Phần kết
Điều mà tôi không thể ngờ là tôi lại có thể gặp lại con trai nhanh đến như vậy.
Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên. Người ta có vùng vẫy thế nào cũng không thoát được lưới trời đã vây bủa. Khải Định cũng không ngoại lệ.
Từ sau Tứ tuần Đại điển đó, hắn lúc nào cũng u uất không vui. Đức Tiên Cung nhiều lần triệu chúng phi tần đến giúp hắn giải khuây nhưng kết quả lại bị hắn đuổi về hậu cung. Nghe ngự y trong cung nói, thời gian gần đây hắn liên tục mơ thấy ác mộng, nhiều hôm vì lo sợ mà thức trắng, sức khoẻ ngày càng suy kiệt.
Tôi chợt nhớ đến viên thị vệ mà hắn sủng ái. Ngày xưa hắn đã hay gặp chứng mất ngủ như vậy, nhờ thị về đó đêm đêm hầu hạ, bao năm qua chưa hề nghe qua hắn gặp bệnh tình gì trầm trọng. Chẳng biết giờ này người đó đang ở đâu.
"Cô đừng nhắc đến hắn ta nữa. Trẫm đã đuổi cổ hắn khỏi Tử Cấm Thành rồi." – Khải Định thều thào. Giọng nói không còn cao vút như xưa, thần sắc cũng xanh xao nhợt nhạt.
Tôi thở dài: "Chẳng phải bao nhiêu năm qua ông đã giữ hắn bên mình sao? Ông nỡ cho hắn rời khỏi ư?"
"Không nỡ cũng phải cam tâm mà nhìn hắn ra đi." – Khải Định cười cay đắng: "Đại Nội không phải là nhà của hắn, trẫm cũng không thể ở bên hắn cả đời."
Tôi nghe mấy lời nói này bất giác giật mình. Hắn không giống như Khải Định mà tôi biết, hắn không chút nào giống với còn người tàn nhẫn đã đẩy tôi vào cảnh đoạ đày suốt bao năm nay.
"Ông không nỡ giữ hắn ở lại, ông sợ khiến hắn đau khổ. Vậy sao ông lại giữ tôi lại bao năm qua, còn khiến tôi sống không bằng chết?"
Hắn ngập ngừng, sau đó vẫn mạnh dạn nói ra: "Đó là vì, là vì Thừa Mai của cô."
Tôi như chết lặng đi. Thì ra là như thế...
Cuộc đời này luôn có những chuyện bất ngờ, hệt như một cơn mưa rào mùa hạ, đến mà không báo trước, khiến người ta ướt lạnh đến run rẩy.
Thái hậu đã già, Khải Định lại đau ốm triền miên, hai vị đức bà đóng cửa Diên Thọ cung ngày ngày tụng kinh cầu phúc cho hắn, mọi sự vụ trong tam cung lục viện hết thảy giao cho Ân Phi quản lý.Tôi lại càng bị cô ta chèn ép hơn nữa. Dạo gần đây Ân Phi luôn giành quyền thăm nom Khải Định, thuốc thang mang đến đều do đích thân cô ta làm. Người ngoài nhìn vào xem đó là một vinh sủng cực kỳ to lớn, kỳ thực cô ta đã làm gì, chỉ có bản thân cô ta biết rõ.
Sinh nhật lần thứ bốn mươi mốt của Khải Định trôi qua trong mùi hương nồng nặc của đông dược và tây dược trộn lẫn. Hắn bây giờ mong manh như chỉ mành treo chuông, mạng sống chẳng biết lúc nào sẽ dứt. Nhìn hắn tôi có chút cảm thán, thì ra quả báo của con người lại công bằng đến vậy. Hắn hại cho nước nhà tan tác, giang sơn mục rỗng, hắn hại bao cuộc đời cô đơn suốt kiếp vì hắn... Giờ đây tấm thân hắn cũng tan tác, cũng mục rỗng, cũng cô đơn đó thôi!
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó thoát. Nhân quả công bằng, chẳng chừa một ai.
Hôm đó, Ân Phi như thường lệ mang thuốc thang đến cho hắn, lại mang theo luôn một túi gấm bên người, chẳng rõ là thứ gì bên trong đó. Mùi thuốc nồng nặc quyện cả tẩm cung của hắn, không khí tịch mịch bao trùm. Từ độ hắn đăng cơ, đây là lần đầu tiên nội cung lại yên tĩnh như thế. Nếu là lúc trước, có lẽ giờ này hắn đang bày biện yến tiệc, cùng người Pháp bàn luận về những thú vui xa xỉ. Giờ đây khi hắn không còn được như xưa, chỉ có những con người hắn ngày ngày bạc đãi đêm đêm hầu cận. Còn lũ người mắt xanh mũi lõ kia từ sớm đã biệt tăm, chắc là đang cười nhạo, đang mưu toan lập một bù nhìn mới.
Ân Phi ở trong tẩm cung của hắn rất lâu, rất lâu. Mãi khi người ta nghe thấy tiếng la thất thanh và tiếng ly tách vỡ loảng xoảng, mới thấy Ân Phi bị đám thái giám áp giải. Khải Định ra chỉ cấm túc cô ta tại phía Đông Trinh Minh điện.
Nhìn thấy tà áo lụa nhàu nhĩ, trâm cài đầu bị gỡ bỏ khiến búi tóc được búi cầu kỳ tỉ mỉ rối bù cả lên, nhìn thấy cả nước mắt trên khoé mi cùng nụ cười cay đắng của Ân Phi, tôi biết được rằng cuộc chiến ngầm giữa tôi và cô ta đã kết thúc rồi.
Hôm đó Khải Định vội vã triệu tôi vào tẩm cung, tự tay lấy chìa khoá rương hòm châu báu mà hắn cất giữ cùng kim sách kim bảo của Ân Phi giao lại cho tôi. Hắn nhìn tôi đầy vẻ thống khổ.
Trên giường bệnh, bộ hoàng bào nửa ta nửa Tây kết đầy châu ngọc được gỡ bỏ, huân chương Bắc Đẩu bội tinh cũng không còn kiêu hãnh nằm chễm chệ trên ngực áo. Hắn vận độc một bộ áo lụa trắng thuần, đôi môi đỏ thường ngày đã nhớt nhạt đi rất nhiều, giọng nói cũng không còn cay nghiệt. Có lẽ là khi người ta đã đến đoạn cuối của cuộc đời, tâm tư người ta bỗng chốc sẽ trở nên đơn thuần như chưa hề mưu toan tính toán.
Trong tẩm cung hoà lẫn những mảng khói trầm, khiến gương mặt của hắn dễ nhìn hơn một chút. Hai vị Thái hậu và chúng phi tần đều tề tựu đông đủ, ai nấy giọt ngắn giọt dài. Tôi biết, là họ khóc cho bản thân họ, tiếc cho một tuổi xuân đã bị sự tàn nhẫn của thời cuộc làm cho phí hoài.
Tiên Cung Thái hậu khóc đến ngất đi, chúng phi tần sợ hãi, ai nấy như ong vỡ tổ, chẳng biết làm thế nào. Điềm Tần vẫn bình thản như bao năm qua, lặng lẽ dìu Thái hậu đến sập gỗ nằm nghỉ. Tôi còn nhớ ngày nhập cung, nàng ta vẫn mặc cung trang màu ráng mỡ gà, mười năm trôi qua vẫn như thế. Ráng mỡ gà có nhà thì giữ*. Dáng người áo lụa màu trời trước giông bão đó, vẫn điềm tĩnh mà đứng vững trước mọi sóng gió hậu cung. Chẳng biết nàng ta đã không hề biết đau lòng hay vì đã đau đến cực điểm rồi nên có đau thêm nữa cũng chẳng nhận biết được. Chỉ biết nàng ta đã được Khải Định chọn đúng phong hiệu rồi, chữ "điềm" quả nhiên thích hợp.
(*) Câu tục ngữ về kinh nghiệm quan sát khí tượng của ông cha ta. Ráng mỡ gà là dấu hiệu cho gió bão sắp đến.
Khải Định bằng cái giọng thều thào như tro than đương tắt lửa của hắn, cố gắng nói to, từng chữ rành mạch để ai ai cũng nghe rõ.
"Huệ Phi."
"..."
"Tử quý mẫu vinh!"
Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày Hai mươi tháng Chín năm Ất Sửu, tức là ngày 6 tháng 11 năm 1925. Khải Định băng hà, thọ bốn mươi mốt tuổi.
Câu cuối cùng hắn nói với tôi: "Hoàng Cúc, ta xin lỗi."
Chỉ có như vậy thôi mà khiến tôi ngẩn người. Bao năm qua, Huệ Phi tôi đã quên mình họ Hoàng, tên Cúc.
...
Tôi đến thăm Ân Phi sau thất đầu của Khải Định. Gian phía đông Trinh Minh điện giờ đây cũ nát lụi tàn, chủ nhân của nó cũng không còn phong quang như xưa nữa.
Cung nữ báo với tôi: "Ân Phi lệnh bà ngày đêm đau khóc, đồ đạc trong cung đều bị đập phá tan tành. Cơm cũng không chịu ăn, mỗi ngày chỉ uống nước cầm hơi."
Người phụ nữ trước mặt tôi thật sự xa lạ, nếu không nhờ khí chất đó, màu áo đó, tôi không còn nhìn ra cô ta là Nhất giai Ân Phi quyền thế ngang trời một thuở nữa. Cô ta gầy đi thấy rõ, vóc người đẫy đà giờ chỉ như cành cây khô cuối mùa. Suối tóc huyền giờ đây chỉ là một mảng rối như tơ vò, hệt như cõi lòng người ta vậy. Từng trâm cài, lược giắt, khăn vấn, phấn dặm, son tô, mày vẽ... Vậy mà giờ đây dung nhan đó cứ như một bộ mặc của tượng gỗ vô hồn, một chút sinh khí cũng không có.
Ân Phi thấy tôi đến cũng không ngạc nhiên chút nào, còn cao giọng hỏi tôi: "Thái hậu tương lai vẫn nhớ bổn cung mà đến thăm, vinh hạnh vô cùng."
Tôi cười, kéo cô ta ngồi trước gương, cầm cây lược ngà đích thân chải tóc cho cô ta: "Cô ở phía Đông, tôi ở phía Tây. Dẫu sao cũng là điện Trinh Minh, sao lại quên cô được?"
"Một người sắp thành Thái hậu, một người đã trở thành phế phi. Ta thua rồi." – Cô ta vuốt ve cây trâm vàng nạm ngọc bích. Đã lâu không dùng, trên những hoa văn chạm khắc đóng vết bụi nhờ nhờ, không còn sáng bóng như xưa.
Tôi thở dài, dùng cây trâm gỗ cố định mái tóc của cô ta, tay lần vào hộp trang sức chọn vài bộ dao* ưng ý ướm thử lên mái đầu cô ta. "Cô không thua, tôi cũng không thắng. Tôi trước giờ chưa từng có ý muốn tranh giành với cô. Cô đừng làm khổ mình.
(*) Dao ở đây là một dạng trang sức có phần thân gần như răng lược để cài lên tóc, điểm xuyết châu ngọc vàng bạc. Dao thường có hình chim muông hoặc hoa lá, kèm theo tua vàng tua bạc.
Cuối cùng khoé môi Ân Phi vẫn nhếch lên, cố nặn ra một nụ cười méo xệch. "Cô không đánh mà vẫn thắng, chứ không như ta, từ đầu đến cuối đã định sẵn là kẻ bại trận."
Tấm gương thuỷ tinh đóng bụi lờ mờ phản chiếu gương mặt của cô ta. Tôi mơ hồ thấy vài giọt lên lăn dài trên má, vậy mà gương mặt vẫn không hề biến sắc.
"Năm xưa ta không thể ở bên cạnh người mình yêu, phó mặc theo vận mệnh mà nhìn chàng ở bên người khác. Sau đó lại cắn răng cắn lợi chấp nhận gả cho Khải Định, dù biết ở bên hắn cũng chẳng khác gì thanh tâm quả dục cả đời. Nhưng trên vai ta còn có vinh quang của gia tộc, còn có tham vọng của cả đời ta. Cô biết không, biết không?"
Ân Phi nắm chặt lấy cổ tay tôi lay động không ngừng. Bộ dao trên tay tôi vô tình cứa ngang gương mặt của cô ấy, máu và nước mắt khẽ khàng rơi trên nước da trắng sứ, hệt như một đoá mẫu đơn hai màu trắng đỏ.
Tôi im lặng không đáp, để mặc cho cô ta bấu tấy tay áo, nước mắt thấm đẫm vào da thịt.
"Chỉ có thâu tóm quyền lực ở hậu cung, chỉ có giành quyền nuôi Thái tử, tôi mới có thể thành Thái hậu. Khi Vĩnh Thuỵ trở thành tân đế kế vị, tôi mới có thể nhờ đó mà thương lượng với lũ người Pháp đó mang chàng trở về. Tôi vốn ghét Tây phương, ghét lũ người mắt xanh mũi lõ. Nhưng vì chàng, học trường Tây nói tiếng Tây, âm mưu tranh đoạt cũng không đáng là gì."
Tôi biết, người mà cô ta nói đến chính là Xuất đế Duy Tân đang bị lưu đày hoang đảo.
Tôi khẽ khàng lau đi những giọt nước mắt của cô ta, không ngăn được thương cảm: "Đâu phải chỉ có cô mới tình duyên không thành chứ, sao lại khiến mẹ con tôi chia lìa?"
Mắt cô ta tròn xoe kinh ngạc. Cô ta là người âm thầm đốc thúc Khải Định giao Vĩnh Thuỵ cho người Pháp. Cô ta không gần gũi được thằng bé, nên buộc nó phải xa tôi. Cô ta đã tiên liệu trước rằng thằng bé sẽ không nhận cô làm mẹ. Chỉ có cách li Vĩnh Thuỵ khỏi tôi, cô ta mới dễ dàng danh chính ngôn thuận mà được danh đích mẫu của Thái tử, trở thành Thái hậu tương lại. Tiếc là...
"Tiếc là trăm tính ngàn tính cũng không ngăn được tình mẫu tử. Đến bước cuối cùng, chỉ trách đại sự bất thành. Không ngờ tên hôn quân đó vẫn còn tráng kiện, bị ta chọc giận như vậy cũng không tức chết đi."
Mặc cho ánh mắt đầy ngạc nhiên của tôi, cô ta vẫn bình thản tiếp lời: "Là ta đã bí mất bỏ thuốc, làm bệnh tình hắn ngày càng trở nặng. Cũng là ta đã sai người thủ tiêu tên thị vệ hắn sủng ái, khiến hắn chỉ còn nửa cái mạng..."
Trâm vàng cài lên mái tóc tôi vừa mới búi cho cô ta, khăn nhung vấn tóc một màu đỏ thẫm, gương mặt ấy lại lấy lại phần nào dáng vẻ kiều diễm say người. Ngón tay thon dài của cô ta chỉnh lại bộ dao hình phượng hoàng trên mái tóc, tao nhã hệt như thi như hoạ.
"Ta hận hắn, cũng rất đố kị với cô. Cô cũng như ta, nhưng lại sống trọn vẹn hơn ta."
Một thời gian sau Ân Phi Hồ Lan Chỉ vì trầm uất quá độ mà thần trí nửa tỉnh nửa mê, suốt ngài nói năng cuồng loạn. Cô ta nói muốn rời khỏi hậu cung, tôi liền chiều ý cô ta, sai anh trai cô ta đón về phủ.
Sau này Vĩnh Thuỵ hỏi tôi vì sao lại để cô ta rời khỏi hậu cung, tôi cười nói: "Hậu cung là chỗ của tần phi. Tiên đế qua đời, mẹ Ân con không còn là tần phi nữa. Hơn nữa bà ấy cũng không muốn ở lại đây,lòng người đã quyết, Ả không dám giữ lại."
Nghe nói sau khi rời cung, gia đình Hồ Lan Chỉ đem cô ta đi chạy chữa ở nhiều nơi nhưng bệnh tình vãn không thuyên giảm. Ngày ngày cô ta lại làm bánh nậm, bánh bột lọc đem bán tại chợ An Cựu, miệng cứ lẩm bẩm "năm xưa bán bánh gặp chàng".
Ân Phi suốt đời luôn xem tôi như kẻ đối địch, nhưng có ngờ đâu tôi với cô ta đều là quân cờ trong tay Khải Định. Ân Phi thì sao, Huệ Phi thì sao? Đều chỉ là những quân cờ được hắn ban phát chút ân huệ mà thôi.
Trong tôi, Ân Phi không hề già đi cũng không hề xấu đi, vĩnh viễn ở cái tuổi ba mươi ba nhan sắc diễm lệ như lần cuối cùng tôi gặp cô ta vậy...
...
Lúc thọ tang Khải Định, Vĩnh Thuỵ có về Đại Nội một lần. Nó đứng trước thế Miếu, nhìn bài vị Khải Định nước mắt lặng lẽ chảy dài chứ không hề nức nở. Tôi ôm con vào lòng, căn dặn nó: "Sau này con phải làm một ông vua tốt, đừng như Phụ hoàng con."
Năm đó, Khải Định băng hà, thi thể an táng tại Ứng Lăng, thuỵ hiệu là Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế.
...
Năm Nhâm Thân 1932, Vĩnh Thuỵ trở về nước sau mười năm du học trên đất Pháp. Tôi đã không còn nhận ra con trai mình nữa. Nó đã trở thành một thanh niên khôi ngô cao lớn, một ông hoàng An Nam mang tinh thần Tây học.
Vĩnh Thuỵ trở về, chính thức trở thành hoàng đế Đại Nam, đặt hiệu là Bảo Đại. Sau khi đăng cơ không lâu, Bảo Đại ban hành một số tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Đại Nam Hoàng triều, đồng thời tiến hành cải tổ triều chính.
Tôi là thân mẫu của tân đế, được tôn phong làm Đoan Huy Hoàng Thái hậu, người trên kẻ dưới xưng tụng lad Đức Từ Cung. Diên Thọ cung ngày ấy giờ đã trở thành tẩm cung của tôi rồi.
Hai năm sau đó, Bảo Đại nạp người vào hậu cung. Hậu cung khi ấy đã chẳng còn là hậu cung nữa rồi, tam cung lục viện đã hoang tàn quá nửa.
Người con gái ấy vào cung đã khiến con trai tôi phá bỏ những quy tắc của tổn tông. Hậu cung Nguyễn Phúc thị xưa nay ngoài Thừa Thiên Cao Hoàng hậu của đức Gia Long, chưa từng có người phụ nữ nào lúc còn tại vị lại được phong hậu. Vậy mà cô gái đó, Nguyễn Hữu Thị Lan, còn chưa tiến cung đã được nhận chỉ phong hậu.
Cô ta là Nam Phương Hoàng hậu của vương triều Đại Nam, là người phụ nữ duy nhất trong số ngàn vạn giai nhân suốt mười ba đời vua Nguyễn đươc phá lệ phong Hậu.
Ngày đại hôn của Bảo Đại, nhìn con trai mình và người phụ nữ của nó cùng vận áo bào màu vàng vương quý chói lọi, lòng tôi cảm thán không thôi.
Người con gái đó xinh đẹp sắc sảo, uyên bác tinh thông, học trường Tây nói tiếng Tây lại xuất thân cao quý. Dáng điệu ấy, thần thái ấy khiến tôi không khỏi nhớ đến Ân Phi ngày trước. Dù cô ta rất mực giỏi giang lại khéo thu vén sự vụ nội cung, cư xử đúng mực, vốn chẳng thể chê trách được điều gì, nhưng tôi vẫn không thôi đố kỵ, không cách nào gần gũi với cô ta. Có lẽ, tuổi trẻ của Nam Phương Hoàng hậu hơn tôi tuổi trẻ của tôi nhiều quá, phong quang vinh hiển đến tột cùng.
Dẫu sau thì thời của tôi cũng đã đi qua, dẫu hoài niệm cách mấy cũng chỉ là những hạt bụi vàng bám víu lấy tường đỏ Nội cung, tăng thêm vẻ cổ kính cho những gì cố cựu. Cuộc đời của tôi cũng chỉ là ngày ngày thầm lặng trong thâm cung, bên cửa thiền thanh tĩnh.
...
Năm 1945, người lãnh tụ vĩ đại ấy đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quãng trường Ba Đình, Hà Nội. Một trang sử mới lại mở ra trên non sông này.
Con trai tôi, Bảo Đại Hoàng đế trao ấn kiếm cho chính quyền Cánh Mạng, dõng dạc tuyên bố: "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, còn hơn làm vua một nước nô lệ."
Giây phút đó, tôi lại nước mắt chảy dài.
...
Ngày tôi rời khỏi Tử Cấm Thành, tam cung lục viện chỉ còn trong ký ức. Tường đỏ ngói xanh đó từng giam cầm tôi suốt nửa cuộc đời, vậy mà giờ đây lại nhớ nhung đến lạ.
Câu hò xứ Bình Trị Thiên vẳng vẳng bên dòng Hương giang hiền hoà, thơ mộng, khiến người ta cảm thấy cõi lòng bùi ngùi khó tả.
"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đông ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông..."
Bầu trời tươi đẹp đó, dù nhìn từ trong Đại Nội hay bên ngoài Đại Nội đều bao la như thế. Đi hết cuộc đời nhìn lại, tôi vẫn là tôi của thuở nào. Cảm xúc vẫn tinh nguyên như lần đầu tôi gặp Thừa Mai tại chợ An Cựu.
Năm xưa tôi gặp Thừa Mai.
Sau đó đó tôi gặp Khải Định.
Sau đó sinh ra Vĩnh Thuỵ.
Sau đó lại minh tranh ám đấu với Ân Phi.
Sau đó nữa, tôi chứng kiến con mình lên ngôi, trị quốc và lập hậu.
Sau đó nữa, nước non độc lập, hoàng gia rời khỏi Tử Cấm Thành.
Sau đó nữa...
...
Sau đó nữa, con tôi có câu chuyện riêng của cuộc đời nó, còn tôi vẫn tiếp tục câu chuyện của cuộc đời mình.
Có điều, khi cánh cửa tam cung lục viện kia khép lại, Đại Nội không còn nữa tiếng khóc ai oán nỉ non, câu chuyện về một Nam quốc Hậu phi cũng đã kết thúc.
HOÀN
~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Phù =.="cuối cùng cũng đã hoàn
Hãy cho mình biết cảm nhận của bạn nhé! ^^~
Các bạn có thể thăm mình tại camthuongthiemhoa.wordpress.com
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro