Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Nhớ trường Hà (1)



Hễ là người làng An Hiên thì ai cũng đã từng nghe danh thầy tú La Phu giỏi việc gõ đầu trẻ (1), cũng chẳng lạ chuyện thầy tú gõ luôn cả đầu mấy cậu khóa lẫn đầu bác nghè. Mấy lần đầu thấy, các cụ phụ lão trong làng cũng đôi câu ba điều xin thay cho các cậu khóa, nhưng nghe thầy tú giải thích xong thì lại quay ra tán đồng lắm. Thầy tú bảo, bác nghè với mấy cậu khóa toàn bàn tán những sự lung tung, không khéo lại gây vạ cho cả làng...

Thế mà ít ai biết rằng ví thử cụ thám Lương Điền với cụ bảng Thọ Xương mà biết chuyện anh tú ngày nào giờ đã cẩn trọng kỹ lưỡng thế, hẳn hai cụ phải xúc động đến rơi cả nước mắt.


Ngoài việc chữ xấu ra, năm ấy cụ thám còn ngờ rằng anh khóa Sơn thi mấy cũng không bằng được anh khóa Thạch là do thói ngông nghênh bất cần, được lòng một hai người chứ khó được lòng phần đa. Học trò đi thi không thể thiếu cái hào khí (2) nhà Nho, song cũng không được để thứ hào khí ấy lấn át dù mảy may đến chữ trung của đạo quân thần (3), càng không được làm mất đi trung dung chuẩn tắc (4). Chỉ cần chớm vượt qua ranh giới ấy, hay dù mới đứng chênh vênh trên bờ vực thôi, đã là cái họa lớn...

Dù tin tưởng cậu trò nhà mình đủ khôn ngoan để tránh được tai nguy, lại càng tin thiên tử là bậc minh quân hiền đức (5), nhưng khi đọc được bản giáp của anh khóa Sơn thì hai cụ cũng đứng lửa ngồi than (6) cả dăm ngày. Bàn về "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (7) có bao nhiêu chỗ để bàn, cậu khóa nhà này cứ đâm đầu vào "quân vi khinh" mà viết lấy viết để. Sai thì chẳng sai, tài văn chương cũng được tính vào hàng anh kiệt, thế nhưng tự mình làm khó nội ngoại trường thì không thể trách nội ngoại trường làm khó mình. Các ông chấm thi hẳn cũng chẳng sung sướng gì, sẩy tay một con dấu là phù xuất (8) như chơi. Thế nên đến lúc biết cậu khóa Sơn không vào được kỳ đệ tứ, hai cụ tiếc thì tiếc chứ cũng nhẹ cả lòng, vì nghĩ mẩm có khi các ông chủ khảo đánh "thứ" hết là muốn tốt cho cậu khóa cũng nên (9).


Ấy thế mà cậu tú Sơn mặc cho các cụ khuyên nhủ lẫn răn đe vẫn cứ chứng nào tật nấy. Chưa nói đến luận bàn chính trị hay quân thần, đến húy cậu tú cũng chả buồn tránh. Cậu tú thấy húy kỵ là cái vô lý nhất trần đời. Ông cha mất bao lâu mới dùi mài cho được cái tiếng Nôm đẹp đẽ, cái tiếng mộc mạc mà kiêu hãnh thế, ấy vậy mà ngai vua thay một vị là thêm cả chục chữ bị méo mó đi; có oái oăm không cơ chứ? Cậu tú tức lắm, cứ nghe cậu cử trại một tiếng húy là nhăn nhó mất ba lần.

Cậu tú cằn nhằn: "Cái chữ ánh rộng mở biết bao nhiêu, minh tỏ biết bao nhiêu lại không dùng. Yếng sáng với chả yểng sáng*, nghe chỉ thấy tù mù chứ chả thấy sáng ở đâu..".

Cậu cử cười cười, giơ bàn tay phải hướng về phía cậu tú như đang giới thiệu kỳ quan: "Thưa anh tú, sáng ở đây chứ đâu nữa?".

Chọc vậy chứ những lần sau, chỉ trừ khi viết quyển, cậu cử cứ giữ luôn "ánh sáng" theo người kia, chẳng thèm đọc trại nữa.


Hôm khác, cậu tú chỉ thiếu nước nhổ đánh toẹt giữa lúc đang đọc sách bên hiên nhà: "Muối mặt! Mồm thì ra rả rằng Nho lâm trọng đức ngay thẳng cương trực, thế mà đến chữ thật* cũng không được nói cho tròn vành. Có nhục không?".

Cậu cử lại xích đến gần mà xoa xoa, rằng: "Thiếu gì chữ thay cho chữ thật, ví như nói câu Tôi thực thương mình , có phạm chỗ nào, có dối chỗ nào, cũng có nhục chỗ nào đâu?".

Cậu tú nghe xong thì nhíu mày lè lưỡi, còn không thiết xỏ chân, cứ xách guốc rồi đi đất thẳng một mạch tuốt vào trong nhà.


Nhưng riêng cái này thì cậu cử dỗ kiểu gì cũng không được, mà thậm chí nghe cậu tú phàn nàn một hồi cũng thấy có lý. Cậu tú nghĩ, đành rằng ban kỵ húy cho phải tội dân thì dân cũng chịu, hà cớ gì vì độc một vị vua mà mất cả cái lễ với những bậc tiền nhân? Tổ công Tông đức (10) đã là thói lệ hàng nghìn năm, lại bảo thay là thay ngay được? Người túc học (11) thì chẳng làm sao, nhưng bọn trẻ con hay dân đồng áng chỉ mới học đến tử con tôn cháu (12) thì nghĩ thế nào cho phải? Hóa ra miếu hiệu của các bậc thiên tử lại thành cháu chắt hết cả à?


Ấy vậy mà giờ, thầy tú Sơn tuyệt nhiên không phạm một từ húy nào, dù là nói hay là viết. Ngay cả những từ không quá khắt khe, lại khác hẳn phương ngữ Hà thành đã quen khi trước, thầy tú cũng sửa cho bằng được, thậm chí còn đi can ngăn răn dạy lại mấy cậu khóa chuyện húy kỵ nữa chứ. Hôm nọ nghe thầy tú vừa chăm vườn vừa nói ra từ "cây kiểng*" thì bác nghè cứ cười lăn cười bò, bảo: "Tôi nhớ thầy tú trường Hà (13) quá! Ai mà có ngờ thầy tú ở trường Hà suốt ngày cằn nhằn tôi chuyện tránh húy, giờ thầy tú trường Thừa Thiên lại cằn nhằn tôi không tránh húy."

Nghè Thạch chậc lưỡi rồi tỏ vẻ tủi thân lắm: "Tôi không tránh cũng do mình cả, mình trách có phải oan tôi không?".


Thầy tú thở dài đánh thượt một cái, vừa bước lên hiên đã cúi xuống xách hai chiếc guốc lên mà đáp: "Tôi cũng nhớ tôi ở trường Hà. Nhà nghĩ tôi sung sướng lắm chắc?"


Ngưng một đoạn, bác nghè lại nghe người kia thở dài thêm cái nữa, còn nghe thấy chén trà bên cạnh bị dằn đánh cộc một cái xuống mặt sập. Thầy tú gấp cái quạt, hết trỏ đông rồi trỏ tây: "Vua ở xa thì thích làm gì làm nấy, ngài ấy cũng chẳng biết ai với ai mà bắt vạ; đây cách có một con sông..." - nói đoạn, thầy tú lại mở quạt ra phẩy phành phạch - "Tôi giữ là giữ cho nhà, chứ tôi đây chẳng thiết. Họ tôi không đổi được (14), lỡ có việc gì thì nhà thiệt chứ tôi kiêng húy với không kiêng cũng có khác là bao?"

"Tránh voi chẳng xấu mặt nào, hay là nhà thích tôi trường Hà thì tôi trường Hà cho nhà xem?" - Chưa được mấy chốc, thầy tú lại đập cạnh cái nan quạt xuống mép sập nghe tét một tiếng. Cái quạt gập vào như cũ, lại thành công cụ cho thầy chỉ chỉ vào cái chum sen cuối mùa đã nở toe toét nơi góc nhà- "Bông sen màu hồng* mà tôi không được nói màu hồng, tôi cũng điên lắm chứ!".


Bác nghè biết mình lỡ chọc phải ổ kiến lửa mới nhẹ nhàng vuốt cái quạt ra từ tay thầy tú, cầm lên phe phẩy khe khẽ trước mặt cả hai, miệng vẫn cười cười: "Đúng là ở trường Hà hay trường Thiên thì mình dạy cũng đều chí phải! Thôi thì tôi tránh tiệt vậy!"

Nói xong, nghè Thạch lại mân mê ống tay áo người kia, lần ra chỗ lúc nãy thầy tú huơ tay huơ chân vướng vào đâu sứt cả chỉ, nói: "Thôi vào đây tôi khâu cho" - lại không quên bông đùa một câu rằng- "Tôi lấy cái kiêm (15) khâu cho nhé!"




~~~~~~~~~~~

*Tứ thư: Bốn bộ sách kinh điển của Nho giáo, học trò đều phải học, bao gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. (Các kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa chính là thi lý giải ý nghĩa của kinh, thư lấy từ tứ thư - ngũ kinh).

Dạo này audio book mỗi sáng mỗi tối của tôi là tứ thư x2 tốc độ =)))) không hiểu lắm nhưng mà cũng cũng sương sương =)))

Gõ đầu trẻ: chỉ nghề dạy học (không phải tác động vật lý đâu nha =)))Hào khí: chí khí lớn lao, mạnh mẽ, hào hùng"Trung" trong "trung thành". Nói về đạo quân thần (vua tôi), Nho giáo dạy phải trung thành với vua (Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: "Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải thế nào?" Khổng tử đáp rằng: " Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua" – Luận Ngữ). Song, vua phải là người hiền đức, biết tu thân (Trên từ bậc thiên tử lần xuống cho đến hạng dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc – Đại Học).Trung dung: Nho giáo dạy phải giữ đạo trung dung - giữ cho ý nghĩ và việc làm ở mức trung hòa, cân bằng, đúng mực, không bất cập cũng không thái quá. (Mừng, giận, thương, vui chưa phát ra, gọi là trung; phát ra mà đều đúng mực, gọi là hoà. Làm hết mức đạo trung hoà, thì trời đất được đúng ngôi, muôn vật được nuôi nấng vậy - Trung Dung)Có truyện truyền rằng, một thần tử khi bàn về Nho học đã nói trước vua Tự Đức rằng "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" (Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung thành) là chí lý. Vua tỏ ý chê cười mới bảo người kia nhảy xuống sông chết, người kia nhảy xuống được một lúc rồi ngoi lên tâu với vua rằng ở dưới sông gặp được Khuất Nguyên, Khuất Nguyên bảo: "Ta gặp ám chúa nên chịu oan đã đành, cớ sao ngươi gặp minh quân lại nhảy sông tự vẫn?" (Khuất Nguyên là trung thần nhưng vua Sở nghe lời gièm pha mà ghét bỏ, đày ông đến Giang Nam, sau đó ông đã gieo mình xuống sông tự vẫn). Vua nghe được thì không trách tội mà còn khen thưởng vì tài đối đáp. Câu chuyện này cho thấy Tự Đức là vua đức độ, hiểu rõ đạo quân thần chứ không chỉ vì bảo vệ quyền lực mà cho rằng bề tôi phải phục tùng vua tuyệt đối.Lấy từ "Như đứng đống lửa, như ngồi đống than".Dịch nghĩa: "Lấy nhân dân làm quý, kế đến là đất nước, vua làm nhẹ" - Mạnh Tử.Phù xuất: việc quan chấm thi bị loại khỏi trường thi. Một quyển có 4 người chấm theo cấp bậc từ bé đến lớn, nếu quan trước chấm quá thiên lệch so với quan sau thì sẽ bị cho là thiếu cương trực hoặc thiếu trình độ, bị loại tra khỏi việc chấm thi. Các trường hợp bài thi có lỗi phạm húy hoặc không đúng mực mà được chấm đỗ, bị quan triều đình và vua tra thấy thì toàn bộ quan ở trường thi đều bị tội. (Khổ thật sự đi thi cũng khổ mà chấm thi cũng khổ =))))Không đỗ cử nhân thì triều đình ít xét đến mà đọc bài, có lỡ viết cái gì cũng đỡ phải tội á.Cách đặt miếu hiệu cho vua tuân theo việc xét công đức của nhà vua khi còn trị vì, vua có công thì chữ cuối là Tổ, vua có đức thì chữ cuối là Tông. Vì đã là vua thì được cho là đều có đức (ý là ai dám bảo không?), nên hiệu chữ Tông rất phổ biến, còn chỉ có vua khai triều hoặc có công lớn với đất nước mới được đặt hiệu Tổ (trừ thời chúa Trịnh là tôi không hiểu lắm, cứ chúa họ Trịnh là hiệu chữ Tổ hết=))))."Túc" nghĩa là đủ. "Túc học" là ăn học đầy đủ; khi đi thi mà "túc quyển" nghĩa là viết hết bài, đủ độ dài và đủ kết cấu.Trong Tam Thiên Tự - sách do Ngô Thì Nhậm soạn để dạy chữ Nho cho người Việt, gồm 3000 từ chữ Hán gắn với diễn Nôm của chúng, có vần điệu nên dễ học - câu này dạy từ "tử" nghĩa là con, "tôn" nghĩa là cháu. Ở đây thầy tú đang giễu việc tránh húy vua Thiệu Trị nên phải đọc trại, viết trại tất cả chữ "tông" thành "tôn", kể cả miếu hiệu của vua các đời trước đều bị đổi chữ. (Mọi tranh cãi nếu có hãy đổ lên đầu tôi! Tôi giễu nha, tôi thấy vô lý zl í, chê í=)))) Trường Hà: trường thi Hà Nội. (Hình như) có 7 trường thi Hương: Gia Định, Bình Định, Thừa Thiên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định.Thầy tú họ Lê. Ngay trước triều Nguyễn thì triều có thống nhất lâu dài là Hậu Lê. Sau đó là một dải Lê - Mạc, Lê - Trịnh rồi Trịnh - Nguyễn, rồi mới đến Nguyễn. Đến khi Trịnh - Nguyễn phân tranh, người ở Đàng Ngoài (sông Gianh trở ra) vẫn theo chế độ của vua Lê chúa Trịnh, giữ nhiều lệ cũ của thời Hậu Lê và (phần đông) có tư tưởng "phò Lê", không chịu ảnh hưởng bởi quy tắc của nhà Nguyễn ở Đàng Trong; sau này khi nhà Nguyễn thống nhất cũng theo lệ cũ mà ở Đàng Ngoài ít kiêng kỵ húy hiệu hơn. Ngoài ra, nhà Lê và triều Tây Sơn ít húy kỵ (ví dụ triều Tây Sơn chỉ kỵ chữ Bình là tên hồi nhỏ của Quang Trung), đó là một phần lý do vì sao cậu tú Sơn không trọng việc húy kỵ nhà Nguyễn, còn cậu cử Thạch (sinh ra ở Gia Định - Đàng Trong xưa) thì để ý hơn. Một phần khác là họ Lê ở trường Hà thời ấy chắc cũng là thư hương thế gia nên không lo, nhưng vào kinh gần triều đình là đổi kèo liền. Trước đó Nguyễn Ánh giương cờ "phò Lê" vậy nhưng cốt là để dẹp Tây Sơn chứ cũng không định phò Lê thật, nên lỡ bị tội gì dính đến việc không phục triều Nguyễn (như phạm húy các thứ) thì bác nghè họ Nguyễn bị vạ lây thêm tội chứ thầy tú vốn đã dễ bị đì rồi.Xin lỗi trước nếu tôi thả miếng không vui =)))) Bác nghè bảo cái kim, nhưng mà tại sao lại bảo cái "kiêm"? Vì để tránh húy Nguyễn Kim. Nguyễn Kim là người đặt nền móng cho các chúa Nguyễn sau này, tiếp đó là nhà Nguyễn; thời ông sống cách lúc khai triều Nguyễn khoảng 300 năm cơ. Ông không tự nhận là chúa, sau đó mới được các đời chúa Nguyễn sau truy tôn lên thành chúa. Các chúa Nguyễn cũng chưa từng là hoàng đế thực sự, song để khẳng định sự kế thừa chính thống của mình thì các vua nhà Nguyễn sau này đã truy tôn tất cả các chúa Nguyễn lên danh hiệu vương, đế. Nói chung là, Nguyễn Kim vừa xa lắc xa lơ vừa không "danh chính ngôn thuận" là vua chúa nhưng mà bác nghè cố tình tránh kỹ một cách quá đà như vậy để chọc thầy tú á.

*Các từ tránh húy:

ánh -> yếng/ yểng: tránh húy vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh)thật -> thiệt/ thực: tránh húy mẹ vua Thiệu Trị (ngoài tên Hồ Thị Hoa, bà còn có tên Hồ Thị Thật)tông -> tôn: tránh húy vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông)cảnh -> kiểng: tránh húy thái tử Nguyễn Cảnh (con trai đầu của Gia Long, được phong thái tử từ lúc Gia Long chưa thống nhất hai đàng, sau đó mất sớm nhưng cũng được Gia Long cho vào kỵ húy; vì vậy mà người phía Bắc - Đàng Ngoài xưa rất ít kiêng từ này)hồng -> hường: tránh húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro