Hồi 9
Nhật Lệ quân thua, Thanh Đô rước xa giá bon nhanh
Quảng Nam dinh vỡ, Dương Nghĩa xuống suối vàng ôm hận.
Lại nói năm Quý Dậu, niên hiệu Đức Long thứ năm (1633), tháng ba, bấy giờ thiên hạ vô sự, Thanh Đô vương sai trấn thủ Nghệ An là thiếu phó Tây quốc công Trịnh Tạc thống lĩnh thuỷ sư đến đồn trấn ở cửa biển Kỳ La[227]. Sai thái phó Thắng Nghĩa phủ Quỳnh Nham kiêm Nghĩa doanh Hồng quận công thống lĩnh các tướng cùng sáu nghìn quân bộ vào đóng đồn ở châu Bố Chính, phía Bắc sông Giang để chuẩn bị thế tiến đánh tiếp ứng cho nhau, có ý dòm ngó việc chính sự của Nam triều.
Lại nói chuyện Sãi vương ở Nam triều năm ấy[228] sai cháu là Tuấn Lương hầu[229] làm trấn thủ doanh Quảng Bình, Tuấn Lương hầu rộng rãi thi hành nhân chính, hiệu lệnh nghiêm minh, ngoài đường không ai nhặt của rơi, dân đều được yên vui nghề nghiệp.
[227] Kỳ La: tên cửa biển ở huyện Kỳ Hoa (đời Lê), tức cửa Nhượng ở huyện Cầm Xuyên, Nghệ Tĩnh.
[228] Nguyên thư chép "thị triều" (triều ấy), có phần chắc là chép nhầm, đúng là "thị niên" (năm ấy) do ảnh hưởng chữ "triều" ở trên mà nhầm xuống chữ dưới.
[229] Tên tước của Nguyễn Phúc Tuấn, con của Phúc Điền (Điền là em Sãi vương).
Bấy giờ công tử con thứ của chúa là Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh giữ chức trấn thủ ở Nam có bụng muốn đạt ngôi của anh cả. Nhưng nghĩ rằng xứ này ở xa địa giới của Bắc triều, khó bề cử động. Dương Nghĩa hầu muốn ra làm trấn thủ Quảng Bình để dễ mưu đồ tranh đoạt. Dương Nghĩa bèn ngầm sai người đi móc nối với một quan chức ở doanh Quảng Bình là Lý Minh[230], lôi kéo vài ba tướng khác cùng mấy tên xã dân gian ác ở các huyện kéo nhau về phủ chúa vu cáo trấn thủ Tuấn Lương hầu[231], nói hầu ở trấn không biết thương yêu dân chúng, chỉ mưu đồ buôn bán kiếm lời, ích kỉ hại nhân, khiến dân chúng lầm than khốn khổ, xin chúa cho đổi đi nơi khác để cho sinh dân khỏi bị điêu linh tàn hại, xin đổi cho công tử Dương Nghĩa hầu về thay để yên vỗ dân đen.
Sãi vương nghe theo[232] bèn gọi Tuấn Lương hầu về ở phủ chúa, sai người vào Quảng Nam triệu Dương Nghĩa về để sai đi trấn thủ Quảng Bình, đáp lòng mong mỏi của dân. Sứ giả của chúa vâng mệnh ngày đêm đi gấp vào Quảng Nam truyền lệnh. Gặp lúc Dương Nghĩa hầu đang đi du chơi săn bắn ở xa, đến hơn một tuần[233] vẫn chưa về, sai nhân thấy vậy bèn trở về vương phủ trình với chúa. Sãi vương nghe bẩm tức giận Dương Nghĩa vì tội du đãng, không cho ra ngoài làm trấn thủ nữa, bèn sai em là phó tướng Quảng Lâm hầu Nguyễn Kiều[234] đi trấn thủ Quảng Bình.
[230] Nguyên văn chép chữ "Lý" bằng chữ "Lý" (lê). Có thể Lý Minh là tên thường gọi, không phải họ Lý.
[231] Bản sao chép nhầm là Tuấn Vương hầu, đúng là Tuấn Lương hầu như đã chép ở trên.
[232] ĐNTLTB cũng nói vắn tắt sự việc này: "Bấy giờ Anh ở Quảng Bình để tiện được thông với họ Trịnh, bèn sai người ra bàn mưu với văn chức Quảng Bình là Lý Minh là (không rõ họ). Lý Minh tập hợp những bọn bất mãn ở địa phương, kiện vu cho Tuấn là hà khắc trăm họ, xin dời Tuấn đi nơi khác (ĐNTLTB, 61)."
[233] Theo cách tính thời gian ngày trước một tháng có ba tuần, mỗi tuần mười ngày.
[234] ĐNTLTB chép viên tướng này là Nguyễn Phúc Kiều. Nguyên thư ở đây chép chữ "bạt". Hai chữ "kiều" và "bạt" viết thảo có thể đọc và chép nhầm.
Quảng Lâm hầu vái tạ lĩnh chức phó trấn, chăm vỗ binh dân, thương yêu sĩ tốt, mọi người đều vui vẻ tuân phục. Thế là công tử Dương Nghĩa mất hi vọng, trong lòng uất ức nhưng không biết làm gì. Dương Nghĩa lại sai người đi gặp Lý Minh tử để hỏi kế. Lý Minh viết mật thư báo Quảng Bình, Quảng Lâm hầu là người có ân đức, được dân chúng yêu mến cho nên khá có uy thế, khó mà lay chuyển được. Nhưng Quảng Lâm hầu bản tánh mềm yếu, minh công nên dùng mưu kín chiêu dụ quân Bắc để họ quấy rối ở châu Bố Chính thì Quảng Lâm ắt phải trốn chạy trước, khi ấy chức trấn thủ Quảng Bình không phải là minh công thì còn vào tay ai? Minh công được đến trấn thủ ở đây thì việc lớn ắt thành, không cần phải lo nghĩ nhiều.
Dương Nghĩa khấp khởi mừng thầm. Rồi đó ngầm đặt kế trá hàng, nói với người lái buôn tên là Điện, sai Điện chuyển ra trình với Thanh Đô vương Trịnh Tráng mưu kế như thế, xong việc xin báo đáp trọng hậu. Lái Điện lĩnh tờ khải[235] lên đường đi lén ra kinh đô Thăng Long dâng vào phủ chúa.
[235] Khải: Theo quy chế thời Lê-Trịnh, các văn thư gởi lên chúa Trịnh thì gọi là "khải" (khải văn).
Thanh Đô vương Trịnh Tráng tiếp tờ khải mở ra xem. Khải văn viết:
"Thần là công tử ở xứ Nam Dương Nghĩa hầu Nguyễn phúc Anh cùng với bọn các tướng kính cẩn trăm lạy bẩm lên chúa thượng xét cho:
Trước là vì phụ thân của thần đã già yếu khó cậy dựa giáo hóa, sau là vì trong chỗ anh em không hòa mục, không biết suy nghĩ đạo cương thường, sợ rằng ngày khác biến sinh ở bên tay nách, không khỏi bị coi là tặc đồ. Sâu nghĩ về sau họa đấy, trong nhà anh em tranh đánh lẫn nhau, khó trốn bị chép ghi là ngỗ ngược. Cúi mong thánh vương cả phát đại quân sớm đến cửa biển Nhật Lệ bắn súng[236] làm hiệu, bọn thần ở bên trong sẽ cùng cử sự đem binh chúng quy hàng, ngõ hầu xa thư[237] thống nhất một mối, Nam Bắc một nhà, bọn thần được ngước thấm ơn giáo hóa. Muôn trông thánh thượng cứu vớt cho. Kính bẩm."
[236] Bản sao chép nhầm chữ "súng" thành chữ "kính".
[237] Xa thư: Cỗ xe và chữ viết. Thời Chiến Quốc các nước có riêng các quy cách thể lệ về kiểu xe cộ, chữ viết. Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng định lệ "thư đống văn xa đồng quy" (viết một thứ chữ, đóng xe cùng một kích thước trục).
Thanh Đô vương xem tờ khải cả mừng, bèn lệnh cho tiết chế thái úy Sủng quốc công Trịnh Kiều thống lĩnh đại quân vào đóng ở chợ Vân Trang, châu Bố Chính để ứng phó khi lâm sự.
Mùa đông, tháng mười, Thanh Đô vương đem đại binh thủy bộ rước xa giá vua Lê đánh Nam hà. Tháng chạp, quân đến cửa Nhật Lệ. Thanh Đô chia quân đi đóng trại, đầu dưới tiếp ứng với nhau, thế trận rất nghiêm chỉnh. Dân chúng châu Bố Chính hoảng sợ dắt già, bế trẻ chạy trốn khỏi nơi có đồn lũy lớn để tìm đường sống thoát.
Chúa Nam nghe tin bèn triệu các quan văn võ vào phủ đường bàn định. Sãi vương giận nói:
- Họ Trịnh không hiểu cơ biết thời, vô cớ cất quân xâm nhiễu biên cảnh, giết hại dân chúng trong cõi của ta, trời đâu có dung tha!
Nói đoạn sai đại tướng Mỹ Thắng hầu[238] cùng với đốc thị Chiêu Vũ tử Nguyễn Hữu Dật thống lĩnh các quân thủy bộ đi chặn địch.
Hai tướng vâng mệnh đem quân lên đường thẳng đến cửa Nhật Lệ để ứng phó với tình thế. Bấy giờ trấn thủ Quảng Bình Quảng Lâm hầu ruổi ngựa đến trình ở cửa Nhật Lệ để đề phòng thủy quân bên Trịnh lọt vào[239]. Đốc thị Chiêu Vũ lại hiến kế đắp lũy ở bãi cát Trường Sa[240] để hoàn bị kế sách đánh giữ. Sãi vương đều nghe theo và cho thi hành.
Hai tướng được lệnh sai quân đắp lũy cát, ngăn bờ sông để bảo vệ cho Chinh lũy[241] và đóng cọc gỗ ngăn ở cửa biển để chặn không cho quân Trịnh vượt sang.
[238] ĐNTLTB ghi viên tướng này là Nguyễn Mỹ Thăng.
[239] Nguyên văn chép là "bầm tư (có chữ sửa bằng tu) dị hãn chi pháp": chưa rõ "dị hãn chi pháp" là gì. Theo nghĩa chữ "hãn" là chống cự tạm dịch như trên.
[240] Tức lũy Trường Sa từ cửa sông Nhật Lệ đến khoảng xã Võ Xá, huyện Lệ Thủy, đắp dựa theo những cồn cát chạy dài ở sát biển.
[241] Chính lũy: tức lũy Nhật Lệ.
Bấy giờ Thanh Đô vương Trịnh Tráng rước xe giá vua Lê đến phía ngoài cửa biển Nhật Lệ bắn ba phát súng làm hiệu, không thấy Dương Nghĩa ra hàng. Thanh Đô vương lấy làm ngờ bèn cho lui quân ra xa mặt lũy đóng trại để chờ tin tức của Dương Nghĩa hầu, đợi đến hơn mười ngày. Các đạo quân Nam thấy quân Bắc trễ nải không có ý phòng bị, bèn đồng loạt xông ra đánh lớn. Súng nổ vang dền như sấm, đạn bay khói tỏa dày khít như mưa đá. Đại quân của chúa Nguyễn ào ạt tiến đến như cuốn chiếu. Quân Trịnh thua rạp, vất bỏ xe pháo mà chạy không dám ngoái đầu, thây chất cao thành đống. Thanh Đô vương thấy vậy hoảng sợ, rước xe giá vua Lê chạy về bắc Bố Chính đóng quân bên bờ sông Gianh. Điểm lại binh mã thấy thương vong đến quá nửa, Trịnh Tráng hối xót, bèn xuống lệnh thu quân về kinh giao cho con của Hoa quận công Nguyễn Khắc Kham là Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn[242] ở lại giữ bắc Bố Chính. Phần châu Bố Chính ở phía nam sông Gianh thuộc về chúa Nam cai quản. Người đời sau có thơ chê cười rằng:
Trong nhà lục đục gió Bắc sinh,
Ầm ĩ Thanh Đô gây chiến tranh.
Hổ chiếm đầu non xua hoẵng thỏ,
Rồng nằm mặt nước át còn kình.
Binh đao vừa lặng khói lang tắt,
Thông rợp tàn che, cõi biển xanh.
Vì biết Nam hà vương khí mạnh,
Thong manh nào dám dắt thong manh!
[242] Trước tên Nguyễn Khắc Tôn, nguyên thư có hai chữ "hiền hậu" (với chữ "hậu" sau). Đúng ra đó là chữ "tuấn" viết nhầm thành. (Đoạn sau đã nói rõ trấn thủ Quảng Bình là Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn). Cương mục chép tên người này là Nguyễn Khắc Loát. ĐNTLTB lại chép là Nguyễn Khắc Liệt.
Bấy giờ thấy bọn Mỹ Thắng, Chiêu Vũ đánh thắng, khải hoàn đưa quân về triều bái yết, Sãi vương vui mừng khôn xiết, sai mở tiệc ban thưởng trọng hậu cho Mỹ Thắng, Chiêu Vũ và úy lạo ba quân.
Lại nói chuyện bọn Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh nghe tin quân Bắc thua trận phải lui về, biết cơ mưu không thành bèn rắp tâm làm sự phản nghịch bạc ác, ngầm bỏ tiền của ra chiêu dụ môn khách để mưu đồ tranh đoạt, hoặc khéo léo tặng biếu các tướng, hoặc đem cho kẻ dân phu, ai quý trọng vật gì thì cho vật ấy, rồi ghi tên vào quyển sổ gọi là sổ "Đồng tâm hướng thuận". Trong khoảng vài năm những kẻ hướng theo được khoảng vài trăm người, nhưng không ai hay biết ý tứ gì của Dương Nghĩa. Dương Nghĩa lại thường bảo kẻ tâm phúc đi lại thăm hỏi các nhà tướng tại triều, nhỏ to dụ dỗ kết nghĩa tương thân. Từ đó về sau Dương Nghĩa ngày đêm thường cùng bọn tay chân tụ hội để bàn tính việc cắt đặt quan chức, phải đi đóng giữ các nơi biên ải nhằm ý tranh đoạt ngôi chúa.
Nói tiếp chuyện năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ sáu (1634), mùa xuân, tháng giêng, Thanh Đô vương rước xe giá vua Lê về đến Cầu Doanh[243] đóng quân nghỉ lại cho tu sửa thành quách hào lũy, tuyển chọn và luyện tập lính cưỡi ngựa để mưu đồ báo phục. Bèn cho thiếu bảo Định quận công thăng hàm thiếu phó, chức đô đốc, bọn quận Tần, quận Vĩnh, quận Tào, quận Cẩm đều được thăng hàm thiếu bảo chức tham đốc, cho quận Mỹ, quận Hà thăng chức quận đô đốc, cho thêm số dân các xã được thu tô để tăng bổn lộc và ban cho bạc tiền nhiều ít khác nhau. Lại sai quan thăm xét người trong xứ, ai có công thì thưởng, kẻ có tội thì phạt. Vì thế các quan được yên chức, dân được yên nghiệp, Thanh Đô vương bèn hạ lệnh đưa quân về kinh. Chẳng mấy ngày quân về đến kinh sư, Thanh Đô vương xuống lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi.
Tháng tư, Thanh Đô vương sai em là thái bảo Diên quận công[244] làm đề điệu khoa thi hội các cống sĩ trong nước. Bọn Vũ Bạt Tụy năm người được lấy đỗ tiến sĩ, đều được Thanh Đô vương bổ dụng.
[243] Cầu Doanh, tức Dinh Cầu, cũng gọi là Dinh Hà Trung, ở xã Hà Trung, huyện Kỳ Hoa, nơi đặt lị sở của trấn Nghệ An thời Lê Trịnh.
[244] Diên quận công: Tên tước của Trịnh Nha.
Lại nói tháng mười năm ấy, ở Nam triều, văn thần là tham tán Lộc Khê hầu Đào Duy Từ tuổi cao bệnh nặng, việc sống chết chỉ tính trong chốc lát, bèn sai người tâm phúc vào bẩm với chúa. Sãi vương nghe tin bèn thân đến tận nhà thăm hỏi. Lộc Khê hầu gắng gượng quỳ dưới chân giường rập đầu thưa rằng:
- Thần là kẻ hủ nho nơi thôn dã, may gặp được chúa thượng quá yêu, hưởng ơn tri ngộ đã nhiều. Thần không lấy biết gì đền đáp, chỉ một niềm căng cắng đem hết tâm sức giúp rập chúa thượng thu phục Trung nguyên, diệt trừ nghịch tặc họ Trịnh, khỏi cho vua Lê nhức nhối, lo âu, trăm họ khỏi cảnh nước lửa khốn cực. Đó là ý nguyện của thần. Không ngờ tính mệnh của thần hiện đã như ngọc lá sương móc, chưa đến mùa thu mà trước đã héo tàn, thần xin cam chịu muôn tội, mong thánh thượng miễn thứ cho.
Nói xong nước mắt rơi đầm ướt áo. Sãi vương nắm tay Lộc Khê khóc mà đáp:
- Ta từ ngày gặp khanh như chim hồng thuận gió, chưa thỏa tâm tình. Ai ngờ giữa đường khanh đành lòng bỏ ta. Há chẳng phải trời không muốn giúp ta bình trị thiên hạ mới khiến cho khanh đau ốm đến thế này chăng? Khanh khá sâu nghĩ giữ gìn thân thể, chớ nên nói điều gì khiến cho ta kinh sợ. Huống chi khanh có tấm lòng tốt như thế thì trời đâu nỡ phụ?
Lộc Khê nghe xong cúi đầu ứa lệ, muốn nói nhưng không cất nên tiếng, thở hắt hơi mấy lần, động miệng ú ớ rồi tắt thở, thọ sáu mươi ba tuổi. Sãi vương đau xót vô cùng, các tướng biết tin đều đến vây khóc. Sãi vương bèn ban sắc truy tặng Lộc Khê hầu làm tán trị dực vận công thần đặc tiến phụ quốc kim tử vinh lộc đại phu, hàm đại lí tự khanh, tước Lộc quận công, ban cấp gấm lụa, cho rước linh cữu về an táng ở thông Tùng Châu. Sau đó vương lại sai lập đền thờ phụng để báo đáp huân lao.
Người đương thời có thơ điếu buồn như sau:
Lén mây tiên hạc đã bay lâu,
Đầu cúi chăng kham chuyện tủi sầu.[245]
Đất Bắc thanh danh sông núi biết,
Trời Nam sự nghiệp sử truyền lưu.
Mưu thân chí lớn thêm giàu nước,
Giúp chúa tài cao sánh Vũ hầu.[246]
Đường chửa chung xe thân thác trước,
Vua tôi thương khóc lệ rơi trào.
[245] Nguyên văn: "Thoại cựu châu" (nói chuyện ở quê cũ) nhắc việc Đào Duy Từ không được trọng dụng Bắc, tạm dịch như trên.
[246] Vũ hầu: Tức Gia Cát Lượng.
Lại nói trấn thủ bắc Bố Chính của Bắc triều là Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn kiêm giữ bản châu, mưu toan phản lại Bắc triều. Khắc Tôn bèn xuất tiền của cho biếu tân khách, mua chuộc nhân tâm, chọn tướng tuyển binh, sửa sang khí giới, quân sĩ ngày càng thêm hăng. Khắc Tôn muốn hòa thân với Nam chúa để giúp sức một tay, bèn bí mật sai người tâm phúc lén vào Nam triều bẩm với chúa Nam xin kết làm anh em, đồng lòng gắng sức dấy quân tiêu trừ họ Trịnh, cắt đất xưng vương để cùng được phú quý.
Sãi vương nghe xong cả mừng, bảo với người của Khắc Tôn rằng:
- Bỏ nghịch theo thuận ấy là lẽ thường. Nay các quan nhân đã có lòng như thế, ta rất vui mừng. Nhưng việc này không phải chuyện nhỏ, ta nhắn lời với quan nhân rằng nếu muốn nhân thời cơ mà cử động thì cần phải lưu tâm, mười phần cẩn thận mới có thể giữ được vạn toàn. Đó là ước mong của ta.
Tiếp đó Sãi vương nói:
- Vả lại việc này ta muốn cùng với các quan nhân một phen gặp mặt cùng chuyện trò cạn lời tim phổi để rõ thực hư. Nhưng, ta một lần đi đâu là rất hệ trọng, ngươi cũng nên trình đạt với quan nhân cái ý ấy.
Nói đoạn sai khoản đãi người của Khắc Tôn để y trở về phúc đáp cho chủ nhân. Tên người nhà của Khắc Tôn vái tạ ra về, đem việc Nam chúa nghe chuyện vui mừng, tiếp đãi, căn dặn các điều ra sao thuật lại một lượt cho Khắc Tôn nghe. Khắc Tôn cả mừng bèn chuẩn bị đích thân vào Nam hội kiến với Nam chúa. Chẳng mất bao ngay Khắc Tôn đã vào tới nơi. Sãi vương được tin báo vội ra ngoài phủ đón tiếp, dắt tay mời vào trong trướng cùng ngồi, sai đặt yến tiệc khoản đãi trọng hậu, nghe thuật lại tình hình mọi lẽ trước sau. Rồi đó, hai người giao ước rằng sau khi xong việc thì chia bờ rạch cõi mà cai trị để rạng mặt anh hùng với muôn đời.
Hiền Tuấn hầu nghe nói khôn xiết vui mừng bèn cáo từ trở về bản trấn ở bên đất Bắc triều. Từ đó Hiền Tuấn hầu quyết chí mưu phản, sai bồi đắp lũy Nham Bụt, lại chia quân đi giữ kín các ngả ở Hoành Sơn để làm thế chế ngự.
Thanh Đô vương biết chuyện muốn đem quân vào hỏi tội Khắc Tôn. Nhưng nghĩ làm thái quá lại sinh thêm một kẻ địch, bèn cử giữ yên chuyện để mưu tính kế khác. Từ đó Hiền Tuấn hầu cho rằng Thanh Đô vương không biết, ngày một thêm buông thả, tự khoe khoang thế mạnh mưu cao, cho thiên hạ không ai bằng mình.
Bấy giờ người của Sãi vương sai đi thám thính, trở về báo tin. Nam chúa mừng nói:
- Cứ để mặc hắn cử động, ta ở giữa thu lợi, mượn tay hắn cứ thế mà làm[247], ta khỏi phải nhọc sức binh mã, phí tốn tiền của trong kho.
Lại nói chuyện năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thức bảy (1635)[248], tháng ba, bấy giờ ở Bắc triều trời đại hạn, lúa má héo khô, cây cối hoa mầu héo rụng, khắp nơi dân chúng đói kém, dân xiêu tán rất nhiều, trách oán rằng: vua chúa chỉ làm những chuyện chính sự vu vơ, đến nỗi tai họa giáng xuống đầu dân đen, hậu thổ hoàng thiên bỏ mặc không phù hộ. Thanh Đô vương nghe biết, nghĩ thầm lấy làm kinh sợ, bèn triệu các quan vào triều bàn định, rồi đó thay niên hiệu Đức Long làm Dương Hòa năm đầu (1635), đại xá thiên hạ, miễn tô thuế để yên dân tâm.
[247] Nguyên thư chép: "Khí thử nhi hành". Đúng ra đây là chữ "bỉnh" (bỉnh thử - nắm lấy đó) hai chữ "bỉnh" và "khí" hơi giống nhau, dễ lầm.
[248] Nguyên thư chép là "Đức long nhị niên". Đúng là "thất niên" (năm thứ bảy).
Tháng bảy, xuống lệnh cho các quan lại, giám sinh, nho học cùng vào thi khảo xét ở sân đan trì, lấy trúng cách bọn Nguyễn Văn Lễ mười hai người đều được thăng chức bổ nhiệm các chức thiếu khanh, tri phủ, tri huyện, viên ngoại lang... giao cho việc chăn dân.
Lại nói tháng mười năm ấy (1635), ởNam triều, Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên bất ngờ ốm nặng, thuốc thang đều không thuyên giảm. Chúa bèn gọi em ruột là tổng trấn Tường quận công[249] và thế tử Nhân[250] vào trong trướng căn dặn rằng:
- Ta nối nghiệp cũ của tiên vương cai trị binh dân hai xứ, chỉ muốn thu phục cơ đồ, khuông phò cho vua Lê để thanh danh sáng tỏ. Nay ta sắp hết số trời cho, nghìn vàng khôn chuộc. Sau khi ta mất, thế tử Nhân Lộc chưa tiện để phó thác việc quân cơ, mọi công việc triều chính đều ủy thác cho hiền đệ, tùy theo sự thích nghi mà thống quản, ngõ hầu được yên xã tắc.
[249] Tường quận công: Tên tước của chưởng cơ Nguyễn Phúc Khê, con thứ mười của Nguyễn Hoàng (ĐNTLTB) sau theo quy định phả hệ của nhà Nguyễn đổi, gọi là Tôn Thất Khê.
[250] Tức Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan, con thứ hai của Nguyễn Phúc Nguyên.
Tường quận công nghe chúa nói xong rập đầu khóc lớn mà thưa rằng:
- Thần nghe người xưa thường nói cha truyền con nối. Thế tử chưa kham nổi thì đã có các đại thần đồng tâm hiệp lực để lo toan việc nước. Còn như thần, tuy là chỗ cốt nhục của nhà chúa, nhưng cũng là chức phận của kẻ bề tôi, thần đâu dám vâng mệnh thay thế! Huống chi thần bình sinh vốn tự giữ mình trung nghĩa. Nay nhận lời ủy thác làm cố mệnh đại thần chẳng khỏi bị thiên hạ chê cười, cho thần là kẻ phản bội. Xin chúa công nghĩ lại để cho thần khỏi phải lo âu.
Tường quận công nói xong lại khóc lớn, Sãi vương nói:
- Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, vốn chẳng phải là người của họ. Tống Thái Tổ, truyền ngôi cho Thái Tông cũng là anh chết em thay, xưa nay đều cùng một lẽ như thế, có gì đáng ngại?
Tổng trấn Tường lại thưa rằng:
- Người thời xưa bên Trung Quốc thì như thế. Còn ở nước Nam ta từ Đinh, Lý, Trần, Lê chưa có lẽ ấy. Thần nguyện xin làm kẻ bề tôi giữ phẩm tiết trung thẳng cho đến khi thịt nát xương tan để giúp rập thế tử của vương huynh, quyết không ăn ở hai lòng. Xin vương huynh chớ nói vậy khiến cho thần mắc tội với trời đất!
Sãi vương nghe xong nắm tay tổng trấn Tường ứa nước mắt nói:
- Lòng tốt của hiền đệ ta đã biết rõ. Nay cháu của hiền đệ là thế tử Nhân Lộc còn nhỏ tuổi, phần nhiều đều phải nhờ cậy hiền đệ phò tá giáo huấn cho thì mới có thể gồm nắm được việc nước. Chớ để cho thế tử chơi bời, tham bạo, làm tổn hại cho sinh dân. Còn hiền đệ, cũng phải ngày đêm cùng với triều thần xử lí việc nước, chăm lo cho dân, chiêu hiền đãi sĩ để mưu đồ thu phục giang sơn, khuông phò cơ nghiệp nhà vua, để ý nguyện bình sinh của ta được thỏa. Còn việc trấn thủ ở miền biên thùy Bố Chính thì Hiền Tuấn là kẻ phản bội, hiền đệ nên cùng với các đại thần nghĩ cách mà trừ đi để dứt mối lo sau. Chớ nghe lời nó nói mà lầm lỡ việc quốc gia đại sự của ta. Các khanh khá nên ghi nhớ vào lòng.
Tổng trấn Tường và thế tử Nhân Lộc hầu quỳ bên chân giường cúi lạy lĩnh mệnh. Sãi vương lặng yên không nói, chỉ đưa mắt nhìn quận Tường rồi đưa tay chỉ vào thế tử Nhân Lộc hầu thở dài mấy tiếng rồi tắt nghỉ. Vương ở ngôi hai mươi ba năm, thọ bảy mươi ba tuổi. Quận Tường và thế tử Nhân Lộ hầu xô đến bên giường khóc gào lên. Đình thần nghe tin dữ, ai nấy đều đau tiếc gào khóc vật vã khắp nơi trong sân triều. Rồi đó đình thần bèn hội họp dâng tôn hiệu là đại nguyên súy tổng lí quốc chính dực thiện tuy du Thụy Dương vương, dựng đàn làm lễ tế, rồi dùng nghi lễ của bậc vương rước linh cữu đến an tang ở vùng núi huyện Hương Trà.
Người thời bấy giờ có thơ than tiếc Sãi vương như sau:
Mây sầu núi thảm toả đầy trời,
Ánh ỏi ve kêu gió nghẹn lời.
Phượng biếc cao bay ngoài chín cõi,
Rồng thần quẫy động giữa đêm ngời.
Đình thần đau tiếc vua hiền sáng,
Dân chúng gào la chúa cứu đời.
Khai thác cơ đồ nên thịnh vượng
Lưu thơm muôn thủa khắp muôn nơi!
Bấy giờ, sau khi lo liệu xong tang lễ của Sãi vương, tổng trấn Tường quận công bèn mời các tướng đến hội ở điện bên để bàn việc. Tường quận công nói với các tướng:
- Thiên hạ không thể một ngày không có vua. Nay thánh thượng đã đi xa, tang sự xong xuôi cả rồi, các ông còn đợi gì mà không tôn phò thế tử lên nối ngôi quản lĩnh việc nước để yên lòng muôn dân?
Thế là các tướng cùng đi với Tường quận công đến doanh Thuận Nghĩa tôn phò thế tử là phó tướng Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan làm tiết chế thủy bộ chư doanh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, hàm thái bảo, tước Nhân quận công để nối ngôi chúa, tức Thượng vương (chúa Thượng).
Thượng vương lên nối ngôi, xuống lệnh đại xá thiên hạ, dựng đàn tạ ơn trời đất, yết cáo tiên vương ở nhà Thái miếu.
Tường quận công sai người vào doanh Quảng Nam triệu Dương Nghĩa hầu[251] về triều nhận lệnh. Nghe tin triều thần đã tôn lập Nhân Lộc hầu lên ngôi chúa, Dương Nghĩa hầu cả giận, quyết chí làm phản. Dương Nghĩa hầu bèn mời kí lục Vân Hiên tử vào bàn bạc. Vân Hiên hiến kế đắp lũy Cu Đê để làm kế cố thủ. Dương Nghĩa cả mừng sai quân đắp lũy[252]... ra đến biển, xuống lệnh cấm ở các cửa biển không cho dân chúng ra vào. Lại sai đại tướng Khang Lộc tiết chế thủy bộ quân làm tiên phong, đem quân rải đóng ở cửa biển Đà Nẵng để cố thủ, không chịu về triều nhận lệnh. Dương Nghĩa chỉ sai em là Đức Lễ hầu một mình về triều. Dương Nghĩa tự mình đem quân đến đóng đồn lũy Cu Đê để xem thế đánh giữ. Tướng tiên phong Triều Khang[253] đem thủy quân vượt cửa biển trốn về phủ chúa ở Thuận Hóa. Kí lục Vân Hiên tử cũng đem gia thuộc, nhân đêm tối lẻn qua cửa ải Hải Vân[254] trở về phủ Chúa cấp báo.
[251] Nguyên bản chép nhầm là Nghĩa Thuận.
[252] Nguyên văn để trống khoảng bốn chữ, có lẽ vì nguyên bản bị rách thiếu hoặc khó đọc.
[253] Tức tướng Nguyễn Triều Khang, tước Khanh Lộc hầu đã nói ở trên.
[254] Nguyên văn "Vân quan", tức Hải Vân quan.
Chúa Thượng vương nghe tin cả giận bèn mời chú là Tường quận công vào phủ khóc bảo rằng:
- Cháu với Dương Nghĩa hầu là anh em cùng cha một mẹ sinh ra, chung gốc liền cành, hoạn nạn giúp nhau, phú quý cùng hưởng. Ai ngờ Dương Nghĩa manh tâm tiếm đoạt phản nghịch, giết hại dân chúng trong miền. Cháu muốn nhường ngôi cho hắn để khỏi sinh sự tranh giành, không biết có nên chăng? Mong tôn thúc liệu xét cho.
Tổng trấn Tường quận công Nguyễn Phúc Khê nghe xong bừng bừng tức giận nói:
- Dương Nghĩa là đồ lục súc không nghĩ gì đến công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ! Nay hắn đã dấy binh làm loạn, tội khó dung tha! Còn phải hồ nghi gì nữa?
Quận Tường bèn xuống lệnh sai Hùng Lương và Triều Phương chỉ huy quân thủy, Yên Vũ và Hung Uy chỉ huy quân bộ thẳng tiến vào Quảng Nam bắt sống Dương Nghĩa áp giải về giao nộp ở phủ chúa không được tự tiện xử tội.
Bấy giờ các tướng đem quân lên đường. Quân bộ tiến trước đến lũy Cu Đê. Quân thủy tiến đến vùng Sơn Trà. Dương Nghĩa lập tức chia quân đi chặn địch. Quân hai bên xáp nhau, giao chiến một trận lớn không phân thắng bại. Cai đội bộ binh là Dương Sơn[255] và Công tôn Tuyên Lộc bất ngờ đem quân đánh thốc qua cửa Hải Vân tiến vào Quảng Nam. Dương Sơn vào trước trong doanh trại của Dương Nghĩa hầu thu được quyển sổ "Đồng tâm hướng thuận"[256] của Dương Nghĩa, chỗ giấy có chữ ghi chép rồi đếm ngược hơn mười tờ. Thấy họ tên các quan văn võ và dân chúng ghi trong sổ đó ước khoảng vài trăm người, Dương Sơn cả kinh, chau mày suy nghĩ rằng: "Tên giặc này đã ghi tên người ta vào sổ, đâu phải là người thiên hạ đều có lòng này? Giữ sổ thì hại cho tính mệnh trăm họ, vứt sổ đi thì phạm tội bất trung. Suy đi nghĩ lại hồi lâu, Dương Sơn bèn xé bỏ khoảng năm, sáu tờ. Sau đó Tuyên Lộc tiếp đến phóng hỏa thiêu[257] trại quân của Dương Nghĩa, lửa bốc rừng rực ngút trời. Dương Nghĩa chạy trốn về phía cửa biển Đại Chiêm, Tuyên Lộc đuổi theo bắt được đóng gôn giải về[258]. Thượng vương xuống lệnh cho dân chúng được ghi lại bình thường. Một mặt sai võ sĩ theo tên ghi trong sổ, bí mật bắt giết đi để bịt đầu mối thẩm vấn. Thương thay chỉ trong nhất thời mà năm sáu chục người phải chịu chết không đúng mệnh."
Khoảng mười ngày sau, Thượng vương Nguyễn Phúc Lan thăng chưởng cơ Hùng Lương hầu[259] làm chưởng doanh trấn, thăng cai đội Dương Sơn hầu làm cai cơ, kí lục Vân Hiên làm nội tán phù dực vương triều, phong viên câu kê bộ Lại là Hoa Phong làm cai bạ. Các quan văn võ có tài đức đều được thăng phẩm tước có thứ bậc khác nhau.
[255] Dương Sơn là tên tước, chưa rõ tên thật.
[256] Có nghĩa là "cùng lòng theo về."
[257] Nguyên thư chép là "túng đại phan doanh" chép sai liền ba chữ. Đúng ra là "phóng hỏa phần doanh" (phóng hỏa đốt doanh trại); Vì liên hệ ghép mà chữ "phóng" chép lầm là "túng"; chữ "hỏa" nhầm thành "đại"; "phần" (đốt cháy) nhầm thành "phan" (vịn, trèo). Hai cặp chữ sau tự dạng hơi giống nhau, dễ chép lầm.
[258] ĐNLTTB có chép rõ việc Phúc Anh (tức Dương Nghĩa) bị bắt giải về: "Anh nằm rạp xuống đất kêu oan. Chúa còn không nỡ giết,Tôn Thất Khê (tức Tường quận công) và các tướng đều nói: Anh là kẻ phản nghịch, tội rất lớn xin phép gia hình để răn họa loạn tặc, chúa bèn nghe. Anh cúi đầu chịu chết."
[259] Tên tước của Bùi Huy Lương.
Lại nói Thượng vương từ khi mới ngồi cai trị trong miền, gần xa rộng ban ơn đức, đối xử với các tướng thân tình như anh em, thương yêu chúng dân như con đỏ, nhẹ phu dịch, ít thuế khóa, thận trọng ngục tụng, thương xót hình phạt, thời bấy giờ trở nên đời thịnh trị. Chúa bèn xuống lệnh dời cung điện đến Kim Long, huyện Hương Trà. Nơi đây núi vòng sông lượn, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng là nơi bậc đế vương định đô để trị vì bốn phương thiên hạ.
Lại nói tháng mười năm ấy, ở miền biên phía bắc sông Gianh, trấn thủ Hiền Tuấn hầu nghe tin chúa Nam là Thụy quốc công đã về chầu trời, đấm tay xuống chiếu khóc lớn, lấy làm đau tiếc lắm. Lại nghe tin thế tử Nhân quận công nối ngôi, thầm nghĩ rằng: "Nhân quận công còn ít tuổi chưa hiểu việc quân quốc đại sự lại chưa từng trải chiến trận, khó giúp sức cho mình được. Chi bằng khấu đầu chịu tội với triều đình để lại mưu đồ kế khác."
Nghĩ vậy Hiền Tuấn hầu bèn sai người về kinh dâng khải chịu tội, trình bày các lẽ lợi hại để cho triều đình khỏi dị nghị bàn tán. Thanh Đô vương Trịnh Tráng tha cho lỗi lầm cũ, lại thăng cho Nguyễn Khắc Tôn là đô đốc chỉ huy đội quân Trung Thuận, tước Hiền quận công, vẫn giao cho làm trấn thủ châu bắc Bố Chính. Hiền Tuấn cả mừng, từ đó có ý dòm ngó đất đai của Nam triều.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro