Hồi 22
Thuận Nghĩa với Chiêu Vũ bất hòa
Quận Lan giữ Đồng Hôn đại bại.
Thơ rằng:
Cờ xí tung bay nhật nguyệt cao,
Hùng binh muôn đội chấn anh hào.
Uy như hổ báo nương rừng núi,
Thế tựa giao long cuộn sóng trào.
Gia Cát mưu thần rung chẳng chuyển,
Bá Ôn diệu toán khó động dao.
Anh hùng nay trước đà bao kẻ,
Chiếc ngựa bon nhanh vượt thác gào.
Lại nói năm Canh Tý, niên hiệu Thịnh Đức thứ tám (1660), hạ tuần tháng giêng, viên đội trưởng quân chính đạo là Bái Kiều đến dưới trướng của tiết chế Thuận Nghĩa trình rằng:
- Hạ chức ở trong quan dò biết quan tướng dân phu người Nghệ An thường tụ họp trong núi vắng hoặc ở các chùa chiền, hoặc chụm đầu rỉ tai bàn tán, có ý muốn làm phản về với người Bắc. Nhưng vì chưa nghe đích xác họ nói những gì, chỉ xin quan tiết chế đề phòng cẩn thận để khỏi rơi vào mưu kế của bọn tiểu nhân.
Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong hỏi Bái Kiều:
- Ta từng biết lời lẽ riêng tư của quân lính có điều không hợp, cử chỉ, việc làm có ý không theo lệnh trên, ngươi bất tất phải nói rõ. Nhưng ngươi đã biết chuyện thì giao cho ngươi thám thính tỏ tường.
Bái Kiều vâng lệnh lui ra, trở về trong quân lng lẽ dò xét cho biết binh tình hư thực ra sao.
Tháng ba năm ấy, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần xuống lệnh mở khoa thi cho các viên quan lại, định chép thi chính đồ, lấy trúng cách được năm người, thi họa văn, lấy trúng cách được mười tám người. Tất cả đều được cất nhắc bổ dụng.
Lại nói tham tướng thủy quân hạ đạo là Vân Long từ bữa hội họp các tướng ở dinh tiết chế trở về hàng ngày lo luyện tập quân lính, thao dượt thủy chiến, các đội binh thuyền vùn vụt đi lại như bay. Cũng có lúc tập đổ bộ lên đánh trên bờ dương oai diệu chí, muốn khôi phục Trung đô để vẻ vang cho đời trước. Một hôm Vân Long rỗi việc đang nghỉ ngơi trong trướng, bỗng có tên lính thuộc bản doanh đến trình rằng:
- Tiểu tốt dò biết dân Nghệ An mới được tuyển vào lính phân bổ trong các cơ đội những năm trước đều tuân thủ quân lệnh. Nay nghe nói chúa Trịnh có bức thư hiểu dụ nói lý lẽ lợi hại, cho nên bọn họ đều có dị tâm, e sẽ xảy ra biến loạn. Tiểu tốt thấy bọn họ ban đêm thường đến dinh quan đốc chiến tụ hội ở nơi kín đáo không biết bàn tán những gì. Nhưng quan đốc chiến là bậc tướng tài năng mưu lược, được vương thượng tin yêu. Tuy vậy cũng có thể là quan đốc chiến có tư tình làm việc kín mà chủ tướng không hay biết. Nghiệm ra thì quan đốc chiến vì được ưu thưởng nên sịnh ra tự ý chuyên quyền. Tiểu tốt nghe được lời nói ấy xin đến trình báo. Mong minh quan thẩm xét, đề phòng.
Tham tướng Vân Long nghe báo lặng người một lúc rồi nói:
- Có lí, có lí! Ta đã biết cả.
Từ đó tham tướng Vân Long để ý nghi ngờ đối với các binh lính người Nghệ An mới theo về. Hơn nữa Vân Long nghe nói thế cũng có ý vui thích vì trước đây tham tướng Vân Long vẫn có ý tức giận đối với đốc chiến Chiêu Vũ.
Bấy giờ tướng chỉ huy quân các đạo đại khái đều nghe báo tin như thế.
Trung tuần tháng tu năm ấy, đốc chiến Chiêu Vũ ở trong quân doanh thường khổ tâm lo nghĩ để tìm cách thu được thành công vẹn toàn. Chiêu Vũ ngày đêm lo buồn, ăn không biết ngon, ngủ không yên giấc, nung thành cơn bệnh sốt rét, thân thể ngày đêm nóng lạnh thất thường, lương y phải hết sức thuốc men điều trị, bệnh tình mới hơi thuyên giảm. Chiêu Vũ than phiền rằng: "Ta muốn khuông phù công cuộc phù Lê đến chỗ thăng bình thịnh trị, giúp chúa Nguyễn khôi phục Trung đô, diệt trừ nghịch đảng cho đất nước muôn năm thái bình, tiếng thơm để lại lâu dài trong sử sách. Ý nguyện bình sinh của ta là như thế. Nay không may bị ốm, khó nói đến rong ruổi đường xa, hẳn là việc ứng với điềm chiêm bao dạo trước. Người xưa nói: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên." Lòng người như thế nhưng lẽ trời thì còn chưa rõ. Chỉ lo rằng anh em đồng liêu không thuận, các tướng bất hòa mà lỡ mất cơ hội."
Người đời sau có thơ vịnh rằng:
Thay đổi vần quanh bởi tiết trời
Than thay cây héo lá vàng rơi
Nam Kha chợt giấc đà hay biết
Gia Cát chiều lòng vẫn ghé chơi!
Bấy giờ ở cánh quân thượng đạo trấn thủ Đại Thắng, Phù Dương, tiết chế thủy quân Dương Trí, tham tướng Vân Long và các tướng khác đều nghe báo tin "Quân lính người Nghệ có lòng oán giận muốn làm phản", ai nấy lại càng thêm nghi ngờ đốc chiến Chiêu Vũ. Vả lại lòng người hay ích kỉ, ghen ghét kẻ hiền tài. Thế là bọn họ không bđốc chiến Chiêu Vũ biết, cùng nhau đến hội họp ở dinh tiết chế Thuận Nghĩa. Tiết chế ra ngoài trướng đón tiếp các tướng, mời vào trong trướng theo ngôi thứ cùng ngồi, sai bày tiệc khoản đãi. Trong khi mọi người trò chuyện, trấn thủ Phù Dương nói:
- Tiểu tướng có lời thưa chuyện sau đây, xin các vị nghe cho. Bọn chúng ta là con cháu các nhà công thần danh tướng của Nam triều, ai nấy đều có chí mây xanh vùng vẫy, khuông phò vương thất, diệt trừ nghịch tặc, mong lập công danh ở đời nay mà tên tuổi lưu truyền sử sách cho hậu thế. Ấy là chí tang bồng hồ thỉ của ke trượng phu ở đời. Còn như xếp đặt việc quân thì có ai là kẻ thấp mưu kém trí? Chiêu Vũ chỉ là hạng bạch diện thư sinh tầm chương trích cú, chỉ giỏi ăn nói kiểu cách khéo léo nên được chúa thượng thân thương, ông ta do vậy coi triều đình như chỗ không người, giả cách làm như khiêm tốn nhịn nhường, nhưng thực ra tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị. Bọn chúng ta thật rất lấy làm hổ thẹn. Nay nghe nói chúa Trịnh thường sai người đi lại căn dặn riêng tư, sớm muộn ông ta nhất định bỏ bên Nam mà về theo bên Bắc. Đến như việc quân lính Nghệ An mới theo về với ta phần nhiều cũng có lòng oán phản. Nếu để sinh biến dưới nách thì ta khó bề cử động, thế gọi là "Trong nhà xích mích, trong thành lửa cháy, tai ương chẳng phải đâu xa", kính mong tiết chế nguyên súy thẩm xét, để không phải công danh đến mà bỏ dở nửa chừng.
Phù Dương vừa dứt lời, các tướng đều đồng thanh nói:
- Bọn chúng tôi thấy lời nói vừa rồi của Phù tướng quân nếu không đúng hẳn thì cũng là lo trước vẫn hơn. Xin tiết chế xét kĩ.
Tiết chế Thuận Nghĩa thong thả nói:
- Các vị nói sai rồi. Phàm đạo làm tôi phải lấy chữ trung ái làm đầu. Trung để thờ vua, ái để xử với anh em bằng hữu. Như đốc chiến Chiêu Vũ là người quân tử lẫy lừng, đường đường là một đấng trượng phu, cũng buồn vui với mọi người. Khi có thành công thì nhường công cho người khác, khi định mưu kế thì chú ý đến ý kiến của người khác, chưa từng kiêu căng khoe khoang công trạng, đoạt lợi tranh danh. Nay bỗng dưng đâu lại có tâm địa ấy. Các ông chớ nên lấy lòng dạ tiểu nhân mà xét đoán người quân tử, sinh nghi ngờ làm mất hòa khí, để lỡ sự ủy nhiệm của triều đình.
Tiết chế Thuận Nghĩa nói xong cất tiếng cười to rồi nói tiếp:
- Các hàng tướng và binh dân Nghệ An đã có manh tâm thì không tránh khỏi nổi lên làm loạn. Ta cũng đã ít nhiều biết trước đ. Người xưa có câu: "Ngồi lâu sinh chán". Nhưng phép hành binh quý ở mau chóng, như sét đánh không kịp bưng tai. Nhưng chúa thượng còn do dự, đến nay đã năm năm chưa quyết đoán việc tiến quân. Phàm trong việc đánh giặc dẹp loạn khó giữ cho khỏi mất lòng dân[497]. Nếu như lòng dân đã kêu ca oán thán thì tự nhiên nảy sinh ý nghĩ làm phản, chụm đầu rỉ tai bàn tán nho nhỏ. Các ông nên mau trở về doanh trại lo việc đề phòng để khỏi trúng mưu quân giặc. Việc này phải cẩn thận chớ tiết lộ ra ngoài.
[497] Câu này nguyên văn là: "... nhân tâm mặc bất ta oán" (bằng lòng người chẳng ai không kêu ca oán thán).
Nghe tiết chế Thuận Nghĩa nói xong, các tướng đều chắp tay tuân lệnh rồi cáo từ trở về doanh trại của mình.
Bấy giờ tiết chế Thuận Nghĩa bề ngoài tuy có lời nói tốt đẹp, nhưng thâm tâm càng thêm tức giận nghi ngờ, cũng là vì việc lúc trước đốc chiến Chiêu Vũ được ban thưởng riêng một mình. Từ đó nảy sinh bất hòa[498], có ý muốn lập mưu làm hại.
[498] ĐNTLTB và ĐNLTTB cũng ghi về việc bất hòa giữa Hữu Tiến và Hữu Dật. Hữu Tiến thấy Hữu Dật nhiều lần được khen thưởng, sinh lòng ghen ghét. Phù Dương nói với Hữu Tiến: Hữu Dật là bạch diện thư sinh, chỉ nhờ nói năng mà được tin dùng, tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Đến đầu tháng tám, vào ngày mồng bảy, sau khi sai người đi dò xét tình hình trong quân lính, bèn triệu các tướng đến họp bàn, chia quân các đạo hẹn đến ngày mồng chín sẽ phát binh đánh sang bờ bắc sông Lam. Sai hàng tướng[499] là cai đội Triều Ngạn và Đinh Nghị dẫn một đội quân tiến qua bến đò Phù Thạch đánh vào doanh trại của quận Hoảng, quận Diệu, nếu đánh thắng thì tiết chế sẽ đích thân dẫn quân đến tiếp ứng. Lại sai tham đốc Minh Lãng, cai đội Triều Tô, Nghiêm Tuấn, Tú Minh[500], Long Nhị, Triều Uy, Bái Kiều dẫn đại quân tiến đến xã Miêu Nha gần chỗ gò nổi bên quân Bắc để đánh vào trại quân của quận Lam Nguyễn Thực, nếu giành được thắng lợi thì dẫn quân đến tiếp ứng để cùng tiến thu phục thành Thăng Long, lập công hàng đầu. Lại mật truyền cho cai cơ thủy quân là Diên Tộ đem chiến thuyền loại có bánh lái đến đóng ở xã Triển Luật, đến ngày mồng chín, vào giờ Dậu thì đưa chiến thuyền đến xã Tam Chế đóng gần bờ để chở quân qua sông, đến canh tư (tảng sáng) thì bất ngờ tiến đánh. Các tướng cứ tuân theo lệnh đó mà thi hành.
[499] Bản sao chép: "quy mỹ tướng". Đúng ra là "quy nghĩa tướng" (tướng trở về theo chính nghĩa) một mĩ từ để chỉ hàng tướng. Chữ nghĩa viết thảo hơi giống chữ mĩ nên bản sao chép nhầm.
[500] Bản sao chép thiếu một chữ tên trong số các tướng nói ở đây. Soát theo ĐNTLTB thấy có tên Tú Minh. Như vậy chữ sót đó là chữ Minh ở sau chữ Tú.
Cắt đặt đâu đó đã xong, các tướng tuân lệnh sửa soạn để khởi binh. Mệnh lệnh nói trên ngay từ đầu tiết chế Thuận Nghĩa không thông báo cho đốc chiến Chiêu Vũ biết. Bấy giờ đến ngày mồng chín từ lúc canh hai các đạo quân đã thức dậy nấu cơm ăn, đến canh tư bắt đầu tiến phát. Quân Nam kéo đến vây trại quân của quận Lan Nguyễn Thực. Quận Lan nghe tin quân Nam bất ngờ tiến đánh vội dẫn quân ra dàn trận giao chiến. Quân đôi bên xáp đánh dữ dội từ giờ Dần đến giờ Thìn[501] chưa phân thắng bại.
[501] Tức là khoảng từ 3 giờ đến 9 giờ sáng.
Bấy giờ bên quân Nam, số quân lính người Nghệ An mới về hàng vốn không có chí khí chiến đấu, hoặc có người cầm súng mà chỉ bắn không bằng thuốc nổ không lắp đạn, hoặc có người cầm gươm giáo vung lên mà không cố ý đâm chết rồi tìm đường bỏ trốn, mười phần lánh chạy mất bảy tám phần.
Tiết chế Thuận Nghĩa biết quân tình có biến, liệu thế không thắng nổi bèn xuống lệnh rút quân về cố thủ ở bờNam.
Bên quân Trịnh. Lan quận công Nguyễn Thực chia quân đi đóng giữ các nơi ở ven sông, tự mình dẫn một đội quân đến cố thủ lũy Đồng Hòn.
Lại nói đốc chiến Chiêu Vũ lúc bấy giờ đang lên cơn sốt rét nằm ở đồn Khu Độc, gắng gượng tựa ghế xem sách cho đỡ buồn. Chợt nghe tiếng súng nổ vang vào lúc canh tư, Chiêu Vũ vội sai lính đi nghe ngóng. Quân do thám trở về báo tin tiết chế Thuận Nghĩa đã dẫn đại quân vượt sông sang bờ bắc sông Lam đánh quân của quận Lan. Hai bên giao chiến hiện chưa phân thắng bại. Chiêu Vũ nghe nói cả kinh, nói: "Dùng binh là việc lớn của quốc gia. Nay tiết chế phát quân tiến đánh mà không bàn bạc với đốc chiến, như thế là nghĩa lí gì?"
Bèn sai người tâm phúc ruổi ngựa đến dinh tiết chế trình rằng:
- Quan đốc chiến chúng tôi kính lời lạy chào minh công và xin trình: Đêm qua đốc chiến bị cơn sốt rét phải uống thuốc nghỉ ngơi trong phòng. Chợt nghe tiếng súng lớn nổ vang, chưa được biết nguyên do ra sao phải sai quân thám mã đi dò xét mới hay tin đại quân ta đang tiến đánh quân Trịnh mà chưa được lệnh của minh công cắt đặt sai phái, chưa rõ nguyên do thế nào. Vì thế đốc chiến đặc sai bọn tôi đến đây đợi lệnh.
Tiết chế Thuận Nghĩa cả giận, nghiêm giọng đáp:
- Ta sai đại binh vượt sông đánh giặc từ canh tư đến bây giờ. Tướng chỉ huy các đạo đã dẫn quân tiến phát, ai nấy đều vất vả mỏi mệt ở chốn chiến trường. Đó là việc lớn của quốc gia, đâu phải chuyện riêng tư. Vậy mà quân nội đạo do đốc chiến chỉ huy thì không thấy một ai. Như đốc chiến bị ốm thì còn có thể tha thứ được, còn các viên cai cơ, cai đội khác ở trong quân thì phải chăng là bận rong chơi hay ngồi chuyện vãn mà bất tuân lệnh thì phải xử phạt theo quân pháp, có gì mà phải hỏi? Ngươi hãy về truyền lệnh cho đốc chiến và các tướng mau đem quân tiến đánh lũy Đồng Hôn để tiếp ứng cho đại binh, không được chậm trễ lỡ việc.
Lính sai của Chiêu Vũ tuân lệnh ruổi ngựa về gấp trình lại với đốc chiến. Chiêu Vũ liền xuống lệnh cho quân sĩ tiến phát. Chưa ra khỏi doanh trại, chợt thấy tiên binh cưỡi ngựa về báo tin đại quân của tiết chế đánh nhau với quân Trịnh chưa thắng, hiện đã rút về cố thủ ở bờ nam rồi.
Đốc chiến Chiêu Vũ bèn lệnh dừng quân binh, sai người đi dò xét. Quân do thám trở về báo tin tướng bên Bắc là thái bảo quận công Lan đã đem quân về giữ lũy Đồng Hôn. Chiêu Vũ bèn triệu hàng tướng là quận Hợp và các tướng khác đến bàn định. Chiêu Vũ nói:
- Quan tiết chế cùng các tướng bên ta đã đem quân đánh quận Lan ở các xã Miêu Nha, Ngũ Khố[502] không thắng, đã rút quân về. Quận Lan sợ bên ta, tự dẫn quân về đóng giữ lũy Đồng Hôn. Các ông xét xem có mưu kế gì phá tan quân giặc bắt sống quận Lan không?
[502] Miêu nha: ĐNTLTB chép là Do Nha, tên xã thuộc huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh). Ngũ Khố: xã thuộc huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh).
Quận Hợp nói:
- Tiểu tướng có hơi biết quận Lan là kẻ nhát sợ, vô mưu. Nay quận Lan đóng giữ ở lũy Đồng Hôn chẳng khác gì cá bơi trong chậu, không có gì đáng phải lo. Tiểu tướng xin đem một đội quân đánh lũy Đồng Hôn để bắt quận Lan như bắt ba ba ở ao cạn, chẳng có gì là khó!
Đốc chiến Chiêu Vũ nói:
- Không dễ như thế đâu! Quận Lan tuy vô mưu nhưng quận Hoảng hơi có đảm lược. Nếu ta phái quân tiến đánh thì địch đông ta ít. Huống chi sông lớn mà mực nước khá thấp khó bề dương oai diệu võ. Quân địch đóng ở chỗ đồng bằng, quân ta ở trên sóng nước, ấy là điều bất lợi trong phép dùng binh. Chi bằng phải chờ đợi thời tiết. Nếu được thiên thời thì ắt có địa lợi. Huống chi hiện nay là tiết sương giáng, tất sẽ có mưa gió. Đợi khi mưa to, nước sông dâng cao ngập lũy Đồng Hôn, quân Bắc không chú ý đề phòng, ta sẽ nhân thế nước lên mà tiến đánh thì chắc chắn giành phần thắng!
Bọn quận Hợp đều vái phục mưu cao. Khi mọi người đang bàn luận thì chợt nghe từ phía tây bắc có tiếng sấm sét nổi lên, rồi cơn mưa ập xuống như xối, chỉ trong khoảnh khắc nước sông Lam dâng lên tràn ngập lũy Đồng Hôn. Đốc chiến Chiêu Vũ thấy vậy cả mừng, bèn sai quận Hợp làm tiên phong, cai đội Vân Triều làm tả hữu vệ trận, tự mình dẫn đại quân theo tiếp ứng, hẹn tảng sáng hôm sau thi hành theo mệnh lệnh phát binh đánh thẳng sang lũy Đồng Hôn. Ai vi phạm bị xử trị theo quân pháp. Các tướng vâng lệnh, ai nấy trở về doanh trại sửa soạn tiến quân.
Đốc chiến Chiêu Vũ lại sai người đến dinh tiết chế Thuận Nghĩa trình báo mọi việc.
Đến tảng sáng ngày mười một, các tướng dưới quyền Chiêu Vũ đều đem quân xuất phát, nhằm phía bờ bắc reo hò vang dậy tiến sang. Chỉ thấy:
Chiếc thuyền băng nước biếc,
gươm giáo chói trời xanh,
Lũy Bắc rộn ếch kêu rùa lặn,
quân Nam xát chưởng, xoa quyền.
Hăng đánh dương oai đất Bắc,
chiến trường danh dậy trời Nam.
Bấy giờ quân Nam đánh thốc vào lũy Đồng Hôn khác nào như ánh sao sa vụt đến. Quận Lan cả kinh, không kịp mặc giáp, lên ngựa không kịp thắng yên, vội cùng với quận Diệu, quận Hoảng cúi đầu nhằm phía bắc mà chạy. Tướng bên Nam là bọn Vân Triều thừa thắng đuổi theo đến dưới chân thành tung quân đánh gấp. Quận Lan ngồi nghỉ ngơi trên hòn núi đất, hổn hển thở dốc hơi. Thấy bên Nam ít quân, quận Lan cả giận nói:
- Quân Nam thừa thế đuổi tới, coi khinh ta quá lắm!
Nói đoạn sai quận Hoảng đem quân vòng ra phía sau núi đất, bất ngờ xông ra đón đánh. Bọn Vâ Triều cả bại phải chạy lui về lũy Đồng Hôn.
Đốc chiến Chiêu Vũ từ xa trông thấy, vội sai quận Hợp cùng con trai là đội trưởng Hào Lương đem quân đuổi theo đánh gấp, quận Hoảng phải chia quân chống cự.
Bỗng thấy từ phía đông nam cờ xí rợp sông xanh, trống chiêng vang trời biếc, quân bộ tiến theo đầy núi tắc đồng, chiến thuyền san sát đầy sông kín biển đang tiến đến vùn vụt như cơn lốc. Nhìn ra mới hay đó là quân của tiết chế Thuận Nghĩa đang ra sức tiến đánh rất gấp. Bọn quận Lan, quận Hoảng kinh sợ, không đoái đến quân lính, vội bỏ lũy Đồng Hôn nhắm hướng chạy về Vĩnh Doanh.
Về đến Vĩnh Doanh, bọn quận Lan vào dưới trướng Phú quận công Trịnh Căn khấu đầu chịu tội. Từ lúc ấy, quân Nam đóng lại ở bờ bắc sông Lam chia doanh đặt trại để chống đánh với quân của quận Phú.
Quân của đốc chiến Chiêu Vũ đóng từ lũy Đồng Hôn đến bãi nổi ở Hoành Cảng[503] xã Lãng Khê, chia đặt đồn trại làm thành thế nương dựa lẫn nhau, cũng là để uy hiếp tinh thần của quân Trịnh. Chiêu Vũ bèn sai quân làm cầu phao từ lũy Đồng Hôn sang bờ nam sông Lam thông với đường bộ để tiện qua lại.
Từ đó binh uy bên quân nam càng chấn phát.
[503] Hoành cảng: có lẽ là từ Hán, chỉ địa điểm cảng Bến Thuỷ hiện nay.
Lại nói tướng Trịnh là Phú quận công Trịnh Căn đóng giữ ở thành Vĩnh Doanh dò biết tin tức, cả sợ nói:
- Quân Nam nhuệ khí đang hăng, nếu chúng thừa thắng đuổi dài thì quân ta biết lấy gì chống cự? Chi bằng ta nên bỏ Nghệ An, đem quân về Thanh Hóa để giữ nơi căn bản rồi sau sẽ trù mưu tính kế thu phục giang sơn để phục thù rửa thẹn.
Tham đốc Dĩnh quận công can rằng:
- Xin nguyên súy chớ quá lo, hãy khoan làm như thế. Nay quân Namvượt qua sông lớn đóng trại ở ven sông bên bờ bắc. Nhưng nơi đây không có thành lũy, phía sau lại có sông lớn, ấy là quân Nam rơi vào chốn tử địa - điều tối kị trong phép dụng binh. Huống chi Chiêu Vũ lại là viên tướng có đủ trí mưu hiểu rộng binh pháp, tất không khi nà đóng quân lâu ở đó, sớm muộn ắt sẽ phải rút quân về bên bờ Nam.
Quận Phú cho là phải, bèn đóng quân không động.
Cùng trong tháng ấy, bên quân Nam tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ sai người ruổi ngựa về vương đình tâu việc chiến sự, nói các tướng vâng mệnh đánh ra Bắc hiện đã đem quân vượt sông Lam sang đóng đồn trại ở bờ bắc, xin chúa thượng gấp đem đại quân đi sau tiếp ứng, chính bây giờ là thời cơ thu phục Trung đô.
Chúa Hiền nghe tâu, lặng yên suy nghĩ hồi lâu rồi sai chức sự là Văn Cảnh ruổi gấp ra sông Lam truyền lệnh cho tiết chế Thuận Nghĩa, đốc chiến Chiêu Vũ cùng các tướng biết:
- Đã đem quân đi đánh dẹp bình định bốn phương thì trước hết phải xét thiên thời, thứ đến là xem địa thế, sau là xét đoán nhân tâm. Vả lại hiện nay đang lúc giao thời thu đông nhiều mưa gió, ba quân phải chịu rét mướt, đó là một điều bất lợi. Huống chi bên bờ bắc đất đai trống rộng. phía trước không có thành lũy, phía sau lại là sông lớn, quân bên ta voi ngựa đi lại khó khăn. Đó là hai điều bất lợi. Lại nữa bên ta quân đi xa ngoài ngàn dặm đã hơn năm năm, cha mẹ, vợ con họ ở nhà trông đợi. Nếu cất quân đánh lớn thì quân Trịnh đông, quân ta ít. Đằng trước là núi cao, đằng sau là sông ruộng thì quân ta ắt nản chiến. Kinh thư nói: Bầy lớn một khi đã tan thì khó họp lại. Đó là ba điều bất lợi. Các tướng đều nên cùng nhau hiểu rõ, chi bằng sớm dỡ cầu phao, rút quân về ranh giới cũ để giữ vững thành lũy, liên lạc với nhau để yên lòng bình dân. Đợi đến sang năm sẽ tùy cơ mà cử sự cũng không muộn.
Các tướng nghe truyền chỉ đều chắp tay vái vọng tuân lệnh. Chức sự Văn Cảnh lại đi khắp các nơi núi sông đường sá xem xét địa hình, vẽ thành đồ bản đem về dâng nộp ở vương đình. Tiết chế Thuận Nghĩa bèn hạ lệnh cho các tướng các đạo rút quân về phía nam sông Lam, phá dỡ cầu phao, các cánh quân đều đóng yên ở các đồng lũy cũ.
Ba quân được lệnh rút về bờ nam, ai nấy đều vui mừng.
Người đương thời có thơ vinh chúa Hiền như sau:
Đường đường tỏ rõ chúa hiền minh,
Xét hiểu uyên sâu thấu chúng tình.
Ngàn dặm sao ngời soi chiến tượng,
Muôn phương nắng rọi sáng dân sinh.
Gió xuân tuy đã sắp ngừng thổi,
Tuyết lạnh khôn ngăn dứt chiến tranh.
Chớ bảo âm dương nhiều biến thái,
Đầy vơi thiên vận cũng công bình.
q
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro