14
*Bõm*
*Bõm* *Ào ào*
Tôi múc từng ca nước ấm dội lên tấm lưng trần chi chít vết thương của Thái Dung. Thằng ấy gào lên vì rát và đòi tôi phải nhẹ nhàng với nó hơn. Tôi nhìn ra phía cửa để đảm bảo là cửa đã được đóng chặt rồi mới múc đầy ca nước, đổ từ từ lên người Dung. Dòng nước nhẹ nhàng chảy xuống mấy ngón tay đang cọ rửa bả vai Dung. Khi tôi chà đến gáy nó, thằng ấy lại co rúm người lại.
"Nhột! Nhột!", nó cười cười nói.
"Quay qua đây!". Thái Dung xoay người đối mặt với tôi. Giờ đây nó gần như trần trụi trước mặt tôi, chỉ còn lại độc nhất cái quần đùi ngắn cũn.
"Ngại quá à!", Thái Dung pha trò, lấy hai tay che trước ngực.
Rốt cuộc cái tình thế bây giờ là gì đây chứ? Buồn cười cũng không được mà ngượng cũng không xong. Sao tôi với thằng ấy cứ dính vào mấy chuyện này hoài nhỉ?!
Tôi nhìn dòng nước chảy xuống xương quai xanh của Dung rồi đến ngực và xuống bụng. Nơi đó có hẳn mấy vết bầm lớn, tím đen.
"Mấy người làm chuyện này từ hồi nào?", tôi hỏi.
"Chuyện gì? Tắm chung với người khác hả?"
Tôi cau mày nhìn Dung. Cái gì nó cũng giỡn được!
"Làm con phe với anh Hai tui"
"Từ trước cả khi được ông Liễu mang về đây. Nói chung là tại cái duyên thôi. Anh Hai của Cha thì cần thằng thế mạng, còn đây thì cần tiền nên bắt tay nhau. Nhờ vậy mà mới biết đến ông Liễu rồi mới gặp được Cha"
"Vui không?"
"Vui!", Thái Dung nở nụ cười như rất hạnh phúc.
Tại sao thằng ấy luôn khiến não bộ tôi ngu muội đi chớ. Tôi cố nén nụ cười mãn nguyện, mắt tập trung vào cục xà bông trên tay. Hương thơm quen thuộc khiến tôi mạnh tay chà rửa lên người Thái Dung, từ tóc kéo xuống người. Các bạn đừng lấy làm lạ nghen, cái thời của tôi thì chỉ có lấy xà bông cục mà gội đầu thôi, như vậy là sướng lắm rồi.
"Nếu như chị Ba không cứu ra kịp thì có định khai tên anh Hai ra không?".
Tôi cố xoa xoa mái tóc cứng ngắt của Dung để tạo chút bọt. Thằng ấy hé một mắt nhìn tôi nói:
"Đoán thử xem!".
Tôi bực bội, đổ mạnh ca nước từ trên đầu Dung xuống khiến bọt xà bông chảy thẳng vào mắt thằng ấy.
"Ah... đồ ác độc, đồ tư thù cá nhân". Tôi tiếp tục đổ nước lên đầu Dung. "...đồ ỷ mạnh hiếp yếu, đồ...:".
"Có ngồi im không" - tôi gằng giọng nạt.
Ngay lập tức Thái Dung ngoan ngoãn ngồi ngay ngắn lại, mắt vẫn
không dám mở ra vì bọt xà bông còn dính đầy mặt. Tôi từ từ rửa đi đám bọt ấy.
"Mấy người biết là cha tui thế nào cũng phải cứu mấy người ra ngoài đúng không?".
Thái Dung nở nụ cười nham nhở. "Cha thấy không, nhiều khi làm người xấu mà lại sống dai. Người ta vì sợ cái sự đê tiện của mình mà phải lo cứu mình ra".
"Không sợ nhà tui sẽ giết mấy người diệt khẩu hả?".
Mắt Thái Dung trợn lên. Nó vươn hai tay ra tóm lấy mặt tôi, bóp bóp,kéo kéo, ngó nghiêng một hồi rồi nghiêm túc nói:
"Con quỷ kia, ngươi là ai, tại sao dám nhập vào người Cha Đông Anh, ta trục xuất ngươi, mau cút đi!". Thái Dung đưa tay chưởng mạnh vào trán tôi rồi cười khúc khích. Rõ là không đánh thằng ấy không được mà!
Tôi nhoài người đến, vươn tay tóm lấy mặt nó thì bị nó giữ chặt hai tay lại.
"Nói tui nghe xem, trong lúc tui và em J bị bắt thì Cha có góp sức gì để mang được tụi tui ra ngoài không?".
Tôi cứng họng. "Không!".
"Không thèm làm gì luôn hả? Mặc kệ cả em J luôn?".
"Tui... có cầu nguyện".
Thái Dung buông tay tôi ra, gật gù đồng ý:
"Phải, đó là thứ Cha có thể làm tốt nhất!".
Cảm thấy vừa bị kẻ khác khinh thường, hạ bệ, tôi hầm hầm đứng dậy đi ra ngoài.
"Nè, không bận quần áo giùm luôn hả?".
"Tự làm đi!", tôi nói vọng vào.
"Đau lắm không bận được. Nè đã cởi người ta ra rồi thì phải bận vô cho người ta chứ!".
Tôi mặc kệ mấy câu nói kỳ quặc của Thái Dung mà bỏ lên lầu.
Cuối cùng thứ mà tôi có thể làm tốt nhất chỉ là cầu nguyện thôi sao?
.
Bị đánh thức ngay giữa giấc ngủ trưa, bị ép ra đường trong cái trời nắng gắt chói chang của Sài Gòn, rồi lại phải xếp hàng chầu chực trong một dãy dài những con người xa lạ khiến tâm tình tôi đâm quạu quọ xấu
xí vô cùng. Chả là má bắt tôi ra cửa hàng mậu dịch mua đồ - một việc mà trước đây tôi chưa phải làm bao giờ. Nhưng vì sắp đến đám cưới anh Hai nên má đã huy động gần như cả nhà để xếp hàng chờ lượt, tất nhiên là trừ cha tôi ra. Em thì đã đi xếp hàng từ sớm nên cũng sắp đến lượt, còn tôi thì vẫn lút mặt trong cái hàng dài dằng dặc đầy hơi người khó chịu này. Còn Thái Dung? Nhắc mới nhớ, thằng ấy lại biến đâu mất nhưng cứ chờ xem thể nào rồi nó cũng sẽ khệ nệ mang về được thứ má cần. Dù không thích những mánh khóe lỡm đời của thằng ấy nhưng sự thật là tôi luôn tin tưởng vào khả năng thiên biến vạn hóa, muốn gì có đó của nó. Chính cái khả năng ấy phần nào khiến tôi cảm nhận được sự an toàn khi ở bên cạnh thằng ấy.
Tôi nhìn sang hàng của em và thấy em cũng đang chật vật xếp hàng như tôi. Phía sau em là một bà với gương mặt đói ăn, phía trước tôi là một ông ốm ròm. Một hàng dài những con người đang phải chầu chực, chờ đợi trong sự chán chường và ủ ê. Tất cả họ đều bị thời cuộc làm cho hao mòn và xấu xí. Giật mình tôi nhận ra tôi đang phán xét người khác, đầy ngớ ngẩn. Tôi lấy cái quyền gì để đặt mình cao hơn họ chứ trong khi tôi cũng xếp hàng chờ đợi như họ? Tôi cảm giác trong bụng mình đang cồn cào một thứ gì đó rất xấu xa. Nó đang cố ăn lấy càng nhiều phần cơ thể tôi càng tốt. Nó đang cố thỏa mãn, ve vuốt tôi bằng cách đem đến cho tôi cái cảm giác thượng đẳng của một thời ngày xưa, những ký ức loang lỗ về một cậu Út nhà ông Hai Liễu.
"Để em xếp hàng thay anh". Tôi giật mình khi nghe thấy tiếng em nói.
"Không cần đâu, em về trước đi", tôi đáp trả.
"Vậy em ngồi dưới này đợi anh nha".
Em xách cái bịch thịt heo be bé ra gốc cây ngồi chờ tôi. Gì chứ, cả buổi xếp hàng chầu chực của em tôi chỉ để đổi lấy cái bịch thịt bé tẹo ấy ư? Đó là khẩu phần ăn của cả nhà 5,6 miệng chúng tôi sao? Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao Chúa lại đẩy gia đình chúng tôi vào kiếp sống này, liệu Ngài đang muốn thử thách, chui rèn thứ gì cho chúng tôi.
Miên man một hồi rồi cũng đến lượt tôi. Đặt tờ tem phiếu lên bàn, tôi vừa tính mở miệng ra nói thì chị mậu dịch viên đã lạnh lùng đặt kịch một tấm bảng lên bàn. Tấm bảng ghi "hết hàng".
Gì chứ, sao lại có thể như vậy được, công sức của tôi cuối cùng sao lại có thể chấm dứt dễ dàng như vậy? Tôi nghệch mặt ra nhìn chị mậu dịch viên còn chị ta thì chỉ nhìn tôi bằng nữa con mắt, cái giọng the thé cất lên:
"Hết hàng rồi không thấy để bảng hả, biết đọc không?".
Cái ngữ điệu hắc dịch đó, cái gương mặt đó thật không khỏi khiến máu sân si trong người tôi trào lên. Tôi hẳn là nên chấn chỉnh chị ta lại, tôi... nên nói gì đây?
"Chị Huyền lấy cho má em ký đậu xanh" - thằng mập đập tờ tem phiếu xuống bàn, trước mặt tôi.
"Hết hàng rồi"
"Chị ơi, má em dặn lấy liền cho má em đó chị"
"Xếp hàng chờ lượt thì không bao giờ thấy mặt, suốt ngày cứ đòi lấy liền, mày ỷ nhà mày có cha là tổ trưởng chắc".
Sau câu nói đó, chị Huyền mậu dịch viên đưa cái bịch đậu xanh 1kg cho thằng mập. Điều này thiệt làm tôi quá sốc. Thằng mập thè lưỡi chọc quê tôi. Tôi như nổ tung:
"Sao chị bán cho nó mà không bán cho em, em xếp hàng chờ nãy giờ mà, sao chị thiên vị vậy, đạo đức của một mậu dịch viên đâu?". Tôi đưa tay chỉ lên tấm áp phích vẽ trên tường. Trên cái nền màu đỏ chói lóa, in đậm mấy chữ vàng
'Cân đo đong đếm đủ đầy,
tiêu chuẩn đạo đức chúng ta ghi lòng'
Chị ta trợn mắt nhìn tôi, cảm tưởng như nếu được chị ta đã lao tới bóp chết tôi rồi cũng nên.
"Chết chưa, chị Huyền lỡ chọc giận cậu Út nhà ông Hai Liễu rồi, người ta được nuôi dạy chữ nghĩa từ nhỏ nên cái gì không đúng không phải là người ta nói huỵch toẹt ra liền. Không biết có ai lỡ nghe thấy không ta?! Cậu Út thiệt là không biết điều mà!" - Thái Dung đánh bộp vào vai tôi.
Thật lạ, cứ mỗi lần tôi có chuyện thì thể nào thằng ấy cũng sẽ xuất hiện từ một chỗ nào đó, cù cưa, đâm thọt trước mặt tôi.
"Chỉ là thằng con tư bản hết thời mà bày đặt lên mặt, nè nhìn người ta đi, người ta là con nhà cán bộ nên người ta được hưởng ưu tiên là chuyện bình thường, không có gì gọi là lạm quyền hết , người ta đã cống hiến công sức cho dân cho nước chứ có phải bọn tư sản chuyên bóc lột dân chúng như cha con nhà ông Liễu. Cậu liệu mà nói năng cho đàng hoàng, mới nhỏ mà đã xấc xược"
"Nếu muốn có được thứ mình cần và dạy cho người khác một bài học thì Cha phải nói theo con" - Thái Dung thì thầm vào tai tôi.
Cơn nóng giận cuồng nộ đã giúp tôi dễ dàng chấp nhận mọi lời Dung nói mà không cần phải suy tính gì hơn. Tôi mở miệng nói theo những gì thằng ấy chỉ.
"Em muốn 2kg đậu xanh, đổi lại chị sẽ có 2 hộp sữa bột cho trẻ con, loại
ngoại nhập đó"
"Mày dám mặc cả với mậu dịch viên?"
"Em nghe nói chị mới sinh, đang thiếu sữa cho em bé bú" - tôi nghe thấy những lời mình nói ra, lạnh tanh.
"Tao sẽ tố giác mày thằng tư bản kia"
"Chị Huyền, chị biết anh rể nhà người ta là ai mà! Với lại sữa ngoại bây giờ khó kiếm lắm đó chị, mà giá chỉ bằng có 2kg đậu xanh, hời quá rồi còn gì" - Thái Dung bắt đầu giở cái giọng lỡm đời của nó.
"Nhưng thiệt là bây giờ ở đây chỉ còn lại 1kg thôi' - chị mậu dịch viên đổi giọng.
Tôi im lặng cương quyết nhìn chị ta, còn Thái Dung thì đá mắt sang chỗ thằng mập. Không mất quá lâu để suy nghĩ, chị Huyền ấy đã giật lại cái bịch đậu xanh trong tay của thằng mập rồi đưa sang chỗ tôi. Lúc này đến lượt thằng bé kia nghệch mặt ra.
"Lần sau xếp hàng đi thì mới được mua", chị mậu dịch viên nói.
"Em méc mẹ em bây giờ!", thằng mập giở giọng dọa dẫm.
"Méc đi, rồi nói bả sau này tự mà xếp hàng mua đồ, nghe chưa!"
Coi như sự việc đã ngã ngũ, phần thắng thuộc về phía tôi. Thằng mập đành ngậm ngùi, cụp đuôi tiu nghỉu đi về.
"Trời đất ơi, Đức Cha đúng là hết sảy con bà bảy luôn! Dám sửa lưng cả mấy chị mậu dịch viên hen". Tôi lườm Thái Dung. "Cảm giác ăn trên đầu trên cổ người ta vui không?", Dung tiếp tục hỏi.
Tôi vẫn giữ im lặng, cảm nhận sự khoái trá đang chạy rân khắp cơ thể. Đồng thời chính cái cảm giác này lại khiến tôi đâm lo.
"Để em xách cho!" - Em đỡ lấy bịch đậu từ tay tôi.
"Này J, nãy mày có thấy anh Đông Anh của mày ngầu đến mức nào không, khác xa một trời một vực so với Đức Cha hiền hòa mọi ngày" - Dung khoác tay qua vai tôi - "Sao nào, Cha có muốn quay lại làm cậu Út nhà ông Hai Liễu như ngày xưa không, chỉ cần chút quyền lực và mánh khóe thôi là sẽ ngầu bá cháy luôn. Nè J, mày nghĩ sao nếu thằng Đông Anh trở thành một tay xấu tánh nhiều tiền?"
"Thôi đi!" - tôi cáu gắt vứt tay Thái Dung ra. "Em với nó về trước đi, anh đi qua nhà chị Ba có chút việc", tôi nói với em rồi một bước đi thẳng.
Một gã xấu tánh nhiều tiền ư? Rốt cuộc thì Thái Dung đang muốn biến tôi thành một thứ như vậy à? Thật đúng là một con rắn độc!
.
"Lộn cổ tầng 2".
Tôi ngó lên cái bảng hiệu được viết bằng sơn trắng treo trước ô cửa sổ của một căn nhà chung cư tầng 2. Nơi đây là nơi gia đình chị Ba tôi sống, một khu dành cho các cán bộ nhà nước.
Tôi leo lên những bậc thang mòn cũ rồi đi ngang qua những ngôi nhà bốc đầy mùi hôi thối của phân heo. Thời buổi này rất nhiều gia đình tăng gia sản xuất, chăn nuôi cả heo gà ngay trong chính căn nhà bé tẹo của mình. May mà nhà tôi không tham gia vào vụ này!
Ngay căn phòng được hưởng nhiều ánh mặt Trời nhất, gương mặt
phúc hậu của chị Ba lấp ló qua mấy chấn song. Chị đang cần mẫn làm việc bên bàn máy may. Tấm bảng "Lộn cổ tầng 2" nhè nhẹ đung đưa trong gió từ khung cửa sổ sau lưng chị.
"Ủa Út, qua đây chi dạ?", chị Ba hỏi.
"Em qua lấy mấy cái áo sơ mi nè"
"Chi cực vậy, may xong chị đem qua cho"
"Em tiện đường mà!"
Tôi ngồi xuống cái bàn tiếp khách của nhà chị, trông chị vội vội vàng vàng bỏ dở công việc đang làm mà đi rót nước rồi gọt trái cây cho
tôi ăn. Đó, chị Ba tôi là vậy đó, lúc nào cũng chu đáo cho người khác cả.
"Bưởi này ngon lắm à nghen, do mấy bà dì của chồng chị đem từ dưới quê lên đó"
"Chị làm gì làm đi, kệ em, em có phải khách đâu mà phải tiếp"
"Cái thằng này!". Chị cười xòa, xoa đầu tôi rồi ngồi vào máy may làm việc tiếp.
"Hôm nay đi đâu mà rãnh rang qua đây vậy Út?"
"Tại má bắt đi xếp hàng mua đồ chớ đâu"
Chị Ba xoay ngoắc người lại ngỡ ngàng: "Trời đất, cậu Út mà cũng bị má bắt làm việc nhà hả?"
"Thằng Dung với em Hiền cũng bị lôi đi hết. Tại má muốn trữ đồ từ từ cho đám cưới của anh Hai"
Chị Ba thở dài: "Má lo cho đám cưới của ảnh dữ lắm, phải mà như hồi đó là má đãi cả trăm bàn rồi cũng nên. Mà rồi ra đó xếp hàng mua đồ có
bị gì không?"
Tôi cười khì. Có vẻ chị tôi biết rõ tôi dữ lắm.
"Tới lượt em thì bà mậu dịch viên bả kêu hết hàng làm em tức qúa em cãi tay đôi với bả luôn".
"Trời đất ơi cậu Út, cấm tuyệt đối không được gây sự với mấy chị mậu dịch viên, phiền dữ lắm chứ không phải chơi đâu. Em còn nhỏ nên chưa biết..."
"Em 19 tuổi rồi!', tôi cắt ngang lời chị.
"Rồi, không nhỏ nhưng mà em chưa ra ngoài nhiều nên không biết..."- chị Ba nhìn cái gương mặt chắc có lẽ là sưng sỉa lắm của tôi rồi dịu giọng xuống, "...mà thôi, sau này cậu Út sẽ vào tu viện rồi thành Đức cha, mấy chuyện chợ búa này cậu Út không cần biết... À phải rồi để chị đo cho cậu".
Chị vui vẻ lấy sợi thước dây đến chỗ tôi.
"Sửa cổ áo sơ mi mà cũng phải đo hả chị?"
"Không, mấy cái cổ áo chị lộn hết rồi, cái này đo là để may đồ mới cho em ăn cưới anh Hai. Để chị may đồ cho khách rồi ráng ráng canh sao may cho cậu Út bộ đồ mới nghen"
"Không cần đâu chị!"
"Gì mà không, đám cưới anh Hai thì cũng phải bận được cái quần cái áo mới chớ, dù gì cũng là con cái nhà ông Hai Liễu mà!"
"Chị nói chuyện giống y chang má hà".
Chị Ba bỏ lơ câu nói của tôi, vẫn chăm chú vào việc đo đếm. Chị căng sợi thước dây trên bờ vai to rộng của tôi mà cảm thán:
"Lớn tồng ngồng rồi, bờ vai này mà được bận vest của tiệm Cao Minh nữa là hết sảy".
Cao Minh chính là tiệm may vest nam nổi tiếng của Sài Gòn, cũng là chỗ nhà may mà cha tôi ưng nhất lúc còn là ông chủ lớn.
"Nãy giờ chị toàn nhắc đến chuyện ngày xưa không hen"
"Trời, ai mà hổng thích kể chuyện hồi xưa tươi đẹp chớ em"
"Chị của hồi xưa và bây giờ ai tươi hơn chứ em thấy giống y chang hà"
"Khác chớ em. Hồi xưa chị là con gái nhà giàu, có quyền, có tiền, bây giờ chị chỉ là vợ của một ông bí thư, có tiếng mà không có miếng", mắt chị
buồn buồn tránh nhìn tôi.
"Anh Ba hổng thương chị nữa hả?"
"Có đâu! Ảnh thì trước giờ vẫn vậy, ở nhà cũng biết chăm sóc nhà cửa chớ bộ, có điều chắc chân cẳng quen đi nên đi miết hà"
"Mỗi lần má chửi chị Tư lúc nào má cũng nói nhờ chị Ba ở hiền nên gặp may lấy được anh Ba, còn chị Tư thì suốt đời cũng không có ai rước"
Chị tôi cười to: "Trời đất, má nói vậy hèn chi mấy lần chị qua con Tư nó cứ liếc chị hoài"
"Bả thì ai mà chả liếc"
"Bậy, Tư thấy nó ngang ngang vậy thôi chớ chơi nghĩa khí lắm nghen.
Hồi xưa, chị khoái cái tính ngang ngược của nó lắm, mà có bao giờ dám sống được như nó đâu"
"Chị mà sống như bả thì giờ cũng ế rồi, lấy đâu ra anh Ba để mà dựa dẫm như bây giờ"
"Mỗi người mỗi số em ơi, chớ chị thấy số con Tư là số làm chuyện lớn
đó, biết đâu sau này nhà mình lại nhờ cả vào con Tư".
Tôi biểu môi khinh khi. Tôi không tin một kẻ ích kỷ và xấu tính như chị Tư lại có thể làm được cái gì lớn lao.
"Vậy còn số em là số gì, từ nhỏ tới giờ toàn thấy ăn bám không à!", tôi đùa cợt hỏi.
"Sao tự nhiên vậy?! Cậu Út là con vàng con bạc của cha má, sau này sẽ thành nhà truyền giáo lớn. Bà nội tính cho cậu Út hết rồi chớ bộ"
"Rủi lỡ sau này nhà mình có chuyện gì thì thằng như em đâu lo được cái chi".
"Có chuyện thì để anh Hai với chị Ba lo, bà nội đã nói nhiệm vụ của cậu Út là lo phần linh hồn cho cả dòng họ, nhiệm vụ cao cả như vậy cậu còn hoài nghi cái chi?!"
Sao chứ, lo lắng phần linh hồn ư? Tôi thấy bây giờ thứ mà gia đình chúng tôi đang phải lo trước mắt là miếng ăn, cái mặt và đám cưới của anh Hai kìa, còn cái phần hồn xa lắc xa lơ, hẳn phải đợi đến lúc họ hấp hối thì tôi mới chăm lo được sao?!
*Lộn cổ tầng 2: cách viết của những bảng hiệu dịch vụ ngành may thời bao cấp. Lộn cổ sơmi là chiếc áo sẽ được tháo phần cổ, may lại sau khi đảo phần vải sờn rách vào phía trong, như vậy áo lại có phần cổ áo gần như mới (theo Thương nhớ thời bao cấp, nxb Nhã Nam)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro