Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần hạ

Ân Phi nhập cung, trở thành phi tử quyền lực cao nhất tam cung lục viện. Tôi chẳng qua chỉ là một Tam giai Huệ Tần nhỏ bé, làm sao có thể sánh với Đệ Nhất giai Ân Phi?

Ngày lễ sắc phong cho cô ta là do Khâm Thiên giám ấn định, là ngày hoàng đạo vô cùng đẹp. Ân Phi đầu đội khăn vành, tóc cài trâm vàng vô cùng diễm lệ, thân vận áo Nhật Bình đẹp đến độ lay động lòng người. Dung nhan tươi tắn, mày ngài mắt phượng, Nam Quốc hậu phi cũng chỉ có thế!

Hai vị Thái Phi ngồi trên bảo toạ rất mực vui mừng, nhất là Dương Hoàng Thái Phi cứ cười tủm tỉm không thôi. Năm xưa lúc bà công nhận Vĩnh Thuỵ là máu mủ của mình cũng không vui mừng như thế.

Tôi mặc lễ phục, hai tay bưng kim sách kim bảo*, trịnh trọng tiến đến giao lại cho cô ta. Cô ta chỉ vừa đôi chín, còn tôi năm nay đã hai mươi bảy, vẫn phải nhún gối gọi cô ta bốn tiếng "Ân Phi lệnh bà" một cách kính cẩn. Cũng phải, một người đường đường là Nhất giai phi, một người chỉ là Tam giai tần. Đồng vị mà hơn kém nhau một "giai" đã có sự khác biết, huồng chi một người là Phi, một người là Tần...

(*) Sách vàng và ấn vàng: Nếu ngọc tỷ/long ấn vật tượng trưng cho vua, người đứng đầu triều chính thì ấn vàng và sách vàng là vật của người đứng đầu hậu cung.

Đôi mắt phượng của cô ta nhìn tôi trong một thoáng rồi khoé môi đẹp tựa hoa đào mỉm cười, nụ cười ấy như có như không. Biểu cảm trên gương mặt mười phần lạnh lùng.

Kim sách kim bảo đã về tay Ân Phi, từ nay Huệ Tần tôi đây chỉ là một thiếp thất nhỏ bé, so với đám người Du Tần, Diệu Tần cũng chẳng có gì khác biệt. Điềm Tần lén nhìn tôi, ánh mắt đầy vẻ cảm thông.

Ngày trước hắn đã nói, Vĩnh Thuỵ sẽ được giao cho phi tần quyền lực nhất hậu cung nuôi dưỡng.

Ngày đó, cả tam cung lục viện chỉ có tôi đứng ở phân vị Tam giai. Vậy mà hắn chẳng đoái hoài.

Hôm nay người phụ nữ ấy vừa bước chân vào cung, điện Trinh Minh phân đôi, quyền lực cũng thuộc về cô ta.

Tôi biết trách ai đây? Là trách cô ta may mắn, trách hắn xảo quyệt, hay trách cuộc đời vốn không công bằng?

Câu cuối của đạo thánh chỉ sắc phong như một nhát dao cứa vào con tim tôi. Đau nhói.

"...Mong Ân Phi từ nay cúc cung tận tuỵ, chưởng quản lục cung, nuôi nấng Hoàng tử..."

Vĩnh Thuỵ!

...

Tôi không muốn đứa con do mình đứt ruột đẻ ra lại rơi vào tay người phụ nữ khác. Ân Phi đó là người thế nào tôi còn chưa rõ, chắc gì cô ta sẽ xem Vĩnh Thuỵ như con ruột, chắc gì cô ta không lợi dụng nó để củng cố quyền lực của mình? Thân là mẹ của Vĩnh Thuỵ, để giành lại đứa con này, tôi chấp nhận cùng cô ta đối đầu.

Tôi biết Khải Định nạp Hồ Lan Chỉ vào cung, ngoài miệng thì nói muốn tìm một phi tần thông thạo tiếng Tây để phò trợ hắn mỗi khi tiếp sứ Tây Dương, nhưng chuyện này quả thật là nhất tiễn song điêu. Một mặt có thể giúp đỡ cho hắn thân cận với người Pháp, mặt khác, lại có người lấn át tôi tại hậu cung. Tôi biết tôi đã sai, kể từ giây phút tôi doạ sẽ nói cho Thái Phi biết bí mật về gian tình của hắn, hắn luôn coi tôi là cái gai trong mắt. Hồ Lan Chỉ chẳng qua chỉ là một quân cờ trong tay hắn, ngầm đối phó với tôi.

Hồ Ân Phi này, dẫu là một con cờ, nhưng vẫn thật không dễ dàng đánh bại.

Không cam tâm nhìn cảnh cô ta làm mẹ của Vĩnh Thuỵ, tôi cắn răng chịu đủ ê chề quỳ trước cửa lớn Diên Thọ cung, mong hai vị Thái Phi rộng lòng thương xót.

Lúc ấy, mùa mưa đã về trên khắp phủ Thừa Thiên. Nơi nơi đều bị vây phủ bởi một màn nước trắng xoá. Bầu trời xám xịt át đi vẻ rực rỡ của tường đỏ ngói xanh. Mấy cành ngô đồng mùa thu rơi lả tả xuống đất, hoa trong ngự hoa viên cũng tan tác vì gió rít gào.

Quỳ trước cửa Diên Thọ cung đã ba bốn canh giờ, đầu gối bắt đầu tê mỏi. Thân thể bị nước mưa thấm lạnh đến độ chẳng thể cử động, tôi cứ như một bức tượng đá trơ gan trong mưa gió. Tầm mắt bị mưa lớn làm cho vô cùng mù mịt, nước mưa xối thẳng vào da thịt nghe đau rát, tôi mơ hồ thấy một vạt áo lụa lướt qua, tiến thẳng vào Diên Thọ cung, ánh mắt nhìn tôi lạnh lùng còn hơn cả mưa thu đông xứ Huế. Rồi sau đó cũng có người đến bên tôi, đưa cho tôi một cái ô giấy. Tôi ngước mắt lên, thì ra là Điềm Tần.

Điềm Tần sai cung nữ cầm ô của mình rồi tự tay bật ô nhét vào tay tôi: "Mưa lạnh, xin lệnh bà bảo trọng."

Rồi Điềm Tần cũng theo sau Ân Phi tiến vào cung Diên Thọ. Cửa cung khép lại, ánh vàng rực rỡ bên trong tôi cũng không thấy được nữa.

Tôi vẫn quỳ ở đó cho đến khi mưa tạnh. Hạt nước cuối cùng cũng trút lên mái ngói lưu ly xanh màu ngọc bích, cửa lớn Diên Thọ cung cũng mở ra. Hai vị Thái Phi cùng Ân Phi và Điềm Tần, dắt theo Vĩnh Thuỵ đứng trên trường lan, mọi ánh mắt hướng về phía tôi.

Hoàng Thái Phi Nguyễn Hữu thị thở dài, cẩn thận kéo vạt áo bông, thương cảm nói: "Vĩnh Thuỵ dù gì cũng là do Huệ Tần đứt ruột sinh ra. Chia rẽ mẫu tử như vậy thật sự tội cho Huệ Tần quá."

"Gia pháp Tổ tông Nguyễn Phúc thị đã định, phi tần có địa vị, có năng lực, có đức hạnh thì được nuôi nấng Hoàng tử Công chúa. Hoàng Thái Phi, chị quên rồi sao?" – Dương Hoàng Thái Phi chậm rãi nói. Trâm vàng trên mái tóc hoa râm tôn lên vẻ uy quyền lấn át.

Điềm Tần nhìn tôi vô cùng thương cảm, nhún gối thưa với hai vị đức bà: "Vĩnh Thuỵ đã bốn tuổi, cũng đã có suy nghĩ của nó rồi. Vậy cuối xin hai vị Thái Phi, cuối xin Ân Phi lệnh bà cho Hoàng tử được quyền lựa chọn."

Hoàng Thái Phi Nguyễn Hữu thị chậm rãi gật gù: "Điềm Tần nói phải.Chúng ta đều muốn tốt cho Vĩnh Thuỵ, nên để nó chọn lựa thì hơn."

Thái Phi vừa dứt lời, Ân Phi đã nhanh nhẹn chạy đến bế lấy Vĩnh Thuỵ, ngon ngọt dỗ dàng thằng bé: "Vĩnh Thuỵ à, con rất đáng yêu. Ả cũng rất yêu thương con. Từ nay Ả sẽ chăm sóc con thật tốt, cho con ăn ngon, cho con mặc đẹp, con có thích không?"

Ân Phi rất đẹp, nhưng vẻ đẹp son phấn điểm tô quá sắc sảo khiến Vĩnh Thuỵ có chút cự tuyệt.Trong vòng tay của Ân Phi cựa quậy không thôi. Cô ta cũng không chịu được mà buông thằng bé ra.

Tôi không kiềm được, nhanh chóng nhào tới muốn ôm lấy nó, nhưng Dương Hoàng Thái Phi đã lớn tiếng ngăn cản, khiến tôi chùn bước.

"Huệ Tần thân thể dầm mưa, không sợ lây bệnh cho cháu nội của già này hay sao?"

Lời nói đó, khiến tôi khựng lại hồi lâu. Đầu óc tôi bắt đầu ong ong, dường như không còn mưa lạnh xối xả vào mặt, tôi cũng không còn đủ tỉnh táo nữa. Thân thể này ướt mưa rồi, danh phận này đã trót thấp kém. Vì không tốt cho con nên không thể ôm con vào lòng.

Vĩnh Thuỵ đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt đó của nó, tôi nhìn ra có chút mong mỏi, có chút ngóng trông. Chỉ tiếc là, tôi bị những người yêu thương nó ngăn cản, không cho đến bên nó.

Nguyễn Hữu Thái Phi ngồi xuống bế Vĩnh Thuỵ vào lòng, ôn tồn hỏi: "Vĩnh Thuỵ của bà, con có muốn ở với mẹ Ân không, có thương mẹ Ân không?"

Vĩnh Thuỵ lắc đầu nguầy nguậy, gương mặt ngây thơ khiến người ta vô cùng thương xót. Ân Phi lộ rõ vẻ mặt không vui, nhưng không làm gì được, đành im lặng đứng nhìn.

Thái Phi toan hỏi tiếp, nhưng Dương Thái Phi đã vội ngắt lời: "Vĩnh Thuỵ còn xa lạ với Ân Phi cho nên không muốn theo Ân Phi, vậy hai già này đành tiếp tục chăm sóc nó, trẻ con gặp người lạ chắc chắn sẽ không vui." – Nói đoạn, bà nhìn Ân Phi, vỗ vỗ lên mu bàn tay của cô ta ta, rồi thuận tay cởi chiếc vòng ngọc trên tay mình.

Ân Phi nhún gối, lễ phép mà khước từ. Nhưng Thái Phi đã nhanh chóng đeo chiếc vòng vào cổ tay cô ta. Bàn tay bà nhẹ nhàng nâng lấy cổ tay trắng như ngọc, bàn tay còn lại vân vê chiếc vòng ngọc ấy.

"Vòng này là khi già này vừa tiến cung thì được Nghi Thiên Chương Hoàng hậu* vì yêu mến mà ban tặng. Nay ta giao nó lại cho con, trở thành minh chứng cho quyền lực của con. Con dẫu có nuôi nấng Hoàng tử hay không thì vẫn là đích mẫu của nó. Đích thứ tôn ti không thể làm trái."

(*) Đây là tôn hiệu của Thái hậu Từ Dụ

Ân Phi kính cẩn tạ ơn. Vừa đứng lên, cô ta đã ném cho tôi cái nhìn khinh miệt. Vòng ngọc trên tay cô ta rồi, tam cung lục viện cũng là do cô ta cai quản. Tôi lấy quyền gì đi tranh đoạt với ta?

Trong cuộc đời tôi, nhiều thứ tốt đẹp đã tan vỡ. Gia đình đã không tròn vẹn, Thừa Mai cũng bỏ tôi mà đi, thế gian này tôi chỉ còn Vĩnh Thuỵ. Vậy mà quyền lực hoàng gia lại cướp đi của tôi đứa con này.

Tôi chỉ biết quỳ dưới nền đá ướt sủng, trớ mắt nhìn Thái Phi dẫn theo Vĩnh Thuỵ vào nội diện Diên Thọ cung. Trước khi cửa cung đóng lại, tôi thấy nó xoay mặt nhìn tôi rất lâu. Tôi chẳng làm gì được ngoài dõi mắt ngóng trông, chỉ mong sao nó cũng biết mẹ nó cũng đang hướng về nó...

Vĩnh Thuỵ!

Con có biết Ả là mẹ ruột của con?

Con có biết Ả chính là vị tần phi cứ cách vài ngày lại mang chút thức ăn đạm bạc mình tự tay làm đến cho con?

Con có biết Ả hàng ngày đều lui tới trước cửa Diên Thọ cung để được trông thấy con dù chỉ một lần?

Con có biết từng ánh mắt tiếng cười của con Ả đều nhớ đến?

Con có biết là Ả thương con nhiều lắm hay không...?

...

Mọi chuyện cứ như thế mà trôi qua. Tôi mỗi ngày lại phải gặm nhấm cuộc sống vô cùng cô đơn và trống trãi. Mỗi lần Khải Định ghé qua Tây Trinh Minh điện, tôi với hắn đều lời ra tiếng vào. Hắn đã chán ghét tôi đến cực điểm. Những lúc như thế, hắn đều không nói không rằng quay lưng rời khỏi tẩm cung của tôi, bãi giá về phía Đông, tẩm cung của Ân Phi.

Trong tam cung lục viện, ai ai cũng biết từ lúc đăng cơ cho đến nay, chưa hề có một phi tần nào được Khải Định thị tẩm. Tiếng khóc ai oán nơi hậu cung đêm đêm vẫn không ngớt, khóc vì cô đơn, khóc vì mệnh khổ. Thê lương nhưng vậy mà phụ nữ chốn này vẫn minh tranh ám đấu. Cũng phải, không có sủng ái thì vẫn còn quyền lực, vẫn phú quý để tranh đoạt với nhau cơ mà. Sóng gió hậu cung cũng chẳng bao giờ lặng, ngay cả khi quân vương chẳng tha thiết gì cung tần mỹ nữ.

Tôi không để tâm đến những việc ấy, học theo Điềm Tần bình thản mà sống nơi thâm cung. Mỗi ngày tôi đều thắp hương niệm Phật, cầu phúc cho Vĩnh Thuỵ. Hàng ngày lại lui tới Diên Thọ cung, một mặt là để vấn an hai vị đức bà, mặt khác là để thăm Vĩnh Thuỵ.

Thằng bé nhìn thấy tôi không hề chán ghét,nhưng nó không chịu gọi tôi là "Ả", chỉ khách sáo gọi tôi hai tiếng "mẫu phi" hoặc "mẹ Huệ". Sao tôi có thể trách nó được. Từ khi nó mới lọt lòng, tôi đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ, sao dám yêu cầu nó phải thân thiết với mình? Vĩnh Thuỵ không chịu nhận tôi là mẹ, tôi chỉ thấy nước mắt ứa ra, đau rát nơi khoé mi. Nhưng sao cũng được,miễn là nó không xa lánh tôi, thì tôi còn cơ hội che chở và bảo bọc cho nó.

Hoàng Thái Phi Nguyễn Hữu thị hiểu được nõi thống khổ của tôi, đôi lúc lại bày tỏ niềm thương cảm mà giải vây cho tôi trước sự chèn ép của Ân Phi. Tôi từ đó mỗi tháng hai lần vào mồng Một và ngày rằm đều đến Diên Thọ cung hầu bà tụng kinh niệm Phật, tôi từ đó có thế lực chống lưng, không lo bị vùi dập. Dương Hoàng Thái Phi biết chuyện thì luôn miệng bảo tôi xu nịnh, căn dặn phi tần các cung không nên không biết điều mà trèo cao như tôi. Tôi rất buồn, nhưng cứ giả vờ là không nghe thấy. Dù sau đi nữa, người tôi xu nịnh cũng là chính thất của phu quân bà, huồng hồ tôi cũng không làm gì đắc tội bà, cũng không sợ bị bà trừng phạt.

Có công hầu hạ Thái Phi, năm Mậu Ngọ 1918, hậu cung đại phong. Điềm Tần từ Tứ giai thăng lên Tam giai, đám người Diệu Tần, Du Tần cũng được thăng lên Tứ giai. Tôi được gia phong lên hàng Nhị giai phi, phong hiệu vẫn không thay đổi, vẫn là chữ "Huệ" ấy. Từ nay mọi người gọi tôi là "Huệ Phi lệnh bà".

Trinh Minh điện chia làm hai bên Đông Tây, người ta vẫn thường ví von "Đông Ân – Tây Huệ".

Dẫu sao tôi vẫn thua Ân Phi một bậc. Người ta từ lúc nhập cung đã là Đệ Nhất giai phi trăm ngàn vinh hiển, còn tôi trải qua bao biến cố mới có thể làm một Nhị giai phi thấp bé. Nhưng tôi vẫn không buồn, ít ra cô ta đã đến đỉnh cao của phong quang, đến cuối đời vẫn chỉ làm Nhất giai phi đó, còn tôi thì vẫn còn cơ hội để rút ngắn khoảng cách của cô ta. Bởi lẽ, hậu cung này chỉ còn mỗi ngôi Hoàng Quý phi đứng đầu hậu cung là vẫn còn để trống, nhưng Khải Định vốn dành phân vị này cho chính thất Trương Như thị đã quy y cửa Phật của hắn, chính thất còn tại thế, chúng tần phi có mơ cũng chẳng tài nào leo lên nổi ngôi Hoàng Quý phi.

...

Tôi và Ân Phi cứ đối trọng, cùng nhau cân bằng cục diện hậu cung, cứ như thế được bốn năm. Năm Nhâm Tuất 1922, Khải Định xuống chiếu sắc phong Vĩnh Thuỵ làm Đông cung Thái tử. Cuộc chiến giữa tôi và Ân Phi lại trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Vĩnh Thuỵ là Hoàng tử duy nhất của Khải Định, nay lại được phong Thái tử, xem như danh chính ngôn thuận trở thành hoàng đế tương lại của Đại Nam. Ân Phi do đó cũng bắt đầu sốt ruột, bắt đầu tiếp cận với Vĩnh Thuỵ nhiều hơn, mang theo rất nhiều quà bánh đồ chơi, lại trổ tài Tây học hòng làm thân với thằng bé. Cô ta được Dương Hoàng Thái Phi yêu quý chống lưng, ngày ngày đến chơi với thằng bé rất đều đặn. Còn tôi, chỉ được mỗi tháng hai lần đến cung Diên Thọ chép kinh cho Nguyễn Hữu Thái phi sau đó lẻn sang thăm nó. Nhưng năm nay Vĩnh Thuỵ đã chín tuổi rồi, ở tuổi này trẻ con đã suy nghĩ thấu đáo nhiều vấn đề. Tôi tin là nó biết được ai là người yêu thương nó thật lòng.

Tôi vì chuyện Vĩnh Thuỵ được phong Thái tử ngược lại không vui. Thân làm mẹ, tôi chỉ mong con mình bình an mà khôn lớn, tôi không mong nó chức cao quyền trọng, áo gấm phong hầu. Nhưng Vĩnh Thuỵ định sẵn là con nhà đế vương, không thể hưởng một cuộc đời không lo không nghĩ như bao đứa trẻ khác. Nhìn con mình mới tí tuổi đầu đã trang nghiêm như một bậc lão thần, lòng tôi quặn lại, đau xót không thôi. Lẽ ra ánh mắt của nó phải hồn nhiên, phải vui tươi hơn bây giờ nhiều lắm.

Huống chi, phong Thái tử chỉ là một nước cờ của người Pháp mà Khải Định và Vĩnh Thuỵ chỉ là con cờ bị bọn họ sắp đặt. Hai tháng nữa thôi, hai cha con đế vương sẽ lên đường sang Mẫu quốc dự một cuộc triển lãm. Tôi kỳ thật vẫn luôn lo lắng cho Vĩnh Thuỵ, tôi có cảm giác lần đi này nó sẽ rời xa tôi rất lâu, rất lâu...

Khải Định phong Thái tử, triều đình được người Pháp chiếu cố đến mức phú quý rỡ ràng, quan lại đại thần cũng tranh nhau đưa con gái mình tiến cung, mong được hưởng lây phú quý. Gió chiều nào ngả theo chiều đó, bọn hủ Nho trong triều đình có nhiều người chính là như vậy. Để được hưởng tiếng thơm phương Tây, họ sẵn sàng bán con gái mình vào cung để cả đời bọn họ phải sống lặng thầm như những ngọn nến lập loè chốn thâm cung.

Tôi cười khinh miệt. So với tôi năm xưa, bọn họ thật sự quá đáng thương!

Ngày mấy vị trọng thần dâng tấu tiến cử thiên kim nhà mình sung vào hậu cung, Khải Định tức giận đến tím mặt. Hôm đó chúng phi tần đang thưởng hoa tại ngự uyển, liền bắt gặp hắn hung hăng đi từ phía điện Thái Hoà trở về, theo sau là vai viên thái giám. Hắn thấy chúng tôi, giận lại càng thêm giận, hai tay túm gọn lấy vạt áo, nhanh chóng rời đi, không cho chúng tôi chạm vào hắn dù chỉ là vạt áo.

Vừa rời đi hắn liền hậm hực: "Trẫm không muốn bản thân dính phải mùi đàn bà."

Ai nấy nghe xong liền vô cùng thảng thốt. Điều mà mọi người ngầm hiểu bấy lâu, hôm nay hắn rốt cuộc cũng nói ra. Tia hy vọng của chốn hậu cung thì ra cũng chẳng hề tại, chỉ có đám phi tần quá cô đơn, tự nhủ với nhau sẽ có ngày được hoàng đế sủng hạnh.

Nhiều đêm tiệc rượu sai khước, hắn đứng trước mặt chúng phi tần, điểm mặt từng người, từng người một. Giọng the thé mà hắn lại gầm gừ từng cơn, giống như đau thương giấu kín trong lòng tức thời bùng cháy.

"Lũ quan lại đó cứ muốn ép trẫm, được thôi! Nội cung của trẫm là một cái chùa, ai muốn tu thì cứ vào!"

Vài giọt nước mắt lả chả rơi. Đau thương đâu chỉ mình hắn.

"Khóc? Các cô khóc cái gì? Trẫm cho các cô ăn sung mặc sướng, hưởng đủ vinh hoa đã là tử tế lắm rồi? Ai dám nói trẫm bạc đãi các cô?"

Khải Định đã lầm. Phụ nữ đâu phải chỉ cần hưởng vinh hoa phú quý, được ăn ngon mặc đẹp là đã mãn nguyện. Cái chúng tôi cần là hạnh phúc, là yêu thương, là quan tâm chia sẻ. Chính hắn, và chính cái gọi là tam cung lục viện đã cướp đi tuổi xuân của bao người. Mà đối với nữ nhân, tuổi xuân chính là cả một cuộc đời hoa mộng. Hắn cướp đi mà lại để hoài để phí, cuộc đời nào cũng như đã chết đi.

Tôi cũng thế, Điềm Tần cũng thế, Diệu Tần, Du Tần cũng thế... Kể cả Ân Phi.

Vào một ngày đẹp trời, tam cung lục viện lại đón thêm mấy vị tiểu chủ mới, phân vị không cao lắm,chỉ là Tiệp Dư, Mỹ Nhân, Tài Nhân mà thôi. Hậu cung lúc này đã có mười hai vị chủ nhân, so với thời các vị tiên đế Nguyễn Phúc thị còn tại thế, thì quả thật chưa đáng là gì. Nhưng từ sau tiên đế Đồng Khánh đến nay, nội cung lúc này là đông đảo hơn bao giờ hết. Mười hai vị phi tần chia nhau chín phân vị từ Cửu giai đến Nhất giai, không một phân vị nào thiếu người, Thái Phi cũng rất vui lòng.

Chỉ là, như hắn đã nói, hậu cung của hắn vốn là một ngôi chùa, không hề có ân sủng nào tồn tại. Ai đã vào, đành phải chấp nhận chôn vùi tuổi xuân.

...

Vừa sắc phong cho người mới, chớp mắt đã đến tháng 6, cũng là lúc Vĩnh Thuỵ của tôi cùng hắn lên đường sang Pháp.

Ngày rời cung lên tàu, Vĩnh Thuỵ có ngoái lại nhìn tôi một cái. Lòng tôi bùi ngùi, nước mắt không kiềm được mà trào ra khoé mi. Lần đi này, có thể kéo dài đến hai năm, phải hai năm sau tôi mới được gặp lại, không biết nó đã lớn đến nhường nào, dung mạo có khác bây giờ nhiều lắm không...

Tôi là chỉ là Nhị giai phi, chỉ được đứng sau hai vị Thái Phi và Ân Phi, không thể tuỳ ý đến trước mặt nó. Đành nhìn những người chức cao quyền trọng đích thân tiễn nó ra khỏi Ngọ Môn, bản thân chỉ biết nói trong nước mắt: "Vĩnh Thuỵ, Ả đợi con trở về."

Vĩnh Thuỵ đã đi khuất, chẳng biết nó có nghe thấy lời tôi nói hay không.

Ân Phi liếc mắt nhìn tôi, lạnh lùng đến ghê rợn.

...

Hoàng đế và Thái tử lên đường sang Mẫu quốc, giao quyền cầm trịch hậu cung cho Ân Phi. Ân Phi vốn quyền thế hiển hách nay lại như hổ thêm cánh, không ai dám động chạm đến cô ta.

Ngày cô ta vừa nhập cung, tôi nghe nói cô ta vốn là một thiếu nữ hiền dịu, lại còn là thanh mai trúc mã với Xuất đế* Duy Tân, được Xuất đế rất mực yêu quý. Có người còn nói, cô ta suýt nữa thì trở thành Quý Phi của ngài, không hiểu sao đến cuối cùng,người ngài chọn lại là Mai Hoàng Quý phi. Nhưng dẫu sao cũng là vận số quý nhân. Nếu ngày đó cô ta trở thành Quý Phi của Duy Tân, kết cục định sẵn là không tươi đẹp. Bây giờ làm Nhất giai Ân Phi của Khải Định, vinh hoa phú quý đến già hưởng cũng không hết.

(*) Vua Duy Tân vì tham gia khởi nghĩa cùng Việt Nam Quang Phục Hội mà bị người Pháp bắt đi lưu đày, xuất dương sang đảo Réunion, sử cũ gọi ngài là Xuất đế.

Hậu cung này do một mình Hồ Lan Chỉ làm chủ, tôi không muốn đối địch cùng cô ta. Vậy mà cô ta vẫn không buông tha, cứ hết mực làm khó làm dễ. Cô ta mỗi khi triệu tập phi tần đều cố ý gợi lại quá khứ không mấy tốt đẹp của tôi, biến tôi thành chủ đề cho đám tần phi mới nhập cung bàn tán.

Tôi chịu nhục cũng không phải lần đầu, đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà cho qua tất cả. Còn nhớ năm xưa chịu mấy mươi trượng để có thể sinh Vĩnh Thuỵ ra đời, chút ê chề này có đáng là gì.

Chỉ là tôi không hiểu, tôi lúc nào cũng an phận thủ thường, chưa từng có ý định lật đổ cô ta, tại sao cô ta luôn xem tôi là cái gai trong mắt? Gúc mắc này không sao cởi bỏ, luôn khiến tôi cảm thấy bất an. Không biết cô ta sẽ đối phó với tôi như thế nào nữa...

Ân Phi biết được suy nghĩ trong tôi, liền nở một cụ cười diễm lệ. Đôi môi đỏ thắm như cánh phượng đầu hè khiến người ta không khỏi bị mê hoặc.

"Huệ Phi à Huệ Phi. Số trời đã định vận mệnh chúng ta đối địch nhau. Có cô sẽ không có tôi. Dù có muốn hay không, chúng ta vẫn không thể cùng chung chiến tuyến."

Lời này thốt ra, mãi ba năm sau tôi mới hiểu được.

...

Sang Pháp được một năm tròn,Khải Định gửi điện về cho Lễ Bộ gấp rút soạn chiếu sắc phong hai vị Thái Phi thành Hoàng Thái hậu.

Trong suốt một năm ở Mẫu quốc, ông hoàng An Nam đã ăn chơi trác táng, khiến nhiều thân sĩ trong nước chê cười,từ tiền triều tới hậu cung không ngớt lời đàm tiếu. Phan Châu Trinh còn viết "Thất điều trần", hạch bảy tội lớn của Khải Định. Nghe nói nơi đất khách, có người đã viết nên câu chuyện chế nhạo chuyến vi hành của vị hoàng đế An Nam. Đâu đâu cũng là tiếng quở trách.

Hai vị Thái Phi chỉ biết thở dài.

Năm Quý hợi 1923, đại lễ tôn phong Hoàng Thái hậu được Lễ Bộ trịnh trọng tiến hành. Hoàng Thái Phi Nguyễn Hữu Thị Nhàn, chính thất của tiên đế Đồng Khánh, được tôn phong làm Khôn Nguyên Hoàng Thái hậu, xưng là Đức Thánh Cung. Hoàng Thái Phi Dương Thị Thục, thân mẫu của Khải Định, được tôn phong Khôn Nghi Hoàng Thái hậu, xưng là Đức Tiên Cung.

Bản thân Đức Thánh Cung và Đức Tiên Cung đều biết, lễ tôn phong lần này xem như lời tạ tội dành cho hai vị Thái hậu. Thật sự chuyến công du này của hắn đã làm mất thể diện hoàng gia.

...

Năm Giáp tý 1924, sau chuyến công du ở Mẫu quốc, Khải Định cùng Vĩnh Thuỵ trở về Nội cung.

Tôi vui mừng khôn xiết, con trai tôi Vĩnh Thuỵ đã trở về.

Tôi còn nhớ khi đó là một ngày đầu tháng Chín, Đại Nội nô nức đón mừng Hoàng đế và Thái tử công du trở về, đèn hoa giăng khắp bốn phía, phi tần các cung ai nấy lễ phục đoan trang, nhất tề cung nghênh thánh giá.

Vĩnh Thuỵ đã lớn hơn trong thấy, đã cao hơn rất nhiều, mặt mũi cũng khôi ngô. Thằng bé mặt bộ Âu phục, trông rất ra dáng quý tộc người Pháp. Trái với Phụ hoàng Khải Định của nó, y phục rất mực lố lắng, cả người đều đính châu ngọc lấp lánh, Tây chẳng ra Tây mà ta cũng chẳng phải ta.

Tôi ngắm nhìn Vĩnh Thuỵ rất lâu, rất lâu, tưởng chừng khoảnh khắc đoàn viên này sẽ kéo dài mãi mãi.

Nhưng hệt như một tia sét giữa trời xanh, khiến tôi chết lặng.

Hắn nói: "Thái tử được vợ chồng Khâm sứ Trung Kỳ người Pháp nhận làm con nuôi, đã theo học tại trường ở Mẫu quốc."

Hắn còn nói: "Lần này Thái tử về Nội cung là để dự Tứ tuần Đại khánh sắp đến cuat trẫm, sau đó sẽ về lại Mẫu quốc."

Nước mắt đoàn viên chưa kịp khô đã đổ tiếp giọt lệ phân ly.

Ân Phi nhìn tôi cười ý nhị, đắc ý khôn tả.

...

Tứ tuần Đại khánh của Khải Định là vào ngày mồng Một tháng Chín, tức là ngày 8 tháng 10 theo Dương lịch. Để mừng hắn bốn mươi tuổi, triều đình tổ chức yến tiệc vô cùng lớn. Xe kiệu võng lọng hiên ngang đi khắp Tử Cấm Thành. Trong Nội Cung, đèn treo hoa kết, ca vũ hí kịch thâu đêm, yến tiệc đối ẩm suốt sáng. Tặng phẩm quà mừng từng khắp nơi đổ về Cần Chánh điện, xa hoa không sao tả xiết.

Lại nói, sinh nhật lần thứ bốn mươi này của hắn đã tiêu hao ngân khố đến cạn kiệt. Nhiều nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh, triều đình cũng không có cách nào để cứu tế. Khắp nơi ai oán lầm than, dân chúng khắp nơi đều hận thấu trời xanh.

"Ai về địa phủ hỏi Gia Long

Khải Định thằng này phải cháu ông?

Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ

Trăm gia ba chục khổ nhà nông!*"

(*) Trích từ bài thơ "Hỏi Gia Long I" trong chùm thơ "Hỏi Gia Long" của Ngô Đức Kế. Bài thơ là lời than vãn, tiếng lòng ai oán và nỗi căm phẫn tột cùng của người dân An Nam trước sự xa hoa phóng đãng của Hoàng gia cuối triều Nguyễn, mà cụ thể là vua Khải Định.

Trên dưới trong cung không phải không biết, chỉ là quân vương như vậy, ai nấy nều nhắm mắt cho qua.

Yến tiệc linh đình như thế, Vĩnh Thuỵ tham gia bái lễ với tư cách là Thái tử, ngoài ra không tham gia vào bất cứ cuộc vui nào cùng với phụ hoàng nó. Người ngoài thì cho rằng "Thái tử còn nhỏ nên nhút nhát". Chỉ có người làm mẹ như tôi đây hiểu rõ, nó buồn vì Phụ hoàng nó.

Vĩnh Thuỵ mang vẻ mặt u buồn ấy tận đến khi nó rời Đại Nội trở về Mẫu quốc tiếp tục việc học. Lúc đó đã là một tháng sau Tứ tuần Đại khánh. Hôm ấy trời xứ Huế xanh màu ước vọng. Mùa thu đông đã về, cũng là mùa mưa tầm tạ của xứ Huế, vậy mà hôm nay bầu trời đặc biệt trong veo, có thể nhìn lên chín tầng mây thăm thẳm.

Tôi vẫn nói: "Ả chờ con trở về."

Nó giương mắt nhìn tôi, ánh mắt ngây thơ đến lạ. Nó khẽ gật đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro