Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1

"Chăm sóc nó cho kĩ nhé! Bà nhờ cả vào cháu."

Đó là lời cuối cùng bà chủ nói với tôi trước khi qua đời. Một tang lễ nhỏ được tổ chức sau đó một ngày. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người ấy. Anh ta có vẻ đau đớn và khóc hết nước mắt cho người bà quá cố của mình. Anh ta ngã vào tay của một người bạn, sụt sùi khóc như một đứa trẻ. Và tôi sẽ phải làm quản gia cho một kẻ yếu đuối như thế sao?

Tôi đi về ngay sau tang lễ, tôi không chịu nổi khi mọi người cứ đi qua tôi và nói những lời an ủi vô ích. Phòng của bà vẫn thế, không thay đổi gì cả. Cái áo ngủ vẫn treo trên móc, đèn ngủ để đầu giường vẫn chưa tắt, đôi dép bông vẫn nằm dưới sàn như đang chờ chủ của nó trở về. Nhưng bà không còn nữa. Căn phòng này, ngôi nhà này bỗng trở nên thật trống rỗng.

Bố tôi từng là lái xe riêng của ông chủ. Sau khi ông chủ mất, bố bị ngã cầu thang, chấn thương cột sống, không làm việc được nữa. Bà thấy tôi không có mẹ, bố lại không làm việc được nên thương tôi, nhận tôi về làm việc cho bà từ khi tôi 10 tuổi. Thế mà cũng đã được 12 năm rồi. Trong suốt 12 năm, tôi như cái bóng đằng sau bà, bà đi đâu, tôi đi đó. Trên danh nghĩa, công việc của tôi là đi theo chăm sóc bà, phục vụ bà, nhưng tôi lại cảm thấy bà mới là người chăm sóc tôi. Ngoài bố tôi ra, bà là người thương tôi nhất trên đời này.

"Hoàng Anh?" Có người gọi tên tôi, tôi lập tức quay lại.

Anh ta đứng đó, đôi mắt đỏ hoe vì khóc quá nhiều, tiến lại gần tôi, cố nặn ra một nụ cười:

"Tôi là Duy Khánh...à...tôi đoán là cậu sẽ làm việc cho tôi bắt đầu từ ngày mai."

Dù sao cũng đã 12 năm làm công việc này, có những thứ tôi không thể không để ý. Ví dụ như bây giờ, chiếc cà vạt đen trên cổ người đó bị lệch, dây trên giày đã bị tuột và trên cổ tay áo anh ta vẫn còn dấu nước mắt. Cũng không thể trách được, đôi mắt nâu sáng, to tròn, vốn mang vẻ lanh lợi kia vẫn còn ngân ngấn nước. Thừa hưởng nét đẹp của bà, Duy Khánh sở hữu một vầng trán cao, sáng lạn, mặc dù đang bị mái tóc rối bời kia che khuất một phần. Chiếc mũi thẳng tắp, ngự trên đôi môi đầy đặn, ánh hồng kia cũng đang đỏ lên vì khóc. Nhưng có lẽ được thừa hưởng chiều cao từ ông chủ, mà Duy Khánh khá cao lớn. Mặc dù bản thân tôi cũng cao 1 mét 70, nhưng tôi chỉ đứng đến cổ người đó.

Anh ta gọi tôi là "cậu". Không có gì đáng ngạc nhiên, dù sao tôi cũng không có bộ ngực của một siêu mẫu và tôi đang mặc một bộ vest đen của đàn ông. Không phải là tôi không muốn mặc như một đứa con gái, chỉ là quần áo của đàn ông thực ra thoải mái và dễ vận động hơn. Thêm nữa, đôi gò má cao và khuôn mặt gầy guộc, cộng với mái tóc được cắt ngắn gọn gàng của tôi cũng không mang lại vẻ nữ tính. Bà từng nói mặc dù tôi có một đôi mắt tròn, nhưng không hiểu sao chúng luôn mang nét buồn phiền, suy tư, nên luôn khuyên rằng tôi phải cười nhiều hơn. Nhưng người không còn nữa, cười vào lúc này đối với tôi là không thể. Với lại, tôi quen với cách ăn mặc dễ gây hiểu lầm này rồi. Tôi nhìn Duy Khánh, gật đầu:

"Tôi biết anh là ai. Mai tôi sẽ chuyển đến căn biệt thự."

Duy Khánh gật đầu một cách lúng túng rồi định rời đi, nhưng như thể nhớ ra điều gì đó, anh ta quay lại:

"Cậu bao nhiêu tuổi?"

"22."

"Tôi cũng đoán khoảng đấy. Tôi 28, cậu phải xưng em với tôi mới phải."

"Tôi không thích." Tôi đáp.

Nghe xong câu trả lời của tôi, Duy Khánh khựng lại một lúc như thể đang đánh giá điều gì đó, rồi anh ta nói:

"Cậu...có sợ tôi không?"

"Tôi phải sợ? Sao lại hỏi như thế?"

"Không có gì. Cậu có vẻ như chẳng sợ cái gì hết." Anh ta cười với tôi rồi đi ra ngoài.

Cuối cùng anh ta muốn cái gì? Tại sao lại hỏi tôi có sợ anh ta không? Và tôi sẽ phải làm việc cho một kẻ hay hỏi những điều vớ vẩn như thế sao? Tôi thở dài rồi bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ lại phòng của bà chủ. Tiếng động cơ ở ngoài kia nói với tôi rằng khách viếng đang bắt đầu rời đi. Họ phần lớn là nhân viên, những người quan trọng trong khách sạn, đối tác làm ăn...Bà chủ có rất ít bạn bè hay họ hàng thân thích. Người thân duy nhất của bà, sau khi ông chủ qua đời, chỉ có con trai, con dâu và cháu trai Duy Khánh. Bắt đầu từ ngày mai, ông bà chủ mới, con trai và con dâu của bà, sẽ dọn về đây sống, còn tôi sẽ đến ở với Duy Khánh và chăm sóc anh ta, đó là điều bà chủ muốn tôi làm.

Bố mẹ của Duy Khánh là những người tốt. Họ nói họ muốn chuyển về sống ở nơi mẹ họ đã sống để có cảm giác bà chưa thực sự đã rời xa họ. Họ nói họ rất hối hận vì đã không thể dành nhiều thời gian ở bên bà. Cũng không trách họ được, bố của Duy Khánh là chủ tịch của một chuỗi khách sạn rải rác khắp nơi trên cả nước. Họ có một chi nhánh ở Mỹ, một chi nhánh ở Thái Lan. Đó là lí do tại sao tôi đã ở Mỹ với bà trong 5 năm, sau đó chúng tôi ở Thái Lan một năm, cuối cùng bà nói:

"Không ở đâu tốt bằng ở nhà."

Và chúng tôi trở về nhà. Nhưng ngày mai, tôi sẽ chuyển sang một ngôi nhà mới. Nơi đó không có bà. Tôi sẽ phải làm sao đây? Nếu tôi làm sai chuyện gì đó và không có ai để chỉ bảo cho tôi? Nếu tôi làm sai chuyện gì đó và không có ai để tha thứ cho tôi? Tôi sợ, thật sự rất sợ. Hơn nữa, với một ông chủ phiền phức thế kia, tôi sợ tôi không thể hoàn thành nguyện vọng cuối cùng của bà.

Đúng 8 giờ sáng, tôi đặt bước chân đầu tiên lên bậc thềm của căn biệt thự. Tôi được bác Tiến, quản gia của căn biệt thự dẫn đi thăm quan một vòng. Đó là một căn biệt thự màu xanh da trời, 2 tầng nhưng cực kì rộng. Ở chính giữa tầng 1 có một cầu thang lớn chia làm 2 ngả dẫn lên tầng 2. Bên phải của cầu thang là phòng khách với một bộ ghế nệm lớn màu kem, một cái ti vi màn hình phẳng 85 inch và một tủ rượu bằng gỗ dựng sát tường. Ngay dưới chân cầu thang có một phòng vệ sinh nhỏ. Bên trái của cầu thang là phòng ăn với nhiều bức họa quí giá treo trên tường, trong phòng có một cái lò sưởi bằng gạch và một bộ bàn ghế bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo. Bên góc trái của phòng ăn là một cánh cửa nhỏ dẫn ra bếp, người làm trong nhà ăn cơm ở đây, và ở bên góc trái của phòng bếp là một cánh cửa nhỏ dẫn ra hành lang phòng ở của người giúp việc. Cuối hành lang này có một cầu thang nhỏ dẫn lên tầng hai và một cánh cửa nhỏ dẫn ra bên ngoài.

Tầng hai của ngôi nhà gồm có phòng làm việc, nằm ở cuối hành lang bên trái. Nói là phòng làm việc nhưng căn phòng này lớn và nhiều sách không khác gì một cái thư viện. Đây là căn phòng tôi thích nhất trong cả ngôi nhà. Ngay bên phải của căn phòng là một cái kho nhỏ, nó nằm giữa phòng làm việc và cái cầu thang bé dẫn xuống hành lang khu phòng của người giúp việc. Tiếp đến là phòng của Duy Khánh, bên trong phòng có một phòng tắm riêng và một phòng để quần áo riêng. Tiếp theo là một phòng ngủ dành cho khách, căn phòng này cũng có sẵn một phòng tắm riêng ở bên trong. Và cuối cùng là phòng tập thể dục của Duy Khánh, căn phòng duy nhất có một bên tường làm toàn bằng kính nhìn ra phía bên ngoài, và một bên tường lát toàn gương, dành cho việc gì thì có trời mới biết. Ngay bên trái của căn biệt thự là một nhà để xe lớn. Bên trong chứa 3 chiếc xe hơi, một chiếc mô tô và hai cái xe đạp đua. Phần trống của nhà để xe là dành cho khách vào những hôm Duy Khánh tổ chức tiệc tùng tại gia. Đằng sau ngôi nhà là một bể bơi lớn, một vườn hoa rộng rãi với một chiếc xích đu được sơn màu trắng, một bộ bàn ghế gỗ để ngoài trời và một cái bếp nướng bằng gas. Bể bơi thường được rút hết nước và che lại bằng vải bạt vào mùa đông.

Khu của người giúp việc có ba phòng ngủ và một phòng tắm. Bác Tiến ở với vợ là bác Ngà, phụ trách việc làm bếp và bài trí phòng ăn, trong một phòng ở ngay đầu hành lang. Phòng tiếp theo là của 3 chị giúp việc, phụ trách lau dọn hàng ngày của cả ngôi biệt thự, bao gồm cả giặt, phơi, là ủi quần áo, chăn chiếu, rèm cửa, tưới cây, làm vườn. Căn phòng nhỏ nhất trong hành lang này không có người ở nên bác Tiến quyết định dọn cái kho ở trên tầng 2 xuống, để cái phòng bên cạnh thư viện làm phòng ngủ cho tôi. Vì tôi là quản gia riêng của Duy Khánh nên tôi cần ở gần anh ta hơn, bất cứ khi nào anh ta cần, tôi đều có mặt kịp thời.

Công việc của bác Tiến là phụ trách toàn bộ ngôi biệt thự, từ sân vườn cho đến phòng tắm. Còn công việc của tôi là phụ trách tất cả mọi thứ trong cuộc sống thường ngày của Duy Khánh. Từ việc đánh thức, mang bữa sáng lên phòng, sắp xếp, chuẩn bị quần áo cho anh ta đi làm, đến việc lái xe, đảm bảo anh ta làm đúng theo lịch làm việc, lên lịch khám bác sĩ, chuẩn bị vé máy bay, đồ đạc khi anh ta đi xa... Chưa kể đến việc tôi phải tháp tùng anh ta mọi lúc mọi nơi. Nói chung, công việc của tôi là khiến cho cuộc sống của Duy Khánh dễ dàng hơn.

Hôm nay tôi mới dọn đến, chưa phải làm việc. Tôi sẽ bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng như tất cả mọi người trong nhà, nhưng lại nghỉ lúc Duy Khánh lên giường đi ngủ trong khi những người khác được nghỉ ngay sau bữa tối. Hôm nay cũng là ngày làm việc cuối cùng của anh Sơn, quản gia hiện tại của Duy Khánh. Từ mai anh ấy sẽ sang nhà bên kia để làm việc cho ông bà chủ. Đúng 12 giờ 30 trưa, sau khi gặp tất cả mọi người, không ngạc nhiên khi tất cả bọn họ đều nghĩ tôi là con trai, và có một bữa ăn ngon lành trong bếp, tôi mới đặt bước chân đầu tiên vào phòng ngủ mới của mình. Căn phòng khá nhỏ nhưng vẫn để vừa một giường đơn, một cái tủ quần áo và một cái bàn làm việc. Phòng của tôi có một cái cửa sổ có thể nhìn ra sân trước của căn biệt thự. Tôi dỡ hành lí, xếp quần áo vào trong tủ, xếp sách của mình lên bàn làm việc và ngồi xuống, làm công việc đầu tiên của một quản gia: học thuộc. Tôi dành thời gian còn lại của buổi chiều để học thuộc ngôi nhà, lí lịch của Duy Khánh và lịch làm việc chung của anh ta trong một ngày.

Mọi người giúp việc trong nhà vẫn gọi Duy Khánh là "cậu Khánh", nhưng tôi quyết định sẽ gọi anh ta là "Giám đốc" như anh Sơn vẫn gọi, dù sao thì tôi cũng phải tháp tùng anh ta đến công ty mà.

6 giờ chiều, Duy Khánh về đến nhà. Không tuềnh toàng như hôm trước, hôm nay, Duy Khánh trông rất lịch sự với bộ âu phục màu xanh lam, chiếc cà vạt ngay ngắn dưới cổ áo và đôi giày đã được thắt dây cẩn thận. Mái tóc bừa bộn hôm trước cũng đã được chải chuốt gọn gàng, để lộ khuôn mặt góc cạnh nhưng lanh lợi và tràn đầy năng lượng. Vừa nhìn thấy tôi, đôi môi hồng đã cười tươi rói:

"A, Hoàng Anh! Sáng nay tôi đi vội quá chưa kịp nói với cậu câu nào. Đã gặp hết mọi người trong nhà chưa?"

Tôi nắm lấy bàn tay đang chìa ra của Duy Khánh, lắc nhẹ, trả lời:

"Gặp hết rồi ạ."

Anh ta bỗng nắm chặt tay tôi rồi mân mê nó một cách tò mò:

"Tay cậu mềm thật đấy, cứ như không có xương vậy."

Tôi mỉm cười, rút tay lại:

"Cảm ơn, Giám đốc!" Anh ta lạ thật! Chẳng lẽ lúc bắt tay ai anh ta cũng phải mân mê nó để xem tay người ta có mềm hay không à? Tôi nói. "Tôi đã chuẩn bị đồ trong phòng tắm cho Giám đốc rồi ạ."

Anh ta liền đi qua tôi, nháy mắt:

"Cám ơn nhé!"

Trong khi Duy Khánh đi tắm, tôi vào bếp ăn bữa tối của mình. Khả năng nấu nướng của bác Ngà đúng là tuyệt đỉnh, đến khách sạn 5 sao cũng phải thua. Khi tôi ăn xong cũng là lúc Duy Khánh từ trên tầng 2 bước xuống. Bộ âu phục đã được thay thế bằng bộ đồ ngủ kẻ ca rô tôi chuẩn bị sẵn, mái tóc đen nhánh vẫn còn ướt nhẹp, che phủ vầng trán anh ta. Tôi bê đồ ăn ra rồi đứng bên cạnh phục vụ với bình nước cam và chai rượu vang bên cạnh. Ăn được 2 miếng, Duy Khánh bỗng quay sang tôi:

"Ngồi xuống đây ăn với tôi được không?"

Tôi hơi ngập ngừng:

"Tôi ăn rồi, thưa Giám đốc."

"Thế thì ngồi nói chuyện với tôi được không? Tôi ăn một mình thấy hơi buồn."

Dù thấy lạ, nhưng tôi vẫn miễn cưỡng ngồi xuống bên cạnh Duy Khánh. Anh ta vừa ăn, vừa nhìn tôi một cách kì lạ làm tôi tự hỏi có phải vụn bánh vừa nãy vẫn còn dính trên miệng tôi hay không. Nhưng tôi chưa kịp kiểm tra thì Duy Khánh đã lên tiếng:

"Cậu đã ở bên bà tôi 12 năm rồi đúng không?"

"Vâng, thưa Giám đốc."

"Thế mà tôi lại chưa bao giờ nghe gì về cậu. Mỗi lần tôi đến thăm bà, tôi chỉ nhìn thấy cậu đứng ở đằng sau, bà cũng chưa bao giờ kể chuyện gì của cậu với tôi, thế mà cuối cùng bà lại nhờ cậu chăm sóc tôi. Lạ thật đấy!"

Tôi trả lời:

"Vâng, lạ thật!"

"Cậu cũng không biết tại sao à?"

"Không, thưa Giám đốc."

"Bà không nói với cậu chuyện gì về tôi sao?" Duy Khánh tiếp tục hỏi.

"Có, thưa Giám đốc."

Mắt anh ta liền sáng lên:

"Bà nói gì thế?"

Tôi nhìn màu nâu nhạt trong đôi mắt đó, trả lời:

"Rằng Giám đốc có đôi mắt của ông chủ quá cố."

Đôi mắt nâu nhạt chớp chớp, chờ đợi. Tôi đành miễn cưỡng nói thêm:

"Và rằng Giám đốc rất đẹp trai."

"Chỉ có thế thôi à?" Duy Khánh hỏi một cách cụt hứng.

"Vâng, thưa Giám đốc."

Im lặng một lúc. Duy Khánh vẫn tiếp tục nhìn tôi bằng con mắt kì lạ kia, cứ như thể anh ta đang cố nhìn xuyên qua da đầu tôi xem trong hộp sọ tôi chứa cái gì. Anh ta lại hỏi:

"Cậu...có ghét tôi không?"

"Không, thưa Giám đốc."

"Thích?"

"Cũng không hẳn, thưa Giám đốc."

"Thế thì tại sao cậu lại làm việc cho tôi?" Lại một câu hỏi ngớ ngẩn nữa.

Tôi hơi ngập ngừng:

"Bởi vì..."

Anh ta liền cướp lời tôi:

"Bởi vì đó là ý nguyện của bà, tôi biết rồi. Không có lí do nào khác sao?"

Cái con người ngớ ngẩn này làm tôi điên lên mất. Dù sao cái anh ta muốn cũng chỉ là một lí do để tôi làm việc cho anh ta, thôi thì cứ cho anh ta một lí do ngớ ngẩn để đỡ phiền phức vậy.

"Bởi vì...anh đẹp trai, thưa Giám đốc." Tôi đáp ngay lập tức, mặt lạnh tanh.

Vừa nghe thấy câu trả lời của tôi, Duy Khánh liền phá ra cười ngặt nghẽo. Cuối cùng, anh ta hãm tiếng cười lại, uống một ngụm nước cam và nói:

"Lí do đó hoàn toàn chính đáng. Tôi thích cậu đấy!"

"Cảm ơn, Giám đốc." Tôi khẽ thở phào trong đầu.

Có gì đó trong lời nói của tôi khiến anh ta khựng lại. Duy Khánh lại giương đôi mắt nhạt màu lên nhìn tôi. Suy nghĩ một hồi, anh ta chợt đề xuất:

"Đừng có gọi tôi là Giám đốc nữa! Nghe xa lạ quá. Dù sao cậu cũng nhỏ tuổi hơn tôi, gọi tôi là anh, xưng em đi!"

Không nghĩ nhiều, tôi trả lời:

"Tôi không thích, thưa Giám đốc."

"Ừ, lần trước cậu cũng nói với tôi như thế." Duy Khánh nhún vai.

Lại im lặng. Nhưng lần này anh ta không nhìn tôi nữa, anh ta vừa ăn, vừa mỉm cười một mình. Chỉ những người đầu óc có vấn đề mới mỉm cười một mình, không có lí do như thế. Như thể vừa nhớ ra điều gì, anh ta lại hỏi:

"Cậu có điện thoại di động không?"

Suốt 12 năm tôi đi theo bà, lúc nào cũng ở bên cạnh, phục vụ bà nên tôi hầu như không có bạn vì thế tôi chẳng cần điện thoại làm gì. Nhiều lúc nhớ bố thì gọi điện cho bố bằng điện thoại bàn chứ tôi chưa bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại di động. Tôi liền lắc đầu:

"Không có, thưa Giám đốc."

"Thế thì dùng điện thoại cũ của tôi đi. Tôi mới đổi điện thoại, đổi luôn cả số nên chưa vứt máy với số cũ đi. Cậu lấy máy đấy dùng tạm nhé!"

"À...cảm ơn Giám đốc!" Ngày đầu tiên làm việc và anh ta cho tôi một cái điện thoại di động? Đúng là hoang phí quá!

Sau bữa ăn, Duy Khánh bảo tôi lên phòng cũng anh ta. Duy Khánh lục trong tủ một chiếc điện thoại cảm ứng mới cứng, đưa cho tôi:

"Này, cầm lấy!"

Chiếc điện thoại ấy có một màn hình lớn, không có một nút bấm nào trên mặt điện thoại, lớp sơn trắng vẫn hoàn hảo, không một vết trầy xước ở bất cứ đâu. Đây mà gọi là máy cũ á? Hoặc là anh ta dùng máy rất cẩn thận, hoặc là anh ta mới dùng được 1 tuần thấy chán nên vứt cho tôi. Tôi nghĩ, với Duy Khánh thì chỉ có trường hợp thứ hai mà thôi. Thấy tôi cứ ngắm nghía cái điện thoại, mãi không chịu bật lên, Duy Khánh liền bước tới, lấy cái điện thoại từ tay tôi:

"Không biết dùng đúng không? Tôi chỉ cho!" Anh ta xoay cái điện thoại lại, chỉ vào một nút nhỏ nằm bên hông. "Muốn bật lên thì chỉ cần giữ nút này một lúc, còn nút này," Anh ta chỉ vào một nút dài ở dưới, "Dùng để chỉnh âm lượng. Muốn bật to thì ấn phía trên, bật nhỏ thì ấn phía dưới. Điện thoại này gọi được, nhắn tin được, lên mạng được, cậu còn xem được cả ti vi, đọc sách, chơi điện tử nữa đấy."

Tôi cũng không đến mức dốt đặc, không biết điện thoại di động trông như thế nào. Nhưng vì đó là chủ, nên tôi chỉ đứng im lặng, giả vờ chú tâm lắng nghe. Duy Khánh vẫn hào hứng tiếp tục hướng dẫn tôi sử dụng chiếc điện thoại:

"Cậu đừng để sạc qua đêm, chai pin nhanh lắm. Cũng đừng vừa sạc điện, vừa dùng, chai pin còn nhanh hơn. Sạc khoảng 1 đến 2 tiếng thôi. Máy này pin khỏe lắm! Tôi cũng cài mấy trò chơi vào cho cậu rồi đấy. Cả hình nền, nhạc chuông nữa này."

Hình nền anh ta cái cho tôi là một cô gái da trắng để ngực trần. Đúng là đồ bệnh hoạn! Anh ta nghĩ ai cũng đen tối như mình chắc?

"Tôi...có thể đổi cái hình đó được không, Giám đốc?"

Duy Khánh nhìn tôi, đôi mắt nâu sáng chớp chớp:

"Cậu không thích hình con gái à? Xinh thế này mà lại không thích à?"

"Nó có hơi...không đàng hoàng cho lắm."

"Thế thì để hình tôi đi!" Anh ta vừa nói, vừa đưa cái máy ra xa, cười thật tươi rồi chụp liên tiếp khoảng 10 cái ảnh, kéo cả tôi vào chụp chung mặc dù sau đó xóa hết những cái có mặt tôi vì tôi không thèm cười trong bất cứ bức hình nào. Cứ nhìn cái cách anh ta tự chụp ảnh, có ai nghĩ người đàn ông kia 28 tuổi không? Trông anh ta giống một cậu bé 8 tuổi hơn là 28. Cài hình nền xong, Duy Khánh liền dúi cái điện thoại vào tay tôi:

"Của cậu đây!"

Lạ thật, đây là lần đầu tiên tôi nhận được một món quà. Bố tôi, vì xa quá nên không bao giờ gửi cho tôi một món quà nào, kể cả vào ngày sinh nhật. Bà cũng không bao giờ tặng quà cho tôi. Vào ngày sinh nhật tôi, bà làm cho tôi một cái bánh kem lớn và một bữa tiệc thật ngon. Đối với tôi, thế là đủ. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được người khác cho một thứ gì đó, không phải đồ ăn. Cảm giác thật khó tả, nó lâng lâng và không hiểu sao, khóe miệng tôi rất muốn mỉm cười, nhưng tôi không cho nó làm điều đó. Hơn hết, tôi cảm thấy ngạc nhiên. Ngay khi anh ta nói muốn cho tôi một chiếc điện thoại, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên. Nhưng ngay lập tức, tôi cảm thấy mình thật không xứng đáng có được nó. Chỉ có điều anh ta đã dúi vào tay tôi rồi, tôi có thể làm gì đây? Vẫn chưa hết ngạc nhiên, tôi lúng túng trả lời:

"Cảm...cảm ơn Giám đốc."

"Trong đó có số điện thoại của tôi rồi đấy. Có gì tôi sẽ nhắn tin cho cậu, cậu không phải kè kè đi theo tôi chờ chỉ thị nữa. Về phòng đi!"

Anh ta đưa sạc pin và tai nghe của chiếc điện thoại cho tôi rồi đẩy tôi ra cửa. Tôi trở về phòng mình, mân mê chiếc điện thoại một hồi lâu. Đây là chiếc điện thoại di động đầu tiên của tôi. Nó thật kì diệu! Cảm giác có một chiếc điện thoại di động thật kì diệu. Tất cả chỉ gói gọn trong lòng bàn tay và không cần nút bấm. Tôi rất muốn gọi điện cho ai đó để được sử dụng chiếc điện thoại này. Hay là gọi điện thoại cho bố nhỉ? Nhưng giờ này chắc là bố đang chơi bài với mấy ông hàng xóm, chẳng có thời gian nghe điện thoại của tôi đâu. Tôi bật hết trò chơi này đến trò chơi khác, vào cả phần cài đặt của máy mặc dù chẳng thay đổi cái gì. Tôi ngồi trên bàn, nghiêm túc khám phá cái máy điện thoại mới của mình. Đúng 10 giờ đêm, có một tin nhắn của Duy Khánh gửi đến:

"Nghịch xong điện thoại chưa?"

Tôi dò từng chữ một trên cái bàn phím cảm ứng, chậm chạp đánh chữ:

"Rồi ạ." Rồi ấn gửi.

Đúng 3 giây sau, có tin nhắn đến:

"Thế thì đi lấy trà sữa với bánh lên đây cho tôi." Sao anh ta ấn chữ nhanh thế nhỉ?

Tôi lại chậm chạp trả lời:

"Vâng, thưa Giám đốc." Ấn gửi, rồi ngay lập tức chạy xuống bếp lấy trà và bánh mang lên.

Khi tôi bước vào, Duy Khánh đang ngồi trên ghế nệm đọc truyện tranh. Vừa nghe thấy tiếng tôi, anh ta liền ngẩng lên, mỉm cười:

"Dùng điện thoại vui chứ?"

Nhắc đến chiếc điện thoại, tôi lại thấy phấn chấn hẳn lên. Tôi không dừng lại được, vô thức mỉm cười:

"Vâng, vui lắm ạ!"

Nhìn thấy nụ cười của tôi, Duy Khánh nở một nụ cười tươi rói:

"Tôi biết ngay mà!"

11 giờ đêm, khi đèn trong phòng Duy Khánh vừa tắt, tôi liền nhận được một tin nhắn:

"Tôi đi ngủ đây. Cậu ngủ ngon nhé. <3"

Tôi chậm chạp, phấn chấn bấm bàn phím, trả lời:

"Giám đốc ngủ ngon."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro