Hồi 7
Mắc mưu Chiêu Vũ, Thanh Đô vương lui quân về Bắc
Ra thăm Sãi vương, Cống quận công tiến cử rể hiền.
Lại nói năm Bính Dần, niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ tám (1626), ở Nam trấn, chúa Sãi vương đã nhiều năm không muốn đích thân xét quyết việc chính sự, mọi việc hình phạt kiện tụng đều uỷ cho em là Tổng trấn Tường quận công xử lí. Từ đó các quan văn võ hàng ngày vào chầu ở vương phủ một lúc sáng sớm đến khoảng giờ Thìn lại sang dinh của Tường quận công hầu việc. Nếu có kẻ nào phạm tội bàn xét đáng tội chết thì mới bẩm trình lên chúa để thi hành. Sãi vương chỉ khoanh tay rũ áo sửa đức làm nhân, chăm thương dân chúng, ngày đêm một niềm mong ước có người hiền tài giúp rập để lo toan khai sáng cơ nghiệp. Nhưng chưa tìm được người như thế, chúa vì thế buồn lo trong lòng.
Tháng Sáu, Sãi vương sai gọi Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật là con trai tham tướng Triều Văn hầu vào triều lại trao cho chức văn quan như trước. Từ đó Chiêu Vũ ngày đêm dự bàn tiệc quân cơ, bàn luận chính sự.
Chiêu Vũ là người có tài thông tim bác cổ, học sâu đạo lí hơn người, lại nói năng lưu loát, vì thế rất được Sãi vương yêu mến. Sãi vương từng muốn giao phó cho Chiêu Vũ việc lớn mở mang cõi bờ, nhưng vì còn thiếu người, hãy tạm thời cất nhắc sử dung để chờ đợi trong ngoài. Khi có người hiền tai đến giúp sẽ tuỳ đó mà cử động.
Lại nói chuyện tháng tư năm ấy, ở Bắc triều ngôi điện mái bằng trong hoàng cung tự dung bỗng có máu từ trên một cột trụ chảy xuống loang cả nền nhà, mùi hôi tanh nồng nặc. Thanh Đô vương sai đạo sĩ lập đàn cầu tạ để giải trừ đến ngoài tháng bảy mới hết. Vua Lê càng thêm lo lắng vì chưa biết triệu chứng lành dữ ra sao?
Mùa thu, tháng tám, Thanh Đô vương Trịnh thái bảo Đăng quận công Nguyễn Khải cùng với quan đốc thị là thiếu bảo Hình bộ thượng thư Quỳnh quận công Nguyễn Thế Danh thống lĩnh các thuộc tướng là bọn Hội quận công, Dụ quận công, Phú quận công đem năm nghìn quân tinh nhuệ vào huyện Kỳ Hoa[163] đóng giữ ở xứ Cầu Doanh, chia quân đóng làm hai trại để phòng khi đánh giữ có thể hỗ trợ cho nhau. Đó là ý định của Thanh Đô vương muốn thu phục đất đai Nam triều.
[163] Kỳ Hoa: tên huyện đời Lê, gồm hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, tỉnh Nghệ Tĩnh ngày nay.
Lại nói chuyện người học trò lưu ngụ ở phủ Hoài Nhơn thuộc Nam triều là Lộc Khê Đào Duy Từ, từ khi thay hình đổi dạng che giấu tung tích, gửi thân làm kẻ chăn trâu bò đi chăn dắt, đêm về lánh riêng nằm ngủ một nơi, người nhà không ai hay biết. Một hôm chủ nhà mời những người nho học tới sum hội. Đến khoảng chập tối mọi người đang vui vẻ ngồi đàm luận kinh sử thì Duy Từ lùa trâu về ràn. Buộc trâu xong, Duy Từ tay cầm chiếc roi trâu, vai đeo nón lá, lưng quấn khổ vải đi đến chỗ trước các ông khách nho, ghếch chân lên bực thềm đứng nhìn chằm chặp. Các ông khách có người quát, có người mắng đuổi. Duy Từ chỉ nhếch mép cười, giả làm như không biết gì cả. Chủ nhà mắng rằng:
- Ngươi là đứa ở chăn trâu, vốn không biết đạo Khổng Mạnh, đã đưa trâu vào ràn thì xuống bếp tìm cơm ăn rồi đi mà nghỉ, sáng mai cho trâu ra sớm, còn đứng đấy nhìn gì cho phí sức mệt xác? Huống chi các vị nho học đây đều là bậc quân tử, còn ngươi là hàng tiểu nhân, thế mà dám ngang nhiên đứng trước mặt, chẳng biết khiêm tốn cung kính gì cả. Thế là có tội đấy.
Duy Từ nghe xong ha hả cười vang, đáp rằng:
- Nho thì cũng có hạng nho quân tử, nho tiểu nhân. Chăn trâu cũng có kẻ chăn trâu anh hùng, kẻ chăn trâu tôi tớ, cao thấp không giống nhau, hiền ngu chẳng phải ruột. Còn nay tiểu nhân tôi đứng nhìn thì chẳng liên can gì đến sự tôn quý, có tội lỗi gì mà phải xua đuổi?
Các khách nho nghe Duy Từ đối đáp như thế đều ngạc nhiên, hỏi:
- Ngươi bảo ai là nho quân tử, ai là nho tiểu nhân?
Duy Từ cười nhạt đáp:
- Phàm là nho quân tử, thì trên thông thiên văn dưới hiểu địa lí, giữa thấu việc người. Ở nhà tất phải gi đạo cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ. Đối với nước tất phải bíêt mưu lược yên dân giúp đời, cứu hiểm phò nguy, bay binh dàn trận, vào chính ra kì[164], lập công danh ở đời nay, lưu sự nghiệp cho đời sau, ngời ngời rỡ rỡ, nghìn thu không mờ. Nhà Thương có Y Doãn, nhà Chu có Thái Công[165]; nhà Hán có Vũ hầu Gia Cát Lượng, là những người như thế. Còn như nho tiểu nhân thì tài học chỉ ở chỗ tầm chương trích cú, cầu danh cầu lộc, lại muốn rong ruổi trên chỗ bút mực văn chương, cậy danh là nho mà cười gió cợt trăng, coi thường cả những kẻ hào kiệt ở đời. Thế thì làm sao mà hiểu được ý chí của thánh hiền, đạo lớn của vua tôi? Huống chi nửa đường may mà được ra làm quan, nhất thời được giao cho việc coi sóc dân chúng, xử lí chính trị thì trăm phương nghìn kế mưu đồ lợi riêng, không nghĩ rằng sâu mọt hại dân là điều đáng sợ. Lại may hơn nữa mà được dự bàn kế sách lớn, xét quyết công việc đại sự của quốc gia thì mặc cho người khác hết lòng lo toan suy nghĩ, còn tự mình thì bàn tán rông dài, thao thao bất tuyệt. Như bọn Kiểu Hạo, Vương Diễn ở đời Tấn thì có gì đáng phải nói đến!
[164] Kì, chính: là thuật ngữ quân sự thời cổ; dàn quân đối trận với quân địch là chính (chính trận), phục quân đặt hiểm, lợi dụng chỗ sơ hở để tấn công gọi là kì (kì trận).
[165] Tức Thái Công Vọng người thời cuối Ân đầu hục, mưu sĩ có công giúp cho Chu Vũ vương diệt Trụ lập ra nhà Chu (nguyên họ Khương tên Thượng). Chu Văn vương đi săn gặp Thượng ngồi câu bên bờ sông Vị, nói: "Cha tôi mong ông đã lâu rồi" (Ngô thái công vọng tự cửu hỉ), nhân đó người ta thường gọi Thượng là Thái Công Vọng.
Các ông khách nghe xong cả kinh, lại hỏi rằng:
- Còn kẻ chăn trâu anh hùng, kẻ chăn trâu tôi tớ ra sao, khá nói luôn rõ ràng cho nghe một thể!
Duy Từ hơi chút mỉm cười rồi nói:
- Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Nịnh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan[166] tung lửa đốt giặc thu lại hết thành trì đã bị mất vào tay nước Yên. Hứa Do[167] cho trâu uống nước ở khe mà có thể phân biệt được hưng vong trị loạn, Bách Lý Hề[168] chăn dê ở miền hoang nước Tần mà biết được thời vận bĩ thái, thịnh suy. Đó là những kẻ chăn trâu dắt dê anh hùng. Còn những kẻ chăn trâu tôi tớ, thì quẩn quanh trong cõi, xe chở đấu lường, no thì bỏ thừa, đói thì xin ăn. Hoặc ban ngày bỏ trâu đi trộm quả, ban đêm ngủ khướt, quên rơm cỏ cho trâu bò ăn. Bọn ấy chỉ biết một thời mình, tắm mưa dãi gió coi quỷ thần cũng chẳng có gì đáng sợ, coi cha mẹ không đáng cậy nhờ, lêu lổng chơi bời không bờ bến, ngu muội vô chừng, thuận chí vui thì hò reo hô hoán, giận thì chẳng còn thân sơ, làm xấu lây cả các bậc cha anh, để oán giận cho hàng xóm. Đấy là hàng chăn trâu tôi tớ, chẳng cần phải hỏi để làm chi!
[166] Điền Đan: Người nước Tề thời Chiến quốc, dùng hơn một nghìn con trâu buộc sậy khô, tẩm dầu vào đuôi trâu rồi đốt lửa thả ra ngoài thành, quân Tề theo đàn trâu xông ra đánh thắng quân Yên.
[167] Hứa Do: Tương truyền vua Nghiêu tìm đến núi Cơ để nhường ngôi cho Hứa Do. Hứa Do đang cho trâu uống nước đáp rằng: "Ông trị thiên hạ thì thiên hạ đã trị rồi, tôi phải thay ông làm gì nữa?"
[168] Bách Lý Hề: Người nước Ngu thời Xuân Thu, bỏ sang nước Tần, tự bán mình đi ở chăn trâu cho người với giá năm bộ da dê. Tần Mục Công biết Hề là người hiền, sai đem năm bộ da dê đến chuộc về, phong làm đại phu (ba điền trên đây đều nói đến việc chăn dùng trâu, dê hợp với cảnh ngộ của Đào Duy Từ lúc bấy giờ).
Các ông nhà nho nghe Duy Từ nói năng lưu loát, bác cổ thông ki, ai nấy đều kinh hãi ngồi nhìn, rồi cùng đứng cả dậy khoanh tay thưa rằng:
- Ông quả là bậc thầy cao minh!
Rồi mời Duy Từ cùng ngồi, nhưng Duy Từ khiêm nhường vẫn đứng. Các ông đồ phải xuống dưới thềm dẫn Duy Từ lên ngồi chiếu trên.
Chủ nhà thấy vậy lấy làm lạ, bèn thúc giục các ông khách nho hỏi thêm nhiều nữa về học thuật của Bách gia chư tử, ba giáo chín dòng[169]. Lộc Khê Đào Duy Từ đáp lời, tất cả đều nói qua một lượt, không sai sót một chữ nào, ai nấy đều rụt đầu lè lưỡi hồi lâu vẫn chưa hết ngạc nhiên. Ông lão chủ nhà thấy vậy vui mừng khôn xiết, vỗ vai Lộc Khê mà nói rằng:
- Tài giỏi như vậy sao lại giấu mắt lão phu? Đến nỗi mấy tháng nay phải phong trần dính áo, ngọc đá chẳng phân? Ấy là lỗi của lão phu không sáng suốt. Có tội lắm! Có tội lắm!
Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới cho Duy Từ, mời ngồi giảng học không làm việc chăn trâu nữa.
[169] Tam giáo: Nho, Phật, Đạo; Cửu lưu: chín dòng phái học thuật của Trung Quốc như: nho gia, đạo gia, pháp gia...
Ngày tháng trôi qua rồi chủ nhà tiến cử Lộc Khê với quan khám lí Cống quận công Trần Đức Hoà. Cống quận công cùng Lộc Khê ngày đêm bàn luận việc cổ kim, các lẽ hưng vong trị loạn, không điều gì không thông suốt. Cống quận công hết sức yêu quý, gả con gái cho dễ gắn bó tình
Lộc Khê ngày thường nghĩ việc bọn hận họ Trịnh. Mỗi khi xem đến truyện Tam quốc diễn nghĩa thấy Khổng Minh từ khi ra khỏi thảo lư vang danh Hoa Hạ, lừng uy anh hùng, vẫn muốn noi theo, bèn sáng tác một thiên Ngọa long cương vãn (Khúc ngâm núi Ngọa Long)[170] đem trình Cống quận công. Cống quận công xem bài Vãn thấy văn từ khoáng đạt, sự tích tinh thông, có tài quân sư của bậc đế vương, trong lòng rất lấy làm mừng, bèn cầm bút đề mấy chữ: "Trời sinh minh chúa trị dân, tất có hiền tài giúp rập. Lộc Khê chính là Ngọa Long tiên sinh ngày nay." Từ đó cảm tình của Cống quận công đối với Lộc Khê càng thêm thân quý, dự tính sẽ tiến cử với chúa Nguyễn. Người đời sau nhân đó có thơ bình tán Lộc Khê rằng:
Huyền vi trù nghĩ đã bao ngày,
Hiển hách cao danh thật sáng thay.
Ngọc tỏa non cao người chẳng biết,
Châu chìm nước biếc chúng khôn hay.
Gió mây rồi có ngày mây gió,
Cả nước đâu hơn cả nước này.
Một sớm sấm vang theo mưa xối,
Ao tù vùng vẫy thấy rồng bay!
[170] Ngọa Long cương: Tên gọi núi nhỏ ở quận Nam Dương (Trung Quốc), nơi ở ẩn của Gia Cát Lượng (tự Khổng Minh) người đời thường gọi là Ngọa Long tiên sinh (sau Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị dự nên cơ nghiệp nhà Thục Hán).
Lại nói chuyện Thanh Đô vương ở Bắc triều từ năm Giáp Tý sai người vào hỏi chúa Nam về việc tô thuế đến bây giờ đã cách ba năm mà vẫn không thấy chở ra nộp. Lại nghe nói Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên ở xứ Nam thường ngày luyện binh tuyển tướng, dạy tập voi ngựa, sửa sang khí giới chiến thuyền, rắp tâm ra mặt chống cự. Thanh Đô vương Trịnh Tráng bèn sai Binh khoa cấp sư trung Mỹ Toàn bá Nguyễn Hữu Bản đem sắc dụ vào Nam đốc thúc việc nộp lương tiền.
Nguyễn Hữu Bản vâng lệnh lên đường, ngày đêm rong ruổi đến Thuận Hóa, vào ngay phủ dinh của Nam chúa để chuyển đạt sắc dụ. Thụy quân công tiếp sắc thử mở ra xem. Lời sắc nói:
"Hoàng thượng ban sắc dụ cho thái bảo Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên biết rằng: Mệnh lệnh của triều đình, người làm tôi cần phải tuân theo. Việc to thuế ở châu quận các phiên tướng[171] không được chuyên đoán theo ý riêng. Ngày trước đã sai bọn Công bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Phương Tuyền hầu Nguyễn Duy Thì, Bá khê hầu Phan Văn Trị vào xứ Thuận Hóa nói rõ tình ý, bảo cho biết sự họa phúc để tỉnh ngộ mà tuân theo mệnh lệnh của triều đình. Không ngờ hãy còn mê muội chưa biết lẽ hơn thiệt, chỉ mượn cớ tâu thưa qua lại để kéo dài ngày tháng, đến nỗi thóc tiền thu phát chia cấp đều không được rõ. Đạo người làm tôi có như thế chăng?
Nay ngươi nên sửa lỗi trước, tuân giữ phép tắc chế độ. Phàm là tô thuế của hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam từ năm Quý Hợi (1623) trở về trước đã nói gặp lúc mất mùa thì đều cho miễn cả. Nhưng từ năm Giáp Tý (1624) trở lại đây thì phải theo đủ lệ ngạch mà thu nộp cho đủ số như lệ thuế về thời quốc công trước[172], phải mau chóng đốc thúc đem thuyền tàu chở ra nộp số thóc thuế ấy, cùng với các khoản cống nộp về binh lính, voi ngựa. Hoặc tự mình đến kinh đô chầu mừng, hoặc sai con làm con tin đi thay, để nhìn thấy cảnh tượng trong nước mà hiểu rõ sự kính lễ của bực đại thần. Như thế thì triều đình sẽ cho ngươi gia thăng phẩm tước để rạng rỡ tổ tong. Phải cẩn thận chớ chậm trễ hoặc nghi ngại mà không chịu đến thì triều đình sẽ phải xử trí. Kính tuân sắc dụ."
[171] Phiên tướng: Tướng trấn thủ ở vùng biên giới.
[172] Tiền quốc công: Vị quốc công đời trước, chỉ Nguyễn Hoàng.
Nam chúa xem xong cả cười bảo sứ giả:
- Ta vốn biết Thanh Đô[173] là kẻ quên ơn chuốc oán, ích mình hại người, không đoái đến tình thân thích, không nghĩ đến đại nghĩa, tự ý làm sắc dụ đưa vào đây, nói càn là của hoàng đế để dọa ta. Lẽ nào vua Lê đích thực có làm cái sắc dụ này hay sao? Huống chi thiên tử do trời sai xuống, là bậc nhân từ đại độ, lượng cả bao dung, thảy đều tốt đẹp, biết suy nghĩ việc xưa để thể nghiệm ở đời nay, có đâu nhẫn tâm quên ơn con cháu bậc công thần! Nay ta cai quản hai xứ đây, chẳng qua là một trấn nhỏ, thuế má có đáng là bao mà cứ sai sứ đi đòi hỏi luôn luôn, chỉ thêm phiền phí. Nếu Thanh Đô nghĩ đến công lao của Thánh tổ Tiên vương ta thì nên dâng biểu xin hoàng thượng cắt gộp luôn cả xứ Nghệ An giao cho ta cai quản, ngõ hầu mới xứng đáng công lao của đời trước, cần gì phải mượn oai hổ mà hù dọa ta?
[173] Tức Thanh Đô Vương (Trịnh Tráng): chỉ gọi tên tước không kèm theo chữ "vương" là gọi ngang.
Thụy quốc công nói xong lại cười lớn. Sứ giả nghe nói lấy làm sợ hãi không dám mở miệng hỏi lại. Tiếp đó các đại thần văn võ ở triều đình cũng nghiêm giọng nói:
- Các ông sao cứ giữ mê đến như thế? Người đầu tiên chiêu tập nghĩa binh để khuông phù nhà Lê, phục hồi nghiệp đế đều là công sức của tổ tông nhà họ Nguyễn, chẳng phải chỉ một mình họ Trịnh mà có thể làm nổi. Đối với việc giữ yên xã tắc, nhất thống sơn hà, lẽ nào người có công cao mà không thưởng được không? Hơn nữa họ Trịnh lại tiếm đoạt quyền chính, càn rỡ, tự cho mình là to, trên khinh nhờn thiên tử, dưới hiếp đáp đình thần, ai nấy đều không dám hé răng. Phú quý đã tột mức mà không chịu dừng. Nay lại thôi thúc chủ chúng tôi đưa tô thuế ra nộp. Phải chăng là coi dân xứ Nam chúng tôi như đàn bà con gái? Nếu tự cậy là anh hùng, thì đó anh hùng, chúng ta đây cũng là hào kiệt, há chịu khom lưng để cho người ta nắm cổ tay lôi đi hay sao?
Thụy quốc công nghe các tướng nói xong, bèn đập tay cười vang mà bảo các tướng rằng:
- Các ông không cần phải nhiều lời nữa. Ta với Thanh Đô là chỗ tình nghĩa thân thích, ơn như tim phổi, chớ vì chuyện tín nghĩa mà gây thù kết oán để thiên hạ người ta chê cười cho. Ấy không phải chuyện hay.
Rồi đó Thụy quốc công quay lại nói với sứ giả:
- Thụy quốc công nói xong sai người đem bạc và lụa hậu tặng cho những người trong sứ bộ của Bắc triều.
Chuyện nói đến đây chia làm hai đằng kể tiếp:
Những người trong sứ bộ Bắc triều bị lời lẽ áp đảo, đành nén lòng vái chào lên đường trở về Bắc, đem lời phúc đáp của Nam chúa là Thụy quốc công bẩm trình với Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Thanh Đô vương nghe xong cả giận muốn dốc hết quân lính đi đánh phạt Nam chúa, nhưng vì bấy giờ đã sắp hết năm nên đành phải tạm lắng.
Năm Đinh Mão, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ chín (1627), tháng giêng, ở Bắc triều, Thanh Đô vương Trịnh Tráng từ khi Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bảng vâng lệnh đi sứ vào Nam trở về bẩm trình công việc như thế, Thanh Đô vương rất làm căm tức đối với Thụy quốc công, muốn cất quân đánh lấy hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa. Nhưng nghĩ rằng đem quân đi đánh như thế không có danh nghĩa gì. Rồi đó Thanh Đô vương bèn nghĩ ra một quỷ kế, mật sai người vào Nam trấn làm như thế, như thế... Nếu chống lệnh, tất đem quân vào đánh hỏi tội có lí lẽ, bấy giờ hãy xuất quân cũng chưa muộn.
Rồi đó Thanh Đô Vương sai trung sứ là An Toàn hầu Lê Đại Nhậm[174] đi Thuận Hóa, vào phủ chúa bẩm với Sãi vương rằng:
- Hoàng thượng có lệnh truyền cho Nam chúa phải đưa công tử cưng nhất về kinh chầu hầu làm con tin. Một là chầu cửa vua để vẹn đạo quân thần, hai là hầu việc ở vương phủ để thể hiện tình anh em với chúa Trịnh. Lại phải chọn voi đựa ba mươi con, thuyền biển ba mươi chiếc cùng lúc đưa ra nộp ở triều đình để làm lễ cống cho nhà Minh còn thiếu năm trước, phải mau mau sai người đem ra tiến nộp, chớ để chậm trễ. Trái lệnh vua là phạm tội không thể dung tha, chẳng có lí lẽ gì để oán trách nữa.
[174] Sứ giả của Trịnh Tráng mang sắc phong vào Thuận Hóa năm 1627. Toàn thư không chép, CNDC và ĐNTLTB chép là An Toàn hầu Lê Đại Nhậm. Đến thời Tự Đức, vì kiêng húy Nhậm nên Cương mục phải đổi là Lê Đại Dũng (nhậm và dũng là hai từ đồng nghĩa).
Thụy quốc công nghe sứ giả nói, cho là thậm vô lí, hết sức tức giận, nhưng vẫn giả làm ra vẻ tươi cười, nói với sứ giả rằng:
- Vâng lệnh hoàng thượng, ông hãy trở về. Tôi muôn lạy hoàng đế, sau nữa gửi lời chào Thanh Đô. Tôi vẫn nghe nói lệ vật nước ta nộp cho nhà Minh chỉ là vàng tốt và kì nam mà thôi, hai thứ ấy đúng là vật quý, còn như voi đực và ghe thuyền thì từ trước đến nay không thấy có lệnh ấy. Huống chi voi thì còn ở trên rừng, tôi đã sai tìm mà chưa bắt được. Thuyền biển thì gỗ lạt hết nhẵn, đang sai quân đốn chặt. Nếu có lệnh tuyên nộp gấp cũng hãy tạm chờ vài năm để làm cho hoàn bị, rồi sẽ sai người ra báo tin. Còn như lệnh đòi đưa công tử về kinh làm con tin thì con tôi còn bận việc coi sóc quân sĩ, đúc sung lớn, sửa sang khí giới để đề phòng sự bất trắc bốn phương, chưa rỗi để về kinh chầu hầu! Có về cũng phải đợi vài năm nữa cho công việc xong xuôi bấy giờ hãy ra kinh đô bái yết hoàng đế cũng chưa muộn! Còn như tức tốc phải làm theo ngay, thì là bức bách nhau, tôi chưa dám vâng mệnh vậy.
Sức giả nghe Nam chúa nói xong, vái chào trở về kinh, vào triều bẩm với Thanh Đô vương lời lẽ phúc đáp của Nam chúa. Thanh Đô vương nghe xong cả giận, vội sai triệu các tướng vào phủ chúa hội họp để bàn việc cất quân đi đánh xứ Nam.
Tháng ba, Thanh Đô vương đích thân thống lĩnh đại quân thủy bộ rước xa giá vua Lê đi đánh phạt xứ Nam.
Tháng tư, đại quan tiến đến cửa Nhật Lệ, chia quân đóng trại đồn trú, làm thành thế trận để phối hợp tiến đánh.
Bấy giờ Sãi vương được tin báo bèn triệu các quan văn võ vào phủ dinh bàn định, vương sai tướng người họ là Vệ quận công[175] làm tiết chế, Lương quận công[176] làm phó, quan văn là Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật làm giám chiến đem bộ binh tiến theo đường thượng đạo[177]. Lại sai con là Trung Tín hầu làm tiết chế thủy sư đem thủy binh đi tiếp ứng cho bộ binh, dàn quân để đợi đánh quân Bắc triều.
[175] Tức Nguyễn Phúc Vệ (Theo hệ tính của nhà Nguyễn gọi là Tôn Thất Vệ), cháu nội của Nguyễn Hoàng, gọi Phúc Nguyên bằng chú (con thứ tư của Hà quận công Nguyễn Phúc Hà).
[176] Tên tước của Trương Phúc Gia.
[177] Thượng đạo: đường đi ở miền núi,đường núi.
Lại nói, ngày mồng mười tháng ấy, tiết chế cánh quân đi xuống thượng đạo là Vệ quận công, quan văn giám chiến là Chiêu Vũ, chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu trong rừng núi, bất ngờ xông ra đánh quân của Bắc triều. Hai bên đánh lớn mấy trận chưa phân thắng bại. Bên Trịnh tung thêm quân ra sức tiến đánh. Bên ta giữ vững đồn lũy không đem quân ra ngoài.
Ngày 13, giám chiến Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật, cùng với Lương quận công Trương Phúc Gia bàn mưu thi hành kế phản gián. Sai gián điệp[178] lẻn ra miền Bắc tung tin đồn rằng: Anh em của chúa là bọn quận Gia, quận Nhạc[179] cùng mưu dấy loạn ở kinh đô muốn đoạt ngôi chúa. Chẳng mấy hôm lời phao đồn bay đến miền Nam hà[180], Thanh Đô vương nghe biết cả kinh. Từ đó vua tôi an hem nghi ngờ lẫn nhau, trễ biếng việc đánh chác, quân sĩ không muốn chiến đấu. Thanh Đô vương Trịnh Tráng bèn hạn lệnh rút quân về kinh đô để giữ chắc căn bản.
Bấy giờ tướng Nam triều là công tử Trung Tín hầu[181] dò biết tin Trịnh Tráng rút quân về liền dẫn quan đuổi theo đến bờ nam sông Gianh. Nhưng khi ấy quân Trịnh đã đi xa rồi. Trung Tín hầu bèn thiệt thoái quân sĩ về trong xứ. Về đến nơi, Trung Tín hầu vào phủ báo tin cho Sãi vương biết. Sãi vương cả mừng, khen ngợi Trung Tín hầu hồi lâu. Rồi đó vương sai mở tiệc khoản đãi các tướng, trọng thưởng cho Chiêu Vũ, chuyện ấy khỏi phải nói.
[178] Nguyên văn "Tế tác nhân" (người làm những việc nhỏ nhặt, tức những việc khôn ngoan mưu trí), danh từ thời cổ có ý nghĩa tương tự như người làm gián điệp, do thám.
[179] Tức Trịnh Gia và Trịnh Nhạc.
[180] Tức phía Nam sông Nhật Lệ, vùng do chúa Nguyễn kiểm soát. Bấy giờ quân Trịnh vượt sông Gianh đã vào đến Nhật Lệ.
[181] Tên tước của chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung, con thứ tư của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (sau mưu phản chết trong ngục).
Lại nói bấy giờ khám lí Cống quận công Trần Đức Hòa ở phủ Hoài Nhơn nghe tin Sãi vương dẹp giặc thắng lớn, bèn thân hành về công phủ chúc mừng. Cống quận công chúc mừng đã xong, Sãi vương gọi vào trong điện mời ngồi, hỏi thăm dân tình Quảng Nam làm ăn yên vui hay đau khổ ra sao. Khám lí Cống quận công thưa rằng:
- Nhờ chúa thượng rộng ban ơn đức, hiệu lệnh nghiêm minh, thân gần những người trung thần lương tướng lánh xa những kể xiểm nịnh gian tà, ngăn cản hung bạo, trừng phạt ác cướp, người người đều tuân theo mệnh lệnh, trăm họ đều được yên cư, vỗ bụng ca mừng, khen là đời sáng thịnh, có gì là đau khổ đâu!
Sãi vương nghe nói cả mừng. Sau đó khám lí Cống quận công đứng dậy lấy trong ống tay áo ra bản chép bài văn của Lộc Khê trình lên Sãi vương nói rằng:
- Ở nhà thần có một viên huấn đạo[182] nhân lúc nhàn rỗi làm bài văn Ngọa Long cương. Thần là kẻ quê mùa nông cạn, thấy bài văn từ điệu thanh nhã, lời lẽ giúp nước cứu đời, có ý vị sâu đượn, xin chúa thượng ngó thử xem hay dở ra sao.
[182] Huấn đạo: Giáo chức trông coi việc học ở một huyện.
Sãi vương cầm bài văn lên xem thấy quả là có tài vén mây rẽ mù, đủ thuận đẹp loạn lập trị, so với thơ văn tài tử của cổ nhân, không phải là thua kém lắm. Sãi vương thấy vậy trong bụng cả mừng, bèn bảo khám lí Cống quận công:
- Khanh mau vời người ấy đến để ta sớm được gặp mặt, thỏa lòng hằng mong.
Cống quận công Trần Đức Hòa vái chào trở về, cách mấy tháng sau cùng đi với Lộc Khê ra công phủ chầu đợi. Cống quận công bèn sắm mũ chầu đưa cho Lộc Khê đội để cho đầy đủ nghi thức tiến dẫn. Nhưng Lộc Khê nói:
- Có chức thì mới có đội mũ, không có chức thì không dám đội.
Bèn gạt đi không dùng, cứ để đầu trần theo Cống quận công vào phủ chúa.
Bấy giờ Sãi vương đang ngồi trên điện trầm ngâm nghĩ ngợi, tìm cách để thử người sắp được tiến dẫn, để biết người ấy trí tuệ ra sao mà tiện bề sử dụng. Vương bèn mặc áo trắng đi hia xanh, tay cầm long trượng[183] vai khoác túi vải, đi ra ngoài cửa bên đứng chờ, nét mặt vui vẻ rạng rỡ. [183] Long trượng: Cây gậy ở tay cầm chạm hình đầu rồng.
Lộc Khê trông thấy bèn hỏi Cống quận công:
- Người này là ai vậy, thưa ông?
Quan khám lí khẽ đáp:
- Vương thượng đấy! Con mau đến lạy chào!
Lộc Khê nghe nói thế chỉ cười nhạt, không chịu đến chào, rồi rảo chân quay bước đi ra. Lộc Khê gần ra khỏi sân, Cống quận công đuổi theo kịp trách rằng:
- Chúa ngự ra đây để đợi cơi, sao con không lạy chào? Con không chịu lạy thì tội tất phải quy vào ta thôi!
Lộc Khê đáp:
- Đấy là tư thế của vương thượng lúc sắp đi dạo chơi cùng với bọn con gái, không phải là nghi lễ tiếp khách đãi hiền. Nếu con lạy chào tức là phạm vào tội khi quân[184], vì thế không dám lạy, có tội gì đâu?
[184] Khi quân: lừa dối, vô lễ với vua.
Khám lí Cống nghe nói thế phát gắt, thúc giục Lộc Khê đến lạy chào, nhưng Lộc Khê vẫn đứng yên một chỗ chỉ cười khẽ mà thôi. Thế là Sãi vương biết ý, trong lòng rất mừng, bèn trở vào trong phủ sửa sang áo mũ, lên ngồi ở công đường, sai nội giám lấy áo mũ quan văn đem ra ban cho Lộc Khê, rồi mời vào sảnh đường bái yết.
Lộc Khê cùng đi với viên nội giám vào trong sảnh bái yết Sãi vương. Nghi thức lạy chào xong, Sãi vương đứng dậy tiếp lễ, nói với Lộc Khê:
- Ta đợi nhà thầy[185] đã lâu, sao thầy đến muộn thế?
[185] Nguyên văn xưng từ "tử", tiếng xưng hô dành cho người có tài đức cao mà mọi người tôn trọng như bậc thầy.
Lộc Khê rằng:
- Thần là kẻ hủ nho nơi thôn dã tài thưa học cạn, tiến thoái đều lo sợ đến nỗi chậm trễ khiến chúa thượng phải trông mong, thần muôn lần cam chịu lỗi!
Sãi vương nói:
- Quân thần hợp đạo với nhau là nhân duyên ngàn năm chung hội một nhà. Các bậc đế vương ngày xưa chọn người hiền tài giúp rập để tác thành sự nghiệp lớn. Nay ta được gặp thầy, cũng là như thế chăng?
Lộc Khê nhân đó thưa rằng:
- Thần vốn chỉ là kẻ thư sinh không nơi nương dựa, được đội ơn sâu của thánh thượng thu dụng, cho trổ sức trâu ngựa để báo đền tấm ơn đặc cách quá người. Thần không dám tự ví mình như ông lão ngồi câu trên sông Vị[186], như kẻ nông phu cày ruộng ở đất Sằn[187], nguyên xin chúa thượng bao dung khoan thứ.
[186] Chỉ Thái Công Vọng (hoặc Lã Vọng).
[187] Chỉ Y Doãn (khi chưa ra giúp Thành Thang nhà Thương. Y Doãn chỉ làm kẻ cày ruộng ở đất Sằn.
Sãi vương nghe nói không ngớt khen thầm trong bụng, bèn phong cho Lộc Khê quan hàm kim tử vinh lộc đại phu đại lí tự khanh, vệ úy nội tán, tước Lộc Khê hầu, được dự bàn các việc quốc chính quân cơ trong ngoài.
Lộc Khê vái tạ nhận chức rồi lui chầu. Khám lí Cống quận công mừng vui khôn xiết. Từ đó Sãi vương thường gọi Lộc Khê vào phòng riêng cùng bàn luận sự việc cổ kim, các mưu kế giúp vua yên nước, dẹp bạo, trừ gian, có khi suốt cả ngày không mệt chán, vua tôi đều mừng vui bội phần. Người đương thời thấy Sãi vương tin dùng Lộc Khê không câu nệ thứ bậc trên dưới, nhân đó có thơ vịnh rằng:
Nắng rọi sao ngời chiếu khắp miền;
Quân thần tựa nước cá ưa duyên.
Kế mưa trù tính quy mô lớn,
Chính sự khuông phù xã tắc yên.
Chí mạnh tôn vua nuôi hoài bão,
Lòng son giúp chúa gánh ưu phiền.
Nam Dương người rặng Nam Dương đó[188]
Giúp rập cơ đồ ức vạn niên.
[188] Nam dương: Gia Cát Lượng trước khi ra giúp Lưu Bị ở bên núi Ngọa Long, đất Nam Dương người ta thường gọi là Nam Dương Công.
Lại nói Thánh Đô vương Trịnh Tráng ở Bắc triều từ khi rước xa giá vua Lê đi đánh Nam hàn, nghe nói quận Gia, quận Nhạc dấy loạn ở kinh đô bèn rút quân trở về đến kinh xét hỏi nguyên do thì không có tin tức gì về việc ấy, Trịnh Tráng mới hay là đã bị kế phản gián của người Nam, lấy làm xấu hổ bèn lờ đi không nhắc đến việc ấy nữa.
Mùa thu, tháng tám, mở khoa thi hương chọn cống sĩ, những người trúng tuyển đều được triệu về kinh bái yết, ban cho tiền lụa có thứ bậc khác nhau, từ đó thành định lệ.
Năm ấy dân bốn trấn[189] bị thiên tai lũ lụt, trăm họ người chết đói chết rét, bỏ nhà đi xiêu tán khắp nơi rất nhiều. Thanh Đô vương rất lấy làm lo buồn, nhưng thóc gạo trong kho đã vận chuyển để dùng vào việc binh hết sạch, không còn gì mà chẩn cấp.
Năm Mậu Thân, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ mười (1628), mùa xuân, tháng hai, Thanh Đô vương sai em là thái bảo Quỳnh quận công[190] làm đề điệu[191], mở khoa thi hội các cống sĩ, lấy đỗ bọn Giang Văn Minh mười tám người. Vương thân ra đầu đề văn sách, ban các hạng cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau.
Năm ấy, Thanh Đô vương nghĩ đến Lê Thái Tổ Cao hoàng đế cùng là Minh Khang thái vương[192] và Tiên Triết vương[193] là các vị có công lớn trong việc bình Ngô diệt Mạc, sai quan đi cất dựng đế miếu ở Thanh Hoa, Nghệ An và các nơi khác ở bốn trấn, phụng rước bài vị hoàng đế và các tiên vương về phụng thờ, bốn mùa trưởng tế để tưởng nhớ công lao. Đó là đạo vua tôi rất mực vậy[194].
[189] Bốn trấn: tức là các trấn xung quanh kinh đô Thăng Long (Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam).
[190] Quỳnh quận công, cũng tức là Quỳnh Nham công, tên tước của Trịnh Lệ.
[191] Đề điệu: viên quan điều khiển toàn bộ một khoa thi (dùng đại thần ban võ).
[192] Minh Khang Thái Vương: Thụy hiệu của Trịnh Kiểm.
[193] Tiên Triết Vương: Thụy hiệu của Trịnh Tùng.
[194] Nguyên thư đến đây còn chép tiếp mấy dòng về sự việc năm Vĩnh Tộ 11 (1619) nhưng bỏ dở, các văn bản hiện còn bị thiếu đoạn này.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro