Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Trà

"Thằng Dư, cái Bé! Có nghe thầy bảo chưa? Thầy dặn cái gì nào?" - Anh tú Sơn (1) cầm cái roi mây gõ cành cạch vào cạnh chõng mà gọi.


Hai đứa nhóc nghe thầy nhắc thì giật mình quay ngoắt đầu về phía trước, còn thẳng lưng vươn cổ giả đò như nãy giờ vẫn chăm chú lắm. Cái Bé lúc nào cũng nhanh nhảu hơn thằng anh, giọng lanh lảnh mà chắc nịch: "Bẩm thầy, chúng con đã nghe ạ."

Thành ra đứa thiệt cuối cũng vẫn là thằng Dư, vì em nó đã trả lời câu trước nên nó đành phải ậm ừ mà đáp câu sau của thầy, mà nó thì đâu có thủng được chữ nào. Nhưng nó chậm hơn cái Bé chứ vẫn tính là tinh ranh có thừa, nên cũng biết đường len lén liếc về hướng lúc nãy hai anh em vừa mải nhìn ngó. Cách hiên nhà tầm chục thước, anh nghè Thạch (2) đang tựa vai vào cổng tủm tỉm cười, tay cầm cành sen làm bút mà vờ viết bâng viết quơ.


Thằng Dư thấy thì hớn hở như bắt được vàng, cười hề hề rồi thưa: "Bẩm thầy, thầy dặn về tập viết theo phóng (3) ạ!"

Anh tú Sơn lườm một cái sắc lẹm về phía cổng rồi cũng cho đám trò tan học. Thế mà bọn trẻ vẫn còn ngồi dưới mái hiên tíu tít thêm một hồi, hết đòi đổi phóng cho nhau đến so xem đứa nào viết đúng viết đẹp. Anh nghè Thạch đã vào đến sân trong đứng một lúc mà vẫn thấy trong nhà đông đủ cả chục đứa nhóc, đếm trên tay mình vẫn đủ một chục nhành sen, mãi chưa gửi được cho ai nhành nào thì lên tiếng giục: "Các con! Đứng lên chào thầy đi rồi về!"


Bọn trẻ cũng ngoan ngoãn nghe lời, một câu "lạy thầy", hai câu "lạy bác" rồi ôm phóng chạy ra ngoài; nhưng vừa qua cổng lại nép sang hai bên rồi thò cổ ngó vào trong, đứa che mặt đứa bụm miệng mà cười khúc khích. Anh tú Sơn vừa cất cái roi mây vào góc tường lại phải lôi ra gõ gõ mới xua được đám trò đi, vừa loạt xoạt xếp giấy mực vừa nhăn mày nói: "Tôi đã bảo bao nhiêu lần rồi, quan bác cứ làm thế chỉ tổ chúng nó hư thôi!"

Anh nghè Thạch thả xong bó sen vào cái chum cạnh hiên nhà, đang tập trung ngắm ngắm chỉnh chỉnh cho cân xứng nên cũng chẳng đáp, chỉ gật gật đầu mấy cái tỏ ý hòa hoãn. Nghè Thạch cắm sen xong thì đắc ý lắm, nhảy tót lên chõng ngồi cạnh người kia, bị người ta tét cho hai cái vào đùi vẫn cười toe mà dỗ: "Thầy tú đừng có giận tôi mà hại thân, bọn trẻ vẫn nghe lời, vẫn say chữ đấy thôi! Trẻ con nghịch ngợm một tí mới dễ nuôi dễ lớn."

"Vâng! Dễ lớn thì có dễ lớn thật" - Anh tú Sơn chầm chậm nói, tay lật ngửa hai chén trà rồi đặt một chén ngay cạnh người kia - "Có một đứa lớn tồng ngồng đây chứ đâu xa. Còn đỗ đến ông Nghè cơ mà!"

Anh nghè Thạch vẫn cười hề hề, nhanh tay nhấc ấm trà lên lắc tròn mấy vòng rồi rót vào chiếc chén phía đối diện, giọng ngọt như mía lùi: "Có đỗ đến ông Bảng ông Trạng (4) , đỗ đến Ngọc Hoàng thì cũng về rót trà cho thầy Tú thôi. Thầy nhỉ?"


"Thưa không dám!" - Anh tú Sơn nắm tay phải lại rồi gõ nhẹ lên phản (5), nhác thấy nét mặt nửa hoảng hốt nửa bực dọc của người kia thì tủm tỉm cười.

Anh nghè vội vội vàng vàng đặt ấm trà xuống rồi lấy cả hai bàn tay bọc lấy nắm tay đang dợm gõ vào phản, vừa xoa xoa vừa thấp giọng nói: "Không được làm thế! Tôi bảo mình bao nhiêu lần rồi?"

Nghè Thạch vừa nói xong thì thấy một cặp mắt sắc xảo ngước lên nhìn mình, đôi lông mày còn nhướn nhẹ tỏ ý trêu đùa; lúc này mới nhận ra ý đồ của người trước mặt, bèn ngồi xích lại, kéo bàn tay kia vào lòng mình rồi thầm thì bảo: "Tôi sai, tôi sai! Lần sau mình bảo không là tôi không, tôi thề đấy!"


Thề thế chứ chẳng biết ai chứng cho quan nghè mà được dăm bữa nửa tháng là đâu lại vào đấy; thầy tú nhắc đến phát chán cũng chẳng thấy đổi thay gì, cứ cách nhật lại phải vừa xin vừa đuổi người kia ra khỏi ngõ cho mấy đứa nhóc chuyên tâm học hành, rồi cuối buổi lại vừa dọa vừa dỗ cho bọn trẻ tan học về nhà chứ không loanh quanh luẩn quẩn trước cổng nữa...



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

1. Khoa cử Nho học gồm 3 kỳ thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thời kỳ tôi lấy làm nguyên mẫu là thời nhà Nguyễn.

Thi Hương gồm 4 kỳ, theo thứ tự là: kinh nghĩa, chiếu biểu, thơ phú và văn sách. Thi qua kỳ này mới tiếp kỳ sau.

Qua được 3 kỳ đầu thì đỗ cấp Tú tài, hay còn gọi là Sinh đồ. Dân gian gọi là ông Đồ, ông Tú (hoặc anh Tú, cụ Tú, bác Tú,... tùy theo độ tuổi). Anh tú Sơn là đỗ Tú tài nè.

Qua được cả 4 kỳ thì đỗ cấp Cử nhân, được lên thi Hội nên gọi là Hương cống, Cống sĩ. Dân gian gọi là ông Hương, ông Cử (hoặc anh, bác, cụ Cử... tùy theo độ tuổi).

2. "Nghè" là nơi sĩ tử thi Đình ngồi thi, nằm trong sân đình nhà Vua; nên dân gian thường gọi tất cả sĩ tử vào đến thi Đình là ông Nghè. Thi Đình (trừ khoa thi 1496) không đánh hỏng người nào mà chỉ phân hạng. Trước thời Nguyễn thì phân 3 hạng Tiến sĩ (Đệ Nhất Giáp, Đệ Nhị Giáp, Đệ Tam Giáp). Từ thời Minh Mạng thì dưới Tiến sĩ Đệ Tam Giáp có thêm Phó Bảng (Tiến sĩ Ất khoa); nhưng từ thi Hội đã phân hạng, người được trao học vị Phó Bảng không tham gia thi Đình. Chỉ trong khoảng 20 - 30 năm thuộc thời Tự Đức thì thi Đình xong mới phân Phó Bảng và Chính Bảng. Anh nghè Thạch là có vào thi Đình nhưng chỉ đỗ bậc Phó Bảng nha.

3. Phóng là chữ mẫu, các thầy viết to trên giấy để học trò tô theo hoặc tập viết theo. Một tờ phóng thường có ít chữ và các tờ phóng thường viết các chữ khác nhau (vậy nên học trò mới đổi cho nhau á).

4. Tiến sĩ Đệ Nhất Giáp gồm 3 thí sinh đứng đầu khoa thì Đình (tam khôi), từ cao xuống thấp là: Trạng Nguyên (ông Trạng); Bảng Nhãn (ông Bảng); Thám Hoa (ông Thám). Song triều Nguyễn có "tứ bất lập", gồm không lập Hoàng Hậu, khống lập Tể Tướng, không lập Thái Tử, không lấy Trạng Nguyên do chưa tìm được người tài đức vẹn toàn hoặc để tránh tập trung quyền lực. Về lý do không cử Trạng Nguyên, từ thời Minh Mạng quy định Trạng Nguyên không chỉ là người đỗ đầu mà còn phải đạt đến "văn lý mười phân", song khó có ai được chấm cả mười nên vị trí Trạng Nguyên luôn để trống, đỗ thủ khoa gọị là Đình Nguyên nhưng học hàm vẫn là Bảng Nhãn trở xuống. Do lệ cũ, dù triều đình không cử thì trong dân gian vẫn nhắc đến học vị Trạng Nguyên. Đôi khi việc nhắc đến này ngỏ ý khen ngợi người tài cao hiền đức hơn người, đôi khi lại mang ý trêu chọc do vốn không thể nào đỗ Trạng được.

5. Khi được người khác rót trà cho, người xưa gõ tay xuống bàn để tỏ ý tôn trọng. Đây là phong tục trong văn hóa Trung Hoa, bắt nguồn từ việc Nhà Vua cải trang vi hành và rót trà cho các vị đại thần, để giữ kín thân phận cho Nhà Vua nhưng vẫn bày tỏ lòng kính trọng thì các vị đại thần gõ xuống bàn thay cho cúi lạy. Do ảnh hưởng của Nho học nên Nho sinh Việt Nam xưa (cũng không xưa lắm, khoảng năm 1800s) có thực hành; hiện nay, người Việt dân tộc Hoa vẫn thực hành phong tục này.

Gõ bàn chia ra 3 kiểu. Được người nhỏ tuổi hơn/ địa vị thấp hơn rót trà thì gõ bằng ngón tay trỏ, thay cho cái gật đầu. Được người đồng trang lứa, ngang hàng rót trà thì gõ bằng hai ngón tay trỏ và giữa, thay cho cái cúi người. Được người lớn tuổi hơn/ địa vị cao hơn rót trà thì nắm bàn tay lại gõ, thay cho cái cúi lạy dập đầu.

Về khoa bảng, chức tước thì anh nghè cao hơn thật nhưng thân tình thì không ai làm vậy. Thầy tú nắm tay gõ bàn là rất khách sáo rất xa cách í, thiếu điều cắt đứt giao tình í =))))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro