CHƯƠNG 1: ĐỊA NGỤC
1
ĐÁM MA - NGHỀ KIẾM TIỀN TRÊN XÁC CHẾT
"Bốn người nát đầu do tai nạn ô tô."
"Thảm sát 6 người chết tại Bình Phước."
"Hàng ngàn trẻ em chết vì đánh bom khủng bố."
Chết! Chết! Chết!!!
Lại người chết!!!
Chết gì mà lắm vậy?
Đất thì không biết đẻ, chết nhiều vậy thì lấy đâu ra chỗ mà chôn? Mà chết lắm thì ắt đám ma sẽ nhiều, dăm bữa nửa tháng lại thấy một cái đám ma, cái thì đầu đường, cái thì xó chợ...
"Chẳng biết bao giờ thì đến đám ma của mình nhỉ?" Nghĩ đã thấy ngu ngu, nhưng cũng điên điên hay hay. Mà thôi hết ngày rồi, Hà Nội đêm buồn nghĩ gì cho lắm...
...
Nhắm mắt lại, trong giấc mơ của tôi một khung cảnh rất quen chợt hiện lên. Nắng sớm trong vắt tràn qua mấy khóm lá dừa tít ở trên cao, lớp xếp lớp, tầng xuyên tầng đâm qua mái nhà rơi tõm xuống sân. Xa xa khói từ góc bếp tỏa ra trắng xóa mang theo mùi thơm của ngô nướng, còn cây hoa ban ngoài sân đã nở rộ nghiêng mình đón những giọt nắng mai.
Sao mà quen thế nhỉ? À... nhà mình hồi xưa đây mà.
Đang ngó bên trái, nghiêng bên phải thì đột nhiên ai đó từ phía sau nhấc bổng tôi lên xoay mấy vòng trên không trung, tôi ngỡ ngàng rồi ngoảnh lại cười khanh khách nhận ra vòng tay vững chãi lạ lẫm của bố.
Ôi... Bố!
Ký ức tuổi thơ lạ lẫm, nó nhạt nhòa con không còn nhớ. Bố đừng mắng con nhé!
À mà bố ơi, đây là lần đầu tiên con được gặp bố kể từ ngày bố đi mà chẳng bao giờ thấy bố về nữa. Tuổi thơ không có bố thiệt thòi biết bao nhiêu, hồi còn nhỏ mỗi lần đi học tình cờ nhìn thấy chúng bạn được bố đưa đi, con lại vội trốn sau góc tường và khóc, rồi thầm ước được một lần bố đưa đến trường và khoe với chúng bạn: "Bố tao đấy, tao cũng có bố"... Giấc mơ chỉ là giấc mơ và trong giấc mơ này con chở quá nhiều ước vọng.
"Cha ơi! Cha hỡi! Cha ơi!
Âm dương chia đôi
Gốc lìa cành tủi khổ buồn thương
Ôi... Than ôi!
Mong hồn cha siêu thoát."
Tiếng khóc than ai oán rền rĩ xé toạc màn đêm yên tĩnh, kéo tôi ra khỏi giấc mơ ngàn năm có một trở về với thực tại. Tôi mất cơ hội trò chuyện cùng bố, giấc mơ vẫn còn dang dở vảng vất trong đầu tôi về hình ảnh một người đàn ông với đôi bàn tay lực lưỡng, rắn rỏi, nước da trắng và nụ cười hiền hậu.
Trả lại giấc mơ cho tôi!
Bốn giờ sáng...
Nhà hàng xóm có tang.
Thứ âm thanh ấy xuyên qua không khí nặng nề, đùng đục toàn hơi nước, vọng đến tai tôi với đủ loại cung bậc từ cao đến thấp tạo thành một thứ hợp âm hỗn tạp đến khó chịu.
Ai chết thế không biết?
Mà khóc thì cũng phải khóc cho dứt điểm, khóc cho đồng thanh. Đằng này khóc mà như cố rặn ra mà khóc, mà rên, mà gào thét.
Hết "Ôi trời đất ơi"...
... "Ôi làng nước ơi"...
Lại im bặt.
Một tiếng sau thì kèn đám ma vang lên rền rã, tiếng kèn rồi tiếng trống, cộng thêm tiếng gõ mõ, thi thoảng có dăm ba tiếng của loại nhạc cụ gì gì đó mà tôi không rõ nữa, có lẽ là đàn bầu. Thêm cả tiếng khóc rên than thở ỉ ôi của tập đoàn con cháu họ hàng các bên cộng hưởng thành một thứ âm thanh hỗn tạp khiến tôi khó chịu đến nhức đầu.
Đứng dậy.
Tôi vớ vội cái áo choàng đang vắt ở ghế phi thẳng ra cổng.
Vừa thò đầu ra cửa, đập ngay vào mặt tôi là một cái rạp trắng to chình ình, một tá bàn ghế xếp ngổn ngang và cả một đống xe máy dựng chắn kín cả lối đi.
Dọc con đường từ nhà ra đầu ngõ, phướn giăng khắp nơi, vài ba người ngồi trà nước ở trước cửa nhà có đám tang. Còn hiệp hội "Khóc thuê" kia vẫn đàn ca í a không ngớt, tôi nghĩ nhà soạn nhạc thiên tài vĩ đại Beethoven mà sống dậy chắc cũng phải vái sống cho cái trình độ hòa âm, bè phối quá hoàn hảo của đội này.
Tôi phải cố gắng mãi mới chen ra khỏi cái mớ hỗn độn, cái đống "đổ nát" đó.
Thở phào nhẹ nhõm nghĩ bụng: "Ầy, thoát nạn rồi, nhưng đi đâu bay giờ?"
Trời chưa sáng rõ tôi chạy xe ra đường trong vô thức, thi thoảng ngoái nhìn về phía sau ngỡ có ai đó theo dõi. Vừa đi vừa ngó nghiêng, nhìn hai bên đường thì thấy xa xa có gánh hàng xôi sáng sớm.
Bà cụ đội cái nón cũ che quá nửa mặt, thấy tôi có vẻ phấn khởi: "Cậu đi đâu mà sớm thế vào mở hàng cho u."
Đang chưa có điểm để dừng chân mà bụng thì đang biểu tình, thôi thì ngồi tạm ăn nắm xôi cho ấm bụng rồi lát tính sau.
Tôi dừng xe chỗ gánh hàng xôi. Trông thật lạnh lẽo, lèo tèo vài ba cái ghế nhựa đã ngả màu vàng ố. Mấy ông công nhân với mấy đứa sinh viên đi học sớm cũng dừng lại mua vài nắm xôi lạc, xôi vừng gói trong lá chuối. Đứa đứng đứa ngồi nhìn thật cám cảnh.
"Mày đi đứng thế, mà còn cãi à?... Có muốn tao lôi hết cả mồ mả tông ty nhà mày lên không con mất dạy kia!!!"
Chưa ngồi ấm được cái ghế đã nghe thấy tiếng cãi nhau, giật mình quay lại mới thấy một đám đang xúm xít cãi nhau inh ỏi bên kia đường.
Lại có chuyện gì vậy?
Ôi cha mẹ ơi, hóa ra tôi đang ngồi ngay trước cổng nhà xác mà không biết.
Một đám tang đưa xác vào, một đám lại cố đẩy xác ra cho đúng giờ hoàng đạo. Cái cổng thì bé, run rủi thế nào lại đâm phải nhau. Bên này đanh đá cá cầy, bên kia cũng đầu gấu không kém, thế là sáng ra cả khu phố với hai cái xác vẫn trùm nguyên khăn trắng lại được "thưởng thức" "bún mắng, cháo chửi" miễn phí.
Thật chẳng hiểu tôi đang sống ở cõi âm hay cõi dương nữa. Xác chết thì còn chưa ráo hơi vậy mà người sống đã lại muốn có thêm xác mới nữa.
"Bực mình thật, chả hiểu hôm nay là cái ngày gì", tôi lẩm bẩm.
Bà cụ bán xôi cười phụ họa: "Ôi dào có gì đâu, chuyện bình thường ấy mà cậu, ngày nào chẳng dăm ba trận. Nhiều đâm cũng quen."
Vừa nhấp ngụm trà tôi nghĩ bụng, showbiz dăm bữa nửa tháng mới có một cái họp báo, hội thảo một năm cũng chỉ đôi ba lần, sự kiện này kia thì cũng cách cách giãn giãn, chứ đám ma đám tang một ngày không biết bao nhiêu cái, hay mình bỏ showbiz đi theo nghề tổ chức đám ma, có khi lại thành đại gia!
Mấy thằng vừa ngồi ăn xôi vừa hóng hớt vụ cãi lộn, vừa nghe bà cụ tán phét: "Cuộc đời ngắn ngủi lắm, chả biết đâu mà lần. Tôi ngồi bán ở đây cả chục năm rồi, chứng kiến biết bao chuyện ngỡ ngàng. Người thì chết bất đắc kỳ tử, người thì sống không bằng chết..."
Tôi nghĩ bụng, ờ, kể cũng đúng.
Chết thì chẳng mấy ai biết trước, mà chết thì kiểu gì chả phải tổ chức ma chay.
Kể cũng lạ, vỏn vẹn chưa đầy một ngày có biết bao nhiêu thứ cần phải chuẩn bị, người ta lo liệu thế nào cho hết được nhỉ?
Hay là có thằng "rình rập" đứng sau để chuẩn bị bán mọi thứ?
Hay có một ai đó đứng sau "giật dây" điều khiển?
Hay có hẳn một ekip hùng hậu luôn sẵn sàng làm thay?
Bệnh nghề nghiệp lại trỗi dậy, tôi bắt đầu bấm ngón tay phân tích: có mở đầu, có kết thúc, có nội dung, có diễn biến cụ thể, có ekip tổ chức. Thế chứng tỏ đám ma cũng là một sự kiện đấy chứ. Nghĩ lại thấy cũng lạ, trước giờ ít ai dám khẳng định thế nào là sự kiện, cho dù đã có không ít người đưa ra khái niệm về nó.
Điển hình như Accepted Practises Exchange (APEX) Industry Glossary of Term (CIC, 2003) định nghĩa, sự kiện là một hoạt động có tổ chức như cuộc họp, hội nghị, triển lãm, sự kiện đặc biệt, tiệc tối. Còn theo Hinch và Delamere (1993), Mayfield và Crumpton (1995) thì sự kiện có thể được xem như các hoạt động quan trọng nhằm thu hút khách du lịch hoặc thể hiện đặc trưng của một cộng đồng và những nét văn hóa của cộng đồng đó.
Có gì đâu, lý thuyết dài dòng mà làm gì, theo cá nhân tôi đơn giản "sự kiện là một dấu mốc đánh dấu hoạt động diễn ra, nhằm mục đích ghi nhớ cho một hay nhiều cá thể".
Thôi suy nghĩ đi quá xa rồi, quay trở lại cái vụ đám ma. Cứ hễ có người chết thì sự kiện đám ma lại được tổ chức, có cầu ắt sẽ phải có cung, bởi vậy mới nói "nghề tổ chức sự kiện đám ma là nghề không bao giờ chết".
Còn người chết là còn đám ma.
Còn đám ma là còn kiếm được tiền.
Là nghề kiếm tiền trên xác chết...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro