V.
Đà Lạt, ngày 1 tháng 5 năm 2010
Có một câu chuyện này mà tôi đã quên không kể đến, một câu chuyện đã xảy ra tầm độ nửa tháng trước, trước cả khi tôi quyết định viết lại những dòng này đây. Đó là một câu chuyện có liên quan đến ông, đến cuộc đời mà ông đã lựa chọn sau này. Xin thứ lỗi cho tôi nếu cách kể chuyện rời rạc này có khiến bạn bối rối, nhưng quả tình là tôi đã gặp phải một chút vấn đề với việc nhớ và quên, tôi đã ngã vào cái màn sương mà ông đã từng cảnh báo tôi ngày trước đó, kể từ ấy tôi không còn thật sự quyết định được cái sự nhớ và quên của chính bản thân mình nữa. Tôi rời khỏi Paris để đến đây cũng là vì chuyện này.
Ngày thứ hai có mặt tại Đà Lạt, tôi gặp lại Lê Tâm.
Đó là một cuộc gặp rất đỗi tình cờ, vượt xa khỏi tất cả những dự tính của tôi. Mãi đến sau này tôi mới biết, sự tồn tại của Lê Tâm cũng gắn liền với cái khoảng mù sương những ngày cuối đời của ông tôi đó, anh thuộc về một thế giới riêng tư kín kẽ mà ông không cho phép tôi, hay mẹ, hay bà được cái quyền can dự vào. Chính vì thế mà khi đến đây, tôi đã không vội đi tìm anh, đi tìm ngôi nhà có hàng dâu tằm đẫm sương sớm và những cánh cổng sơn xanh, bất kể đó là cái việc đáng nhẽ ra tôi phải làm đầu tiên. Trong cuốn sổ mà bà đưa cho tôi ngày đó, ông đã từng nhắc đến tên anh, lặp đi lặp lại một cách thống thiết ở những dòng cuối cùng. Ông bảo, ông nhất định phải tìm được anh.
Tôi không biết sự tồn tại của Lê Tâm có ý nghĩa như thế nào đối với ông. Thậm chí là tôi còn chẳng biết liệu có phải là cùng một Lê Tâm đó hay không. Có bao nhiêu người Việt Nam mang cái tên Lê Tâm đang sống ở nơi phố núi này? Tôi không biết. Có lẽ vì thế mà cõi lòng tôi tự quy cái tên đó về cho thằng bé có làn da cháy nắng, khập khiễng trong một bên chân bằng gỗ, và đôi mắt thì to và trong veo như hạt trân châu đen. Nhưng cho dù đó có là ai đi chăng nữa, tự bản thân tôi cũng đã dựng lên cho mình một lớp kẽm gai kín kẽ, ép mình vào một cái khuôn phòng thủ cứng nhắc trước cái tên đó. Cái tên đã được ông chọn để đem vào sương mù cùng với ông, cái tên mà, tôi đã nghĩ thoáng qua vậy, ông đã hướng về suốt cả cuộc đời. Quả tình thì cái lối suy nghĩ đó đã giày vò tôi theo cách này hay cách khác. Tôi không biết phải nói thành lời những cảm giác này như thế nào, nhưng khi biết rằng có lẽ người ông mà tôi vẫn yêu quý lại dành tình thương cho một - đứa - cháu - khác mà không phải tôi hay Celeste, tôi chợt thấy chạnh lòng.
Tôi lại bắt đầu nói lung tung rồi.
Tôi đến Đà Lạt trong một buổi sớm mưa phùn. So với cái lạnh của mùa đông nước Pháp, cái lạnh Đà Lạt với tôi cũng chỉ là một chút lãnh đạm trượt ngang qua da thịt. Nhưng có đôi khi cái lãnh đạm hững hờ ấy cũng có thể giết chết một sinh thể, như cái cách mà khí trời và áp suất không khí của Đà Lạt suýt đã giết tôi khi bước xuống bến xe trên đường Tô Hiến Thành hôm ấy.
Có lẽ nói như vậy cũng thật oan cho Đà Lạt. Bản thân tôi vốn đã bị bào mòn đi nhiều sau những giờ bay dài, những cú rung xóc đầy kịch tích trên cỗ máy khổng lồ bay xuyên qua các vòm mây ấy, và cả chuyến xe đò thâu đêm nữa. Tôi đã đi một chuyến hành trình mà tôi dám cá là nếu cả bà lẫn Celeste biết được, họ sẽ nổi đóa lên với tôi. Cũng vì lẽ đó, tôi tự thấy mình ích kỷ, với những người thương tôi và với cả bản thân tôi. Giờ ngẫm lại, tôi cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại không ngủ lại Sài Gòn đêm đó mà phải nhất quyết bắt cho bằng được chuyến xe trong đêm để đến đây. Tôi vẫn thường hay đánh rơi mất đâu đó những mảnh ký ức của mình như vậy, chắc là vì tôi cứ hay hành động theo cái mà người ta gọi là cảm tính. Tôi nhớ mình đã bước lên chiếc xe đò chật kín khách bằng một ý niệm trống rỗng, như thể tôi đang ở ranh giới của một thực tại này và một thực tại khác. Mùi xăng và mùi cơ thể người nồng nặc bóp chặt lấy dạ dày tôi, vặn xoắn nó trong từng cơn cồn cào. Người lơ xe xoay xở nhét được tôi vào một chỗ trống cuối cùng cũng ở băng ghế cuối cùng, bên cạnh những thùng hành lý ký gửi và một cô gái đeo khẩu trang kín mặt, đôi mắt lim dim như đang ngủ. Tôi tự nép mình lại, những khắc an bình trong cơn ngủ thì không nên bị quấy rầy.
Tôi tựa người vào kính xe, cố nhắm mắt ngủ để vơi đi cơn buồn nôn đang dậy lên trong ruột. Tôi đã chẳng chuẩn bị gì cho mình cả, ngay cả một chiếc khẩu trang để cản bớt mùi xăng xe cũng không có. Chiếc xe đi êm, nhưng trong người tôi vẫn mãi khó chịu, tôi thử đưa tay bịt mũi, thấy cũng hiệu quả. Chợt nghĩ giá như bây giờ có ít tinh dầu bôi vào tay. Giữa lúc tôi nghĩ mình sẽ nôn, cô gái ngỡ như đang ngủ kia khều nhẹ tay tôi.
_Ngửi ít dầu xanh cho đỡ say không?
Cô đưa lọ dầu màu xanh sẫm về phía tôi, nhãn hiệu là những hàng Hán tự mà tôi không hiểu. Có lẽ khi tôi ngoảnh sang cô đã nhìn thấy màu mắt tôi, thế nên cô lặp lại câu hỏi một lần nữa, kèm thêm động tác diễn tả chậm rãi như thể để tôi theo kịp.
_Ngửi dầu không? Smell… smell ấy? Đỡ say xe? A… say xe thì phải nói sao nhỉ?
Cô đặt một tay lên ngực, rồi vặn nắp lọ dầu bôi một ít vào mũi. Bỗng nhiên tôi thấy buồn cười, cảm giác nặng nề đè ép lồng ngực từ nãy giờ cũng vơi đi phần nào.
_Tôi hiểu tiếng Việt mà, cảm ơn cô.
_Á, vậy tốt rồi, ngoại ngữ của tôi tệ lắm.
Cô khẽ đảo mắt, một đôi mắt nâu êm đềm, không đen tuyền như những đôi mắt khác tôi từng được nhìn qua.
Tôi đón lấy lọ dầu của cô gái lạ mặt. Mùi hương của nó mạnh, nhưng cũ kĩ, tôi từng có nó ở một đoạn đời ngắn ngủi mà tôi vẫn còn nhớ. Ông đã từng nói rằng người Việt Nam ai cũng từng ít nhất một lần mang mùi hương này trên người, già hay trẻ, gái hay trai. Họ dùng nó để sưởi ấm những khoảng lạnh giá trên cơ thể, những khoảng trống trải, như một vết bầm, hay một cơn đau bụng đau đầu tình cờ ập đến. Trước khi tìm đến thuốc thì họ phải tìm đến dầu đã. Bản thân ông cũng thích dùng dầu, dù bà tôi thì chẳng ngửi nổi thứ mùi hương lạ lùng này. Bà kị mùi dầu như người ta kị mùi khói thuốc. Tôi vẫn nhớ, ngày xưa có mấy bận ông bị đau, mùi dầu xanh lại nồng nặc khắp cả căn phòng nhỏ của ông bà tôi. Mỗi lần như vậy bà đều bị cái hương cay nồng của dầu xông cho tái mặt tái mũi, dù vậy bà vẫn cứ ở bên chăm ông chẳng chịu rời đi. Người Việt Nam có một cách chữa bệnh bằng dầu hết sức lạ lùng nữa là cạo gió. Họ thoa dầu lên lưng, sau đó dùng những thứ có đầu tròn như đồng xu hoặc phần đầu tròn của chiếc chìa khóa, cạo dọc theo những dẻ xương sườn. Mỗi lần cạo sẽ để lại những vệt dài đỏ quạch, trông như sắp sửa tươm máu, thế mà lại được người ta ưa chuộng áp dụng, nhất là khi bị cảm sốt. Bà miêu tả những vết hằn đỏ ấy như "những vết thương do ai đó đã quất mạnh ngọn roi lên da thịt, khủng khiếp và trông thật đau đớn". Tôi đã nhiều lần chứng kiến bà cạo gió cho ông, lạ lùng thay tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cách mà bàn tay của bà nắm chặt chiếc chìa khóa tròn, mi mắt bà run rẩy, nhưng động tác vẫn luôn thật dứt khoát. Bà ghét dầu, bà ghét máu, và nỗi căm ghét đó thì chẳng tài nào nhiều nổi bằng cái tình yêu mà bà từng dành cho ông. Sau bao nhiêu năm, mùi dầu vẫn cứ mãi là một nỗi ám ảnh trong tâm trí bà. Bà không quên được cái mùi hương cay nồng đè nặng cánh mũi ấy, dẫu cho ngày ông mất, bà đã không ngần ngại ném tất cả những lọ dầu còn nguyên, cùng rất nhiều kỷ vật khác của ông vào một góc cũ kĩ, xa khuất khỏi ánh nhìn.
_Anh có thấy buồn ngủ không?
Cô gái bất ngờ hỏi tôi như vậy. Ánh đèn đường buổi khuya chiếu ngang qua mắt cô lấp lánh, sắc nâu ánh mắt hòa cùng thứ ánh sáng ấm áp của đèn đêm khiến chúng như thể đang sáng rực lên trong tối tăm.
_Có lẽ là không.
Bây giờ ở Pháp mới là bảy giờ tối. Cơ thể tôi đã rã rượi sau chuyến bay dài, nhưng tinh thần thì vẫn tỉnh táo, có lẽ cũng nhờ cốc cà phê tôi đã uống lúc mới xuống sân bay. Tôi cần chút gì đấy giúp mình tỉnh trí ra để mà còn biết làm gì tiếp mà không dự liệu đến chuyến xe đêm như thế này. Nhưng dẫu sao thì khi ở trên một chặng đường dài, thứ mà người ta thừa thãi nhất vẫn mãi là thời gian, tôi có thể gắng chợp mắt một chút.
_Tốt. Thế đừng ngủ._Chiếc khẩu trang vải in họa tiết hoa nhí khiến tôi chẳng thể thấy nổi biểu cảm của cô, nhưng tôi biết cô đang cười. _Ngủ trên xe chẳng tốt lành gì đâu. Anh sẽ chẳng cách nào mà ngon giấc được, không những thế khi thức dậy, vai và lưng anh sẽ đau như thể Atlas vừa mượn tạm chúng để lắp vào người hắn ta vậy.
_Ồ!
_Vậy chi bằng anh trò chuyện với tôi đi. Tôi cũng không muốn ngủ, nhưng anh thấy đấy, sự cô độc và yên ắng của những chuyến xe đêm sẽ khiến tôi ngủ quên đi mất.
Cô chồm người dậy, ngồi lại cho ngay ngắn như thể đã sẵn sàng cho một cuộc tán gẫu thâu đêm. Giọng cô trong trẻo, nhưng không đằm thắm như bao cô gái Việt tôi từng gặp khác. Nó chứa đầy một sự mãnh liệt và quyết đoán, như cái cách mà cô đang nói chuyện với tôi đây.
_Tên tôi là Ngưng Thu. Và chắc là anh biết rồi, tôi đang về Đà Lạt.
_À, còn tôi là…
_Ồ không. Ồ không! Anh đừng nói. Đừng nói gì về anh cho tôi biết cả.
Cô xua tay, cao giọng nói. Ông bác ngồi ở hàng ghế trước bị chúng tôi làm ồn đến giấc ngủ, tức giận quay phắt xuống lườm một cái, cô mới nhỏ tiếng lại.
_Anh đừng nói gì về mình cho tôi cả. Ý tôi là, những điều khiến cho tôi có thể định hình được anh là ai ấy, đừng nói gì cả.
_Được thôi, nhưng vì sao?
_Tôi không còn đủ thời gian để nhớ thêm bất cứ một ai khác trong đời mình đâu.
_Thế thì chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện theo cách nào?
_Có nhiều cách mà. Ví dụ như lý do anh muốn đến Đà Lạt?
_Cô đã nói cô không muốn biết gì về tôi?
_Tôi không muốn biết về những thứ sẽ giúp tôi cố định được anh lại một điểm. Ví dụ như khi tôi nói với anh rằng tôi tên là Ngưng Thu, hăm sáu tuổi, thì anh sẽ cố định được tôi lại trong trí nhớ của anh. Anh biết chắc chắn tôi là ai, và khi có ai đó hỏi anh, anh ngay lập tức có thể diễn tả một cách rành mạch về tôi, rằng cô ấy tên là Ngưng Thu, cô ấy hăm sáu tuổi, về Đà Lạt trên chuyến xe đò khởi hành lúc mười một giờ đêm tuyến Hồ Chí Minh lên Đà Lạt. Người ta sẽ lập tức xác định được tôi là ai thông qua những mô tả đó. Nhưng nếu anh nói rằng tôi đã gặp một cô gái có đôi mắt nâu và đeo một cái khẩu trang in hình hoa nhí trên chuyến xe đêm đến Đà Lạt, cô ta lên đó để tìm lại một người rất quan trọng với mình, họ sẽ chẳng thể hình dung ra nổi tôi là ai cả, bởi hình ảnh của tôi vẫn chưa được cố định, không có một đặc điểm riêng biệt nào để nhận diện cả. Đất nước này có cả ngàn cô gái có đôi mắt nâu, đeo khẩu trang hoa nhí và ngồi trên chuyến xe đò lúc nửa đêm. Anh hiểu không?
_Một chút…
_Thế là được rồi._Cô quay sang tôi, tròn xoe mắt nhìn chăm chú, đoạn thở hắt ra._Tôi đã làm trò này cả năm nay, nhưng có vẻ không áp dụng lên anh được.
_Tại sao cơ?
_Vì anh quá khác biệt.
Tôi ngay lập tức hiểu ra cô đang muốn nói đến điều gì. Cũng giống như ông ngày đó, con người nơi đây bị cái sắc xanh trong mắt tôi làm cho chói mắt. Một sự tồn tại vượt ra khỏi tổng thể, biến số bị thừa ra trong tập nghiệm đồng nhất. "Dấu hiệu của sự gãy gập", ông đã từng nói như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ, và sẽ chẳng thể nào hiểu được những miêu tả đó của ông. Tôi chợt nhớ đến cặp kính cất trong túi xách của mình, và chỉ nhớ thế thôi, không còn gì hơn cả. Tôi bị cận từ khi còn bé, nhưng chỉ đeo kính lúc thật cần thiết như khi học bài, làm việc hay đọc sách. Ngoài những lúc đó ra, tôi chẳng bao giờ mang nó theo mình, tôi không thích nó, nhất là những lúc có ông ở bên. Khi có ai đó hỏi, tôi luôn bảo là vì tôi không thích cái cách mà thế giới tái hiện lại cho tôi thông qua khoảng không bị giới hạn của cặp kính. Nhưng tôi biết ông biết rõ lý do thật sự của tôi. Ông biết rõ, nhưng ông đã không chọn hiểu nó.
_Nhưng mà không sao cả._Cô bất ngờ kéo chiếc khẩu trang xuống trong một thoáng, nở một nụ cười xinh xắn. _Tôi sẽ nhớ về anh như là một người có đôi mắt đẹp nhất tôi từng thấy. Nó cũng không quá mức cố định.
Chỉ vậy thôi, và cái thứ đang gợn lên bên trong tôi lặng lẽ dừng lại. Luôn là vậy, tôi có một cơ chế tự vệ rất đỗi lạ lùng mà chính bản thân tôi cũng chẳng thể kiểm soát được cách mà nó hoạt động. Tôi không thật sự rõ nó có từ khi nào, hình như là từ khi tôi bắt đầu có được những suy tư của riêng mình, nó đã chễm chệ ở đó. Cơ chế tự vệ này đôi khi khiến tôi nom thật khôi hài và gượng gạo trong mắt người khác, nhưng tôi không sửa được. Nó đã trở thành một phần của tôi, đã chuyển hóa thành cái tiếng vọng sâu thẳm buồn rầu trong linh hồn tôi, một tiếng vọng để nhắc cho tôi nhớ rằng, trong mắt ông, tôi đã hư hoại ngay từ khi chào đời.
Ở quãng kế tiếp của buổi đêm, Ngưng Thu kể cho tôi nghe về một phần cuộc đời của cô ấy. Cô sinh ra ở Đà Lạt vào một buổi sớm đầu tiên của mùa đông. Tiếng khóc chào đời của Thu cũng chính là tiếng khóc tiễn đưa người mẹ về với cõi mù sương của thành phố, bà đã đi trong cái buốt giá của một mùa rét đậm, và trong trái tim đã mất đi ngọn lửa yêu thương của người chồng. Tên của cô, Ngưng Thu, có nghĩa là ngưng lại mùa thu, thu không đi thì đông cũng không tới, băng giá sẽ không về, mẹ cô sẽ vẫn còn mãi nơi đây.
_Thế anh có biết điểm khác biệt giữa 'nhớ đến là' và 'nhớ đến như là' không?
_Chắc không phải là về mặt ngữ pháp đâu nhỉ?
_Đúng, không phải là về ngữ pháp. Khi mà anh được ai đó 'nhớ đến là', thì điều đó cũng giống như việc tôi sẽ nhớ về anh đây. Trong cái sự nhớ đó, anh sẽ là một người trên chuyến xe khuya có đôi mắt thật đẹp, dù cho tôi có không cố định được anh, thì sự tồn tại của anh vẫn là độc lập, là duy nhất trên thế giới mà tôi đã đi qua, và tôi biết rằng khi vẫn còn nhớ thì mình sẽ không thể lẫn lộn được anh với bất cứ ai cả, kể cả anh có cắt ngắn tóc đi, hay đeo kính vào thì anh vẫn cứ là anh thôi. Nhưng đối với 'nhớ đến như là', thì nó lại giống cái cách mà ba tôi và rất nhiều người khác đang nhớ về tôi. Tôi là một người có ánh mắt giống mẹ, khuôn mặt giống mẹ, giọng nói giống mẹ, ngay cả vóc dáng cũng giống mẹ nốt. Họ nhớ về tôi như vậy, sự tồn tại của tôi tan lẫn vào trong sự tồn tại của mẹ, tôi không độc lập, không tồn tại trong một thế giới riêng mà người ta có thể nhớ đến. Nếu tôi nhuộm tóc, xỏ khuyên mũi, hay làm bất cứ cái gì khiến ngoại hình tôi sai khác đi, người ta sẽ không nhận ra tôi nữa. À không, không nhận ra mẹ tôi nữa. Ngưng Thu chỉ là một biến số ảo, cái người ta muốn tìm vốn dĩ là mẹ của cô ta.
Ngưng Thu rời khỏi Đà Lạt năm cô mười tám tuổi, trước khi đi, cô đã hủy đi tất cả những gì có thể chứng minh với cuộc đời rằng cô đã từng tồn tại. Tất cả mọi thứ, từ những khung ảnh, những bộ quần áo cũ, cho đến chiếc cốc mà cô hay dùng, thậm chí là những bụi tường vi mà cô từng trồng. Cô vứt bỏ đi cái quyền được ai đó nhớ đến, nhổ bỏ tất tật những vật dụng có thể khơi lại ký ức như người ta nhổ đi một đám cỏ dại, cô tách rời cuộc đời mình khỏi thành phố mù sương đó. Sau gần hai mươi năm sống trong màn sương của người khác, đó là cách mà Thu đã lựa chọn để vươn đến một cuộc đời mà cô có thể được "nhớ đến là Ngưng Thu". Cô đã sẵn sàng để tìm kiếm một lý do sống khác, một lý do sống không phải là để lấp đầy những trống vắng do mẹ cô đã tạo ra trong lòng những người ở lại.
_Tôi đã bắt đầu với khoa Triết ở một trường đại học. Suy cho cùng triết học luôn giúp ta rất nhiều trong việc tái định hình bản thân. Nhưng có vẻ điều đó không dành cho tôi, học được tầm một năm thì tôi bỏ.
_Vì cô không thể tìm thấy cái mình muốn trong chương trình học à?
_Anh bắt được trọng tâm rồi đấy.
_Nhưng nếu chỉ một năm thôi thì mọi thứ đâu đã rõ ràng gì. Biết đâu trong ba năm kia cô có thể tìm được gì đó?
.Tôi cũng nghĩ thế, nhưng tôi không còn thời gian nữa. Triết học đòi hỏi người ta một quãng thời gian dài để suy ngẫm, còn thời gian của tôi thì đang cạn dần. Nếu cố gắng theo cho hết ba năm nữa, tôi sẽ chết trước khi tìm được ý nghĩa của đời mình.
Ngưng Thu kể về những nỗi buồn trong đời cô ấy với chất giọng nhẹ tênh xen lẫn chút khôi hài, như thể cô đang kể về một câu chuyện nào đó không có thật. Sở dĩ Thu có thể bình thản đến nhường đó là bởi cô đã sắp đi đến ga cuối trong chuyến hành trình của mình rồi, cô bảo với tôi vậy. Thu không nói với tôi rằng cô đã tìm thấy cái mà mình muốn tìm chưa, cũng không kể cô sẽ mang theo mình những gì khi đặt chân tới cái bến cuối ấy, cô đến và điểm vào đời tôi một nét màu đặc sắc, chỉ thế thôi.
_Này, chúng ta sắp đến rồi đấy.
Bất chợt, Ngưng Thu chỉ tay ra phía cửa sổ. Nếu bây giờ là tháng mười một, hai bên cung đường hẳn sẽ vàng rực sắc hoa mimosa, long lanh ánh vàng như nắng điểm lên cây, tiếc là bây giờ chỉ mới là tháng tư, nên ngoài vũng sương mù dày đặc xam xám như bóng mây sà xuống nhân gian, chúng tôi chẳng thể thấy được gì.
_Này, trước khi chia tay, anh có muốn biết thêm một bí mật nữa không?
_Avec plaisir. Rất hân hạnh, thưa cô.
Ngưng Thu bật cười một tiếng. Giọng cười của cô trong trẻo như nắng đầu mùa. Cô nhổm người lên, kề sát miệng vào tai tôi mà thì thầm.
_Anh có biết là, khi cuộc đời cho chúng ta gặp gỡ như thế này, tức là số phận của chúng ta đã tiếp tuyến với nhau ở một điểm nào đó không?
_Ừm… tôi không hiểu rõ ý cô lắm?
_Có nghĩa là, khi anh gặp tôi như vậy, tức là số phận của hai chúng ta đã, đang, hoặc sẽ có điểm gì đó tương đồng. Chỉ những kẻ giống nhau mới có thể nhận ra được nhau giữa hàng tỷ người.
_Ồ._ Tôi mỉm cười với cô. _Vậy cũng cho cô biết một bí mật nhé, quả thực là đời tôi có đôi nét tương đồng với đời cô đấy.
_Đỉnh đấy. Nhưng nếu anh giống tôi ở điểm nào đó, thì đấy không phải là điều đáng mừng đâu. Cuộc đời tôi chẳng có gì hơn ngoài những nỗi buồn.
Chúng tôi đến Đà Lạt vào quãng sáu giờ sáng, khi mà ánh dương chỉ vừa hửng sáng một phần bầu trời xanh sẫm. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã đến hồi kết, và tôi có thể cảm nhận được rằng đó là giao điểm duy nhất của tôi và Thu. Chúng tôi cắt qua nhau trong một đêm không ngủ, rồi mãi mãi bước về hai con đường khác xa nhau.
.Nếu trước khi tới ga cuối của cuộc đời, tôi còn có thể gặp anh thêm lần nào nữa._ Ngưng Thu nhẹ nhàng ôm lấy tôi thay cho lời tạm biệt. _Thì lúc ấy hãy cho tôi biết tên anh nhé.
_Được._ Tôi cũng ôm lấy cô. _Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều người nhớ đến cô là một Ngưng Thu.
_Thực ra, tôi đã luôn có một người như vậy._ Ngưng Thu mỉm cười. _Tôi về lại nơi đây cũng vì để gặp lại anh ấy.
Chúng tôi chia tay nhau trước cả khi rời khỏi bến xe. Từ nơi đó, Ngưng Thu sẽ bước tiếp để đi đến ga cuối trong cuộc hành hương kéo dài cả đời mình, còn tôi thì ở đây, viết lại câu chuyện của cô theo cách rõ ràng và chân thật nhất mà tôi có thể nhớ. Tôi cứ viết và nhớ đến những gì cô đã từng nói, và tôi mạo muội nghĩ rằng có lẽ Thu đã chọn tôi là một trong những người sẽ "nhớ đến cô ấy là" một Ngưng Thu, một cô gái tồn tại độc lập trên cuốc xe đêm liên tỉnh, một cô gái có đôi mắt nâu lém lỉnh đeo chiếc khẩu trang in hình hoa nhí, bởi thế nên cô mới cho tôi được cái vinh hạnh được biết đến tên cô, đến cuộc đời cô. Thu muốn tôi cố định cô ấy lại trong trí nhớ, để cô ấy có thể lưu giữ lại cái bản chất thật sự của mình lại cõi đời này lâu thêm tí nữa. Nhưng đáng tiếc là thời gian của tôi cũng chẳng nhiều, nên tôi quyết định viết xuống những dòng này đây, gửi gắm đến cho bạn câu chuyện về một cuộc đời đã từng đi ngang qua tôi. Thứ lỗi cho tôi nếu đã trót đẩy quá nhiều trách nhiệm về sự nhớ lên bạn, bởi tôi cũng giống như cô ấy, muốn lưu lại cuộc đời mình thêm một chút nữa tại miền ký ức của một người lạ trên xe, một người lạ mà tôi thậm chí còn chẳng biết tên.
Đà Lạt chào đón tôi như một người quen đã lâu không gặp nên đâm ra xa lạ. Cảnh vật thay đổi nhiều lắm, còn tôi thì trở nên chông chênh như một kẻ lạc loài bị ném vào giữa miền đất lạ. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của một đất nước đang tiến trên đà tăng trưởng kinh tế. Tôi không còn nhận ra Đà Lạt trong cái ký ức cũ kỹ nơi tôi vẫn còn ông. Và tôi chợt tự hỏi không biết căn nhà nhỏ có cái vườn dâu tằm năm xưa của ông tôi liệu có còn đứng nguyên vẹn tại nơi đó nữa hay không.
Đón tôi ở bến xe là Hoàng Khang, một người bạn tôi quen trong cuộc triển lãm tranh thêu Việt Nam trước cổng đại học Bách Khoa Paris năm năm trước, do một nhóm bạn trẻ du học sinh người Việt thực hiện. Khang khi đó là đại diện của công ty XQ Đà Lạt sang hỗ trợ hiện vật và công tác chuẩn bị cho nhóm bạn trẻ, còn tôi là người được tòa soạn cử đến để viết bài về sự kiện này, chúng tôi đã biết nhau như thế.
Nhà Khang có cho thuê phòng trọ, cũng chính là căn phòng ở đường Yersin trước đó tôi đã từng nói. Lúc tôi đến thì người thuê cũ vẫn còn ở đó, vậy nên anh giúp tôi tìm một khách sạn giá cả phải chăng để ở tạm. Anh là một người con trẻ tuổi của Đà Lạt, nhiệt tình và hăng hái như bao người khác ở cùng độ tuổi của anh, và cả những mù sương trong đáy mắt như bao người con khác của nơi này.
Đầu giờ chiều hôm sau, Khang đến và đề nghị dẫn tôi đi tham quan lại Đà Lạt. Tôi cũng đồng ý luôn. Anh đưa tôi qua những "vùng đất mới", những vườn hoa thành phố, những khu du lịch đồ sộ. Anh hỏi, tôi cảm thấy như thế nào?
_Mauvais fois.
Ngụy tín.
Sartre đã tạo ra cái khái niệm đó để miêu tả tôi. Hay ít nhất, cũng là cái thế giới mà tôi đang sống.
Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày của chúng tôi là ở bờ hồ Xuân Hương. Cũng chính tại nơi này, ngay tại thời điểm đó, tôi gặp Lê Tâm.
Có lẽ tôi đã quá dông dài khỏi cái lý do tiên quyết khiến tôi đặt bút xuống viết ngày hôm nay, nhưng để đi đến được sự kiện đó, tôi phải vượt qua vô số những sự kiện khác. Nói theo cách của Ngưng Thu thì để mà đi đến được cái bến cuối là gặp được Lê Tâm, tôi phải đi qua nhiều bến khác. Nếu không có những chuyến tàu dài đó, thì bến cuối sẽ không còn là bến cuối nữa. Tôi sẽ không thể sống trong cái thời khắc đó như tôi đã từng. Tôi ghi lại những dòng này là để làm rõ lại đời mình, để neo lại bản thân vào một thực tại cố định, thế nên, tôi phải làm cho chuẩn xác.
Lúc ấy là tám giờ đêm, Khang đang có một cuộc gọi đột xuất và anh đã tạm lánh đi một chút để tiếp chuyện. Tôi ngồi một mình bên bờ hồ Xuân Hương, trầm mình trong cái lạnh ẩm ướt của dòng nước cuối xuân mà không thật sự nghĩ ngợi gì nhiều. Có đôi lúc tôi cũng hay như vậy, tôi trao không thời gian của mình cho những lúc mơ màng để bản thân mình trôi dạt giữa rìa hiện thực như thế này. Nó khiến hồn tôi dịu lại, và thế giới thì như rơi tõm vào cái bảng màu êm ái của Van Ghogh. Cũng chính tại giây phút này, tôi thường hay vô tình đến được những bờ bến mà trước đây tôi không tìm được.
Thế rồi, tôi thấy anh.
Trên băng ghế đá cũ mèm ven bờ hồ, anh ôm lấy cây guitar mộc, lặng lẽ độc tấu một bản nhạc mà tôi không biết tên.
Ban đầu, tôi không nhận ra anh. Thời gian đã khiến người ta đổi khác quá nhiều. Khuôn mặt anh nhòa mờ đi trong ánh đèn đường yếu ớt, tôi chỉ có thể trông được vóc dáng anh thước vóc, với đôi bàn tay gân guốc và những ngón tay tròn tròn. Anh mặc chiếc áo khoác kaki cũ sờn, mái tóc dài chấm tai rũ xuống che khuất đi những đường nét. Tôi chú ý đến anh sở dĩ cũng là vì ấn tượng với những giai điệu êm ả mà anh đang gửi vào màn đêm. Một bản nhạc nhẹ tênh, mộc mạc như cái vẻ bề ngoài của chính bản thân anh, nhưng dường như câu chuyện âm thanh anh muốn kể không chỉ đơn giản là như vậy. Thoạt tiên, tôi chỉ muốn lặng lẽ lắng nghe mà không xen gì vào câu chuyện của anh, nhưng có gì đó trong giai điệu khều nhẹ vào lòng tôi như một cơn sóng lừng, và tôi chợt nhớ về đứa bé có cái chân bằng gỗ trước nhà tôi năm ấy.
Rốt cuộc là điều gì đã thôi thúc tôi bước đến gần anh hơn đêm đó, tôi không thật sự biết chắc. Tôi đã nghĩ qua một vài lý do, nhưng cảm thấy không có cái nào là xác đáng. Có lẽ tôi đã để cho cảm tính, cho những nỗi buồn và cả màn sương bên trong mình chiếm lấy quyền quyết định. Hoặc không. Tôi đang lạc lối trong những ngụy tín mà chính bản thân tôi đã chẳng còn phân biệt được đâu là thật đâu là giả nữa. Nhưng trong cái đêm đầy rẫy sương mù đó, có một điều đã hiện lên rất đỗi rõ ràng, một sự thật vững chắc mà chúng tôi đã chạy trốn khỏi trong hàng chục năm qua.
Khi bóng hình của tôi cuối cùng cũng phản chiếu trong ánh mắt người gảy đàn, tôi đã nhận ra anh và hẳn là anh cũng đã nhận ra tôi. Tôi nghe thấy sắc đen óng ánh trong đôi mắt của Lê Tâm thì thầm vào tai tôi, bóc trần một sự thật, một sự thật đã đẩy tôi đến tận vùng đất này chỉ để cầu mong rằng nó không phải là thật.
Bà tôi, mẹ tôi, và cả hai anh em tôi, tất cả chúng tôi chỉ là những tồn tại đang được "nhớ đến như là" một gia đình khác, một gia đình thật sự mà ông đã đánh mất cách đây rất rất lâu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro