Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

01. Quê nội

Địa điểm có thật, nhưng tất nhiên câu chuyện là giả tưởng. Mãi iuuuuuuu




Thời tôi còn bé, mọi gia đình hình như đều có xu hướng bỏ quê lên phố.

Nhà tôi cũng thế.

Năm cả nhà tôi khăn gói từ cái làng nhỏ để lên thành phố ở, tôi nhớ là cũng có thêm vài chiếc xe tải cùng chuyển đồ cho mấy nhà khác trong xóm. Lúc nhìn qua gương chiếu hậu của cái ô tô, thấy có thêm ba chiếc nữa nối đuôi chiếc nhà tôi ra trên con đường làng, tôi thấy lòng mình hơi lạ. Cho tới bây giờ thì tôi cũng chẳng còn nhớ chính xác ngày ấy mình có cảm giác gì nữa. Ông bà nội tôi đều đã mất từ trước khi bố tôi lấy mẹ. Ông tôi mất trong chiến tranh, bà tôi mất thì do sức khỏe yếu, điều duy nhất mà tôi biết về ông bà là hai tấm ảnh đen trắng bố để trên ban thờ. Bố tôi quả đúng là con trai của ông tôi, còn tôi thì chính xác là con trai của bố tôi. Mẹ tôi bảo không thể nào mà tôi lại giống bố như đổ khuôn đến vậy được, mặc dù mỗi lần nhìn bố, tôi cũng không nhận ra mình giống ông ở điểm nào, nhưng ai cũng khẳng định là tôi giống ông như lột. Nhà bà nội cách nhà bà ngoại một thôn, bố mẹ tôi gặp và quen nhau qua mai mối của người quen, vì hồi đấy bố tôi đã tròn 30 mà vẫn đơn côi lẻ bóng.

Hồi nhà tôi mới chuyển lên phố, đất đai vẫn chưa khó mua như bây giờ, bố mẹ tôi mua được một căn nhà nhỏ nhỏ xinh xinh ngay mặt đường ở Khâm Thiên, bây giờ thì đến một thằng oắt con như tôi nghe được số tiền mà người ta chấp nhận trả cho nhà mình để mua lại tôi còn thấy sốc. Nói chung là hay không bằng hên, nhà tôi lên đây rất hợp thời.

Thiên thời địa lợi nhân hòa, nhà tôi xây lên thành một căn nhà ống ba tầng một tum, tầng một mẹ tôi đặt một tiệm sửa chữa quần áo, lâu lâu cũng nhận may đồ mới, mẹ tôi bán vải, cho thuê sách cũ, cho thuê đĩa CD. Hồi còn ở làng, nhà tôi chẳng có gì ngoài sách. Hôm chuyển đi, mất già nửa số đồ trong nhà là sách. Tôi đọc sách nhiều đến nỗi hình như đầu tôi to ra, mắt tôi hơi lồi lên, còn tứ chi thì không phát triển gì mấy, nghĩa là trông tôi rất gầy, người tôi bé tí, khẳng khiu như cành sấu vào độ đông ngay trước cửa nhà.

Bố tôi hồi mới lên thành phố thì đi học việc sửa chữa ô tô, sau này phát triển, bố tôi đi học một lớp đào tạo cán bộ, giờ làm quản lí ở một xưởng sửa chữa tư nhân.

Nhà tôi không phải thành phần trí thức tinh hoa, nhưng các bác các cô các chú quanh nhà lại tuyền những cán bộ công chức nhà nước. Sát vách với nhà tôi là gia đình ba thế hệ nhà cô Hoa, nhà cô ba đời làm bác sĩ, cô Hoa tôi hồi đấy (hồi nhà tôi mới lên) là bác sĩ nội trú, sau thì cô là giáo sư công tác ở bệnh viện Đại học Y. Cô chính là người đã thay đổi cả cuộc đời và gần như khai sáng cho tôi.

Ngày đấy tôi sắp vào lớp Chín, đang giữa mùa hè, tôi xuống cửa hàng may của mẹ, ngày nào cũng như ngày nào, chui vào chỗ kệ sách cũ, tôi lôi ra được một quyển sách đã long cả bìa, trên trang giấy ố vàng có mùi mốc và hơi mục đầu tiên có một dòng chữ đã nhòe nét xiên xiên "thân gửi em". Bố tôi bảo là nét chữ của ông nội, hẳn là sách ông gửi tặng cho bà. Tôi nằm phủ phục xuống cạnh giá sách để đọc quyển sách đó. Chiếc quạt cũ mèm mẹ mua ở chợ Đồng Xuân kẽo kẹt kêu, mẹ tôi ngồi trước máy may, tiếng máy chạy ồn ào cả một gian nhà.

Rồi cô Hoa sang nhà chơi, cô hơn mẹ tôi hai tuổi nhưng lại kém bố tôi những sáu tuổi, nên tôi gọi cô là . Cô sang đưa cho mẹ tôi một cái áo để mẹ tôi vá lại giúp, cô ngồi xuống cạnh chỗ tôi trêu tôi vào câu, rồi quay sang nói chuyện với mẹ.

Tôi nhìn bàn tay trắng bợt hơi nhăn nheo của cô, sợ sệt hỏi vì tôi tưởng cô bị ốm:

"Cô ơi, tay cô sao thế ạ?"

Cô Hoa đưa hai bàn tay lên ngắm nghía rồi cười:

"Cô cứu người đấy. Gia Minh thấy tay cô có ghê không?"

Lúc đó cô mới trở về từ bệnh viện sau ca trực, vừa giúp phụ mổ cho một bệnh nhân bị tai nạn xe máy, cô chẳng nói rõ người đó bị làm sao, nhưng cô bảo rằng cô đã đứng mổ rất lâu. Đúng là ban đầu tôi có thấy ghê thật, tay cô trắng nhợt, lại còn nhăn nheo như tay người già, nhưng khi nghe thấy rằng cô cứu người nên tay mới trở thành vậy, tôi không thấy ghê nữa, tôi thấy cảm phục. Tôi ngồi dậy hẳn hoi, nói với cô một cách nghiêm túc:

"Cháu không ạ. Cô là tốt nhất."

Cả mẹ tôi và cô đều cười ầm lên, mẹ tôi trêu:

"Thế mẹ không tốt hả Hột Mít?"

ĐẤY! Mẹ tôi cứ gọi tôi là Hột Mít. Tên gì xấu bực cả mình, cái tên Gia Minh dù sao cũng đẹp hơn là cái hột mít bé tí, vả lại tôi cũng đã lớn lắm rồi kia. Mẹ tôi luôn là tốt nhất, nhưng mẹ tôi (và cả bố tôi nữa) cứ gọi tôi là Hột Mít, nên hai người họ xếp sau cô Hoa tôi. Nếu cô Hoa tôi cũng gọi tôi là Hột Mít, thì thường thôi, tôi xí xóa vì cô cứu được rất nhiều người bằng đôi bàn tay cô.

Tôi bĩu môi, cô Hoa nhìn tôi mà cười lăn ra sàn nhà, khóe mắt cô hiện cả mấy dấu chân chim dù tuổi còn trẻ. Rồi cô bảo:

"Minh thích đọc sách lắm hả?"

Tôi gật đầu, chỉ vào giá sách ba tầng bên cạnh:

"Từ đây", tôi chỉ từ bên trái sang đến gần hết bên phải, kệ sách rộng hơn một sải tay của tôi, "đến đây, cháu đều đọc hết rồi đấy cô."

Cô dịu dàng cười, nhìn tôi một cách lanh lợi. Mãi thật lâu sau này thì cô tôi, lúc này đã là Trưởng khoa Tim mạch của Bệnh viện Đại học Y, nói với tôi rằng lúc ấy cô đã nhắm tôi rồi, nhất quyết phải lôi tôi đi làm bác sĩ cho bằng được, may mà cô nhìn đúng người, lý tưởng của tôi lớn vô cùng, tôi lại gan lì, liều lĩnh, nên rồi tôi cũng được xếp tên trong hàng ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai. 

Lúc đó cô bảo:

"Vậy Minh có muốn cứu người như cô không?"

Dĩ nhiên là tôi gật đầu ngay tức khắc. Cô nói ngay:

"Thế sau này Minh học Y đi, vào trường ngày trước cô học, rồi lên làm bác sĩ cứu người giống cô này."

Tôi nhìn bàn tay nhăn nheo của cô, lưỡng lự không đồng ý.

Tối hôm đó, tôi hỏi bố về nghề bác sĩ mà cô nói. Mẹ tôi bảo rằng làm bác sĩ vất vả lắm, cô Hoa trông vậy thôi chứ cô phải làm cả ngày cả đêm, đến bây giờ vẫn chẳng chồng con gì cho dù mẹ tôi đã có thằng cu sắp lên cấp 3. Nhưng bù lại cô cứu được rất nhiều người, bố tôi bảo thế. Bố tôi kể rằng ngày xưa bà tôi mất vì bệnh, sức khỏe bà rất yếu lại chẳng được cứu chữa kịp thời, bà sợ phiền con cháu nên đến khi phát hiện ra, bệnh bà đã nặng lắm. Đường đi từ làng cũ của tôi đến bệnh viện ở huyện thì rất gần, nhưng bệnh viện ở đấy chẳng đủ trang thiết bị để chữa cho bà, bố  đành phải lặn lội đưa bà lên thành phố. Lên thành phố thì bệnh viện lại đông, y bác sĩ không đủ, đến cuối cùng vẫn không kịp để chữa cho bà. Bố ước gì ngày đó có ai để bố bám víu vào, có ai đó cho bố một tia hy vọng dù chỉ là lóe lên trong phút chốc.

Có những thứ lý tưởng đã manh nha được hình thành trong cái đầu trẻ con vô cùng đơn giản của tôi. Ăn cơm xong, tôi chạy sang nhà cô Hoa, đúng lúc cô chuẩn bị đi làm, mái tóc ngắn hơi xơ được cô túm gọn sau đầu nhưng trong  mắt tôi, cô giống như siêu nhân tuyệt đẹp. Tôi nói rằng tôi muốn làm bác sĩ, cô nhoẻn miệng cười rất tươi. Sau này Trưởng khoa kính mến của tôi nói rằng hồi đó bà cảm thấy vô cùng thành tựu khi lôi kéo được tôi.

Sau đó tôi lên lớp Chín, bắt đầu thôi kêu ca chuyện học hành, và cắm mặt vào học Hóa theo đúng nghĩa đen. 

Chính ra mục tiêu ban đầu của tôi cực kỳ bình đạm. Bố tôi có một chức vụ tốt ở xưởng sửa chữa, tôi nói rằng tôi học xong cấp Ba thì cũng đi học ô tô rồi về làm cùng bố, lấy một người tốt như mẹ, lập một gia đình nhỏ mà yên ổn. Thời đó công chức nhà nước không giàu có gì mấy, tiểu thương như gia đình tôi lại có của ăn của để, nên bố tôi cũng không nghĩ gì xa xôi mà đồng ý ngay với cái ý tưởng tầm thường đó của con trai. Bố bảo dù sao tôi cũng là đàn ông, vứt đâu tôi chả sống. Nhưng giờ mục tiêu của tôi đã khác, tôi không còn muốn học hành làng nhàng đứng ở vị trí thứ hai mươi mấy trong cái lớp ba mươi hai học sinh, cũng không còn muốn thi bừa vào một trường cấp ba nào đó để sau này ra học nghề nữa, tôi bắt đầu cắm đầu cắm cổ vào học, xin mẹ cho đi học thêm môn nọ môn kia, tôi cảm thấy mình không có khiếu học mấy, vậy nên tôi lấy cần cù bù thông minh. Tôi bắt đầu bớt đọc sách văn học, bớt đọc truyện Quỳnh Dao, bớt đọc tiểu thuyết trinh thám kinh dị, thôi xem phim hoạt hình, tôi tự đi lùng tìm mấy quyển sách giúp ích cho các môn Tự nhiên, mượn cả sách của cô Hoa để đọc. Dần dần trên mắt tôi xuất hiện đôi đít chai dày cộp. Mục tiêu trước mắt của tôi là lớp chuyên Hóa, mục tiêu xa hơn là Đại học Y, tôi chắc như đinh đóng cột là tôi làm được. 

Mùa hè năm ấy tôi thi chuyển cấp, đăng ký Chu Văn An rồi tôi lao vào học như mấy con côn trùng lao vào cái bóng đèn vàng bố tôi treo. Tôi học nhiều hơn bất cứ đứa bạn nào, vì tôi cảm thấy kiến thức mình nạp vào bao nhiêu cũng không đủ.

Mẹ tôi bắt đầu xót xa khi nhìn tôi gầy teo tóp hẳn đi, chân tay tôi tong teo nay lại càng tong teo, mắt thâm sì, da tai tái. Mẹ bảo tôi học ít thôi, nếu không thi được trường này thì học trường khác, thiếu gì trường cho tôi học mà tôi nào có nghe. Mẹ tôi khuyên chán không được thì quay sang bắt đền cô Hoa, cô Hoa đã chuyển về dẫn dắt học trò nhưng vẫn mổ ở viện đều đều, vừa dạy vừa mổ vừa nghe mẹ tôi bắt đền, cô nói mẹ tôi yên tâm rồi chỉ cho mẹ tôi mấy món tốt cho sức khỏe. Thế là suốt hai tháng trước kì thi, ngày nào tôi cũng hân hạnh được ăn cá hồi, được húp canh bí đỏ, trứng gà không luộc thì rán, không rán thì trưng, ăn nhiều đến mức tôi tưởng mình là quả bí đỏ có hình con cá hồi với đôi mắt trông như hai quả trứng luộc.

Ai bảo tôi cứng đầu không nghe mẹ khuyên, giờ thì mẹ tôi cứng rắn ép tôi ăn bí đỏ và cá hồi, mặc kệ tôi kêu ầm lên rằng da tôi đã cam như quả bí, mẹ tôi bảo thì ăn nhiều trứng luộc lên cho trắng trở lại.

Bố tôi dù đứng ngoài nhưng vẫn dính đạn, cũng phải ăn cá hồi và bí đỏ cùng tôi. Ông nói rằng ông sẽ chính thức sợ cá nói chung và bí nói chung đến cuối đời.

Thi xong, người tôi như que củi, đã thế tôi lại còn chán ăn, cô Hoa bấy giờ mới trách tôi bỏ bê bản thân, cô nói nếu như bác sĩ nào cũng lao vào học đến mức suy dinh dưỡng như tôi thì tôi còn cứu được ai. Thế là tôi ngộ ra, nhưng tôi vẫn không ăn được gì, nhai tôm cua cá, sườn bò chả mà như nhai giấy, tôi không béo lên được, mà tôi thấy không khí quanh tôi rất ngột ngạt. Mở mắt ra sẽ nghe tiếng còi xe inh tai, nắng nóng như càng nóng hơn vì đường bê tông nung cả ngày, mẹ tôi làm ở dưới nhà rất ồn, khách đến nói chuyện phiếm cũng khiến tôi phiền muộn. Tôi thiếu ngủ, lười ăn, suy dinh dưỡng. Một thằng lớp 10 thế quái nào mà lại suy dinh dưỡng, mẹ tôi ngày nào cũng kêu thế.

Một bữa, bố tôi chép miệng khi thấy tôi dùng đũa gẩy lên miệng được hẳn ba hột cơm:

"Cho thằng Mít về quê nội đi, anh nhờ nhà bác cả rồi."

Mẹ tôi nhìn tôi rồi thở dài một cách ái ngại:

"Liệu có phiền nhà bác không?"

Bố tôi nói:

"Không phiền đâu, về nhà không khí trong lành yên tĩnh, hợp để ổn định tinh thần, lâu rồi thằng cu này cũng không về quê chơi, sắp quên hết mặt họ hàng rồi."

Tôi bĩu môi, quên đâu mà quên.

Bố tôi thấy tôi bĩu môi thì lại tưởng tôi không muốn về nhà, bố nói:

"Bác sĩ tương lai thì phải biết chăm sóc bản thân, chừng nào béo tốt trở về thì hẵng làm bác sĩ, không thì nghỉ."

Tôi gật đầu, ngay ngày hôm sau khoan khoái ngồi xe khách về quê, nói thật là tôi thích về quê, ít ra thì tôi sẽ không phải ngửi mùi khói xe, không nghe người ta ra ra vào vào nhà mình, không nghe mẹ tôi tính tiền vải, tiền sách hay tiền đĩa CD. Tính ra đường về làng cách thành phố khoảng 40 cây số, đường không khó đi, bố mẹ tôi vẫn thường đi xe máy về, sau này lớn, thi thoảng buồn chán tôi lại tự đi xe về nhà.


---

Nguyễn Gia Minh x Lê Thế Nam

Lý Đông Hải (Tên của Haechanie em thực sự nghĩ nát óc luôn, nên tên ảnh sẽ là sự kết hợp của Donghyuck và Haechan)

Phạm Chí Thành

Lê Minh Hưởng

Hoàng Nhân Tuấn

Trần Thần Lộc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro