#1. CUỘC CHIẾN TRÀ SỮA CỦA CẢ NGỐ VÀ ĐỒNG BỌN
I.
Dạo này Cả Ngố thấy phong trào trà sữa nơi nó sống rộ lên ác liệt lắm. Nào là Ding tea, To Co To Co, My tea, Xing cha, Gong Cha, Yuki Tea, S+ ... Cả Ngố chợt nghĩ, giờ công thức học pha trà sữa thì youtube đầy, học sinh-sinh viên đất này thì nhiều lắm xe tông không hết, hay là mình cũng mở tiệm bán trà sữa coi sao. Nhưng mở thế nào? Nó gọi đồng bọn đến. Cả lũ hăm hở xắn tay áo lên cùng mở một phòng thí nghiệm mini pha chế trà sữa đủ hương vị, cùng nêm nếm, cùng bàn tới lui xem nên bán giá bao nhiêu, cùng nghĩ cách mời gọi khách hàng. Đứa thì nhao nhao: "Trà sữa này phải để 30 nghìn, chỗ khác toàn 37-40 đấy". Đứa lại tí tởn: "Thế này chưa cạnh tranh với Ding tea được". Đứa xuýt xoa "Chúng ta không cạnh tranh, phải khác biệt". Đứa lại nhớn nhác "Nên làm các vị phổ biến, chứ khác quá người ta không uống".
Thế là đi tong buổi sáng.
Buổi chiều cả lũ lại hì hụi pha pha nêm nếm, no căng rốn. Thế giờ là dư lào? Cho khách hàng uống thử 100 cốc trà sữa được không? Lỡ không ngon khách nói chết, mất uy tín. Hay là thế này, hoặc là thế nọ. Cả Ngố cùng đồng bọn vẫn chưa biết nên làm sao. Đúng là "Mông lung như một trò đùa. Anh xin dang tay rút lui thôi"
Bỗng trong đầu Cả Ngố có gì loe lóe lên.
Muhahaha, nó nghĩ ra rồi. Nó có quen một lão. Gọi là lão cho già thôi, đúng ra nên gọi là gã. Gã này khá đẹp trai, phải tội là ngồi đọc sách nhiều bụng phệ ra mà cứ mở mồm là khoe bụng chữ. Gã đọc nhiều, biết nhiều, đầu óc nảy số nhanh và hay bàn chiến lược. Cả Ngố quyết định nhờ gã cố vấn xem giờ nên hòa hay nên đánh, kiểu các bô lão họp hội nghị Diên Hồng ngày xưa.
"Đánh! Đánh bỏ mẹ đi chứ"
Gã có bụng chữ hét lên sang sảng. "Trên đời này có thời đấy, gặp thời thì hay, lỗi thời lại hóa dở. Nhưng hay dở cũng là một phần thôi, chạy theo thời thế mãi sao được. Nếu cảm thấy có chuyên môn trà sữa, tâm huyết trà sữa, dám chơi dám chịu, ưu phiền mà làm gì."
Cả Ngố thấy sướng lắm. Giỏi, gã này thế mà khá quá. Nói năng bốc phét đâu ra đấy. "Bác nói thế thì em chơi nhá" - Cả Ngố hăm hở
"Ấy, hượm, hượm đã, tôi bảo anh không ưu phiền, nhưng làm gì cũng phải tính, mà làm tình cũng phải dí. Bây giờ anh lấy ngay sổ ra ghi chép, tôi bày mưu cho anh về mà suy tính cùng đồng bọn"
Cả Ngố dạ vâng rối rít, nó chạy vội đi rửa tai, nằm nghiêng mình ráo nước và nghe Hàn sĩ (tên của gã bụng bự) phán truyền. Gì chứ Cả Ngố tin tưởng Hàn Sĩ lắm, trước giờ gã nói câu nào cũng như thánh, nói đâu ra đó mà tiệt đếch đúng câu nào. Nhưng bụng gã to nên thành ra Cả Ngố vẫn nể. "To bụng là tướng làm quan", chắc chắn gã Hàn Sĩ có ngày thành Phú Sĩ hay liệt sỹ chứ đùa đâu.
Hàn Sĩ pha vội tách cà phê bạc sỉu và ngồi khoanh chân một cách kính cẩn, nhấp một ngụm cà phê lạnh buốt răng, khề khà, hớt lại mái tóc Hàn Quốc. Xong rồi gã chắp tay hình tháp chuông bộ dạng đầy tự tin, bắt đầu cất lời:
"Hôm nay, tôi sẽ nói cho anh nghe thế nào là kinh doanh thật sự. Chào mừng anh đã tách ra khỏi lũ con buôn và bước chân vào nghề doanh nhân"
Bài học 1: Thế nào là con buôn và thế nào là doanh nhân? Kinh doanh vì cái gì?
Hàn Sĩ tiếp tục:
"Trước khi anh bắt đầu với trà sữa, anh phải thấu hiểu cái cội rễ ngọn nguồn. Tôi sẽ dạy anh từ cái gốc trước. Nếu anh thấy người khác xơi được, anh cũng nhảy vào dây máu ăn phần, thì anh chỉ vơ được những mẩu vụn bánh thừa thãi khi bữa tiệc tàn thôi. Nếu anh định bán trà sữa mà bán ào ào một đợt rồi rút tiền xoay qua làm cái khác, anh chỉ là hạng tiểu thương con buôn. Cái ngữ ấy trong đầu chỉ tiền, tiền và tiền, có khi kiếm được, có khi mất hết, lên voi xuống chó không ra làm sao cả. Anh bước chân vào buôn bán, thì trước hết, hãy học lấy cái tinh thần doanh nhân"
Cả Ngố bắt đầu thấy gã Hàn Sĩ bắt đầu chém ra gió rồi đấy. Anh vội với tay lấy cái điều khiển khẽ tăng nhiệt độ điều hòa lên một chút.
Hàn Sĩ vẫn thao thao bất tuyệt:
"Khi anh bước vào thương trường, anh kinh doanh, anh phải rõ ràng lợi nhuận là hàng đầu. Kinh doanh vì lợi nhuận. Tức là anh phải làm sao để công việc kinh doanh của anh ra thật nhiều tiền. Có tiền anh mới làm cổ đông góp vốn hài lòng, làm nhân viên yên tâm tiếp tục cộng tác. Tôi chửi cha mấy đứa sinh viên tập tọe kinh doanh, suốt ngày làm lấy kinh nghiệm, bán thì rẻ, tốn công tốn sức, lấy công làm lãi có khi còn lỗ."
Cả Ngố giãy nảy: "Anh nói thế không được, mỗi người một quan điểm. Kinh doanh vì cộng đồng, vì xã hội thì sao?"
Hàn Sĩ chửi luôn: "Quan điểm cái cù loi. Không rõ ràng thì không làm được cái đếch gì nên hồn cả. Kinh doanh là phải vì lợi nhuận. Còn vì xã hội thì nên làm phi lợi nhuận. Không thể ở giữa chung chung, hai chân hai chỗ là rách đũng quần ngay. Nghe tôi nói này: kinh doanh vì lợi nhuận, đó là ưu tiên, nhưng không phải duy nhất. Có nghĩa anh không thể vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm, làm trái đạo đức. Nếu chỉ vì lợi nhuận, anh là loại con buôn. Nhưng nếu tập trung làm ra lợi nhuận một cách chân chính, phần thưởng là anh đã phục vụ xã hội bằng cách mang lại công ăn việc làm, đem giá trị cho người khác. Đó mới là doanh nhân thực sự".
"Tôi hiểu rồi. Ý anh là, kinh doanh cần tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận một cách chân chính, thay vì chỉ quan tâm lợi nhuận hoặc đặt mục tiêu khác cao hơn kiếm tiền" - Cả Ngố phấn khởi.
"Anh thông minh lắm. Hoặc tôi là người biết cách dạy dỗ. Tôi luôn tự hào trong việc biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản và dễ hiểu. Đó mới là tinh thông. Anh chỉ thực sự hiểu vấn đề khi anh có khả năng giải thích cho số đông hiểu được. Còn nếu anh nói thánh nói tướng, trích dẫn khái niệm nọ quan điểm kia, dùng biệt ngữ, thuật ngữ chuyên ngành các kiểu để thể hiện, anh chỉ là thằng bốc giời với vốn kiến thức tài xế, không hơn không kém."
"Chí lý. Anh nói thấm quá. Nói cứ như Lê Nin" - Cả Ngố vỗ đùi đen đét. "Nhưng hình như chúng ta lạc đề rồi. Tôi đã hiểu thế nào là doanh nhân, cũng như mục đích của kinh doanh. Tôi sẽ là một doanh nhân bán trà sữa. Thế giờ tôi phải làm gì?"
"Ghi tiếp bài học 2 này"
Bài học 2: Kinh doanh cần khác biệt. Nhưng làm thế nào để có những ý tưởng khác biệt?
"Khác biệt, có nghĩa là trái với thông thường. Bây giờ chúng ta cùng xem, thế nào là thông thường đã. Anh nghĩ gì khi tôi nói đến cốc trà sữa?"
"Ờ, nói chung là size to tương đối, thức uống bình dân cho đỡ khát với giá 10k-15k, có trân châu, cho 1 người uống, ăn uống xong cũng lưng lửng bụng khỏi phải ăn cơm. Nó có ống hút to nữa, cắm vào một cốc nhựa"
"Thế quán trà sữa thì sao?
"Ừ thì view đẹp, có nhiều chỗ check-in, mát mẻ, tụ tập được, không gian cần tương đối rộng, bán nhiều loại trà sữa khác nhau"
"Ok, đó là thông thường. Và bây giờ hãy dùng phép đảo ngược để bắt đầu quy trình sáng tạo. Hãy nghĩ theo kiểu: nếu ngược lại thì có cách nào không?
Đầu tiên là trà sữa:
- Thức uống bình dân. Nếu thức uống cao cấp thì sao? Ding tea đã biến bình dân thành cao cấp
- Size to tương đối cho 1 người với ống hút to. Size bự cho cặp đôi thì sao? Size cỡ chum rượu cần cho một nhóm cùng uống thì sao? Ống hút nhỏ được không? Khi đó thì hút trân châu lên kiểu gì? Có thể thay trân châu bằng một thứ khác cho phù hợp với ống hút nhỏ được không?
- Cốc à? Thế đựng vào bát, chén, đĩa, vại thì sao? Hay ống nghiệm,bình, can, chai?
- Uống trong ngày và uống luôn. Nếu làm nước cốt để khách hàng tự pha loãng khi cần uống liệu ổn không? Làm thế nào để bảo quản trà sữa trong 2-3 ngày?
Tiếp theo là quán trà sữa nhé:
- View đẹp, rộng. Thế view xấu thì sao? Có cách nào khác?
- Quán có nhiều vị cho khách lựa chọn. Thế nếu chỉ tập trung làm một vị duy nhất, hoặc chỉ đúng 3 vị độc đáo mà không nơi nào khác có thì sao?
- Không có quán thì sao? Cái này trà sữa Dom đã thực hiện dưới dạng nhân rộng xe đẩy.
- Khách đến và gọi trà sữa dễ dàng. Thế nếu làm khó khách, yêu cầu khách phải đặt trước thì sao? Điều gì khiến khách hàng mong mỏi và phải xếp hàng để thưởng thức nó?
Cả Ngố ngắt lời: "Bác cứ chém gió phần phật ấy. Bác nói thế ai chả nói được. Bác có kế gì nói luôn đi"
Hàn Sĩ đáp lời: "Sáng tạo là sự gợi mở. Có những bài học tôi sẽ hướng dẫn anh. Nhưng cái gì thuộc về sáng tạo, tôi sẽ chỉ khơi gợi thay vì đóng khung anh trong những suy nghĩ cũ kỹ, hay hướng anh theo con đường tôi bày sẵn. Tôi đã liên tục đặt ra các tình huống trái khoáy, những cái ngược đời, anh và bè lũ của mình hãy về cùng bàn bạc, tiếp tục mở rộng vấn đề, tìm xem giải pháp nào khả thi, vừa khác biệt độc đáo vừa đảm bảo lợi nhuận thì thực hiện. Đây là quá trình suy nghĩ đòi hỏi nỗ lực của tập thể, một mình tôi cũng không thể đưa ra đáp án hoàn hảo cho anh được"
"OK, tôi sẽ về bàn bạc thêm với đồng bọn và quay lại thỉnh giáo anh sau vậy"
"Không tiễn" - Hàn Sĩ lại trầm ngâm. Gã trả lời cộc lốc, mở máy tính và xem nốt tập phim dang dở.
Mấy hôm sau, Cả Ngố lại cắp đít sang hiệu sách Solomon xin thỉnh giáo Hàn Sĩ.
Hôm nay gã vẫn mặc như vậy. "Liệu có bao giờ tắm không ta?" Cả Ngố nghĩ bụng. Hàn Sĩ luôn mặc áo phông đen cổ tròn, kiểu tóc của nhân vật chính trong phim City Hunter chắc phải 7-8 năm rồi chưa đổi, nhìn cứ dị dị và hắc ám thế nào ấy.
"Lần nào tôi nhìn anh cũng thấy có vẻ nguy hiểm quá"
Hàn Sĩ mắt không rời màn hình máy tính, gã nói: "Sức mạnh không đến từ những gì tôi có, mà đến từ những gì người khác nghĩ là tôi có"
"Ôi vãi, anh lại lảm nhảm ra một chân lý rồi. Anh nghĩ ra à?"
"Không, tôi đọc trong sách. Nhưng không nhớ cuốn nào. Hình như bộ sách chiến lược của Robert Greene. Số sách tôi đọc nhiều hơn số sách mà anh quên đấy. Chính vì thế tôi mới có những thứ như hiện tại"
Cả Ngố thán phục: "Tuyệt! Anh đã có gì rồi?"
"Thật ra đếch có gì, tôi làm màu vậy thôi". Hàn Sĩ cười nhăn nhở và tiếp tục:
"Sở dĩ tôi mặc cùng một kiểu áo, màu áo, và để cùng một kiểu đầu, giữ cùng một dáng dấp, cùng phong cách sống, năm này qua năm khác, đó là vì tôi muốn tạo dựng thương hiệu cá nhân. Tôi định hướng cho người khác phải nghĩ về mình theo cách mà tôi muốn họ nghĩ. Thêm vào đó, tôi tạo ấn tượng giống nhau với tất cả những người khác nhau mà tôi gặp. Đó gọi là sự nhất quán của thương hiệu"
Cả Ngố nghe Hàn Sĩ nói về thương hiệu không khác gì chó nghe thời sự. "Anh giải thích rõ hơn được không?"
"Được rồi, chúng ta cùng đến với bài học tiếp theo"
Bài học số 3: Thương hiệu là cái gì? Làm thương hiệu là làm gì?
"Anh biết tại sao Ding Tea, To Co To Co, ... có thể bán trà sữa với giá gấp 3-4 lần trà sữa bình dân không?" - Hàn Sĩ bắt đầu bằng câu hỏi.
"Anh hỏi thế ai chẳng biết. Vì chúng nó có thương hiệu. Làm lâu năm rồi"
"Thế cái tên Ding Tea làm nên thương hiệu Ding Tea, để từ đó nó bán giá cao hay ngược lại? "
"Dĩ nhiên cái tên làm nên thương hiệu. Nếu nó không phải Ding Tea, còn lâu người ta mới trả tiền cho cái cốc đắt lòi kèn đó".
Hàn Sĩ trầm ngâm "Đó là bề nổi thôi. Cái anh nhìn thấy chỉ là kết quả. Khi khách hàng nghe thấy Ding Tea, họ biết đó là trà sữa giá cao. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một cốc trà sữa. Nhưng ban đầu, cái tên đó chẳng có ý nghĩa gì. Những người sáng lập đã định vị trà sữa là giá cao, sau đó họ bao quanh bằng những lý lẽ để khách hàng chấp nhận mức giá họ muốn. Cuối cùng, họ mới đặt tên là Ding Tea. Chính thương hiệu mới là thứ làm cho Ding Tea trở thành cái tên phổ biến."
"Khó hiểu thế" - Cả Ngố nhăn mặt lại như kiểu đang ỉa ra quả mướp đắng.
"Để tôi giải thích một cách dễ hiểu hơn. Ví dụ anh tên là Cả Ngố. Tên anh chả có gì đặc biệt. Người ta sẽ lẫn lộn tên anh với Hai Ngốc, Ba Ngu, Tư Đần, Năm Đầu Đất, Sáu Não Mịn ... Nhưng nếu tính cách con người anh là ngu bẩm sinh, thiên hạ nhìn thấy anh ngu mà không cần nỗ lực hơn người, họ sẽ nhận ra "À há, ngu thế này thì đúng là Cả Ngố rồi. Họ nhớ ra tên anh qua tính cách anh thể hiện. Và thương hiệu cũng vậy đấy. Thương hiệu không phải là thứ mà anh tuyên bố ra, mà nó là cái anh sống cùng"
Cả Ngố thốt lên: "Như vậy tôi cần định hình mình là ai trước khi đặt tên hay làm logo và slogan? Tôi đang định làm nhãn hiệu Trà sữa cả ngố: Đố thằng nào dám bảo không ngon". Anh thấy sao?"
"Ngon hay không ngon lại là do thương hiệu quyết định". Hình như bị chạm mạch, Hàn Sĩ tuôn ra một tràng:
"Tôi biết anh và đồng bọn định làm trà sữa ngon và sẽ có 100 cốc miễn phí cho khách hàng thử. Nhưng điều đó không giải quyết vấn đề gì vì khách hàng cũng như tất cả mọi người sẽ ra quyết định một cách cảm tính chứ không hề có lý trí. Trong lịch sử, khi bịt mắt nếm thử Pepsi và Coca, số đông đều nói Pepsi ngon hơn. Nhưng khi họ được nhìn nhãn chai, họ nói Coca ngon hơn. Khách hàng không sai đâu, chỉ là họ thiên vị. Và não bộ của họ hợp thức hóa toàn bộ sự thiên vị đó, khiến bản thân khách hàng tin là thật. Họ sẽ nói với anh một cách chân thành rằng họ không nói dối. Và đúng là họ không nói dối bởi nhận thức và định kiến đã điều khiển họ."
Hàn Sĩ nhấp một ngụm bạc sỉu và tiếp tục:
"Ngon là một tiêu chuẩn khó đong đếm. Anh không thể nói trà sữa của anh ngon hơn Ding Tea được, vì giá bán của chúng nó cao hơn. Khách hàng thường nghĩ đắt hơn sẽ tốt hơn. Họ hợp lý điều này bằng cách nghĩ rằng, Ding Tea có thể làm trà sữa bằng loại trà xịn hơn, sữa đắt tiền hơn, không gian đẹp, thương hiệu lâu đời. Dù thành phần của anh có thực sự ngon hơn, anh cũng không được công nhận. Chờ tôi một chút ...."
Hàn Sĩ dừng lại 15 giây để ngắm một bạn nữ xinh xắn vừa bước chân vào hiệu sách.
"Tôi nói đến đâu rồi nhỉ?... À nhớ rồi.... Tiếp nữa, anh mang trà sữa cho khách thử là do đã quá hy vọng vào vị giác của khách. Tôi nói anh nghe, năm người thì mười ý. Ngay cả Ding Tea cũng có người thích, người không thích cái vị của nó. Một thương hiệu sẽ có một đặc điểm tính cách, và nó sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Có một khảo sát đã cho thấy, vị giác của những chuyên gia thử rượu cũng có thể sai khi người ta đảo nhãn của hai loại rượu. Tôi đánh cược với anh sau khi thử, vẫn có người thích người không, khách sẽ nói anh nghe anh nên làm loại này bỏ qua loại kia, nhưng chỉ số ít mua từ anh, khách sẽ lại quay về những nhãn hiệu trà sữa quen thuộc. Bởi vì ngon là lý do chưa đủ lớn khiến khách hàng ra quyết định. Kết quả khả quan nhất là anh đưa vào đầu khách được một câu là anh đang bán trà sữa, hết, không hơn"
Cả Ngố bắt đầu có những dấu hiệu của ù tai, hoa mắt, chóng mặt. Não của anh chưa bao giờ phải load cùng lúc nhiều thông tin đến thế. Cả Ngố cất lời: "Anh có thể nói ngắn lại được không?"
Hàn Sĩ thở dài, gã nói "Thôi để tôi tóm lược lại cho anh:
Thương hiệu không phải là cái anh rêu rao tuyên bố. Nó là cái anh sống cùng. Có nghĩa mọi thứ mà anh show ra với thiên hạ đều phải quy về cái đặc điểm dễ nhận biết mà anh muốn khách hàng ghi nhớ khi nói về anh. Mục đích của làm thương hiệu là anh tạo ra một ấn tượng khác biệt so với cái thông thường. Ví dụ có cà phê thường và cà phê Starbucks, có hiệu sách thường và,... Từ đó anh có thể bán với giá cao hơn giá trị thật của nó. Hãy bắt đầu với một câu hỏi dễ đọc nhưng khó trả lời: Tại sao khách hàng nên mua trà sữa ở chỗ anh thay vì nhan nhản chỗ khác đang bán? Nếu chưa trả lời được, anh không nên làm trà sữa. Tiếp theo anh cần lưu ý, là cái khác biệt đó có mang lại đủ lợi nhuận xứng đáng cho anh không? Thị trường đã sẵn sàng chi trả rồi, nhưng mức chi trả cũng cần làm anh hài lòng đã.
Cả Ngố kết thúc vấn đề: "Được rồi, tôi đã note lại. Cái này tôi cùng đồng bọn sẽ bàn thêm. Vậy theo anh, giờ tôi nên định giá thế nào? Và bán ra sao?"
Hàn Sĩ xem chừng đã mệt mỏi, cả sáng nay chưa làm được gì cho đời, khách vừa vào xinh thật đấy nhưng không thấy mua cuốn sách nào, Cả Ngố thì không thấy hỏi nên đọc cuốn nào để gã tư vấn tranh thủ kiếm tí. Trưa nay còn không biết ăn gì đây. Còn tiền hàng nợ chưa biết xoay đâu ra mà thanh toán. Gã tặc lưỡi: "Là một chuyên gia, tôi không thích làm cái gì miễn phí. Nên tôi sẽ nói nhanh gọn với anh bài học cuối cùng, nhưng cũng như bài học số 2, tôi chỉ gợi mở thôi vì nó thuộc phạm trù sáng tạo":
Bài học cuối cùng: Những hướng dẫn cụ thể xoay quanh công thức 4 chữ P
Hàn Sĩ uống một hơi dài cho cạn cốc bạc sỉu lúc này đã tan đá và nguội ngắt. Rồi gã liếc cô gái xinh xinh đang ngồi phía xa chăm chú đọc sách, không nhìn sang Cả Ngố, gã nói như học thuộc lòng:
"Tôi thích những gì tối giản, và tôi tôn thờ công thức 4 chữ P trong marketing. Bây giờ chúng ta cần bám vào nó để thực hiện.
Chũ P thứ nhất là Product (sản phẩm). Thay vì làm vị phổ biến, hãy thử cân nhắc cho những thành phần lạ vào làm dậy lên một vị gì đó khác với những nơi khác. Vị dâu và sữa bột hôm qua dùng thử tôi khá ưng, anh bảo đồng bọn khai thác thêm xem. Anh cũng nên làm ít vị thôi, tôi phát mệt với mấy cái menu ti tỉ loại vị trên đời, điều đó khiến tôi bối rối và thường không chọn gì vì quá mỏi. Kiểu như: Uống cà phê nâu hay đen? Pha phin hay pha sẵn? Nóng hay đá? Nhiều sữa hay ít sữa? Tôi muốn táng vào mặt cái thằng bồi bàn nào hỏi tôi từng đó câu, trong khi cái tôi cần là ngồi một chỗ yên tĩnh thư giãn, và nếu tôi không có hỏi gì thì hắn nên mang cho tôi thứ chết toi nào cũng được. Cảm xúc mà quán cà phê mang lại cho tôi mới quan trọng, chứ cà phê nhà tôi đầy, tôi uống thay nước suốt ngày, thiếu thốn gì đâu.
Anh mời khách trà sữa mà đi hỏi: Vị gì? Size to hay nhỏ? Trân châu hay không? Thạch hay không? Uống ở đây hay mang đi? Từng đó câu là khách nó sợ, nó sẽ trả lời bừa phứa cho xong, còn mắt nó thì hoa lên vì có hơn chục vị. Theo tôi, anh làm 3 vị thôi, tối đa 3 vị. Vừa đỡ tồn nguyên liệu, vừa dễ làm công thức. Bước sản phẩm nên như nào thì anh xem lại bài học 2. Tôi gợi ý để anh cải tiến và làm khác biệt sản phẩm rồi.
Chữ P thứ hai là Price (giá). Định giá thế nào cũng là một nghệ thuật. Thông thường người ta sẽ lấy tổng chi phí cộng thêm số tiền lãi mong muốn để thành giá bán. Hoặc định giá cao và bán theo cảm xúc thương hiệu. Hoặc nhìn các đối thủ cạnh tranh để định giá. Quan trọng là anh định bán cho ai. Ding Tea nó bán giá cao một phần là thương hiệu, thứ nữa là nguyên liệu, rồi mặt bằng đẹp, không gian tốn kém. Giá càng cao thị trường càng nhỏ.
Mà ở chỗ tôi và anh ở, tôi thấy người ta thích rẻ hơn. Anh nên đặt giá bình dân, 10k-15k là hợp lý cho một nhãn hiệu mới. Và bây giờ tôi sẽ giúp anh nâng giá một cách hợp lý: (1) size cốc nhỏ hơn một chút, thấp hơn một chút mà sẽ khó nhận ra nếu không đặt cốc cạnh nhau (2) hình dáng cốc cao hơn và thon hơn (3) cốc có hình dạng độc đáo khiến khách hàng quên đi thể tích thực (4) Bán kèm với câu hỏi "2 lựa chọn 1" : đừng hỏi khách hàng thêm trân châu không, thêm thạch không, mà hãy hỏi khách muốn thêm trân châu hay thạch? Mỗi cái bán kèm li ti đó đều giúp tăng giá sản phẩm lên đáng kể so với giá ban đầu.
Chữ P thứ ba là Promotion. Hiểu nôm na là các hình thức anh triển khai hoạt động bán thế nào. Miễn phí 100 cốc trà sữa như anh nói là một cách, tôi không nói nó không hay, nhưng tôi băn khoăn về tính hiệu quả. Khi làm marketing, anh cần xác định rõ anh muốn đạt được kết quả gì trước. Tôi đo hiệu quả bằng tiền nên tôi thấy không, nhưng có thể bên anh cho là có vì mục tiêu của anh khác tôi, cái đó không bàn. Ngoài miễn phí, anh có thể làm theo kiểu thách thức, ví dụ như làm tô trà sữa to tổ bố ra rồi thách đố khách hàng ăn hết trong thời gian ấn định, hoặc liệt kê tất cả các thành phần trong cốc trà sữa cho sẵn, hoặc đặt ra một loạt các vị trà sữa khác nhau và yêu cầu khách hàng đọc tên từng vị một... Những trò chơi luôn mang lại sự phấn khích, vì khách hàng ngoài giải thưởng còn muốn sự công nhận xã hội. Nếu thắng khách sẽ được miễn phí, hoặc chứng nhận, hoặc thưởng tiền. Nếu thua, khách hàng chỉ cần trả tiền"
Cả Ngố ngắt lời "Ô, hay, hay. Anh ăn gì để tôi cúng.Não anh có sỏi mẹ nó rồi"
Hàn Sĩ xua tay: "Anh khen tôi thì khen cả ngày. Sở dĩ tôi phải ngồi đây bán sách vì không ai dám nhận. Họ sợ không có đủ tiền để trả lương cho tôi. Lắm ông còn không dám thuê những người khôn hơn mình vì ông muốn trong công ty mình là ngôi sao sáng nhất. Bọn chột thích làm vua xứ mù, ai dám làm việc với người hai mắt sáng đâu anh"
Cả Ngố cười ha hả: "Anh tự phụ quá rồi. Nhưng công nhận anh chém hay hơn mấy thằng diễn giả dạy làm giàu truyền động lực các kiểu. Tiếng chém của anh giống bảo đao cắt vào luồng khí. Tiếng kêu của lũ đó giống chó sủa thinh không. Nhưng thôi quay trở lại câu chuyện đi"
Hàn Sĩ tiếp tục "Anh cần chú ý giúp tôi, là cái gì hiệu quả thì cần liên tục thực hiện cho đến khi nó hết hiệu quả mới thôi. Giả như các cuộc thi không hiệu quả, hãy tìm phương án khác. Nhưng nếu khách hàng thích những thử thách giống như mỳ cay 7 cấp độ một thời, anh cần tổ chức thi như vậy hàng ngày. Dần dà khách đến vì hiếu kỳ, vì ham vui, vì muốn chứng tỏ sẽ trở thành khách quen.
Chữ P cuối cùng là Place (địa điểm). Tôi thấy anh không có đủ tiền làm lớn rồi, địa điểm hoành tráng có khi đông khách mà vẫn vỡ mặt về chi phí như chơi, vụ tòa nhà Keang Nam là một thí dụ. Nếu làm offline, anh thử tính xe đẩy, xe máy xe đạp chở hàng, hay thậm chí gánh hàng rong xem sao. Nếu làm online, anh có thể thách thức bản thân ship nhanh trong bao nhiêu thời gian đó, hoặc miễn phí. Ship nhanh cũng là một yếu tố tạo ra lợi thế."
Cả Ngố kết luận:"Có lẽ nhiêu đó là đủ cho tôi rồi. Sổ Vô tự thiên thư tôi viết cũng đã hết. Phải công nhận giấy kraft dẻo dai, màu sổ vintage, không dòng kẻ tha hồ sáng tạo, được. Tôi mua cuốn nữa, 30 nghìn chứ mấy, tôi ủng hộ anh. Thế chỗ thân quen không rẻ hơn được à?"
Hàn Sĩ nhíu mày không hài lòng: "Tôi nói thật, những người chưa làm kinh doanh như anh có suy nghĩ tiểu nông bỏ mẹ. Trong mắt các anh, bọn doanh nhân rặt toàn phường buôn bán cho người ngoài với cái giá đắt lòi để trục lợi. Để rồi khi có cơ hội, anh cũng sẽ bán lại cho chúng tôi theo kiểu đó để kiếm tí. Như vậy nông cạn lắm, và đó là cái đắc chí tiểu nhân. Chúng tôi biết bụng dạ lũ các anh nhưng chúng tôi không màng. Sổ Vô tự thiên thư chẳng có gì là đắt cả, anh cứ thử nhập sổ về bán là sẽ hiểu ngay. Có phải hàng xách tay đâu, hàng vác vai từ biên giới Trung Quốc sang, rồi đặt hàng, vận chuyển, phí CTV, phí duy trì kinh doanh các thứ, anh chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng. Anh mua 10 cuốn một lúc thì tôi để cho anh 25 nghìn/cuốn, gọi là chỗ thân quen. Còn càm ràm, tôi không bán"
"Anh đúng là Hàn Sĩ mà, đã hàn (nghèo) còn sĩ"
"Thôi anh về đi. Cái gì cần nói tôi đã nói rồi. Cố mà ghi vào dạ. Thấy người cần giúp mà không giúp, là hoài một người. Nhưng nói xong mà người ta tai nọ sang tai kia rơi hết là hoài một lời"
Cả Ngố cung kính vái chào gã và ra về. Bụng bảo dạ: "Mẹ, gã này phải cỡ Hoa Mãn Lâu".
Còn vụ trà sữa của cả Ngố và đồng bọn sau này ra sao, không rõ hư thực.
(Còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro