Nhà văn Tô Hoài, hạt ngọc của văn học
Nhà văn Tô Hoài, hạt ngọc của văn học
(Lê Tiến Dũng, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)
1. Nghe tin Tô Hoài mất, ai cũng buồn. Người ta thương tiếc một năng văn học đã ra đi. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói: "Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng". Nhận định về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tin rằng 'chú Dế Mèn' cùng mảng viết tự truyện của ông sẽ được tìm đọc mãi". Quả đúng như vậy.. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Kể tên những tác phẩm này ra chúng thấy có tên hai tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký và Vợ chồng A Phủ.
2. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu truyện có tên là Con dế mèn (chính là ba chương đầu của truyện) do Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả, Tô Hoài viết thêm truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1955, nhà văn mới gộp hai truyện với nhau để thành truyện Dế Mèn phiêu lưu ký như ngày nay.
Truyện đã được đưa vào chương trình học lớp 6 học kì 2 môn Ngữ văn. Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký năm 2012, Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17 - 18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.
Thành công của tác phẩm không chỉ nhờ bút pháp vừa sắc sảo vừa sống động mà còn nhờ ông đã khéo léo thể hiện cuộc ra đi và lý tưởng say mê của Dế Mèn chính là sự giác ngộ chính trị của thanh niên trong nước dưới ảnh hưởng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ đó. Các nhân vật loài vật trong truyện có tư tưởng hướng đến "thế giới đại đồng" - một danh từ mà thời đó ai cũng thích nói. Với Dế Mèn phiêu lưu ký, khi viết về tâm tư của thế hệ mình và phản ánh xã hội của thời đại mình, Tô Hoài chọn thể loại truyện đồng thoại, hướng về tuổi thơ, mà tuổi thơ chính là một biểu hiện của tinh thần nhân loại. Lựa chọn đó đã đưa Tô Hoài đi đúng hướng, viết nên một tác phẩm tiêu biểu nhất cho văn học thiếu nhi. Năm 1969, chia sẻ về tác phẩm, nhà văn cũng nhấn mạnh: "Viết đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi không biết phân tích nội dung cũng như cách viết thể loại như bây giờ. Tôi chỉ viết thực tế quanh tôi và tư tưởng lớp thanh niên như tôi. Mọi nhận xét và thói quen cũng như phong tục của con người, tôi đều đem dùng cho việc xây dựng nhân vật". Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tô Hoài viết truyện hướng về tính loại. Chính điều này làm cho tác có giá trị lâu bền. Ông khẳng định: "Trước năm 1945, các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam, tiêu biểu là "Dế Mèn phiêu lưu ký", hướng đến tính nhân loại, nhờ đó mà có giá trị lâu dài. Các tác phẩm về sau của ta không được như thế".
Trong truyện này Tô Hoài thể hiện một phong cách hết sức đặc sắc. Thông qua lời miêu tả đầy tự tin, hạnh diễn của Dế Mèn về mình, kết hợp với việc dùng từ ngữ miêu tả, đặc biệt là tính từ rất chính xác và giàu tính tạo hình, Tô Hoài đã vẽ lên một hình ảnh rất cụ thể, sống động và hấp dẫn của một chàng dế thanh niên cường tráng. Tác giả tả ngoại hình tỉ mỉ từng bộ phận đến hình dáng chung, luôn làm nổi bật lên những nét đặc sắc đáng chú ý trong mỗi bộ phận và đều toát lên sự cường tráng, sung sức không chỉ ở nhân vật Dế Mèn mà những nhân vật khác trong truyện. Ngòi bút miêu tả đặc sắc điêu luyện của Tô Hoài đã khiến người đọc hiểu rất sâu sắc về thế giới loài vật đồng thời có thể bày tỏ thái độ yêu ghét đối với nhân vật được kể, được tả. Nét đẹp ấy trông có vẻ dữ tợn với tính nết tự phụ kiêu ngạo và xốc nổi. Nhân vật Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng nhưng kiêu căng tự phụ về vẻ đẹp và sức mạnh của mình. Ngoại hình đẹp, nhưng hung hăng, hống hách và kiêu ngạo, hay bắt nạt kẻ yếu. Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Dế Mèn thực sự hối hận, nhận ra lỗi lầm và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Đó là bài học "ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ... mang vạ vào mình đấy". Dế Mèn giống một kẻ cà khịa, xốc nổi, ăn uống điều độ, đi đứng oai vệ. Thế giới loài vật qua ngòi bút miêu tả của Dế Mèn hiện ra thật sinh động. Tác giả đã quan sát tinh tường bằng con mắt hóm hỉnh, bằng tình cảm yêu mến loài vật và miêu tả chúng bằng cả trí tưởng tượng phong phú. Các loài vật vừa giống thực, sống động với những nét ngoại hình, tập tính sinh hoạt đặc trưng của chúng lại mang những nét tâm lý, tính nết, phẩm chất giống con người nên chúng rất gần gũi với người đọc, nhất là các bạn trẻ.
3. Một tác phẩm xuất sắc nữa của Tô Hoài cũng được chọn vào chương trình giảng văn của học sinh phổ thông trung học là truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Truyện ngắn được rút trong tập Truyện Tây Bắc (1953). Trong kháng chiến chống Pháp, ông đi khắp núi rừng Tây Bắc. Kết quả của những năm lặn lội đó là tập Truyện Tây Bắc ra đời (1953). Tập truyện gồm ba truyện là Cứu đất, cứu mường, Mường Giơn và Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm này cùng được trao Giải nhất tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Những năm tháng tiếp theo ông sáng tác nhiều.
Truyện Vợ chồng A Phủ cũng như tập Truyện Tây Bắc nói chung bộc lộ rõ nét phong cách của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình.
Đọc xong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, gấp trang sách lại rồi mà chúng ta vẫn không quên được gương mặt "buồn rười rượi" của Mị. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu. Đó là gương mặt tưởng như cam chịu, mất hết sức sống. Không, đằng sau gương mặt ấy, vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng không dễ gì dập tắt. Tô Hoài nói với Phan Thị Thanh Nhàn:"Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt".
Gương mặt buồn rười rượi ấy không phải là gương mặt đầu tiên của cuộc đời Mị. Mị lớn lên, xinh đẹp với bao nhiêu khát vọng hạnh phúc. Gương mặt Mị phơi phới trong những đêm tình mùa xuân với tiếng sáo thiết tha và tình tứ. Có bao nhiêu người đã mê Mị. Có bao nhiêu chàng trai đã đứng nhẵn cả chân vách buồng Mị... Gương mặt đầu tiên của đời Mị là một gương mặt đầy hi vọng.
Nhưng vì món nợ của bố mẹ mà Mị phải trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Mị bị bắt theo tục lệ cướp vợ của người Mèo và khi ngồi trong nhà thống lí Pá Tra, nghe tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn nhảy múa, Mị mới biết mình đã trở thành vợ A Sử. Tiếng nhạc sinh tiền cúng ma được tác giả miêu tả thật ai oán. Nó như tiếng nức nở chấm hết cuộc đời đang phơi phới xuân thì của một thiếu nữ.
Những ngày làm dâu với Mị là những ngày đau khổ. Là người phụ nữ có chồng mà Mị không được sống cuộc đời làm vợ. Mị chỉ là một thứ nô lệ. Đêm nào Mị cũng khóc. Miêu tả cuộc sống của Mị, tác giả cũng lên tố cáo tội ác của phong kiến miền núi. Và cái ý thức phản kháng đầu tiên đối với Mị là không chấp nhận cuộc sống nô lệ ấy. Cô tìm đến lá ngón để tự tử. Đây là phản ứng đầy tiêu cực, song không phải không chứng minh khát vọng sống của Mị. Muốn chết, nghĩa là muốn chống lại một cuộc sống không ra sống, nghĩa là còn tha thiết với cuộc sống, dĩ nhiên là cuộc sống khác chứ không phải cuộc đời nô lệ này.
Nhưng Mị đã không chết được. Sự phản kháng của Mị đã bị dập tắt. Mị chết mà món nợ vẫn còn đó thì bố Mị lại khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa. Mị không đành chết, đành trở lại nhà thống lí Pá Tra sống kiếp ngựa trâu.
Mấy năm sau bố Mị mất nhưng Mị không nghĩ đến việc ăn lá ngón tự tử nữa vì ở lâu trong cái khổ "Mị quen khổ rồi". Bây giờ Mị cũng tưởng mình là con trâu, con ngựa. Khổ đau, đọa đầy đã làm cho Mị tê liệt. Còn đâu cô Mị phơi phới xuân sắc, xuân thì ngày xưa. Bây giờ chỉ còn một cô Mị " ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Mị như con người vô cảm với cuộc đời, mất ý thức về không gian, về thời gian. Buồng Mị ở chỉ có một lỗ bàn tay, trông ra trăng trắng không biết sương hay nắng. Mị làm việc quần quật trong cái đều đặn của thời gian "bao giờ cũng thế, suốt đời, suốt năm như thế"... Tâm hồn Mị đã tê liệt đi với kiếp sống ngựa trâu.
Chúng ta tưởng rằng thế là hết. Nhưng không, sức sống tiềm tàng một lần nữa lại bùng cháy trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống với những tháng năm của những đêm tình mùa xuân. Cái gì đã làm hồi sinh một cô Mị "đầy xuân sắc, xuân tình" nơi một người đàn bà đang mòn mỏi bên tàu ngựa nhà thống lí ?
Có phải vì Tết năm ấy đầy không khí rạo rực của ngày xuân. Đó là những xuân gió rét dữ dội làm ửng vàng sắc cỏ tranh, làm đổi màu hoa thuốc phiện và cũng đánh thức lòng người.
Tết năm ấy, Mị lén uống rượu. Mị uống ực từng bát như cho hả giận, như nuốt vào lòng sự căm hận. Men say của hơi rượu ngày xuân đã đưa Mị trở về những ngày xuân thủa trước. Mị như quên đi hiện tại đắng cay để sống với ngày xưa.
Và có lẽ đánh thức Mị nhiều hơn cả là âm vang của tiếng sáo gọi bạn tình ngày xuân: "Mị nghe tiếng sáo vọng lại tha thiết bồi hồi, rồi Mị thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Trong cái nồng nàn của hơi men, trong âm vang thiết tha của tiếng sáo, Mị nhận ra mình còn trẻ, trẻ lắm. Mị muốn đi chơi. Không còn cô Mị mòn mỏi bên tàu ngựa nữa mà cô Mị đã thức tỉnh. Không khí mùa xuân, men rượu và tiếng sáo đã thức tỉnh Mị. Nhưng đó chỉ là những tác nhân. Những tác nhân ấy làm sao có thể đánh thức tâm hồn Mị nếu như tâm hồn ấy đã chết. Những khổ đau của cuộc đời làm cho tâm hồn Mị chai sạn đi, nhưng bên trong vẫn âm ỉ ngọn lửa của lòng khao khát được sống, được hạnh phúc. Và những tiếng gọi kia của cuộc đời đã làm bùng cháy sức sống tiềm tàng ấy.
Nhưng lại một lần nữa Mị bị vùi dập. Thấy Mị muốn đi chơi, A Sử đã trói đứng Mị vào cột nhà trong buồng. Trong mớ dây trói cay nghiệt ấy Mị vẫn sống với ngày trước. Chỉ đến khi bước đi theo tiếng sáo như một người mộng du thì mới đắng cay nhận ra mình đang bị trói. Đời Mị bị trói buộc vào bao nhiêu sợi dây trói hữu hình và vô hình. Trước cái thực tại đắng cay ấy, Mị ngày càng câm lặng như con rùa nuôi trong xó cửa, cúi đầu tê tái trong thân phận của kiếp ngựa trâu.
Đến đây chúng ta tưởng Mị sẽ cam chịu với số phận nghiệt ngã của mình. Nhưng không, cái sức sống tiềm tàng nơi Mị một lần nữa nâng cô đứng dậy, vùng lên thoát khỏi kiếp đọa đầy.
Như một sự run rủi của số phận, A Phủ bị bắt về làm nô lệ của nhà thống lí Pá Tra. Hình tượng A Phủ tượng trưng cho sức sống bị đọa đày. Năm ấy rừng động, hổ về bắt mất một con bò nên A Phủ bị trói vào góc nhà như Mị ngày nào. Nhưng với Mị, A Phủ bị trói hay có bị chết cô cũng không mảy may quan tâm. Những lần trở dậy sưởi lửa vào ban đêm, đi qua nơi A Phủ bị trói, Mị dửng dưng như không có A Phủ ở đó. Thậm chí như nhà văn viết: "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi"... Tâm hồn Mị đã giá lạnh, đã tê dại đi đến mức nào !
Vậy mà tâm hồn ấy đã thay đổi. Lòng Mị đã không dửng dưng nữa khi lé mắt nhìn sang thấy "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xạm đen lại" của A Phủ. Giọt nước mắt tuyệt vọng và cay đắng của A Phủ đã đánh thức tâm hồn Mị. "Mị chợt nhớ lại A Sử trói Mị cũng trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được". Từ giọt nước mắt của người, Mị nhớ đến giọt nước mắt của mình. Từ nỗi đau của mình, Mị nghĩ đến nỗi đau của người. Mị nhận ra có mình trong cái bóng dáng của A Phủ đang bị trói kia. Mị thương mình ngày trước nên cũng thương A Phủ bây giờ, thương A Phủ "việc gì phải chết"... Chính tình thương ấy đã nâng Mị đứng dậy, truyền cho Mị lòng can đảm cắt dây trói cho A Phủ và cũng chính là cắt dây trói cho mình. Nhiều ý kiến cho rằng hành động cắt dây trói của Mị là hành động tự phát, ngẫu nhiên. Đó là hành động không hề tự phát mà có ý thức, ý thức từ nỗi đau của chính mình.
Sau lần thức tỉnh này Mị không còn bị đưa trở lại kiếp ngựa trâu như trước nữa. Mị đã cùng A Phủ bước vào cuộc đời tự do để trở thành "Vợ chồng A Phủ", cuộc hôn nhân của sự vùng lên.
Tô Hoài đã miêu tả sâu sắc và cảm động sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Sức sống ấy như ngọn lửa âm ỉ cháy không dễ gì có thế dập tắt được. Miêu tả ngọn lửa của lòng ham sống vẫn nồng nàn và mãnh liệt nơi một tâm hồn tưởng đã tê liệt vì những đọa đầy về thể xác cũng như tinh thần cho thấy một niềm tin mãnh liệt vào con người của nhà văn. Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống ấy, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.
Tô Hoài được nhiều người biết có phần nhờ hai tác phẩm trong trường học: Dế mèn phiêu lưu ký và Vợ chồng A Phủ. Hai tác phẩm ấy là những hạt ngọc quý giá của hơn 150 tác phẩm của ông. Chúng ta tin đó là những viên ngọc sẽ sáng mãi trong đời./.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro