3
Đó là những câu chuyện thường nhật của buổi sáng và trưa, đến tối chúng tôi sẽ bị lùa lên phòng lúc 8h30 và đến 9h thì khắp nơi đã chìm vào màn đêm im ỉm. Ừ thì đất Sài Gòn ấy nhưng giờ này cũng đâu còn chỗ nào ăn chơi đâu, đã qua rồi cái thời nườm nượp náo nhiệt!
Đợi má lên kiểm tra phòng chúng tôi rồi cả ba đứa lại he hé kéo tấm cửa sắt ở ban công lên, để gió đêm và ánh trăng sáng tỏa ngập trước hiên phòng. Khi ấy tôi và em sẽ cùng hướng mắt lên màn trời sao, dâng mình đọc kinh nguyện. Cả hai chúng tôi vẫn luôn ngây ngốc tin rằng Đức chúa lòng lành đang ẩn mình trên tít mấy tầng mây kia nên chỉ cần ngước nhìn lên bầu trời đêm ấy biết đâu lại thấy được ngài.
Đọc kinh tối xong, chúng tôi sẽ chắp tay lại cầu nguyện. Đã lâu rồi tôi chẳng biết phải nguyện cầu điều gì nữa. Vốn dĩ tôi thấy cuộc sống mình đủ rồi chẳng cần phải xin cầu gì hơn, thành thử giờ cầu nguyện lại là giờ tôi len lén ngắm em, ngắm đôi mắt nhắm hờ và vẻ mặt thành thành khẩn khẩn của em. "Em cầu nguyện cái chi vậy?", tôi hỏi.
"Em cầu mình được qua Mỹ để sớm tìm được cha".
Rất nhiều lần tôi đã hỏi về điều ước của em và lần nào em cũng trả lời như vậy. Dần dần, tôi cũng biến điều ước của em thành lời nguyện cầu của tôi. Cầu cho em sớm tìm được cha ruột nhưng còn sang Mỹ ư? Tôi trở nên ngập ngừng với điều đó.
Mỗi đêm nguyện cầu của hai chúng tôi chắc chắn sẽ lãng mạn, đẹp đẽ nếu như không có mấy tiếng lạch cạch của Thái Dung. Ừ, vẫn luôn là thằng ấy. Cứ vào cái giờ đó nó lại quần áo chỉnh tề lượn lờ trước gương chải chuốt rồi không nói không rằng lao ra ban công. Lần đầu tiên trông thấy cảnh tượng đó tôi liền nắm chân nó lại, đanh giọng hỏi: "Đi đâu?".
"Chuyện riêng, kệ người ta đi!"
"Giờ này ra ngoài bộ không sợ bị kiểm tra hen ?"
"Người ta tự biết lo thân, không cần ông Cha ngáo ngơ như ngài nhắc đâu".
Tôi buông tay ra, thả một câu lạnh tanh: "Mẹ mà biết là nhừ đòn".
"Thì cũng là người ta chịu chứ có phải mấy người".
Tôi chau mày bực bội nhìn nó. Cái thằng gàn dở ấy có ra làm sao thì tôi cũng kệ.
"Chỉ cần Đức cha đừng nhiều lời là được!", Dung thả lại một câu rồi đu ban công leo xuống. Điên thật, nó leo từ tầng ba xuống đất đấy! Và nó làm việc đó khẽ khàng thoăn thoắt như một con mèo.
Em chúi đầu xuống ban công nhìn theo nó mà không ngớt lời khen: "Ảnh ngầu quá ha anh, cao quá trời quá đất luôn mà cũng leo được".
Tôi bĩu môi, không giữ nỗi những móc mỉa: "Y chang mấy thằng đầu trộm đuôi cướp hay lẻn vào nhà người ta thì có. Thể nào cũng có ngày!".
Mà cũng có ngày thật. Thi thoảng gần 4h sáng, tự dưng má lại dựng cửa phòng chúng tôi lên nhòm ngó. Hên thì Thái Dung đã về và nằm một cục ngoan ngoãn cạnh tôi, nhưng cũng có hôm nó trở về ngay lúc má lên phòng. Tôi còn nhớ hôm đó em phải vội chạy ra ban công, đứng che lại cái đầu lấp ló của Dung và ra hiệu cho nó đừng trèo lên.
"Thằng Dung đâu?" - Má hỏi.
Tôi ú ớ cố tìm ra một lý do. Dễ nhất là tôi cứ nói thật với má vì tôi đã bảo là sẽ mặc kệ thằng ấy mà. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại chọn cách nói dối hộ Dung. "Nó... ra nhà thờ rồi má. Hôm nay Cha xứ nhờ nó chuẩn bị chút chuyện cho lễ sáng nên nó đi từ nãy rồi". Má bán tín bán nghi, nhưng vì là lời tôi nói nên bà cũng không hỏi lại. Chẳng ai lại đi nghi ngờ mức độ trung thực của một Đức cha cả, dù là một Đức cha trong thì tương lai.
Khi còn lại ba đứa, tôi đã cáu tiết mắng Dung: "Mấy người dẹp cái trò đi đêm đó đi, làm phiền người ta quá đi!".
"Xin lỗi nhưng người ta có việc thật, không ngưng được. Nhưng...sau này... sẽ cố gắng về sớm hơn"
"Kệ thay mấy người, không phải lúc nào cũng may mắn như vậy đâu!". Tôi đặt dấu chấm hết cho cuộc hội thoại rồi nằm xuống, cố ngủ tiếp.
Trong cả cuộc gây hấn ấy em chẳng nói lời nào cả, có lẽ vì em nghĩ rằng mình không có quyền ngăn cấm hay giáo huấn ai. Việc mà em có thể làm là chấp nhận và thích nghi với mọi hành động của người khác.
Thái Dung thay lại bộ đồ ngủ rồi nằm xuống cạnh tôi. Nó cố điều hòa nhịp thở cho đều đặn trở lại rồi quay sang thì thầm vào tai tôi: "Cảm ơn Cha đã vì con mà phạm tội".
Tôi thấy nhột nhạt vì lời thì thầm của nó. Quay lưng vào Thái Dung, tôi tiếp tục ru mình vào giấc ngủ.
Kể từ ngày đó đúng là Thái Dung có về sớm hơn và cũng hạn chế đi đêm lại, song thi thoảng nó lại mang về phòng chúng tôi mấy thứ khác kinh sợ hơn: những vết thương hoặc vết bầm tím trên người nó. Chẳng lần nào tôi gặng hỏi được nguyên do, riết rồi tôi cũng kệ. Còn em thì vẫn luôn cẩn thận, tỉ mỉ băng bó, sức thuốc cho nó. Nếu vết thương nằm lộ rõ ở nơi không che dấu được, Dung cũng chỉ tỉnh rụi nói với cả nhà rằng đó là kiểu vết thương giữa mấy thằng con trai mới lớn với nhau. Vậy nên chiếc hộp cứu thương nhỏ cũng được má trao cho phòng chúng tôi sử dụng luôn.
Lại có những hôm Dung trở về nhà trong màn mưa mùa mịt. Trông nó ướt mem, quéo quắt, lại còn run lập cập. Em vội đưa khăn cho nó lau người rồi tìm giúp nó bộ quần áo mới. "Giá mà nấu được cho ảnh nồi nước nóng để tắm. Để vậy bệnh chết!". Em thì thầm trong tiếng mưa.
Rồi như bị ai đó xui khiến, tôi te te đi xuống bếp, đun liền một ấm nước sôi. Rồi nhỡ sáng ai có hỏi, tôi cứ bảo do Đức cha tương lai muốn được gột rửa bản thân vào cái giờ khuya lắc khuya lơ, vậy thôi. Gì chứ tôi cũng có chút quyền thế trong cái nhà này mà. Tôi rón rén bước vào nhà vệ sinh với nồi nước sôi. Dung nhìn tôi và hỏi, lần nào cũng như lần nấy: "Cha có muốn điều gì ở con không?". Tôi luôn nhìn trân trân nó mỗi khi nó hỏi tôi kiểu ấy. Thật chẳng hiểu nó muốn ám chỉ gì nữa.
Khi mùa mưa vào đến đỉnh điểm, mưa thối trời thối đất là lúc chúng tôi khốn khổ nhất. Dù đã kéo kín tấm cửa cuốn lại, gió lạnh vẫn ập vào phòng chúng tôi. Thái Dung nằm sát góc trong cùng cứ than lên thở xuống: "Mưa chi ác dữ, vậy rồi ai làm ăn gì được!".
"Giờ này còn ai bán cái gì nữa anh?", em ngây thơ hỏi.
"Giờ này mới là giờ buôn bán của một số người chú em à!'
"Ngủ đi!", tôi chen ngang, không muốn em nói gì với Thái Dung. Thằng ấy quá nguy hiển cho em của tôi.
Tiếng mưa vẫn lộp độp rã rít trên mái nhà, ru chúng tôi vào giấc ngủ chập chờn. Dám cá là chẳng đứa nào mơ được giấc mơ gì ra hồn đâu vì gió lạnh cứ không ngừng đánh thức các giác quan của chúng tôi. Khổ nổi chỉ có một cái mền cho ba thằng con trai. Tôi nằm ở giữa thì đâu sợ bị thiệt, còn em nằm ở ngoài sát cửa nên chắc chắn lạnh nhất. Do đó tôi luôn chú ý trùm mền kỹ càng cho em, thành thử ra cái mền chỉ còn dư lại một khúc chút xíu. Thái Dung nằm ở trong cùng, lại luôn phải giữ khoảng cách với tôi (vì tôi muốn vậy) nên nó chẳng ké được miếng mền nào. Nhìn nó nằm co ro như con tôm tôi cũng thấy tội. Nhưng kệ, nằm trong cùng thì cũng đâu còn lạnh gì. Tôi quay lại với giấc ngủ chập chờn của mình bỗng không lâu sau liền cảm thấy Dung trở mình. Nó cố chọt chọt đôi bàn chân lạnh ngắt vào góc mền còn thừa, tay nó cũng từ từ mò vào theo. Ngủ một hồi tôi thấy Dung đang co rút bên cạnh thân tôi. Như kiểu thói quen hoặc do thuận tay, tôi hất góc mền lên, cổ phủ kín người Dung. Thằng ấy nhanh nhảu nhít sát vào hơn rồi ôm lấy tôi luôn. Hay thật!
Tôi ngó qua chỗ em để chắc chắn rằng em vẫn ấm rồi choàng tay, chặn góc mền bên phía Dung lại để nó không trượt ra khỏi người thằng ấy. Giờ thì ấm cả ba rồi! Một việc tốt như vậy là việc mà một Đức cha tương lai như tôi cần phải làm, chẳng việc gì để phải lăng tăng nghĩ ngợi cả.
Thế là mùa mưa năm ấy của chúng tôi trôi qua dưới một tấm mền mỏng như thế đó!
=========================
Mùa ẩm ướt qua đi thì cũng đến lúc tôi phải cắp sách đến trường. Thời gian để ở bên em bỗng dưng bị rút ngắn xuống còn một nữa. Cơ hội để tôi bảo vệ và chăm lo cho em cũng ít dần. Thế nên dù muốn hay không tôi vẫn phải phó thác em cho cái thằng kia - thằng Thái Dung ấy. Mỗi khi tôi bảo nó phải nhớ để mắt trông chừng em, nó luôn ra bộ vâng phục mà rằng: "Thưa cha con biết rồi!". Đấy nó cứ như thế thì bảo sao tôi không bực nó được cơ chứ. Song việc giao em vào tay nó chắc chắn không phải là một lựa chọn tồi. Nó luôn biết cách lấy lòng người lớn hoặc cũng có thể là nắm thót họ và tỏ rõ uy quyền với đám bé hơn. Thế nên chẳng ai dám hé ra cái từ 'con lai' trước mặt nó cả, vì vậy mà nếu em đi cạnh nó thì cũng chẳng ai dám động đến em. Và cũng có thể vì là con lai như nhau nên nó luôn sẵn sàng dìu dắt, chỉ dẫn em. Thôi thì cũng cảm ơn nó vậy!
Phó thác em an toàn trong tay người khác xong, tôi vẫn cứ thấy tiếc. Giá mà em được đến trường cùng tôi thì tốt nhỉ?! Sau khi em biết được vài chữ bập bẹ thì chế độ thay đổi, cơ ngơi gia đình tôi cũng suy sụp, thành thử má buộc em phải ở nhà phụ việc luôn. Thế là em trở thành một đứa con lai ít học, ngày càng thiệt thòi hơn so với đám cùng trang lứa. Còn Dung dù không đến trường nữa như số chữ nó biết được có lẽ vẫn nhiều hơn em vì khi còn ở trại trẻ mồ côi nó đã được các ma sơ dạy dỗ rất kỹ lưỡng. Thế nên mới có chuyện nó hay hạch họe tôi mỗi khi nghe tôi kể chuyện.
Khi quay trở lại trường tôi lại được học nhiều thứ, nào là chuyện cổ tích, chuyện anh hùng, chuyện đời thường, chuyện của những nhà bác học. Tất cả chúng đều trở thành những đề tài thú vị để tôi kể cho hai đứa kia nghe mỗi ngày. Dù chỉ xuyết soát nhau chục tháng, em thì nhỏ hơn, Dung thì lớn hơn tôi một tẹo song cứ mỗi khi nghe tôi kể chuyện, cả hai đứa kia đều biến thành mấy đứa trẻ lên ba. Em thì cứ tròn xoe mắt nhìn tôi còn Dung lại cau mày mà vểnh tai lên hóng. Bởi vì trên thực tế tôi chỉ kể cho em nhưng làm sao mà đứa thứ ba trong căn gác bé tí ấy lại không nghe được chứ. Bằng chứng là nó luôn chen ngang với những câu hỏi cắt cớ cho tôi và chỉ đợi khi tôi ú ớ thì nó lại vênh mặt lên. Hẳn là Dung muốn chứng minh nó cũng nhiều chữ như tôi. Cái thằng...thiệt kỳ!
Cả mùa tựu trường ấy hẳn sẽ trôi tuột qua nếu như không có một tai ương từ đâu rơi xuống.
Mọi chuyện bắt đầu từ một trận đá bóng của ba đứa tôi với thằng mập con bác tổ trưởng và thêm hai ba đứa con nít khác nữa. Trưa hôm ấy trời nắng gắt, đứng gió, tôi ngồi trong bóng râm, nheo mắt nhìn bọn kia chạy lăng xăng với trái banh. À tôi quên nói, thật ra tôi chỉ đi theo em và Thái Dung thôi chứ chẳng có chút tâm hồn vận động nào cả. Như một thầy tu thực thụ, tôi chỉ thích việc ngẫm nghĩ trong tĩnh lặng mà thôi.
Thằng mập chống tay vào hông, oang oang nói: "Ê thằng con lai, ra nhặt banh coi!"
"Mày kêu ai đó thằng mập?", Thái Dung hất mặt vặn lại khiến cậu quý tử bên kia líu lưỡi. "Là thằng con... lai... thằng Hiền".
Em hơi cau mày, không biết vì nắng gắt hay vì bực nhưng vẫn dợm bước ra chỗ nhặt banh.
"Không phải đi!", Dung kéo tay em lại, "Thằng nào đá ngu sút ra đó thì tự qua lấy".
Mập ta lầu bầu nhấc chân. Nó biết nếu có Dung ở đây thì nó chẳng làm được gì cả, võ mồm hay võ tay chân gì nó cũng không địch lại nốt . Dung kéo em đến gần chỗ trái bóng, cà khịa nhìn thằng mập. Nếu như hôm ấy Thái Dung không hành xử lỗ mãn như vậy thì chắc chuyện đã chẳng xảy ra.
Bị khiêu khích, thằng mập giơ cao chân, đá phăng quả bóng về hướng em và Dung. Cả hai đều nhanh nhẹn né được. Trái bóng va vào tường rồi dội ngược ra chỗ cua quẹo của cái cầu thang cấm.
*Xoảng*, tiếng đổ bể.
Tôi chạy ào đến xem, mặt mũi hóa xanh mét. Cái bàn thờ đặt ở cua quẹo đã ngã đổ lộn xộn. Bát nhang và mấy chén rượu vỡ thành nhiều mảnh, mấy lá bùa giấy màu vàng mấp máy như muốn bay đi.
"Bể bàn thờ rồi, bể bàn thờ rồi bớ bà con, bể bàn thờ rồiiii...".
Không quá lâu để một đám đông bu quanh cái cầu thang cấm. Đám con nít tụ lại một góc. Ba chúng tôi đứng sát vào nhau, không đứa nào giấu được nét sợ hãi.
"Đứa nào, là đứa nào làm?", bà thím mặc bộ bà ba trắng dữ tợn hỏi. Bọn con nít chỉ tay vào thằng mập. Thằng bé sợ hãi chạy đến núp sau lưng má nó, mếu máo: "Con không biết gì hết đó má, không phải tại con, tại mấy thằng kia kìa", nó chỉ tay về chỗ chúng tôi. Thái Dung liền quắc mắt: "Là mày đá vào đó chứ ai làm mà đổ thừa?!".
"Má ơi!", thằng mập lại bám riết sau lưng má nó, cầu xin sự chở che.
Má tôi cũng xuất hiện, dáng vẻ như sẵn sàng đối đầu.
"Sắp có họa rồi, giờ lấy cái gì trấn con quỷ cái trong đó?", ông già gầy đét nói.
"Mời thầy tới lẹ lẹ đi!"
"Tối nay nó lại gào rú cho mà coi, không biết có quấy phá cái gì nữa không?"
"Cúng kiếng đầy đủ mà nó còn phá được, huống chi..."
"Nó sẽ tìm về báo thù bọn đàn bà năm xưa...", một gã nát rượu, què quặt, chột mắt phá lên cười man rợ.
"Thằng điên!", bà thím bận bà ba trắng xô ngã gã bợm rượu.
Tôi thoáng thấy ánh mắt lo sợ của bà ta và một vài người đàn bà khác.
"Cái gì mà tụ tập ở đây vậy bà con?". Ông tổ trưởng xuất hiện, chen vào giữa đám đông.
"Cái bàn thờ bể rồi, con quỷ cái kia tối nay sẽ lại hú hét dọa người cho mà xem"
"Nhảm nhí!", ông tổ trưởng đáp lại, "Ma cỏ gì, bà con không có được mê tính dị đoan nữa nha!"
"Mê tính gì ông ơi, chuyện thiệt rành rành ra vậy. Ai ai ở cái chung cư này cũng đều nghe tiếng nó mỗi đêm mà"
Nhiều tiếng đồng tình râm ran vang lên.
Ông tổ trưởng tặc lưỡi, có vẻ chịu thua số đông. "Rồi đứa nào làm bể cái bàn thờ?", ông hỏi.
Bọn con nít lại nhao nhao chỉ vào thằng mập cũng là cậu con độc nhất của ông. Bà vợ ông tổ trưởng vội đứng chắn trước mặt đứa con, không giấu vẻ thách thức với chồng mình. Ấp úng một hồi, ông tìm lại được phong thái của một người có chức có quyền, quả quyết nói: "Giờ vầy đi, cho một đứa lên đó, cầm theo đồ cúng coi có con ma nào không là biết liền. Nếu có thì chỉ việc xin lỗi vụ bể bàn thờ rồi cúng bái cho nó thôi, còn không thì từ nay bà con làm ơn dẹp giùm tui cái vụ mê tín này đi"
"Thằng mập, thằng mập đi kìa!". Bọn con nít lại râm ran trong khi cậu mập sợ mất mật, bám dính sau lưng má. Người đàn bà khi phải bảo vệ con thì có thể nghĩ ra trăm ngàn kế, dù là kế gian, mưu độc.
"Phải là một thằng con lai", bà má ấy lớn tiếng, "Sinh thời con quỷ cái đó đã mây mưa xúm xính với bọn lính Tây, thế nên một thằng con lai chắc chắn sẽ làm nó dễ nguôi cơn giận hơn".
"Đúng đó, để thằng con lai lên đi, tụi nó cùng một giuộc mà", người đàn bà bận bà ba trắng cũng hùa theo.
Trong giờ khắc đó đôi tay em sợ hãi nắm chặt lấy tay tôi.
"Cô Hương ", ông tổ trưởng gọi tên má tôi. Má im lặng nhìn ông một hồi ra chiều suy ngẫm. Bạn đừng nghĩ rằng một ông tổ trưởng thì có thể uy hiếp được gì với má tôi, thật ra là nhiều đấy! Bạn không nên chút nào đi gây chuyện với một ông tổ trưởng, người đại diện cho nhà nước ở khu xóm của bạn, là tai mắt của chính quyền. Bạn cũng không nên cau có gì khi nhà bạn nuôi tận hai đứa con lai, chồng bạn từng là một nhà tư bản và hầu hết con cái bạn đều đi đến nhà thờ. Vào cái thời ấy, một ông tổ trưởng cũng là một mối quyền lực lớn.
"Thằng Hiền sẽ đi!". Má nắm tay em lôi ra trước mặt.
"Má!". Lần đầu tiên tôi thấy em nắm lấy vạt áo má tôi, kêu cầu một sự thương xót. Bên này là em, bên kia là thằng mập, hai hình ảnh giống nhau, hai đứa trẻ cố tìm kiếm sự bảo bọc từ má chúng và hai bà má... khác nhau. Má dứt tay em ra khỏi áo mình rồi đẩy em lên trước. Tôi bất bình lớn tiếng: "Má!".
"Mày im đi!", má tôi nạt lại rồi nhìn vào đám đông: "Tối nay thằng Hiền sẽ lên căn phòng đó và làm đúng theo những yêu cầu của ông tổ trưởng, làm - thay- cho- con- ông", má nhấn mạnh mấy chữ cuối, "Chỉ duy nhất lần này và sẽ không có lần sau!". Nói rồi mẹ rẽ đám đông bước về nhà, chúng tôi lẽo đẽo theo sau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro