Chương 5: Gặp Gỡ
Xe máy chạy vào hẻm trọ rồi dừng lại ở căn phòng đầu tiên.
Tuấn Tú vừa nhìn thấy nơi này liền như thấy quỷ, tay chân chợt run lẩy bẩy, thiếu chút nữa là ngã khuỵu xuống đất.
Cánh cửa nhà vẫn mở toang ra như cũ, trong nhà trống hơ trống hoác không một bóng người lẫn bóng... ma.
Lúc này trong hẻm trọ lục đục có người quay về. Dù người qua kẻ lại nhộn nhịp nhưng lại không thể nào làm dịu đi cái ghê rợn đang ẩn mình, chậm rãi lan tỏa chung quanh đây.
An Đắc đứng ở cửa nhìn căn nhà thật kỹ rồi cất bước đi vào.
Tuấn Tú níu lại áo hắn:
"Ê ê ê từ từ hẳn vô, để tao bình tĩnh lại cái đã."
An Đắc trợn mắt rút lại cái vạt áo bị níu:
"Mày cứ lằng nhằng đi, trời sắp tối rồi đó. Còn nếu không thì nói chỗ cất tiền đi tao lên trển lấy cho."
Tuấn Tú nghe thế thì mừng húm:
"Má nó mày đúng thật là anh em tốt của tao. Đời này của tao có được thằng bạn như mày quả nhiên không phí. Hì hì tao để dưới cái gối đó dễ thấy lắm."
An Đắc nghe Tuấn Tú ba hoa cũng chả thèm để ý chỉ "Ừ" một cái rồi đi vào trong.
Trong nhà vẫn có ánh nắng chiếu vào nên vẫn còn sáng chỉ là trên gác lửng thì không được như vậy.
Trên đó không có cửa sổ, không có lỗ thông gió mà chỉ có cái đèn điện tắt ngóm nếu muốn mở thì phải bật công tắc...
Mà công tắc thì tất nhiên là trên đó luôn.
Tóm lại là toàn bộ phía gác lửng đều đang chìm ngập trong một màu u ám, tối tăm.
Cầu thang dẫn lên đó được làm bằng sắt, lúc bước đi dù có nhẹ nhàng thì vẫn nghe thấy tiếng 'thùng thùng' phát ra tựa như tiếng sấm.
An Đắc hít sâu vịn chắc cái thành cầu thang. Hắn sợ rằng nếu con quỷ đó lại bất thình lình hiện ra thì mình sẽ vì hết hồn mà ngã chổng vó xuống đất mất.
May là điều đó không xảy ra, An Đắc bình an leo lên gác, tới bên công tắc đèn.
Cả cái gác có chút xíu, một cái đèn công suất nhỏ liền chiếu sáng khắp toàn bộ không gian.
Ở đó có đúng một tấm nệm cùng mền gối, ngoài ra thì cái gì cũng chẳng có. Đúng là đơn sơ đến mức làm người ta bật khóc.
An Đắc mau chóng lấy tiền nhét vào túi rồi cuộn tấm nệm lẫn gối mền vô trong lập tức tắt đèn chạy xuống.
Một đường thuận lợi.
Tuấn Tú thấy hắn trở lại liền nở nụ cười, nổ máy xe để sẵn sàng vọt chạy bất cứ lúc nào:
"Lên lên lẹ Đắc ơi, tao với mày chạy thôi. Ủa mày đem cái nệm xuống làm chi?"
Trông bộ dáng cậu ta ngồi trên xe cộng thêm giọng nói thúc giục thật chẳng khác nào tên trộm đang lo sợ chủ nhà về tới bắt tận tay.
An Đắc ném cái nệm cho Tuấn Tú rồi chạy lại tủ quần áo, bỏ đồ đạc vào cái ba lô:
"Dọn đồ chứ làm gì? Chẳng lẽ mày tính bỏ hết mấy cái này, uổng công về một chuyến thì lấy đi luôn. Mày vô đây phụ một tay coi."
"Mấy cái đó thì mua lại mấy hồi, đừng có tiếc nữa mau ra đây lẹ lên."
Tay An Đắc vẫn không dừng lại chút nào:
"Làm công nhân mà mày nói chuyện như làm giám đốc vậy đó, bỏ cái đầu mày chứ bỏ. Mày sang nhưng tao đ sang được. Lẹ lên vô đây phụ một cái."
Tuấn Tú nhăn nhó đặt cái nệm lên xe rồi nghe lời đi vào. Tủ quần áo cách cửa ra vào có hai, ba bước chân nên có chuyện gì thì chạy ra vẫn kịp.
Quần áo, vật dụng của hai thằng thanh niên không có gì rườm rà nên chỉ trong một nhoáng liền xếp đầy hai cái ba lô.
Xong rồi cả hai thằng tức khắc phóng ra ngoài chạy đi.
Lúc ra tới cổng hẻm trọ, An Đắc xoay đầu nhìn lại căn phòng trọ xập xệ mà mình chỉ mới ở đúng có hai đêm, thần sắc ngập tràn mông lung.
Ra tới đường lớn, Tuấn Tú vừa lái xe vừa hỏi:
"Tối nay mày tính ở đâu?"
"Trước mắt ở tạm nhà cậu hai của tao đã còn sau đó thì chưa biết. Còn mày?"
"Chắc tao về quê luôn, dù gì cũng được nghỉ phép với lễ lộc này nọ nữa nên về sớm thăm ổng bả vậy. Lễ này mày có về không?"
An Đắc suy nghĩ một lúc rồi đáp:
"Có, về để lấy xe lên chứ đi xe buýt quài (hoài) bất tiện quá. Mà còn một tuần mới tới lễ lận nên tao không gấp. Còn mày mua vé xe chưa? Hôm nay đi luôn hả?"
"Tao tính mai mốt gì mới về quê mà gặp chuyện như vậy làm tao hết muốn ở thành phố nữa luôn. Nên thôi tao sẽ về với vòng tay gia đình thân yêu vậy. Còn vé xe thì lát tao lên mạng coi thử có chuyến nào không đã. Giờ đi đâu?"
"Qua nhà cậu hai tao đi, sẵn vô chơi rồi coi vé xe luôn."
"Ô kê vậy mày chỉ đường đi."
Khi tới nhà chú Hai Cơ thì trời đã gần sập tối. Cả hai người theo lời chỉ dẫn của mợ hai An Đắc mà lần lượt đi tắm, lúc đi ra liền trông thấy một mâm cơm tươm tất nghi ngút khói chờ sẵn.
Mợ hai của An Đắc là một người đàn bà hiền lành, tốt bụng và đáng mến cực kì. Đối với con cháu trong nhà bà nhất mực yêu thương nên dù là cháu bên chồng thì An Đắc vẫn được bà yêu quý.
Tuấn Tú từ khi rời quê đến nay đã lâu rồi mới được ăn bữa cơm toàn món ăn gia đình như vậy nên nhất thời nhớ đến mùi vị quê hương. Nó làm cho cậu ta muốn ngay lập tức trở về quê nhà, cảm động đến nỗi mà sống mũi cay xè, liên tục khen "Dì hai nấu ăn ngon".
Mợ hai An Đắc nghe cậu ta nịnh nọt thì cảm thấy mát hết cả ruột gan. Đồng thời thầm nghĩ thanh niên trẻ tuổi đã sớm ra đời bươn chải mà gia đình lại ở xa không biết cực khổ bao nhiêu, nên liền không ngăn được cảm thán.
Thế là bữa cơm yên bình và ấm áp cứ như vậy mà trôi qua.
Khi cơm vừa ăn xong thì chú Hai Cơ liền về tới. Ông thấy ở nhà có thêm hai thằng đàn ông thì mừng rỡ, lập tức lôi kéo nhậu nhẹt.
Nói là nhậu nhẹt nhưng thực chất là uống bia giải khát thôi, mỗi người có hai lon thì làm sao mà say được.
Cũng trong lúc đó, An Đắc kể hết cho cậu và mợ mình nghe về những chuyện kinh dị diễn ra ngày hôm nay.
Dù sao cũng là người lớn, tuổi đời lẫn kinh nghiệm sống chắc chắn hơn người trẻ như hắn rất nhiều nên An Đắc rất tình nguyện nghe ý kiến của họ.
Mợ hai hắn nghe xong thì giật mình, còn chú Hai Cơ trầm ngâm một lúc rồi nói:
"Hai đứa bây vô trong thắp nhang cái đã, thằng Đắc lại khấn Cửu Huyền với mẹ mày một cái kêu phù hộ cho mày. Còn thằng Tú mày không có trong gia phả nhà chú thì thắp một nén nhang cho Quan Âm là được. Tụi bây đi đi nhanh lên."
Mợ hai hắn lúc này mới bình tĩnh được rồi nhìn cả hai thúc giúc:
"Đúng rồi đúng rồi đi thắp nhang. Hai đứa đi đi con, lẹ lên."
An Đắc nghe theo đi đến chỗ bàn thờ châm ba cây nhang, đứng trước Cửu Quyền thành tâm cầu khẩn, cầu luôn cả người mẹ đã khuất.
Hắn thắp nhang xong thì về lại phòng khách, bầu không khí vui tươi khi nãy đã bị trầm mặc lúc này bao trùm.
Tuấn Tú cũng đi ra chung với An Đắc rồi như nhớ tới việc gì đó cậu ta lấy điện thoại trong túi ra:
"Ê Đắc hôm nay còn một chuyến xe về quê tao nên tao chắc đi luôn đó."
"Chuyến mấy giờ?"
"Mười một giờ! Còn đúng chuyến cuối."
Chú Hai Cơ ngồi đó nghe thấy thì hỏi:
"Thằng Tú về quê hả? Sao không để ngày mai hẵng đi."
Tuấn Tú cất điện thoại vào túi, cười khì nói:
"Ngày mai sớm lắm cũng tới trưa mới có chuyến lận chú với lại con nhớ nhà muốn về sớm với má. Mà chú cho con gởi cái xe máy nha chứ đem tới đem lui cực quá."
Nhà chú Hai Cơ rộng rãi, chứa thêm một chiếc xe cũng không nhiều nên ổng thoải mái đồng ý.
An Đắc ngồi xuống nốc cạn một lon bia, ngước nhìn đồng hồ mới có bảy giờ:
"Vậy lát mười giờ rưỡi kêu tao dậy tao chở mày ra ngoải."
Tuấn Tú xoay qua nhìn hắn:
"Thôi mày cứ ngủ đi tới giờ thì tao đặt xe ôm. Bởi tao nói mày lạc hậu mà không chịu. Thời đại công nghệ chỉ cần lên ứng dụng bấm một cái thì liền có xe chở đi bất chấp nắng gió đêm ngày, mưa sa bão táp luôn đấy."
An Đắc nằm xuống cái ghế sa lông dài, nhắm mắt lại:
"Thôi bớt xàm đi, tao chở mày đi là tao còn có công chuyện."
"Công chuyện gì?"
"..."
An Đắc không kịp trả lời liền ngủ mất. Đêm qua ngủ không ngon, hết gặp ác mộng lại bị dọa một phen nên giờ đây năng lượng của hắn đã cạn kiệt đến không rồi.
Tuấn Tú không hỏi ra cũng chịu đành phải tiếp tục ngồi uống bia với chú Hai Cơ.
Uống hết bia thì tất cả cùng tản ra, người có phòng thì về phòng, người không có phòng thì nằm vật ra đất ngủ.
Giấc ngủ dù ngắn ngủi nhưng lại bình yên tới an lòng.
Lúc này cách đó chưa đến một cây số là địa bàng của những tụ điểm về đêm. Và quán bar S chính là địa điểm nổi bật nhất trong số các nơi ăn chơi đàng điếm thuộc địa phận thành phố.
Bên trong quán bar sôi động vôi cùng, âm nhạc xập xình, ánh đèn đầy màu sắc nhấp nháy, khắp chốn toàn là trai xinh gái đẹp ăn diện lộng lẫy đang đung đưa thân người theo điệu nhạc.
Trên dãy ghế dài ở trong góc là một nhóm người có cả nam lẫn nữ độ tuổi không lớn, đang ngồi cười cười nói nói ồn ào khắp một khu.
Nếu để ý kỹ trong nhóm người rộn ràng kia thì sắc mặt của anh chàng tóc đỏ ngồi ở giữa lại không hề phù hợp với không khí hân hoan, cuồng nhiệt của mọi người.
Cậu trai tóc đỏ mặt mày chằm dằm, chù ụ. Khuôn mặt tròn trịa trắng phếu thường ngày giờ bị điểm tô một vết bầm to tướng ở đuôi mắt nhìn thể nào cũng trông khó ưa.
Đôi mày cậu chàng nhíu chặt hiện rõ sự không vui. Đôi con ngươi đen láy vẫn vô định nhìn về phía xa một lúc lâu mà chưa hề di chuyển bao giờ, cứ như đang suy nghĩ về thứ gì đó.
Một người thanh niên bên cạnh chợt cất tiếng:
"Uầy anh Thoại hôm nay làm cái gì mà mặt mày ỉu xìu vậy? Lâu lâu đám tụi mình mới có một ngày gặp nhau mà anh cứ vầy hoài mấy đứa tụi em chơi sao vui nỗi."
Chưa đợi người được nhắc tên lên tiếng thì gã nào đó ngồi ngoài bìa đã chen vào:
"Ôi cái thằng này mày cứ để anh Thoại ngồi tự ngẫm ở đó đi chứ. Mày có thấy ai trên mặt bầm bầm tím tím như thế mà cười nỗi không hả?"
Một người cũng đến góp vui:
"Trời ơi tụi bây không biết chứ vụ đánh lộn của anh Thoại nổi tiếng rần rần luôn mà. Nổi đến nỗi ở trong trường tao, lấy ai mà chả biết đến cái tên Võ Nam Thoại đem ba đánh một cực kì 'oai hùng' trong căn tin..."
Kẻ đó nói tới đấy rồi thấp giọng trào phúng:
"Nhưng cuối cùng lại bị một thằng phục vụ ở đó đánh cho mặt sưng lên."
Vừa dứt lời cả đám liền nhỏ giọng cười cười. Dù quán bar có ồn ào cỡ nào nhưng giọng điệu và thái độ kia rõ ràng đến thế lấy ai mà chẳng hiểu.
Nam Thoại nghe xong tức giận đứng lên đập nát chai rượu xuống bàn, thủy tinh văng lên tung tóe:
"Đm mấy thằng chó im miệng cho tao. Mày tin là nói thêm tiếng nữa thì cái đầu của mày sẽ ăn trọn cái chai này không?"
Kẻ đó thấy khí thế của cậu cũng chả dè chừng, ngược lại giận dữ không kém mà đứng bật dậy:
"Sao? Mày làm gì được tao? Thứ chó cậy lắm lông như mày mà bày đặt hùng hổ cái gì? Đánh đi tao cho mày đánh đó. Tao đang đứng nè sao lại không dám đánh hả? Hả anh Thoại!"
"Mày đừng có thách tao con chó."
Nói rồi Nam Thoại cầm lấy một chai rượu khác định đập vào mặt kẻ nọ. Nhưng lúc cậu đập vỡ chai rượu đầu tiên, đã kinh động đến bảo an gần đấy nên rất nhanh liền có hai, ba người áo đen đi lên kiềm lấy tay cậu.
Thấy tình hình ngày càng căng thẳng những người trong nhóm cũng bắt đầu tiến tới can ngăn, mỗi người góp một câu:
"Anh Thoại bớt nóng, hôm nay mọi người ra ngoài để chơi mà làm gì căng như vậy."
"Đúng đó anh Thoại, hà cớ gì chuyện bé xé to, đều là người một nhà không."
"Anh Thoại bình tĩnh lại đi nó cũng đâu có nói gì sai, vết bầm trên mặt anh là hàng thật chớ đâu có ai vu oan cho anh."
"Hay em lấy kem che khuyết điểm che giúp anh nhé."
Những lời nói vô can kia lọt vào tai Nam Thoại chẳng khác nào trêu tức, cậu bực dọc vùng ra khỏi mấy tên bảo an, trợn mắt nhìn một lượt hết thảy những người đang ngồi ở đấy rồi xoay người ra khỏi quán bar.
Cậu đi ra bên ngoài leo lên chiếc xe hơi màu đỏ cách đó không xa, tức tối đóng rầm cửa xe lại.
Nam Thoại ngồi trên ghế lái đập tay lên vô lăng, nhớ đến chuyện vừa xảy ra liền thấy tức đến điên người.
Chưa kể tới ngày hôm qua cậu đánh nhau ở căn tin bị thằng ất ơ kia đấm một cú vào mặt, đã vậy còn gặp rắc rối trên phòng hiệu trưởng.
Gia đình Nam Thoại sớm đã quen với lối cư xử này của cậu nên cũng chỉ la mắng rồi cắt tiền sinh hoạt một tuần mà thôi.
Nhưng hai anh em sinh đôi đi cùng Nam Thoại ngày đó mới là thảm. Bị cấm túc triệt để trong nhà, thời khóa biểu ở trường mẹ của bọn họ nắm rõ nên ngoài khi có lớp thì mọi việc ăn chơi tụ tập đều bác bỏ.
Vì hai anh em bị cấm túc như thế nên Nam Thoại đành phải đi một mình tới buổi tụ họp nhạt nhẽo này.
Tính chỉ đến xõa buồn ai ngờ buồn đâu chưa hết mà lại rước thêm cái bực vào người.
Nhóm sinh viên trong quán bar nhà người nào cũng giàu có nên làm mích lòng một mình cậu thì làm sao?
Đừng tưởng ngoài miệng lúc nào cũng "anh Thoại anh Thoại" là tụi nó kính trọng cậu, thực chất chỉ là đang trào phúng cái danh hiệu sinh viên năm thứ năm của cậu thôi.
Do cậu cứ thích chơi mà chểnh mảng học tập dẫn đến học hoài chưa xong. Càng học càng rớt môn nên đến nay đã theo học tại trường năm năm mà chưa thấy có dấu hiệu tốt nghiệp.
Có cái bằng đại học dân lập cũng lấy không xong thì làm được tích sự gì?
Đó là lời chế giễu mà tụi nó nói rất nhiều lần sau lưng cậu.
Mỗi lần biết được, Nam Thoại thật muốn gào vào mặt tụi nó "Tụi bây có ngon thì học thử đi" nhưng lần nào lời này tới môi thì cũng bị nuốt vào trong.
Bởi vì không chỉ có đứa nhỏ hơn cậu đã tốt nghiệp mà còn có người tốt nghiệp loại giỏi tại trường công hay có kẻ đã hoàn tất chương trình du học rồi quay về nước.
So với tụi nó, quả thật cậu kém hơn rất nhiều.
Nhưng càng nghĩ thì Nam Thoại lại càng thấy tức tới sắp nổ phổi luôn rồi. Cũng may là hôm nay cậu chưa uống một giọt rượu nào nên sau khi lên xe liền lái thẳng đi mất.
Lúc dừng ở đèn đỏ ở ngã tư, cậu lơ đễnh nhìn ra ngoài liền bắt gặp trúng cái thằng ất ơ nọ.
Như đúng lời hứa, vừa mười giờ rưỡi thì An Đắc đã tỉnh dậy sau đó chở Tuấn Tú ra bến xe nên cuộc hội ngộ như này cứ thế mà diễn ra.
Chỉ là cửa kính xe hơi chắn tầm nhìn rất tốt. Người bên trong có thể nhìn thấy được sự tình bên ngoài nhưng còn người bên ngoài thì khó mà thấy được những gì bên trong ô tô.
Vì vậy An Đắc không hề biết gì về ánh mắt căm thù mãnh liệt đang nhìn mình mà cứ thế chờ đèn xanh vừa bật, đã lập tức chạy đi.
Nam Thoại ngồi trên xe máu dồn lên não, chưa kịp nghĩ ra một thứ gì, chỉ biết cái thằng làm mình muối mặt ngày hôm nay đang ở gần sát bên liền không suy xét cẩn thận tức khắc chạy theo.
Nam Ngọc: Nam Thoại có nghĩa là câu chuyện phương Nam.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro