Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bảy




Mặt trời đã ló dạng sau một giấc ngủ dài, và Quốc cũng cựa mình tỉnh dậy vì chói mắt. Trước mặt anh là cánh đồng lúa xanh bát ngát nằm dưới nền trời trong veo. Đường chân trời thẳng dài đến vô tận, không bị gián đoạn bởi những tòa nhà cao tầng hay mớ dây điện nhùng nhằng. Quốc ngồi thưởng ngoạn phong cảnh chưa được bao lâu thì nghe tiếng bác tài thông báo xe đã đến trạm dừng của anh.

Vào lần cuối Quốc gặp Hưởng, nó đưa anh hai túi giấy màu xanh rất đẹp, bảo đây là quà em gửi má và Tuấn, còn thúc giục anh mau về quê thăm gia đình. Quốc cười ngọt, dụi đầu vào hõm cổ nó, nói mai anh sẽ đi mua liền một cặp vé xe đò để dẫn người thương về ra mắt nhà anh. Lúc đó, Quốc mãi tơ tưởng đến cảnh bốn người cùng ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp mà bỏ lỡ nụ cười sượng ngắt của nó.

Rồi Hưởng lẳng lặng rời đi, để lại anh với một mảnh hồn tan tác. Bia rượu không giải quyết được gì, càng uống lại càng thấy bản thân mình thảm hại. Sau nhiều đêm nằm trằn trọc vắt tay lên trán và nhiều ngày sống vật vờ như cái xác biết đi, cuối cùng Quốc cũng chịu gượng dậy, bắt đầu cuộc hành trình nhặt nhạnh và hàn gắn những mảnh vỡ của bản thân mình.


***


Lần cuối Tuấn gặp anh hai là cách đây hơn một năm. Anh ốm nhom, nước da đen đúa, trên mặt còn có một vết sẹo dài, trở về sau bốn năm trời biệt tăm biệt tích. Tuấn dù còn giận Quốc nhiều vì năm đó đã bỏ mặc cậu và má, nhưng khi đứng trước người anh trai đã bảo bọc chăm sóc mình suốt những năm tháng khó khăn nhất của gia đình, sống mũi cậu lại cay xè, chỉ biết nhào đến ôm chầm lấy anh.

Hôm đó má đi bỏ mối trái cây ở chợ, đến tối mới xong. Tuấn lăng xăng kiếm đồ nấu một bữa tối thịnh soạn cho ba người để mừng anh hai về, nhưng anh bảo thôi. Quốc đưa cho cậu hai bao thư, một khoản là phần thưởng cho Tuấn thi đậu đại học, khoản còn lại là để lo cho má. Anh dặn cậu đừng nói cho má biết mình đã gặp anh, rồi bắt xe về lại Sài Gòn luôn trong chiều hôm đó. Trước khi đi, Tuấn còn bịn rịn bắt anh hứa là năm sau sẽ về lần nữa.

Quốc lúc đó gật đầu nhẹ hều, vậy mà Tuấn không ngờ là anh giữ lời thật.


"Má ơi, anh hai kìa má."

Nghe tiếng Tuấn la lớn, người phụ nữ đang gọt trái cây bèn ngẩng mặt lên, để rồi không còn tin vào những gì chính mình đang nhìn thấy.

Đứa con trai bà ngỡ mình đã đánh mất đang đứng khoanh tay, cúi đầu, lí nhí chào bà.

"Thưa má, con mới về."

Từng nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ ép chặt lại với nhau, xô đẩy dòng nước trong đôi mắt bà Huệ, giọt này tiếp nối giọt kia mà rơi xuống. Bà chạm vào khuôn mặt Quốc, di ngón tay tới vết sẹo gần mắt anh. Từng đường nét của con trai bà không còn vô tư thanh thuần mà đã dày dạn sương gió hơn nhiều.

"Má mừng quá. Má cứ tưởng con bỏ má đi luôn."

Quốc đã gần năm mươi chia đôi, vậy mà bà vẫn có cảm giác mình đang ôm lấy cậu con trai mười tám tuổi trầm lặng mang trong mình nhiều thương tổn.


Bà làm sao quên được những ngày tháng đầu tiên sau khi ba tụi nhỏ bỏ đi, những lúc Quốc và Tuấn ngủ gục bên mâm cơm đã nguội ngắt để chờ má về, những lúc hai đứa ôm cứng lấy má sau cả tuần bà vắng nhà, vừa khóc sướt mướt vừa nói, tụi con không cần quà bánh gì hết, tụi con chỉ cần má thôi.

Khi Quốc vào lớp mười được vài tháng, bà bắt đầu phát hiện những vết bầm tím trên người anh. Hôm anh nói là con bị té xe đạp, hôm thì nói con giỡn với mấy đứa bạn trượt chân té xuống mương. Quốc đó giờ đi đứng cẩn thận lắm, mà đợt đó bà không biết sao anh cứ té hoài, tuần nào cũng thấy người anh đầy những vết trầy xước.

Có lần dọn dẹp nhà, bà thấy mớ sách vở để trên bàn của Quốc chi chít những dòng chữ nguệch ngoạc, đủ loại màu sắc, giống như có ai đó vẽ bậy lên. Trước khi bà kịp lại gần để đọc chúng thì anh chợt xuất hiện, gom đống sách vở giấu đi. Cũng vào thời điểm đó, hàng xóm bắt đầu nhìn bà và hai đứa con trai bằng ánh mắt khinh bỉ, soi mói. Bà nghĩ họ đều biết chuyện mình làm rồi, nhưng lỡ dính vô rồi thì làm sao dứt ra được. Đám người đó đời nào để gia đình bà được yên.

Năm Quốc lên lớp mười một, mỗi lần bà về đều không gặp được anh, tới khi đang chập chờn giữa giấc ngủ thì mới nghe tiếng anh lục đục mở cửa. Sáng trước khi bà thức dậy thì anh đã đi mất. Thỉnh thoảng bà còn thấy anh đem về những bọc thuốc tây tên lạ hoắc và những chồng vé xem bóng đá, kịch, ca nhạc,  chất đầy ở một góc nhà. 

Có một đêm bà ráng thức đợi anh về để hỏi han anh về chuyện học hành, sao dạo này má không thấy con đưa má thư mời họp phụ huynh nữa. Quốc mới nói con bỏ học rồi, con ghét trường lớp lắm. Thấy bà thất thần trước lời thú nhận của mình, anh chỉ trấn an bà ngắn gọn, rằng con có cách kiếm tiền, và con sẽ lo cho thằng Tuấn đàng hoàng tử tế.

Rồi đến một buổi chiều về nhà, bà không còn thấy đồ đạc quần áo của Quốc nữa. Tuấn ngây thơ nói anh hai mới lên thành phố khởi nghiệp hồi chiều hôm qua. Ảnh hứa cỡ nửa năm nữa, khi công việc ổn định, ảnh sẽ về thăm hai má con mình.

Đàn ông con trai gì mà hứa lèo thấy ghê. Đi mất biệt năm năm trời rồi mới vác cái mặt mốc về đây.


"Má ơi, con xin lỗi má."

Quốc ôm chặt bà, giấu mặt vào bờ vai gầy gò đã dãi nắng dầm mưa suốt nửa cuộc đời để nuôi dưỡng mình.

"Má mới phải là người xin lỗi con. Năm xưa má thờ ơ quá, không bảo vệ được con, để con phải buồn tủi nhiều vì má.

Bà nhẹ nhàng vuốt tóc con trai rồi cũng nghẹn ngào theo.

Sau bao giông tố của tuổi trưởng thành, Quốc đã tỉnh ngộ về lỗi lầm của bản thân ở thời niên thiếu, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ má sẽ tha thứ cho mình. Chưa bao giờ dám tưởng tượng có ngày bà sẽ lại dang rộng vòng tay ôm lấy đứa con trai bạc bẽo như anh.

Cảm xúc hỗn loạn chồng chéo trong lòng Quốc trào ra thành từng tiếng sụt sùi. Tuấn thấy má với anh hai xúc động nên cũng mếu máo theo, liền chạy lại ôm chặt cả hai người. Bao ngôn từ cũng trở nên vô nghĩa, khi ba tâm hồn đầy thương tổn đã đoàn tụ và tha thứ cho nhau.


***


Sau khi cả ba người cùng ăn tối, Quốc đưa cho má và Tuấn món quà của Hưởng, bảo là người yêu của anh gửi tặng.

"Chà, mấy tấm lụa này dệt khéo ghê, chắc má chỉ để trưng trong nhà thôi chứ không dám đem đi may đồ bận quá."

"Cái áo thổ cẩm này đẹp lắm luôn đó anh hai. Em mà mặc đi học là kiểu gì tụi trong lớp cũng lé mắt."

Quốc nhìn má và Tuấn khen lấy khen để món quà của Hưởng mà thấy mát lòng mát dạ.

"Chà, chị người yêu của anh hai lựa đồ khéo dữ vậy ta. Bữa nào anh dắt chị xuống nhà mình chơi nghen."

Trước ánh mắt mong chờ của má và em trai, Quốc hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi thú nhận.

"Má, người con thương là đàn ông."

Bầu không khí bỗng chùng xuống sau câu nói của Quốc. Tuấn quá bất ngờ nên cũng không biết phản ứng như thế nào, bèn lén nhìn qua khuôn mặt trầm tư của má mình.

"Má ơi, con...kì cục vậy, má có ghét con không má?"

Quốc nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của bà mà hồi hộp chờ đợi câu trả lời.

"Con má dứt ruột đẻ ra, sao mà má ghét được." Bà mỉm cười hiền từ. " Tánh nết của con má biết lâu rồi. Má chỉ đợi ngày con nói thiệt với má thôi."

Anh há hốc miệng, vẫn chưa dám tin vào những gì mình đang nghe.

"Má...không thấy chướng mắt gì hả má?"

"Có chướng gì đâu con. Chỉ là hơi khác xíu, nhìn riết rồi cũng quen thôi. Ai thương con trai má là má thương người đó à." Bà dịu dàng xoa đầu anh. "Quốc cực khổ nhiều rồi, giờ má chỉ mong con được hạnh phúc thôi."

Gia đình là chỗ dựa vững chãi nhất, cũng là nơi cho phép người ta yếu mềm nhất. Giây phút Quốc nghe má nói những lời tốt đẹp về tình yêu của mình, anh không cầm cự nổi nữa.  Quốc ngã khuỵu trên nền đất, bám lấy chân bà mà khóc òa lên như một đứa trẻ. Bao nhiêu đắng cay và tuyệt vọng tích tụ trong lòng anh được dịp tuôn xả như dòng lũ lớn.

"Mệt mỏi lắm rồi, phải không Quốc?"

Tuấn lóng nga lóng ngóng một hồi, định lại an ủi anh hai thì đã thấy má ngoắc tay kêu cậu lui vô trong trước. Khi chỉ còn hai má con trong bếp, bà chầm chậm vỗ từng nhịp lên bờ vai đang run bần bật của Quốc mà xót xa không thôi.

Số con trai bà sao mà lận đận quá. Thời niên thiếu thì gia đình đổ vỡ, bị bạn bè làng xóm đay nghiến, khinh thường, phải tự lăn ra đời vất vả kiếm ăn. Đến khi vừa nếm được chút ngọt ngào của tình yêu thì lại phải chống đỡ miệng đời cay nghiệt.

Trước khi để Quốc thiếp đi trong vòng tay mình, bà đã kịp lưu lại một câu nói trong tâm trí anh, với cái âm điệu thấm đẫm đau thương.

"Lỡ thương nhau rồi thì ráng giữ lấy nhau nha con."


***


"Anh Tài!"

Ông Tài vừa đặt bịch đồ đi chợ xuống, liền nghe tiếng gọi của bác Năm hàng xóm.

Nhà bác làm nghề dệt. Ông thỉnh thoảng hay đặt bác dệt vài tấc lụa đẹp để đem đi may đồ tặng vợ. Người bác thật thà chân chất, có gì nói nấy, nên rất hợp tánh ông. Trước đây, ông và bác thỉnh thoảng hay cùng nhau ngồi uống rượu hàn huyên. Dạo một năm đổ lại đây, bác kiếm được cái mối bán lụa trên Sài Gòn, nên cứ đi đi về về miết. Hai người vì vậy nên cũng không còn gặp nhau nhiều.

"Mấy nay tui bận bù đầu trên trển, giờ mới rảnh ra được vài ngày để về quê. Anh qua nhậu với tui một bữa nghen."

Khi ông tới nơi, bác Năm đã bày sẵn rượu xịn mồi ngon ra mời khách.

"Trên đó giờ làm ăn khá không anh Năm?"

"Cũng được. Bữa giờ tui lên đó lo cho con gái là chính, chuyện buôn bán có người phụ rồi."

Bác lấy trong túi ra một tấm hình chụp một người phụ nữ ẵm đứa bé đỏ hỏn trên tay.

"Cháu ngoại tui nè anh Tài."

"Nhìn thấy cưng ghê. Đẻ khi nào vậy anh?"

"Cách đây hai tuần. Vợ tui ở Sài Gòn giữ cháu rồi, nên tui mới tranh thủ về đây coi sóc nhà cửa."

Bác bắt đầu rót rượu ra mấy cái ly nhỏ.

"Nhanh thiệt, mới ngày nào tui còn đòi từ mặt con Linh, giờ đã chạy đôn chạy đáo lên lo cho con nó rồi."

Ông Tài nghe bác Năm nói mà sửng sốt.

"Sao từ mặt? Tui thấy con nhỏ cũng hiền lành dễ thương mà."

Bác Năm bật cười sảng khoái.

"Đó, tui cũng bị gạt y chang anh đó. Hồi nó còn học cấp ba, tui thấy nó tập trung học, miệng mồm không có lanh chanh như mấy đứa con gái khác trong lớp, nên tui cứ tưởng nó là dạng ngoan ngoãn, mình đặt đâu nó sẽ ngồi đó."

Bác hớp một hớp rượu, khẽ nhăn mặt khi vị đắng chát lan dần trong khoang miệng.

"Tui định đợi nó học xong lớp mười hai rồi gả đi luôn. Con gái mà, học hành cao chi cho cực thân, kiếm tấm chồng nuôi mình là được rồi. Có người giới thiệu cho tui cái mối bên Đài Loan, anh đó mặt mày nhìn cũng sáng sủa, sự nghiệp ổn định. Tui kêu nó đi coi mắt mà nó nhất quyết không chịu, giãy đành đạch lên đòi thi đại học rồi lên Sài Gòn. Mà xui thêm cái nữa là nó thi đậu cao lắm, có trường trên thành phố cho học bổng bốn năm luôn, nên tui đành để nó lên đó học."

"Rồi nó học hành được không anh?"

"Được. Gì chớ con gái tui, cái khoảng học thì ai mà làm lại nó." Bác Năm dựa người vào cột nhà. "Học giỏi quá nên nó nghĩ chuyện gì nó cũng biết, ba má nói tới đâu là cãi chày cãi cối tới đó."

"Nó cãi gì anh rồi?"

"Hồi con Linh học đại học năm hai, tui với vợ lên thành phố thăm nó, mới biết nó đang ở chung với thằng bồ. Bà vợ tui mém xỉu tại chỗ luôn. Vợ chồng tui tốn công dạy dỗ, cho nó ăn học đàng hoàng, đâu phải để nó trở thành cái thứ lăng loàn, ăn cơm trước kẻng như vậy."

Lông mày bác Năm hơi chau lại.

" Mà thà nó quen đứa nào nhìn đàng hoàng, có của ăn của xài xíu. Quen thằng thợ xăm, mình mẩy toàn hình hoa hòe rồng phượng, nhìn ghê muốn chết. Bà con làng xóm người ta mà biết, người ta cười cho thúi mặt."

Nói đến đây, bác dừng lại một chút, hai mắt nhìn đi đâu xa lắc.

" Tụi tui đánh chửi, lôi cổ nó về quê mà nó nhất quyết không về, sống chết cũng phải ở với thằng này. Bồ con Linh lúc đó nhào vô chịu đòn thay nó, thiếu điều muốn quỳ lạy hai vợ chồng tui tha cho tụi nó, vậy mà tụi tui đâu thèm nghe."

Ông Tài đã uống hết rượu nãy giờ, mà vẫn xoa xoa cái ly trong tay, chưa có ý rót thêm.

"Lần đó về quê, tụi tui tưởng là mất đi đứa con gái duy nhất rồi."

Bác Năm đã ngà ngày say, hơi thở và giọng nói bác cũng nặng nề hơn.

" Lúc tụi tui còn dỗ ngon dỗ ngọt con Linh, kêu nó bỏ thằng này đi, thì nó nói một câu làm tui nhớ hoài. Nó kêu, ba má nói thương con, mà từ năm mười hai tới giờ toàn bắt con một ngày tám tiếng làm chuyện con không thích, thêm tám tiếng ở với người con không yêu."

Bác bóc sợi khô mực bỏ vô miệng, để cái vị mặn mặn cay cay tan vào trong men rượu .

" Trong hai năm không nói chuyện với con Linh, có mấy bữa tui nằm trằn trọc suy nghĩ cả đêm. Nhiều khi tui ỷ bản thân sống lâu, biết nhiều nên nghĩ mình hiểu được điều gì là tốt nhất cho nó. Nhưng mình không phải tụi nó, không lớn lên cùng thời, không trải qua những chuyện tụi nó trải qua. Tui đâu có sống hoài với con Linh, mà nếu nó nghe lời tui, rồi lỡ sau này hư hại cuộc đời, tới lúc đó biết đổ thừa ai?

Để con nhỏ tự lăn ra đời, thành công thì nó hưởng, thất bại thì nó tự gánh, vậy mới khôn ra được."

Ông Tài trầm tư một lúc, tự dưng thấy hình ảnh cậu con trai vật vờ như cái xác không hồn hiện lên trong tâm trí mình. Ông định mở miệng nói gì đó, nhưng cuối cùng lại thôi.

" Tui cũng sợ bà con dị nghị, nhưng giờ nghĩ lại, lời ra tiếng vào của người dưng qua đường chẳng lẽ lại quan trọng hơn hạnh phúc của con gái mình. Nuôi đứa con lớn lên rồi bắt nó khổ sở để cung phụng ý muốn của mình, làm món trang sức cho mình đem đi khoe thiên hạ, tui thấy tui làm vậy bậy quá anh ơi. Nhắm đẻ con ra là phải thương nó, còn không thương được, thà để tiền nuôi heo bán rồi trang trải cho tuổi già, đỡ tạo nghiệp mà lương tâm cũng thanh thản hơn nữa."

"Vậy anh chịu cho tụi nó ở với nhau hả?"

"Tụi tui không thèm nhìn mặt con Linh suốt hai năm trời. Vợ tui cứ than nhớ nó riết, mà tui kêu lên Sài Gòn thăm nó đi thì lại không nghe. Đùng cái nó dẫn thằng bồ về quê, cúi đầu xin ba má chấp thuận cho tụi con cưới nhau. Vợ chồng tui còn lấn cấn nhiều thứ nhưng cũng phải chịu thôi. Ngày vui của con mình cả đời mới có một lần, mà mình lại vắng mặt, coi sao được."

Đuôi mắt của bác dãn ra theo nụ cười, để lộ vài dấu chân chim.

" Giờ hai vợ chồng nó hạnh phúc, sinh đẻ mẹ tròn con vuông, làm tụi tui cũng yên tâm. Bổn phận mình tới đây coi như xong rồi. Chỉ mong tụi nó đừng quên hai ông bà già này."

Giọng bác Năm ngày càng nhỏ đi. Hơi thở bác đều dần, chẳng bao lâu sau ông đã nghe tiếng ngáy của bác.

Ông Tài nhắm nghiền mắt, đưa tay vuốt ấn đường cho dãn ra. Chỉ là một bữa nhậu với hàng xóm mà lại khiến tâm trí ông rối ren tới vậy. Có lẽ việc nhìn trời ngó đất sẽ khiến đầu óc ông thư thả hơn một chút.

Giờ ông mới để ý tới con chim cảnh bác Năm khoe với mình hồi trưa. Con chim mập mạp, lông cánh mướt rượt, đẹp khỏi chỗ chê. Nhưng nó không hót, mà cứ đứng một chỗ ủ rũ trong cái lồng gỗ mới toanh, mắt không ngừng hướng về đàn chim sẻ đang tự do chao lượn trên nền trời xanh thẳm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro