Phần sơ
"Ngày mai người trong cung sẽ đến đưa mày đi. Liệu mà sống tốt. Làm nô thì làm nô, biết đâu có thể mê hoặc vương tôn công tử, một bước lên mây, gà rừng hoá phượng hoàng." – Anh cả Trọng Khanh của tôi cười ha hả, đưa cặp mắt đờ đẫn vì men say nhìn tôi, không giấu được vẻ đắc ý hiểm độc. Trên tay Trọng Khanh là một túi bạc rủng rỉnh, ước chừng chục lượng.
Tôi cười cay đắng. Chục lượng vàng, tấm thân này của tôi, sinh mệnh này của tôi, chẳng qua chỉ ngót nghét chục lượng vàng. Năm xưa đọc Đoạn trường tân thanh, tôi từng nhạo Thuý Kiều bán mình chuộc cha là ngu xuẩn, nhu nhược đến nỗi bản thân mình cũng phó mặc cho tên Mã Giám Sinh kỳ kèo ngả giá. Bấy giờ, đến lượt tôi khinh bỉ bản thân mình bị bán lúc nào còn chẳng biết.
"Đi đi. Được phú quý thì đừng quên chiếu cố anh trai mày." – Đó là lời cuối cùng tôi nghe được từ người anh trai đốn mạt.
Không cùng mẹ nhưng cũng cùng cha, cũng mang họ Hoàng, cớ sao hắn lại tàn nhẫn với tôi như thế. Vì mẹ tôi đã lỡ giành mất một chút tình thương từ cha sao, vì tôi là kết quả của mối tình vụng trộm ấy sao?
...
Người đưa tôi đi là một thái giám trong cung.
Sinh ra và lớn lên trong một nhà quan lại xứ kinh kỳ, vậy mà cả danh phận kim chi ngọc diệp tôi cũng không có. Đến khi rời khỏi nhà, lại rời đi với thân phận một cung tì sắp tiến cung. Bầu trời xứ Huế cao xanh vời vợi, trong vắt sáng ngời, tựa như có thể nhìn thấu chín tầng mây lơ lửng. Vậy mà, sao Cao Xanh kia không nhìn thấu cho phận cỏ hèn này một lần cơ chứ?
Tự hỏi, tôi đã làm gì sai, làm gì đắc tội để nhà họ Hoàng ấy đối xử với tôi như vậy?
"Mày không sai, là mẹ mà sai. Nhưng mày là con gái bà ta, cũng nên gánh cái sai này giúp bà ta đi." – Trọng Khanh đã nói với tôi như vậy, mười năm về trước.
Mười năm trước, khi ấy tôi mười ba tuổi.
Người ta nói "nữ thập tam, nam thập lục". Tôi của năm mười ba tuổi tươi xinh tựa như cỏ non biêng biếc, sức sống ngập tràn. Tôi của năm mười ba tuổi hoàn toàn an phận thủ thường, không nói nhiều cũng không nghĩ nhiều. Tôi của năm mười ba tuổi chẳng hề đa đoan suy tính, cũng chẳng hề thắc mắc vì sao thân là tiểu thư nhà họ Hoàng lại bị đối xử không khác gì nô bộc. Tôi của năm mười ba tuổi đã gặp anh.
Thừa Mai!
Chẳng biết anh còn nhớ không ngày hai ta lần đầu gặp gỡ. Ngày đó, em mặc tấm áo nâu sồng cũ kỹ, một mình bước đi giữa chợ An Cựu nhộn nhịp đông vui. Ngày đó, anh đứng đó nhìn em giữa đám đông xô bồ đó. Anh nhoẻn miệng cười. Mớ tóc mai loà xoà trước trán che ngang tầm mắt, cũng không sao che được nụ cười anh rực rỡ như ánh nắng chiều.
Anh ấy tất nhiên sẽ không còn nhớ, hoặc là nhớ nhưng lại không dám nhớ. Phải, anh nhớ làm gì, nhớ lại chỉ thấy thêm đau khổ.
Anh nhớ làm chi những ngày anh gặp tôi trên bờ hồ sen thanh tịnh. Hương sen thơm thấm nhuần cả tâm tư, khiến cho cả hơi thở cũng phảng phất phong vị cửa thiền vô bi vô hỷ. Tôi và anh bẽn lẽn không nói năng gì. Tôi lén đưa cho anh gương sen tôi mới hái. Anh nhận lấy gương sen, lòng bàn tay còn vương vít chạm vào tay tôi chốc lát, ấm đượm cả một mảng tâm hồn.
Anh cười lém lình: "Sen thì thơm thật, nhưng tôi không thích lắm."
Tôi nhíu mày khẽ hỏi: "Vậy anh thích hoa chi?"
Ánh chiều vàng vọt mơ hồ rọi trong đáy mắt anh, tôi thấy bóng mình trong đó, sâu thẳm, bị ánh nắng nhuộm đôi gò má sắc hồng nhàn nhạt.
"Tôi thích hoa cúc!"
"..."
Cúc là khuê danh của tôi.
Cha tôi là tri huyện Hoà Đa, tên là Hoàng Trọng Tích. Cha năm xưa đỗ đến tú tài, học vấn cũng có thể nói là sâu rộng. Con trai con gái nhà quan lại, ai ai cũng tên họ đầy đủ ba chữ, vô cùng cao quý. Còn tôi, cũng là tiểu thư nhà tri huyện, ngoài họ Hoàng của cha, tên chỉ có mỗi một chữ Cúc.
Tôi biết cha hay chữ, tôi cũng biết rằng khuê danh chốn đài cát thường được lựa chọn rất cẩn thận. Cái tên là nói lên gia thế, tính cách và có khi là cả số phận của con người.
Hoàng Cúc. Cái tên này so với mấy bồ chữ Nho của cha thì tầm thường quá. Tôi nhiều lúc cũng có phần tủi thân.
"Con thiếp thất, thân phận thấp kém, chữ đặt tên có tầm thường một chút cũng là lẽ đương nhiên."
Bấy giờ trời đang là cuối thu, gió bắt đầu se lạnh. Mấy chậu cúc mua từ tết Trung Thu trở nên héo úa, sắc vàng sắc tím cũng nhạt đi ít nhiều, nhường chỗ cho gam màu trầm tịch mịch. Dì tôi bứt lấy một bông cúc còn tươi, mân mê cánh hoa đã mềm đi vì thiếu nhựa sống rồi hung hăng ném nó ra giữa sân. Bông hoa tan nát, cánh hoa rách rưới vương khắp sân nhà.
"Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chỉnh vứt ngoài bờ tre*." Dì nhìn tôi, ánh mắt sắc lẹm.
(*) Câu tục ngữ trích trong truyện cổ tích Tấm Cám. Ý nói con nhà quyền quý đôi khi cũng không hơn ai, nên người phận thấp bé,nghèo hèn chớ dại đem bản thân mình mà so sánh với người khác.
"Năm xưa mẹ của mày, không biết thân biết phận mà tranh lấy chồng của bà. Chị em ruột thịt gì chứ? Lúc ăn nằm cùng ông ấy, bà ta có nghĩ đến đứa em gái tội nghiệp đang bụng mang dạ chửa hay không?"
Dì tức giận vung tay tát vào mặt tôi, ấm trà tôi đang bưng nước văng tung toé, bỏng cả tay tôi, thấm cả vào vạt áo gấm thượng hạng của dì. Dì tức giận nhìn tôi, giọng lạnh lẽo như nước mưa đêm thấm vào da thịt, ánh mắt lại có phần hả hê: "Sau đó, người đàn bà đó cũng biết cái gì gọi là tự trọng, âm thầm mà bỏ đi. Chỉ tiếc là, còn để lại đứa con hoang như mày!"
"Chuyện đã mười mấy năm rồi, bà còn nhắc lại làm gì. Trăm sai ngàn sai cũng là do tôi, bà chớ trách nó. Dẫu sao nó cũng là con gái của tôi mà."
Mỗi lúc dì tôi nhớ lại quá khứ mà lôi tôi ra trút giận, cha liền đi đến nói giúp cho tôi. Còn tôi lúc ấy nép sau bóng lưng to lớn của cha mà gắng kìm nước mắt, không cho người đàn bà cay nghiệt ấy biết tôi yếu đuối đến độ nào.
Chỉ tiếc, khi tôi vừa hiểu chuyện, cha đã sớm qua đời.
Cũng giống như sau đó, tôi rúc vào hõm vai của Thừa Mai bật khóc nức nở, cả người run lên vì ấm ức. Tôi khi ấy hệt như đoá cúc cuối thu kia vậy, yếu đuối biết bao. Vậy mà con người duy nhất tôi có thể dựa dẫm vào sớm đã không còn bên tôi nữa.
Năm tôi vừa tròn hai mươi, trong cung thiếu nhân sự, Thừa Mai bị hương làng bắt vào cung làm thị vệ. Chỉ còn tôi trơ trọi một mình.
Hơn một năm sau đó, anh cả Trọng Khanh cờ bạc vô độ, nhà họ Hoàng từ chỗ đủ ăn đủ mặc, bấy giờ lại trở nên nghèo túng nợ nần. Không nói không rằng, tôi liền bị bán đi làm cung nữ.
Lúc nhìn thấy tờ giấy bán thân trong tay Trọng Khanh, tâm tình tôi thật sự hỗn loạn. Tôi lo sợ, sợ rằng sau này sẽ chẳng còn cái gọi là tự do nữa. Nhưng trong lòng trào dâng chút cảm giác vui mừng, tựa như tạo hoá đã cố công sắp đặt. Phải, trong chốn lầu son gác tía đó có Thừa Mai của tôi, hẳn là lúc này, anh đang canh gác ở một cung điện nào đó. Chắc là anh cũng đang nhìn bầu trời cao qua mái ngói cung điện. Chắc là ánh mắt anh cũng hoang mang rợn ngợp như mắt tôi lúc này. Chắc là anh cũng đang nhớ tôi lắm, như tôi vẫn đang nhớ về anh...
Thế nhưng, cung nữ thị vệ, đến cả hơi thở còn không phải là của mình nữa. Làm thế nào để ở bên nhau đây...?
...
Tử Cấm Thành đón tôi bằng một ngày âm u, mây xám vờn quanh khắp đền đài cung tẩm. Bầu trời với mặt đất như sát nhập làm một. Những áng mấy nặng trĩu cơ hồ đè nát cả đất kinh kỳ. Không giang hoa lệ mà tột cùng hiu quạnh, tựa như thăng trầm của thời cuộc đã hút cạn lấy uy quyền dũng mãnh của cung đình. Đất An Nam lại lấp ló bóng người mắt xanh mũi lõ, lẽ nào những vàng son ngàn năm đó vẫn còn chói loà như xưa?
Sau một ngày đến Nội Vụ phủ trình báo thân phận, tôi cùng với mấy mươi người khác được đưa đi học cung quy và được phân phó công việc mà chúng ta sẽ phải đảm đương thường ngày.
Ba tháng trôi qua, cuộc sống nơi Tử Cấm Thành chật hẹp tôi cũng có thể từ từ thích ứng. Ngẫm lại, cung quy nói khó tuân cũng không phải. Người ta thường nói, phàm là cung nhân thì phải chịu cảnh sống mà không có tự do. Riêng tôi từ nhỏ vốn dĩ luôn bị người ta xem thường, tự do vốn chẳng hề có. Mấy trăm điều cung quy nghiêm ngặt đó sao có thể làm khó được tôi?
Theo lệ thường, cung nữ nhập cung được phân phó vào Lục Thượng cục*, nơi đảm đương việc ăn mặc, lễ tiết của chủ tử trong cung. Chỉ một số ít cung nữ có tư chất được Nội Vụ phủ đặc biệt tuyển chọn để làm ngự tiền bên cạnh Hoàng đế, hoặc hầu hạ Thái hậu, Thái phi. Bản thân tôi vốn trầm ổn tỉ mỉ, nên từ sớm đã được chỉ thị đến Diên Thọ cung hầu hạ hai vị Thái phi.
(*) Lục Thượng: Cơ quan trong Nội Cung chuyên lo chuyện sinh hoạt cho Hoàng gia. Lục Thượng tập hợp cung nữ trong cung phục vụ ăn uống, trang phục, trang sức, nghi trượng,... trong cung, thường do phi tần chưởng quản.
Hậu cung tranh đấu, xưa nay vốn dĩ mẹ quý nhờ con. Hai vị đức bà trong Diên Thọ cung vốn là phi tử của vua Đồng Khánh. Một người từng là Hoàng Quý phi Nguyễn Hữu thị, phụng thừa vụ kiêm nhiếp lục viện. Một người từng là Hoà Tần Dương thị, mẹ ruột của Phụng Hoá công Nguyễn Phúc Bửu Đảo, hoàng tử duy nhất của tiên đế.Từ sau khi Đồng Khánh băng hà, Hoàng Quý phi Nguyễn Hữu thị và Hoà Tần Dương thị rời bỏ lục viện, sống ẩn dật tại Diên Thọ cung, nơi được gọi là "viện quả phụ" của cả Tử Cấm Thành.
Tôi khẽ thở dài. Trong chốn cấm cung, dù là kẻ nô bộc suốt đời phụ dịch ở Lục Thượng cục hay Hoàng Quý phi cao cao tại thượng nơi cung Khôn Thái thì cũng chỉ chung một phận cá chậu chim lồng mà thôi. Con cá này không thể vẫy vùng thì người ta đổi con cá khác, con chim nọ không thể cất tiếng oanh vàng thì một con chim mới lại được nuôi. Cũng trong cái lồng son ấy mà thôi...
Khoan hãy nói hai vị đức bà năm xưa từng tài hoa ra sao, thông minh cơ trí đến độ nào. Chỉ hai câu "hồng nhan chóng lụi tàn", "tre già măng mọc" đã đủ sức khiến người ta quên đi phong quang*ngày xưa. Hậu cung của Đồng Khánh đã là quá khứ, những bóng mẫu đơn ngày đó là sao đủ sức vùi dập thược dược, đỗ quyên, hải đường của ngày hôm nay? Phế đế Thành Thái có Huyền Phi Nguyễn Hữu thị, tài sắc đến độ nhà vua thương nhớ khôn nguôi, vội vàng soạn chiếu đón nàng từ làng Kim Long vào Tử Cấm Thành, vừa vào cung đã phong Nhất giai phi cao quý tột cùng, vinh hoa át cả Nguyễn Hoàng Quý phi. Lại nói, đương kim Thánh thượng Duy Tân đế, hậu cung chỉ có mỗi Mai Hoàng Quý phi làm chính thất, một thứ phi nhà vua cũng không lập. Nhất kiến chung tình, sủng ái vạn ngàn làm sao kể xiết.
(*) Phong quang: là một từ cổ, ý chỉ sự tươi đẹp, hiển hách
Chỉ là, dù là Thành Thái hay là Duy Tân, hậu cung ba ngàn giai lệ ai tài ai sắc, hai vị Thái phi cơ bản cũng chẳng thể nào can dự, bởi hoàng đế không phải là hoàng tử thân sinh của hai vị đức bà. Bất kể là Hoàng Quý Thái phi hay Hoà Thái phi đi nữa, chẳng qua chỉ là hữu danh vô thực, không hề có chút uy quyền ảnh hưởng đến hậu cung của tân đế.
Tôi thầm nghĩ, như vậy cũng xem là rất tốt. Hầu hạ bên cạnh người không quyền không thế, tôi có thể bình an mà sống những tháng ngày phía trước.
...
Hơn một năm trôi qua, cuộc sống của tôi xem chừng đã đâu vào đấy. Công việc ở Diên Thọ cung nói nhiều cũng không nhiều, nói ít cũng chẳng ít. Ngày lại qua ngày, việc này việc nọ cứ luân phiên đến tay, đến giờ nào thì làm việc gì, ở đâu, ra sao... hết thảy cứ như hạt bồ đề trên xâu chuỗi nối kết nhau, liên miên không dứt. Buổi sáng mỗi ngày, từ giờ Mão tôi đã thức dậy, sửa soạn cung trang thật chỉnh tề, sau đó đến chái điện chuẩn bị y phục cho Hoà Thái phi.
Hoà Thái phi năm xưa tiến cung được tiên đế Đồng Khánh phong Tiệp dư, về sau có công hạ sinh Phụng Hoá công, nhận thánh chỉ gia phong thành Hoà Tần. Hoà Tần khi ấy chỉ ở Tam giai, nhưng đãi ngộ dành cho Đoan Huy viện của bà chẳng kém gì Khôn Thái cung của Hoàng Quý phi Nguyễn Hữu thị. Việc bà có được tiên đế sủng ái hay không thì khoan hãy bàn đến, chỉ riêng việc hạ sinh long chủng đã phần lớn củng cố địa vị của bà ở chốn hậu cung. Chính vì thế, khi tiên đế băng hà, ngay cả tân đế kế vị cũng phải vị nể phần nào, tôn phong bà làm Hoà Thái phi, chỉ kém Hoàng Quý Thái phi đúng một bậc, tột cùng vinh hiển.
Luận về địa vị, cùng là Thái phi, tiên đế đã quy tiên, phong hiệu và ngôi vị có đáng là gì, cũng đâu thể lấy đó mà tranh sủng được nữa. Vậy nên ai có con trai thì người đó hưởng phúc, ở Diên Thọ cung thế lực cũng áp đảo hơn cả.
Tôi không phải không biết điều đó. Mỗi khi chuẩn bị y phục cho hai vị đức bà, đều lưu ý chuẩn bị cho Hoà Thái phi một bộ thật bắt mắt, hoa văn thêu thùa phải thật tinh tế. Đến cả trang sức của bà cũng đều là trâm vàng nạm ngọc, quý phái hơn người. Nhưng hiển nhiên, Hoàng Quý Thái phi thân là chính thất, đích thứ tôn ti cũng không thể đảo lộn. Cung trang của bà lại lấy chất liệu làm quý, chỉ vàng chỉ bạc thêu tiệp màu với nền vải lụa, tuy có phần đơn giản nhưng lại sang trọng vô cùng. Phối với trâm ngà khảm ngọc lại càng thêm phần tôn quý.
Mọi việc tôi làm đều nhất quyết không để xảy ra sơ suất.
"Chị cả. Chị xem, đám nô tỳ năm ngoái tuyển vào thật là được việc. Hơn một năm nay, em chưa từng có chút phàn nàn." Hai vị Thái phi đang ngồi thưởng trà tại ngự uyển. Hoà Thái phi vừa nhấp chén trà xanh Thái Nguyên tiến công, miệng khẽ cười rất mực đoan trang.
Tôi đứng hầu cạnh bên, thi thoảng lại bước đến châm trà, bóc vỏ trái cây giúp hai vị đức bà.
Hoàng Quý Thái phi nhìn tôi một lúc rồi khẽ cười: "Hoà Thái phi, theo ta thấy, đám cung nữ này người nào người nấy đều xinh đẹp, tuyệt đối không kém em năm xưa."
Tay tôi bất giác run run, nước trà sóng sánh đổ ra ngoài, nhuộm một vệt sậm màu trên tấm trải màu xanh nhạt thêu hoa mẫu đơn.
Hoà Thái phi xếp vạt áo sang một bên, cẩn thận ngăn không cho nước trà vấy bẩn. "Phàm là cung nhân, xinh đẹp một chút thì có làm sao. Làm tốt bổn phận của mình là được. Ai cũng mơ cao, muốn gà rừng thành phượng hoàng, trong cung chẳng phải sẽ sóng gió không ngớt hay sao?" – Nói đoạn, bà cười lạnh một tiếng, ánh mắt nhìn tôi sắc lẹm.
"Phải phải. Sống trong cung, cần nhất là an phận thủ thường làm theo quy tắc. Thứ gì vốn không phải là của mình thì chớ nên si tâm vọng tưởng." – Hoàng Quý thái phi ôn tồn nói, ánh mắt nhìn về xa xăm.
Tôi nhìn theo ánh mắt ấy của bà, chỉ thấy bốn bề tường cao ngói biếc, tịch mịch vô cùng.
...
Mỗi đêm, thần trí lại chập chờn trong mộng mị. Giữa những hư vô thoát ly khỏi thực tại, tôi thấy nụ cười của anh. Nụ cười rực rỡ đó, cách biệt lâu nay vẫn không hề thay đổi. Anh hỏi tôi, sao lại không tìm anh, lẽ nào hai năm xa cách, tôi đã quên anh rồi. Tôi uất nghẹn không nói nên lời. Kỷ niệm ngày đó trong sáng biết mấy, êm đềm biết mấy, tôi nào dám quên. Chỉ là, tuy cùng dưới một vòm trời, cùng trú ngụ tại một toà thành, nhưng cứ bị bàn tay vô hình chia cắt. Tôi thậm chí còn không biết, anh đang làm thị vệ của cung nào, cuộc sống có tốt không...
Tỉnh lại, mồ hôi trên trán rịn ra ướt đẫm, cả người lạnh toát. Nỗi nhớ vô vọng nay đã trở thành ám ảnh đeo bám dai dẳng mãi trong tim. Mõi lần nhớ về anh, cõi lòng chợt quặng thắt. Chợt nhận ra, ngày ấy anh ra đi, cũng đâu ngờ tôi về sau sẽ bị bán vào trong cung kia chứ?
Rất muốn gặp lại, nhưng thời gian ngăn đường cản lối. Dưới một tường thành, rong ruổi ngàn dặm cũng chẳng thể gặp lại nhau...
...
Đang là đầu tháng Chạp, khí trời trở nên lạnh lẽo. Từng ngọn gió cô liêu quét qua sông Hương, mang theo chút hơi ẩm đến Tử Cấm Thành. Mùa tàn phai, hoa lá trong ngự uyển đều héo úa, vậy mà trong không khí vẫn phảng phất mùi hương thanh tân dễ chịu. Cung ai đốt đàn hương* giữa trời đông hiu quạnh, từng làn hương nồng đượm lọt quá khe cửa vương vít vào không khí, cứ như sợ người ta không biết chủ nhân của cung ấy tôn quý hơn người.
(*) Đàn hương: Trong cung thường dùng lư hương đốt hương liệu để khử mùi và xua lạnh. Đàn hương là một loại hương liệu, làm từ một loại gỗ quý. Đàn hương không chỉ có tác dụng định thần mà còn mang ý nghĩa tâm linh, thường được sử dụng làm hương (nhang) đèn đốt ở nơi thờ tự, cúng bái.
Trời bắt đầu trở lạnh, mỗi ngày phải chuẩn bị cho hai vị Thái phi thêm áo ấm. Mới đây, Nội Vụ phủ cho người mang tới hai cái áo bành tô* của người Pháp, nghe nói mặc vào đặc biệt ấm áp. Chỉ là Hoàng đế không thích dùng hàng Tây Dương, Mai Hoàng Quý phi cũng tuân theo thánh ý, hai cái áo này đành để hiếu kính với hai vị Thái phi ẩn dật trong Diên Thọ cung.
(*) Áo bành tô: Loại áo khoác của người phương Tây vào mùa đông, may từ da, lông hoặc vải, may rất dày nên mùa đông mặc vào rất ấm.
Phụng Hoá công Bửu Đảo, con trai của Hoà Thái phi hôm nay đến vấn an, nhìn thấy chiếc áo mà Thái phi đang mặc liền không ngớt trầm trồ: "Áo của Ả* đẹp quá. Hẳn là giá trị liên thành."
(*)Ả: Cách gọi mẹ của tầng lớp thượng lưu xứ Huế
Trong cung ai nấy đều biết Phụng Hoá công ưa lối phục sức phương Tây, hôm nay trăm nghe không bằng một thấy. Thường phục của bậc vương giả vốn cũng nên là áo lụa ngũ thân, còn vị này, lối ăn mặc có phần Tây hoá, cả người nửa cổ nửa kim, mười phần kỳ dị.
Thân là hoàng nam duy nhất của tiên đế Đồng Khánh, dù cho thanh thế không gì vẻ vang, cũng không khỏi có phần khoa trương thái quá. Một hàng thị vệ hai mươi người xếp hàng ngay ngắn đứng bên ngoài chính điện, súng Tây giắt bên hông, dáng người cao to bặm trợn khiến ta khiếp sợ.
"Bửu Đảo, con cũng lớn rồi, nên biết chừng biết mực. Không phải phủ nhận thân phận của con, nhưng đi về rình rang thế này, khó tránh người ngoài đàm tiếu, cho rằng Ả đây không biết dạy con."- Hoà Thái phi nhìn con trai, khẽ thở dài.
Phụng Hoá công một tay vân vê huân chương bằng ngọc trước ngực áo, khoé môi đỏ như tô son khẽ nhếch lên. Gương mặt vốn không tuấn tú lại điểm trang như nhi nữ, vô cùng khó coi.
"Ai nói thì cứ mặc kệ người ta, Ả đâu cần để tâm." – Bàn tay gầy guộc vỗ vỗ lên mu bàn tay của Thái phi, móng tay dài bóng loáng. "Hôm nay mấy thương gia người Pháp đó đặc biệt mang đến son phấn hảo hạng của Tây Dương, con đã có thử qua một chút, cảm thấy rất tốt, liền đem vào đây hiếu kính với Ả."
Hoà Thái phi mặt cứng đờ, vẫn cố nở ra nụ cười, trông hết sức khó coi: "Ả già rồi, gần đất xa trời, phụ hoàng con cũng đi theo tổ tông từ lâu, điểm trang rực rỡ thêm nữa là để ai xem. Trái lại, con nên giữ lại mớ son phấn này, về sau tặng cho thê thiếp vẽ mày vẽ mắt. Phụ nữ đẹp động lòng người, đàn ông nào lại kháng cự nổi cơ chứ."
Phụng Hoá công mở miệng toan nói điều gì đó, Thái phi đã khoát tay, chậm rãi chặn lời: "Lỗi lầm năm đó Ả không trách con. Như Tịnh xuất gia tu hành đã lâu như vậy, còn thề không về phủ Phụng Hoá công. Con cũng nên chọn cho mình vài người mới đưa vào phủ." – Nói đoạn, bà lại thở dài: "Ngoài miệng nói là không hối thúc con, nhưng thâm tâm của Ả vẫn mong con sớm yên bề gia thất, cho Ả sớm có cháu bế bồng. Vả lại, con cháu của con cũng có thể là người kế thừa giang sơn đại thống."
Phụng Hoá công xua xua tay: "Con muốn được tự do một thời gian nữa, chuyện thành gia lập thất Ả hãy để sau." – Nói rồi khoé miệng đỏ tươi lại nở nụ cười: "Quà con đã đưa đến tận cửa, Ả cũng nên nhận mới phải."
Hoà Thái phi ra hiệu cho tôi đến cạnh bên hắn để nhận quà. Tôi vừa khom người hành lễ, hắn đã cất cao giọng gọi thân vệ của mình. Âm sắc vừa trầm đục lại vừa chói tai, thật sự nghe không ra giọng của một người đàn ông đang tuổi tráng niên.
"Thừa Mai. Mang đồ vào đây."
Thừa Mai... Thừa Mai! Hắn gọi Thừa Mai!
Lòng tôi một phen chấn động. Lớp lớp sóng xô trong lòng. Tưởng chừng những nhung nhớ trong lòng đã ngủ yên,không ngờ trong tình này cảnh này lại dấy lên mãnh liệt. Tư thế hành lễ vẫn chưa buông, đầu gối khom khom có chút run rẫy.
Phía ngoài chính điện Diên Thọ cung là bầu trời quang đãng. Sắc trắng chói chang đối lập hoàn toàn với vẻ âm u bên trong. Dáng người anh tuấn từ từ điến vào, thân là thị vệ vào luồn ra cúi nhưng vẫn rất khoan thai. Tôi đứng ngược sáng, khó có thể nhìn rõ gương mặt nhưng vẫn có thể từ từ cảm nhận tiếng bước chân ấy. Nhịp điệu trầm ổn, bao năm vẫn không thay đổi.
Anh đến giữa điện, kính cẩn quỳ gối hành lễ với Thái phi, đôi tay vững chải bê khay vật phẩm.
Phụng Hoá công nhìn anh mỉm cười đầy ý vị, nghiêng mặt ra hiệu anh chuyền khay ấy cho tôi.
Khay gỗ khá nặng, tay anh bê chắc chắn, như chờ đợi tôi dùng đứng tư thế mà bưng. Dưới tấm vải điều đỏ rực, đôi bàn tay chạm vào nhau. Hơi ấm quen thuộc lướt qua đầu ngón tay, như gần như xa. Trong một thoáng, bốn mắt nhìn nhau.
Thời gian ngưng đọng.
Tôi thấy đôi mày kiếm của anh dãn ra, hai mắt mở to đầy kinh ngạc. Nơi nào đó của đôi mắt chớm đỏ tự lúc nào. Sống mũi cay cay.
Tôi gượng gạo cúi người tạ lễ, chậm rãi lui về phía sau Thái phi. Anh đứng đó một lúc lâu, cảm thấy không tự nhiên, một câu "bỉ chức cáo lui" liền lập tức rời khỏi. Trong khoảnh khắc, anh ngoảnh mặt nhìn tôi một lần. Ánh mắt lướt vội nhưng vẫn khiến người ta nhìn ra vẻ luyến lưu không rời.
Là kiếp hay là duyên...?
...
Lần thứ hai tôi gặp lại Thừa Mai đã là nửa tháng sau đó. Rằm tháng chạp khí trời mỗi lúc một lạnh, cũng là thời gian cung nhân nhặt lá mai vàng trong cung uyển. Sau khi nhặt lá cẩn thận, dựa theo khí trời mà chăm bón, mai vàng sẽ nở vào đúng dịpTết Nguyên Đán, vô cùng rực rỡ bắt mắt, mang hàm ý đại cát đại lợi.
Hai vị Thái phi sống trong Diên Thọ cung vốn nhàn nhã đã lâu, hôm nay được dịp liền sai cung nữ thái giám cả cung thay nhau nhặt hết lá mai vàng trong hoa viên. Một nơi vốn u tịch như Diên Thọ cung, vào dịp Tết đến xuân về lại sáng bừng sức sống, vô cùng nhộn nhịp.
Tôi lay hoay với nhánh mai tít trên cao. Cành lá vốn dĩ không cao, nhưng mấy chồi lá lại hướng thẳng lên trời xanh, vượt khỏi tầm với của tôi. Mải mê ngước mặt tìm cách nhặt lá, ánh nắng hắt vào mắt chói loà. Trong mơ hồ, ánh nắng kia bỗng một thoáng dịu dàng, nụ cười ai khẽ nở trên môi, cõi lòng bỗng trở nên mềm mại đôi chút.
Dáng người vốn dĩ cao gầy, vì sương gió Đại Nội mà trở nên cứng cáp vững chãi, như muốn khắc sâu vào cõi lòng những nhớ mong thầm lặng.
Anh không cần khiễng chân đã có thể dễ dàng bẻ mấy lá mai đầu cành xuống. Đột nhiên tôi nhớ năm ấy, khi chúng tôi cùng dạo hồ sen cuối hạ, anh có hái cho tôi mất búp sen, động tác cũng dứt khoát, mạnh mẽ như thế này. Tựa hồ, chẳng có gì thay đổi...
"Vâng lệnh Phụng Hoá công gửi thiệp mời đến Hoà Thái phi, mời đức bà đến toà Khâm Sứ đêm nguyên tiêu dự yến. Trên đường về liền gặp em ở đây." – Anh nhìn tôi, ánh mắt tựa hồ xuyên thấu cả tâm tư, đôi gò má bừng bừng đỏ.
Rất lâu sau đó, anh mới lại cất lời. Giọng nói trầm trầm, tựa hồ đè nén bao nhiêu tâm tình khó bày tỏ.
"Em có khoẻ không?"
"Vẫn khoẻ." – Tôi đáp. Vẫn khoẻ, nhưng mong nhớ anh đêm ngày, tương tư thành bệnh.
Làn gió đông thổi qua bất chợt khiến đám lá mai gom lại một góc sân tung bay loạn xạ. Trên nền xám u ám hệt như sắc trời điểm xuyết vài mảng màu xanh thẫm pha chút vàng mơ của lá. Cảnh ngày đông tiêu điều mà ấp ủ mầm sống thầm lặng. Nơi đáy lòng ai đó, từng cơn sóng biếc khẽ cuộn trào.
"Thật không ngờ, có thể gặp em tại Đại Nội này."
"Phải." – Giọng nói tôi có chút nghẹn ngào: " Em vẫn cứ ngỡ phải rất lâu sau này, khi em được cho rời cung, chúng ta mới có cơ hội gặp lại..."
Khoé mắt đã loang loáng, tầm như như bị lớp lớp sương mờ phủ vây. Mọi thứ hết thảy đều là hư ảo.
Anh lấy ống tay áo dịu dàng lau nhưng giọt mặn đắng bên khoé mi của tôi. Lòng thầm máy động, sợ rằng có người phát giác, tôi khẽ lui một bước, tỏ ý giữ khoảng cách.
Anh thấy thế liền cười khổ: "Chẳng phải bây giờ đã gặp lại nhau rồi sao? Âu cũng là duyên phận của chúng ta."
"Gặp được nhau giữa Tử Cấm Thành là duyên, nhưng đều là phận nô tài, sao có thể mang chút lòng riêng được?"
Xa cách đã lâu, nay lại tương phùng, thử hỏi có niềm vui nào bằng? Chỉ là gặp lại nhau giữ chốn thân bất do kỷ, bao nhiêu nhớ nhung cũng chẳng thể bày tỏ, bao nhiêu thiếu vắng cũng không thể được bù đắp.
"Dù sao đi nữa..." – Ánh mắt anh tràn ngập ý cười. "...Nguyên Tiêu này, mong được gặp lại."
Tâm tình rối như tơ vò. Trong mắt tôi chỉ còn nụ cười của anh đọng lại. Tựa như dư vị ngọt ngào lẫn trong đắng chát, khiến người ta nhớ mãi không thôi.
Nhiều năm sau đó, trong những giấc mơ, tôi vẫn còn nhớ rõ gương mặt ấy, ánh mắt ấy, cùng lời anh nói với tôi tan theo cơn gió thanh hàn. Chỉ là, mỗi khi nhớ đến, nước mắt lại chựt trào, đau thương dồn nén.
Anh đã nói: "Chúng ta rồi sẽ về bên nhau, nhất định!"
...
Tết Nguyên Đán vừa qua, tiết Nguyên Tiêu lại đến. Trong cung vẫn giữ lối trang hoàng xa hoa lộng lẫy. Đó đây hoa đèn kết giăng, trong ngoài nước xanh hoa thắm, cảnh sắc diễm lệ động lòng người. Nguyên tiêu năm nay không thiết yến rình rang. Chính sự khó khắn, Hoàng đế có chỉ, mọi thứ lễ nghi rườm rà phải nên tiết chế. Trong cung từ trên xuống dưới hết thảy tuân mệnh, không ai dám làm trái. Duy chỉ Phụng Hoá công yến tiệc linh đình tại toà Khâm Sứ, cũng chẳng để tâm lấy lời đàm tiếu của thiên hạ.
Trên dưới trong cung ai ai cũng biết, Phụng Hoá công qua lại với người Pháp hết sức thân thiết. Toàn quyền Pháp có làm khó làm dễ Hoàng đế cách mấy chăng nữa, đối với vị Phụng Hoá công chỉ biết xa hoa truỵ lạc như vậy, trước sau vẫn luôn hoà hoãn. Thiết yến linh đình là bất tuân thánh ý, nhưng yến này thiết tại toà Khâm Sứ, sau lưng có cả thế lực người Pháp bảo hộ, chút quở trách của Thánh thượng kia, đối với Phụng Hoá công có đáng là gì.
Nghe nói Phụng Hoá công ăn chơi đua đòi, xa hoa phóng đãng đã lâu, hôm nay tận mắt nhìn thấy yến Nguyên Tiêu này, tôi mới được mở mang tầm mắt. Ngọc thực mỹ tửu đều là thứ đắt giá khó tìm thì chẳng nói làm gì, chỉ riêng cách bố trí trang hoàng theo lối Tây phương này thôi đã tiêu tốn không ít tiền của. Bây giờ tôi mới dám chắc chuyện phu nhân Trương Như thị của hắn vì không chịu được tính xa hoa phóng đãng của chồng mà bỏ lên chùa tu hành thật không phải lời người ta tự ý đồn thổi.
Bất giác tôi cảm thấy trong lòng nhen lên nỗi niềm xót thương dành cho Trương Như thị đó. Sống với người đàn ông như vậy thật khổ biết bao, chẳng bằng dứt gánh hồng trần.
Ngoài toà Khâm Sứ, ánh trăng xuân bàng bạc soi mình xuống Tử Cấm Thành. Chị Hằng ngày xuân xinh đẹp biết mấy, rực rỡ biết mấy, ánh sáng trong trẻo át đi cả sao trời. Nhìn xa xa có thể thấy chi chít những đốm sáng li ti, hẳn con gái nhà ai đang thả hoa đăng trên sông Hương cầu phúc. Sắc xuân rợp trời.
Hoà Thái phi vốn sợ chốn đông người, từ sớm đã gọi tị nữ hầu cận dìu vào nghỉ tại một gian phóng yên tĩnh. Cuộc vui của con trai vẫn chưa tàn, có lẽ sáng mai Thái phi mới trở lại Diên Thọ cung.
Hiện tại không phải thời gian hầu hạ đức bà, quan khách tại yến tiệc đều đã say khước, tôi tìm một chốn yên tĩnh để ngắm bầu trời đêm nơi Tử Cấm Thành.
Còn nhớ ngày trước ở quê nhà, những đêm trăng đẹp như thế, tôi thường lẻn ra cổng làng, cùng Thừa Mai tìm đến gò đất cao mà ngắm trăng. Nơi thôn dã, bầu trời bao la hiện rõ trước mắt, như sà xuống hoà quyện cùng mặt đất, ngọn lúa trên đồng như chạm phải sao trời, trở nên lung linh kỳ lạ. Ở nơi cung vàng điện ngọc, tường cao ngói biếc, tưởng chừng đã ở tột đỉnh vinh quang của thiên hạ, nhưng ngày ngày đứng dưới mái ngói cung điên trông lên trời xanh, đến cả áng mây trắng lửng lờ cũng xa xôi diệu vợi, chứ đừng nói đến sao trời.
Giá như có thể trở về những ngày đó, để thấy được hạnh phúc hằng mơ ước gần gũi đến độ nào. Đâu phải như giờ khắc này, muốn hạnh phúc đây thôi, nhưng lại chẳng biết phải kiếm tìm nơi nao...!
Giọng nói trầm ấm quen thuộc cất lên từ phía sau. Làn gió xuân đưa hơi thở nồng đượm phả vào gáy tôi nóng hổi. "Đợi vài năm nữa em đến tuổi xuất cung, tôi cũng sẽ xin được hồi hương. Hai chúng ta sẽ trở về những năm tháng trước đây."
"Vài năm nữa?" Tôi có chút mơ hồ. Ánh mắt chăm chú nhìn sắc trời u tịch. Đêm đen mờ mịt, đèn nhà ai còn chong sáng rỡ, hệt như tia hy vọng le lói trong cõi lòng.
Bờ vai bỗng trở nên ấm áp, thì ra anh khoác cho tôi thêm chiếc áo. Tôi mân mê vạt áo, lặng thinh không nói nên lời.
"Ngày đó sẽ không còn xa nữa đâu, phải không anh?" – Ánh sao rọi vào đáy mắt tôi vài tia mờ nhạt, nhưng cũng đủ để soi rọi cõi lòng vốn dĩ u tịch lặng thầm. Hơi thở dài nhẹ nhàng phả vào đêm đen, có thể nghe ra tiếng lòng thổn thức.
"Em sẽ đợi."
Anh gật đầu, nụ cười hiền hậu đến vô ngần.
Nhưng, anh không hề nói anh sẽ đợi tôi...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro