Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

NGHỆ THUẬT QUYẾN RŨ 6

16

TỰ CHỨNG TỎ MÌNH

Hầu hết ai cũng muốn được quyến rũ. Nếu họ kháng cự, chắc là do bạn chưa đi đủ xa để làm dịu đi ngờ vực trong họ – về động cơ hay chiều sâu tình cảm của bạn hay những thứ khác. Một hành động đúng lúc chứng tỏ bạn muốn chinh phục họ đến mức nào sẽ xua tan những ngờ vực ấy. Đừng lo lắng việc bạn trông ngốc ngếch hay sẽ phạm sai lầm – bất kì hành động nào mang tính tự nguyện hy sinh vì con mồi sẽ làm họ ngập tràn tình cảm và không chú ý đến những điều khác nữa. Đừng bao giờ thể hiện sự chán nản hay than phiền khi bị kháng cự. Thay vào đó, phải vượt qua thách thức bằng những hành động cực kì nghĩa hiệp. Ngoài ra, còn phải kích khích họ tự chứng tỏ bằng cách tỏ vẻ mình là người khó với tới, khó có được và xứng đáng để người khác đấu tranh để có được.

Bằng chứng quyến rũ

Bất kỳ ai cũng có thể lớn giọng rằng tình cảm của họ là cao quí, luôn cho là họ rất quan tâm đến ta cũng như tất cả các dân tộc bị đàn áp trên thế giới. Nhưng nếu họ không hành động như những gì đã nói, ta sẽ phải hồ nghi tính thành thật của họ – có lẽ đó là một lang băm, một tên đạo đức giả, một kẻ hèn nhát. Những lời lẽ tâng bốc có cánh chỉ có thể đi xa được đến thế. Rồi cuối cùng cũng sẽ đến thời điểm bạn phải cho con mồi thấy một vài bằng chứng, để việc làm của bạn đúng theo lời nói.

Loại bằng chứng này có hai chức năng. Trước hết, nó giúp giảm đi những gì họ vẫn hoài nghi về bạn. Thứ hai, hành động bộc lộ những phẩm chất tích cực trong con người bạn tự nó cũng rất quyến rũ. Những hành động dũng cảm và quên mình thường tạo ra phản ứng xúc cảm tích cực và mạnh mẽ. Đừng lo lắng, những hành động của bạn không cần phải quá dũng cảm và quên mình đến phải mất hết mọi thứ trong quá trình quyến rũ. Chỉ cần có vẻ cao thượng là đủ. Thực tế, trong thế giới mà mọi người thích phân tích và nói quá nhiều, bất kỳ loại hành động nào cũng có tác động quyến rũ.

Tiến trình quyến rũ ta gặp phải những kháng cự là chuyện bình thường. Dĩ nhiên càng vượt qua nhiều trở ngại càng có nhiều điều thú vị nhưng nhiều khi việc quyến rũ gặp thất bại vì người quyến rũ không giải mã đúng những kháng cự của con mồi. Thường thì bạn từ bỏ quá dễ dàng. Trước hết, phải hiểu được một quy luật cơ bản của sự quyến rũ: kháng cự là dấu hiệu cảm xúc của con mồi đã bị vướng vào quá trình quyến rũ. Người duy nhất bạn không thể quyến rũ là người có thái độ xa cách, hờ hững. Kháng cự có nghĩa là dễ xúc động và có thể bị biến đổi theo chiều ngược lại, như trong jujitsu, có thể dùng sự kháng cự của đối thủ để hạ gục họ. Nếu họ chống lại vì không tin tưởng bạn, một hành động quên mình, cho thấy bạn muốn tự chứng tỏ mình đến mức độ nào, là một phương thuốc hiệu nghiệm. Nếu kháng cự vì họ là người đức hạnh, hay bởi họ trung thành với một ai khác, vậy thì càng dễ - đức hạnh và những khát vọng bị kìm nén chỉ cần hành động là có thể dễ dàng vượt qua được. Như Natalie Barney, một người quyến rũ nổi tiếng, đã có lần viết, “Đức hạnh là nhu cầu được quyến rũ sâu sắc hơn.”

Có hai cách tự chứng tỏ mình. Thứ nhất, hành động tự phát: một tình huống mà con mồi cần giúp đỡ hay một vấn đề cần giải quyết. Bạn không thể thấy trước những tình huống này nhưng phải sẵn sàng vì những tình huống này có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Hãy gây ấn tượng cho mục tiêu bằng cách đi xa hơn cần thiết phải thế – dành nhiều thời gian, tiền bạc và nỗ lực hơn so với những gì họ mong đợi. Đối tượng thường sẽ sử dụng những khoảnh khắc này, hoặc thậm chí tạo ra những khoảnh khắc đó, như một hình thức kiểm tra: bạn rút lui? hay sẽ nắm lấy cơ hội ấy? Bạn không được do dự hay chùn bước cho dù chỉ một khoảnh khắc, không thì bạn sẽ mất tất cả. Trường hợp cần thiết, phải làm sao cho hành động ấy có vẻ gây tổn thất rất lớn so với thực tế, đừng bao giờ bằng lời nói mà thông qua những cử chỉ gián tiếp như ánh mắt mệt mỏi, lời tán chuyện qua người thứ ba hay đại loại như vậy.

Cách thứ hai để tự chứng tỏ mình là hành động dũng cảm mà chính bạn vạch ra và tiến hành trước vào một thời điểm hợp lý nhất – nhất là khi đối tượng ngày càng hồ nghi về tình cảm của bạn. Chọn một hành động kịch tính và khó khăn để chứng tỏ bạn bỏ nhiều thời gian, công sức đến thế nào. Nguy hiểm cũng có thể rất quyến rũ. Khéo léo dẫn dắt đối tượng đến một khoảnh khắc hiểm nghèo hay khủng hoảng, hoặc gián tiếp đặt họ vào một vị trí không thoải mái rồi đóng vai là người giải cứu, một hiệp sĩ dũng cảm. Những điều này có thể gợi ra những xúc cảm mạnh mẽ mà có thể dễ dàng lèo lái thành tình yêu.

Một số trường hợp điển hình

1. Ở nước Pháp những năm 1640, Marion de l'Orme là cô gái bao được nhiều đàn ông thèm muốn nhất. Nổi tiếng là có nhan sắc, bà đã từng là người tình của Cardinal Richelieu, một trong số những nhân vật quân sự và chính trị trứ danh. Để chinh phục được bà là một dấu hiệu thành công.

Trong nhiều tuần liền, Bá tước Grammont, một kẻ trác táng đến tán tỉnh de l'Orme, cuối cùng bà cũng cho vị bá tước nọ cuộc hẹn vào một buổi tối đặc biệt. Bá tước tưởng sẽ có một cuộc gặp gỡ thú vị nhưng hôm đó ông nhận được lá thư của de l’Orme trong đó bằng từ ngữ nhẹ nhàng, lịch sự bà đã rất lấy làm tiếc – bà bị đau đầu kinh khủng nhất từ trước giờ, và phải nằm liệt giường tối hôm đó. Cuộc hẹn bị hủy bỏ. Bá tước cảm thấy chắc là ông đã bị gạt ra vì một người khác, bởi de l'Orme thất thường như sắc đẹp của mình.

Grammont không do dự. Lúc hoàng hôn buông xuống ông phi ngựa tới Marais, nơi de l'Orme sống, để tìm kiếm. Trong một dặm vuông gần nhà bà, ông phát hiện một người đàn ông đang đi bộ đến gần. Nhận ra người đó là Công tước de Brissac, bá tước lập tức biết rằng người đàn ông này sẽ hất cẳng ông ngay trên giường của cô gái bao. Brissac có vẻ không vui khi thấy bá tước, vì thế Grammont liền tiến lại gần, “Brissac, bạn tôi ơi, anh phải giúp tôi một việc vô cùng quan trọng: Lần đầu tiên tôi có hẹn với một cô gái sống gần đây; và tôi đến bàn tính công việc nên chỉ gặp cô ấy trong giây lát. Cho tôi mượn áo choàng của anh thì hay quá, và giúp tôi dẫn ngựa đi đâu đó một lát đến khi tôi quay lại; nhưng quan trọng là đừng đi đâu xa nhé.” Không đợi trả lời, Grammont lấy áo choàng của công tước và trao cương ngựa cho anh ta. Nhìn lại đằng sau, thấy Brissac đang nhìn mình nên ông giả vờ đi vào căn nhà ấy, lẻn qua sau nhà, đi bọc lại để tới nhà de l'Orme mà không bị ai nhìn thấy.

Grammont gõ cửa, người phục vụ tưởng ông ta là công tước nên mở cửa. Ông tiến thẳng đến phòng ngủ của bà, ở đó ông thấy bà đang nằm trên đi văng, trong bộ áo dài mỏng dính. Ông ném chiếc áo choàng của Brissac và thấy bà thở hổn hển sợ hãi. “Có chuyện gì vậy, hỡi người đẹp?” ông hỏi. “Trông có vẻ như cơn đau đầu của em đã qua đi phải không nào?” Bà làm ra vẻ ủ rũ, bảo mình vẫn đang đau đầu và bắt ông phải đi đi. Bà khăng khăng chuyện mình muốn hẹn hay hủy hẹn với ai chuyện của bà. Grammont điềm tĩnh nói “Thưa bà! Tôi biết cái gì làm bà bối rối: bà sợ rằng Brissac có thể gặp tôi ở đây nhưng riêng chuyện đó bà có thể yên tâm”. Rồi ông mở cửa sổ, Brissac đang bên ngoài khung cửa, tận tụy làm tròn nhiệm vụ dẫn ngựa đi tới đi lui giống như một cậu bé ngoan ngoãn. Ông trông rất lố bịch; de l'Orme phá lên cười, ôm choàng bá tước và kêu lên “Chevalier yêu quý của em, em không thể chịu được nữa; em thật sự xin lỗi vì anh quá đáng yêu và quá kì dị”. Bá tước kể bà nghe toàn bộ câu chuyện, và bà hứa rằng công tước muốn luyện tập cho ngựa suốt đêm cũng được, nhưng bà sẽ không cho ông ta vào nhà. Họ hẹn gặp tối hôm sau. Ra khỏi nhà, bá tước trả chiếc áo choàng lại cho công tước và xin lỗi vì đi quá lâu và cảm ơn công tước. Brissac cực kỳ rộng lượng, ngay cả việc giữ ngựa cho Grammont cho cưỡi lên, và vẫy tay chào tạm biệt khi bá tước phi ngựa rời.

Giải thích: Bá tước Grammont biết rằng hầu hết những người có dự định quyến rũ thường bỏ cuộc quá dễ dàng do hiểu sai rằng những thất thường hay lãnh đạm bề ngoài là dấu hiệu của thiếu quan tâm. Thực ra biểu hiện này mang nhiều nghĩa: có thể họ đang kiểm tra bạn, muốn xem bạn có thực sự nghiêm túc không. Cư xử gây mất lòng chính là kiểu kiểm tra này – bỏ cuộc khi gặp dấu hiệu khó khăn đầu tiên nghĩa là bạn không cần họ nhiều lắm. Hoặc có thể họ đang có cảm giác không chắc chắn về bạn hay đang chọn lựa giữa bạn và một người khác. Trường hợp nào đi nữa, bỏ cuộc là hành động rất ngớ ngẩn. Thể hiện hùng hồn rằng bạn sẵn sàng làm tất cả sẽ gạt bỏ mọi nghi ngờ. Bạn còn có thể đánh bại đối thủ, vì hầu hết mọi người đều nhút nhát, lo rằng mình sẽ xử sự như thằng ngốc, và chẳng bao giờ dám mạo hiểm điều gì.

Khi gặp con mồi khó tính hay kháng cự thì cách Grammont đã sử dụng thường là cách ứng biến hay nhất. Hành động của bạn nếu mang vẻ đột ngột, bất ngờ sẽ khiến con mồi rất xúc động, làm họ thả lỏng hơn trước bạn. Một chút quanh co để có được thông tin – một chút tình báo – luôn là ý hay. Quan trọng nhất là cách bạn tạo ra bằng chứng. Nếu bạn vô tư vui vẻ và hay khôi hài, nếu bạn khiến con mồi cười, vừa tự chứng tỏ vừa khiến con mồi vui vẻ, sẽ chẳng sao nếu hành động ngốc nghếch hay cho dù họ thấy bạn đang dùng một chút quỷ quyệt. Họ sẽ bị lừa với tâm trạng dễ chịu bạn đã tạo ra. Lưu ý rằng bá tước không bao giờ than van, giận giữ điên tiết hay phòng thủ. Tất cả việc ông phải làm chỉ là vén bức màn cửa để lộ công tước đang dẫn ngựa đi dạo, khiến sự kháng cự trong de l'Orme tan biến vì cười. Chỉ một hành động kết liễu, bá tước đã chứng tỏ ông có thể làm gì để được bà ban cho một đêm vui thú.

2. Theo một phiên bản về truyền thuyết vua Arthur, Ngài Lancelot, một hiệp sĩ danh dự, có lần bắt gặp cái liếc nhìn của Hoàng hậu Guinevere, vợ vua Arthur; cái nhìn thoáng qua đó đủ làm chàng hiệp sĩ chết mê chết mệt. Vì thế khi hay tin hoàng hậu Guinevere bị một hiệp sĩ độc ác bắt cóc, Lancelot không một chút do dự – ông quên ngay những nhiệm vụ khác và nhanh chóng truy kích. Khi ngựa ngã quị trên đường, ông tiếp tục chạy bộ đuổi theo. Cuối cùng cũng kịp nhưng ông kiệt sức và ngã quị. Một chiếc xe ngựa thồ chạy ngang qua; trên xe chất đầy những người trông gớm ghiếc bị cùm lại với nhau. Thời ấy người ta thường bỏ những tên tội phạm – những tên giết người, phản bội, hèn nhát, trộm cắp – trong một chiếc xe ngựa như thế, sau đó đi qua mọi nẻo đường trong thành phố để mọi người xem. Nếu bị bỏ lên chiếc xe đó, một người sẽ mất hết tất cả các loại quyền trong quãng đời còn lại của mình. Chiếc xe là một biểu tượng khủng khiếp đến độ nếu thấy không có người trên đó bạn sẽ run sợ và làm dấu thánh giá. Dù có là vậy nhưng Ngài Lanselot vẫn gạ gẫm người lái xe ngựa, một gã lùn: “Nhân danh Chúa, hãy nói ta biết ngươi có nhìn thấy lệnh bà của ta, nữ hoàng đi qua đường này không?” Gã lùn nói: “Nếu ngài chịu vào ngồi trong chiếc xe ngựa tôi đang lái thì nội ngày mai ngài sẽ biết chuyện gì đã xảy đến với nữ hoàng.” Rồi ông lái chiếc xe ngựa tiến về phía trước. Lancelot do dự nhưng chỉ hai bước chân, ông quyết định chạy theo và trèo lên xe.

Chiếc xe đến đâu người dân cũng hỏi han. Họ rất tò mò về chàng hiệp sĩ trong số các hành khách. Tội của hắn là gì? Hắn sẽ bị chết như thế nào – lột da chăng? Hay dìm chết? Hay bị hỏa thiêu? Cuối cùng gã lùn để ông ra ngoài, chẳng nói một lời chuyện manh mối về nữ hoàng. Vấn đề càng tệ hơn khi giờ đây không một ai thèm đến gần hay nói chuyện với ngài Lancelot cả, vì ông đã ở trong chiếc xe đó. Ông tiếp tục rượt đuổi theo nữ hoàng, và suốt dọc đường lúc nào ông cũng bị nguyền rủa, phỉ báng vào mặt, bị những hiệp sĩ khác thách đấu. Ông làm ô nhục tinh thần hiệp sĩ vì đã lên chiếc xe đó. Nhưng không ai có thể ngăn cản hay kiềm chế được ông, và cuối cùng ông phát hiện ra kẻ bắt cóc nữ hoàng là tên Meleagant quỷ quyệt. Ông đuổi theo kịp Meleagant và hai người đã quyết đấu tay đôi. Vẫn còn đang mệt vì cuộc đuổi bắt, Lancelot gần như bị đánh bại, nhưng khi hay tin nữ hoàng đang xem trận đấu quyết tử, ông lấy lại sức mạnh và nếu không bị yêu cầu ngừng đấu thì suýt nữa đã giết chết Meleagant. Guinevere được trao lại cho ông.

Lancelot khó kiềm chế nổi vui mừng khi nghĩ cuối cùng cũng được gặp lại hoàng hậu. Nhưng bà có vẻ tức giận và không nhìn mặt người đã cứu mình, khiến Lancelot vô cùng sửng sốt. Bà nói với cha Meleagant, “Thưa ngài, sự thực là ông ta chỉ hoài công. Tôi không bao giờ cảm thấy biết ơn ông ta.” Lancelot chết lặng nhưng không chút phàn nàn. Sau đó khá lâu, qua vô số những thử thách khác, cuối cùng bà dịu lại và họ bắt đầu yêu nhau thắm thiết. Một ngày nọ, ông hỏi bà: Bà bị Meleagant bắt cóc khi nào, bà đã nghe chuyện chiếc xe ngựa chưa, và bà có biết ông đã làm ô nhục tinh thần hiệp sĩ thế nào không? Và có phải vì vậy mà hôm ấy bà đối xử lạnh nhạt với ông không? Nữ hoàng đáp lại: “Trì hoãn hai bước chân chứng tỏ chàng chưa sẵn sàng leo lên chiếc xe đó. Nói thật, đó chính là lí do em không muốn thấy hay nói chuyện với chàng nữa.”

Giải thích: Cơ hội thực hiện những hành động không nghĩ đến bản thân thường đến rất bất ngờ. Bạn phải chứng minh mình xứng đáng ngay thời khắc ấy và hành động ngay. Đó có thể là một tình huống giải thoát, một món quà hay việc gì đó bạn có thể làm, một yêu cầu bất ngờ bạn phải từ bỏ mọi thứ để đến giúp họ. Vấn đề tiên quyết không phải chuyện hành động liều lĩnh, gây lỗi lầm hay làm chuyện ngu ngốc, mà bạn phải có vẻ như đang hành động hoàn toàn vì họ mà không suy nghĩ chút gì về bản thân mình hay hậu quả về sau.

Trong khoảnh khắc này, do dự dù chỉ một giây cũng có thể làm hỏng tất cả những nỗ lực quyến rũ trước đây, chứng tỏ bạn là người chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, tiểu nhân và hèn nhát. Hãy nhớ: vấn đề không chỉ là làm cái gì mà còn là làm như thế nào. Nếu bản chất của bạn là luôn quan tâm đến bản thâm mình thì hãy học cách che đậy điều đó. Phản ứng càng tự phát càng tốt, thổi phồng kết quả bằng cách làm ra vẻ bối rối, kích động quá độ, thậm chí dại dột – tình yêu đã dồn bạn đến mức đó. Nếu phải nhảy vào chiếc xe vì Guinevere, phải bảo đảm rằng bà ta thấy bạn làm điều đó không một chút do dự.

3. Một thời kỳ ở thành Rome khoảng năm 1531, người ta bàn tán xôn xao về một phụ nữ trẻ đẹp lạ thường tên là Tullia d'Aragona. Theo tiêu chuẩn của thời kỳ đó, Tullia không phải là cô gái có vẻ đẹp cổ điển; thời kỳ mà những phụ nữ tròn trịa và khêu gợi được xem là lý tưởng thì cô lại cao và mảnh mai. Và cô không có kiểu sến, hay cười khúc khích hầu hết các cô gái trẻ muốn dùng để thu hút chú ý của cánh đàn ông. Không, phẩm chất của cô cao quý hơn nhiều. Cô sành tiếng La tinh, có thể tranh luận về văn chương mới nhất, biết chơi đàn luýt và hát. Nói cách khác, cô là một người cao quí, và vì đó chính là điều mà cánh đàn ông luôn tìm kiếm, họ bắt đầu viếng thăm cô ngày một nhiều hơn. Cô có người yêu là một nhà ngoại giao; nghĩ đến chuyện một người đàn ông đã chinh phục được cô khiến tất cả họ phát điên lên. Những vị khách này bắt đầu ganh đua nhau để được quan tâm bằng cách làm thơ tặng cô, ganh đua trở thành niềm vui thích nhất của cô. Không ai trong số họ thành công nhưng họ vẫn tiếp tục cố gắng.

Dĩ nhiên có một vài người bị cô làm tổn thương, rêu rao rằng cô ta không hơn một cô gái điếm cao cấp. Họ nhắc lại tin đồn (có lẽ đúng) rằng cô khiến những người đứng tuổi nhảy múa khi cô chơi đàn luýt, và nếu họ nhảy múa mà làm cô hài lòng thì được ôm cô trong vòng tay. Đối với những người theo đuổi trung thành của Tullia, thường đều được sinh ra trong gia đình quý tộc, thì đây là sự vu khống. Họ viết một tài liệu tán phát khắp nơi: “Cô gái của chúng tôi, quý cô đáng kính, được sinh ra trong danh giá, Tullia d'Aragona, luôn vượt trội tất cả những phụ nữ của quá khứ, hiện tại và tương lai bởi những phẩm chất sáng chói… Bất kỳ ai cự tuyệt lời tuyên bố này hãy viết tên bên cạnh một trong những hiệp sĩ kí tên dưới đây; người này sẽ thuyết phục họ theo cách thông thường trước nay.”

Tullia rời khỏi Rome vào năm 1535, đầu tiên đến Venice, nơi nhà thơ Tasso trở thành người tình của bà, rồi cuối cùng mới đến Ferrara lúc đó có lẽ là thành phố văn minh nhất nước Ý. Và bà đã tạo ra một làn sóng tình cảm đến thế nào ở đây. Giọng nói, tiếng hát, thậm chí những bài thơ của bà được hết lời ca ngợi khắp nơi. bà mở một học viện văn chương dành riêng cho những tư tưởng tự do. Bà tự gọi mình là nàng thơ và cũng như ở Rome, lúc nào cũng có một nhóm đàn ông vây quanh bà. Họ theo bà đi lòng vòng thành phố, khắc tên bà lên những thân cây, làm thơ tặng bà rồi ngâm nga cho những ai chịu nghe.

Có một quí tộc trẻ bị lôi kéo bởi sự tôn sùng này: dường như ai cũng yêu Tullia nhưng chẳng ai nhận lại được tình yêu của bà. Quyết tâm giành lấy bà và cưới bà làm vợ, anh chàng đã tìm cách buộc bà phải đồng ý cho anh ta đến thăm vào ban đêm. Anh ta thề trung thành vô hạn, tắm bà bằng nữ trang và quà tặng, rồi xin được nắm tay bà. Bà từ chối. Anh ta rút dao ra, bà vẫn từ chối, vậy là anh ta đâm dao vào chình mình. Anh ta sống, nhưng giờ thì tăm tiến của Tullia càng vang dội khắp nơi hơn nữa: thậm chí tiền cũng không mua được sự ban ơn của bà, hoặc là dường như vậy. Năm tháng qua đi, sắc đẹp cũng phai dần nhưng một số nhà thơ hay trí thức vẫn luôn đến nơi bà ở để bảo vệ bà. Ít ai nghĩ đến một thực tế: rằng Tullia thật ra là một cô gái bao, một trong những người nổi tiếng và được trả tiền hậu hỉ nhất trong nghề này.

Giải thích. Chúng ta ai cũng có những nhược điểm nào đó. Một số trong đó là do bẩm sinh và không sửa được. Tullia có rất nhiều nhược điểm như vậy. Về hình thể bà không phải là mẫu người đẹp thời kì phục hưng. Mẹ bà lại là một cô gái bao và bà là đứa con hoang. Vậy mà những đàn ông bị bà bỏ bùa mê không hề quan tâm. Họ bị lôi cuốn bởi hình tượng của bà – hình tượng một phụ nữ thanh cao, một phụ nữ mà ta phải ra sức đấu tranh mới có được. Kiểu cách của bà tiêu biểu ở thời Trung cổ, thời đại của những hiệp sĩ và những kẻ hát rong. Thời ấy, một phụ nữ, thường là đã kết hôn, có thể nắm quyền điều khiển người đàn ông bằng cách không ban phát tình cảm nữa cho đến khi chàng hiệp sĩ chứng tỏ được giá trị và tình cảm chân thành của mình. Họ có thể bị truy lùng, bị buộc phải sống với người hủi, hoặc một trận quyết đấu vì người phụ nữ của họ. Và họ phải làm những điều này không một tiếng phàn nàn. Mặc dù thời của những kẻ hát rong đã qua đi từ lâu nhưng kiểu cách ấy thì vẫn còn: người đàn ông thật sự muốn tự chứng tỏ mình, được thử thách, được đấu tranh, được kiểm tra và thử nghiệm để đi đến thành công cuối cùng. Họ có một chút nét thống dâm; một phần trong họ thích được đau khổ. Và thật lạ lùng, người phụ nữ càng đòi hỏi nhiều càng chứng tỏ họ có giá trị. Người phụ nữ dễ dàng có được không được coi là có giá trị mấy.

Hãy làm họ phải đấu tranh để có được sự quan tâm của bạn, cho họ cơ hội tự chứng tỏ mình, rồi bạn sẽ thấy họ lao vào thử thách. Cái nóng của quyến rũ sẽ được tăng lên nhờ những thử thách ấy – chứng minh cho tôi thấy là anh thật sự yêu tôi. Khi một người (bất kì là giới nào) phải làm điều đó thì người kia cũng cảm thấy phải làm như vậy, và quyến rũ sẽ được tôn cao. Bằng cách buộc người khác tự chứng minh họ, bạn đã nâng giá trị mình lên và che đậy những nhược điểm của mình. Con mồi thường quá để tâm việc tự chứng tỏ mà quên chú ý đến tai tiếng, thiếu sót của bạn.

BIỂU TƯỢNG

Đấu thương. Trên sân là cờ hiệu sặc sỡ và những chú ngựa đeo vải phủ, người phụ nữ đứng xem những hiệp sĩ đang quyết đấu để có được bàn tay của mình. Họ vừa đã được nghe những hiệp sĩ ấy quì gối tuyên thệ tình yêu, những bài hát bất diệt và những lời hứa thật dễ thương. Họ đều rất giỏi những điểm ấy. Nhưng rồi tiếng kèn vang lên và trận đấu bắt đầu. Trong quyết đấu không thể có vờ vịt hay do dự. Người hiệp sĩ họ chọn phải máu me đầy mặt và gãy tay gãy chân.

ĐIỂM YẾU

Khi cố gắng chứng tỏ rằng mình xứng đáng với con mồi, hãy nhớ là mỗi mục tiêu nhìn sự việc khác nhau. Sử dụng thân thể dũng mãnh sẽ chẳng thể gây ấn tượng đối với những người không đánh giá cao sức mạnh thân thể; điều đó chỉ cho thấy là bạn chưa quan tâm họ đúng mức, khoa trương không đúng lúc. Người quyến rũ phải áp dụng những phương pháp chứng tỏ mình cho phù hợp với những hoài nghi và yếu điểm của con mồi. Đối với một số người, lời lẽ có cánh, đặc biệt nếu được viết ra, là những bằng chứng hay hơn những hành động đe dọa quỉ thần. Với những người này hãy chứng tỏ tình cảm bằng những lá thư – một dạng khác của bằng chứng vật chất, và là một dạng quyến rũ đầy chất thơ hơn là những hành động phô trương. Tìm hiểu con mồi thật kĩ càng rồi nhắm những bằng chứng quyến rũ của bạn đến những hoài nghi và chống đối của họ.

Tình yêu là một dạng chiến tranh. Những kị binh rề rà, hãy đi chỗ khác! \ Hèn nhát không thể bảo vệ \ Những chuẩn mực này. Nhiệm vụ những đêm đông, hành quân xa, tất cả \ Khó nhọc, mọi kiểu chịu đựng: tất cả đang chờ \ Hỡi anh tân binh mong cuộc sống dễ chịu, anh sẽ bị loại bỏ \ Trong cơn mưa bất chợt, hay doanh trại chỉ còn trống không \ Mặt đất... kéo dài vô tận \ Vẫn còn yêu những khát vọng của mình? Vậy hãy trút bỏ mọi kiêu hãnh. \ Con đường thẳng đơn giản có lẽ đã từ chối bạn, \ Cửa đã cài then, đóng im trước mặt bạn – \ Vậy hãy sẵn sàng lẻn vào trong từ mái nhà, \ Hay luồn vào qua cửa sổ tầng trên. Cô ấy sẽ hạnh phúc \ Khi biết bạn đang nguy hiểm tính mạng, vì cô ấy: điều đó tặng cho \ Bất kì người phụ nữ nào bằng chứng hùng hồn về tình yêu của bạn.

- Ovid, Nghệ thuật Yêu đương, do Peter Green dịch

Người đàn ông nói: “...Trái cây hái từ vườn nhà phải ngọt hơn từ một cây lạ, và những gì phải thật nỗ lực mới có được thì quí hơn nhiều so với những gì có được mà không tốn nhiều công sức. Như một câu ngạn ngữ, ‘Có bỏ công mới thấy phần thưởng đáng quí.’”

Người phụ nữ nói, “Nếu phải bỏ công mới thấy phần thưởng đáng quí thì chàng sẽ phải chịu đựng mệt mỏi vì quá nhiều cực khổ mới có được cái mình đang cần tìm, bởi vì điều chàng tìm kiếm là một phần thưởng lớn hơn nữa.”

Người đàn ông nói, “Tôi xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất tôi có thể vì nàng đã thật lòng hứa cho tôi tình yêu của nàng khi tôi có thể chịu đựng được những khổ nhọc. Nhưng Chúa trời đã ngăn cấm tôi hay bất kì ai có được tình yêu của một phụ nữ cao quí như nàng mà không bỏ công sức để giành lấy.”

- Andreas Capellanus bàn về Tình yêu, do P.G.Walsh dịch

Một hôm, [Saint-Preuil] khẩn khoản cầu xin Phu nhân de la Maisonfort ban cho ông những lời yêu đương đường mật mà một phụ nữ có thể ban phát, rồi ông đi xa hơn cả lời nói của mình. Vị phu nhân nói ông đã đi quá xa và lệnh cho ông không được xuất hiện trước mặt bà nữa. Ông rời khỏi phòng. Chỉ một tiếng sau, khi vị phu nhân như mọi khi đang đi dạo dọc một con kênh ở Bagnolet thì Saint-Preuil đột ngột nhảy ra từ một bờ dậu, hoàn toàn trần truồng, và đứng trước mặt vị phu nhân trong tình trạng như vậy rồi kêu lớn, “Lần cuối cùng, thưa phu nhân – Vĩnh biệt!” Rồi từ đó nhảy đâm đầu xuống dòng kênh. Người phụ nữ quá khiếp sợ trước cảnh tượng này đã kêu gào và chạy ngược về phía nhà mình, khi đến nơi thì bà ngất xỉu. Ngay khi tỉnh dậy bà bảo người đi xem tình trạng Saint-Preuil thế nào. Thật ra ông đã không ở lâu dưới dòng kênh mà nhanh chóng mặc quần áo, trốn về Paris nhiều ngày sau đó trong khi tin đồn cứ lan rộng là ông đã chết. Phu nhân de la Maisonfort đã vô cùng xúc động trước biện pháp quá khích này mà ông chọn để chứng minh tình cảm của mình. Hành động này đối với bà là dấu hiệu của một tình yêu phi thường; và có lẽ do còn chú ý đến những đường nét hấp dẫn trên cơ thể ông mà bà đã không nhận ra khi mặc áo quần đầy đủ nên bà đã vô cùng ân hận sự nhẫn tâm của mình và công khai cho biết bà cảm thấy mất mát đến mức nào. Những lời này đến tai Saint-Preuil và ông lập tức tìm cách hồi sinh cho mình và không phí chút thời gian quay về tận dụng tình cảm yêu quí của người phụ nữ ấy.

- Count Bussy-Rabutin, Lịch sử Yêu đương của Gaules

Để được làm người hầu của một phụ nữ... những người hát rong phải trải qua bốn giai đoạn, đó là người ước mơ, người cầu xin, người hầu, và người tình. Khi đạt đến giai đoạn cuối của khởi đầu yêu đương này họ phải thề trung thành và sự tôn kính của họ được đóng dấu bằng một nụ hôn.

Đối với dạng tình yêu phong nhã lí tưởng dành cho giới quí tộc này thì chuyện yêu đương được xem là một điều rất duyên dáng, trong khi sự khởi đầu sau đó và cuối cùng là đánh dấu một hiệp ước – tương đương với hành động phong tước cho hiệp sĩ – được liên tưởng như quá trình một quí tộc được huấn luyện và có nhiều chiến tích dũng cảm. Việc xác nhận một tình yêu thực thụ và một hiệp sĩ hoàn hảo là hoàn toàn giống nhau. Người tình sẽ phục vụ và tuân lệnh người phụ nữ giống như chàng hiệp sĩ sẽ phục vụ chủ công của mình. Trong cả hai trường hợp lời thề mang tính thiêng liêng như nhau.

- Nina Epton, Tình yêu và người Pháp

Một người lính bao vây thành phố, một người tình thì nhà cô gái, \ Một người tấn công cổng thành, người kia thì cửa trước. \ Tình yêu, giống chiến tranh, là trò sấp ngửa. Kẻ bại trận có thể lật ngược ván cờ, \ Khi bạn cứ tưởng họ hoàn toàn suy sụp; \ Vậy nên nếu bạn có được tình yêu một cách dễ dàng \ Tốt hơn bạn nên nghĩ lại. Tình yêu đòi hỏi \ Bản năng và khởi động. Achilles vĩ đại hờn dỗi Briseis - \ Nhanh lên, những anh chàng thành Troy, đập vỡ bức tường Argive! \ Hector bước vào chiến trường từ vòng tay Andromache \ mũ thì được vợ đội cho. \ Chính Agamemnon bị đánh ngã vào vòng bùa mê \ Khi thấy mái tóc rối bù của Cassandra; \ Thậm chí thần Chiến tranh cũng bị bắt quả tang, sờ soạng tấm lưới của anh thợ rèn - \ Vụ bê bối lớn nhất cung đình trong nhiều năm. Vậy hãy xét \ Trường hợp của tôi. Tôi rảnh rang, sinh ra là để không có gì làm, \ Đầu óc lơ mơ những nét nguệch ngoạc dưới bóng cây. \ Nhưng tình yêu đối với cô gái đẹp buộc chàng lười \ Phải hoạt động, phải siêng năng. \ Và hãy xem tôi này – vừa như in, siêng năng các bài tập buổi tối: \ Nếu muốn chữa căn bệnh lười biếng, bạn hãy yêu!

- Ovid, Tình Yêu, do Peter Green dịch

17

TẠO HIỆU ỨNG HỒI TƯỞNG

Những người mà trong quá khứ từng có những niềm vui nào đó thường cố gắng tìm kiếm lại những trải nghiệm ấy. Những kí ức vui vẻ nhất và bén rễ sâu nhất thường là từ thưở ấu thơ, và trong tiềm thức thường liên hệ với hình ảnh người cha hoặc mẹ. Hãy mang con mồi trở về thời điểm ấy bằng cách đặt mình vào tam giác phức cảm Oedipus (phức cảm người con ghen với cha hoặc mẹ mình) và xem họ như đứa trẻ đang thiếu thốn tình cảm. Không nhận thức được nguyên nhân sự đáp lại tình cảm của mình, họ sẽ phải lòng bạn. Nếu không thì, bạn cũng có thể đóng vai trò hồi tưởng, để họ làm người cha hay mẹ bảo vệ, chăm nom bạn. Trong cả hai trường hợp bạn đều đang cho họ niềm hạnh phúc tột cùng: đó là cơ hội được quan hệ thân mật với cha hoặc mẹ, con trai hoặc con gái của mình.

SỰ HỒI TƯỞNG NHỤC DỤC

Người lớn chúng ta thường đánh giá cao về tuổi thơ của mình. Vì bị phụ thuộc và không có quyền gì nên trẻ con thật sự phải chịu đựng, thế nhưng khi lớn lên ta lại quên mất điều đó và tình cảm hóa cái thiên đường đã để lại sau lưng. Ta quên những nỗi đau mà chỉ nhớ những niềm vui. Tại sao? Bởi lẽ gánh nặng trách nhiệm của một người lớn đôi khi quá nặng nề làm ta thầm mơ ước quay lại tình trạng phụ thuộc như thời thơ ấu, ước có được người chăm sóc mỗi một nhu cầu của ta, gánh giùm ta những lo lắng thường ngày. Giấc mơ hão huyền này của ta có một phần nhục dục mạnh mẽ vì cảm giác phụ thuộc của đứa trẻ đối với cha hoặc mẹ thường tích một chút dục tính. Cho một người cảm giác giống cảm giác phụ thuộc, được bảo vệ ấy của thời thơ ấu, họ sẽ chiếu toàn bộ những tưởng tượng lạc thú vào bạn, kể cả cảm giác yêu đương và hấp dẫn tình dục. Ta không muốn thừa nhận điều đó nhưng ta mong muốn được hồi tưởng lại, được trút bỏ lớp vỏ người lớn và thể hiện tình cảm trẻ con luôn đang chờ chực bên dưới lớp da.

Khi mới vào nghề, Sigmund Freud phải đối mặt với một vấn đề kì lạ: rất nhiều bệnh nhân nữ phải lòng ông. Ông nghĩ mình giải thích được điều đang xảy ra: được Freud khích lệ, người bệnh chìm sâu vào thời thơ ấu, dĩ nhiên đó chính là nguyên nhân gây bệnh cho họ. Họ sẽ nói về mối quan hệ với cha mình, kinh nghiệm đầu tiên về sự dịu dàng và tình yêu, và cả những thờ ơ và bỏ bê nữa. Quá trình này gợi nhớ đến những cảm xúc và kí ức mạnh mẽ. Ở một góc độ nào đó, họ được đưa ngược về thời thơ ấu. Hiệu ứng này càng tăng thêm khi chính Freud trở nên ít nói và tỏ vẻ hơi lạnh lùng, xa cách, mặc dù ông vẫn rất quan tâm – nói cách khác, giống như hình ảnh người cha thường gặp. Trong khi đó nạn nhân nằm trên ghế nệm, trong một tư thế thụ động và chơ vơ, tình huống đó lại càng làm tăng gấp đôi vai đóng của người cha và đứa con. Cuối cùng người bệnh hướng những tình cảm rối rắm đang cần được giải quyết này đến chính Freud. Không nhận thức được những gì đang diễn ra, họ sẽ liên hệ ông với cha mình. Họ sẽ hồi tưởng và phải lòng ông. Freud gọi hiện tượng này là “chuyển giao” và là một phần tích cực trong liệu pháp chữa trị của ông. Bằng cách khiến người bệnh chuyển những cảm giác bị đè nén sang bác sĩ, ông đã đưa vấn đề rắc rối của họ ra ngoài để chúng được điều trị ở cấp độ có ý thức.

Tuy nhiên, hiệu ứng chuyển giao quá mạnh mẽ đến mức Freud thường không thể khiến các bệnh nhân vượt qua sự đam mê ấy. Thực ra chuyển giao là một cách hiệu nghiệm để tạo ra gắn kết tình cảm – mục tiêu của bất kì cuộc quyến rũ nào. Phương pháp này có những ứng dụng vượt trội ngoài lĩnh vực phân tích tâm lí. Để thực tập nó ngoài đời, bạn cần đóng vai bác sĩ tâm lí, khích lệ người khác nói về tuổi thơ của họ. Hầu hết chúng ta rất thích được nói về điều đó chứ không hề là bắt buộc; và những kí ức của ta thì sống động và cảm xúc đến độ một phần trong ta chỉ hồi tưởng lại khi nói về những năm tháng đầu đời. Hơn nữa, trong khi nói, những bí mật nho nhỏ bị lộ ra: ta để lộ toàn những thông tin quí giá về nhược điểm và bản chất tâm hồn ta, những thông tin bạn cần chú ý và ghi nhớ. Không cần quan tâm đến giá trị bề mặt của lời nói của con mồi; họ thường khoác thêm lớp áo ngọt ngào hay kịch tính cho những sự kiện trong quá khứ. Nhưng hãy chú ý đến giọng nói của họ, đến bất kì một thoáng bối rối nào, và đặc biệt là những điều họ không muốn nói ra, những gì họ chối bỏ hay làm họ đầy xúc cảm. Nhiều câu thực ra mang nghĩa ngược lại: chẳng hạn như nếu họ nói mình rất ghét cha, bạn có thể chắc chắn rằng họ đang che dấu sự thất vọng – thật ra chỉ vì họ yêu cha quá nhiều và có lẽ đã không nhận được từ ông những gì mình muốn. Nghe kĩ những chủ đề hay câu chuyện lặp lại nhiều lần. Quan trọng nhất là hãy học cách phân tích phản ứng tình cảm và xem đằng sau đó là gì.

Khi nói chuyện hãy đứng ở góc độ người bác sĩ tâm lí – chú ý nhưng yên lặng, thỉnh thoảng nhận xét khách quan. Tỏ ra quan tâm nhưng vẫn xa cách – đúng hơn là không biểu lộ cảm xúc – rồi họ sẽ chuyển tình cảm và chiếu những ảo tưởng vui thú lên bạn. Với những thông tin thu được về tuổi thơ của họ và sợi dây tin tưởng đã tạo được, giờ đây bạn có thể bắt đầu tạo hiệu ứng hồi tưởng. Có lẽ bạn đã khám phá được mối quan hệ mật thiết với một người nào đó trong gia đình hay thầy giáo hay bất kì niềm say mê thời thơ ấu nào, một người ảnh hưởng đến tận cuộc sống hiện thời của họ. Khi biết được điều gì ở con người này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ như vậy, bạn sẽ đóng vai con người đó. Hoặc có thể bạn đã biết được khoảng trống lớn trong tuổi thơ của họ - chẳng hạn như một người cha vô trách nhiệm. Giờ bạn có thể đóng vai người đó nhưng thay vì vô trách nhiệm thì phải tỏ ra quan tâm và tình cảm, điều mà cha hoặc mẹ họ đã không thể cho họ. Ai cũng có những chuyện chưa hoàn thành trong thời thơ ấu – thất vọng, thiếu thốn, kí ức đau buồn. Hãy hoàn thành nốt những điều ấy. Khám phá những gì con mồi chưa bao giờ có, rồi bạn sẽ có được công thức cho một cuộc quyến rũ sâu xa.

Bí quyết là không chỉ nói về kí ức – rất yếu ớt. Điều cần làm là khiến con mồi hành động ở hiện tại giống những chuyện trong quá khứ mà họ không nhận thức được chuyện gì đang diễn ra. Sự hồi tưởng bạn tạo ra có thể chia làm bốn loại.

Hồi tưởng thời sơ sinh. Sợi dây đầu tiên – giữa mẹ và đứa trẻ sơ sinh – là sợi dây mạnh mẽ nhất. Khác với loài vật, đứa bé phải trải qua một thời gian dài không tự lo cho mình được mà phải phụ thuộc vào người mẹ, tạo ra một gắn kết ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống sau này của đứa bé. Tạo hiệu ứng hồi tưởng này là tái tạo cảm giác tình yêu không điều kiện mà người mẹ dành cho con mình. Chớ có phán xét con mồi – cứ để họ làm cái gì họ muốn, kể cả cư xử hư hỏng; đồng thời bảo bọc họ bằng tình yêu thương, quan tâm chăm sóc. Một phần trong họ sẽ hồi tưởng lại thời còn bé xíu khi mẹ chăm sóc cho họ mọi việc và hiếm khi nào để họ một mình. Điều này hiệu quả với hầu hết mọi người vì tình yêu không điều kiện là iểu tình yêu hiếm có và quí giá nhất. Thậm chí bạn không cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thơ của họ vì ai cũng đã từng có kinh nghiệm với kiểu quan tâm này. Cùng lúc đó, hãy tạo môi trường củng cố tình cảm bạn đang tạo dựng – không khí ấm áp, những hoạt động vui đùa, màu sắc tươi sáng.

Hồi tưởng Oedipus. Sau sợi dây tình cảm mẹ con là tam giác phức cảm Oedipus giữa mẹ, cha, và con (phức cảm trong đó con trai ghen với cha hoặc con gái ghen với mẹ). Tam giác này được tạo ra trong quá trình đứa bé hình thành những khái niệm đầu tiên về tính dục. Bé trai muốn mẹ là của riêng mình, bé gái cũng vậy với cha, nhưng chúng không thể nào có được điều đó vì cha mẹ luôn có mối gắn kết rất chặt chẽ với nhau hoặc với những người lớn khác. Tình yêu không điều kiện đã qua đi; không thể tránh được giờ đây người cha hoặc mẹ phải từ chối một số đòi hỏi của đứa bé. Đưa con mồi về lại thời điểm này. Đóng vai người cha hoặc mẹ - hãy yêu thương nhưng đôi khi cũng rầy la và đặt ra một số kỉ luật. Trẻ con luôn thích một chút kỉ luật vì khiến chúng cảm thấy người lớn có quan tâm đến mình. Và những người lớn làm trẻ con sẽ cực kì vui sướng nếu bạn pha lẫn dịu dàng với một chút cứng rắn và hình phạt.

Khác với hồi tưởng thời sơ sinh, hồi tưởng Oedipus phải được điều chỉnh phù hợp với con mồi. Điều đó phụ thuộc vào thông tin bạn đã thu thập được. Nếu biết chưa đầy đủ có thể bạn cư xử với con mồi như với một đứa trẻ, thỉnh thoảng còn la mắng họ, rồi cuối cùng khám phá ra rằng mình đang khơi dậy những kí ức tồi tệ - thời bé họ đã chịu đựng quá nhiều kỉ luật. Hoặc bạn có thể khơi gợi kí ức về người cha hoặc mẹ mà họ vô cùng căm ghét và họ muốn chuyển những tình cảm ấy lên bạn. Không tạo hiệu ứng hồi tưởng đến khi nào bạn đã biết những điều cần thiết về con mồi – cái gì họ đã có quá nhiều, cái gì còn thiếu, v.v. Nếu con mồi gắn kết chặt chẽ với người cha hoặc mẹ nhưng gắn kết vẫn có phần không tốt thì hồi tưởng Oedipus vẫn khá hiệu quả. Chúng ta luôn có cảm giác yêu ghét lẫn lộn đối với cha hoặc mẹ; thậm chí khi ta rất yêu họ, ta vẫn ghét phải phụ thuộc vào họ. Không cần thiết khơi dậy những tình cảm này vì chúng không giúp gắn kết cha mẹ và con cái. Hãy nhớ thêm vào một chút tính dục khi đóng vai người cha hoặc mẹ. Giờ đây con mồi không chỉ có được cha hoặc mẹ cho riêng họ mà còn hơn thế nữa, điều trước đây bị cấm đoán nhưng bây giờ lại được cho phép.

Hồi tưởng người lí tưởng. Thời trẻ con ta thường hình dung ra một người lí tưởng. Trước hết ta muốn mình trở thành con người lí tưởng đó. Ta tưởng tượng mình là những nhân vật phiêu lưu dũng cảm, những người lãng mạn. Sau đó ở tuổi dậy thì ta bắt đầu chú ý đến người khác, chiếu những lí tưởng của mình lên người đó. Người đầu tiên ta yêu dường như có những phẩm chất ta muốn chính mình có, hoặc là họ làm ta cảm thấy như được đóng vai lí tưởng đó khi quan hệ với họ. Hầu hết chúng ta mang theo mình những lí tưởng này, để chúng ngay dưới lớp da của mình. Ta thầm thất vọng thấy mình đã thỏa hiệp đến thế nào, đã hạ thấp đến mức nào so với lí tưởng thời nhỏ. Giúp con mồi cảm thấy như đang sống dậy những lí tưởng thời trẻ và tiến gần đến làm mẫu người họ muốn, bạn sẽ tạo được một kiểu hồi tưởng khác, tạo cảm giác nhớ lại giai đoạn dậy thì. Mối quan hệ giữa bạn và con mồi ở thời điểm này bình đẳng hơn những kiểu hồi tưởng trước – giống như tình cảm anh chị em. Thật ra những lí tưởng ấy thường được liên hệ với anh, chị hoặc em. Để tạo được hiệu ứng này, hãy cố tái tạo tâm trạng ngây thơ, sôi nổi của những đam mê thời trẻ.

Hồi tưởng ngược. Ở đây bạn là người hồi tưởng. Bạn cố ý đóng vai một đứa bé xinh xắn, dễ thương nhưng cũng gợi cảm. Người lớn tuổi luôn cảm thấy người nhỏ hơn quyến rũ đến khó tin. Trước sự hiện diện của tuổi trẻ, họ cảm thấy như một phần tuổi trẻ của mình quay lại; nhưng thật ra là già hơn nữa, và lẫn trong cảm giác sôi nổi khi có một người trẻ tuổi bên cạnh là niềm vui được đóng vai cha hay mẹ họ. Nếu đứa bé có cảm giác tính dục với cha hoặc mẹ mình, cảm giác ấy lập tức được kìm nén, thì người cha hoặc mẹ ngược lại cũng vậy. Hãy giả vờ đóng vai đứa con của con mồi và họ sẽ hành động lộ ra ngoài những tình cảm tính dục bị kìm nén ấy. Chiến thuật này dường như đòi hỏi phải có sự khác biệt tuổi tác nhưng thật ra cũng không cần thiết lắm. Những phẩm chất trẻ con được Marilyn Monroe cường điệu hóa vẫn có tác dụng tốt đối với những người đàn ông cùng tuổi. Cố ý để con mồi thấy điểm yếu ớt của mình sẽ cho họ cơ hội đóng vai người bảo vệ.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH

1. Cha mẹ nhà thơ Victor Hugo li thân không lâu sau khi ông ra đời. Mẹ ông, Sophie, đã có mối quan hệ lăng nhăng với một vị tướng là cấp trên của chồng bà. Bà đem ba đứa con nhà Hugo bỏ cha chúng lên Paris để nuôi dưỡng một mình. Bấy giờ các cậu bé có một cuộc sống rất xô bồ, vật lộn với đói nghèo, thường xuyên chuyển nhà, còn người mẹ thì tiếp tục quan hệ với vị tướng nọ. Trong ba người con, Victor là đứa gắn kết với mẹ nhất, tiếp thu những ý tưởng và tính bẳn hẳn như chó con của bà, đặc biệt là sự thù hận cha mình. Nhưng với tất cả những xáo động ấy thời thơ ấu, ông chưa bao giờ cảm thấy mình có đủ tình yêu thương, quan tâm từ người mẹ mà ông yêu quí. Khi bà mất năm 1821, nghèo khổ và nợ nần, thì ông suy sụp.

Một năm sau Hugo lấy người yêu thời thơ ấu của mình là Adèle, người có bề ngoài giống mẹ ông. Cuộc hôn nhân hạnh phúc được một thời gian nhưng rồi Adèle lại trở nên giống mẹ ông không chỉ vẻ bề ngoài: năm 1832 ông phát hiện bà có tư tình với nhà phê bình văn học Pháp Sainte-Beuve, lúc đó là bạn thân của ông. Bấy giờ Hugo đã trở thành một nhà văn nổi tiếng nhưng ông không phải là loại người thận trọng. Nói chung ông là kiểu người ruột để ngoài da. Tuy nhiên ông không thể tiết lộ với ai chuyện Adèle ngoại tình; điều đó thật nhục nhã. Giải pháp duy nhất là bản thân ông cũng ngoại tình, với các diễn viên, gái bao, phụ nữ có chồng. Hugo có sở thích kì lạ, đôi khi đến với ba người phụ nữ trong cùng một ngày.

Gần cuối năm 1832, vở kịch đầu tiên của Hugo bắt đầu được sản xuất nên ông phải giám sát diễn xuất. Một nữ diễn viên hai mươi sáu tuổi tên là Juliette Drouet đến thử giọng cho một vai nhỏ. Bình thường vốn rất khéo lóe với phụ nữ bỗng Hugo thấy mình cứ lắp ba lắp bắp trước Juliette. Rõ ràng đây là người phụ nữ đẹp nhất Hugo từng gặp, điều này và cả tính cách điềm tĩnh của cô làm Hugo thấy sợ hãi. Dĩ nhiên Juliette được nhận vai diễn. Ông thấy mình lúc nào cũng nghĩ đến cô ấy. Dường như lúc nào cô cũng được một nhóm đàn ông hâm mộ vây quanh. Rõ ràng cô không quan tâm đến ông, hoặc giả ông nghĩ vậy. Thế nhưng vào một buổi tối sau buổi diễn, ông theo chân cô trên đường về và thấy cô không tức giận cũng chẳng ngạc nhiên – thật ra cô còn mời ông lên nhà. Ông qua đêm ở đó và sau đó thì ở đó mỗi đêm.

Hugo đã tìm lại được hạnh phúc. Ông vui mừng khi Julliet bỏ nghiệp nhà hát, đoạn giao với bạn bè cũ và học nấu ăn. Trước đây cô yêu thích quần áo đẹp và giao tiếp xã hội nhưng giờ thì thành thư kí riêng của Hugo, hiếm khi rời khỏi căn hộ ông đã sắp đặt cho cô và dường như chỉ sống với sự lui tới của ông. Tuy nhiên chỉ một thời gian rồi Hugo lại quay lại con đường cũ và có những chuyện tình linh tinh khác bên ngoài. Cô không phàn nàn gì – miễn là ông vẫn quay về với cô. Và thật ra Hugo đã trở nên khá phụ thuộc vào cô.

Năm 1843, đứa con gái yêu quí của Hugo chết vì tai nạn khiến ông chìm vào đau khổ. Cách duy nhất ông có thể làm để vượt qua nỗi đau là đi hẹn hò với một người mới. Và vì vậy sau đó không lâu ông phải lòng một cô quí tộc đã có gia đình tên là Léonie d’Aunet. Càng lúc ông càng ít đến với Juliette. Vài năm sau khi chắc chắn rằng mình là người được yêu nhiều hơn, Léonie đưa ra một tối hậu thư cho ông: hoặc đoạn tuyệt hoàn toàn với Julliette hoặc kết thúc với cô ta. Hugo không đồng ý. Thay vì vậy ông quyết định đưa ra một cuộc thi: ông sẽ tiếp tục hẹn hò với cả hai người phụ nữ trong một vài tháng và con tim ông sẽ quyết định xem ông thích ai hơn. Léonie rất phẫn nộ nhưng cô không còn cách nào khác. Chuyện ngoại tình với Hugo đã khiến cô đổ vỡ hôn nhân và không còn chỗ đứng trong xã hội; cô bị phụ thuộc vào ông. Dù sao đi nữa thì làm sao cô thua được – cô đang thì xuân sắc còn Juliette giờ đây tóc đã điểm bạc. Vì thế cô vờ đồng ý tham gia cuộc thi nhưng càng lúc nỗi giận dữ trong cô càng lớn dần và cô bắt đầu oán trách. Còn Juliette thì vẫn cư xử với thái độ như không có gì xảy ra. Mỗi khi ông đến thăm, bà vẫn cư xử bình thường như trước, bỏ qua mọi chuyện để an ủi và chăm sóc ông.

Cuộc thi kéo dài nhiều năm. Vào năm 1851, Hugo gặp rắc rối với Louis-Napoleon, một người bà con với Napoleon Bonaparte, Tổng thống Pháp đương thời. Hugo vạch trần những khuynh hướng độc tài của ông trên báo chí với lời lẽ hơi coi thường vì Louis-Napoleon là một người thù dai. Lo sợ cho cuộc sống của nhà văn nên Juliette đã tìm cách giấu ông ở nhà một người bạn và chuẩn bị cho ông một tấm hộ chiếu giả, tìm cách cải trang đưa ông trốn sang Brussel. Mọi việc đã diễn ra theo đúng kế hoạch vạch ra, một vài ngày sau Juliette cũng đi theo ông, mang theo những tài sản có giá trị nhất của ông. Rõ ràng chính những hành động dũng cảm đó đã giúp bà giành được chiến thắng trong cuộc thi.

Tuy nhiên, sau khi kịch tính của cuộc sống mới đã qua đi thì bản tính lăng nhăng của ông lại trỗi dậy. Cuối cùng, lo lắng cho sức khỏe của ông và sợ rằng mình không còn đủ sức cạnh tranh với một cô nàng hai mươi tuổi nào nữa, rất bình tĩnh nhưng cương quyết bà đã đưa ra một yêu cầu: không được thêm một phụ nữ nào nữa cả hoặc bà sẽ ra đi. Vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng chắc rằng bà đang rất nghiêm túc, Hugo sụp xuống thổn thức. Giờ đã là một ông già, ông quì xuống và thề, trên Kinh Thánh và trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những người cùng khổ của mình, rằng sẽ không lăng nhăng nữa. Cho đến khi Juliette mất vào năm 1883, bùa mê của bà đối với ông hoàn toàn trọn vẹn.

Giải thích. Cuộc sống yêu đương của Hugo là do mối quan hệ giữa ông và mẹ mình quyết định. Ông chưa bao giờ cảm thấy mẹ yêu mình đủ nhiều. Hầu hết những phụ nữ ông quan hệ có hình dáng giống bà; ông muốn được bù đắp gấp nhiều lần tình yêu người mẹ đã không dành cho ông. Khi Juliette gặp ông, có lẽ bà đã không biết hết tất cả những điều này, nhưng chắc chắn bà cảm nhận được hai vấn đề: ông hoàn toàn thất vọng về vợ mình và ông chưa thực sự trưởng thành. Sự bộc phát cảm xúc và đòi hỏi được chăm sóc và chiều chuộng của ông khiến ông trông giống như một đứa trẻ hơn là người đàn ông. Bà sẽ có được quyền lực đối với phần còn lại của cuộc đời ông nếu cho ông thứ ông chưa bao giờ có được, đó là tình yêu trọn vẹn, vô điều kiện của người mẹ.

Juliette không bao giờ phán xét hay chỉ trích những thói hư của Hugo. Bà quan tâm chăm sóc ông không đòi hỏi; đến với bà giống như về lại lòng mẹ. Thật ra trước mặt bà, ông trở thành cậu bé nhỏ hơn bao giờ hết. Làm sao ông có thể từ chối bà điều gì hay rời bỏ bà? Và cuối cùng khi bà dọa sẽ ra đi, ông chỉ còn là một đứa bé yếu đuối khóc đòi mẹ. Cuối cùng bà đã có toàn bộ quyền lực đối với ông.

Tình yêu không điều kiện rất hiếm và khó tìm nhưng đó là điều mà ai cũng ao ước có được vì đó là điều tuyệt vời ta đã trải qua hoặc khao khát. Bạn không cần phải đi quá xa như Juliette Drouet; chỉ cần là những ngầm ý về sự quan tâm hết lòng, chấp nhận họ cho dù họ là ai, luôn đáp ứng nhu cầu của họ, bạn sẽ đặt họ vào vị trí một đứa bé sơ sinh. Cảm giác bị phụ thuộc có thể làm họ hơi sợ, khiến họ ngầm lưỡng lự và đôi khi thấy cần phải tự khẳng định mình, như Hugo đã có những cuộc tình khác. Nhưng sợi dây bạn cột họ sẽ rất mạnh mẽ nên họ sẽ quay lại để được nhiều hơn nữa vì bị ám ảnh bởi ảo giác rằng họ đang tìm lại được tình yêu người mẹ những tưởng đã mãi mãi mất đi, hoặc chưa bao giờ có.

2. Vào những năm sắp bước sang thế kỉ hai mươi, hiệu trưởng một trường đại học dành cho nam giới ở một thị trấn nhỏ ở Đức, Giáo sư Mut, bắt đầu cảm thấy ngày càng ghét các sinh viên của ông. Mut đã gần sáu mươi tuổi và đã làm việc ở trường này trong nhiều năm. Ông dạy tiếng Hy Lạp và La Tinh và là một học giả cổ điển tài giỏi. Ông luôn cảm thấy cần phải đặt ra những kỉ luật nhưng bây giờ càng ngày càng bậy: rõ ràng sinh viên không còn quan tâm đến Homer nữa. Họ nghe nhạc bậy và chỉ thích văn học hiện đại. Mặc dù họ chống đối, Mut cảm thấy họ mềm yếu và vô kỉ luật. Ông muốn dạy họ một bài học và làm họ khổ sở; cách ông thường đối phó với những đợt quậy phá của họ là đàn áp họ thẳng thừng, và thường là có hiệu quả.

Một ngày có một sinh viên mà Mut ghét – một thanh niên kiêu ngạo, ăn mặc đẹp tên Lohmann – đứng lên giữa lớp và nói, “Tôi không thể tiếp tục học trong lớp này, thưa Giáo sư. Nghe mùi bùn khủng khiếp.” Bùn là tên họ đã đặt cho Giáo sư Mut. Vị giáo sư chộp lấy tay Lomann, vặn mạnh rồi đuổi cậu ra khỏi phòng. Sau đó ông để ý thấy Lomann còn để quên cuốn tập lại trên bàn, lật qua ông thấy một đoạn viết về một nữ diễn viên tên Rosa Frohlich. Một âm mưu nảy ra trong đầu Mut: ông sẽ bắt quả tang Lomann đang lơn tơn với cô diễn viên này, rõ ràng là một người đàn bà hư hỏng, và sẽ tống cổ cậu chàng ra khỏi trường.

Trước hết ông phải tìm ra cô ả biểu diễn ở đâu. Ông tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng thấy tên cô bên ngoài một câu lạc bộ gọi là Thiên Thần Xanh. Ông bước vào. Đó là một nơi nồng khói thuốc, toàn dạng dân lao động mà ông vẫn coi thường. Rosa đang trên sân khấu. Cô đang hát; cách cô nhìn khán giả rất trâng tráo nhưng không hiểu sao Mut thấy ánh mắt ấy làm ông quên hết mọi tức giận. Ông nghỉ ngơi một chút, uống một chút rượu. Khi cô diễn xong, ông tìm đến phòng thay đồ, quyết tra hỏi cô chuyện Lomann. Vậy mà khi đã vào trong ông bỗng cảm thấy khó chịu kì lạ nhưng cũng cố lấy hết dũng cảm kết cô tội dụ dỗ những nam sinh và dọa sẽ báo cảnh sát đóng cửa câu lạc bộ này. Nhưng Rosa không hề e sợ. Cô lật ngược mọi câu nói của Mut: có lẽ ông mới chính là người khiến bọn học sinh lầm đường lạc lối. Giọng điệu của cô phỉnh phờ và châm biếm. Vâng, thì Lomann đã mua rượu và hoa cho cô – vây thì sao? Chưa ai dám nói chuyện với Mut kiểu này; giọng nói uy quyền của ông thường làm người khác phải chịu thua. Lẽ ra ông phải cảm thấy xúc phạm: cô ta ở tầng lớp thấp và là đàn bà, còn ông là một hiệu trưởng, vậy mà cô nói chuyện như thể họ đồng đẳng với nhau. Tuy nhiên ông không nổi giận cũng chẳng bỏ đi – có gì đó khiến ông ở lại.

Giờ thì cô im lặng. Cô nhặt chiếc vớ lên và cứ phớt lờ ông, bắt đầu mạng nó lại; mắt ông thì cứ dõi theo mỗi cử động của cô, đặc biệt là kiểu cô xoa cái đàu gối trần của mình. Cuối cùng ông lại nhắc chuyện Lomann và chuyện cảnh sát. “Ông không hề biết cuộc sống là như thế nào,” cô nói. “Mọi người đến đây đều nghĩ mình là viên sỏi nhỏ trên bãi biển. Nếu ông không cho họ cái họ cần, họ sẽ lấy cảnh sát ra đe dọa ông.” “Tôi vô cùng hối hận đã làm tổn thương một phụ nữ,” ông ngượng ngập. Khi cô đứng dậy khỏi ghế, đầu gối họ chạm nhau, ông thấy lạnh xương sống. Giờ cô lại tỏ ra tử tế, rót cho ông một chút rượu. Cô mời ông quay lại, rồi bỏ đi để diễn một tiết mục khác.

Ngày hôm sau ông vãn cứ nghĩ về những lời cô nói, và cả ánh nhìn. Nghĩ về cô ta khi đang dạy làm ông có một cảm giác sung sướng hư hỏng. Tối đó ông quay lại câu lạc bộ, vẫn quyết bắt quả tang Lomann, rồi lại thấy mình đang ở trong căn phòng ấy, uống rượu và trở nên thụ động kì lạ. Cô nhờ ông giúp mặc đồ; dường như đó là một vinh hạnh và ông đã giúp. Giúp cô mặc áo ngực và trang điểm, ông quên bén chuyện Lomann. Ông thấy mình đang dấn thân vào một thế giới khác. Cô véo má và xoa cằm ông, đôi khi để ông liếc ngắm cặp chân trần khi cô kéo vớ lên.

Giờ thì Giáo sư Mut xuất hiện hết đêm này đến đêm khác, giúp cô thay quần áo, xem cô biểu diễn, với sự tự hào kinh ngạc. Ông đến đó thường xuyên đến độ Lomann và các bạn cậu không xuất hiện nữa. Ông đã thay chỗ của họ - ông là người tặng hoa cho cô, trả tiền rượu cho cô, là người phục vụ cho cô. Vâng, một người đàn ông như ông đã thắng anh chàng Lomann trẻ tuổi vốn cứ nghĩ anh ta quyến rũ lắm! Ông rất thích mỗi khi cô xoa cằm khen ông làm tốt nhưng ông còn thích thú hơn nữa khi cô quở trách, ném bông phấn vào mặt hay xô ông ngã xuống ghế. Điều đó có nghĩa là cô thích ông. Vậy là dần dân ông chi trả cho tất cả những thất thường của cô. Cũng khá nhiều tiền nhưng giữ được cô tránh xa những gã đàn ông khác. Cuối cùng ông cầu hôn cô. Họ cưới nhau rắc rối nối tiếp nhau kéo đến: ông mất việc, nhanh chóng hết tiền và cuối cùng vào tù. Tuy nhiên cuối cùng lại ông vẫn không hề giận Rosa. Ông lại còn cứ thấy áy náy: mình chưa làm được gì nhiều cho cô ấy.

Giải thích. Giáo sư Mut và Rosa Frohlich là những nhân vật trong tiểu thuyết Thiên Thần Xanh của Heinrich Mann viết năm 1905, sau đó chuyển thể thành phim do Marlene Dietrich đóng vai chính. Cách Rosa quyến rũ Mut là theo kiểu hồi tưởng Oedipus cổ điển. Trước tiên, người nữ đối xử với người nam giống kiểu mẹ với con trai. Cô la rầy ông nhưng kiểu rầy la không dữ tợn mà dịu dàng pha chút chọc ghẹo. Là người mẹ, bà biết mình đang cư xử với một người yếu thế hơn, một người cứ hư hỏng không kìm chế được. Bà pha lẫn trong quở trách những lời khen ngợi và động viên. Một khi người đàn ông đã bắt đầu hồi tưởng, bà lại thêm vào yếu tố thể chất – một chút đụng chạm thân thể khiến ông thích thú, tinh tế gợi một chút nhục dục. Nếu người đàn ông hồi tưởng, họ có thể sẽ có được phần thưởng rất sung sướng, đó là ngủ với mẹ mình. Nhưng phải luôn có một yếu tố cạnh tranh mà người mẹ phải cố tình nhấn mạnh. Người đàn ông phải dành được mẹ cho riêng mình, điều ông đã không làm được khi có cha, nhưng trước hết ông phải dành được bà từ những người khác.

Bí quyết của kiểu hồi tưởng này là xem con mồi như con trẻ. Không gì về họ làm bạn sợ cho dù họ có quyền lực hay vị thế trong xã hội đến thế nào đi nữa. Kiểu cách của bạn phải cho thấy bạn là bên mạnh hơn. Để được vậy có lẽ nên tưởng tượng họ khi còn nhỏ; bỗng nhiên những kẻ quyền lực dường như không còn uy quyền và đáng sợ nữa khi bạn tưởng tượng lúc họ còn nhỏ. Hãy nhớ rằng có những người dễ rung động hơn đối với hồi tưởng Oedipus. Hãy tìm những người, giống Giáo sư Mut, bên ngoài có vẻ rất trưởng thành – khắt khe, nghiêm trọng, hơi tự mãn. Họ đang cố gắng kìm nén khuynh hướng hồi tưởng để khỏa lấp những nhược điểm của mình. Thường người dường như có thể tự điều khiển mình nhất là những người dễ hồi tưởng nhất. Thật ra họ thầm ao ước điều đó vì quyền lực, vị thế, trách nhiệm họ đang mang là gánh nặng hơn là niềm vui.

3. Sinh ra năm 1768, nhà văn Pháp Francois René de Chateaubriand lớn lên trong tòa lâu đài thời trung cổ ở Britany. Tòa lâu đài lạnh lẽo và u ám như thể có thể có những con ma quá khứ cư ngụ. Cả gia đình sống gần như ẩn dật ở đó. Chateaubriand hầu như suốt ngày ở cùng với người chị tên Lucile và gắn kết với chị đến độ xung quanh đồn đãi họ loạn luân. Nhưng khi ông khoảng mười lăm tuổi, một người phụ nữ mới tên Sylphide bước vào cuộc đời ông – một phụ nữ ông tự tưởng tượng ra, một tổng hợp tất cả những anh hùng, vị thánh, gái bao ông đã đọc trong sách. Ông thường xuyên hẹn hò với hình ảnh của bà trong tưởng tượng và nghe cả giọng nói của bà. Sau đó bà còn đi dạo, nói chuyện với ông. Ông tưởng tượng bà trong sáng và thanh cao, nhưng đôi khi họ cũng làm những chuyện không trong sáng lắm. Ông tiếp tục mối quan hệ này trong hai năm, đến khi ông đi Paris và thay thế Sylphide bằng những phụ nữ bằng da bằng thịt.

Công chúng Pháp, đang mệt mỏi sau những trận khủng bố những năm 1970, chào đón nồng nhiệt quyển sách đầu tiên của Chateaubriand, cảm nhận trong đó một tinh thần mới. Tiểu thuyết của ông đầy những lâu đài lộng gió, những anh hùng cô độc và những nữ anh hùng đầy tình cảm. Chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi. Chính Chateaubriand giống những nhân vật trong tiểu thuyết của ông, và cho dù có ngọai hình không quyến rũ lắm, phụ nữ vẫn điên cuồng chạy theo ông – với ông họ có thể trốn khỏi những cuộc hôn nhân chán ngắt của mình để sống kiểu tình yêu lãng mạn sôi động như trong tiểu thuyết ông viết. Tên mọi người thường gọi Chateaubriand là Bùa Mê, và dù ông đã có vợ và là một tín đồ ngoan đạo của Thiên Chúa giáo, số chuyện ngoại tình của ông tăng lên theo năm tháng. Nhưng ông có bản chất không ngơi nghỉ - ông du lịch đến Trung Đông, đến Mỹ rồi khắp cả châu u. Đến bất kì đâu ông cũng không thể tìm được thứ mình cần và cả người phụ nữ thật sự của mình nữa: khi những kịch tính ban đầu của một cuộc tình qua đi, ông lại ra đi. Cho đến năm 1807 ông đã có quá nhiều chuyện tình, nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, đến độ ông quyết định rút lui về tòa lâu đài ở vùng quê của mình gọi là Vallée aux Loups. Ở đây ông bắt đầu trồng các loại cây từ khắp thế giới, biến vùng đất này thành một nơi như trong tiểu thuyết của ông. Cũng tại đây ông bắt đầu viết tự truyện mà ông mường tượng sẽ là kiệt tác của mình.

Tuy nhiên đến năm 1817, cuộc đời Chateaubriand bắt đầu xuống dốc. Vấn đề tài chính buộc ông phải bán Vallée aux Loups. Đã trạc lục tuần, ông chợt cảm thấy già, cảm hứng cạn kiệt. Năm đó ông đến thăm nhà văn Phu nhân Stael, bị bệnh nặng và đang cận kề cái chết. Ông ở bên giường bệnh nhiều ngày, cùng người bạn thân của bà là Juliette Récamier. Chuyện tình của Phu nhân Récamier cũng rất nổi tiếng. Bà được gả cho một người đàn ông hơn nhiều tuổi nhưng họ không sống với nhau trong một thời gian; bà đã làm tan vỡ trái tim nhiều người đàn ông danh tiếng ở châu u, trong đó có Hoàng tử Metternich, Công tước Wellington và nhà văn Benjamin Constant. Còn có cả tin đồn đại rằng mặc cho những yêu đương lăng nhăng bà vẫn còn là một trinh nữ. Giờ đây đã gần bốn mươi nhưng bà vẫn là loại người dường như ở độ tuổi nào cũng trẻ trung. Gần gũi nhau hơn khi cùng lo lắng cho cái chết của Stael, bà và Chateubriand đã thành bạn bè. Bà luôn chăm chú lắng nghe, thông hiểu tâm trạng của ông, làm ông cảm thấy như cuối cùng mình đã gặp được người phụ nữ hiểu mình. Phu nhân Récamier có gì đó rất thanh tao. Dáng đi, giọng nói, ánh mắt – nhiều đàn ông đã so sánh bà với những thiên thần siêu trần. Không lâu sau Chateubriand bị thiêu đốt bởi khao khát muốn sở hữu bà trọn vẹn.

Một năm sau bà có một ngạc nhiên cho ông: bà đã thuyết phục một người bạn mua Vallée aux Loups. Người bạn có việc đi xa vài tuần nên bà mời Chateubriand cùng bà đến khu nhà cũ của ông một thời gian. Ôngười vui vẻ nhận lời. Ông dẫn bà đi xem xung quanh, kể bà nghe từng mảnh đất nhỏ có ý nghĩa với ông đến mức nào, những kí ức mà khu nhà gợi ông nhớ lại. Ông lại cảm thấy trong mình dậy lên cảm giác tươi trẻ, cảm giác mà dường như ông đã quên mất. Ông chìm sâu vào quá khứ, kể lại những chuyện thời thơ ấu. Giây phút này, dạo bộ cùng Phu nhân Récamier, nhìn vào đôi mắt ấm áp ấy, ông chợt run rẩy nhận thấy điều gì đó, nhưng ông vẫn chưa định hình được đó là gì, chỉ biết rằng ông phải ngược về những kí ức đã bị xếp lại. “Tôi định dùng ít thời gian còn lại để tường thuật lại tuổi thanh xuân của mình,” ông nói, “miễn là tôi còn cảm thấy được cái chất ấy trong mình.”

Dường như Phu nhân Récamier cũng đáp lại tình yêu của Chateubriand nhưng như mọi khi, bà cố gắng giữ cho nó chỉ là một chuyện tình về tinh thần. Tuy nhiên ông rất xứng đáng với biệt danh Bùa Mê. Thơ của ông, vẻ âu sầu và sự kiên nhẫn cuối cùng đã chiến thắng và bà chịu thua cuộc, có lẽ là lần đầu tiên trong đời. Giờ đây đã là tình nhân, họ không thể chia rẽ nữa. Nhưng như mọi khi đối với Chateaubriand, qua một thời gian thì một người phụ nữ dường như chưa đủ. Bản chất không ngơi nghỉ dường như lại quay trở lại. Ông lại bắt đầu ngoại tình. Không lâu sau hai người không hạn hò nhau nữa.

Năm 1832 Chateubriand đang chu du khắp Thụy Điển. Một lần nữa cuộc đời ông lại xuống dốc; đến lần này ông mới thật sự cảm thấy già đi, cả cơ thể và tinh thần. Tại dãy Anpơ, những ý tưởng kì lạ thời trẻ lại ồ ạt kéo về, những kí ức trong lâu đài ở Brittany. Ông nghe đâu Phu nhân Récamier lúc đó cũng đang ở trong vùng này. Ông đã không gặp bà nhiều năm nên vội vã đến ngay quán trọ bà đang ở. Bà vẫn đối tốt với ông như mọi khi; cả ngày họ cùng nhau đi dạo, rồi đêm đến cùng thức thật khuya, nói chuyện.

Một ngày kia, Chateubriand bảo Récamier rằng cuối cùng ông đã quyết định kết lại cuốn hồi kí. Và ông có một điều phải thú nhận: ông kể bà nghe chuyện Sylphide, người tình trong tưởng tượng thời đang lớn. Ông từng hy vọng được gặp Sylphide trong đời thật nhưng những phụ nữ ông gặp so ra lại quá nhạt nhòa. Năm tháng qua đi ông quên mất người tình trong tưởng tượng này, nhưng giờ đây khi đã già, ông không chỉ nghĩ về cô ấy trở lại mà còn thấy được khuôn mặt, nghe được giọng nói của cô ấy. Và những kí ức ấy giúp ông nhận thấy thật ra mình đã gặp Sylphide trong đời thật – đó là Phu nhân Récamier. Khuôn mặt và giọng nói ấy rất gần gũi. Quan trọng hơn nữa là tư chất điềm tĩnh, phẩm chất trinh nữ, thanh cao. Đọc cho bà nghe những lời cầu nguyện ông viết cho Sylphide, ông bảo ông muốn được trẻ lại, và hẹn hò với bà mang lại cho ông tuổi thanh xuân. Làm lành với Phu nhân Récamier, ông lại tiếp tục viết tiếp cuốn hồi kí, và cuối cùng xuất bản với tựa đề Kí ức từ Bên ngoài Nấm mồ. Hầu hết các nhà phê bình công nhận đây là một tuyệt tác của ông. Cuốn hồi kí được đề tặng cho Phu nhân Récamier, người mà ông cận kề đến lúc ông mất vào năm 1848.

Giải thích. Chúng ta ai cũng mang theo mình một mẫu người lí tưởng mà ta mơ ước được gặp, được yêu. Thường thì mẫu người này tập hợp những phẩm chất tốt đẹp từ nhiều người ta gặp khi còn nhỏ, thậm chí từ cả những nhân vật trong truyện hay phim. Những người thường xuyên tác động đến ta – chẳng hạn như một giáo viên – cũng có nhiều ảnh hưởng. Những nét tính cách này chẳng liên quan đến những thói quen thông thường mà thường là vô thức, khó diễn đạt thành lời.

Ở tuổi dậy thì khi thường lí tưởng hóa mọi việc ta thường cố công tìm kiếm mẫu người này. Thường tình yêu đầu đời của ta mang những nét tính cách này nhiều hơn là những chuyện tình sau đó. Đối với Chateubriand, sống kiểu nửa ẩn dật trong tòa lâu đài thời thơ ấu, tình yêu đầu đời của ông là người chị Lucile, người ông yêu quí và lí tưởng hóa. Nhưng vì yêu chị là không thể được nên ông tạo ra trong trí tưởng tượng một người có tất cả những nét tính cách của chị mà ông thích – tinh thần thanh cao, trong sáng, dũng cảm.

Phu nhân Récamier có thể không biết chuyện mẫu người lí tưởng của Chateubriand nhưng bà biết một điều về ông, biết rõ ngay cả trước khi gặp ông. Bà đã đọc hết những cuốn sách ông viết, và những nhân vật trong truyện lại mang tính tự truyện cao. Bà biết nỗi ám ảnh về tuổi xuân đã mất của ông; và ai cũng biết những chuyện tình không dứt và không biết mệt mỏi của ông, tinh thần không hề muốn ngơi nghỉ của ông. Phu nhân Récamier biết cách phản chiếu người khác, đi vào tâm hồn họ, và một trong những bước đầu tiên của bà là đưa Chateubriand về lại khu nhà Vallée aux Loups, nơi ông cảm thấy mình đã để lại một phần tuổi xuân nơi đó. Những kí ức sống lại, ông hồi tưởng xa hơn về thời thơ ấu, về những ngày ở lâu đài. Bà tích cực khuyến khích điều này. Điều quan trọng nhất, bà là hiện thân cho một tinh thần đến với bà một cách tự nhiên nhưng lại hợp với lí tưởng thời trẻ của ông: trong sáng, thanh cao, tốt bụng. Chuyện rất nhiều người đàn ông phải lòng bà cho thấy họ cũng có những lí tưởng tương tự như vậy.) Phu nhân Récamier là Lucile/Sylphide. Phải mất nhiều năm sau ông mới nhận ra điều đó và khi nhận ra thì bùa mê của bà đối với ông trở nên trọn vẹn.

Gần như không thể hiện thân hoàn toàn cho lí tưởng của ai đó. Nhưng nếu càng giống, nếu khơi gợi được những lí tưởng đó, bạn sẽ dẫn dụ được người đó dấn sâu vào vòng quyến rũ của mình. Muốn tạo hiệu ứng hồi tưởng, bạn phải đóng vai một bác sĩ tâm lí. Khiến con mồi mở cánh cửa quá khứ, nhất là những cuộc tình đã qua và đặc biệt nhất là tình yêu đầu tiên của họ. Hãy để ý mọi biểu hiện thất vọng, người này người kia đã không đáp ứng được những gì họ muốn như thế nào. Dưa họ đến những nơi có thể khơi gợi lại tuổi trẻ. Hồi tưởng kiểu này không khơi gợi nhiều đến sự phụ thuộc và chưa trưởng thành mà gợi nhớ đến tinh thần tươi mới của tình yêu đầu đời. Có một nét trong sáng trong mối quan hệ này. Cuộc sống của người lớn có quá nhiều thỏa hiệp, quỷ quyệt và một chút khắc nghiệt. Tạo môi trường lí tưởng bằng cách loại bỏ những thứ đó, đưa người kia vào một mối quan hệ yếu ớt, tạo lại cảm giác trinh nguyên. Chuyện tình này phải mang chút tính chất như trong mơ, như thể con mồi đang sống lại tình yêu đầu đời của mình nhưng không thể tin được điều đó. Hãy khiến tất cả những lí tưởng này dần dần được hé mở Cảm giác được sống lại những vui vẻ thời quá khứ rõ ràng là điều không thể từ chối được.

4. Khoảng mùa hè năm 1614, nhiều thành viên giới quí tộc Anh, trong đó có Tổng Giám mục thành phố Canterbury, họp lại để bàn xem phải đối phó thế nào với Bá tước Somerset, người được vị vua James đệ nhất lúc này đã bốn mươi tám tuổi sủng ái. Sau tám năm được sủng ái, vị bá tước nọ đã thâu tóm được nhiều quyền lực và của cải, và cả những tước vị, đến mức chẳng còn gì cho người khác. Nhưng làm sao tống khứ được con người giờ đã đầy quyền uy này? Lúc bấy giờ những người đang bày mưu tính kế này không tìm được câu trả lời.

Một vài tuần sau, khi nhà vua kiểm tra chuồng ngựa hoàng gia, ông thấy một thanh niên mới vào triều: chàng thanh niên George Villiers hai mươi hai tuổi, một người thuộc tầng lớp thấp. Các quan chức tháp tùng nhà vua ngày hôm đó quan sát thấy ánh mắt nhà vua cứ dõi theo Villiers và ông hỏi han về người thanh niên này với thái độ quan tâm đến thế nào. Thật ra ai cũng phải thừa nhận rằng đây là một thanh niên rất đẹp, có khuôn mặt thiên thần và dáng vẻ trẻ con rất lôi cuốn. Khi tin nhà vua quan tâm đến Villiers đến tai những người đang bày mưu, họ biết ngay rằng mình đã tìm được điều cần tìm: một thanh niên có thể quyến rũ được đức vua và thay thế ke rdj sủng ái đáng sợ kia. Tuy nhiên để tự nhiên thì việc quyến rũ sẽ không thể nào xảy ra. Họ phải giúp xúc tiến điều đó. Vì vậy họ làm bạn với Villiers mà không cho anh ta biết kế hoạch của mình.

Vua James là con trai của nữ hoàng Mary triều đại Scots. Tuổi thơ của ông là một cơn ác mộng: cha ông, người được mẹ ông sủng ái nhất, và toàn bộ ê kíp của ông bị sát hại; mẹ ông lúc đầu bị đày, sau bị hành hình. Khi James còn nhỏ, để tránh bị nghi ngờ ông phải giả vờ bị tâm thần. Ông căm ghét hình ảnh thanh gươm và không chịu được một dấu hiệu nhỏ nhất của việc tranh cãi. Khi người em họ là Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất qua băng hà năm 1603 không người nối dõi, ông trở thành vua Vương Quốc Anh.

James tập trung quanh mình những thanh niên vui vẻ, sáng sủa và dường như thích nam giới hơn. Năm 1612, con trai ông là hoàng tử Henry mất. Đức vua không thể nào nguôi ngoai được. Ông cần tiêu khiển và được cổ vũ mà người được ông sủng ái, Bá tước Somersest, thì giờ không còn trẻ trung và quyến rũ nữa. Thời cơ cho một cuộc quyến rũ đã chín muồi. Vì vậy những người bày mưu bắt đầu huấn luyện Villiers dưới danh nghĩa giúp anh tiến thân trong triều đình. Họ cho anh ta một tủ quần áo lộng lẫy, trang sức, một cỗ xe sang trọng, những thứ mà nhà vua thường để ý. Họ tập anh ta cưỡi ngựa, đấu kiếm, chơi quần vợt, chơi chim cảnh, chó cảnh. Anh được dạy nghệ thuật nói chuyện – làm thế nào để tâng bốc, kể chuyện hài, thở dài đúng lúc. Cũng may Villiers là người tiếp thu tốt; bản chất anh ta vui vẻ và dường như không gì làm anh ta bận tâm nhiều. Cùng năm đó, những người bày mưu sắp xếp để anh được chọn làm người rót nước trong cung điện: mỗi tối anh ta rót rượu cho nhà vua để ngài nhìn anh ta gần hơn. Sau một vài tuần nhà vua đã phải lòng anh ta. Anh chàng dường như cầu xin được quan tâm và nhẹ nhàng chăm sóc, chính là những gì ngài muốn ban phát. Thật tuyệt vời khi uốn nắn và dạy dỗ anh ta! Và anh ta có một vóc dáng thật hoàn hảo!

Những người bày mưu thuyết phục Villiers hồi hôn với một cô gái trẻ; nhà vua là người một lúc chỉ quan hệ tình cảm với một người và không chịu được việc phải tranh giành trong tình cảm. Không lâu sau nhà vua lúc nào cũng muốn quanh quẩn bên Villiers vì anh có những tính cách mà ngài ao ước: ngây thơ và một tinh thần vô tư lự. Nhà vua chọn Villiers làm người chăm sóc phòng ngủ cho ngài để họ có thể ở riêng với nhau. Điều đặc biệt lôi cuốn James là Villiers không hề đòi hỏi một điều gì.

Cho đến năm 1616 Villiers đã hoàn toàn thay thế được người được sủng ái cũ. Giờ anh ta là Bá tước Buckingham và là thành viên trong Hội đồng cơ mật. Tuy nhiên trước sự sửng sốt của những người bày mưu, anh ta nhanh chóng thâu tóm các đặc quyền đặc lợi thậm chí còn nhiều hơn cả Bá tước Somerset trước đây. Nhà vua thường gọi anh ta là người yêu trước công chúng, sửa áo hay chải tóc cho anh ta. James sốt sắng bảo vệ người mình yêu quí, lo lắng gìn giữ sự trong sáng chàng thanh niên. Ngài chăm sóc từng ý thích của anh ta, thực tế là biến thành nô lệ của anh ta. Thực ra nhà vua dường như đang hồi tưởng; mỗi khi Steenie, tên ngài đặt cho anh ta, bước vào phòng, anh ta hành động như một đứa trẻ. Hai người không thể tách rời nhau cho đến khi nhà vua mất năm 1625.

Giải thích. Chúng ta bị in đậm dấu ấn của cha mẹ theo kiểu mà ta không thể nào hoàn toàn hiểu được. Nhưng cha mẹ cũng bị đứa con ảnh hưởng và quyến rũ tương tự như vậy. Có thể họ đóng vai người bảo vệ nhưng trong quá trình đó lại tiếp thu tinh thần và năng lượng của đứa con, sống lại một phần tuổi thơ của họ. Và cũng giống như đứa trẻ đấu tranh chống lại cảm giác nhục dục đối với cha mẹ, cha mẹ cũng phải đè nén cảm giác ấy dưới sự dịu dàng chăm sóc con. cách tốt nhất và ngấm ngầm nhất để quyến rũ người khác là tự đặt mình ở vị trí đứa trẻ. Cứ nghĩ mình mạnh mẽ hơn, quyền uy hơn, họ sẽ bị lôi vào lưới của bạn. Họ sẽ cảm thấy không có gì đáng sợ. Tôn lên vẻ chưa trưởng thành và yếu ớt của bạn để họ có được niềm vui bảo vệ, nuôi dưỡng bạn – một khao khát mạnh mẽ khi người ta có tuổi. Điều họ không nhận ra là bạn đã luồn lách dưới lớp da của họ - chính đứa bé là người điều khiển người lớn. Sự ngây thơ của bạn làm họ muốn bảo vệ bạn và lại là quan hệ có tích dục tính. Ngây thơ có tính quyến rũ cao; một số người thậm chí còn ao ước được đóng vai người hủy hoại tính ngây thơ. Khuấy động cảm giác nhục dục tiềm ẩn trong họ và bạn có thể dẫn dụ họ lầm đường lạc lối vì họ luôn hy vọng có được lạc thú bấy lâu bị kìm nén: được ngủ với đứa trẻ. Trước mặt bạn họ cũng bắt đầu hồi tưởng vì bị tiêm nhiễm bởi sự trẻ con, vui đùa của bạn.

Tất cả những điều này dường như đến với Villiers một cách tự nhiên nhưng bạn phải có tính toán một chút. Cũng may là chúng ta ai cũng có trong mình khuynh hướng trẻ con có thể dễ dàng khơi gợi lại và cường điệu hóa lên. Hãy làm như những cử chỉ của mình tình cờ và tự nhiên. Những yếu tố nhục dục phải tỏ ra ngây thơ. vô thức. Giống như Villiers đừng vội đòi hỏi điều gì. Cha mẹ hay thích làm hư những đứa trẻ không đòi hỏi điều gì. Tỏ vẻ không nhận xét, chỉ trích những gì diễn ra xung quanh sẽ làm bạn dường như tự nhiên và ngây thơ hơn. hãy sống vui vẻ, thoải mái nhưng có một chút bỡn cợt. Tôn lên những điểm yếu của mình, những điều bạn không thể kiểm soát được. Hãy nhớ: hầu như ai cũng nhớ lại thời thơ bé với sự trìu mến nhưng nghịch lí là những người có mối gắn kết chặt chẽ với thời thơ ấu chính là những người có tuổi thơ khó khăn nhất. Thật ra hoàn cảnh không cho họ được làm trẻ con nên họ không thể lớn lên và ao ước cái thiên đàng mình chưa được nếm trải. James đệ nhất rơi vào trường hợp này. Những loại người này là những con mồi thích hợp nhất cho chiến thuật hồi tưởng ngược.

BIỂU TƯỢNG

Cái Giường. Nằm một mình trên giường, đứa bé cảm giác không được bảo vệ, sợ sệt, cần có người chăm sóc. Ở phòng bên cạnh có chiếc giường của ba mẹ. Nó lớn nhưng bị cấm đoán, nơi có những chuyện mà bạn không được phép biết. Hãy cho con mồi cả hai cảm giác – cần được chăm sóc và vượt giới hạn cho phép – khi đặt họ lên giường và ru họ ngủ.

ĐIỂM YẾU

Đảo ngược các chiến thuật hồi tưởng, các bên trong quá trình quyến rũ đều sẽ phải làm người lớn. Điều này không chỉ hiếm có mà còn chẳng vui vẻ lắm. Quyến rũ là nhận thấy những lạc thú nào đó. Làm một người lớn chín chắn và trách nhiệm không phải là một lạc thú, đó là trách nhiệm. Hơn nữa, một người lớn trong quan hệ với bạn khó quyến rũ hơn nhiều. Trong các kiểu quyến rũ – chính trị, truyền thông, cá nhân – con mồi phải hồi tưởng. Nguy hiểm duy nhất là đứa bé quá sợ cảm giác bị phụ thuộc sẽ quay lại nổi loạn, chống lại người đóng vai cha hay mẹ chúng. Bạn phải chuẩn bị điều này, nhưng đừng giống cha mẹ thực sự, đừng bao giờ làm nghiêm trọng điều đó.

[Ở Nhật,] cách nuôi dạy trẻ truyền thống dường như nhấn mạnh tính phụ thuộc thụ động. Đứa bé, ngày hay đêm, không bao giờ bị bỏ một mình ví nó thường được ngủ với mẹ. Khi ra ngoài, đứa bé không được đẩy trong xe nôi để nó đối mặt với thế giới mà được buộc chặt trên lưng mẹ bằng một tấm khăn ấm áp. Khi người mẹ cúi chào ai, đứa bé cũng làm theo vì vậy sự duyên dáng trong xã hội có được một cách tự nhiên khi nó cảm nhận nhịp tim đập của mẹ. Vì vậy cảm giác an toàn dường như phụ thuộc hoàn toàn vào sự có mặt của người mẹ.

...Trẻ con biết rằng thể hiện sự phụ thuộc thụ động cách tốt nhất để có được tình cảm hay điều mình muốn. Có một từ cho điều này trong tiếng Nhật: amaeru, được dịch là “đoán chừng được tình cảm của người khác; hành động như trẻ con”. Theo bác sĩ tâm lí Doi Takeo đây là điểm mấu chốt để giải thích tính cách của người Nhật. Điều đó còn tiếp tục đến cuộc sống sau này khi trưởng thành: người nhỏ hơn thường cung kính người lơn hơn, hay trong bất kì nhóm người nào trong xã hội, phụ nữ thường cung kính đàn ông, đàn ông thì cung kính mẹ và đôi khi cả vợ...

...Tạp chí Phụ Nữ Trẻ (trên số báo Tháng 01/1982) có một bài đặc biệt về “cách tự làm đẹp”, nói cách khác là làm thế nào hấp dẫn đàn ông. Tiếp theo, một tạp chí Mỹ hay châu u thường sẽ cho độc giả biết cách làm thế nào để gây thèm muốn tình dục, dĩ nhiên là đề nghị các loại bông phấn, kem dưỡng da và nước hoa. Nhưng Phụ Nữ Trẻ thì không thế. Nó cho biết, “Những phụ nữ hấp dẫn nhất là những người có tình mẹ bao la. Những phụ nữ không có tình mẹ là loại người không nam giới nào muốn lấy làm vợ... Phải nhìn đàn ông dưới con mắt một người mẹ.”

- Ian Buruma, Sau chiếc mặt nạ: Về những con quỉ tình dục, những người mẹ thiêng liêng, những tay găngxtơ, những kẻ lang bạt và những anh hùng khác trong văn hóa Nhật

Tôi đã nhấn mạnh rằng người ta yêu phải là người thay thế cho cái bản ngã lí tưởng của ta. Hai người yêu nhau là đang hoán đổi cái lí tưởng của mình. Họ yêu nhau chính là họ yêu cái lí tưởng của chính mình ở người kia. Sẽ không có tình yêu trên trái đất nếu không có nguyên tắc đó. Chúng ta yêu vì không thể có được cái tôi tốt hơn của chính mình. Khái niệm này cho thấy rõ ràng tình yêu chỉ có được trong một bối cảnh văn hóa nào đó hoặc khi sự phát triển nhân cách đã đạt đến một giai đoạn nhất định. Việc tạo ra bản ngã lí tưởng đánh dấu một bước tiến triển của loài người. Khi người ta hoàn toàn hài lòng với cái tôi thực tại của mình, sẽ không thể có tình yêu. Việc chuyển cái tôi lí tưởng sang một người khác là đặc điểm cơ bản nhất của tình yêu.

- Theodore Reik, Tình yêu và Tình dục

Tôi cho [Sylphide] đôi mắt của một cô gái trong làng, làn da tươi mát của một cô gái khác. Chân dung của những phụ nữ vĩ đại thời Francis I, Henry IV và Louis XIV treo trong phòng tranh cho tôi mượn những đặc điểm khác, thậm chí tôi còn mượn nét đẹp trong những bức tranh chụp Madonna trong nhà thờ. Nhân vật ảo thuật này tàng hình theo tôi mọi nơi, tôi nói chuyện với cô ấy như với một người thật; cô thay đổi hình dáng tùy theo tính điên rồ của tôi; Aphrodite không đeo mạng che mặt, Diana khuất sau bầu trời xanh và hoa hồng, Thalia trong chiếc mặt nạ cười, Hebe với chiếc ly tuổi xuân – hoặc cô ấy biến thành một nàng tiên, cho tôi cái quyền được điều khiển cả thiên nhiên... Ảo giác này kéo dài cả hai năm, suốt quãng thời gian đó tâm hồn tôi đã đạt được đến đỉnh cao nhất của cảm giác ở trên mây.

- Chateaubriand, Hồi kí từ Bên ngoài Nấm mồ, trích trong Friedrich Sieburg, Chateaubriand, do Violet M. MacDonald dịch

18

KHƠI DẬY MONG MUỐN VƯỢT RÀO VÀ CẤM KỴ

Trong xã hội luôn có những giới hạn một người phải tuân theo. Trong đó những điều cấm kị nhất bắt nguồn từ nhiều thế kỉ trước; những điều khác thường thì mang tính hình thức hơn, đơn giản chỉ là qui định phép lịch sự hay những cư xử chấp nhận được. Làm con mồi có cảm giác bạn đang dẫn dắt họ vượt qua những giới hạn này có sức cám dỗ mãnh liệt. Con người thường mong muốn khám phá phần đen tối trong họ. Tình yêu lãng mạn không phải lúc nào cũng phải là dịu dàng và êm ái; chứng tỏ rằng bạn có tính tàn bạo. Bạn không tôn trọng khác biệt tuổi tác, lời thề trong đám cưới hay ràng buộc gia đình. Một khi mong muốn vượt rào kéo con mồi đến với bạn, họ sẽ khó lòng kìm lại được. Dẫn họ đi xa hơn họ tưởng tượng – chia sẻ cảm giác phạm tội và đồng lõa sẽ tạo ra sợi dây vô hình trói chặt hai người.

CÁI TÔI BỊ ĐÁNH MẤT

Vào tháng 3 năm 1982, George Gorden Byron -24 tuổi đã xuất bản những khổ thơ đầu tiên của bài thơ có tên “Childe Harold” mà ông viết. Bài thơ này chứa đầy hình tượng Gô tích quen thuộc – một tu viện đổ nát, sự trụy laic, những cuộc hành trình tới miền đông huyền bí. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của bài thơ so với những tác phẩm khác đó là nhân vật chính của bài thơ cũng chính là nhân vật phản diện: Harold là một người đàn ông có cuộc sống trụy laic, coi khinh những tục lệ xã hội mà không hiểu vì sao vẫn chưa bị trừng phạt. Ngoài ra, tác phẩm không hình thành từ những vùng đất xa xôi nào đó mà là nước Anh lúc bấy giờ. Lần xuất bản đầu tiên nhanh chóng được bán heat. Nhiều ngày trôi qua, tiếng đồn lan truyền khắp nơi: Childe Harold, bài thơ viết về một nhà quý tộc trẻ trác táng thực sự đã trở thành tự truyện.

Lúc này, những nhà tinh hoa của xã hội lên tiếng đòi gặp ngài Byron, nhiều người trong số đó đã để lại danh thiếp của mình ở dinh thự của ngài ở Luân Đôn. Ngay sau đó, Byron xuất hiện tại nhà họ. Thật ngạc nhiên là Byron vượt quá những gì mà họ trông đợi. Ngài rất điển trai với mái tóc xoăn và giương mặt của một thiên sứ. Bộ đồ màu đen làm nổi bật thêm nước da nhợt màu của Byron. Ngài không nói nhiều, và chính điều đó đã tạo nên một ấn tượng. Khi Byron nói giọng ngài chậm rãi và như có sức thôi miên, giọng điệu có đôi chút khinh thường. Ngài đi tập tễnh (đó là dị tật bẩm sinh), vì vậy mà khi giàn nhạc bắt đầu tấu lên điệu Van, Byron lập tức đứng sang một bean với một cái nhìn xa xăm. Các quý bà di qua trước mặt Byron, và trong lúc đối diện với ngài, nàng Rose Berry cảm thấy tim mình đập mạnh (lẫn lộn giữa sợ hãi và hào hứng) đến nỗi nàng phải rảo bước tránh đi. Các quý bà tranh giành nhau để được ngồi cạnh ngài, gây sự chú ý và để được ngài cám dỗ. Như vậy liệu Byron có cảm thấy tội lỗi về một lỗi lầm bí mật nào đó như người anh hùng trong bài thơ của ông?

Nàng Caroline Lamb – phu nhân của William Lamb, con trai của Lord và bà Melbourne – là một phụ nữ điển hình cho xã hội lúc bấy giờ, nhưng thực sự thì nàng không hạnh phúc. Khi còn là một cô gái trẻ, nàng từng mơ về những cuộc phiêu lưu, sự lãng mạn hay thưởng ngoạn. Vậy mà lúc này, nàng buộc phải đóng vai một người vợ lịch trẻ thiệp, và điều đó không phù hợp với nàng. Caroline Lamb là một trong số những người đầu tiên đọc tác phẩm “Childe Harold,” và có một điều gì đó hơn cả sự mới lạ đã lôi cuốn nàng. Khi nàng nhìn thấy ngài Byron tại một bữa tiệc, vây quanh bởi nhiều người phụ nữ khác, nàng đã nhìn vào mặt ngài, rồi sau đó bước đi. Tối hôm đó, nàng đã viết về Byron trong cuốn nhật ký của mình: “Điên khùng, tồi tệ và nguy hiểm khi biết được người ấy.” Nàng còn viết thêm: “Gương mặt tai tái điển trai ấy là định mệnh của tôi.”

Ngày hôm sau, Caroline rất ngạc nhiên vì Byron đã gọi cho nàng. Rõ ràng Byron đã nhìn thấy nàng đi ngang qua mình ở bữa tiệc và vẻ rụt rè của nàng đã gây tò mò cho ngài. Byron không thích những người phụ nữ tự tin, luôn theo sau gót mình, vì điều đó làm cho ngài coi khinh mọi thou, kể cả thành công của mình. Từ đó, Byron đến thăm Caroline mỗi ngày. Ngài quanh quẩn trong phòng ngủ của nàng, chơi đùa cùng những người con của nàng, giúp nàng chọn lựa trang phục hằng ngày. Caroline yêu cầu ngài kể về cuộc sống của mình: Byron đã tả về người cha tàn bạo của mình, những cái chết trước tuổi như là một lời nguyền độc của gia đình, rồi ngôi tu viện đổ nát mà ngài thừa kế, và cả những cuộc phiêu lưu tới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Cuộc sống của ông thực sự cũng phiêu lưu như nhân vật chính trong “Childe Harold.”

Nhiều ngày sau đó, hai người họ đã trở thành tình nhân. Tuy nhiên, lúc bay giờ tình thế đã đảo ngược, Caroline đã theo đuổi Byron với một thái độ hung hăng không xứng với một quý cô. Nàng cải trang thành một người hầu và lẻn vào xe ngựa của ngài, viết cho ngài những lá thư tình quái gở, phô trương sự việc…Byron đã trở nên thù địch với nàng. Byron chuyển từ yêu sang đau buồn. Ngài thú nhận với nàng về bản chất của những lỗi lầm thầm kín mà ngài đã mắc phải được ám chỉ trong “Childe Harold.” Nhưng điều này chỉ thúc đẩy nàng tiến xa hơn. Nàng gởi tới cho ngài một nhúm tóc quen thuộc nhưng lại là từ lông mu của mình. Nàng đi theo ngài trên phố, làm ra những cảnh lộ liễu. Cuối cùng, gia đình đã gởi bà ra nước ngoài để tránh những vụ tai tiếng tiếp nữa. Sau khi Byron tuyên bố là mọi chuyện đã kết thúc, Caroline rơi vào trạng thái điên loạn mà chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Năm 1813, một người bạn cũ của Byron, James Webster, mời ngài đến thăm điền trang của mình. Webster có một người vợ rất trẻ và đẹp tên Frances, Webster biết Byron có tiếng là kẻ gạ gẫm nhưng vợ của anh là một người trầm tính tiết hạnh, chắc chắn nàng sẽ không mắc phải sự cám dỗ của kẻ như Byron. Đúng như niềm tin của mình, Byron ít khi nói chuyện với Frances, người mà dường như không mấy quan tâm đến ngài. Sau vài ngày tiếp xúc với Byron, Frances đã sắp xếp để được ở một mình với Byron trong phòng bida, ở đó nàng hỏi Byron: “Làm sao để một người phụ nữ thích một người đàn ông thổ lộ điều đó với anh ta khi anh ta không biết?” Byron vội viết một mảnh giấy như một câu trả lời đặc biệt, câu trả lời làm nàng đỏ mặt ngay khi đọc nó. Ngay sau đó, Byron mời hai người họ đến một tu viện vô danh của mình. Ở đó, Frances đức hạnh và chuẩn mực đã nhìn thấy Byron uống rượu từ một hộp sọ người. Họ thức cùng nhau đến khuya ở một trong những căn phòng bí mật của tu viện, đọc thơ rồi hôn nhau. Với Byron, dường như Frances quá háo hức với chuyện ngoại tình của mình.

Cùng năm đó, người chị cùng cha khác mẹ của Byron đã tới Luân Đôn để thoát khỏi người chồng đang gặp nhiều vấn đề về tiền bạc. Đã lâu Byron không gặp chị Augusta. Hai chị em có vẻ bề ngoài giống nhau – gương mặt giống nhau, nhiều tính cách cũng giống nhau. Augusta xem Byron như một phụ nữ, còn thái độ của ngài đối với Augusta thì có vẻ giống như với một người em trai hơn. Byron dẫn chị tới rạp haut, tới những buổi khiêu vũ, đón nàng ở nhà, đối xử với nàng hết sức nhiệt tình và Augusta sớm đáp lại. Quả thực, sự quan tâm tế nhị và âu yếm mà Byron dành cho mình sớm trở thành niềm quan tâm thể xác.

Augusta là một người vợ đã ly hôn có ba người con. Nàng đã chịu khuật phục trước những lời tán tỉnh của người em cùng cha khác mẹ của mình. Làm cách nào để tự giúp mình đây? Byron đã khuấy động một cảm xúc kỳ lạ trong nàng, một cảm xúc mãnh liệt hơn những gì mà nàng từng cảm nhận ở những người đàn ông khác, kể cả chồng cũ của mình. Với Byron, mối quan hệ với Augusta là lỗi lầm cùng cực và đỉnh cao trong quảng đời của mình. Ngay sau đó, Byron đã viết thư cho những người bạn của mình, tâm sự toàn bộ câu chuyện. Thực sự, Byron rất khoái chí khi nhận được sự phản ứng bàng hoàng của họ, và “The Bride ò Abydos” là bài thơ kể chuyện dài được ông lay chủ đề là mối quan hệ giữa em trai và chị gái. Những lời đồn về mối quan hệ giữa Byron và Augusta, nàng đã có thai với Byron, được lan rộng. Xã hội văn minh xa lánh ngài nhưng những người phụ nữ lại càng bị cuốn hút bởi ngài và những cuốn sách của ngài trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết.

Những tháng đầu tiên năm 1812, Annabella Mlbanke, em họ của Caroline Lamb đã gặp Byron khi ngài đang được nâng cốc chúc mừng ở Luân Đôn. Annabella là người nghiện rượu, thực tế, và mối quan tâm của nàng là khoa học và tôn giáo. Nhưng có điều gì đó ở Byron đã hấp dẫn nàng và cảm xúc dường như được đáp lại. Hai người không chỉ trở thành bạn. Byron đã tỏ ra quan tâm nàng quá mức, thậm chí có lúc còn muốn cưới nàng. Lúc này, vụ tai tiếng giữa Byron và Caroline vẫn còn vì thế mà Annabella không quan tâm mấ y đến lời cầu hôn. Trong vài tháng sau đó nàng theo dõi công việc của Byron từ đằng xa và nghe được những lời đồn đại về sự loạn luân. Lúc đó, vào năm 1813, nàng đã viết thư cho người cô của mình: “cháu rất ước ao được quen biết Byron tới nỗi cháu có thể chấp nhận nguy cơ bị gọi là một con điếm chỉ để được tận hưởng niềm ước ao đó.” Đọc được những bài thơ mới của ngài, nàng viết rằng “cách miêu tả tình yêu của Byron gần như khiến cho nàng yêu ngài hơn.” Nàng đang dần bị ám ảnh bởi Byron, bất cứ lời nói nào cũng hướng về ngài. Chúng làm mới tình bạn của họ, và vào năm 1814, Byron cầu hôn nàng lần nữa. Lần này Annabella chấp nhận. Byron là một thiên sứ xuống trần và nàng đã làm thay đổi ngài.

Tuy nhiên, sự việc không tốt đẹp đến thế. Byron đã hy vọng cuộc sống hôn nhân sẽ làm mình điềm tĩnh lại nhưng sau lễ cưới ngài nhận ra đó là một sai lầm. Ngài nói với Annabella, “bây giờ hẳn là em đã nhận thấy mình kết hôn với một kẻ xảo quyệt.” Mấy năm sau, cuộc hôn nhân đỗ vỡ.

Năm 1816, Byron rời nước Anh, không bao giờ trở lại. Ngài du ngoạn qua Ý một thời gian. Mọi người đều biết chuyện của ngài – những mối tình, sự loạn luân, sự độc ác đối với người tình của mình. Tuy vậy, bất kỳ nơi nào mà ngài đến, phụ nữ Ý, đặc biệt là tầng lớp quý tộc đều theo đuổi ngài, tình nguyện là nạn nhân tiếp theo của ngài. Thực tế những người phụ nữ này đã trở thành những kẻ gây hấn trước. Như Byron đã nói với nhà thơ Shelley, “Tôi đã làm mê mẩn các cô gái nhiều hơn bất kỳ ai kể từ cuộc chiến tranh thành Troa.”

Giải thích: Những phụ nữ trong thời của Byron luôn khát khao được đóng một vai trò khác những gì mà xã hội cho phép. Họ được cho là những người đoan trang, đức hạnh, chỉ có nam giới mới được thể hiên những bốc đồng xa hơn. Đăng sau những rào cản của xã hội lên những người phụ nữ, có lẽ là một nỗi sợ hãi khi có những mối quan hệ phi luân lý hay lối sống buông thả.

Cảm thấy bị ức chế và bất an, phụ nữ vào thời kỳ ấy đã đọc say sưa những cuốn tiểu thuyết, những câu chuyện lãng mạn mang hình tượng Gô tích. Ở đó, họ được phiêu lưu và được cũng có cả những điều tốt lẫn mặt xấu như nam giới. Những cuốn sách như thế giúp cho những người phụ nữ bùng lên những cuộc nổi loạn, còn với những những người như Caroline thì đây là dịp để vui đùa với mộng tưởng phong phú mà họ từng ao ước khi còn là thiếu nữ, khi mà ở một chừng mực nào đó những ao ước như vậy đã được cho phép. Byron đã xuất hiện đúng thời điểm. Ngài trở thành tia chớp để thỏa mãn những ước ao không được tỏ lộ của họ; ở với ngài, họ có thể đi quá giới hạn mà xã hội áp đặt. Đối với một số người, sự cám dỗ chính là thông gian, với những người khác đó là một cuộc nổi loạn lang mạn, hay một cơ hội để trở nên mất lí trí và văn hóa ( mong muốn làm thay đổi ngài chỉ che đậy sự thật là họ muốn được ngài lấn át). Trong mọi trường hợp, đó là sự cám dỗ bị cấm kị, do sự nông cạn mà thành. Một khi bạn bị thu hút bởi Byron thì ngài sẽ dẫn bạn đi xa hơn bạn tưởng hay kỳ vọng vì ngài không thấy được những giới hạn cần thiết. Phụ nữ không chỉ đơn thuần đem lòng yêu ngài mà họ còn để ngài làm đảo lộn cuộc sống của họ, thậm chí hủy hoại họ. Họ thích bị hủy hoại như vậy hơn là bị kiềm hãm trong những cuộc hôn nhân buồn tẻ.

Nói chung, trường hợp của những người phụ nữ đầu thế kỷ 19 đã trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 21. Những phương tiện thỏa mãn cho những lối hành xử tồi tệ của đàn ông – chiến tranh, mưu mô bẩn thỉu, những cô em và những gái điếm hạng sang - đã mờ dần; ngày nay, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng được cho là những người có văn minh và biết điều. Và nhiều người đã có một thời gian khó khăn để đấu tranh cho điều này. Khi còn trẻ chúng ta có thể biểu lộ những mặt xấu trong tính cách của mình, những mặt xấu mà ai cũng có. Nhưng dưới sức ép của xã hội ( đầu tiên là những khuôn mẫu của cha mẹ), chúng ta kiềm chế dần sự tinh nghịch, chống đối, những tính nết hư hỏng trong tính cách của mình. Để tiến bộ, chúng ta học cách ngăn chặn những mặt tối, điều này khiến ta mất đi cái tôi của mình, một phần linh hồn của chúng ta bị chôn vùi dưới vẻ bề ngoài lịch thiệp của mình.

Khi đã trưởng thành, chúng ta thầm mong muốn tìm lại cái tôi đã mất ấy – phần tính cách ở thời thơ ấu, thích mạo hiểm, thiếu tôn trọng của mình. Chúng ta bị lôi cuốn bởi những người sống đúng với cái tôi của họ khi trưởng thành, thậm chí dù cho lối sống ấy có dính dáng tới những điều sai trái hoặc cấm kỵ. Cũng như Byron, bạn có thể trở thành tia chớp cho những ước muốn như vậy. Tuy nhiên bạn phải học cách để giữ cho khả năng này nằm trong tầm kiểm soát, và sử dụng đúng mục đích. Khi hào quang của những điều cấm kị xung quanh bạn đưa lối đối phương vào bẫy, đừng quá mạo hiểm, nếu không họ sẽ hoảng sợ. Một khi bạn cảm thấy họ đã mắc phải bùa mê của mình, bạn có thể thả lỏng. Nếu đối phương bắt đầu bắt chước bạn, như Caroline bắt chước Byron, hãy tiến xa hơn, đưa váo một chút tần nhẫn, lôi cuốn họ vào lỗi lầm, tội phạm, những hoạt động thô tục bằng bất cứ giá nào. Giải phóng cái tôi đã mất của họ, họ càng thể hiện cái tôi đó bạn càng chế ngự họ sâu hơn. Nếu thực hiện nửa vời bạn sẽ phá vỡ bùa mê và làm họ tự nhận thức lại mình. Hãy đi càng xa càng tốt.

Sự thấp hèn hấp dẫn mọi người.

-Johann Wolfgang Goethe

BÍ QUYẾT QUYẾN RŨ

Xã hội và văn hóa được dựa trên những giới hạn – trong đó có thể có những kiểu cư xử được cho phép, kiểu khác lại không. Những giới hạn thường thay đổi theo thời gian nhưng vẫn luôn có những giới hạn. Khả năng là tình trạng hỗn loạn, hỗn độn của tự nhiên mà chúng ta khiếp sợ. Nhưng chúng ta là loài động vật bậc cao kỳ lạ: thời điểm mà mọi giới hạn đều bị áp đặt cả về thân thể cũng như tâm lý, tính hiếu kỳ lập tức được biểu lộ. Một phần trong con người chúng ta muốn vượt qua những hạn định đó để khám phá những điều cấm kỵ.

Khi còn nhỏ, nếu chúng ta được yêu cầu không được đi đến một nơi nào đó, đó chắc chắn sẽ là nơi chúng ta muốn đi. Khi ta trưởng thành hơn, trở nên lịch sự và tôn trọng hơn thì ngày càng có nhiều rào cản gây trở ngại cho cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa lịch sự và hạnh phúc. Điều đó che đậy sự thất vọng hay thỏa hiệp ngoài ý muốn. Làm sao chúng ta có thể khám phá những mặt tối trong tính cách chúng ta mà không phải chịu sự trừng phạt hay tẩy chay? Những mặt tối ấy biểu lộ ra trong những giấc mơ của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta thức giấc với cảm giác tội lỗi về việc giết người, loạn luân, ngoại tình và sợ hãi diễn ra trong giấc mơ, cho tới khi nhận ra rằng không một ai cần biết về những điều ấy ngoại trừ chính bản thân mình. Tuy nhiên mang lại cho một người cảm giác rằng khi ở với bạn họ sẽ có cơ hội để khám phá những điều vượt xa lối cư xử lịch thiệp được chấp nhận, và rằng khi có bạn bên cạnh, họ có thể biểu lộ được phần tính cách bị giấu kín của họ, và như thế bạn sẽ tạo ra được những nhân tố để tạo ra được sự cám dỗ mạnh mẽ và sâu sắc.

Thay vì đơn thuần dẫn dụ họ bằng những mộng tưởng khó thành, bạn phải đi xa hơn thế. Sức mạnh cám dỗ mà bất ngờ sẽ đến từ thực tế của những gì mà bạn mang lại cho họ. Giống như Byron, vào một thời điểm nào đó bạn thậm chí có thể đẩy mọi chuyện đi xa hơn mức mà đối phương mong muốn. Nếu họ đi theo bạn chỉ đơn thuần là vì tình hiếu kỳ, họ có thể cảm thấy đôi chút sợ hãi và chần chừ, nhưng một khi đối phương đã thực sự “mắc câu,” họ sẽ cảm thấy khó mà cưỡng lại bạn, vì không dễ để quay lại một giới hạn khi mà bạn đã đi quá giới hạn đó. Đối phương càng khao khát có thêm nhiều thứ và không biết lúc nào để dừng lại. Bạn sẽ là người quyết định cho họ thời điểm nào để dừng lại.

Thời điểm con người cảm thấy điều gì đó bị ngăn cấm, một phần con người họ sẽ muốn có được điều đó. Đó chính là điều làm cho những người phụ nữ hay đàn ông đã kết hôn trở thành những mục tiêu “ngon ăn” – một người càng bị cấm đoán, khao khát của họ sẽ càng mãnh liệt hơn. George Villiers, bá tước xứ Buckingham, là người được vua James đệ nhất sủng ái đầu tiên, kế đó là con trai của vua James, vua Charles đệ nhất. Ngài bá tước chưa từng bị từ chối điều gì cả. Năm 1625, trong một chuyến đi tới Pháp, bá tước gặp được hoàng hậu Anne xinh đẹp và đã yêu hoàng hậu một cách vô vọng. Còn gì ngoài tầm với, bất khả thi hơn cho bằng hoàng hậu của một quốc gia thù địch? Ngài bá tước đã có thể chọn gần như bất lỳ một người đàn bà nào khác nhưng chính bản chất bị cấm đoán của hoàng hậu Anne đã hoàn toàn làm cho ngài bị kích động, cho tới khi ngài bá tước làm xấu mặt chính mình và đất nước của mình khi cố hôn hoàng hậu trước mặt đám đông.

Bởi những gì cấm kị đều được ham muốn nên bằng cách nào đó bạn phải khiến mình có vẻ như bị cấm. Cách công khai nhất để làm điều này là thể hiện cách cư xử mang đến cho bạn một phong thái bí ẩn và bị ngăn cấm. Về cơ bản, bạn là m một người khiến ai cũng tránh mặt; nhưng thực tế là bạn quá quyến rũ đến nỗi không thể cưỡng lại. Đó chính là sự hấp dẫn của diễn viên Errol Flynn, giống như Byron, anh thường cảm thấy mình là người bị theo đuổi chứ không phải là người theo đuổi. Flynn cực kỳ điển trai nhưng anh cũng có một thứ khác: đó là một nét nhân cách tội phạm hẳn nhiên. Thời trai trẻ sa đọa của mình, Flynn dây vào đủ mọi loại hành động bất hợp pháp. Những năm 1950, Flynn bị buộc tội cưỡng hiếp, một vết nhơ vĩnh cửu trong thanh danh của mình mặc dù Flynn đã được tuyên bố là vô tội; nhưng như thế sự nổi tiếng của Flynn trong giới phụ nữ chỉ càng gia tăng thêm. Cường điệu hóa mặt tối trong nhân cách của bạn thì bạn cũng sẽ tạo nên được một tác động như vậy. Để đối phương bám ríu lấy bạn có nghĩa là bạn phải vượt qua những giới hạn của họ, nghĩa là bạn phải làm điều gì đó thô thiển và không thể chấp nhận – đối với xã hội và cả đối với những người đồng trang lứa với họ. Với nhiều người đó là lí do để cắn câu.

Trong tiểu thuyết Qicksand năm 1928 của Junichiro Tanazaki, nàng Sonoko Kakiuchi, vợ của một luật sư được mọi người kính trọng, cảm thấy nhàm chán và quyết định theo học những lớp nghệt thuật để giết thời gian. Ở những lớp học ấy, nàng cảm thấy mình bị cuốn hút bởi một người bạn nữ học chung, nàng Mitsuko xinh đẹp, người phụ nữ này kết bạn với Kakiuchi rồi quyến rũ nàng. Kakiuchi bị buộc phải liên tục nói dối với chồng mình về mối quan hệ với Mitsuko và những buổi hẹn thường xuyên giữa họ. Mitsuko dần dần đưa Kakiuchi tham gia vào đủ những hoạt động vô đạo đức, bao gồm một cuộc tình tay ba với một chàng thanh niên kỳ quặc. Mỗi lần Kakiuchi có cơ hội khám phá một lạc thú cấm kị nào đó, Mitsuko liền thách thức nàng đi xa hơn, xa hơn nữa. Kakiuchi chần chừ, cảm thấy hối tiếc – nàng biết mình mình nằm trong tầm khống chế của một nữ quái dụ dỗ người khác lợi dụng sự chán nản của nàng để khiến nàng lạc lối. Nhưng rốt cuộc, Kakiuchi không thể không theo sự dẫn dụ của Mitsuko – mỗi một hành động vượt quá giới hạn đều làm cho cô thèm muốn thêm. Một khi đối phương bị lôi kéo bởi sự hấp dẫn của những điều cấm kị, hãy thách thức họ sánh kịp với bạn về phương diện xử sự phi đạo đức. Bất kỳ sự thách thức nào cũng có tính hấp dẫn của nó. Hãy tiến hành chậm rãi, làm gia tăng thách thức chỉ sau khi đối phương có dấu hiệu xiêu lòng với bạn. Khi họ đã mắc phải bùa mê, họ có thể thậm chí còn không nhận thấy rằng bạn đã đưa họ mạo hiểm tới mức nào.

Tay công tử phong lưu nổi tiếng thế kỷ XVIII, công tước Richelieu rất ham mê những cô gái trẻ và Richelieu thường gia tăng thêm sự quyến rũ bằng cách cuốn họ vào những hành vi vô độ mà những cô gái trẻ rất dễ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, công tước thường tìm cách để vào nhà cô gái và quyến rũ cô lên giường của mình; thường thì cha mẹ cô gái ở ngay dưới đại sảnh, mang đến sự hào hứng hoàn hảo cho cuộc vụng trộm. Thỉnh thoảng Richelieu thường ra vẻ như thể họ sắp bị phát hiện, nỗi sợ hãi nhất thời đó càng làm tăng thêm sự hào hứng tổng thể. Trong mọi trườg hợp, Richelieu thường cố khiến cho những cô gái quay sang chống đối cha mẹ mình, cười nhạo sự sùng đạo hay đoan trang hay thái độ nền nếp của họ. Chiến lược của ngài công tước chính là tấn công vào những giá trị mà đối phương tôn trọng nhất – chính xác là những giá trị tượng trưng cho một giới hạn nào đó. Ở một người trẻ, những mối dây gia đình, tôn giáo hay những thứ tương tự rất hữu ích cho những kẻ quyến rũ; những người trẻ hẳn là cần một lý do để chống đối lại những mối dây ràng buộc ấy. Dù vậy, chiến lược nói trên có thể được áp dụng cho đối phương thuộc mọi độ tuổi: với mỗi một giá trị được giữ gìn sâu nặng luôn có một mặt tối, một mối hoài nghi, một khao khát để khám phá những gì mà những giá trị ấy cấm đoán.

Ở nước Ý thời phục hưng, một cô gái điếm thường ăn mặc như một quý cô và đi tới nhà thờ. Không gì hào hứng hơn với một người đàn ông khi liếc mắt đưa tình với một người phụ nữ mà anh ta biết là một gái điếm trong khi xung quanh mình là vợ, gia đình, bạn bè, và các linh mục tu sĩ. Mỗi tôn giáo hay hệ thống giá trị đều tạo ra một mặt tối, thế giới đen tối của tất cả mọi thứ mà những tôn giáo hay hệ thống giá trị ấy cấm đoán. Hãy dụ dỗ đối phương, để họ thích thú với bất kỳ điều gì bên ngoài khuôn khổ của những giá trị gia đình mà thường thiên về mặt tình nhưng lại hời hợt bởi vì những giá trị ấy được áp đặt từ phía bên ngoài.

Một trong những người đàn ông quyến rũ nhất thế kỷ XX, Rudolph Valentino, được người ta gọi là “Mối đe dọa tình dục.” Sự quyến rũ của Valentino đối với phụ nữ thể hiện ở hai phương diện: ông có thể dịu dàng và quan tâm nhưng cũng có thể ngầm tỏ ra tàn nhẫn. Lúc nào Valentino cũng có thể trở nên bạo gan một cách nguy hiểm, thậm chí còn mang chút bạo lực. Các đài truyền hình thường thổi phồng hình ảnh hai mặt này càng nhiều càng tốt – chẳng hạn, khi có tin là Valentino đã hành hung vợ mình, họ liền lập tức khai thác câu chuyện này. Một sự kết hợp giữa những nét nam tính và nữ tính, bạo lực và dịu dàng, sẽ luôn luôn có vẻ vượt quá giới hạn và quyến rũ. Người ta cho tình yêu là phải dịu dàng, tao nhã nhưng thực tế tình yêu có thể làm nảy sinh hung hãn và những tình cảm hủy diệt; vì thế mà sự hung hãn tiềm tàng của tình yêu, phương cách mà sự hung hãn ấy làm tiêu tan đi lí trí thông thường chúng ta chính là điều hấp dẫn chúng ta. Hãy tiếp cận mặt bạo lực của tình yêu bằng cách đưa một nét tính cách hung hãn vào sự quan tâm dịu dàng của bạn, đặc biệt là ở những giai đoạn về sau của trò chơi quyến rũ khi đối phương đã nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Người ta biết cô gái điếm Lola Montez hay trở nên bạo lực, thỉnh thoảng lại sử dụng một chiếc roi, còn Lou Andreas-Salomé có thể bất ngờ tỏ ra tàn nhẫn với những tình nhân của mình, chơi những trò chơi quyến rũ sau đó lại trở nên lạnh lùng và khó tính. Sự tàn nhẫn của cô chỉ khiến cho đối phương tiếp tục trở lại để tận hưởng thêm. Một mối quan hệ tình dục bạo lực có thể mang đến một sự giải tỏa phá vỡ giới hạn tuyệt vời.

Trò chơi quyến rũ của bạn càng tỏ ra bất chính bao nhiêu thì hiệu quả mang lại sẽ càng lớn lao bấy nhiêu. Mang đến cho đối phương cảm giác họ đang thực hiện một loại tội ác, một hành động mà tội lỗi mà họ cùng chia phần với bạn. Hãy tạo ra những khoảnh khắc ở nơi công cộng mà chỉ có hai người bạn cùng biết một bí mật còn những người xung quanh thì không. Đó có thể là một lời nói hay một cái nhìn mà chỉ bạn mới nhận ra, một bí mật. Sự hấp dẫn quyến rũ của Byron với nàng Frances diễn ra ngay bên cạnh sự gần gũi của chồng nàng – chẳng hạn lúc chồng nàng đi cùng Frances giấu một lá thư tình cho Byron trong lồng ngực của mình. Johannes, nhân vật chính trong tác phẩm The Seducer’s Diary của Soren Kierkegaard, có gởi một thông điệp đến đối tượng của mình, nàng thiếu nữ Cordelia ngay giữa một buổi tiệc mà hai người cùng tham gia; Cordelia không thể tiết lộ cho những người khách khác biết được lá thư đó là của Johannes vì khi ấy cô sẽ phải giải thích mọi chuyện. Johannes cũng có thể nói những điều mang một ý nghĩa đặc biệt đối với cô trước mặt đám đông vì lời nói ấy ám chỉ tới những điều trong những lá thư của Johannes viết cho cô. Tất cả điều này làm tăng thêm sự thích thú cho mối tình của họ bằng cách mang lại cho mối tình ấy một cảm giác về một bí mật được sẻ chia, hay thậm chí là một tội lỗi. Tận dụng những sự căng thẳng như thế này ở những nơi công cộng là rất nguy hiểm vì sẽ tạo nên cảm giác đồng phạm chống lại cả thế giới.

Trong truyền thuyết Tristan và Isolde, đôi tình nhân nổi tiếng đã đạt đến đỉnh điểm của khoái cảm và thích thú chính bởi những điều cấm kỵ mà họ phá vỡ. Isolde đã đính hôn với vua Mark; chẳng bao lâu nữa nàng sẽ trở thành một phụ nữ đã có chồng. Tristan là một thần dân và là một chiến binh phục vụ vua Mark trạc tuổi cha chàng. Cả mối tình mang ý tưởng cướp đi cô dâu từ tay nhạc phụ. Là điển hình cho khái niệm tình yêu ở các nước phương tây, truyền thuyết đã có ảnh hưởng lớn lao qua nhiều thế hệ, và một phần trọng yếu của câu chuyện chính là thái độ cho rằng nếu không có trở ngại, không có cảm giác vượt quá giới hạn thì tình yêu sẽ chỉ là yếu đuối và vô vị.

Trong thế giới ngày nay, con người có thể đang cố gắng dỡ bỏ đi những giới hạn đối với cách hành xử của cá nhân, để làm cho mọi thứ trở nên thông thoáng hơn, nhưng điều đó chỉ làm cho việc quyến rũ trở nên khó khăn hơn và kém hào hứng hơn. Hãy làm tất cả những gì bạn có thể để mang trở lại cảm giác bẽ gãy giới hạn và tội lỗi, dù cho đó chỉ là về mặt tâm lý hay ảo tưởng. Phải có những rảo cản để vượt qua, những lề thói xã hội để bất tuân, luật pháp để vi phạm trước khi trò chơi quyến rũ có thể được hoàn tất. Dường như một xã hội tự do cũng áp đặt một vài giới hạn; vậy hãy tìm chúng. Sẽ luôn luôn có những giới hạn, những truyền thống cổ hũ, những chuẩn mực ứng xử – những nguồn cơn vô tận để khuấy động lên những điều đi quá giới hạn và cấm kỵ.

BIỂU TƯỢNG

Khu Rừng. Trẻ con được dặn là không được đi vào khu rừng nằm bên kia những bức tường an toàn trong ngôi nhà của chúng. Ở đó không có luật lệ, chỉ có sự hỗn độn, những loài thú hoang và những tên tội pham. Thế nhưng cơ hội để được khám phá, bóng tối quyến rũ và việc khu rừng ấy bị cấm là không thể cưỡng lại được. Một khi đã đi vào bên trong, chúng sẽ muốn đi xa hơn, xa hơn.

ĐIỂM YẾU

Tình thế đảo ngược khi khơi gợi những điều cấm kị sẽ xảy ra khi ta bị bó buộc trong những giới hạn của cách hành xử thông thường. Điều đó sẽ tạo nên một sự quyến rũ rất khó chịu. Nghĩa là không chỉ có những cách hành xử điên dại xấu xa mới quyến rũ mà cả sự thánh thiện, tốt bụng và phẩm chất tinh thần cũng có thể hấp dẫn vô cùng, vì chúng là những phẩm chất hiếm có. Nhưng xin lưu ý rằng trò chơi vẫn không thay đổi. Một người tốt bụng, thánh thiện hay sùng đạo trong những giới hạn mà xã hội đưa ra thì sức quyến rũ của họ là rất yếu. Chỉ những ai vươn tới cực đỉnh – như Gandhi – mới quyến rũ được chúng ta. Họ không chỉ đơn thuần lý giải một lối sống đạo hạnh là như thế nào mà còn xa rời tất cả những tiện nghi vật chất cá nhân để thực hành những lý tưởng khổ hạnh của mình. Cả họ cũng vượt qua những giới hạn, dẹp bỏ đi cách hành xử thông thường, bởi vì xã hội sẽ thấy khó mà thực hiện những chức năng của mình nếu ai cũng có làm như vậy. Trong thế giới quyến rũ hoàn toàn không có sức mạnh nào trong việc tôn trọng những rào cản và giới hạn.

Chỉ là vấn đề về một cảm giác nhất định: cảm giác bị lấn át. Có nhiều người rất sợ bị ai đó làm cho áp đảo; chẳng hạn, có ai đó làm cho họ cười nhạo với chính ý chí của mình, hoặc làm họ cười thỏa thê tột độ, hoặc tệ hơn nữa là kể cho họ nghe những điều mà họ đánh giá là chính xác nhưng lại không hoàn toàn hiểu được, những điều vượt xa những định kiến và sự khôn ngoan thông thường của mình. Hay nói cách khác, họ không muốn bị quyến rũ vì quyến rũ có nghĩa là buộc mọi người phải đối diện với những giới hạn của họ, những giới hạn được cho là đã được thiết lập và bền vững nhưng cũng là những giới hạn mà kẻ quyến rũ bất thình lình làm lay động. Quyến rũ chính là khao khát được người khác lấn át, đưa ta vượt qua những giới hạn.

-Daniel Sibony, l’Amour Inconscient

Mới đây ta trông thấy một chú ngựa được siết chặt cương,

Với hàm thiếc trong răng và lướt đi như tia chớp.

Nhưng ngay chú ngựa cảm thấy dây cương được thả lỏng, không còn kép căng trên chiếc bờm bay của mình,

Chú ngựa đứng lại như chết.

Chúng ta mãi mãi bực dọc với những giới hạn,

Khao khát có được bất kỳ điều gì bị cấm đoán.

(Hãy xem người ta bảo một người bệnh đừng quanh quẩn tới nhà tắm.)

Ham muốn dâng tràn với những gì ngoài tầm với.

Một tên trộm bị thu hút bởi những mái nhà chống trộm.

Tình yêu có thường thăng hoa khi đối phương nhận lời?

Không phải sắc đẹp của vợ anh,

Nhưng chính niềm đam mê anh dành cho nàng khiến chúng tôi phải thèm muốn

Hẳn là nàng có điều gì đó đã làm cho anh rơi vào tay nàng.

Một cô gái được chồng mình chiều chuộng không phải là chung thủy mà là bị theo đuổi.

Nỗi sợ của nàng có sức lôi kéo còn lớn hơn thân xác nàng.

Niềm đam mê những điều cấm kỵ – dù muốn hay không – cũng ngọt ngào hơn.

Khi nàng thốt lên “Em sợ lắm,” điều đó chỉ làm cho tôi thêm thích thú.

-Ovid, The Amores, Peter Green dịch.

Thường thì sau này phụ nữ không thể phá vỡ được những mối liên hệ theo cách này đã được tạo nên trong suy nghĩ của họ giữa những hành động xác thịt và những điều cấm kỵ, và thế là họ trở nên bất lực về tinh thần, chẳng hạn như lãnh cảm, khi cuối cùng những hành động ấy được tự do thực hiện. Đây chính là nguồn gốc của ham muốn tồn tại ở nhiều phụ nữ khi họ giữ bí mật cả những mối quan hệ hợp pháp trong một thời gian; và cũng là nguồn gốc xuất hiện khả năng lấy lại cảm giác bình thường ở những người khác ngay khi điều kiện cấm đoán được phục hồi bởi một mưu mô bí mật nào đó – không đúng với những người chồng, họ có thể giữ một trật tự chung thủy thứ hai với người yêu của mình. Theo tôi nghĩ, điều kiện cần thiết cho sự cấm kỵ trong đời sống xác thịt của phụ nữ cũng có cùng một vị trí như nhu cầu của đàn ông kiềm chế những ham muốn tình dục của mình…Những phụ nữ thuộc về những tầng lớp cao trong xã hội văn minh thường không vi phạm những điều cấm chống lại những hành vi tình dục trong suốt thời gian chờ lên xe hoa, và vì vậy mà họ đạt được mối liên hệ khăng khít giữa điều cấm kị và tình dục…Những hệ quả nguy hại khi thiếu khoái cảm tình dục ngay từ đầu được thể hiện qua việc không có được thõa mãn hoàn toàn khi sau này ham muốn tình dục được tự do hơn trong hôn nhân. Nhưng mặt khác, tự do tình dục vô độ ngay từ ban đầu cũng chẳng đi đến kết quả nào tốt hơn. Dễ dàng chỉ ra rằng giá trị mà lí trí đã thiết lập đối với những nhu cầu tình dục thường xuyên biến mất ngay khi sự thỏa mãn trở nên dễ dàng đạt được. Một rào cản nào đó là cần thiết để đẩy cơn khoái cảm lên đỉnh điểm của nó; và trong suốt chiều dài lịch sử, bất cứ lúc nào những rào cản tự nhiên trong bước đường tìm kiếm sự thỏa mãn là không đủ, con người đã dựng nên những rào cản truyền thống để có thể tận hưởng được tình yêu. Điều này đúng cho cả cá nhân lẫn quốc gia. Trong những thời kỳ không có bất cứ một rào cản nào đối với việc thỏa mãn tình dục tồn tại, chẳng hạn có thể là trong thời kỳ suy tàn của những nền văn minh xa xưa, tình yêu trở nên vô giá trị, cuộc sống trở nên trống vắng, và vì thế những sự phản kháng mạnh mẽ hay đúng hơn là những cuộc cải cách là cần thiết trước khi giá trị tình cảm thiết yếu của tình yêu có thể được hồi sinh.

-Sigmund Freud, “Contributions to The Psychology of Love,” Sexuality and The Psychology of Love, Joan Rivière dịch.

Đây là cách mà ngài Mauclair phân tích thái độ của phái mày râu với nghề đĩ điếm: “Tình yêu của một cô gái đài các nhưng nồng nhiệt, hay việc kết hôn với một phụ nữ mà mình quý trọng cũng không thể thay thế được những cô gái điếm cho bản tính thú vật của con người trong những khoảng khắc cuồng điên khi người đàn ông khao khát niềm vui được hạ thấp chính mình mà không ảnh hưởng đến uy tín xã hội của họ. Không gì có thể thay thế được khoái lạc mạnh mẽ và kỳ quặc này khi được nói bất cứ điều gì, làm bất kỳ điều gì, cả phàm tục lẫn nhại cười mà không phải sợ bị trừng phạt, hối tiếc, hay nhận trách nhiệm. Đó là một cuộc cách mạng chống lại xã hội có tổ chức, chống lại cái tôi có học thức và nề nếp của cánh đàn ông và đặc biệt là chống lại tôn giáo của họ.” Ngài Mauclair nghe thấy tiếng gọi của ma quỷ trong niềm đam mê đen tối được phổ thơ bởi Baudelaire. “Những cô gái điếm tượng trưng cho điều vô thức cho phép chúng ta gạt bỏ đi những trách nhiệm của mình.”

-Nina Epton, Love and The French

Quả tim và đôi mắt song hành với nhau trên bước đường từ trước đến nay vẫn mang lại niềm vui cho chúng; nếu có bất kỳ ai rắp tâm phá hoại trò chơi của chúng, người ấy chỉ làm cho chúng thêm si mê lẫn nhau, ai mà biết được…đó cũng là trường hợp của Tristan và Isolde. Ngay lúc họ bị cấm đoán ham muốn và bị ngăn không cho âu yếm lẫn nhau bởi những tên gián điệp và lính canh, họ bắt đầu đau khổ cùng cực. Ham muốn giờ đây giày vò họ một cách nghiêm trọng bởi ma thuật của nó, còn nghiêm trọng hơn trước gấp nhiều lần; nhu cầu cần có nhau càng đau đớn và khẩn thiết hơn bao giờ hết…Phụ nữ làm rất nhiều điều chỉ vì họ bị cấm, những điều đó họ chắc chắn sẽ không làm nếu họ không bị cấm…Thiên Chúa Cha đã trao cho Eve quyền tự do làm những gì mình thích với tất cả những hoa quả, cây trái trong vườn Địa Đàng, chỉ trừ một cây Thiên Chúa cấm Eve chạm đến nếu không sẽ phải chết..Eve đã hái trái cây đó và đã phá bỏ điều răn của Thiên Chúa…nhưng giờ tôi tin chắc rằng Eve sẽ chẳng bao giờ làm như thế nếu Eve không bị cấm.

-Gottfried von Strassburg, Tristan và Islode, trích trong The Book of Courtly Love của Andrea Hopskins

Một trong những người bạn của Leopold Stern thuê một căn hộ của một người độc thân nơi mà anh đón tiếp người vợ của mình như một cô chủ, chiêu đãi cô với thịt và rượu và “tận hưởng tất cả những thích thú đê mê của tội ngoại tình.” Anh bảo Stern rằng thật là một cảm giác vui thích khi ‘cắm sừng’ chính mình.

-Nina Epton, Love and The French

19

SỬ DỤNG NHỮNG CON MỒI TINH THẦN

Ai cũng hồ nghi và không yên tâm về cơ thể, giá trị và sự hấp dẫn của mình.Nếu sự chinh phục của bạn đòi hỏi riêng vấn đề thể chất thì bạn sẽ khuấy đạo những nghi ngờ này và làm cho đối phương tự suy nghĩ về nó. Thay vào đó, hãy nhử họ đến chỗ an tâm bằng cách tập trung vào những vấn đề tinh thần lớn lao: trải nghiệm tôn giáo, một nghệ thuật cao sang hay sự siêu nhiên nào đó. Hãy đánh bóng những phẩm chất siêu phàm của bạn, tạo ra bầu không khí hư vô, xa rời hiện thực, trò chuyện với các vì sao, nói về số phận, những sợi chỉ bí ần kết hợp bạn với đối tượng cần chinh phục. Rơi vào đám sương mù của thế giới tâm linh, đối tượng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái. Gia tăng ảnh hưởng của sự chinh phục bằng cách tạo cho noá nhũưng điểm cực khoái như là sự hợp nhất của hai tâm hồn.

KHÁCH THỂ CỦA SỰ SÙNG BÁI

Liane de Pougy là một giái điếm hạng sang nổi tiếng ở Paris những năm 1890. mảnh mai và đồng tính, cô là thứ của lạ mà những người đàn ông giàu có nhất Châu u phải ganh nhau để sở hữu. Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ đó, cô bắt đầu mệt mỏi vì điều đó: “Thật là một cuộc đời tẻ ngắt” – cô viết cho một người bạn – “Lúc nào cũng là một chu trình nhàm chán: Tới Bois de Boulogne, , đua ngựa, thử quần áo, và kết thúc một ngày vô vị: ăn tối”. Sự chú ý thường xuyên của những người đàn ông ngưỡng mộ cô, muốn độc quyền một thân thể quyến rũ làm cô mệt mỏi.

Một ngày mùa xuân năm 1899, Liane ngồi trong một cỗ xe ngựa không mui đi ngang qua Boi de Boulogne, như thường lệ, những người đàn ông ngả mũ chào khi cô đi ngang qua. Nhưng một người trong số đó khiến cô ngỡ ngàng: một cô gái tảe với mái tóc dài vàng óng nhìn Liane một cách chăm chú và ngưỡng mộ. Liane mỉm cười và cô gái gập mình đáp lễ.

Vài ngày sau, Liane bắt đầu nhận được danh thiếp và hoa từ một người Mỹ 23 tuổi, tên Natalie Barney, người tự nhận gặp cô ở Boi de Boulogne và xin phép được viếng thăm. Liane mời Natalie tới nhà chơi nhưng tự nhủ sẽ đùa một chút: một người bạn sẽ thế chỗ cô, ngả người trên giường trong buồng tối khi Liane nấp sau bức rèm. Natalie đúng hẹn. Cô mặc bộ y phục của Florentine, cầm một lẵng hoa. Quỳ trước giường, cô bắt đầu tán dương ả điếm, so sánh ả như một bức hoạ của Fra Angelico. Không bao lâu, cô nghe thấy tiếng cười và khi đứng dậy, cô nhận ra trò đùa. Cô đỏ mặt vì ngượng và chạy ra phía cửa. Khi Liane vội vã rời khỏi chỗ nấp, Natalie túm chặt lấy ả điếm có khuôn mặt thiên thần nhưng rõ ràng là vô hồn. Hối hận, Liane huýt gió: “Hãy trở lại vào sáng mai, tôi sẽ ở một mình”.

Cô gái Mỹ trở lại vào ngày hôm sau, trang phục không thay đổi, trông thông minh và thánh thiện. Ngồi yên một chỗ, Liane mời Natalie tham dự một chu trình của buổi sáng: trang điểm, mặc quần áo trước khi ra ngoài. Nhìn rất lâu, Natalie nói mình tôn thờ cái đẹp và chưa bao giờ gặp người nào quyến rũ như Liane. Natalie theo Liane tới xe ngựa và cúi người, mở cửa và hộ tống ả trên con đường quen thuộc qua Bois de Boulogne. Một lần trong công viên, Natalie cúi cuống thành xe để những người đàn ông đang ngả mũ chào Liane không nhìn thấy; cô lẩm nhẩm những bài thơ của mình trong sự thán phục của Liane, và cô gọi đó là một cứu rỗi cô khỏi cái nghề chẳng ra gì mà cô từng rơi vào.

Tối đó, natalie đưa Liane tới nhà hát xem Sarah Bernhadt đóng Hamlet. Trên đường đi, cô nói với Liane rằng mình tự coi bản thân cũng như Hamlet, khát khao sự hoàn hảo, căm ghét sự chuyên chế, mà đối với cô chính là sự gia trưởng của đàn ông đối với đàn bà. Vài ngày sau, Liane sung sướng nhận một bó hoa nặng trĩu từ Natalie, kèm theo vài dòng thơ trên điện tín. những lời nói và cái nhìn chậm rãi, tôn kính trở nên thường xuyên hơn rồi cả những nụ hôn chưa bao giờ Liane nhận được. Một buổi sáng, với sự có mặt của Natalie, Liane chuẩn bị đi tắm. Khi cô cởi đồ ngủ, Natalie chợt dập đầu xuống, hôn lên mắt cá chân cô bạn. Ả điếm vội tuột ra và vào bồn tắm, đề cho Natalie ngắm nhìn. Chỉ trong vài ngày, cả Paris đều biết rằng Liane de Pougy có người yêu mới là Natalie Barney. Liane chẳng cần giấu giếm, xuất bản tiểu thuyết “Iylle Saphique”, kể lại chi tiết sự chinh phục của Natalie đối với mình. Trước đó, cô chưa bao giờ có quan hệ với một người đàn bà nào khác và cô mô tả mối quan hệ với Natalie như một cái gì đó thần bí. Cho đến cuối đời, Liane vẫn nhớ như in sự việc đó.

Renée Virien là một cô gái trẻ người Anh tớ Paris để sáng tác thơ và chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân mà cha cô đang sắp đặt. Renée bị ám ảnh về cái chết và cô cũng cảm thấy có cái gì đó không ổn với mình, tự chán ghét bản thân. Vào năm 1900, Renée gặp Natalie tại rạp hát. Điều gì đó trong đôi mắt nhân hậu của Natalie đã làm tan chảy những thành trì trong Renée và cô bắt đầu gửi thơ cho Natalie; Natalie cũng đáp lại bằng những vần thơ mới viết. Họ nhanh chóng kết bạn. Renée thú nhận mình đã có một tình bạn sâu đậm hơn mức bình thường với một người phụ nữ khác nhưng vẫn là mối quan hệ trong sáng. Nhưng ý nghĩ về sự hấp dẫn thể xác cứ giày vò cô. Natalie kể cho Renée nghe về nhà thơ Hy Lạp cổ đại Sappho, người chủ trương tự do yêu đương giữa những người phụ nữ, coi đó như thứ tình yêu duy nhất trong sáng, thanh khiết. Một tối, bị thôi thúc bởi những cuộc trò chuyện, Renée đã mời Natalie tới phòng mình, nơi đã bị cô biến thành một phòng xưng tội. Căn phòng thắp đầy nến với hoa ly trắng muốt, loài hoa cô ví như Natalie. Tối hôm ấy, hai người đàn bà trở thành tình nhân. Họ nhanh chóng cặp kè với nhau nhưng Tenée nhận ra Natalie không thể chung tình với mình, tình yêu của cô trở thành lòng thù hận. Cô cắt đứt quan hệ, rời đi và thề không bao giờ gặp lại Natalie nữa.

Vài tháng sau, Natalie gửi thư và thơ rồi xuất hiện tại nhà của Renée. Renée từ chối có tiếp chuyện. Nhưng rồi một tối ở nhà hát, Natalie ngồi xuống bên cạnh và đưa cho Renée một bài thơ mới làm, thể hiện sự hối tiếc quá khứ, đồng thời đề nghị rằng hai cô nên hành hương tới hòn đảo Hy Lạp tên Lesbos – nhà của Sappho. Chỉ có ở nơi đây, họ mới có thể gội rửa chính mình. Renée không thể từ chối. Trên hòn đảo đó, họ tiếp tục sáng tác thơ văn, tưởng tượng mình được trở lại những ngày tháng hồn nhiên thời Hy Lạp cổ đại. Đối với Renée, Natalie đã trở thành Sappho. Khi họ về Paris, Renée viết cho Natalie: “Siren tóc vàng của em, em không muốn cưng thích những người khác trên thế gian này. Em muốn cưng ở mãi một mình vì đây là cách cưng thể hiện quyền lực của mình đối với em”. Cuộc tình của họ kéo dài đến khi Renée chết, năm 1909.

Giải thích: Cả Liane de Pougy và Natalie Barney đều chịu chung một sự trói buộc: tự kỷ và tự cao. Nguyên nhân của thói quen này ở Liane là sự chú ý quá thuồng xuyên của cánh đàn ông tới thân xác cô. Liane không thể thoát khỏi cái nhìn của họ, gây cho cô cảm giác nặng nề. Trong khi đó, Renée suy nghĩ quá nhiều về vấn đề của bản thân: cái chết, kiềm chế xu hướng đồng tính ái. Cô bị nhấn chìm trong sự chán ghét chính bản thân mình.

Natalie Barney thì khác, thoáng hơn, biết hoà nhập với thế giới xung quanh. Số lần chinh phục của cô – có đến hàng trăm - đều tương tự nhau. Cô kéo nạn nhân ra khỏi cuộc sống của mình, hướng sự chú ý của họ vào cái đẹp, thơ ca và sự trong sáng trong tình yêu kiểu Sappho. Cô mời những người đàn bà của mình tham dự một loại tín ngưỡng trong đó họ tôn thờ những điều cao cả. Nhằm gia tăng tình cảm tôn giáo, cô lôi kéo họ vào một quy trình: gọi nhau bằng những cái tên mới, gửi thơ cho nhau bằng điện tín, mặc trang phục cổ và hành hương tới những vùng đất thánh. Hai điều tất yếu sẽ xảy ra: Những người đàn bà sẽ hướng sự ngưỡng mộ về phía Natalie, tưởng như cô xinh đẹp và kiêu hãnh như chính những gì cô đã dựng nên để rồi đưa họ vào vương quốc tâm linh. Họ sẽ được giải thoát khỏi mọi gánh nặng từng phải gánh chịu, khả năng kiểm soát dục tình cũng sẽ bị tan chảy.

Vào thời điểm Natalie hân hoan vuốt ve họ, ngây thơ, trong sáng dường như họ đã trở về với Vường Địa Đàng trường khi mọi chuyện kết thúc.

Tôn giáo là liều thuốc an thần cuyệgt vồi nhất vì nó đưa chúng ta vượt ra khỏi chính mình, vươn tới những điều lớn lao hơn. Như ta đã đề cập vấn đề đối tượng của sự tôn thờ (Thượng đế, Tạo hoá), gánh nặng của chúng ta sẽ bị gỡ bỏ. Thật là tuyệt diệu khi đựơc nâng đỡ, trải nghiệm sự thanh thoát, lâng lâng. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy không thoả mãn với thân xác và những điều khác thuộc về mình. Một kẻ chinh phục tập trung quá nhiều vào vật chất sẽ tự khuấy động tâm trí mình, để rồi những gì còn lại chỉ là sự ghê tởm. Vì vậy, hãy chú ý đến những điều khác, hãy kêu gọi mọi người hướng đến những điều tốt đẹp. Nó có thể là thiên nhiên, nghệ thuật, thậm chí cả Thượng đế; loài người đang chết để sống ở một thế giới khác. Nên thêm vào một chút nghi lễ. Nếu bạn có thể tự làm cho bản thân giống với những gì bạn đang thờ phụng - bạn là do trời sinh, tuyệt mỹ, cao quý – thì đối tượng của bạn sẽ chuyển sự kính trọng sang bản thân bạn. Tôn giáo và tâm linh ẩn chứa đầy những dục vọng tinh thần có thể bị lộ tẩy nếu bạn để cho đối tượng mất đi sự ám thị. Từ xsự kích thích về tinh thần đến hưng phấn tình dục chỉ là một bước ngắn.

“Hạy trở lại đón em, nhanh lên, và đưa em đi, tẩy sạch em bằng ngọn lửa vĩ đại của tình yêu thanh khiết chứ không phải bản năng tầm thường. Cưng là tất cả linh hồn khi cưng muốn và cảm nhận được điều đó, hãy giải thoát em khỏi cơ thể trần tục này”.

- Liane de Pougy

BÍ QUYẾT QUYẾN RŨ

Tôn giáo là hệ thống chinh phục tinh vi nhất mà con người đã tạo ra. Cái chết là nỗi sợ lớn nhất và tôn giáo vẽ ra một điều hoang đường là chúng ta có thể bất diệt, một phần trong ta sẽ sống mãi. Ý nghĩ rằng chúng ta là một phần cực nhỏ của vũ trụ vĩ đại và phức tạp làm ta khiếp sợ. Tôn giáo nhân cách hoá vũ trụ, làm ta cảm thấy mình quan trọng và được yêu thương. Chúng ta không phải con thú bị thống trị bổi những cỗ máy không thể điều khiển được - những con thú chết không cần lý do; tạo hoá đặt ra hình ảnh của một sự tồn tại siêu thực. Chúng ta cũng có thể tốt đẹp, hợp lý và hoàn hảo. Bất cứ cái gì nuôi dưỡng những khát vọng hoang đường đều quyến rũ cả. Không gì có thể theo kịp được tôn giáo trong cuộc cạnh tranh này.

Sự hài lòng là mồi nhử một người vào lưới của bạn. Dù bạn có thông minh đến đâu, đối tượng cũng có thể nhận ra kết thúc mà bạn mong muốn. Bạn có thể cho rằng đối tượng của mình đang thèm khát sự hài lòng nhưng hầu hết chúng ta bực mình vì những khó khăn gây ra đối với bản năng của mình. Trừ phi bạn đương đầu với những khó khăn, sự chinh phục của bạn dù thành công nhanh chóng cũng chỉ là bề ngoài và tạm thời. Thay vào đó, như Natalie Barney, cố chiếm lấy tâm hồn của đối phương, xây dựng nền tạng của sự thu phục sâu sắc và lâu dài. nhử con mồi vào sưau trong lưới của bạn, đồng thời tạo ra sự hài lòng về thể xác là tốt nhất. Tình cảm sẽ tạo điều kiện cho sự điều khiển dẫn dắt của bạn, hé mở rằng quan hệ của bạn là bền lâu và tạo một không gian cho sự hưng phần trong đầu của nạn nhân. Hãy nhớ rằng thu phục là một quá trình tâm lý và không gì làm người ta mê mẩn hơn tôn giáo, tìm cảm và quyền lực siêu nhiên.

Trong tiếu thuyết “Bà Bovary” của Gustave Flaubert, Rodolphe Boulanger ghé thăm bác sĩ Bovary và bị hấp dẫn bởi cô vợ sinh đẹp của bác sĩ – cô Emma. Boulanger là một kẻ nhỏ nhen, xấu xí nhưng lại có nhiều phẩm chất của một nghệ nhân với hàng chục người đàn bà qua tay. Anh ta cảm nhận Emma đang chán nản. Vài ngày sau, anh ta tìm cách tiếp cận cô trong một hội chợ trong tỉnh khi bắt gặp cô đang ngồi một mình. Anh ta vẽ ra một bức tranh buồn thảm và tăm tối:

- Nhiều lần tôi đi qua nghĩa địa dưới ánh trăng mờ ảo, tự hỏi liệu có tốt hơn nếu nằm dưới đó không.

Anh ta chủ động nhắc đến tiếng xấu của mình; thừa nhận có chuyện đó nhưng không cho rằng mình có lỗi.

- Em có thực sự biết rằng có những linh hồn tồn tại lang thang và đau khổ?

Vài lần anh ta nắm tay Emma nhưng cô nhẹ nhàng rút tay về. Anh thao thao về tình yêu, về sức hút gắn chặt hai người với nhau như là có cơ duyên từ kiếp trước, những hiện thân trước kia của họ.

- Ví dụ anh và em chẳng hạn. Tại sao chúng ta gặp nhau, cái gì đã xảy ra? Chỉ có thể là một động cơ thật đặc biệt đã thôi thúc cả hai thu hẹp khoảng cảnh, đó cũng là cái cách mà hai dòng sông hoà vào làm một. Anh cầm tay cô lần nữa và lần này không có sự phản kháng nào đáng kể. Sau hội chợ, anh tránh mặt cô vài tuần rồi đột nhiên xuất hiện, nói rằng đã cố tranh xa nhưng sự tự tin đã kéo anh trở lại. Anh rũ Emma cưỡi ngữa. Khi anh ta hướng vào rừng, cô sợ hãi rút lại:

- Chắc anh đã nhầm điều gì đó…

- Tôi đặt em trong tim mình như bức tượng Madona trên một chân đế vững chắc. Anh cầu xin em: hãy là bạn, là em gái, là thiên thần của anh.

Bị mê hoặc bởi những lời lẽ đó, cô để anh ôm chặt và dẫn sâu vào rừng, nơi cô không thể cưỡng lại.

Kế hoạch của Rodolphe có ba giai đoạn. đầu tiên, anh nói về nỗi buồn, sự u hoài, trống rỗng, nói rằng điều đó làm anh cao quý hơn và dường như cuộc sống vụn vặt không thể thoả mãn anh ta. Bước thứ hai, anh ta nói về sự hấp dẫn của hai tâm hồn. Nó làm cho sự hấp dẫn của Emma đối với anh không phải là nhất thời mà như là gắn liền với sự dịch chuyển của các vì sao. Cuối cùng, anh ta nói về những thiên thần, Đấng Toàn năng đã xếp đặt mọi thứ trong một ý tưởng; anh đã làm Emma bủn rủn, choáng váng và cuộc chinh phục chỉ mất ít tháng với vài lần gặp “tình cờ”.

Cách làm của Rodophe đã lỗi thời nhưng việc lên kế hoạch thì không bao giờ thừa. Áp dụng nó với những công cụ mới tạo ra không gian tâm linh bằng cách thể hiện sự trống rỗng, xa rời cuộx sống tầm thường. Không phải tiền bạc, tình dục hay thành công thôi thúc bạn. Dù là cái gì thì cũng làm cho nó trở nên mơ hồ để đối phương tưởng tượng ra chiều sâu ẩn chứa trong tâm hồn bạn. Những vì sao, chiêm tinh học, định mệnh lúc nào cũng hấp dẫn; hãy tạo ra ý nghĩ rằng chính định mệnh đã đưa bạn và đối tượng lại gần nhau. Nó sẽ làm cho sự chinh phục của bạn tự nhiên hơn. Trong một thế giới có quá nhiều thứ được chế tạo, điều khiển, ý nghĩ rằng số phận, quy luật hoặc những quyền năng cao hơn đang dẫn dắt quan hệ của bạn với đối tượng có thể tăng khả năng chinh phục lên gấp bội. Nếu bạn muốn dùng mô típ tôn giáo trong quá trình chinh phục của mình thì tốt hơn hết hãy chọn một tôn giáo ngoại sinh với một chút hơi hướng vô thần.Rất dễ chuyển từ vô thần tới duy vật chất phác. Một khi bạn đã khuấy động tâm hồn của đối tượng, hãy nhanh chóng chuyển hướng tấn công sang thể xác, làm cho tình dục như là sự tiếp diễn tự nhiên của rung động tình cảm đang trải nghiệm. Thêm nữa, hãy đặt kế hoạch càng gần với thời điểm bạn tung ra đòn quyết định càng tốt.

Tâm linh không loại trừ tôn giáo hay siêu nhiên. Bất cứ cái gì làm tăng sự hoàn mĩ hay những giá trị trường tồn đều có thể hỗ trợ cho nghệ thuật chinh phục. Trong thế giới hiện đại, văn hoá và nghệ thuật nhiều khi thay thế tôn giáo. Có hai cách dùng nghệ thuật trong sự chinh phục của bạn: đầu tiên hãy tự mình sáng tạo ra nó trong sự thán phục của đối tượng. Natalie Barney làm thơ và tấn công đối tượng của mình bằng chính vũ khí đó. Một nửa trong số những lời thỉnh cầu của Picasso đối với phụ nữ là hi vọng ông có thể làm họ bất tử trong các bức hoạ của mình – vì như người Roma thường nói “nghệ thuật dài hơn cuộc sống rất nhiều”. Ngay cả tình yêu của bạn cũng là một điều tưởng tượng bằng cách chộp lấy nó trong một lĩnh vực nghệ thuật mà bạn gán cho nó sự bất tử. Cách thứ hai để dùng nghệ thuật là sử dụng để đáng bóng mối quan hệ, tạo điều kiện cho sự chinh phục đạt đến cực điểm. Nataqlie Barney đưa đối tượng của mình đi xem kịch, tới nhà hát opera, bảo tàng và những nơi đầy không khí của lịch sử. Ở những nơi như vậy, tâm hồn của bạn có thể cộng hưởng cùng đối tượng. Tất nhiên, bạn nên tránh những việc làm tần thường, nạt nhẽo, dễ làm lộ ý định của mình. Kịch, phim, sách có thể hợp thời, ngay cả một chút hoang dã cũng vậy, miễn là nó chứa đựng những thông điệp cao sang. Ngay cả một phong trào chính trị cũng có thể được nâng đỡ bằng tâm linh. Hãy làm sao cho miếng mồi tâm linh dính chặt vào đối tượng của bạn.

Nếu đối tượng là kẻ thực dụng, chủ nghĩa vô thần sẽ cuốn hút hơn rất nhiều so với những điều siêu phàm. Nhà thơ ngụ ngôn Nga Rasputin được tôn sùng vì sự thánh thiện và khả năng chữa lành các vết thương. Nhiều người đàn bà bị mê hoặc bởi Rasputin thường ghé thăm căn phòng của ông ở St. Peterburg để được ban những lời tư vấn tâm linh. Ông kể học nghe những điều tốt đẹp bình dị của người tá điền, sự tha thứ của Chúa trời và những điều cao cả khác. Nhưng sau vài phúc, ông sẽ chêm vào một hai lời bình luận vể sắc đẹp của người phụ nữ đó, rằng làn môi của cô mới mời gọi làm sao, rằng sụ thèm khát có được cô sẽ làm một người đàn ông nào đó phát điên lên. Ông sẽ bàn vềnhiều loại tình yêu: yêu Chúa, yêu bạn bè, tình yêu đôi lứa nhưng pha trộn tất cả lại như thể chúng là một vậy. Tồi ôn trổ lại vấn đề tâm linh, bất ngờ cầm tay người đàn bà rồi thì thào bên tai cô…Tất cả những điều đó có một hiệu ứng gây hưng phấn mạnh mẽ. Những người đàn bà sẽ cảm thấy mình được đưa tới cao trào, thăng hoa về tinh thần cũng như thèm muốn xác thịt. hàng trăm người đàn bà đã không cưỡng lại được những cuộc viếng thăm như thế vì ông ta cũng sẽ nói rằng họ không phải hối tiếc cho đến khi họ mặc lỗi và Rasputin là người đáng bị mắc lỗi hơn cả.

Rasputin hiểu mối liên hệ gần gũi giữa thể xác và tinh thần. Tình yêu của Chúa là một phiên bản tuyệt mĩ của tình yêu xác thịt. Ngôn ngữ của ngụ ngôn tôn giáo thời trung cổ chứa đầy những hình ảnh khêu gợi, sự thể nghiệm của Thượng đế và sự hoàn hảo có thể tạo ra cực khoái trong tư tưởng. Không có hỗn hợp nào hiệu quả hơn sự kết hợp giữa tâm linh và tình dục, giữa cao thượng và trần tục. Khi bạn nói về tâm linh, hãy để cái nhìn và cơ thể mình cùng thể hiện khả năng tình tục. Tạo ra sự hài hoà giữa vũ trụ và Thượng đế dường như đối lập với sự hài hoà giữa hai con người. Nếu bạn có thể kết thúc cuộc chinh phục như một sự trải nghiệm tâm linh, bạn không những gia tăng sự hài lòng về thể xác mà còn tạo ra một sự thu phục sâu sắc và lâu bền.

BIỂU TƯỢNG

Các vì sao trên bầu trời - những đối tượng đựoc tôn thờ qua hàng thế kỷ vả biểu tượng của sự hoàn mĩ siêu nhiên. Hướng về chúng, ta nhất thời tháot khỏi mọi thứ tầm thường và tạm bợ để cảm nhận được sự thanh thản. Hãy đưa tâm trí của đối tượng lên với các vì sao và họ sẽ không ý thức được những gì đang xảy ra trên mặt đất.

ĐIỂM YẾU

Hãy để đối tượng cảm thấy ảnh hưởng của bạn không phải là bề ngoài và nhất thời. Điều đó sẽ làm họ rơi sâu hơn vào sự điều khiển của bạn. Nó cũng có thể khơi dậy sự bất an: sợ phải cam kết, sợ mối liên hệ với những thế lực không tồn tại. Đừng để mồi nhử của bạn dẫn dắt theo hướng đó. Nân tập trung sự chú ý vào tương lai xa có thể ngấm ngầm thu hẹp tự do của họ và bạn nên chinh phục thay vì cầu hôn họ. Những gì bạn muốn là làm cho họ đánh mất mình trong một khoảnh khắc trải nghiệm chiều sâu tình cảm của bạn trong hiện tại.

Giovano Casanova dùng rất nhiều mồi câu tâm linh trong những lần chinh phục của mình: thần quyền hay bất cứ những gì có thể gây ra sự rung động. Trong thời gian anh ta phải lòng một người đàn bả, cô ta sẽ nghĩ rằng anh sẽ làm mọi thứ vì cô, rằng anh không phải coi cô như một mối tình qua đường. Nhưng cô cũng biết rằng vào cuối cuộc chơi, anh ta sẽ khóc lóc tặng cô những món quà quý rồi lặng lẽ ra đi. Đó chỉ là những gì các cô gái trẻ mong muốn: cuộc vui chốc lát hơn là hôn nhân hoặc gia đình gia trưởng. Đôi khi đỉnh cao của sự hài lòng chính là khi chúng ta thấy nó đang vụt qua.

Lúc nào cũng có thể tự do yêu người tình của người khác. Để cả đời ta đặt dưới chân người như những ngày qua. Bảo vệ người trước những thần linh để ta có thể đặt người trên chiếc giường rong rêu. Ta sẽ tìm thấy nhau lần nữa ở Lesbos. Khi hoàng hôn buông, ta sẽ đi vào rừng sâu để quên hết những con đường dẫn về hiện tại. Ta muốn tưởng tượng ra cả hai trên hòn đảo quyến rũ của những người bất tử. Ta vẽ ra nó với sự lộng lẫy, kiêu sa nhất. Hãy tới đây, ta sẽ giới thiệu em với những cặp đồng tính nữ ở đây, tách khỏi thành phố ồn áo. Chúng ta sẽ quên hết mọi chuyện trừ giá trị của Cái Đẹp.

- Natalie Barney, Thư gửi Liane de Pougy, trích dẫn của Jean Chalon, Chân dung kẻ chinh phục: Thế giới của Natalie Barney, Carol Barko dịch.

Natalie kinh khủng, người đã thiêu rụi mảnh đất của tình yêu. Natalie ghê gớm làm những người chồng phải khếip sợ vì không ai có thể cưỡng lại sự chinh phục của cô. Và một người có thể thấy những người đàn bà bỏ rơi chồng con, gia đình để theo đuổi cái mụ phù thuỷ của Lesbos. Mụ đã chế ra những chất độc ma thuật. Natalie thích làm thơ, cô biết cách hoà trộn giữa thể xác và tinh thần.

Jean Chalon, Chân dung kẻ chinh phục: Thế giới của Natalie Barney, Carol Barko dịch.

Một người đàn ông giàu có và đông con ở thị trấn Gafsa, Barbary có một cô con gái kiều diễm tên Alibech. Bản thân cô không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng trong thị trấn có rất nhiều người Thiên Chúa giáo. Một lần, nghe họ ca tụng sự công bằng và những cống hiến của Chúa trời, cô hỏi một người về cách tốt nhất để phụng sự Chúa. Ông ta nói rằng người phụng sự Chúa nhiều nhất là người rời xa nhất khỏi vật chất tầm thường, ví dụ như sống ở những vùng sâu giữa sa mạc Sahara. Cô không hỏi gì nữa nhưng sáng hôm sau, Alibech lẳng lặng ra đi, nhằm thẳng hướng sa mạc. Vài ngày sau, kiệt sức vì mệt và đói, cô tới một nơi hoang vắng. Nhìn thấy một túp lều ở xa, cô bước thấp bước cao về phía đó và gặp một đạo sĩ bên ngưỡng cửa.

Cô nói với ông rằng cô đã bị thôi thúc bởi Chúa và cô đang cô gắng không chỉ để phụng sự Ngài mà còn tìm kiếm người hướng dẫn cô cách phụng sự tốt nhất.

Thấy cô quá trẻ và xinh đẹp, người đàn ông không dám nghĩ đến chuyện che chở cho cô vì sợ quỷ dữ sẽ sai khiên chính mình. Chuẩn bị cho cô rất nhiều rễ cây, táo, thức ăn, nước uống, ông nói với cô: “Con gái à, không xa đây có một đạo sĩ có nhiều khả năng hơn ta để dạy con những điều đó. Con hãy đi theo ông ta”. Và ông chỉ đường cho cô đi. Khi tới chỗ người đàn ông thứ hai, cô lại được chỉ dẫn những điều tương tự và theo đó, cô tới một căn lều nhỏ của vị tu sĩ trẻ, một người rất mộ đạo và đáng kính tên là Russtico. Cô hỏi ông những điều đã nói với hai vị trước. cố gắng thể hiện mình có một ý chí sắt đá, ông ta không làm như những người kia-đuổi cô đi hoặc chỉ cô tới chỗ những người khác; ông ta giữ cô lại trong một góc lều. khi màn đêm buông xuống, ông chuẩn bị một cái giường tạm bằng lá thông, mời cô nằm nghỉ. Đã một lần, ông ta làm như vậy, nhưng chẳng được bao lâu trong đầu ông ta đã xảy ra cuộc cãi vả giữa cám dỗ và ý chí; sau một lát, ông thấy mình thất bại trên mọi mặt trận, nằm gối đầu lên tay. Đầu hàng.quên đi mọi lý lẽ đạo đức giả, những lời cầu nguyện và sám hối, ông bắt đ6ù tập trung trí óc vào tuổi trẻ, vào sắc đẹp của cô gái, tìm cách tiếp cận để cô không thể cho rằng ông là kẻ dâm dục. sau vài câu hỏi, ông biết rằng cô chưa bao giờ có quan hệ với người khác giới, cô vẫn còn rất ngây thơ. Vì thế, ông nghĩ ra một cách có thể thuyết phục cô, với danh nghĩa phụng sự Chúa để thoả mãn cơn thèm khát của mình. Ông bắt đầu rao giảng, chi cho cô thấy môt kẻ thù của Chúa có thể hung bạo ra sao và tiếp theo, gây ấn tượng cho cô rằng cách tốt nhất để phụng sự Chúa là đẩy lui con quỷ đó về địa ngục-nơi đầu tiên thượng đế toàn năng đã gửi gắm linh hồn.

Cô gái hỏi ông việc đó diễn ra như thế nào. Russtico trả lời: “con sẽ thấy ngay thôi, chỉ cần bắt chức những gì ta làm”. Ông bắt đầu cởi quần áo. Cô gái răm rắp làm theo. Russtico quỳ xuống như sắp cầu nguyện chỉ cô quỳ ở phía đối diện. trong tư thế đó, sắc đẹp của cô gái rực rỡ nhất và ham muốn của Russtico bùng phát dữ dội. Alibech nhìn chăm chăm vào Russtico đang sửng sốt và nói: “có cái ngay trước cha vậy?”. “ồ, con gái của ta”, Russtico nói, “ đó là con quỷ ta đã nói với con. Con có nhìn thấy nó đang làm gì không? Nó đang khiến ta không thể chịu đựng nổi.” lạy Chúa. cô gái nói: “ con có thể thấy rằng con hơn hẳn cha, vì con không có con quỷ dữ như vậy trên người”. Con nói đúng nhưng con có những cái khác mà ta không có. Nó là cái gì vậy? con có địa ngục và ta thành thực ta tin rằng Chúa đã gửi con đến đây để cứu rỗi linh hồn ta. Nếu con quỷ này tiếp tục truyền bệnh cho ta và nếu con thấy tội nghiệp, hãy để cho ta đẩy nó về địa ngục. Con sẽ trợ giúp ta như dâng hiến cho Chúa. Ôi Cha, cô gái đáp lại rất ngây thơ, nếu con thực sự có địa ngục hãy làm ngay khi Cha sẵn sàng. Chúa phù hộ cho con. Hãy đẩy lui nó rồi nó sẽ để cho Cha yên. Ông ta đưa cô gái tới chiếc giường của họ, nơi ông chỉ dẫn cô “nghệ thuật” tống giam con quỷ ghê gớm đó. Chưa bao giờ đặt con quỷ nào vào địa ngục, cô gái cảm thấy hơi đau và nói với Russtico: “con quỷ chắc là tồi tệ lắm Cha ạ. Một kẻ thù đích thực của Chúa cũng như loài người tội lỗi, nó làm đau địa ngục khi trở lại đấy”. “Con gái, nó sẽ luôn luôn là như vậy”. Và để chắc chắn không quay trở lại, trước khi rời khỏi giường, họ kéo nó tới lui cả chục lần, kìm chế sự ngạo mạn của nó ở múc độ vừa phải mà gã tu sĩ vui vẻ giữ cho đến hết ngày. Tuy nhiên trong vài ngày tiếp theo, sự kiêu hãnh của con quỷ vẫn thường xuyên ngóc đầu dậy và cô gái luôn sẵn sàng nghe theo tiếng gọi củ trách nhiệm, đưa nó vào vòng kiểm soát như một ý thích về thể dục và nói với Russtico: “Con chắc đã có thể nhìn thấy những gì mà những người đàn ông đáng kinh ở Gafsa ngụ ý khi họ nói rằng phụng sự Chúa thật là sung sướng. Con thành thực chưa bao giờ hạnh phúc bằng việc nhét con quỷ vào địa ngục. theo cách nghĩ của con, bất cứ ai dành hết sức lực cho những việc khác đều là kẻ ngu dốt.

Và như vậy, hỡi những quý bà trẻ tuổi, nếu các bà muốn sự trọng đãi của Chúa hãy học cách nhét con quỷ vào địa ngục vì điếu ấy không chỉ tuyệt vời đối với nó mà còn tạo khoái cảm cho tất cả những người có liên quan… Và rất nhiếu mầm sống sẽ có thể trỗi dậy nối tiếp quá trình này.

- Giovanni Boccacio, The Decameron, G.H.Mc William dịch

20

SỰ KẾT HỢP GIỮA THỎA MÃN VÀ SỰ ĐAU ĐỚN

Sai lầm lớn nhất trong chinh phục là thể hiện quá hoàn hảo. Thoạt đầu, có thể đức hạnh của bạn rất quyến rũ nhưng nó sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán; bạn đang cố gắng để làm hài lòng và dường như không mấy chắc chắn. Thay vì làm choáng ngợp đối tượng của mình với lòng tốt, hãy cố gắng gây ra một tổn thương. Gây sự chú ý cao độ rồi đột ngột thay đổi. Hãy làm cho họ cảm thấy có lỗi và bất an. Thậm chí có thể chủ động tạo ra một sự gián đoạn, đặt họ vào sự trống rỗng và đau đớn trong khi bạn có thời gian để chuẩn bị - sau đó nối lại mối quan hệ, tỏ ra hối lỗi, trở lại với sự tử tế ban đầu, điều đó sẽ làm suy yếu họ. Càng hạ thấp, bạn lại càng đắt giá. Để tăng khả năng khêu gợi, hãy tạo ra sự thích thú trong sợ hãi.

TẠO CẢM GIÁC BẤT AN

Một chiều hè nóng nực năm 1894, Don Mateo Díaz, một cư dân 28 tuổi của Seville, quyết định ghé thăm nhà máy thuốc lá. Do có sự liên hệ trước, nên Don Mateo được phép đi dạo thoải mái trong nhà máy nhưng anh ta không mấy quan tâm tới bộ phận kinh doanh. Don Mateo thích những cô gái đẹp mà trong nhà máy có tới hàng trăm. Đúng như Mateo dự đoán, ngày hôm đó nhiều người trong số họ gần như không mặc gì cả vì nóng bức - thật là cầu được, ước thấy. Anh ta tận hưởng khung cảnh đó hồi lâu nhưng tiếng ồn và nhiệt độ cao nhanh chóng buộc Mateo phải đi ra. Ngay khi anh tới cửa, một công nhân không quá 16 tuổi gọi với theo: “Này chàng hiệp sĩ, nếu anh trả tôi một xu, tôi sẽ hát cho anh nghe một bài.”

Cô gái đó là Conchita Pérez, trẻ trung và ngây thơ, trông rất xinh với đôi mắt long lanh như đang mờ gọi. Thật là một đề nghị hấp dẫn. Anh nghe cô hát (dường như bị dẫn đi một cách mơ hồ), trả cô một đồng cắc tương đương cả tháng lương, ngả mũ chào cô rồi ra về. Dấn tới quá nhanh hoặc quá mạnh đều không tốt. Khi anh đi dọc theo con phố, anh tính cách nhử cô vào lưới tình. Đột nhiên, anh cảm thấy có một bàn tay đặt lên tay mình, quay lại và nhận thấy Conchita đang đi cạnh. Trời quá nóng để làm việc bây giờ, liệu anh sẽ là một quý ông đưa cô về nhà? Tất nhiên rồi. Em có người yêu chưa? Anh hỏi nhỏ. “Chưa, em còn mozita([1]) mà”.

Conchita sống với mẹ tại khu thấp của thị trấn. Don Mateo pha trò vài câu, biếu bà mẹ ít tiền (Anh từng ý thức được tầm quan trọng của việc làm hài lòng các bà mẹ) rồi ra về. Họ nghĩ anh sẽ tới trong vài ngày nữa. Nhưng Don Mateo mất kiên nhẫn, trở lại ngay sáng ngày hôm sau. Bà mẹ đi vắng, anh và Conchita quy trở lại với trò bỡn cợt hôm trước. Anh rất ngạc nhiên khi thấy cô ngồi vào lòng mình, vòng tay ôm hôn anh rất tự nhiên. Hồn anh muốn bay ra ngoài cửa sổ. Anh ghì chặt và đáp lại nụ hôn của Conchita một cách nồng nhiệt. Ngay lập tức, cô nhảy dựng, mắt long lên giận dữ. “Anh đang lợi dụng tôi,” cô nói, “Anh chỉ dùng tôi để mua vui qua đường mà thôi.” Don Mateo vội giãi bày rằng mình không hề có ý nghĩ đó và xin lỗi vì đã đi quá xa. Khi ra về, anh cảm thấy bối rối: cô ta chủ động hết thì tại sao anh phải nhận lỗi. Và anh chưa làm gì cơ mà. Các cô gái trẻ không thể đoán trước được; tốt nhất nên bẻ gãy họ từ từ.

Qua vài ngày sau, Don Mateo là một quý ông hoàn hảo. Anh viếng thăm hàng ngày, tặng quà hai mẹ con, không một lời tán tỉnh – ít nhất là ngay từ đầu. Cô gái đã trở nên thân thuộc đến nỗi có thể mặc thêm quần áo ngay trước mặt anh hoặc đón anh trong bộ đồ ngủ. Thân người cô lấp ló sau làn vải mỏng khiến anh như phát điên, và anh sẽ hôn trộm, chỉ để mong cô xua đuổi, trách mắng anh nữa. Nhiều tuần trôi qua, anh đã chứng tỏ rằng anh không phải là tay săn mồi qua đường. Mệt mỏi vì thời gian tìm hiểu bất tận, anh tìm cách tách hai mẹ con Conchita và đề nghị rằng anh sẽ mua cho cô một ngôi nhà, anh sẽ coi cô như một bà hoàng, cô sẽ có bất cứ cái gì mình muốn (dĩ nhiên, mẹ cô cũng vậy). Chắc chắn lời cầu hôn của anh đã thoả mãn cả hai người đàn bà nhưng ngày hôm sau, Conchita gửi anh mẩu giấy mà nội dung không thể hiện chút biết ơn nào mà toàn là những lời buộc tội gay gắt rằng anh đang mua tình yêu của cô. “Anh sẽ không bao giờ thấy tôi nữa”- cô kết thúc. Anh vội vã tới ngôi nhà chỉ để nhận ra rằng hai người đàn bà vừa mới rời đi.

Don Mateo cảm thấy tuyệt vọng. Thì ra, anh đã cư xử như một kẻ thô lỗ. Lần sau, anh sẽ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi cầu hôn. Tuy nhiên, một ý nghĩ khác xâm chiếm Mateo: anh sẽ không bao giờ gặp lại Conchita nữa. đến lúc này, anh mới nhận ra mình yêu cô dường nào.

Hết mùa đông, quãng thời gian tồi tệ nhất trong đời Mateo. Một này mùa xuân, khi đang đi xuống phố, anh nghe ai đó gọi tên mình. Anh nhìn lên: Conchita đứng trong một ô cửa, liếc nhìn thích thú. Cô cúi người chào, anh vội hôn tay cô. tại sao cô đột nhiên biến mất? “Mọi việc diễn ra quá nhanh,” cô nói. Cô đã sợ sự chú ý của anh cũng như những cảm xúc của chính cô. Nhưng gặp lại anh, cô đã chắc chắn rằng mình đã yêu. phải, cô đã sẵn sàng trở thành phu nhân của Don Mateo. Cô sẽ chứng minh điều đó, sẽ đến với anh. Xa cách đã làm cả hai thay đổi.

Vài tối sau, như đã hứa, cô tới nhà anh. họ hôn nhau và bắt đầu gỡ bỏ quần áo. Anh muốn nhấm nháp từng giây phút quý giá, tận hưởng chậm rãi nhưng lại cảm thấy mình như con bò kéo xe mới được thả rông. Anh theo cô tời giường, vuốt ve và cởi quần áo cho cô. Nhưng không hiểu sao, nó bị thắt chặt một cách khó hiểu.

Cuối cùng, anh phải ngồi dậy quan sát: cô mặc một cái gì đó bằng vải dù và được thiết kế rất công phu - những thứ anh chưa thấy bao giờ. Dù anh có cố gắng đến đâu nó cũng không bung ra. Như mất trí, anh muốn giằng xé Conchita nhưng rồi lại bật khóc.

Cô giải thích: cô muốn làm mọi chuyện với anh nhưng vẫn muốn là mozita nên đã sử dụng chiếc quần đặc biệt đó. Cáu tiết, anh đưa cô về nhà.

Vài tuần sau, Don Mateo bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình về Cochita. Anh nhìn thấy cô quanh quẩn bên những người đàn ông khác, nhảy điệu flamenco khêu gợi trong bar rượu: cô chẳng phải là mozita – anh quả quyết – cô chỉ mồi chài anh để kiếm tiền mà thôi. Anh chưa thể bỏ cô vì làm thế, một gã đàn ông khác sẽ nhảy vào thế chỗ ngay - một điều không thể chấp nhận được. Cô ấy sẽ mời anh qua đêm trên giường miễn là anh hứa không cưỡng bức cô và rồi như để hành hạ anh, cô sẽ khoả thân trên giường (cứ cho là vì nóng). Tất cả những điều này anh phải chịu đựng rất nhiều mới có được và không kẻ nào được phép có đặc quyền như vậy. Nhưng rồi một tối, bị đẩy tới cùng cực của nỗi ê chề, anh nổi giận và ra tối hậu thư: hoặc cho anh cái anh cần hoặc chia tay. Conchita bật khóc. Anh chưa bao giờ trông thấy như vậy và điều đó tác động mạnh mẽ đến Mateo. Cô nói rằng mình đã quá mệt mỏi trong giọng đứt quãng và nếu chưa quá muộn, cô sẵn sàng chấp nhận lời cầu hôn mà cô từng từ chối: Mua tặng cô một ngôi nhà và anh sẽ nhận được những gì cô hiến dâng.

Don Mateo không để lãng phí thời gian. Anh mua ngay một biệt thự, chi nhiều tiền để cô trang trí. Sau 8 ngày, căn nhà đã hoàn tất. Cô sẽ chờ anh lúc nửa đêm. Lạc thú đang đợi anh ở phía trước. Don Mateo đến như đã hẹn. Cánh cửa vào sân đóng kín. Anh bấm chuông. Cô tới sau cửa và nói qua chấn song: “Hôn tay em đi…nào… hãy hôn gấu váy và mũi hài của em nữa”. Anh làm theo. “Được rồi, anh có thể vào.” Sự ngỡ ngàng của anh khiến cô bật cười. Cô bắt đầu chế nhạo và thừa nhận mình đã bị anh chinh phục. Ngôi nhà này đứng tên cô. Cuối cùng thì cô chẳng bị ràng buộc gì cả. Cô gọi lớn. Một chàng trai xuất hiện từ trong khoảng tối của sân. Ngay trước mắt Don Mateo, họ làm tình luôn trên sân.

Sáng hôm sau, Conchita xuất hiện ở nhà Don Mateo để xem anh đã tự tử chưa. Cô lấy làm ngạc nhiên vì việc đó chưa xảy ra. Anh giáng cho cô một cái tát mạnh đến nỗi cô ngã văng xuống sàn. “Conchita,” anh gằn giọng, “Cô bắt tôi chịu nhục quá nhiều rồi. Cô đã nghĩ ra trò tra tấn tinh thần quái đản nhất và thử nghiệm với người đàn ông duy nhất yêu cô say đắm. Tôi tuyên bố sẽ chiếm hữu cô bằng vũ lực”.

Conchita la lên rằng cô sẽ không bao giờ thuộc về Don Mateo nhưng cô bị anh đánh tới tấp. Cuối cùng, động lòng trước những giọt nước mắt, anh dừng lại. Cô nhìn anh trìu mến: “Hãy quên mọi chuyện đi anh yêu. Quên tất cả những gì em đã làm”. Khi bị đánh, cô có thể nhận ra nỗi đau hằn trên gương mặt của anh. Cô đã chắc anh yêu cô chân thành. Cô vẫn là một trinh nữ. “Mối tình” với chàng trai tối hôm trước là do cô đạo diễn, đã kết thúc ngay khi Mateo bỏ đi. Cô vẫn thuộc về anh mà thôi. “Em đang khát khao được ôm anh trong vòng tay”. Cuối cùng thì cô cũng nói thật lòng mình. Vui sướng tột độ, Don Mateo nhận ra sự trong trắng của Conchita.

Giải thích: Don Mateo và Conchita Pézez là những nhân vật trong truyện ngắn “Đàn bà và con rối” xuất bản năm 1896 của Pierre Louys, được xây dựng từ một câu chuyện có thật – “Cô Charpillon”, một chương trong hồi ký của Casanova - cuốn sách đã được chuyện thể thành hai bộ phim “Quỷ dữ là một người đàn bà” của Josef Von Sternberg và “Vùng tối dục vọng” của Luis Bũnuel. Trong phim của Luis Bũnuel, Conchita quyến rũ một người đàn ông kiêu hãnh và hùng hổ rồi trong vài tháng biến hắn trở thành nô lệ bần tiện. Cách làm của cô rất đơn giản; kích thích cảm xúc càng nhiều càng tốt, gây ra thật nhiều nỗi đau. Cô khơi dậy lòng thèm khát của anh ta và khiến anh ta lầm tưởng mình đang lợi dụng cô. Cô bắt anh đảm nhận vai trò người giám hộ và khiến anh có cảm giác tội lỗi vì đã cố bán cô. Sự biến mất của cô làm anh đau khổ để rồi cô lại xuất hiện (tất nhiên là sắp đặt trước). Anh hân hoan tột độ nhưng cô quay ngoắt đi và khóc. Ghen tuông và bẽ bàng dẫn tối kết cục là cô trao cho anh sự trinh trắng của mình. Thậm chí sau đó, theo câu chuyện, cô còn tiếp tục tìm cách dày vò anh. Mỗi con bài cô dùng: cảm giác tội lỗi, thất vọng, ghen tuông, trống rỗng đều làm cho cô cao giá hơn. Anh trở nên nghiện ngập, bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn: nghiện và cai nghiện.

Nghệ thuật chinh phục của bạn không nên theo một công thức đơn điệu chỉ nghiêng về sự hài hoà và vừa lòng. Cao trào sẽ tới quá sớm và mức độ hài lòng sẽ rất mờ nhạt. Chúng ta thường chào đón những cái mà trước kia từng phải chịu đựng. sự đe doạ của thần chết sẽ làm chúng ta yêu cuộc sống hơn; chuyến đi dài làm ta mong ngày về hơn. Việc bạn nên làm là tạo ra những khoảnh khắc của nỗi buồn, tuyệt vọng và thống khổ, tạo ra sự căng thẳng để rồi giải thoát. đừng lo làm người khác giận giữ; cơn giận giữ là dấu hiệu chắc chắn bạn đã có một vị trí nhất định trong lòng họ. cũng đừng lo mọi người sẽ chạy trốn – chúng ta chỉ loại bỏ những người không ưa ta mà thôi. Con đường bạn tạo ra những nạn nhân của mình có thể ngoằn ngoèo nhưng không bao giờ ngu ngốc. bằng mọi giá, kìm chế cảm xúc và sự bực dọc.

Hãy tạo ra những mức độ cao thấp khác nhau và bạn sẽ quét sạch những dấu vết cuối cùng của uy lực mà họ có.

Sự cứng rắn và mềm mỏng

Năm 1972, Herry Kissinger, cố vấn anh ninh của tổng thống Richard Nixon, nhận được một yêu cầu phỏng vấn của nhà báo nổi tiếng người Ý tên Oriana Fallaci. Kissinger ít khi trả lời phỏng vấn. Ông cho rằng không thể kiểm soát được các buổi phỏng vấn khi chúng được đăng báo và ông là người muốn kiểm soát mọi thứ. Tuy nhiên, ông đã đọc bài phỏng vấn của Fallaci với các nhà lãnh đạo ở Miền Bắc Việt Nam. Cô rất hiểu biết về chiến tranh việt nam nên có lẽ ông nên đưa ra một số thông tin riêng để thu hút cô. Ông quyết định chấp nhận phỏng vấn và yêu cầu một cuộc gặp sơ bộ. Ông sẽ thử cô bằng những vấn đề khác nhau. Nếu Fallaci vượt qua đợt kiểm tra này, ông sẽ cho cô cơ hội phỏng vấn chính thức. Họ gặp nhau, ông có ấn tượng tốt về cô: cực kỳ thông minh và cứng rắn. Qua mặt cô và chứng minh ông thậm chí còn cứng rắn hơn sẽ là một thử thách thú vị. Ông đồng ý phỏng vấn ngắn trong vài ngày sau.

Fallaci bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng việc hỏi Kissinger có thất vọng bởi tiến triển chậm chạp của đàm phán hoà bình với Bắc Việt hay không. Điều đó khiến Kissinger bực mình vì ông đã nói ở cuộc phỏng vấn thử rằng mình sẽ không nói về đàm phán. Cô vẫn tiếp tục với những câu hỏi tương tự khiến ông nổi cáu: “Đủ rồi, tôi không muốn nói về Việt Nam”. mặc dù không chuyển chủ đề ngay nhưng các câu hỏi trở nên mềm mỏng hơn, về các quan điểm cá nhân về chính quyền Sài Gòn. Kissinger né tránh: “Tôi không phải loại người bị chi phối bởi tình cảm. Tình cảm không đem lại cho điều gì”. Cô chuyển sang một chủ đề lớn hơn: chiến tranh và hoà bình. Cô đề cao vai trò của ông trong việc nối lại mối quan hệ với Trung Quốc. Không nhận ra điều đó, Kissinger bắt đầu bộc bạch. Ông nói với sự khó chịu mà ông đang phải đương đầu ở Việt Nam. Ông thể hiện mình thiên về sử dụng sức mạnh. Đột nhiên, Fallaci đặt một câu hỏi sắc bén hơn: liệu Kissinger có phải là cái bóng của Nixon như người ta nghĩ: cô nhấn nhá tâng bốc rồi thả câu ông. Mục tiêu của ông là lấy thông tin từ cô trong khi không tiết lộ về bản thân nhưng rồi cuối cùng cô chẳng cho biết điều gì còn ông thì hở ra hàng loạt quan điểm, chẳng hạn: cách nhìn đàn bà như thứ đồ chơi, niềm tin rằng ông nổi tiếng vì được nhìn nhận như một gã cao bồi cô độc, một người anh hùng có thể một mình quét sạch mọi thứ. Khi cuộc phỏng vấn được công khai, Nixon giận tím mặt!

Năm 1973, vua Iran Mohamed Riza Pahlovi cho phép Fallaci phỏng vấn. Ông ta biết cách kiểm soát báo chí: không cam kết, không nói cái gì cụ thể, tỏ ra cứng rắn nhưng lịch sự. Cách thể hiện như vậy đã diễn ra hàng ngàn lần trước đó. Fallaci bắt đầu cuộc phỏng vấn ở mức độ cá nhân, hỏi ông ta về cảm giác khi làm vua, là mục tiêu của rất nhiều thế lực và tại sao các vị vua của xứ sở này đều có vẻ u buồn. Ông thổ lộ về những gánh nặng của trách nhiệm, nỗi đau và sự cô đơn mà ông cảm nhận như một cách chia sẻ vấn đề nghề nghiệp. Khi ông tâm sự, Fallaci nói rất ít. Sự im lặng của cô kích thích ông tiếp tục nói nhiều hơn. Đột nhiên, cô thay đổi đề tài: ông đang gặp rắc rối với bà vợ thứ hai và liệu điều đó có làm ông tổn thương hay không. Đây là vết thương lòng khiến Pahlavi nổi giận. Ông cố đánh lạc hướng nhưng cô kiên trì theo đề tài đó. “Tại so cứ mất thời gian để nói về các bà vợ và đàn bà?”- ông mất kiên nhẫn. Ông lại đi quá xa khi phê phán đàn bà nói chung: thiếu sáng tạo và tàn nhẫn. Fallaci đeo chặt vào điều này: “Ông có khuynh hướng độc tài và đất nước Iran không có những quyền tự do tối thiểu. Tôi có một cuốn sách viết về danh sách đen của chính quyền Iran.” Nghe vậy, nhà vua cảm thấy vị đẩy lùi một bước. Có lẽ ông đang phải đương đầu với một cây viết đối lập. Nhưng rồi cô xuống giọng một lần nữa, hỏi về những thành công của ông. Sự việc lặp lại: vào thời điểm ông thấy an toàn nhất, cô bất ngờ thọc sườn bằng một câu hỏi sắc sảo; khi ông nổi cáu, cô chuyển sang nhu ngay.

Cũng như Kissinger, Pahlavi nhận ra mình đã bị lột trần mặc dù trước đó đã ý thức được điều sau này phải hối tiếc như là để lộ dự định tăng giá dầu mỏ. Ông ta bị đánh gục và quay ra mơn trớn: “Ngay cả khi cô ở trong danh sách đen của chính quyền Iran, tôi vẫn đặt cô trong danh sách trắng của tim tôi.”

Giải thích: Hầu hết các cuộc phỏng vấn của Fallaci đều được thực hiện với giới lãnh đạo đầy quyền lực, luôn muốn lấn át người khác và kiểm soát tình hình, tránh tiết lộ những thông tin nhạy cảm. Cô bắt họ cởi mở với cảm xúc tích cực rồi mất tự chủ lúc nào không hay. Mô típ chinh phục cổ điển tiếp cận bằng sự quyến rũ và tâng bốc sẽ chẳng đưa cô đến đâu, họ sẽ nhận ra ngay ý đồ của cô. Thay vì làm thế, fallaci câu nhử cảm xúc của họ, hết cứng rắn lại mềm mỏng. Cô có thể hỏi một câu cộc cằn điểm trúng huyệt của đối phương, nơi họ mềm yếu nhất và chú ý phòng thủ, khoét sâu nó mặc dù như vậy có thể đánh động họ. Từ đó, lại làm nảy sinh nhu cầu của họ là muốn chứng minh với Fallaci rằng họ không đáng bị phê phán. Một cách mê muội, họ muốn làm hài lòng cô, làm cho cô thích họ. Khi cô chuyển hướng, khéo léo tán dương, họ cảm thấy đã chiếm thắng và tiếp tục sơ hở. Không nhận ra được điều này, họ sẽ trao cho cô dây cương điều khiển cảm xúc của mình.

Trong giao tiếp, chúng ta luôn mang những mặt nạ và giữ thế thủ. Nó làm ta lúng túng và cuối cùng là tiết lộ những cảm xúc thật. Là người đi chinh phục, bạn phải làm suy giảm khả năng đề kháng của đối phương. Cách tiếp cận bằng tâng bốc và gây chú ý kiểu mỹ nhân kế có thể hiệu quả với trường hợp này, đặc biệt với những người không vững vàng, nhưng phải mất hàng tháng trời, không ngoại trừ khả năng phản tác dụng. để có được kết quả sớm hơn và đánh gục những người khó tiếp cận, nên sử dụng luân phiên cứng rắn và mềm mỏng. Sự cứng rắn rạo ra căng thẳng, khiến đối phương có thể bực mình nhưng họ cũng sẽ tự vấn: mình đã làm gì khiến người khác không thích. Khi bạn mềm mỏng, họ cảm thấy được bù đắp nhưng cũng băn khoăn rằng bất cứ lúc nào họ cũng có thể làm bạn phiền lòng. Công thức này khiến họ hồi hộp: sợ gay gắt và muốn bạn mềm mỏng. Mềm mỏng cũng như cứng rắn phải tinh tế, moi móc hay ca tụng gián tiếp là tốt nhất. Hãy làm một nhà tâm lý học: chia nhỏ những lời bình luận liên quan đến động cơ sâu kín của họ và lắng nghe. Sự im lặng của bạn sẽ đẩy họ vào thế phải thú nhận. Bơm vào vài nhận xét ca ngợi, họ sẽ cố gắng làm vừa lòng bạn như một chú chó ngoan vậy.

Tình yêu là mông bông hoa quý nhưng phải có khát khao hái nó từ bên bờ vực thẳm.

- Stendhal

BÍ QUYẾT QUYẾN RŨ

Hầu như mọi người đều quá lịch sự hoặc thiếu lịch sự. Chúng ta sớm được dạy không nói ra những điều mình thật sự đang nghĩ; mỉm cười khi người khác pha trò, tỏ ra chăm chú nghe những câu chuyện của họ. Đó là cách duy nhất để sống với nhau. Rốt cuộc nó trở thành một thói quen. Ta tế nhị ngay cả khi không cần thiết. Ta cố gắng làm vừa lòng người khác, không giẫm lên chân họ, tránh mọi bất đồng và xung đột.

Tuy nhiên, mặc dù sự tế nhị ban đầu có thể đánh bóng bạn nhưng sẽ nhanh chóng giảm tác dụng. Cư xử quá tốt có thể làm cho đối tượng bị đẩy ra xa. Khêu gợi cảm xúc phụ thuộc vào việc tạo ra sức ép. Không có nó sẽ không có lo lắng, hồi hộp và vì vậy không có cảm giác được giải thoát - sự thích thú và hài lòng thực sự. Bạn phải tạo ra sức ép hướng về phía đối tượng của mình để kích thích cảm giám lo sợ, đẩy lui, đẩy tới để cho cực điểm của sự chinh phục có trọng lượng và cường độ đáng kể. Vì vậy hãy tránh thói quen xấu muốn gây gổ của mình trong mọi trường hợp. Bạn thường tỏ ra tế nhị nhưng không hẳn thực sự muốn thế mà xuất phát từ việc sợ làm mất lòng người khác hoặc tìm kiếm sự an toàn cho bản thân. Hãy vượt qua nỗi sợ đó và bạn có thể chọn lựa: tự do gây ra nỗi đau rồi phù phép cho nó biến mất. Khả năng chinh phục của bạn sẽ tăng lên gấp bội.

Mọi người sẽ không bực mình nhiều như bạn tưởng. Ngày nay, người ta thường thèm khát được trải nghiệm, ngay cả những cảm xúc tiêu cực. Tổn thương mà bạn gây ra để đạt mục đích rốt cuộc lại khiến họ cảm thấy mình còn giá trị. Họ có thể phàn nàn đôi chút và đóng vai trò nạn nhân nhưng rồi kết cục vẫn là: khi bạn chuyển nỗi đau thành sự hài lòng, họ sẽ sẵn sàng tha thứ. Hãy khơi dậy sự ghen tuông, làm họ cảm thấy bất an rồi công nhận cái tôi của họ sẽ nhân đôi niềm vui sướng của họ. Hãy nhớ rằng làm họ chán nản còn đáng sợ hơn khuấy động họ. Khi bị tổn thương, họ sẽ ràng buộc mình với bạn nhiều hơn. Hãy tạo ra sức ép để bạn có thể giải phóng nó. Nếu cần có hưng phấn, hãy tìm ra trong đối tượng những phần chọc tức bạn nhiều nhất và sử dụng nó như một cái phao cho việc chữa lành xung đột. Càng cứng rắn càng tốt.

Năm 1918, nhà văn Pháp Stendhal khi đó đang sống ở Milan gặp nữ bá tước Metida Viscontini. Đối với ông đó là một tình yêu sét đánh. Cô là người đàn bà kiêu hãnh và hơi khó tính, hay doạ dẫm Stendhal - người rất sợ lạm mếch lòng bà bá tước xinh đẹp vì những bình luận ngớ ngẩn hay hành động hợm hĩnh. Một ngày kia, không thể kìm chế được nữa, ông cầm tay cô và thú nhận tình yêu của mình. Hoảng sợ, cô yêu cầu ông đi ngay và không được trở lại một lần nào nữa.

Stendhal bủa vây Viscontini bằng một rừng thư, khẩn cầu cô tha thứ. Cuối cùng, cô dịu bớt: chấp nhận gặp mặt nhưng với điều kiện chỉ một lần trong tuần, mỗi lần không quá một giờ và chỉ gặp ở nơi đông người. Stendhal đồng ý, ông không có sự lựa chọn nào khác. Ông sống trong chờ đợi những cuộc viếng thăm ngắn ngủi hai tuần một lần - những dịp lo âu, căng thẳng và sợ sệt vì ông không chắc cô có xua đuổi và bỏ rơi ông nữa hay không. Sự việc cứ tiếp diễn như vậy trong hơn hai năm và nữ bá tước chưa một lần thể hiện dấu hiệu nhỏ nhất của sự xiêu lòng. Stendhal không hiểu tại sao cô cứ khăng khăng sắp đặt như vậy. Có lẽ, cô muốn đùa bỡn hoặc giữ khoảng cách với ông. Tất cả những gì mà Stendhal ý thức được là tình yêu ông dành cho cô ngày càng mãnh liệt, trở nên một sự bức xúc không thể chịu đựng tiếp. Cuối cùng, ông phải rời Milan.

Để quên đi nỗi buồn, Stendhal viết tiểu thuyết nổi tiếng “Đang yêu” trong đó mô tả nỗi ám ảnh, sợ hại của sự thèm khát. Thứ nhất, nếu bạn sợ người bạn yêu, bạn sẽ không bao giờ có thể tiếp cận người đó. Thứ hai, trong nỗi sợ có một điều gì đó rất mạnh mẽ. Nó khiến bạn rung động với những cảm xúc, sự tự ý thức và đấy chính là sự khêu gợi mãnh liệt nhất. Theo Stendhal, người tình càng đẩy bạn đến sát mép vực bao nhiêu (tới cảm giác rằng có thể bị họ bỏ rơi), bạn sẽ càng choáng váng và mất mát bấy nhiêu. Yêu có nghĩa là mất tự chủ, là sự pha trộn của sợ hãi và thích thú.

Ngược lại, cần phải khôn ngoan: đừng bao giờ để cho các đối tượng quá hài lòng về bạn. Hãy thể hiện lạnh lùng, giận hờn mà người khác không đoán được. Một chút phi lý cũng không sao. Lúc nào cũng phải có một con bài chiến lược: sự gián đoạn. Hãy để cho họ cảm thấy đã mất bạn mãi mãi, làm cho họ sợ sẽ không thể quyến rũ bạn. bỏ mặc họ với những cảm xúc ấy trong một thời gian rồi kéo họ khỏi bờ vực thất vọng. sự hoà giải sẽ mang lại cảm xúc mãnh liệt hơn.

Năm 33 trước công nguyên, Mark Antony nghe đồn rằng Cleopatra - người tình của ông trong nhiều năm – đã quyết định sẽ quyến rũ Octavius, kẻ thù của ông và đang chuẩn bị đầu độc ông. Cleopatra là một chuyên gia trong lĩnh vực này, bà đã đầu độc nhiều người trước đó. Antony hoang mang rồi cuối cùng chất vấn Cleopatra về điều đó. Cleopatra không phủ nhận. Bà có đủ khả năng đầu độc Antony bất cứ lúc nào mà ông không thể phòng tránh. Chỉ có tình yêu mới có thể giữ được mạng sống cho ông mà thôi. Để chứng minh, bà ném vài cánh hoa vào rượu của Antony. Ông ngập ngừng đưa rượu lên môi nhưng Cleopatra vội chặn tay ông lại. Bà bắt một tù nhân uống ly rượu đó và anh ta ngã lăn ra chết. Quỳ mọp dưới chân Cleopatra, Antony thổ lộ rằng chưa bao giờ yêu Cleopatra hơn lúc này; ông nói không chút hèn nhát, sợ hãi, rằng nếu Cleopatra đầu độc, ông cũng đã phải rời bỏ bà để quay về Rome. Không, chính Cleopatra đã kiểm soát những cảm xúc để đẩy ông tới ranh giới của sự sống và cái chết. Ông đã trở thành nô lệ của bà. Cách thể hiện quyền lực của Cleopatra không chỉ hiệu quả mà còn đầy quyến rũ.

Cũng như Antony, nhiều người thèm khát khổ dâm mà không nhận ra nó. Nó làm cho người ta gây đau đớn cho người khác vì những mong muốn bị kìm nén dồn tới đỉnh điểm. Bạn phải nhận ra hình thức tinh vi này vì mỗi người thích một loại riêng. Ví dụ, có người không thấy có gì tốt trên đời này và có người lại không thích thành công liên tục đã tự phá hoại sự nghiệp của mình. Hãy tỏ ra mềm mỏng, thừa nhận bạn khâm phục họ, họ sẽ không thoải mái vì thấy mình không giống như những gì bạn nghĩ. Những người tự kỷ sẽ làm việc tốt hơn với một hình phạt. Hãy chửi rủa họ, làm họ ý thức được sự tồi tệ của mình. Họ cảm thấy mình đáng bị trách móc và rồi chính điều đó lại làm họ khuây khoả. Rất dễ để làm cho họ có cảm giác mắc lỗi - một cảm giác ưa thích của họ.

Những người khác đảm nhận nhiều trách nhiệm của xã hội như là một gánh nặng và họ nóng lòng muốn quẳng chúng đi. Họ thường tìm kiếm một người hay vật gì đó để tôn thờ: một sự nghiệp, một tôn giáo, một tu sĩ, một kẻ tử vì đạo… Có thể nhận ra họ từ việc họ thích cằn nhằm về sự đánh giá ngay thẳng và thiên lệch rồi tạo cho học một lý do để phàn nàn. Hãy nhớ: cần phải tỏ ra thất vọng. Thường những người trông dũng mãnh như Kissinger hay Mateo có thể ẩn chứa mong muốn bị trừng phạt. Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy theo đuổi nỗi đau và sự hai lòng và bạn sẽ tạo ra một tình trạng phụ thuộc của người khác vào mình.

BIỂU TƯỢNG

Vực sâu. Bên bờ vực thẳm, người ta thường cảm thấy chóng mặt, sợ hãi. Trong khoảnh khắc, họ có thể tưởng tượng mình đang rơi xuống. Cùng lúc đó, một phần của họ sẽ bị kích động. dẫn dắt vấn đề của bạn tới càng gần mép vực càng tốt; sau đó kéo họ trở lại. Không có sự kích thích nào mà không cần đến nỗi sợ.

ĐIỂM YẾU

Người vừa trải qua nỗi đau và mất mát sẽ bỏ trốn nếu bạn cố giáng cho họ những đòn cân não, những thứ họ đã có thừa. Tốt hơn, hãy làm cho họ hài lòng - điều đó sẽ đặt họ trong tầm kiểm soát của mình. Phương pháp tạo nỗi đau có tác dụng nhất đối với những người đang thoải mái, nhiều quyền lực và ít vấn đề phải suy nghĩ. người có cuộc sống thoải mái cũng có thể bị gặm nhấm vì cảm giác tội lỗi - dường như họ đã lấy cắp cái gì đó. Họ có thể không ý thức được điều đó nhưng họ mong mỏi một cách kín đáo một hình phạt: sự tra tấn tinh thần - điều có thể đưa học trở về với thế giới thực tại.

Cũng nên nhớ đừng dùng mẹo “mềm mỏng rồi cứng rằng” quá sớm. Vài người trong số những kẻ chinh phục vĩ đại nhất trong lịch sử như Byron, Giang Thanh (Vợ Mao Trạch Đông), Picasso có dã tâm, có khả năng giáng những đòn tra tấn chí mạng. Nếu nạn nhân của họ biết trước, họ đã chạy trốn rồi. Sự thực là hầu hết những kẻ chinh phục nhử con mồi vào mạng nhện do chúng chăng ra bằng cách thể hiện những gì hoàn hảo nhất, ngọt ngào nhất. Byron trông tựa thiên thần khi anh ta gặp một người đàn bà lần đầu tiên – làm cho cô ta phải nghi ngờ về sự nổi tiếng quỷ quái của gã. Sự nghi ngờ có tính quyến rũ vì nó cho phép cô ta nghĩ rằng mình là người duy nhất thực sự hiểu Byron. Sự thô bỉ của gã sẽ được thể hiện nhưng khi biết thì đã muộn. Nạn nhân bị chiếm trọn tình cảm và sự cứng rắn của Byron chỉ làm tăng thêm cảm xúc mà thôi.

Khi mới gặp, hãy mang bộ mặt của con cừu non, đánh bóng mồi câu lên, luồn sâu vào trong lòng rồi dắt họ đi theo một lộ trình rồ dại.

Sự hài lòng càng chung chung thì càng ít sâu sắc.

- Stendhal, Tình yêu, Gilbert Sale dịch.

Bạn nên pha trộn sự chối từ/ Với trò đùa vui vẻ. Tống anh ta ra khỏi nhà, để anh ta trong chờ đợi/ Nguyền rủa cánh cửa khoá bưng đằng trước, để cho anh ta phải van xin/ Và đe doạ mọi điều. Sự ngọt ngào làm chán ngấy/ Nước càng đắng càng tươi mát/ Thường một con thuyền nhỏ/ Dễ bị những làn gió nhấn chìm; chính là khả năng tiếp cận của các ông chồng đối với họ/ Rất tùy tiện, nó tước đi rất nhiều tình yêu của các bà vợ/ Hãy để cô ta trong khung cửa với bộ mặt lạnh lùng của người gác cổng mà nói với anh rằng/ “Biến đi” và anh ấy sẽ thèm muốn/ Dù vỡ mộng, hãy từ bỏ những lưỡi kiếm cùn để chiến đấu với vũ khí sắc bén hơn/ (Tôi không tin lưỡi dao của mình/ Sẽ chĩa về phía tôi. Khi một người yêu mới/ Đang chật vật trong những công việc cực nhọc. Hãy để anh ta tin rằng/ Chỉ mình anh mới có quyền tới giường của bạn – Nhưng ngay sau đó sẽ làm anh ta tỉnh ngộ/ Trước mọi đối thủ; trước sự vui sướng được chia sẻ, cứ việc thờ ơ/ Với những vũ khí này, nhuệ khí của anh ta sẽ tàn lụi. Một con ngựa đua khoẻ nhất/ Khi trước mặt là đồng cỏ để rảo bước và đi qua. Vì vậy, những tàn tro chất chóc của say đắm có thể được quạt/ Cho bùng lên ngọn lửa bởi sỉ nhục. Tôi chỉ có thể yêu/ Chính tôi, tôi thừa nhận đó là sai nhưng đừng để nguyên nhân của / Nỗi đau quá rõ ràng: hãy để người yêu nghi ngờ/ Hơn là cho anh ta biết rõ. Hãy tạo ra một nô lệ, người canh chừng bạn/ Từng cử động như kẻ ghen tuông/ Sự hài lòng quá dễ dàng sẽ giảm đi nhiều hứng thú. Bạn muốn tự do/ Hãy làm người khác sợ dù cánh cửa thật sự an toàn, để anh ta ở cạnh/ Khung cửa sổ mà căng mắt nhìn. Để cho một trinh nữ thông minh chạy vào, la lên rằng “Chúng ta đã bị bắt mất rồi” trong khi bạn giấu kín những rung động của mình/ Nhưng hãy chắc chắn/ Làm anh ấy sợ hãi với vài giây thảnh thơi/ Nếu không, anh ta sẽ cho rằng một đêm với bạn không đãng để mạo hiểm.

- Ovid, Nghệ thuật yêu, Peter Green dịch.

“Chắc chắn rồi,”tôi nói, “Tôi thường bảo bạn rằng nỗi đau có một sự hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi và rằng không gì nhen lên sự say đắm của tôi nhiều như sự độc đoán, thô lỗ và bất công của một người đàn bà xinh đẹp”.

- Leopold Von Sacher Masoch, Venus trong áo choàng, Jean Mc Neil dịch.

Hãy để họ căm ghét khi họ sợ tôi/ Dường như chỉ có ghét và sợ thuộc về nhau trong khi sợ và yêu chẳng liên quan chút gì, sự sợ hãi chẳng làm tình yêu thêm thú vị. Phải chăng không có một sự băn khoăn, lo sợ thầm kín về nó khi dàn hợp xướng tuyệt diệu của nó chơi những đoạn ngẫu hứng và hỗn độn, an toàn đằng sau sự phản bội. Nhưng sự băn khoăn, bồn chồn tạo ra sự say đắm nhiều nhất. Vì vậy, với tình yêu, sẽ hấp dẫn hơn nếu đằng sau nó còn ấp ủ sự khắc khoải mà từ đó hoa tình yêu nở rộ.

- Sorn Kierkegaard, Nhật ký kẻ chinh phục, Howard V. Hong và Edna H. Hong dịch.

Tạo hoá đáng yêu ho một tràng và sắp xếp lại sự tăm tối xung quanh. “Cám ơn vì bài học cổ điển,” tôi trả lời, “nhưng tôi không thể phủ nhận tằng trong thế giới đầy ánh nắng của bạn cũng như trong cái màn sương mù dày đặc của chúng tôi, đàn ông và đàn bà là kẻ thù tự nhiên của nhau. Ái tình có thể gắn họ thành một khối óc, một trái tim, một ý chí nhưng cũng nhanh chóng xé rách chúng ra từng mảnh. Và điều này, bạn biết rõ hơn tôi: một trong hai phải buộc người kia phục tùng hoặc tự quỳ gối”... “Dưới chân người đàn bà, dĩ nhiên rồi,” thần Venus xấc xược chen vào, “và rằng anh biết rõ hơn ta”. “Tất nhiên, đó là vì tôi không ảo tưởng”. “Hơn nữa, anh đích thực đang là nô lệ của ta và ta sẽ tàn nhẫn giẫm nát anh”. “Thưa bà…”. “Anh chẳng biết gì về tôi đâu. Tôi thừa nhận rằng tôi khá thô lỗ với những ngôn từ quá sắc dành cho anh. Nhưng tôi không đáng có quyền xưng hô như vậy ư? Một người đàn ông khát khao, một người đàn bà được thèm khát. Đó là lợi thế của đàn bà nhưng chỉ với những người cứng rắn, cương quyết. Bằng cách làm tổn thương rồi đem lại khoái cảm cho người đàn ông, tự nhiên, người đàn bà đã ban ơn cho đàn ông rồi; cô ta không muốn đối xử với anh như một vật xoàng xĩnh, một nô lệ hay một thứ đồ chơi nhưng cuối cùng cũng phản bội trong tiếng cười ngạo nghễ; cô ta là người không biết điều ”. “Nhưng nguyên tắc của bà là…” tôi phản đối. “Được dựa trên kinh nghiệm hàng nghìn năm”, bà ta trả lời ranh mãnh, luồn ngón tay dưới bộ lông sẫm màu. “Đàn bà càng ngoan ngoãn, đàn ông càng dễ khôi phục gia trưởng và trở nên độc đoán. Nhưng nếu càng dữ tợn, lật lọng, càng ngược đãi, đỏng đảnh, đàn bà càng khêu gợi thèm khát của cánh đàn ông và giữ được tình yêu và lòng ngưỡng mộ của họ. sự thể luôn luôn là như thế, từ thời Helen và Deliah xử sự với Catherine the Great và Lola Montea”.

- Loepold Von Sacher Masoch, Venus trong bộ lông thú, Jean Mc Neil

dịch.

Về bản chất, sự thống trị bằng khêu gợi là sự thống trị của bạo lực, xúc phạm.

Hầu hết những phi vụ này đều đánh vào tận cùng của cuộc sống làm cho trái tim trơ ra. Chúng phá huỷ cái tôi của những người dính vào. Chúng ta có thể không bao giờ quên rằng thay vì hạnh phúc, tình yêu hứa hẹn buồn đau và rối loạn. sự nồng nàn chứa đựng trong bản thân nó sự kích thích những mối lo âu mà hạnh phúc phải cuốn vào trước khi ta được tận hưởng nó. Điểm chung của chịu đựng là mọi người càng chịu đựng nhiều thì tình yêu càng mãnh liệt hơn.

- Georges Batalle, Sự khêu gợi – Cái chết và nhục dục, Mary Dalwood dịch.

Luôn luôn phải nghi ngờ, đề phòng, giữ sự quỵ luỵ trong tình yêu. sự lo âu, là thú vị nhất, không bao giờ nhàm chán. Saint Simon, nhà sử học người Pháp từng viết: “ Sau nhiều mối tình dở dang, nữ công tước vùng Berry yêu tha thiết Riom - một thành viên của gia đình Aydie, con trai của quý bà Biron. Anh chàng chẳng đẹp mã, cũng không thông minh - mập, lùn, cằm xệ, da tái xanh và mang trên má cả cánh đồng mụn trứng cá trông cứ như bị ép-se; hàm răng coi được nhưng chưa tới mức lý tưởng là lý do khiến anh ta có một tình yêu sét đánh vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát mà không cần mẹo mực gì cả. Anh ta hấp dẫn vì không đáp lại ngay tình yêu của nữ công tước. Hắn thích làm cô nổi ghen hoặc giả vờ ghen, hay làm cô khóc. dần dần, gã đặt cô vào tình thế không dám làm gì nếu không được phép của hắn. Vài lần, cô đã chuẩn bị xem opera, hắn lại ra lệnh ở nhà và thỉnh thoảng bắt cô đến đó khi cô không muốn. Riom buộc cô phải có thiện cảm với những quý bà cô không thích hoặc ghét cay ghét đắng. thậm chí cô không được tự do mặc những chiếc váy ưa thích. Hắn tiêu khiển bằng cách buộc cô thay đổi kiểu tóc hay váy áo ngay trước lúc đi ra ngoài. Hắn làm như vậy thường xuyên và công khai nên dần dần, cô phải xin phép vào buổi tối về trang phục và lịch đi lại cho ngày hôm sau. Nhưng ngày hôm sau, Riom lại có thể thay đổi tất cả mặc cho cô khóc hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, cô gửi cho hắn những thư từ qua người thân tín, ngay khi hắn đến sống ở Luxembourg để xin chỉ dẫn về loại nước hoa nào cô nên xức, ruy băng nào được đeo… Hắn bắt cô mặc toàn những thứ cô không thích. Khi thỉnh thoảng cô dám làm bất cứ cái gì dù nhỏ đến đấu mà không có sự cho phép của Riom, hắn cũng xử cô như nô lệ và cô lại khóc mất vài ngày. Trước mặt mọi người, hắn trả lời cô cục cằn đến nỗi ai cũng phải cụp mắt xuống còn nữ công tước chỉ biết đỏ mặt vì xấu hổ nhưng sự say mê của cô dành cho hắn lại chẳng bớt đi chút nào. Đối với cô, Riom là một thần dược chống lại nỗi buồn tẻ.

- Stendhal, Tình yêu, Gilbert Sale dịch.

Giai đoạn 4:

NGHỆ THUẬT CHINH PHỤC VÀ DUY TRÌ TÌNH CẢM

Trước tiên bạn tác động vào tư tưởng của họ - quyến rũ tinh thần. Sau đó bạn làm xáo trộn và khuấy động tình cảm của họ - quyến rũ xúc cảm. Và bây giờ đã đến lúc bạn xuất chiêu hạ gục đối phương – quyết rũ thể chất. Ở điểm này, những người mà bạn quyến rũ trở nên yếu đuối và nhu cầu của họ phát triển đến độ chín muồi không thể kiềm chế được: bằng việc thể hiện một chút lạnh nhạt và không quan tâm thì bạn có thể gây tác động mạnh đến người mà bạn muốn quyến rũ – họ sẽ hoàn toàn theo bạn. (21: Cho họ cơ hội thua – kẻ theo đuổi sẽ bị theo đuổi). Để đưa họ đến một đỉnh điểm, bạn cần phải làm cho họ không đủ sức tỉnh táo để suy nghĩ và làm tăng cường độ xúc cảm, tình cảm ở họ. Tốt nhất là tạo sự quyến rũ làm sao hấp dẫn được họ bằng cách truyền đi những thông điệp thật đắt để có thể tác động mạnh vào các giác quan của họ và làm tăng cường độ ham muốn tình dục lên một đỉnh điểm không thể chế ngự được (22: Sử dụng những cám dỗ vật chất). Thời điểm tốt nhất để chinh phục là lúc nhu cầu của người mà bạn quyến rũ đã đến độ chín, nhưng đừng có trông chờ đến đỉnh điểm (23: Làm chủ nghệ thuật tấn công táo bạo).

Thông thường sau khi chinh phục được bạn hay có tâm lý xả hơi, tự mãn. Nhưng đây thực sự là một nguy cơ, vì người mà bạn quyến rũ có thể tỉnh ngộ lại và phá hủy toàn bộ những gì mà bạn đã cố công thực hiện trong quá trình quyến rũ (24: Hãy cẩn thận với hậu quyến rũ). Nếu sau khi đã chiếm được cảm tình, thiết lập được mối quan hệ tình cảm thì bạn nên thường xuyên duy trì sự quyến rũ, như tạo ra sự căng thẳng rồi tìm cách hóa giải nó. Nếu người mà bạn quyến rũ hoàn toàn dâng hiến cho bạn, sự quyến rũ của bạn nên thực hiện nhanh và trong sáng, như để cho bạn tự do (cả về tâm hồn lẫn thể xác) chinh phục đối tượng khác. Sau đó cuộc chơi sẽ hoàn toàn kết thúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro