ngày xuân của Chú
- Thế là sắp đến tết rồi đó à! Nhanh thật đấy!
Chú khẽ cất tiếng thở dài rồi buông ánh nhìn xa xăm nhưng lại vô tình đập phải cái hàng rào đối diện của nhà hàng xóm. Buồn thật chứ, muốn để lòng trôi xa xôi cho cảm xúc nó chạy tọt ra ngoài cho rồi thế mà cái khung cảnh cũng chẳng thương lòng cậu chủ, cứ mãi mặc định và trầm ngâm vốn sẵn.
Hôm nay nữa là đã hai tháng từ ngày Chú thoát khỏi cái cảnh nằm giường chờ thuốc ở bệnh viện thành phố, xa khỏi nơi phố thị ồn ào nhưng chẳng rộn ràng yêu thương, Chú về với căn nhà nhỏ nơi quê nhà, mộc mạc nhưng sung túc yên vui, về với người cha già vẫn hãy còn chắc nịch, tảo tần, về với hai đứa nhóc vô tư vẫn chờ ngày được nhận quà phương xa từ Ba nó và về với cô vợ trông nhớ mỏi mòn bao ngày qua. Yêu thương lại sum họp, căn nhà lại xôn xao và bàn ăn nay đã trở lại đông đủ như xưa nhưng đâu đó vẫn còn phảng phất lo toan trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Chú hơn cô cả một con giáp nhưng yêu thương nhảy vọt khoảng cách đưa hai con người nơi xa lạ quy về chung một mối, hạnh phúc gia đình chớm nở rồi thăng hoa, vun vén trong căn nhà nhỏ nhưng đầy hi vọng khang trang vào một ngày không xa, đôi vợ chồng son sắc, chăm chỉ lắp đầy ước mơ, cho dù có đôi lúc phải gián đoạn, bớt xén vì mấy căn bệnh ngày trở mùa của Chú. Cứ tưởng là cuộc sống đôi ba lần nhấn nút tạm dừng để con người càng phải cố gắng nhiều hơn, nhưng cuộc sống lại không thực sự ưu ái cho Chú, những nút Pause thật dài và cách nhau không xa khiến nó càng trông giống một chiếc đĩa CD bị trầy, rất nhòe và chẳng thành hình, chẳng biết khi nào được êm ái và trơn tru mãi mãi. Phải chăng khi CD hết quay, khi đời người hết ánh sáng, ta mới biết đâu là nốt nhạc cuối cùng của bản nhạc?
Chú không còn trẻ nhưng cũng chẳng phải gọi là già hay trung niên, Chú vẫn còn cái nét duyên của thời trai trẻ, cái nét hài của anh chàng hay kể chuyện tiếu lâm và lẫn cả nét trầm ngâm và đỉnh đạc của một người đàn ông đã yên bề gia thế và bương chải mưu sinh. Thế nhưng sức khỏe lại không được sự hòa hợp hoàn hảo như thế, cuộc sống của chú là quen tên đến từng loại thuốc, thuộc lòng đến từng biểu hiện ốm đau và nhẫn nhịn tột cùng cho từng cơn đau thắt đến quặng mình. Chú ở quê, nhưng lại hơn nhiều người trong xóm là được đi đến phố thị xa xôi, nhưng chẳng phải là một chuyến ngao du ngắm cảnh, cũng chẳng phải là chuyến hành hương theo dấu Đạo, chú đi vì cuộc chiến giành lại sự sống, và Chú đi vì khao khát được giữ mãi cái chức người cha chăm lo cho các con, người con muốn báo hiếu cho cha già và là điểm tựa hạnh phúc cho vợ mình.
Đã xong những ngày nằm trường kì trên giường bệnh, đã xong những ngày bỗng chốc hóa thiếu nhi vì chẳng làm được việc gì, từ việc tự ăn đến đi lại. Vẫn còn những đợt điều trị vào mấy tháng nữa, nhưng cứ coi là đã đến kì nghĩ phép mong đợi, tạm thời trốn khỏi mấy sợi dây, ống thuốc, Chú về với tổ ấm yêu thương, về với khung cảnh và nếp sống cố hữu, và về với không khí rộn ràng và đượm mùi nếp rang của những ngày cuối năm giáp Tết.
Tết năm nay nhà cửa cũng chẳng thay hình đổi dáng so với mười mấy năm trước, có chăng là đã bị phủ mờ bởi thời gian cũ kĩ, xe cộ cũng chỉ là hai chiếc xe cà tàng mà đôi vợ chồng hằng ngày mưu sinh nơi đầu thôn cuối xóm, áo quần thì chỉ dám gọi là “phong cách cổ điển” chẳng mơ màng đến sáng sủa, tinh tươm. Có chăng thay đổi là từ chính những sợi tóc điểm bạc tóc Chú, từ những nếp nhăn thi nhau biểu diễn trên gương mặt đã hằn rõ sự lo âu ấy, và từ những tiếng thở dài khẽ giấu nhẹm đi trong nỗi bất lực đến giận người khi chẳng làm tròn vai người con, người chồng và cả luôn người cha.
Ngày chú ở thành phố, đứa cháu nhỏ chỉ có thể ngày ngày hả hê buông chuyện tiếu lâm với chú, chỉ có thể đem cho Chú mấy thức quà vặt sở trường, và chỉ có thể thầm cầu mong thật nhiều cho Chú mau khỏe mạnh và chẳng ốm đau. Khẽ dằn lòng gạt nhẹ những sầu não bệnh tật, bỏ lơ luôn những trống vắng yêu thương, Chú vui thích trong từng lời chuyện của cô cháu gái nhỏ. Và điểm đến chờ đợi nhất cũng đã đến, ngày ra viện cũng là ngày con vui mừng khôn xiết, ngày con cảm thấy nhẹ lòng cho bao nỗi đau quằn quại ăn mòn thể xác chú hằng ngày đã đi khỏi và ngày con cố lãng đi cái khoảnh khắc Chú khẽ quệt vệt nước mắt bất giác chực rơi xuống cho niềm thao thức bồi hồi được trở về với tổ ấm xa xôi.
Qua cơn mưa trời lại sáng, thế nhưng chẳng biết khi nào mưa lại đến và trời lại u tối, nhưng cũng chẳng phải mãi lo chờ những cơn mưa đến mà ta quên mất tận hưởng những ngày nắng hôm nay. Chú nghĩ vậy, con cũng nghĩ vậy, và chúng ta hãy cùng nhau nắm trọn từng khoảnh khắc tươi sáng này Chú nhé.
Mấy vệt nắng cuối Đông mờ màu và dịu nhẹ, khẽ đan vào những luồng gió đang cố len lỏi múa may khắp không trung, mấy cành mai trơ trọi chổng không trong mấy tháng mùa đông lạnh lẽo giờ cũng đã li ti mấy nụ hoa vàng nở sớm, chim thi nhau chuyền cành tìm kiếm những vị trí đắc địa cho căn nhà mới sau mùa nghĩ đông dai dẳng. Không khí Tết nhuộm tươi khắp các góc đường quê quanh co và xanh mướt mùi mạ non, đánh thức lại nhịp sống còn ngáy ngủ từ dư âm của những ngày đông ảm đạm và hơn cả những ngày xuân sắp tới sẽ đem đến những luồng gió tươi mát gội rửa những buồn đau của năm cũ, đôi ba lúc có lẫn vài tiếng chật lưỡi ngao ngán cho tuổi xuân đi qua nhanh quá của mấy bác lớn tuổi và cả tiếng thở dài buông lơi cho bao lo toan của năm mới bộn bề, nhưng một nỗi niềm hi vọng tin tưởng lớn lao vào năm mới vẫn làm lu mờ hết những chật vật khốn khó cố nhiên của cuộc sống. Chú hít trộn cái mùi nếp rang đang xồng xộc tranh nhau chui tọt vào đầu mũi, thả mắt nhìn theo dòng người đang hối hả công việc cuối năm và gửi trọn niềm tin vào sắc màu tươi sáng của ngày Xuân đang trên đường tới cập bến trần gian. Cứ mãi vẽ cho mình những vệt sáng tin yêu như thế nhé Chú, cứ mãi sống trọn từng giây như quá khứ chưa hề quật ngã được hiện tại nhé Chú và Chú à, con vẫn mãi là cô cháu gái bé bỏng của Chú, vẫn thích xuống nhà Chú ăn dầm ở dề không biết chán, vẫn luôn muốn làm bạn của hai thằng nhóc siêu quậy của Chú dù so với chúng con đã quá lứa lỡ thì rồi. Và Chú vẫn mãi là người con yêu quý vô cùng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro