Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 4

13.

Hôm sau dì Duean thức dậy, bà nhớ rõ những việc xảy ra vào đêm hôm trước. Bà áy náy nói tôi đừng sợ, bà nói bà sẽ không làm tôi bị thương.

Khi bà nói những lời này, cực kỳ giống dáng vẻ dè dặt khi đó của Kosol.

Mũi tôi cay sè, nhưng trong lòng tôi, Kosol không phải đồ ngốc, dì Duean cũng không phải bà điên, họ chỉ đang trải qua nỗi đau mà người khác không hiểu được.

Tôi nói "Dì nhảy rất đẹp, dì có thể dạy con không?"

Mắt bà đỏ hoe, rồi lau khóe mắt, gật đầu nói được.

Thế là dưới tán cây quế giờ đây có hai chiếc bóng, một lớn một nhỏ, không còn đơn độc.

Chỉ có điều ông trời không mở cửa sổ cho thiên phú hội họa của tôi, cũng không mở cánh cửa tài năng khiêu vũ cho tôi. Tôi không biết nhảy, dì không chê phiền mà dạy tôi hết lần này đến lần khác, cho tới khi tôi có thể nhảy thuần thục.

Dì nói, năm đó dì với bố Namtan quen nhau từ điệu nhảy này, ông thích xem bà nhảy múa nhất.

Vì bà thích hoa quế nên khi còn sống, ông cũng yêu nhất hoa quế.

Bây giờ ông mất rồi thì không thích nữa.

Giọng bình thản.

Sự lạc quan đối lập cân xứng với bi quan, một cái giải phóng vào ban ngày, một cái bị khóa trong đêm tối.

...

Thị trấn nhỏ này có chuyện gì thì gần như không che giấu được.

Những lời đồn đại đáng sợ.

Vì thế lúc dì đi chợ mua thức ăn, tôi nhất quyết đi theo.

Thị trấn nhỏ có hai chợ bán thức ăn, nhà tôi ở đầu trấn tây, đi chợ phía tây, còn nhà chị Namtan ở đầu trấn đông, đi chợ phía đông. Thị trấn lớn thì không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ, nhưng gần như tôi chưa bao giờ đi đến chợ phía đông.

Chợ đông lớn hơn chợ tây, đông đúc ồn ào hơn.

Ở lối vào là một người đàn ông trung niên, chiếc xe đạp xà ngang để trước mặt, hai bên xe treo hai túi to, phía trước gắn cái loa tróc sơn:

"Mua tóc đê, mua tóc dài, tóc bím, mua giá cao đê..."

Ông ta thấy tôi thì mắt sáng lên, níu tay tôi hỏi: "Cô bé, bán tóc không?"

Mẹ nói để tóc dài hút chất dinh dưỡng nên từ nhỏ tôi đã luôn để tóc ngắn mẹ cắt nham nhở như chó gặm, giống thằng con trai. Nhưng tôi rất thích tóc dài nên từ khi mẹ mất thì tôi không cắt tóc nữa.

Bốn năm qua, vóc dáng không lớn được bao nhiêu nhưng tóc thì rất dài, dài xuống tận eo.

Ông ta bất ngờ kéo tay làm tôi giật cả mình. Dì che trước người tôi theo bản năng, xua xua tay với ông ta, "Tóc con gái tôi không bán." Nói rồi muốn kéo tôi đi.

Người đàn ông trung niên vội ngăn lại, "Ôi ôi ôi, mua cao giá lắm! 200 được chưa?"

"300! 300 là được rồi chứ?"

Dì không hề nghĩ ngợi, cau mày "Bao nhiêu cũng không bán, ông đừng có bày trò với con gái ngoan nhà người ta."

"Cao lắm rồi! Người khác không mua với cái giá này đâu!"

Bất giác người xung quanh bu lại một vòng xem náo nhiệt.

"Ồ, đây không phải là bà góa điên trong ngõ nhỏ kia sao? Có thêm con gái từ bao giờ thế?

"Chồng bà ta chết sớm, có lẽ không chịu nổi cô đơn ha ha ha ha."

"Nghe nói chồng bả đã không cần bả lâu rồi, nói không chừng có vợ ba vợ bốn bên ngoài."

"Con bé bên cạnh nhìn quen quen, phải con gái lão lưu manh Anuthit không, mẹ nó nghĩ không thông mà tự sát đó?"

"Uầy, bà nói đúng rồi này."

"Hai kẻ đáng thương tụ lại một chỗ."

"300 còn chê ít, thấy tốt thì nhận đi! Tham lam quá không hay đâu!"

"Suỵt, mấy người đừng nói nữa, cẩn thận nhỏ côn đồ kia."

Ban đầu chỉ có một con chó sủa, rồi hai con, sau đó là một bầy chó, nhưng chúng không biết vì sao mà sủa. Đám người vô tích sự vây kín như bức tường không kẽ hở, bọn họ giương nanh múa vuốt, xưa nay chưa từng quen biết nhưng mở miệng là bôi nhọ mắng chửi, dăm ba câu đã dễ dàng định nghĩa một người.

Dì Duean mím chặt môi, bàn tay nắm tay tôi run rẩy.

Trong nháy mắt, tim tôi như bị thứ gì đó bóp chặt, cơn phẫn nộ từ lồng ngực xông lên cổ họng. 

Nói tôi thì thôi, tại sao còn nói đến dì. Dì đã quá đau khổ rồi, vì sao còn chịu đựng những ác ý không nguyên cớ.

Tôi siết chặt nắm tay, lướt qua từng gương mặt đáng ghê tởm, vùng khỏi tay dì, dùng hết sức hất bọn họ ra.

"Cút! Cút! Cút hết đi! Một lũ khốn nạn! Súc sinh! Đồ ma cà bông! Mấy người sẽ thối mồm thối mông! Mấy người mới là đồ điên! Mấy người còn không bằng chó!"

Tôi chưa bao giờ mắng ai, cũng không biết mắng thế nào, tất cả những lời tôi thu thập được trong đầu đều sao chép lại những gì bố đã mắng tôi.

Nhưng miệng bọn họ còn bẩn thỉu hơn tôi.

Khi nghĩ đến trước kia dì một mình bơ vơ bất lực đối mặt với bọn họ, cơn giận dồn nén trong tôi càng bùng phát mạnh mẽ.

Con người là vậy, mềm sợ cứng, cứng sợ mạnh, mạnh sợ liều mạng.

Tôi lao tới, cấu xé bất cứ ai, vừa la hét vừa chửi bới, họ mắng tôi thế nào, tôi cũng mắng trả về không kém một chữ. Trong hỗn loạn, tóc tôi bị kéo xuống đứt một chùm, mặt cũng bị cào trầy rát rạt.

Dì che chở tôi, áo khoác dì bị người ta xé rách, cánh tay cũng bị cấu véo nhiều lần.

Bọn họ mắng tôi là con điên nhỏ thì tôi điên cho bọn họ thấy.

Tóm được ai thì nhổ nước bọt kẻ đó, nước bọt bay tán toạn, trong nhất thời mọi người hùng hổ mà không dám tiến lên.

Hình ảnh Namtan đánh bố tôi đêm đó lại hiện lên. Hành động còn nhanh hơn đầu óc. Nhanh đến mức chính tôi cũng không nhận ra mình đang bắt chước.

Tôi phì một tiếng về phía bọn họ, mặt mày hung ác: "Còn dám nói bậy với mẹ tao nữa thì mấy người không cần lưỡi nữa, tao cắn chết chúng mày!"

Con người đều ngưỡng mộ kẻ mạnh, mà bước đầu tiên chính là bắt chước.

Tôi hùng hổ suốt dọc đường về. Đến đầu hẻm, chân mới mềm nhũn.

Đây là lần đầu tiên tôi đánh nhau, cũng lần đầu tiên tôi to gan như vậy.

Dì nhanh tay đỡ được tôi. Đôi môi trắng bệch như lá liễu run nhè nhẹ. "Có đau không, Film, do dì vô dụng."

"Mấy vết thương nhỏ này cơ bản là không có cảm giác gì hết ạ, cơn đau dạ dày con còn chịu được." Tôi đứng vững lại, vỗ vỗ ngực: "Dì, sau này con bảo vệ dì!"

Bà ôm tôi khóc rồi lại cười.

Hôm đó về nhà, Namtan nhìn chúng tôi nhếch nhác, sắc mặt nặng nề. Hỏi thì dì không nói.

Tôi tức nên kể hết đầu đuôi ngọn ngành việc bọn họ bắt nạt dì.

Chị nghe xong không nói hai lời, xách gậy gỗ ra ngoài.

"Namtan, con quay lại! Không cho phép động tay!" Dì Duean lạnh lùng.

Trán chị nổi gân xanh, quay lại giận dữ: "Lần nào cũng vậy! Con cứ trơ mắt nhìn hai người bị ức hiếp sao?"

Dì chậm rãi nhắm mắt, khóc than: "Coi như mẹ xin con được không? Con yên ổn đi."

Cuộc đối đầu trong thinh lặng, cuối cùng người bại trận là chị. Rất ít đứa con có thể cự tuyệt lời van xin khóc lóc của mẹ mình

Tôi không thể, Namtan cũng không thể.

Sau khi dì về phòng, Namtan ngồi ở cửa, yên lặng nhìn cây hoa quế, mặt không có bất kỳ cảm xúc nào.

Tôi ngồi xuống cạnh chị. Thì thào vào tai chị: "Chị, quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Ai bắt nạt dì em đều ghi nhớ hết rồi!"

Sợ chị không tin, tôi đếm đầu ngón tay từng người một: "Một bà tầm 40 tuổi, tóc ngắn răng hô, trông y như củ tỏi. Mặc đồ màu hồng, tóc dài, mắt một mí, dẫn một đứa bé trai không cao lắm, bà ta lợi dụng cơ hội nhéo dì nhiều lần! Còn có một bà tầm 50 tuổi, giọng to như pháo đại bác, bà ta chửi mắng dơ bẩn lắm!"

"Còn có người..."

"Còn có..."

"Cuối cùng là một bà tóc dài, mũi hếch, mặt bôi vẽ như hát tuồng, bà ta túm tóc em, còn giật tóc em nữa!"

Không biết chọc trúng điểm cười nào của chị, chị nghiêng mặt đi, cười tủm tỉm. "Không ngờ em là một người thù dai ha."

Chị giơ tay, nhẹ nhàng chạm vào trán tôi, trên đó còn in rõ ba vết tay cào. "Đau không?"

Tôi định nói không đau, nhưng lời tới miệng thì đổi thành nói thật: "Đau, đau muốn chết. Chưa kể tóc em bị mấy bả giật muốn hói!"

Namtan đưa tay ôm tôi ngồi lên đùi chị, lấy tay tôi để lên đỉnh đầu chị "Vậy chị cho em giật lại."

Cảm giác dưới tay mềm mại, tôi sờ sờ, lắc đầu: "Oan có đầu nợ có chủ, em muốn giật tóc bà hát tuồng kia thôi à."

Chị nói: "Được."

...

Tôi không biết Namtan đã âm thầm làm gì, khi tôi với dì đi chợ, mọi người gặp chúng tôi đều khách sáo, không dám khua môi múa mép, còn sau lưng có nói nữa không thì lại là chuyện khác.

Sau này hỏi mới biết, chị ra ngoài hai lần, phàm là trong nhà có chuyện thì đều bị vạch trần.

Mắng người khác không giữ đạo đức của phụ nữ thì lại ngoại tình, bị chồng bắt quả tang. Chửi người khác không ai cần thì chính bản thân lại là chồng không về nhà, ở bên ngoài nuôi vợ ba vợ tư. Mắng chồng người khác ngoại tình lại vì chồng bên ngoài tìm "gà" mà bị lây bệnh AIDS.

Chị cầm loa, đi khắp hang cùng ngõ hẻm phát tin.

Chị nói, nếu thị trấn này có một người không biết những chuyện xấu đó thì do chị sơ suất.

Tóm lại, nhân quả báo ứng tuần hoàn trên đầu mấy bà đàn bà đó, bây giờ họ "ốc còn không mang nổi mình ốc".

Nếu phải so sánh, tôi cảm thấy dì là một cái cây không cao cũng không to, chứng kiến dấu vết tháng năm, trải qua vui buồn, có thể bao hàm khí độ thong dong, thoạt nhìn mong manh yếu đuối, thực tế rễ cây chôn sâu, đan xen qua lại, gió thổi không ngã.

Còn Namtan là con sói hoang bị thân dây leo trói buộc, chị tạm thời thu lại móng vuốt, răng nanh sắc nhọn, máu nóng trên người dần dần bị sự dịu dàng đôn hậu của thân cây bao trùm, nhưng cũng chỉ là bao phủ, phần năng lượng mơ hồ kia vẫn không cạn kiệt.

14.

Những ngày đau khổ còn lâu dài gian nan, mà hạnh phúc lại thoáng qua như chớp mắt.

Càng gần ngày đi học lại, tôi càng lo lắng.

Ở đây hạnh phúc. Nhưng là hạnh phúc tôi trộm tới, sức khỏe hiện giờ đã tốt đến không thể tốt hơn.

Đi học lại như tín hiệu của sự kết thúc, sắp phá vỡ vùng an toàn thoải mái mới thành lập chưa vững chắc này.

Tôi muốn làm chút gì đó để tăng thêm sự ràng buộc của mình với ngôi nhà này.

Nghĩ tới nghĩ lui, 5 giờ sáng tôi dậy, bí mật làm việc nhà. Đến khi Namtan xuống lầu thì đúng lúc tôi bê bữa sáng lên bàn.

Chị nhìn quanh bốn phía, rồi nhìn tôi. "Em làm việc của chị rồi chị làm gì?"

Tôi chỉ cơm chiên trứng trước mặt, mỉm cười: "Chị ăn sáng."

Chị tặc lưỡi, kéo ghế ngồi xuống. Sau hai muỗng cơm thì tốc độ nhai càng chậm lại. Chị ngẩng lên, giọng thăm dò: "Em thấy ngon không?"

Tôi cúi đầu nhìn dĩa cơm chiên trứng đã ăn hơn nửa, không hiểu ra sao. "Dạ ngon."

Tôi không kén ăn, trong mắt tôi cơm chỉ cần chín thì làm thế nào cũng là ngon.

Bàn tay cầm đũa đối diện run run, hỏi: "Em nói thật?"

Mẹ tôi nấu một nồi hầm đủ thứ lộn xộn, bố tôi không nấu ăn. Có thể nói ở nhà tôi là người nấu ăn ngon nhất. Thậm chí lúc bố say chửi tôi đủ thứ chuyện nhưng không mắng tôi nấu ăn nuốt không trôi.

Chị hít một hơi, "Vậy vị giác nhà em chắc là bỏ nhà ra đi rồi. Nói ngon thì hơi có lỗi với bản thân, nói không ngon thì tổn thương lòng tự tin của em. Nói vầy đi, tài nấu ăn của em thích hợp sử dụng trong thời kỳ đói kém."

"Hả?"

Chị nói sâu xa: "Tốt cho việc kiềm chế cảm giác thèm ăn."

"..."

Nếu như Namtan còn uyển chuyển thì dì Duean thẳng thắn. Dì nếm một miếng, chau mày: "Con à, cơm chiên trứng này con làm không được, lần sau đừng làm nữa."

Namtan không hé răng.

Tôi xen lời: "Thật ra cũng ổn, con thấy ăn khá ngon mà."

Dì: "Film, con đừng nói đỡ cho nó, sắc - hương - vị không có chút gì, heo ăn một miếng có thể chạy xa mười km."

"..." Tôi sờ sờ mũi.

Bố tôi thích ăn cơm chiên trứng tôi làm nhất, hơn nữa chưa bao giờ nhổ ra, hèn gì ông ta không bằng heo. Lần đầu nhận ra kỹ năng nấu nướng của mình thực sự không ổn. Tôi đành phải từ bỏ con đường nấu ăn này.

Buổi chiều ngồi xem phim điệp viên với dì.

Khi bà lo lắng, căng thẳng cho vai chính, tôi nhớ những điều trước kia bà phàn nàn với tôi mà an ủi: "Không sao đâu, lát nữa có người cứu chị ta."

Khi bà căm phẫn khi thấy kẻ ác thực hiện thành công, tôi vỗ vỗ vai bà: "Không sao, tập tiếp theo nó chết."

Dì: "..."

Thấy tôi định nói thêm gì đó, dì lau nước mắt, tôi vội vàng dời trận địa.

Phòng làm việc.

Namtan vẽ thì tôi đưa bút, chị khát tôi rót nước, chị mệt tôi đấm lưng.

Khi tôi rót thêm nước vào ly chị đến lần thứ mười, chị đè tay tôi lại. "Chị không uống nổi nữa."Đặt ấm nước xuống, tôi lấy khăn lau bàn.

"Sơn bị lau sắp tróc ra rồi."

Chị ôm tôi qua chiếc chiếu bên cạnh, giũ chăn đắp lên người tôi, vỗ vỗ đầu tôi: "Ngoan, ngủ đi."

...

Buổi tối lúc ăn cơm. Dì hỏi tôi có phải ngày mai đi học lại không.

Tôi gục đầu xuống, gật gật đầu.

Namtan hỏi: "Muốn chị đưa đến trường không?"T

ôi cố nén cái mũi cay sè, nói chậm rì rì: "Không... không cần, trường gần lắm."

Đến thời khắc chia tay, tôi mới phát hiện có bao luyến tiếc. Nhưng tôi vắt hết óc cũng không thể nghĩ ra lý do để yên tâm thoải mái mà ở lại.

Qua một lúc lâu, dì nhẹ nhàng hỏi: "Vậy trưa mai Film muốn ăn gì?"

Tôi hít nước mũi, cúi đầu vào cơm.

Hai mẹ con im lặng nhìn nhau.

Namtan nói: "Trẻ con không thể đến trường rồi không về nhà chứ, phải không?"

Dì thở dài. "Haizz, vậy là không còn ai khiêu vũ với bà già mình đây, rồi đi chợ, thảm thương quá."

"Haizz, ở đây trời xa đất lạ, không biết tìm đâu ra một trợ lý nhỏ thông minh ngoan ngoãn, dọn dẹp dụng cụ ngăn nắp chỉnh tề, thảm thương quá."

Nghe vậy, tôi giơ phắt tay lên khỏi đỉnh đầu, nuốt trộng cơm trong miệng.

"Con, con tình nguyện!"

Tôi tình nguyện làm tất cả.

Có lẽ do không kiểm soát được nên mũi phì ra một cái bong bóng to, tôi hít vô, bong bóng lại càng to hơn.

Namtan vừa nhịn cười vừa lấy khăn giấy lau mũi cho tôi.

"Em ăn thì ít nghĩ thì nhiều, đừng có lo lắng việc rời đi, cứ yên tâm ở lại, nhà chị nuôi một đứa trẻ vẫn dư dả."

Dì Duean nói từ ngày tôi vào ở thì bà không nghĩ tới việc để tôi đi.

Tôi ngẩn ngơ nghe từng lời từng chữ.

Ngày đó, tôi bị lòng tốt xưa nay chưa từng có đánh sâu vào lòng, người mềm đi.

15.

Có người nói, ý nghĩa thực sự của cuộc sống là: đánh một bạt tay rồi cho một quả táo ngọt.

Đối với tôi có lẽ là cho một quả táo ngọt rồi lại cho một cái tát.

Trước khi ngủ, tôi còn đang nghĩ nên xin lỗi cô Metawee thế nào, tôi nên làm gì để bảo vệ bản thân trước tình trạng bạo lực của bọn họ.

Ngày hôm sau đi học lại biết tin cô Metawee nghỉ dạy. Nghe nói cô có thai được hơn hai tháng, thai nhi không ổn định nên bị chồng bắt ở nhà dưỡng thai.

Chủ nhiệm lớp mới là một cô giáo tuổi trung niên, dịu dàng nhưng không có tính uy quyền.

Vì thế sau giờ học, tôi bị chặn lại trong lớp.

Họ hung hăng ném chổi qua, đầu chổi dơ bẩn lướt qua chân tôi, đôi giày trắng lấm tấm những vết đen.

"Quét không xong thì đừng có về, tiện thể theo chúng tao vào WC chơi."

Nắm đấm bên hông tôi co lại rồi thả ra.

Đám người này đang ở giữa khoảng trưởng thành và trẻ con, thích tìm kiếm sự tồn tại và cảm giác thành tựu quái dị, bắt nạt kẻ yếu. Bọn họ thường bí mật bàn tán xem muốn nhận ai làm đại ca, không lâu trước đó còn nói trong hẻm có tên lưu manh khó chơi, đến tiệm xăm xin xăm hình chị ta không chịu.

Tôi lấy giấy lau khô vết bẩn trên mũi giày. Đây là đôi giày mới mà dì mua cho tôi.

"Này! Nói với mày đó, có nghe không?" Cô gái cao cao cầm đầu không kiên nhẫn.

Tôi ngước mắt lên, giọng bình tĩnh: "Nghe, nhưng tôi không quét."

Cô ta giơ tay tát tôi. Tôi không né: "Tát đi, tát mạnh lên. Namtan Tipnaree là chị tôi, chỉ cần hôm nay các người không đánh chết tôi thì ngày mai chờ bị chị ấy đánh chết đi."

Cô ta nghe vậy thì khựng lại, theo bản năng nhìn những người xung quanh, do dự.

Tôi đã tự diễn tập cảnh này rất nhiều lần trong đầu. "Sao? Không tin? Nếu không tin thì cùng tôi về nhà xem, hoặc chờ ngày mai họp phụ huynh sẽ biết. Tốt nhất là đi cùng tôi về, đến lúc đó đóng cửa lại thì cho mấy người kêu trời trời không biết gọi đất đất chẳng hay."

Tôi diễn vai "chó cậy thế chủ" vô cùng nhuần nhuyễn đến mức họ không tin không được.

Đến tận khi tôi ung dung ra khỏi lớp, đi ra khỏi trường cũng không có ai đuổi theo. Tôi thở hắt ra một hơi.

Nhưng miệng nói không hiệu quả bằng đích thân người ra mặt. Sau khi về, tôi suy tính làm sao để ngày mai chị Namtan giả danh chị tôi đi họp phụ huynh cho tôi.

Buổi tối, dì Duean nghỉ ngơi, chị Namtan đang xăm hình.

Tôi ngồi cạnh chị xum xoe, đuổi cũng không đi. Nóng thì quạt, lạnh đắp chăn, khát rót nước, mỏi bóp vai, đau đấm lưng. Chị cần dụng cụ gì, giây tiếp theo tôi đã khử trùng xong đưa tới tầm tay chị.

Rồi lại khen ngợi: thẩm mỹ thật tốt, kỹ thuật tuyệt vời.

Khách đến xăm trêu Namtan, tìm đâu ra trợ lý có tâm như vậy.

Chị cúi đầu lên bóng, động tác vững vàng, nghiêm túc: "Trên trời rơi xuống."

Khách thích thú quên cả đau.

Thời gian lên bóng dài, trong tiếng máy rì rì, tôi bất giác nằm bò ra bàn ngủ quên.

Khi thức dậy là đang nằm trên chiếu, lúc này công việc của Namtan vừa hoàn thành. Khách đi rồi, chị cởi bao tay, đi thẳng vào vấn đề: "Có chuyện gì nói đi."

"Hả? Rõ ràng vậy sao?" Tôi xoa xoa mặt.

Chị không nói nhưng mắt hiện rõ câu "Em không giấu được chuyện gì".

Tôi ấp úng nói: "Ờmm ngày mai có cuộc họp phụ huynh, chị có thể đi dự được không?"

Sợ chị không đồng ý, tôi lại gọi một tiếng "Chị Namtann."

Chị thở dài: "Hừ, có việc thì biết kêu chị Namtan, không có việc gì thì kêu Namtan rất vui vẻ."

Tôi chột dạ sờ sờ mũi.

Gọi dì rất thuận miệng, nhưng không hiểu sao gọi chị Namtan thấy kỳ kỳ, đặc biệt là khi tôi gọi cứ nghe như tiếng gà mái đẻ trứng.

Tôi đành phải cắn răng gọi thêm mấy tiếng chị Namtan nữa.

Khóe miệng chị cong lên có thể nhìn thấy bằng mắt thường, đôi mắt đẹp chứa ý cười. "Được rồi, chị đi."

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vội nói: "Chị Namtan ơi, vậy ngày mai chị mặc ít chút, có thể khoe cánh tay ra ngoài đó."

Chị khựng lại, nhìn chằm chằm tôi. "Có phải em bị bắt nạt ở trường không? Nói thật."

Tim tôi run lên, do dự một lúc rồi vẫn chọn thành thật thú nhận với chị việc hôm nay tôi mượn hơi chị hăm dọa người khác.

"Nhìn thì hơi ngốc nhưng lúc quan trọng cũng rất nhạy bén." Chị gật đầu nói, "Được, chuyện này chị biết rồi, em yên tâm đi học."

Thấy chị không giận, tôi được nước lấn tới: "Chị Namtan, vậy ngày mai nhất định chị phải lộ cánh tay xăm ra dọa chết bọn họ."

Chị mờ mịt, "Chị lấy đâu ra cả cánh tay xăm?"

Nói ra cũng kỳ. Tuy Namtan là thợ xăm nhưng trên người chị không có một hình xăm nào.

"Chị Namtan, chị thích thanh long hay bạch hổ?"

"..."

16.

Ngày hôm sau, các bố mẹ khác đến gần đủ mà chưa thấy bóng dáng Namtan. Tôi không thể không tự hỏi có phải chị tạm thời đổi ý không.

Khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ đến lần thứ ba mươi, trong tầm mắt cuối cùng xuất hiện hình bóng quen thuộc.

Namtan mặc áo khoác da đen, đeo kính râm, mang đôi bốt Martin, sải đôi chân dài mạnh mẽ, người gọn gàng, phóng khoáng, tựa như chị đại xã hội đen trong phim Hồng Kông.

Chị ngồi xuống cạnh tôi, lớp học đang ồn ào lập tức yên tĩnh.

Tôi vỗ vỗ ngực, nói nhỏ: "Cứ tưởng chị không tới."

Mặt chị không biểu cảm: "Suýt vậy, bảo vệ giữ cả buổi mới cho chị vào."

Chị cởi áo khoác, lộ ra chiếc áo ngắn tay đen bên trong. Hai cánh tay lộ ra ngoài, trái Thanh Long, phải Bạch Hổ.

Cô gái cao cao cầm đầu vẫn luôn âm thầm quan sát hít hà một hơi. Hiệu quả thấy rõ, tôi lén giơ ngón cái lên với Namtan.

Trong giờ giải lao, mấy học sinh nam nhìn chằm chằm cánh tay xăm của Namtan, thì thầm bàn tán.

"Sao tao thấy hình xăm của chị ấy phản quang?"

"Chẳng lẽ là giả?"

Tôi nghe vậy thì cứng đờ người. Người bên cạnh tựa lưng vào ghế, tay kéo kính râm xuống, lộ vẻ khinh thường.

"Mấy đứa thì biết cái gì, một đám nhà quê, đây là kỹ thuật xăm mới nhất."

"..."

"..."

Tôi thẳng lưng lên, phụ họa: "Đúng đó! Bọn nó biết gì đâu! Một đám hai lúa!"

Mấy nam sinh phía sau đỏ mặt trách nhau.

"Tao nói không phải hình xăm dán, mày cứ nói phải."

"Cục cớt, ngay ánh mắt đầu tiên tao đã thấy không phải vậy, chỉ có mày không tin."

Mấy người lớn vừa được giáo viên mời ra ngoài thảo luận việc thành tích. Vị trí sau lưng tôi đã chen đầy người, người ngày thường không đến cũng bu lại, giống như quên mất trước kia từng bắt nạt tôi. Họ mồm năm miệng mười.

"Chị cậu đẹp thật!"

Tôi: "Chị ấy hung dữ lắm."

"Chị cậu cao ghê."

Tôi: "Chị ấy đánh nhau đỉnh lắm."

"Sao trước đây không biết cậu có chị?"

Tôi: "Chị ấy lăn lộn giang hồ, suốt ngày hứng mưa bom bão đạn, lần trước mới diệt một phe hắc hổ, nay mới rảnh rỗi."

"..."

Tôi: "Tính khí chị ấy thất thường, ghét nhất kéo bè kết cánh bắt nạt người khác, một lời không hợp là đánh nhau."

"..."

Học sinh trung học là thời kỳ nổi loạn, nghe gió tưởng mưa, hơn nữa bề ngoài Namtan đủ để dọa người, thần bí không rõ lai lịch nên nói gì người ta tin nấy. Bọn họ bị tôi hù dọa đến sửng sốt, ánh mắt lấp lóe. Tôi càng thổi phồng càng nghiện.

Namtan quay lại, chị đứng sau tôi, một tay đút túi quần.

Tôi đảo mắt, đè tay chị lại, hoảng hốt la to: "Chị Namtan, đừng manh động đừng manh động, có chuyện gì từ từ thương lượng, đừng nổ súng."

Một đám như ong vỡ tổ nhanh chóng tan sạch.

Chị: "..."

Uy danh phô trương lần đầu thành công vang dội, hơn nữa không biết Namtan nói gì với bố mẹ bọn họ mà sau này nhìn thấy tôi họ đều bỏ đi đường vòng.

Tôi mừng đến mức ăn thêm một bát cơm.

Nhưng vui mừng quá sớm.

Buổi tối, Namtan chỉ vào bài kiểm tra toán được 5 điểm của tôi, giọng ẩn ý: "Không nhìn ra em là cái bao nhỏ nổi bật."

Tôi đỏ bừng mặt.

Tháng trước kiểm tra toán, họ liên tục đá ghế tôi bảo tôi đưa bài giải. Trong lúc tức giận, tôi chỉ làm trong năm phút, thời gian sau đó chỉ ngồi ngây người.

Cây cao đón gió.

Thành tích tốt, trầm lặng ít lời, không nơi nương tựa sẽ chỉ khiến tình hình hiện tại của tôi trở nên tồi tệ hơn, vì vậy tôi luôn giữ cho mình là một người bình thường, hạ thấp cảm giác tồn tại.

Namtan không vẽ phác thảo, bê băng ghế nhỏ đến ngồi cạnh tôi, cầm bài kiểm tra dạy toán cho tôi.

Tôi cứ tưởng chị nói đùa, nhưng càng nghe càng khiếp đảm, chị giảng đề bài từ phức tạp thành đơn giản dễ hiểu, suy một thành ba, hạ bút thành văn.

Tôi kinh ngạc, tiêu chuẩn của lưu manh giờ cao vậy sao?

Có lẽ ánh mắt tôi biểu thị quá rõ nên chị búng lên trán tôi một cái: "Nhìn cái gì mà nhìn? Bằng cấp chị dư sức dạy cho em."

Tôi lơ mơ: "Nhưng chị không giống dáng vẻ người chịu học hành."

Chị đầy thâm ý: "Chị thấy em rất giống người thích học hành."

Tôi: "..."

Vì vậy, mỗi tối chị sẽ dành thời gian dạy kèm môn toán cho tôi. Tôi học hành cũng được, nhưng môn toán lại là môn yếu nhất, thế nên không từ chối.

Kiểm tra tháng thứ hai, tôi từ thứ hạng 500 trong khối bay lên thứ ba trong lớp.

Chị nhìn phiếu điểm, cười mắng: "Thật đúng là thích học tập, em trêu chị đúng không?"

Tôi chớp chớp mắt, chắp tay trước ngực: "Không có không có, đều do chị Namtan dạy giỏi!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro