Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Một




Trong tâm tưởng của Hưởng, Sài Gòn là một điều gì đó kỳ vĩ đến xa vời. Vậy mà cái học bổng toàn phần hồi thi đại học cộng thêm chút tiền nuôi bán heo của ba má đã đưa nó lên cái thành phố xịn nhất Việt Nam một cách ngon lành. Tới lúc ngồi trên xe đò lên đây, nó vẫn nghĩ là mình đang nằm mơ.

Mà đâu phải giấc mơ nào cũng đẹp.

"Trời đất quỷ thần thiên địa ơi!"

Tiếng hét thất thanh vang lên từ căn phòng trọ bình dân vào một buổi sáng thứ hai bận rộn. Hưởng ngồi bật dậy rồi lao ra khỏi giường, còn đạp phải cái đồng hồ báo thức nằm lăn lóc trên nền đất mà loạng choạng mém té. Nó nhai đại cục singum cho miệng đỡ hôi, tròng lên người cái áo sơ mi cũ xì nhăn nhúm và cái quần jean bạc màu, rồi vắt giò chạy ra trạm xe buýt. Đêm trước ngày nhập học, ba thằng bạn cùng phòng đã ngáy như sấm rồi mà Hưởng vẫn nằm thao thức nhớ nhà, nên sáng nay nó không tài nào dậy nổi trước giờ đi học.

Ở trên xe, mấy sinh viên cùng trường hăm hở làm quen với nhau. Nó cũng cố mở lời bắt chuyện với một vài người cho đỡ căng thẳng, nhưng chẳng được ai đáp lại nhiệt tình cho lắm. Chắc là do cái giọng miền Tây đặc sệt cộng thêm diện mạo luộm thuộm của Hưởng. Người ta ở Sài Gòn phồn hoa lâu rồi, có ai mà muốn dính vô cái ngữ quê mùa như nó.

Lúc Hưởng có mặt ở trường thì lễ khai giảng đã kết thúc. Nó hỏi vòng vòng một hồi thì mới tìm được chỗ thu ngân để đóng tiền cơ sở vật chất. Tới nơi, Hưởng mò trong trong túi quần và cặp sách mãi mà chẳng thấy cái bóp đâu. Nó hoảng hốt chạy ngược về phía cổng trường, cố nhìn xuống mặt đất, vừa chạy vừa hỏi có ai nhìn thấy bóp của tui không. Chạy được mấy vòng trường rồi mà tình hình chẳng có gì khả quan hơn.

Nó đứng một chỗ thở hồng hộc, bắt đầu tưởng tượng tới triệu tỷ khả năng xấu sẽ diễn ra. Từ chuyện không đóng đủ tiền liền bây giờ, sẽ không được đăng ký tín chỉ. Đăng ký trễ thì bị mấy đứa khác giành hết học phần, thế là không có lớp học, coi như quăng nguyên học kỳ này. Sinh viên nào không có đủ tín chỉ tối thiểu trong học kỳ đầu, sẽ bị nhà trường rút học bổng. Nếu muốn tiếp tục học thì phải đóng nguyên giá học phí, mà nhà Hưởng thì làm gì đủ tiền cho bốn năm đại học của nó. Tới lúc đó, nó sẽ phải đem bán lại mớ sách năm nhất vừa mua được từ tiệm sách cũ với giá rẻ như cho, rồi cuốn gói về quê, tiếp tục cày ruộng chăn heo và nói lời tạm biệt với một tương lai tươi sáng cùng tấm bằng đại học vẻ vang.

Ngay lúc Hưởng thấy giấc mộng đổi đời của mình sắp vỡ tan tành, thì có ai đó khều nó, rồi chìa ra cái bóp nhỏ bằng lòng bàn tay.

"Của cậu nãy làm rớt nè."

Người đàn ông trước mặt nó tướng tá vạm vỡ, da đen nhẻm, mặc áo thun quần đùi xỏ dép lào, trên mặt còn có một vết sẹo dài trông rất hầm hố. Vậy mà nó lại nhìn ra một ông bụt trắng hồng, hiền từ phúc hậu, vận bạch y nghiêm trang chỉnh tề và hay xuất hiện bất thình lình những lúc chúng sinh gặp hoạn nạn khốn khó.

Hưởng cảm ơn người kia rối rít rồi rút ra mấy chục ngàn đưa anh coi như tiền hậu tạ, nhưng anh lập tức từ chối.

"Ơn nghĩa gì đâu cậu ơi. Chuyện gì tui thấy đúng thì tui làm thôi."

Anh phẩy tay rồi cười hề hề. Dáng vẻ lam lũ không làm lu mờ được cái nét hào sảng khí khái toát ra từ người anh.

"Vậy...cảm ơn anh lần nữa nha."

Nó nghe ra chút âm hưởng miền Tây sông nước trong giọng anh, từ một cái tỉnh nào đó mà nó nghĩ là khá gần quê mình. Hưởng định đứng nói chuyện với người này một lát nhưng anh đã vội chào tạm biệt nó.

"Thôi chắc tui đi đây, xe xôi ở ngoải hổng ai coi chừng hết. Giữ bóp cẩn thận, đừng để rớt nữa nghe."


  ***


"Xôi anh bỏ gì vô mà ngon thiệt đó anh Quốc. Tui càng ăn càng ghiền, ngày nào không ăn là không chịu nổi."

Hưởng múc một muỗng xôi đầy ắp đưa lên miệng, thưởng thức tổ hợp hương vị hài hoà đang tan dần trên đầu lưỡi.

"Cảm ơn Hưởng nghen. Nồi xôi tui nấu chỉ có mỗi cái tâm để trong đó thôi à."

Xôi anh Quốc lúc nào cũng mềm dẻo, căng bóng, lại được bọc trong lá chuối nên có mùi thơm rất dễ chịu. Xôi thường đi kèm với pate, mỡ hành, chà bông, gà xé hoặc thịt luộc. Thịt là ba rọi trộn với thịt vai, có màu nâu đỏ rất hấp dẫn, đậm đà, vừa giòn bên ngoài lại vừa mềm bên trong.

Thiên hạ nói Sài thành nhiều cao lương mỹ vị lắm, nhưng Hưởng chỉ mê món xôi thấm đẫm công lao và tâm huyết của anh Quốc.

" Hưởng bữa giờ quen đường Sài Gòn chưa?"

"Tui mới nhớ được tuyến xe buýt thôi à, cũng còn gà mờ lắm. Mấy ngày đầu lên đây tui hơi lo, tại thấy thành phố tấp nập quá, nhà cửa xe cộ cứ san sát nhau, tui thì không quen biết ai hết. Nhưng giờ thì ổn rồi."

"Nhờ mỗi ngày vừa ăn xôi vừa được ngồi tán dóc với anh, Sài Gòn mới dễ thở hơn được xíu."

Mấy lời này nó chỉ thầm nghĩ trong đầu chứ không dám nói ra.

Thời tiết nóng nực khiến Hưởng khát khô cổ. Nó cầm ly nước mía mới mua lên ực một phát. Nước hết rồi mà Hưởng vẫn giữ cái ly trên miệng, che đi gần nửa khuôn mặt, cốt để Quốc đừng chú ý tới ánh mắt nó đang nhìn lén anh.

Quốc đứng ngoài trời cả ngày nên da đen sạm, trên trán lại có vài nếp nhăn. Nhưng dấu tích của những năm tháng dãi nắng dầm mưa không làm đôi mắt đen láy của anh bớt hút hồn. Ngắm nghía mắt mũi miệng của Quốc xong, Hưởng lại chú ý tới vết sẹo dài bằng cả ngón tay trên mặt anh.

"Cậu giả bộ dở quá."

Hưởng còn đang ngơ ngác chưa hiểu được câu nói của anh, thì Quốc đã nắm lấy tay nó và đặt lên vết sẹo của mình.

"Tò mò thì tui cho rờ nè. Chứ cứ im im mà ngó hoài, lủng mất cái thẹo vàng ngọc của tui."

Hưởng đứng hình mất một lúc vì bị bắt quả tang. Rồi nó khẽ vuốt lên cái lằn thịt lồi tím thẫm chi chít những đường may nham nhở xung quanh, cắt ngang chân mày rồi kéo dài xuống tới giữa má anh. Hai đoạn thẳng sát rạt mí mắt Quốc, như cách bóng tối và ánh sáng trong suốt quãng đời còn lại của anh chỉ cách nhau một cái chớp mắt vậy.

" Thẹo của anh nhìn...ngộ ghê."

Quốc bật cười trước câu bình luận ngô nghê của Hưởng.

" Tui quý cái thẹo này lắm. Mỗi lần rờ trúng nó là nhớ về thời niên thiếu vừa ngu vừa năng nổ của mình, cũng nhớ rằng trời còn thương tui, dù lấy đi nhiều thứ nhưng vẫn giữ lại cho tui thân thể lành lặn."

Quốc múc một ca đầy trong thùng trà đá mình đem ra rồi uống cạn, chừa lại mấy cục đá để vân vê cho mát tay.

"Hồi ở dưới quê, tui có dành dụm được chút đỉnh tiền, nên hăng hái lên Sài Gòn mần ăn để đổi đời. Tui tin người quá nên đời cũng được đổi, sau mấy tuần ở nhà trọ bình dân là được nâng cấp lên khách sạn ngàn sao liền."

Hưởng chân ướt chân ráo mới lên Sài Gòn nên không hiểu được mấy lối chơi chữ của dân ở đây. Quốc thấy nó nghệt mặt ra thì liền giải thích.

" Khách sạn ngàn sao là công viên, vỉa hè, gầm cầu đó. Tối nào nằm nhìn lên trời cũng thấy sao."

Quốc đặt ca trà xuống, hai tay đan vào nhau, thảnh thơi ngồi nhìn dòng người hối hả ngược xuôi giờ tan tầm.

"Anh bắt đầu bán xôi từ khi nào?"

" Cách đây hơn một năm. Lúc mới lên đây, tui chưa học hết mười hai, còn có cái thẹo ngầu bá cháy, thêm bộ dạng luộm thuộm, nên đâu có hàng quán nào dám mướn. Xong tui mới đi làm ba cái linh tinh như móc bọc, bán vé số, bốc vác, cũng đủ sống lây lất qua ngày. Hên sao quen được ông bạn tốt, giới thiệu cho tui vô chỗ ổng làm phụ hồ, lương lậu cũng khá lắm. Ban ngày tui đi công trình, chiều về nấu dăm ba món đồ ăn vặt linh tinh, rồi đạp xe đi bán. Cứ làm vậy mấy năm rồi cũng để dành đủ vốn cho xe xôi mặn."

Hưởng chống cằm, chăm chú lắng nghe Quốc. Giọng anh bình thản tựa như đang kể về một cơn ác mộng đêm qua, sáng ngủ dậy là quên gần hết.

Quốc ngồi ngó trời ngó đất, ngó qua Hưởng, rồi bỗng dưng lục lọi trong bọc nilon treo trên xe xôi, rút ra một chai keo.

"Hưởng lại đây, tui dán dép cho."

Hưởng dòm xuống chân, mới phát hiện đôi dép cũ mòn của mình đã đứt quai từ bao giờ. Vì thương ba má làm lụng cực khổ mà Hưởng có cái tật ăn xài hà tiện, quần áo giày dép hư tới nơi mà vẫn không chịu sắm đồ mới. Hên là bữa nay gặp Quốc, chứ không là xác định đi chân trần về nhà rồi.

"Dép tui sứt đế hoài à, nên lúc nào cũng phải thủ sẵn chai keo trong người."

Trong lúc giữ cho quai và đế dép cố định để ăn keo, bàn tay chai sần của Quốc tình cờ chạm vào cổ chân nhỏ nhắn của Hưởng.

Mềm quá. Còn trắng nữa.

Anh giật mình rụt tay về, tằng hắng cho đỡ ngượng.

"Con trai con đứa gì mà bàn chân đẹp thấy thương luôn vậy hà."

Nó ngượng nghịu cảm ơn Quốc, rồi chào anh về trước. Mặt trời đã khuất sau những dãy nhà cao tầng, mà Hưởng vẫn để lại một vệt nắng nhàn nhạt trong mắt anh.


***


Hưởng dù học ngành tự nhiên, nhưng nó có một tâm hồn rất nghệ sĩ. Hồi ở dưới quê, tụi bạn nó mỗi lần được ba má cho chút đỉnh tiền đều đem đi mua đồ ăn vặt, riêng Hưởng thì tích cóp từng đồng để mua một cây đàn guitar cũ. Chiều nào làm việc nhà xong, nó cũng ôm đàn ra sân ngồi hát nghêu ngao.

"Anh Quốc có thích đi coi hát không?"

Hưởng bỏ miếng dừa vào miệng, vừa nhai rột rột vừa hỏi Quốc.

" Hồi dưới quê tui có đi bán vé chợ đen ở mấy chương trình ca nhạc. Bán xong là tui về à, chứ không có vô trong coi. Kiếm ăn còn chưa xong thì thời giờ đâu mà coi thiên hạ hát hò hả cậu."

Mặt Hưởng xìu xuống trước câu trả lời của Quốc. Nó lại cắm cúi xắn tiếp mấy miếng dừa trong ly dừa tắc mới mua.

"Mà sao Hưởng lại hỏi tui vậy?"

" Sáng thứ bảy tuần này tui đi thi văn nghệ mừng ngày Nhà Giáo ở trường. Tui rủ mấy đứa trong lớp mà không đứa nào đi được hết. Ai cũng có kèo ăn chơi rồi."

Quốc vẫn mải miết lau xe xôi mà chả thèm nhìn tới nó. Hưởng lặng lẽ ngồi ăn gần hết dừa trong ly rồi mới nghe tiếng anh đáp lại.

"Ờ."

Hưởng bị quê một cục nên quay luôn lưng về phía anh. Cái ống hút trong ly nước vài ba phút trước còn lành lặn, giờ đã bị cắn nát dưới hàm răng chắc khỏe của một cậu thanh niên đang tủi thân.


Tới ngày thi, Hưởng thấy Quốc đứng bên dưới, trong bộ đồ Tây chỉnh tề dù có hơi quá khổ so với người anh. Tóc tai anh được cắt tỉa gọn gàng, mấy cọng râu lởm chởm đều được cạo sạch sẽ.

Không có vườn hoa nào dám nhận mình tươi hơn nụ cười của nó lúc này.

Trong suốt màn trình diễn, Quốc như mất hồn trước giọng hát truyền cảm và tiếng đàn điệu nghệ của nó. Hưởng đó giờ ít đứng trước đám đông nên hơi lo lắng, thỉnh thoảng nó lại nhìn xuống ánh mắt sáng ngời của anh dành cho mình để lấy thêm tự tin.

Phần thi của nó kết thúc trong tiếng vỗ tay của cả hội trường. Hưởng cúi đầu chào khán giả rồi nhảy xuống sân khấu, chạy ào về phía Quốc.

"Anh Quốc, sao anh tới mà hông nói tui biết? Rồi kiếm đâu ra bộ đồ xịn dữ vậy nè?"

"Tại...tui muốn làm Hưởng bất ngờ. Bộ đồ với đôi giày này tui mướn ngoài chợ, hỏi sát ngày quá nên không tìm được cỡ vừa với mình. Có xấu thì cậu cũng bỏ qua cho tui nhen."

"Hông có đâu, tui thích lắm. Anh nhìn đẹp trai thiệt đó anh Quốc."

Vừa dứt lời, bụng nó bỗng phát ra vài tiếng rột rột, khiến Hưởng xấu hổ quay mặt đi. Hôm nay nó dậy trễ nên phải nhịn bữa sáng.

"Hưởng ăn đi cho đỡ đói nè."

Quốc nhịn cười, dúi gói xôi vào tay nó. Hưởng ăn xong liền móc trong túi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nhĩ để đưa anh. Quốc chỉ xoa đầu Hưởng rồi mỉm cười trước sự ngây ngô và sòng phẳng của cậu nhỏ.

"Hưởng giữ đi, coi như đây là quà tặng của tui."

" Có dịp gì đâu mà tặng tui. Anh lấy dùm tui đi, chứ ăn chực của anh vầy tui thấy kì quá."

Thấy Hưởng cứ khăng khăng bắt anh nhận tiền, Quốc liền nghĩ ra một cách.

"Tui hông lấy tiền, mà tui lấy cái khác."

Hưởng tròn mắt nhìn anh, xong ngó lại người mình từ trên xuống dưới.

"Tui có gì cho anh lấy đâu?"

"Có chớ. Hưởng...ca cho tui nghe mấy bản đi."

Hưởng lần đầu thấy có người muốn nghe mình hát thì khoái chí vô cùng, liền kéo tay Quốc ra công viên đối diện trường, chọn một cái bóng râm mà ngồi xuống. Nó cầm đàn say sưa hát cả chục bài liền. Từ nhạc trẻ Làn Sóng Xanh tới dân ca miền Tây Nam Bộ, bài nào nó cũng hát được ngọt xớt. Quốc vừa chăm chú lắng nghe, vừa ngắm nhìn từng biểu cảm trên khuôn mặt Hưởng, ở góc độ nào cũng rất thuận mắt.

"Bữa nay tui hời ghê, tốn có gói xôi mà được coi nguyên chương trình văn nghệ hoành tráng."

Hưởng được khen thì gãi gãi đầu.

"Có gì đâu anh ơi. Tui có được học nhạc lý bài bản đâu, toàn tự mò rồi đờn hát bậy bạ vậy cho đỡ ghiền thôi à."

"Tui cũng ưa nhạc lắm, mà mỗi lần cất giọng ca lên là nghe như vịt đực vậy đó. Mốt có gì Hưởng chỉ tui hát với nghen."

Bóng cây trên đầu của hai người chỉ che được nắng gắt, chứ không thể xoa dịu được cái nực nội của buổi trưa Sài Gòn. Tóc mái lòa xòa của Hưởng bết lại với nhau, mồ hôi nhễ nhại chảy dọc gò má trắng đến nhức mắt. Quốc chợt đưa tay áo sơ mi chậm nhẹ lên sườn mặt ẩm ướt của nó. Hưởng thấy lòng mình nhộn nhạo, giống như bị một cơn sóng lăn tăn đánh vào. Hai bên má nó đỏ ửng, không biết là do thời tiết nóng ẩm hay là vì một điều gì khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro