dụng tình dục nạn nhân trong cỡ khoảng ít nhất 5 phút để thỏa mãn dục vọng, quyền lực hay bản tính của mình, là lại được xem như một con người với đầy đủ quyền hạn, là trả nợ được với đời, với nạn nhân, và thủ phạm không đáng bị chịu hình phạt khó tin như thế kia,
À...
Và chỉ vì nạn nhân, mà thủ phạm, một người có công ăn việc làm đàng hoàng phải bị tù đày, sống cực, và nạn nhân là vết nhơ trong đời thủ phạm,
Thì làm ơn, cho xin đấy!
Khó tin ư? Phải từ bỏ hy vọng khi mình còn quá nhiều mơ ước mới là điều khó tin. Nếu con người tội nghiệp ấy là một vết nhơ trong đời thủ phạm, thì thủ phạm và chính chúng ta, những người đã chì chiết con người ấy chính là cơn ác mộng dai dẳng trong tiềm thức của người đó.
Có thể dưới tư cách gia đình của thủ phạm, bạn cho rằng hình phạt như vậy là quá đáng, như vậy là quá nặng rồi, trong khi, có thể, thủ phạm chưa "xơ múi" được gì nạn nhân hết, thì tôi có thể hiểu được nỗi đau và sự thất vọng giáng xuống khi người thân bạn mắc phải sai lầm.
Nhưng...
Thông cảm không có nghĩa là đồng tình.
Bạn có biết đến sang chấn tâm lý? Sang chấn còn đọng lại chính là nguyên nhân khiến trung tâm logic của não trì trệ và làm rối loạn bản năng sinh tồn của con người. Khi bạn chạm vào nạn nhân, người ấy đã phải vật lộn giữa ý nghĩ chống cự hay bỏ chạy. Chúng ta không bao giờ biết khi nào chuyện này sẽ xảy ra vì rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) thường không có lí do hay ý nghĩa gì. Cơ thể họ ghi nhớ rất rõ những gì mà tinh thần mình gần như đã quên. Thực ra, không phải là họ không muốn quan hệ tình dục, mà là không thể. Sang chấn mà họ phải trải qua đã khiến bản năng bên trong tự động xem tình dục như một loại nguy hiểm.
Tôi có người bạn, một người bạn rất thân. Cô ấy. Độc lập. Mạnh mẽ. Tự tin. Là một thiên thần đặc biệt. Nhưng lại có những kẻ, vì ham muốn của bản thân, đã cố gắng xâm chiếm cô ấy. Cô ấy, từng lấy sự độc lập làm tự hào, giờ thì lại sợ đi dạo vào buổi tối, sợ một mình, sợ mọi người. Cô ấy trở thành một con ốc nhỏ luôn luôn cần phải ở bên một ai đó, ngủ cạnh. Cô ấy nhút nhát sống qua ngày, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng tự vệ, sẵn sàng nổi giận. Cho dù đã đi khám bệnh, cho dù cô ấy đã có thể cười, nói như bao người. Nhưng, nụ cười của cô ấy không còn đẹp như xưa. Đó chỉ nụ cười gượng gạo, yếu ớt. Cho dù năm tháng trôi đi, cô ấy vẫn gặp những cơn ác mộng, những cơn ác mộng khốn kiếp quấn lấy cô ấy từng đêm. Cô ấy, một tuần, 7 ngày, hết 3 ngày đã phải uống thuốc ngủ để an tĩnh.
Đây là những tác động xấu của victim-blaming đối với tội phạm tình dục. Việc đầu tiên và rõ ràng nhất đó là nó bảo vệ tên tội phạm. Một trong những quan niệm vô lý là:"Đàn ông không thể tự điều khiển mình." Suy nghĩ đó tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn phạm tội thực hiện âm mưu của mình, vì đơn giản họ chỉ cần đổ lỗi cho dục vong, do rượu,... Họ biết bằng tội ác của họ sẽ được bảo vệ và bỏ qua. Họ chắc rằng mình sẽ không phải chịu trách nhiệm đâu. Những việc như thế cần phải thay đổi.
Cùng với đó, tư tưởng rằng nạn nhân có lỗi ngăn cản công lý được ban phát. Tư tưởng này ở khắp mọi nơi, từ phiên tòa đến đồn công an hay rải rác khắp giới truyền thông. Nó vùi dập những nạn nhân dũng cảm và quyết định dành lại công lý cho mình khi thẩm phán lại hỏi váy của họ đã ngắn đến mức nào.
Và có một số người cho rằng: "Họ phải đối mặt với hậu quả từ những việc họ đã làm." Tư tưởng này xem tội ác như là một hình phạt cho những người phụ nữ "không chuẩn mực". Bằng cách này, việc đổ lỗi cho nạn nhân đã tạo ra một danh sách dài vô hạn bao gồm những việc mà mọi người phải làm để nhân cách của họ được coi trọng, ví dụ như là không được ăn mặc hở hang, không được đi chơi khuya, không được say xỉn, không được đi ra ngoài một mình,...
Khi chúng ta sống trong một xã hội mà việc đổ lỗi cho nạn nhân xảy ra như chuyện thường tình, nạn nhân khó có thể có được can đảm để dành lại công lý cho mình. Có cả một chuỗi những ảnh hưởng về tâm lý mà nạn nhân bị hiếp lạm dụng tình dục phải trải qua. Họ đã phải dằn vặt mình với những câu hỏi như: "Tôi đã làm gì sai?" hay "Tôi đã có thể ứng xử như thế nào để ngăn chặn việc này xảy ra với mình?".
Xin nhắc lại.
Đó không phải lỗi của nạn nhân.
Với câu chuyện ngay đầu bài, tôi có thể nói rằng, những đứa trẻ chêu chọc bạn nó không gánh chịu 100% tội lỗi. Một điều thường thấy là trẻ con có thể hành xử tệ hại với đứa này đứa kia trong những giai đoạn phát triển nhất định của chúng, có thể nhẫn tâm bắt nạt những đứa bé khác nhưng bằng cách nào đó mà khi trưởng thành đứa trẻ đó vẫn có thể trở thành một người biết cư xử, biết bỏ lại sau lưng quá khứ xấu xa của bản thân khi còn ở thủa thiếu thời (đương nhiên, đáng tiếc là không phải đứa trẻ nào cũng làm được điều đó, nhiều đứa đã không thể cứ như vậy mà bỏ lại mọi thứ sau lưng được, thường là do xung động tuổi trẻ, tính độc ác hay do chúng bị người lớn bỏ bê, thiếu quan tâm).
Điều tôi muốn nói đến chính là gia đình của những đứa trẻ kia. Chúng ta lấy lí do là những đứa trẻ kia còn nhỏ không hiểu sự việc nên chỉ chọc vui vậy thôi. Nhưng những suy nghĩ của những đứa trẻ ấy không phải được hình thành từ chính môi trường sống của chúng hay sao?
Môi trường hình thành nên con người. Nếu bố mẹ của những đứa trẻ ấy có những hành vi không đúng thì ít hay nhiều đứa trẻ ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cái sai của thế hệ trước sẽ dẫn đến cái sai của thế hệ sau. Cho dù, sau này, khi những đứa trẻ ấy lớn lên, chúng có nhận thức đầy đủ về mọi việc, biết rằng việc mình làm khi đó là sai, hối hận, cố gắng không có những hành động như vậy nữa, nhưng vì "thế giới công bằng" cộng với sự ảnh hưởng từ nhỏ mà "victim blaming" lại được dịp nổi lên và chúng lại ảnh hưởng đến những người con của chúng. Và sự việc ấy lại tiếp diễn.
Chúng ta sẽ không né tránh trách nhiệm của mình.Những phụ huynh nên, không, là bắt buộc, nhận trách nhiệm dạy dỗ cho những công dân tương lai trở thành những người đàn ông, những người phụ nữ chính trực. Chúng ta cần phải tạo nên những người đàn ông, những người phụ nữ biết quý trọng sinh mệnh của người khác. Đàn ông là những người không bao giờ xâm hại phụ nữ hay đàn ông chỉ để thoả mãn nhu cầu cá nhân. Phụ nữ là những không bao giờ xâm hại đàn ông hay phụ nữ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Chúng ta không việc gì phải biện hộ cho con mình vì loại tội lỗi đáng ghê tởm này, bởi chúng ta không dạy chúng đi huỷ hoại cuộc đời của người khác. Thế hệ sau sẽ trở thành những người biết đứng lên che chở cho người khác. Chúng sẽ là nơi cho mọi người có thể tin cậy chứ không phải những kẻ xé nát tâm hồn người khác. Chúng sẽ có thể nhận thức được hệ quả của hành động mà mình đã gây ra, và khi chúng phạm sai lầm, chúng sẽ đủ khiêm nhường để bước lên nhận lỗi. Chúng ta mong điều này sẽ không xảy ra nhưng nếu các con có xâm phạm đến bất kì con người nào, các con sẽ phải tự mình gánh hết trách nhiệm dù cho phải trả giá đắt đến đâu chăng nữa.
-------------
***THẾ GIỚI CÔNG BẰNG: giả thuyết về một thế giới công bằng – the just-world hypothesis. Giả thuyết này nói về việc người ta tin tưởng rằng một người sẽ nhận được những gì anh ta xứng đáng được nhận đến mức họ sẵn sàng hợp lý hóa những hành vi bất công không thể giải thích được bằng việc cho rằng đó là lỗi của nạn nhân, hoặc họ đã làm điều gì đó để bị như vậy.
"Mối quan hệ giữa tốt đẹp và hạnh phúc, giữa độc ác và trừng phạt mạnh đến mức khi một trong hai xảy ra thì chúng ta giả định cái còn lại là nguyên nhân. Bất hạnh, bệnh tật, tai nạn thường là dấu hiệu của tội lỗi và xấu xa. Nếu một người chẳng may gặp bất hạnh thì chắc hẳn cô ta phải làm điều gì đó tội lỗi."
Ngay cả trong thành ngữ chúng ta luôn có những câu như "Gieo nhân nào, gặt quả nấy", "Không có lửa thì làm sao có khói." Những thành ngữ này ám chỉ rằng luôn luôn có những hậu quả có thể đoán trước cho những hành vi của chúng ta. Nếu bạn làm điều gì đó tệ hại thì nhất định sẽ có chuyện xấu xảy ra với bạn. Dường như có một thế lực công lý nào đó luôn đảm bảo rằng những hành vi tốt sẽ được đền đáp và những hành vi xấu sẽ bị trừng phạt. Và chúng ta có thể dễ dàng thấy thông qua những câu nói như
"Ai bảo cô ta ăn mặc khêu gợi như thế chứ? Rõ ràng là cô ta mời chào rắc rối đến với mình mà?"
"Không có lửa thì làm sao có khói, cô ta phải như thế nào thì những người kia mới tấn công tình dục cô ấy chứ? Chẳng lẽ cô ta đang đi giữa đường thì có người nhào tới à?"
"Chuyện kiểu này chẳng bao giờ xảy ra với tôi cả. Ăn mặc đàng hoàng thì đã chẳng bị vậy!"
rằng có rất nhiều người tin vào điều đó, bởi vì nó giúp họ hợp lý hóa những may mắn hay bất hạnh mà người khác gặp phải. Hoặc nó có thể giúp họ cảm thấy được bản thân có thể ảnh hưởng lên thế giới xung quanh theo những cách có thể đoán trước được.
****Ảnh hưởng của victim - blaming được dịch ra từ từ video "She asked for it".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro