Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Cái bảng con to bằng trời

Hồi mới chuyển vào kinh, thầy tú đến làng mở lớp thì chẳng ai buồn gửi trẻ; thế mà hai tháng sau quan nghè xong cả những việc bái mạng (1) lẫn diện trình thì nhà nào nhà nấy xôn xao cho con sang học, mấy đứa nhỏ mới 5 tuổi non cũng được thầy mẹ dắt sang bái thầy. Thầy tú thấy đến là buồn cười, vì bác nghè có thường về nhà thế chứ về nữa cũng nào dạy được bọn trẻ mấy chữ? Tới tận mùa hè năm ấy mới vỡ lẽ rằng cả làng kháo nhau, chẳng có mấy ngôi gia lại được cả hai người học cao như thế, hẳn là nhà nghè tú được lộc nên ai mà hay qua lại thì ắt đỗ đạt thành danh; bởi vậy khi trước phải chờ đến lúc trong nhà có đủ cả hai gia chủ mới bắt đầu sang gặp. Mà sở dĩ ngộ ra điều này cũng lại là qua một trận cười đến xốc dạ của thầy tú.


Cái làng An Hiên (2) này bé tí, ở ngay khúc giao giữa Hậu Hộ Thành hà với Hữu Hộ Thành hà (3). Khi triều đình lập Kinh đã cắt đi bảy phần đất, trước vốn eo người, giờ dân làng vào thành cả nên trong làng chẳng còn mấy ai. Do thế mà phải đến lớp trò thầy tú đang dạy đây mới được hơn chục đứa, còn học trò đang độ thanh niên chỉ vỏn vẹn có bốn người. Thế mà tính riêng thượng tuần tháng tư (4) vừa rồi, bốn cậu khóa ấy vốn chưa quen biết gì lại sang nhà nghè tú những 3 lần. Mà anh tú thì biết 3 lần thế, còn anh nghè tưởng như ngày nào cũng gặp, vì kinh thành bảo gần thì gần chứ cũng phải qua một dòng sông, quan thần trẻ tuổi lại thường đi sớm về muộn nên cách nhật anh nghè mới về một lần, mà mấy cậu kia cứ đúng hôm nào anh nghè về là có mặt ở sân không sai một li. Chẳng gì cũng biết là cố tình chứ ai kéo duyên cho mà trùng hợp đến thế.

Cuối tháng năm đã thân quen, anh nghè hỏi ra mới nghe được cậu khóa Phước (5) cười cười: "Lạy quan anh, chúng tôi học nông hiểu cạn, lại lần đầu đi thi nên muốn nhờ phước* của hai bác!". Anh tú chỉ cười nắc nẻ bảo: "Phước thời* xin một lần với vạn lần có khác gì nhau?" rồi dặn mấy cậu chàng mỗi tuần qua bàn văn sách một lần thôi, qua nhiều mất linh cả.

Cứ vậy đến quá một tháng sau, bốn cậu khóa lại bất ngờ nhận được thư, giọng văn rõ là của bác tú nhưng nét bút lại là chữ bác nghè. Thư chỉ có mấy dòng đơn giản, rằng: "Cứ ngỡ hôm qua sen trong đầm mới vừa nhú bông, ấy mà nay ngả đầu lại thấy bên hiên có chum huê* quan bác nhà tôi mới hái, cánh đã mở lục phần. Thế mới nghĩ ra rằng chúng tôi không phải với các anh khóa. Chẳng đầy một tuần trăng (6) nữa là nhập trường (7), thân là anh bác đồng học lại không lo liệu được cho các anh, mong các anh không để dạ. Qua tiểu thử (8) đã cho trẻ con nghỉ học, vừa hay đương trống người nên chúng tôi muốn mời các anh khóa lại nhà làm khách cho tới ngày lều chõng (9) đi thi, tiện ôn luyện lại dễ bề luận bàn kinh sử. Vậy các anh cứ xem xét được mất rồi làm, không cần hồi âm." (10)

Chiều hôm sau nghè Thạch về đã thấy trong nhà có 5 người đang đứng giữa sân bàn chuyện văn chương, mà áng văn được mang ra để bình lại chính là mấy câu hôm trước người kia đọc cho anh nghè viết. Mang tiếng là toàn thư sinh dài lưng tốn vải, thế mà nội dung những lời bình cũng chẳng được ra dáng văn nhân cho lắm.

Cậu khóa Nam đăm chiêu nhíu mày: "Vậy là bác tú cho học trò nghỉ đâm ra chán chường, gọi chúng đệ đến để thêm thú tiêu khiển chăng?"

Cậu khóa Phước thì đùa bỡn: "Anh tú cứ dạy sao cho chúng tôi vào được tam trường (11) là chẳng ai còn để dạ đâu!"

Cậu khóa Khoa nhìn chăm chăm vào mấy bông sen trong chum rồi bảo: "Bác tú phóng đại cho xuôi vần phỏng? Sen kia làm gì đã được lục phần, tứ phần là cùng"

Cậu khóa Khánh lại thoáng ý cá cầy (12) mà thuật lại: " Nay ngả đầu lại thấy bên hiên có chum huê* quan bác nhà tôi mới hái - Bác cứ khéo khoe cơ!"


- - - - - - - -


Vậy là cả tháng sau đó, sáng sáng các anh khóa vẫn đi học bên cụ cống An Hiên, chiều về thì thầy tú với bác nghè kèm cặp văn chương thêm được cho chút ít, nhưng chính vẫn là rèn trường quy (13) cho các anh khóa. Khi xưa cả cụ thám Lương Điền lẫn cụ bảng Thọ Xương đều răn rằng, đi thi lần đầu hỏng là chuyện thường, nhưng làm gì thì làm phải tránh cái bảng con (14) ra; thế nên bác nghè thầy tú cũng đặt hàng đầu cái việc mấy anh kia nằm ngoài bảng con ấy, còn Hữu Tả Ất Giáp (15) gì tính sau.

Nhưng trường quy khoa cử vốn khắt khe, mấy năm nay lại ngày một khù khoằm. Bác nghè đóng một cái bảng con giả ở góc sân, xấu hơn cả cái bảng con thật ở trường thi. Mỗi lần anh khóa nào lỡ phạm lỗi, dù lớn dù nhỏ thầy tú cũng ghi lên bảng cả cho nhớ; mà mới dăm bữa bảng đã chi chít hết cả.


Trong đó tên cậu khóa Nam chiếm phần đa. Cậu khóa Nam văn hay chữ tốt nhất cả đám, nhưng lại ngặt cái không nhớ nổi đống trường quy. Anh tú Sơn nhắc rồi lại nhắc, mà cứ được bên này mất bên khác. Lần nào nghè Thạch đọc quyển cũng khen Nam đầu tiên, nhưng ngay từ lúc thầy tú ngồi xem bốn anh viết quyển thì khóa Nam đã có tên trên bảng con mất rồi... Lần thì quên lấy dấu nhật trung (16), lần thì để cách dấu giáp phùng (17), có lần còn quên luôn cả đóng quyển (18). Anh khóa hay quên đến nỗi cả một tuần trước ngày mở khoa, anh tú vẫn cứ nhăn nhó kêu với cậu Nam: "Lạy anh khóa! Anh nhớ mang bút với mực vào trường cho tôi nhờ đấy!".

Anh nghè ngồi cạnh mà cứ tủm tà tủm tỉm, bởi bỗng nhớ ra rằng cả hai khoa trước cái người đang luôn miệng nhắc nhở kia đâu có phải tự mang mực bút lần nào. Anh tú ngày ấy than rằng mình viết xấu là do bút mực rẻ tiền lại còn không hợp vía, vậy nên trước khi đi thi độ nửa tháng là anh tú lôi bút của anh nghè ra thử từng cái rồi chọn lấy một, xong lại gửi anh nghè giữ hộ cho được vía, vào trường thi yên vị rồi mới xin bút để viết bài chứ lúc đi tay có cầm cái gì...


Cậu khóa Khánh thì thường sai những lỗi nhiều người sai. Nghè Thạch quen đến mức nhìn lướt là bắt được lỗi.

"Hai chữ này ghép vào là khiếm tỵ, không được đặt cạnh nhau." (19)

"Cao thời* quý hơn thấp, phải thời* quý hơn trái. Chữ thiên phải sang dòng viết lên trên. Khinh húy rồi!" (10)

"Chữ này phải viết nhỏ lệch phải dòng. Cậu viết lệch trái đây này." (21)

Mà ngược lại với khóa Nam, cậu khóa Khánh được cái nhớ nhanh nhớ lâu. Những lần tiếp không bao giờ sai lỗi tương tự nữa. Nhưng cũng do nhớ lâu nhớ kỹ thế mà cậu khóa Khánh thấy hậm hực lắm. Cậu cần cù tỉ mỉ nhất đám, thấy quan bác quan anh viết cái gì cũng để ý từng chút để học theo. Mà rõ ràng cách viết từ tự xưng lệch trái là cậu học từ bác nghè, mấy lá thư báo tin bác viết gửi thầy tú mà hôm trước thầy cho mượn để xem chữ, có chữ "tôi" nào đứng bên phải đâu, chữ nào chữ nấy sừng sững bên trái đấy chứ? Mà nhà nghè tú khi nào cũng được cả đôi, một bác khéo khoe một bác đáo để. Bác nghè còn tự chế ra cả một cách viết mới coong, cứ từ nào nhắc đến thầy tú là bác viết vừa to vừa sát bên phải dòng.


Cậu khóa Khoa thì sai có một lần, nhưng sai luôn phải tội đầu bảng. Hôm đó cả bốn viết thử bài chiếu biểu. Thầy tú Sơn đi qua thấy một chữ mà hoảng hồn, mắng "chết dở" một cái rõ to, làm cả bốn cậu khóa giật mình suýt nữa thì lệch bút bẩn quyển.

"Hỏng! Hỏng rồi!" - Anh tú bực đến mức xách cả cái roi đã lâu không dùng ra gõ - "Chữ gì đây?"

Cậu Khoa vẫn chưa hiểu chuyện gì, bèn tỉnh rụi: "Chiếu về việc dụng người tài, thì đệ viết từ nhậm chức ..." - mới nói nửa câu đã bị một tràng tiếng roi mây cạch cạch cắt ngang.

Thầy tú thì thầm vái bốn phương để tạ ơn trên đã cho hôm nay anh khóa mắc phải lỗi, xong xuôi mới đè giọng nói với cậu Khoa: "... chứ để đến khi thi phạm lỗi này thì 3 đời mất đầu hết. Mà có khi cả 9 đời!"

Thầy tú vừa vén hai ống quần ngồi xuống vừa thở dài, lấy tay chỏ vào tờ giấy đang viết dở: "Chữ này, không được viết. Phải bỏ cách. Đọc là nhiệm! Nhiệm!" (22)

Cậu khóa Khoa lúc ấy mới thủng ra, vò đầu bứt tai cả buổi, mấy ngày hôm sau nghĩ đến vẫn rùng cả mình. Còn các cậu khóa kia nghe được chữ "nhiệm" thì há hốc mồm cả đám, cũng chẳng ai còn tâm trạng viết nốt nữa. Quan nghè tối hôm ấy về thì thấy cả năm người trong nhà cứ hồn vía đi đâu, mà hỏi thì không ai nói, chỉ có cậu khóa Khánh vừa rưng rưng vừa đòi đưa cậu khóa Khoa cho thầy cúng trừ ma che mắt. Nghè Thạch lo đến nỗi thiếu điều xin cáo ốm để hôm sau ở nhà.


Từ lần đó ai cũng cẩn thận hẳn, thậm chí như cậu khóa Phước còn là cẩn thận quá mức. Cậu Phước ôm một tập giấy học mấy ngày liền, đến cổ húy (23) cũng thuộc cả. Ngay cả kỵ húy của những triều hẳn chẳng bao giờ thiên tử cho vào đề, cậu Phước cũng thuộc làu làu rồi bảo lại các đồng học. Ví như hôm nọ, đang trên mâm cơm bỗng khóa Phước lại nhớ ra chuyện sách vở, cũng bèn vứt luôn cái khoan thai thanh nhã của văn sĩ mà nhanh nhảu buông bát dặn dò: "Tôi nói các anh nghe này! Giả mà đề có ra chiếu thời chúa Trịnh, như chức quan của bác nghè đây là phải cẩn thận đấy! Viết Kiểm thảo là hỏng cả, phải dùng từ Hiệu thảo (24). Nhớ đấy!".

Học thì chẳng thừa, nhưng rồi anh khóa Phước cũng nhận ra rằng bó cẩn quá cũng thành ra dở. Có một quyển của cậu Phước bị thầy tú chấm hỏng vì "bạch tự" (25), do cậu cứ lo xa mà tránh đủ loại húy không cần thiết, chữ này thiếu chữ kia thừa lung tung hết cả (26).

Việc này thì anh khóa Phước lại là đồng bệnh với cậu khóa Khánh, sai thì sai nhưng vẫn thấy hậm hực. Bởi cậu Phước hay xem giáp (27) của thầy tú với bác nghè, cũng thấy toàn viết thiếu nét thừa nét vô lý. Thế mà than với cậu Khánh lại bị cậu Khánh chê mắt kém tai mờ: "Vô lý đâu mà vô lý! Chữ trường , chữ cao mà vô lý à?" (28)


- - - - - - - -


Lập thu (29), mấy cậu khóa đã đi thi cả, bọn nhóc lại đến nhà nghè tú học chữ. Thầy tú mất cả tháng mới thấy có hy vọng các cậu kia không lưu bảng con thì bắt đầu hơi hối hận. Khi trước bọn trẻ mới vào học, thầy tú nghĩ rằng chúng còn nhỏ quá, tạm chưa cần dạy kiêng kỵ làm gì cho khổ con trẻ ra. Đến giờ lại thấy phải dạy từ lúc vừa nói sõi mới vừa, khẻo lỡ đứa nào muốn theo đường thi cử lại khốn đốn bởi mấy chữ dở hơi ấy.

Thế là đầu buổi, thầy tú dạy luôn cho bọn trẻ, rằng trước được gọi "bác nghè Thạch", nhưng giờ lớn rồi không được gọi thế nữa. Phải gọi là "bác nghè Cửu An (30)".

Dạy mỗi vậy mà mấy hôm sau thầy tú đã nghe được bọn nhóc nói chuyện lúc đầu còn lỡ miệng, sau cũng dần gọi đúng từ cung kính, trong lòng phơi phới khen lũ trò học một hiều mười. Ai ngờ một hồi sau lại phát hiện bọn nhỏ hiểu cả trăm - chả ai dạy mà chúng còn biết gọi mình là "thầy tú Phu Tư (31)" nữa chứ!


Nhưng đấy là tại thầy tú trước còn dễ tính chuyện hô gọi này nên chẳng thèm để ý, chứ từ lâu bọn trẻ đã chẳng còn gọi "thầy tú Sơn" nữa. Bác nghè đã dặn bọn chúng không được gọi thẳng tên thầy từ lúc chúng còn chưa đọc được chữ nào. Nhưng đứa nào thấy thầy khen cũng toe toét mà nhận, làm thầy tú cứ mừng thầm rằng cả chục đứa sáng dạ này mấy năm nữa sẽ đỗ cử nhân hết mất...



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Bái mạng: lạy tạ ơn vua, là nghi lễ sau khi đỗ đạt khoa cử, nhậm chức làm quan. Có một hình thức của bái mạng là vọng bái, nghĩa là vua không ở trước mặt thật nhưng vẫn thực hiện lễ bái.An Hiên: nguyên mẫu là làng An Hòa, ở phía tây bắc kinh thành Huế (mặt sau). Làng An Hòa cũng đã bị cắt đất khi xây dựng kinh thành, người dân khu trong thành được hưởng đền bù, khu ngoài thành được miễn thuế 3 năm.Kinh thành Huế được bao bởi 4 con sông: phía Đông - Đông Ba, phía Tây - Kẻ Vạn, phía Bắc - sông Hương, phía Nam - sông An Hòa. Ngoài sông Hương ra thì 3 con sông còn lại đều là sông nhân tạo, được đào để tạo ra hệ thống sông hộ thành nên ở thời Gia Long được gọi theo hướng tả, hữu, hậu; từ bao giờ được đặt tên như bây giờ thì tôi không biết nên tôi viết theo tên cũ.Thượng tuần: tuần đầu tiên của tháng. Thi Hương vào tháng 8, trước 4 tháng học trò phải báo danh hết để làng xã xét hộ tịch, đạo đức,... trước khi đi thi. Nên đầu mùa hè là biết ai định đi thi ai không rồi.Hải ly đó, Phúc nhưng mà bị kỵ húy nên suốt thời Nguyễn không ai được đặt tên con có chữ Phúc cả, ai đang tên Phúc thì phải trại âm thành Phước =))) Kỵ húy này có hai nguyên do, một là tên húy của vua thời Nguyễn đều có lót chữ Phúc sau họ (Nguyễn Phúc...), hai là nhà Nguyễn có thù với triều Tây Sơn nên không cho nhắc tên vua Quang Trung (có tên khác là Quang Phúc).Một tuần trăng: 1 thángNhập trường: ngày vào trường thiTiểu thử: ngày 7/7 - 8/7 dương lịch theo lịch 24 tiết khí, trời bắt đầu vào đợt nóng của mùa hạ.Lều chõng: Trường thi Hương là một bãi đất, học trò đi thi phải tự mang chõng để ngồi, mang lều che mưa nắng, ống quyển, bút mực và tráp đựng đồ ăn thức uốngTôi đã rất cố gắng tái hiện tính quy phạm và cao nhã trong văn học trung đại =))))) Dù văn kiểu này không xứng tú tài bốn ưu đâu nhưng mà tưởng tượng tàm tạm vậy he =))))Tam trường: kỳ đệ tam (vào được kỳ đệ tam, dù không qua thì cũng đã là khá danh giá rồi).Cá cầy: trong "đanh đá cá cầy".Trường quy: các quy định khi đi thi nói chungBảng con: bảng ghi tên những người bị đánh hỏng do vi phạm, sẽ ghi tên và ghi rõ lỗi ở cạnh. Học trò bị bêu tên lên bảng con là một điều rất xấu mặt, thầy dạy cũng bị khiển trách do không dạy trò đến nơi đến chốn. Trường thi chia làm 4 khu đất nhỏ, gọi là các vi: Ất, Giáp, Hữu, Tả. Bảng ghi tên học trò thi đỗ cũng ghi theo 4 bảng như vậy.Dấu nhật trung: dấu của trường thi đóng vào giữa tờ thứ nhất (mỗi tờ viết 6 dòng, phải viết trên 2 dòng rưỡi và dưới 3 dòng rưỡi mới được đóng dấu) nhằm đảm bảo rằng bài thi được làm trong trường thi. Đóng dấu này xong thì học trò viết phải cách dấu ra, không viết đè.Dấu giáp phùng: dấu đóng giáp lai thờ thứ nhất và thứ hai, nhằm đảm bảo rằng tờ thứ hai không bị tráo sang tờ khác. Học trò phải viết đè lên dấu này. (mệt không, phức tạp xỉu =))))Đóng quyển: trong quyển không được có quá tổng 10 chữ mắc lỗi đồ (xóa), di (thiếu), câu (móc), cải (sửa). Cuối quyển phải ghi cụ thể số lỗi theo từng loại, gọi là đóng quyển. Dù nộp quyển chính thức hay lỡ viết sai mà phải đổi quyển mới thì cũng phải đóng quyển xong mới được nộp.Khiếm tỵ: lỗi viết phạm tên các cung điện, lăng tẩm,... của nhà vua và hoàng thất. Các lỗi về phạm tên, bất kính đều tính cả chữ trước sau dù không liên quan đến nghĩa. Ví dụ đại khái thì "Con chim cất tiếng hót giữa miên trường. Sơn thủy đang tăm tối cũng trở nên tươi sáng" được tính là phạm chữ Trường Sơn nếu có cung điện, lăng tẩm tên như vậy =))) Cơ mà thật ra câu này vốn đã phạm trọng húy chữ "miên" rồi (vua Thiệu Trị tên Nguyễn Phúc Miên Tông); tôi mà là học trò đi thi thì chắc chớt 18 lần vẫn chưa đủ =))))) Đấy, chữ "thì" là phạm trọng húy lần 2 rồi đó =))))Khinh húy: Lỗi viết phạm tên húy của mẹ, vợ, anh, em,... của vua. Ngoài ra còn có quy định các chữ cần tỏ ý tôn kính (đế, vương, hậu, thiên, địa,...) phải viết đầu dòng dọc và cao hơn chữ đầu các dòng khác. Vi phạm điều này cũng là khinh húy.Học trò khi tự xưng trong bài thi Hương, thi Hội thì xưng là "sĩ", thi Đình xưng là "thần"; các chữ tự xưng này phải viết nhỏ và thấp để tỏ ý khiêm nhường, nhưng lệch phải để vẫn tỏ đủ chí quân tử.Tên húy của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Dù là nói hay viết cũng là phạm phải trọng húy (tên vua), là tội nghiêm trọng. Từ trọng húy thì không thể thêm bớt nét để tránh mà phải bỏ trống hoặc thay bằng chữ khác.Cổ húy: phạm phải húy của người đời trước, thường mắc trong kỳ thi chiếu biểu. Đề yêu cầu học trò viết chiếu, biểu, cáo,... về một vấn đề trị quốc, thường lấy sự kiện đã có trong lịch sử; như vậy học trò đóng vai quan thần của vua chúa thời nào thì phải tránh húy của thời đó.Minh họa luôn nè: Ví dụ viết chiếu biểu thời chúa Trịnh (húy Trịnh Kiểm) thì học trò đóng vai thần tử của chúa Trịnh để viết, lúc này chữ "Kiểm" tính là phạm húy. Nên ở thời này (Lê Trung Hưng) thì chức Kiểm thảo được gọi là Hiệu thảo. Nhưng thực tế thì triều nhà Nguyễn không bao giờ ra đề về vua Lê chúa Trịnh cả (nếu có ra thì hẳn học trò phải chê thật thậm tệ mới đỗ).Bạch tự: lỗi thừa nét, thiếu nét chữ, nghi ngờ là đánh dấu bài.Nếu không phải trọng húy thì có thể tránh bằng cách thêm dấu chấm vào chữ, hoặc bỏ nét cuối không viết.Giáp: giấy nháp Nguồn gốc của việc kiêng húy là do quan niệm tên cúng cơm gắn với linh hồn, ma quỷ nghe được tên thì sẽ bắt hồn đi. Vì vậy người ta thường gọi con trẻ bằng tên khác xấu hơn, và tránh nói hay viết phạm vào tên người thân, đặc biệt là người cao tuổi (gia húy). Kiêng húy cũng sử dụng cho những người mình kính trọng, yêu thương dù không ruột thịt (kính húy). Giữa vợ chồng, người xưa cũng hay kiêng húy. Đó, vô lý ở đâu?? Tục lệ này sau đó mới được các triều đại sử dụng thành kỵ húy nhằm nhấn mạnh quyền lực. Lập thu: ngày 7/8 - 8/8 dương lịch theo lịch 24 tiết khí, trời bắt đầu vào thu.Cửu An: một huyện thuộc phủ Tân An, Gia Định (TP Hồ Chí Minh ngày nay)Tư Phu: Neko Lê sinh ra ở Rostov trên sông Đông =)))) Rostov tiếng Hán Việt là La Tư Thác Phu (罗斯托夫). Dài quá nên tôi để Tư Phu.

*Lời dẫn truyện thì tôi không tránh húy, nhưng lời thoại của nhân vật thì phải tránh nè:

Phúc -> phước do kỵ húy dòng chính nhà Nguyễn (Nguyễn Phúc)Thì -> thời do kỵ húy vua Tự Đức (tên hồi nhỏ là Thì)Hoa -> huê do kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị (tên là Hồ Thị Hoa)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro