Hồi 20
Tây Định Vương sai dụ hàng Chiêu Vũ
Ký lục Hồ sa lưới mắng Hào Man.
Nói tiếp chuyện năm Kỷ Hợi (1659) tháng hai, ngày mười hai, tướng Đàng Ngoài là Phú quận công Trịnh Căn sai văn quan là tiến sĩ Tuấn Đức viết bức thư khiêu khích. Thư viết:
"Khâm sai tiết chế Trịnh súy phủ gử bức thư đến người anh em họ ngoại là Nguyễn lệnh công hiểu rõ:
Đại phàm trời người đều cùng một lí, hiểu thấu đạo lí thì phận được yên. Gần đây lệnh công nghe lời xúi bẩy, gây hấn ở chỗ biên thùy, hao dân tốn của, động binh kết oán liên miên. Trong lúc trận mạc giao tranh, mạnh yếu hơn thua không phân biệt được. Huống chi sinh linh khốn khổ, vì việc binh, gan óc bết đất, thật là đáng thương. Nay lệnh công cử sự như thế là muốn thu gồm lãnh thổ, cứu vớt muôn dân, hay là có ý định xâm lăng thôn tính? Hơn nữa lại càn bậy tự phong tước lớn, không đếm xỉa đến thiện ý của tiên vương nộp cống vật, dâng lòng thành, nước nhỏ thờ nước lớn. Vả chăng thứ bậc cao thấp, danh phận lớn bé đều là lí đương nhiên của trời đất, đạo người không thể vượt qua được. Lệnh công đã biết như thế thì phải hiểu cho thấu lẽ, giữ phận cho thật yên. Lệnh công há không biết điều đó chăng? Kế sách ngày nay không gì hơn là khôi phục nghiệp cũ của tiên vương, giản việc binh cách, ai yên cõi nấy, để cho dân chúng được yên vui cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống. Như thế há không phải là sự nghiệp to to lớn hay sao? Lệnh công hãy lượng xét, chớ nên nghi ngờ. Nay thư."
Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ xem xong thư, cả giận nói:
- Quận Phú trẻ ranh, miệng còn hơi sữa mà dám chọc phạm đến chúa thượng của ta chăng?
Hai tướng ỉm việc thông báo về triều, rồi viết ngay thư bài bác họ Trịnh. Ngày mười tháng ba sai đội trưởng Triều Thạch đem qua bờ bắc đến bến đò Phù Thạch đưa cho lính tuần bên Trịnh để chuyển cho Trịnh Căn. Quận Phú bóc ra xem thấy lời thư đáp rằng:
"Tiết chế các doanh quân Nam là Hổ uy đại tưởng Thuận quận công đáp thư đến Trịnh súy phủ biết rõ:
Trộm nghe: Đạo trời có âm dương, âm dương hòa thì đạo trời thuận. Đạo người có cương có nhu, cương nhu có kiềm chế thì đạo người được đúng. Thưở xưa Minh Khang vương[472] nhớ ơn trước mà phân ranh chia đất, kính trọng nghĩa tình. Tiên vương ta[473] giữ lễ giáo tín nghĩa, lấy việc cống nộp để tỏ lòng thành, Nam Bắc kết thân, Tấn Tần hòa hiếu. Dân chúng nhờ vậy được vui sống trong cõi yên gió bụi. Gần đây Đàng Ngoài mấy bận gây việc đao binh, chuyện cũ thôi không nói. Đến năm Mậu Tý (1648), chỉ vì nghe lời nói xằng của hoạn quan mà bỗng dưng gây hấn xâm lăng. Quân ứng nghĩa bèn dấy lên dương oai chẻ trúc, đuổi hùm hổ chạy dài, quyết tâu công bắt giặc. Đến nay trải đã sáu năm chưa từng một lời đối đáp. Nếu có ý được đất Lung, dòm đất Thục thì còn đợi gì đến ngày nay? Nay thế lực mạnh yếu, trí dũng vụng khéo ra sao hầu đã phân biệt rõ. Chỉ vì luôn năm dùng binh, hao sức tốn của, nghĩ thương xót dân lành. Nghĩ đến điều ước trước bèn lui về cho quân lính nghỉ hơi dưỡng sức, gìn giữ cõi nhà. Gần đây tiếp được thư của súy phủ, lời ý chân thành sâu sắc, xét kĩ mọi việc trước sau, khiến lòng vui khôn xiết. Mọi việc chỉ do nơi súy phủ, động tĩnh cương nhu ra sao thì chúng tôi sẽ tùy theo mà đáp ứng. Ngũ hành lấy thổ (đất) làm chủ, ngũ thường lấy chữ tín làm đầu. Lời nói chân thành từ chốn xa, mong súy phủ hãy xét. Nay thư."
[472] Tức Trnh Kiểm.
[473] Chỉ Nguyễn Hoàng.
Phú quận công xem kĩ bức thư thấy ý tứ có phần ngạo ngược lại càng tức giận bội phần, bèn sai tiến sĩ Tuấn Đức lấy danh nghĩa của trấn thủ Quảng quận công viết tờ hiểu dụ đáp lại. Khoảng chập tối ngày hai mươi bảy buộc thư vào đuôi tên lửa, sai lính bắn vào trong đồn Khu Độc. Lính tuần bắt được thư đem trình lên đốc chiến Chiêu Vũ. Thư viết:
"Tướng triều đình là đô đốc Quảng quận công phúc thư cho các người cầm đầu trong lũy tổ quạ[474] đều biết:
"Đại phàm lễ không điều gì lớn hơn phận, phận không gì lớn hơn danh. Cho nên cần phải chính danh phận rồi mới ổn định việc khen chê. Bữa qua đây thấy bức thư của mấy người cầm đầu trong lũy nói đến việc biến loạn, phải trái khen chê lộn phèo. Đối với bên Trịnh ta thì quá lời dìm nén, đối với họ Nguyễn bên ấy thì quá lời tâng bốc. Thế chẳng phải là để cho người đời bàn tán chê cười cho là không thích đáng hay sao? Nay lấy việc của chúa Trịnh và họ Nguyễn đem ra mà so sánh thì biết rõ:
Ngày trước, khi Trang Tông Dụ hoàng đế mới dấy lên ở nguồn sông Mã, Minh Khang thái vương đảm đương việc nước, xoay càn khôn. Bấy giờ Chiêu Huân Tĩnh Công chiêu tập nghĩa binh cùng hiệp sức phò vua Lê. Nhưng bên trong thì ngấm ngầm tiếm đoạt, phải chết độc bởi trời. Dù đạo trời như thế, nhưng tiên Thái vương vẫn làm trọn nghĩa tình, nhớ công ơn ngoại gia nuôi dưỡng, giúp tâu vua cho Cẩn Nghĩa công[475] được vào làm trấn thủ châu Ô, khiến cho được tự giữ vẹn toàn. Cẩn Nghĩa công đã kính thuận hòa mục với Triết vương[476] từng giúp việc dẹp trừ họ Mạc thu phục kinh thành, đến cửa khuyết bày tỏ lòng trung để cùng giữ gìn phú quý. Nhưng cuối cùng lại rắp tâm gây loạn, tự ý bỏ về trấn cũ. Vả lại Cẩn Nghĩa công còn là con cháu bậc huân thuần, thực là bề tôi xương cốt. Tiên Triết vương đối đãi như tình thân tim phổi, không nỡ dùng búa rìu trừng phạt. Chúa Trịnh ta lượng bao dung như biển cả, há lại không biết lòng trời đất hay sao? Chỉ một lòng trung phò giúp vua Lê, ngôi trời không tơ hào dòm ngó.
Bên họ Nguyễn các người, Tĩnh công Nguyễn Kim trước đã không biết tự răn về việc mặc áo vàng[477], sau lại ngông cuồng tự gia thăng vương tước. Cẩn Nghĩa công Nguyễn Hoàng đã không xin mệnh vua mà trở về bản trấn, sau lại tráo trở trăm chiều. Theo sự việc mà đánh giá, dùng nghĩa lý mà xét đoán, ai là người giữ tín nghĩa, ai là người mất tín nghĩa đó chăng? Các ngươi chẳng biết đầu đuôi khúc nhôi, như thế một là giầy mũ đảo ngược, trên từ ái mà dưới ác ngược; một nữa là lấy nghịch tâm báo nước, trời phải mượn tay kẻ trung thần mà dẹp trừ đi. Sao lại còn chối cãi xằng bậy để manh tâm bội phản? Các đời thánh chúa dẹp trừ hung đồ, gươm giáo đầy đất, vương nghiệp sáng ngời giữa trời cao biển rộng, kẻ thần thuộc phải theo về. Thế mà cha con quận Thụy[478] lại làm phản gây việc hiềm thù, binh đao đối địch. Đến nỗi bọn Văn Nham, Thạch Xuyên gậy họa ở trong, rồi thông ra tố cáo. Triều đình phải sai bộ Đăng, quận o vào tuyên chỉ dụ để dẹp yên, khiến cho cõi miền nhờ đó được bảo toàn. Đã không biết công việc của sứ bộ sai đi để làm việc gì[479], lại bảo triều đình dùng mưu trai cò lôi kéo nhau để ở giữa ngư ông thu lợi. Há chẳng phải là lấy lòng dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử hay sao? Lại nữa là chuyên quyền việc binh bị tiền tài mà bỏ bễ nghi thức dâng nộp thuế cống, chống cự chiếu mệnh mà lỗi đạo phiên thần, cương thường vứt đất, tội ác đầy trời. Khổng Tử nói: "Nhiễu hiền hại dân thì phải trừng phạt, ngoan cố bất phục thì phải dẹp trừ." Vì thế tiên thánh vương vâng mệnh hoàng thượng đem quân vào trách hỏi việc thiếu thuế, đâu có phải bụng dạ tham lam? Cất quân hỏi tội, có gì là quá đáng? Tự mình không sai trái, làm sáng tỏ mối giềng, cứu sinh dân trong vòng nước lửa. Thế mà các ngươi dám nói là vì tham tàn bạo ngược mà phải dấy nghĩa quân, làm những điều sai phép. Vì mưu toan gây hấn mà tung bủa phao vu, không lấy làm hổ thẹn về lời ni quá đáng sao?
Nay thánh chúa ta vâng nhận cơ nghiệp lớn, vẹn toàn đạo hiếu trung, thay trời đánh phạt, thì kẻ nghịch khôn đường trốn tội, giáo trời chỉ đến thì bốn phương yên bình. Tiểu dân chờ mong mà kẻ quyền hào thì lo sợ, kẻ gần thì vui mà người xa tìm đến. Ngu xuẩn thay bọn con cháu họ Nguyễn các ngươi chỉ biết bo bo một chút trí mọn, ngồi trong nhà cột chạm mà yên vỗ dân chúng một miền, quên ơn sâu nghĩa nặng của tiên vương ta, cha con nối nhau theo thói bất thần phục, đem quân đánh tớng trấn thủ, quấy nhiễu dân biên thùy, vào đất người mà cướp vườn người, thu vét cả trâu bò gia súc. Nói là phò Lê mà lại phản vua Lê, không gì xấu xa hơn nữa. Nhưng dân châu Ô nhỏ yếu, phải tăng số bắt thêm quân, hiếp bức trẻ già phải đi đắp hào lũy. Thế là chỉ biết họa mà không biết tránh họa, trước sau cũng phải chuốc bại vong. Các ngươi không biết điều đó mà chỉ muốn lấy sức cứng mạnh xô đẩy thế vận để đề cao cho mình. Thế là không biết cái thời của hào "lục tam" ở quẻ Bỉ[480] nói về sự chuốc nhục cho mình. Lại không dưng đem quân qua lại nơi biên ải, thế là không hiểu cái thế thua kém ở quẻ Sư[481]. Thế mà nói thắng trận Kỳ Hoa, đánh ruổi ra bảy huyện, thi có khác nào thua to ở Hương Bộc mà tan chạy ở Đại Nài? Nếu cho rằng vì dân mà đắp lũy chặn đường thì có khác gì đi giật lùi mà lại mong tiến tới? Khoe khoang cho lắm, bất tất phải nhiều lời. Lên cao mà nhìn lại mới biết cái thế vãng phục (qua lại) không cùng. Không có nhà chép sử, lấy ai mà phân biệt đúng sai? Chỉ thấy sử quan chép việc năm Đinh Mão (1627) quận Thụy chiếm cứ Hóa châu không về kinh triều cống, vua phải sai chúa Trịnh đem quân vào đóng ở Bố Chính, Nhật Lệ để răn đe. Năm Bính Thân (1656) con cháu họ Nguyễn lại xâm chiếm cướp bóc các thôn dân ở miền Nam hà[482], vua lại sai các tướng họ Trịnh đem quân vào đánh cho thua to ở vùng Hương Bộc, Đại Nài. Ghi như thế không những cốt để chính danh phận ở đương thời, mà còn để công bố việc khen chê cho hậu thế. Đến ngàn năm sau dư luận khen chê vẫn rất rõ ràng. Những kẻ gian hung đại tặc mà không dám làm sự tiếm đoạt cung là do đó. Còn như các ngươi rườm lời tô vẽ cũng không tránh được tội ác ghi vào sử sách, muôn lời khéo léo cũng không trốn được tội ác phản nghịch. Họ Nguyễn đã thế, các người khác làm sao thoát khỏi? Phàm lập thân không gì lớn hơn cương thường, sửa mình không gì bằng trung hiếu. Vì trung là để thờ vua, hiếu là để thờ cha. Cha ông các người là bề tôi nhà Lê, ăn lộc nhà Lê. Sao các người không theo chính đạo của cha ông để được hưởng ơn lộc dài lâu đời đời, hướng chỗ sáng để nêu danh tước? Nay ta vâng mệnh triều đình đem quân trấn giữ biên ải Bắc hà, cậy nhờ oai trời mà đuổi loài hổ báo, trước chuyển máy thần mà sau mới phải dùng nanh vuốt, bất tất phải nhiều lời. Phải quyết một trận để dẹp trừ nghịch tặc chốn biên phương, khôi phục cõi bờ xưa của các đời chúa trước. Nay phúc thư cho các ngươi biết rõ."
[475] Cẩn Nghĩa công là tên thụy của triều Lê - Trịnh ban cho Nguyễn Hoàng sau khi Nguyễn Hoàng mất.
[476] Tức Trịnh Tùng.
[477] Chỉ việc phạm thượng nhà vua.
[478] Tức Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên.
[479] Đây chỉ việc Trịnh Tráng sai Đăng quận công Nguyễn Khải đem quân vào cửa Nhật Lệ để hỗ trợ cho cuộc phản biến do Nguyễn Phúc Hiệp cầm đầu ở Đàng Trong.
[480] Tên một quái (quẻ) trong Kinh Dịch, nói về sự khó khăn bế tắc trong quá trình phát triển của sự vật.
[481] Tên một quẻ trong Kinh Dịch, nói về lợi hại trong việc hành quân.
[482] Đây chỉ bảy huyện ở phía nam sông Lam: Kỳ Hoa (tức Kỳ Anh), Thạch Hà, Thiên Lộc (tức Can Lộc), Nghi Xuân, La Sơn (tức Đức Thọ), Hương Sơn, Nam Đàn, nay đều thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Đốc chiến Chiêu Vũ xem xong thư bừng bừng nổi giận, không tiếc lời nhục mạ kẻ sất phu dùng lời lẽ quá quắt. Rồi đó Chiêu Vũ đem bức thư đến trưng phủ của tiết chế Thuận Nghĩa gọi họp các tướng cùng xem xét. Bấy giờ bọn các tướng Phù Dương, Đại Thắng, Vân Long, Hùng Uy đều hết sức tức giận, ai nấy vùng dậy vén áo xắn tay trỏ về phía Bắc, không ngớt xỉ mắng bọn quan quân họ Trịnh. Tiết chế Thuận Nghĩa xuống lệnh cho quân tiến đánh để bắt quận Phú đền tội.
Đốc chiến Chiêu Vũ nói:
- Chưa nên đánh vội. Bọn chúng dùng văn từ phúc đáp thì ta cũng lấy thư trát trả lời, để bọn chúng khỏi chê cười Nam triều ta ít hiểu biết văn ương nghĩa lí, chỉ quen cậy vũ dũng hơn thua.
Tiết chế Thuận Nghĩa cho là phải, bèn cùng nhau dùng tên của cai cơ Hùng Uy viết thư phúc đáp. Đến ngày tám tháng tư cho buộc thư vào đuôi tên lửa, bắn vào trong lũy Đồng Hôn. Quân Trịnh nhặt thư trình lên Phú quận công Trịnh Căn[483]. Đến ngày mười bốn, tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ lại sai lấy danh nghĩa của cai cơ Hùng. Uy viết thư bắn vào trong lũy Đồng Hôn. Thư viết:
"Đại tướng Nam triều là chưởng cơ Hùng Uy hầu đáp thư cho bọn ngu Quảng đều nên nghe biết:
Từng nghe: Lời nói đúng thì có thể làm thành luật pháp, việc làm đúng thì có thể làm thành quy tắc. Không như thế thì không thể coi là chuẩn mực được. Nay bọn quận Quảng các người chỉ tu sức lời nói để che giấu lỗi lầm, phô tốt đẹp để che tì vết. Đều là lời nói rỗng tuếch, không đáng bàn đến. Ta hãy tạm nói vài lời đã đáp lại.
Trước hết hãy nói về câu: một lòng giúp rập vua Lê không chút tơ hào ngôi báu. Nói được điều đó chỉ có Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm có công khuông phò, nhưng nửa đường mất sớm, chưa được thấy thành công. Triết vương Trịnh Tùng thì công không đủ chuộc tội[484]. Thành vương Trịnh Tráng thì mất phép tắc bề tôi, khó tránh lời của sử bút phê mấy điều: giết hại, hiếp bức, lừa dối vua. Việc gần đây hai vua Chính Trị, Hoằng Định[485] thăng hà, nguyên do bởi bàn tay độc của ai, khiến cho thiên hạ dù ở chốn núi sâu hang hẻm cũng đều căm giận. Theo chính lí mà xét thì tội ác còn quá hơn Ngũ Viên dùng roi đánh thây Bình Vương, thậm tệ hơn Đổng Trác hiếp bức Thiếu Đế. Thánh nhân nói vua không chính thì bề tôi không thể không bất trung, cha không hiền thì con không thể không bất hiếu. Cái đạo lý ấy bỏ mất đâu rồi? Từ các đời Hán, Đường, Tống (ở Trung Quốc) đến các đời inh, Lê, Lý, Trần ở nước ta chỉ nghe nói các tôn hiệu Thái thượng hoàng và Kim thượng hoàng, chưa từng nghe nói có tước hiệu Thái thượng vương và Kim thượng vương. Đổi với vua Lê, giết hiếp dối khinh như thế đã mười phần đáng tội bất trung hay chưa? Thế phải chăng là không tơ hào ngó dòm ngôi báu? Chẳng biết ai là kẻ "cương thường vứt đất, tội ác ngút trời?" Như nói rằng: người ta gốc ở tổ, vẻ vang phải mặc áo gấm về làng, thì người xưa nói rằng: nước vô đạo, kẻ thức giả lấy làm hổ thẹn. Lại nói rằng: nước nguy không vào, nước loạn không ở. Xưa ở nước Tề, Tu Vô vì ghét tặc thần Thôi Trữ mà coi khinh phú quý như chiếc giầy rách, treo mũ từ quan. Mai Phúc nhà Hán giận Vương Mãng gian ác tiếm đoạt mà tự quý danh tiết của mình, coi nó còn hơn châu ngọc, vượt biển lánh cõi xa, ẩn cư rày đây mai đó. Nay họ Trịnh ở Đàng Ngoài, đối với nghĩa quân thần là không chính, đối với nghĩa cha con là không nghiêm, quyền bính chuyển xuống dưới, tác oai tác phúc... kỉ cương rối loạn, giáo hóa không thực hành, hào kiệt bị nghi ngờ, thứ dân khổ vì lao dịch. Bốn phương nổi dậy như ong, giặc cướp nhan nhản. Vận nước rối vò, tình thế nguy ngập. Như thế, chẳng hay gốc ở tổ là yên hay nguy? Vinh chăng? Hay nhục chăng? Bọn ngu Quảng các người khác nào nộm rơm rối gỗ, chẳng biết nghĩa lý phải trái, như cá trong ao, như chim sa lưới, chẳng biết đến nguy cơ bại vong, khó tránh khỏi bị đời sau luận xét coi là cùng tội phạm với họ Trịnh... Mình đã bất chính thì sợ người khác biết tội lỗi của mình, do đó mà nghi ngờ kẻ anh hùng hào kiệt. Thế lực đã suy thì sợ người khác thừa thời cơ tiến đánh. Đại phàm dùng binh là việc rất hệ trọng, vậy mà giao phó quyền hành quá khinh suất, ngày trước làm mất nhà Tần là bởi Hồ Hợi, mà ngày nay làm mất họ Trịnh là do ở Trịnh Căn. Cái thế tất nhiên là như vậy.
Nay Nam chúa nhân thời mở vận, xướng nghĩa cần vương dẹp trừ nghịch tặc tiếm ngụy, khôi phục cơ nghiệp nhà Lê, nêu danh mở cõi, vẻ vang áo gấm về làng. Ý nghĩa như thế mới thật là đúng vậy. Nay phúc đáp cho các ngươi hiểu rõ."
[483] Hai bên Trịnh, Nguyễn còn gửi cho nhau hai thư đối đáp khác, ở đây tạm lược bớt.
[484] Bản sao chép: "vị thục hoàn", chữ "hoàn" ở đây do chép nhầm chữ "quá". Thục quá bằng chuộc lỗi.
[485] Tức là vua Lê Anh Tông và Lê Kính Tông.
Phú quận công Trịnh Căn xem xong bức thư giật mình hổ thẹn, bất đắc dĩ phải cho gọi các tướng văn võ đến cùng bàn xét. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi, cho rằng bên quân Nam quả là có bậc văn tài thông kim bác cổ, bàn công xét tội, biện bác đúng sai đều có lí lẽ. Quận Phú bảo các quan văn võ lại đáp thư lần nữa để khỏi bẽ mặt với người Đàng Trong. Nhưng lúc ấy mọi người chỉ nhìn nhau không ai lên tiếng. Trịnh Căn vừa tức giận, vừa có ý hổ thẹn, bèn thôi không nhắc đến nữa. Thế là chấm dứt việc thư từ đối đáp qua lại. Quân đôi bên Đàng Trong, Đàng Ngoài đều theo kế sách đóng yên cố thủ.
Thượng tháng tám, Tây Định vương Trịnh Tạc triệu họp các mưu thần. Tây Định nói:
- Ở Đàng Trong quận Dũng coi Chiêu Vũ như tâm phúc, chuyên bày mưu hiến kế, bên ta nhiều phen thua hại, tổn tướng hao quân. Chẳng hay ai có cách gì dụ được Chiêu Vũ về hàng, theo ta đánh lại họ Nguyễn để dứt hẳn mối lo sau?
Thượng thư bộ Lễ là Dương quận công bẩm rằng:
- Chúa thượng bàn rất phải. Thần nghe Chiêu Vũ là người có đức độ, trung thành liêm khiết, bàn rộng thấy xa. Xin vương thượng chọn người khéo ăn nói, thông hiểu cổ kim đem theo lễ vật đãi hiền và mật thư do chính tay chúa thượng viết đi làm thuyết khách, tựa như Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh của Gia Cát Lượng. Chiêu Vũ tất sẽ cảm động về hàng.
Tây Định vương nghe nói cả mừng, bèn sai cai đội Triều Hữu và quan văn là tiến sĩ Liêm Thanh đem theo thư và lễ vật gồm một phong ngọc châu, năm thoi vàng tốt, bí mật vào đồn Khu Độc trao cho Chiêu Vũ. Tây Định căn dặn rằng:
- Ta có chút lễ mọn đem đi tiếp đón bậc quốc sư. Đặc sai các ông chuyển lời đến quan đốc chiến Chiêu Vũ, nói rằng ta ngày đêm mong gặp gỡ tướng công để thỏa nguyện rồng mây mưa hạn. Mong quốc sư sớm đến kinh đô, một là để cùng khuông phù đế thất, vẹn toàn trung nghĩa, hai là để được yết kiếu bệ rồng, tỏ lòng thần tử. Tướng công chớ nên nghi ngại mà khiến cho châu ngọc phải đắm chìm biển khơi.
Bọn Liêm Thanh hai người vâng mệnh lên đường. Vào tới quân doanh Khu Độc, hai người tìm đến bảo lính canh:
- Chúng tôi có việc cơ mật, xin được vào trình với quan đốc chiến.
Tiểu tốt vội phi báo lên chủ tướng. Đốc chiến Chiêu Vũ cho mời vào trong trướng. Bọn Triều Hữu, Liêm Thanh lạy chào kính chuyển lễ vật và mật thư. Chiêu Vũ nghe nói mật thư, nghĩ bụng ắt là chúa Trịnh sai người đến làm thuyết khách dụ mình về hàng. Nghĩ vậy, Chiêu Vũ bèn nói:
- Hai ông là ai đây?
Bọn Triều Hữu thưa:
- Chúng tôi là cai đội Triều Hữu và tiến sĩ Liêm Thanh ở Trung đô vâng mệnh vào xin yết kiến để kính chuyển bức thư của chúa thượng chúng tôi.
Đốc chiến Chiêu Vũ khẽ cười, mời hai ngươi cùng ngồi, quát tả hữu lui cả ra ngoài, rồi mở thư ra xem. Thư viết:
"Trịnh vương gửi bức thư đến dưới trướng của tuấn sĩ xứ Nam là Nguyễn công xem biết:
Từng nghe: Tiếng kêu vang đồi cao, hạ cánh đậu cây ngô đồng, ấy là chim phượng, bậc trên hết trong các loài lông vũ. Nay tướng công cao danh ở đương thời, nức tài khắp chốn, tinh thông sự lý, xét quyết trù hoạch cơ mưu, tướng công quả là chim phượng báo điềm lành đó vậy. Gần đây nghe nói tướng công không được thỏa chí buông câu, thắng cỗ xe không chốt, tất là xe phải đổ. Trịnh tôi đã nghe biết đại khái. Nghĩ ra thì trong chỗ không lời, cái lẽ hữu tâm đã có. Nếu được tướng công vui lòng rời Vị Thủy mà đến Kỳ Châu[486], rời Ngoạ Long mà đến Tân Dã[487] thì lễ nghênh tiếp của vương sư không thua kém Văn Vương, Lưu Bị. Đến lúc ấy dám mong tướng công đừng chối từ một chuyến về kinh, đặng thi triển học vấn bình sinh, bái yết long nhan để vẻ vang tôn tổ. Được như thế tức là vén mây mù để trông tỏ trời xanh, rẽ gai góc tìm về đường lớn. Há lại chẳng phải là lớn lao hay sao? Mong tướng công suy xét. Nay thư."
[486] Nhắc sự tích Lã Vọng đến Kỳ Sơn giúp Chu Văn Vương.
[487] Nhắc sự tích Gia Cát Lượng ra Tân Dã giúp Lưu Bị.
Đốc chiến Chiêu Vũ xem xong bừng bừng nổi giận, nhưng cố nén, giả cách vui mừng mỉm cười bảo bọn Liêm Thanh:
- Chiêu Vũ tôi vẫn có ý nghĩ ấy từ lâu, nhưng chưa biết nên đi đường nào. Nay tiếp bức thư đây thật lòng tôi vui mừng khôn xiết. Sớm muộn thế nào tôi cũng phải lựa thời cơ để ra ngoài ấy. Muôn lạy hoàng đế, cho tôi gửi lời thưa với Trịnh vương: xin đến thượng tuần tháng sau cho quân đến đón ở bên đê sông, tôi sẽ xin đến quy hàng. Hai ông cần hết sức cẩn thận, chớ để việc tiết lộ ra ngoài.
Đợi cho bọn Liêm Thanh ra về, cơn giận còn chưa nguôi, đốc chiến Chiêu Vũ bèn sai thuộc hạ là Tú Minh mật thư và vật làm tin về nộp cho vương đình Nam triều. Thay lời nhờ tâu với Hiền vương: "Chiêu Vũ thờ chúa Nguyễn ơn sâu như phụ tử, được chúa coi như kẻ tâm phúc, lời nói được nghe, kế sách được dung, để tâm trí ở việc khôi phục quy mô, chung sức hoàn thành sự nghiệp trung hưng, phù Lê - diệt Trịnh, cứu đuối dẹp gian để rạng tỏ thanh danh muôn đời. Chiêu Vũ tôi dẫu gan óc bết đất, thịt nát xương tan cũng chưa báo đáp được ơn đức của chúa thượng. Huống chi giết vua hiếp cha, tội ác ngút trời, thần người đều căm giận, ai cũng muốn nhai xương xé thịt mới hả giận. Thế mà nay họ Trịnh lại sai người xem mồi thơm vào để dụ dỗ Chiêu Vũ về hàng. Chiêu Vũ tôi đã tương kế tựu kế muốn để bắt Tây Định, chỉ lo chúa thượng chưa biết rõ nguyên do. Vậy thần xin sớm tâu trình, cúi mong thánh thượng cao minh xét quyết. Kính trông thánh thượng không chút nghi ngờ, sai quân đến ngay tiếp ứng. Chiêu Vũ tôi sẽ thừa cơ cử sự, bắt sống Trịnh vương dễ như trở bàn tay."
Tú Minh vâng lệnh ruổi ngựa về ngự doanh của Hiền vương dinh ở Quảng Bình dâng mật thư và tín vật, theo đúng lời của đốc chiến Chiêu Vũ căn dặn mà tâu lên. Hiền vương nghe xong lặng yên suy nghĩ một lát rồi bảo Tú Minh:
- Ngươi hãy mau trở ra nói với Chiêu Vũ: tấm lòng của ta cũng tức là tấm lòng của Chiêu Vũ, chí hướng của ta cũng là chí hướng của Chiêu Vũ. Chúa tôi hợp sức, hà tất phải nghi ngờ. Bậc trung thần liệt nữ thời xưa xem ra cũng đến như Chiêu Vũ mà thôi. Huống chi Chiêu Vũ ngày nay, thực là viên ngọc châu ngời sang, ai mà chẳng muốn tìm mua? Ngươi mau quay ra bảo Chiêu Vũ cứ tương kế tựu kế mà làm, ta sẽ đem quân tiếp ra sau để tiếp ứng. Ta không hề nghi ngờ. Chiêu Vũ không phải lo nghĩ gì cả. Còn như vật làm tin của bọn họ đưa đến, cho phép Chiêu Vũ cứ giữ lấy mà dùng[488].
[488] Việc Trịnh Tạc đưa thư dụ hàng Chiêu Vũ là chuyện có thực. ĐNTLTB chỉ chép gọn vài dòng: "Trịnh Tạc bèn sai người mang một gói trân châu, năm khối vàng mã đề và mật thư đưa cho Dật để dụ hàng. Hữu Dật được thư cả giận trả lời rằng: "Tháng sau xin vương đem quân tiếp tôi ở trên song." Sứ Trịnh đi rồi, Hữu Dật liền đem bức thư và đồ vật của Trịnh Tạc biếu để báo lên... Chúa Nguyễn Phúc Tần trả lời rằng: "Ta vẫn biết khanh trung thành, lễ vật của họ Trịnh, khanh cứ nhận lấy đừng hiềm nghi bận lòng."
Tú Minh vái tạ vâng lệnh trở ra Nghệ An trình lại với đốc chiến Chiêu Vũ mọi lời truyền bảo của chúa. Chiêu Vũ cả mừng bèn sắp xếp mọi việc để đón đợi người của bên Trịnh.
Lại nói Tây Định vương Trịnh Tạc từ khi sai bọn Triều Hữu, Liêm Thanh đem lễ vật và mật thư vào dụ dỗ đốc chiến Chiêu Vũ. Chiêu Vũ đã hẹn đến thượng tuần tháng sau dẫn quân về hàng. Tây Định vui mừng khôn xiết nói: "Phen này quân Đàng Trong hẳn sẽ như chim gẫy cánh, chẳng có gì đáng phải lo ngại nữa." Tây Định vì thế háo hức mong chờ. Ngày giờ thấm thoắt chẳng mấy chổc đã cuối tháng, vẫn chưa thấy có tin tức gì. Một hôm bỗng thấy người xứ Sơn Tây tên là Vi Xuyên về kinh đô tâu báo rằng:
- Cha con kí lục Hồ âm mưu chiêu dụ binh dân, danh tướng bốn phương làm nội ứng, thường vẫn có thư từ qua lại thông mưu với các tướng của Nam triều, ước hẹn ngày tháng để quân Nam đem quân vượt ra phía bắc sông Lam. Bấy giờ chúa thượng sẽ phái quân vào chặn địch bỏ ngỏ kinh đô, bọn kí lục Hồ sẽ dấy quân nổi loạn để khiến cho quân triều đình trước mặt sau lưng đều gặp địch. Sau khi thành công, bọn họ sẽ cùng chia đất xưng vương như thời loạn Mười hai sứ quân ngày trước.
Tây Định vương Trịnh Tạc nghe xong cả giận, sai tham đốc quận Hào đem quân đi vây bắt toàn gia cha con kí lục Hồ giao cho ty đình úy xét hỏi. Kí lục Hồ không chịu nổi cực hình phải khai nhận hết sự việc. Bọn đình úy lại hỏi kí lục Hồ kết bè đảng tất cả bao nhiêu người? Kí lục Hồ mím miệng không đáp. Con kí lục Hồ là Tú Phượng nhảy phắt dậy nghiêm giọng nói rằng:
- Các ông bất tất phải tra khảo, để tôi nói rõ cho các ông biết: dân chúng đều đồng tình coi bè lũ của chúa Trịnh như lang sói làm hại sinh dân, giết mẹ bức cha, hãm hại kẻ bề tồi trung thực, trời người đều căm tức, quỷ thần đều muốn tru diệt đi, bốn phương trăm họ ai nấy mong ăn gan xé xác, há phải chỉ riêng bọn ta đâu? Bọn ta chỉ muốn phanh thây nghịch Trịnh thành trăm mảnh để nguôi tức giận, ấy là ý muốn tự trong lòng bọn ta, có cần gì phải âm mưu kết bè kết đảng? Việc ấy vốn chỉ do cha con bọn ta đây mà thôi, không can dự gì đến người khác. Chẳng may mưu cơ tiết lộ, âu cũng là lòng trời chưa muốn diệt họ Trịnh vậy.
Tú Phượng nói xong, nhảy chồm tới định cướp thanh kiếm của một tên đình úy để giết quận Hào. Vệ sĩ của quận Hào vội bắt giữ, trói riêng cha con kí lục Hồ mỗi người một nơi rồi vào bẩm với chúa Tây Định. Trịnh Tạc cả giận hạ lệnh đem cha con kí lục Hồ chém ngay tại chỗ rồi đem bêu đầu ở chợ để thị uy với dân chúng. Sau đó Trịnh Tạc lại xuống lệnh bắt giết cả ba họ nhà kí lục Hồ, già trẻ lớn bé đều không tha sót một ai. Thương thay cho hơn ba chục con người phải chịu chết làm ma không đầu thây vất đầy đường ngõ, mùi tanh hôi nồng nặc không ai chịu nổi. Ấy là sự việc vào ngày bảy tháng năm. Dân chúng ở kinh đô và bốn trấn đều nhao nhao bàn tán, ai nấy rơi nước mắt thương xót cho tình cảnh của cha con kí lục Hồ. Người đương thời có thơ than rằng:
Mây sầu oan khí thấu không trung,
Uổng khiến anh hùng huyết lệ hồng.
Giang bắc ngô đồng vèo lá rụng,
Sơn Tây vầng nguyệt lửng cao không.
Kì tài chửa kịp thân đà thác.
Tráng chí vẫn còn mệnh đã xong!
Ảnh hình chăng có danh không mất,
Trời trăng soi tỏ sáng vô cùng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro