phần 1
Hôm kia, tôi tình cờ ghé qua nhà Bạch Nhật Mộng. Tôi nghe tiếng cô trong làng editor đam mỹ đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ ghé đọc, hôm kia tâm trạng buồn buồn nên muốn tìm một câu chuyện nhẹ nhàng nào đó để mà đọc, mà ngẫm. Duyên cớ sao, câu chuyện đầu tiên mà tôi đọc trong nhà cô, lại chính là tùy bút “Em sẽ đợi anh đến năm ba mươi lăm tuổi” của anh, Nam Khang, để rồi tôi lại không thể ngăn mình rơi lệ. Một đoản văn, ngắn thôi, nhưng gói trọn cả tâm tư, nỗi day dứt, cô độc, xót xa của một người, khiến tôi, dù đã đọc đi đọc lại bao lần, nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi đau anh gửi qua từng câu từng chữ. Nhẹ nhàng thôi, nhưng sắc biết bao, càng cứa, càng đau.
Cách viết theo kiểu tùy bút, cho nên cả một câu chuyện cứ như một quyển nhật ký những tháng ngày mà anh trải qua. Bắt đầu thật nhẹ, và kết thúc cũng thật khẽ.
Đối với một người, hạnh phúc nghĩa là gì? Là có một gia đình êm ấm, là cuộc sống sung túc, là nhà cao cửa rộng. Nhưng với anh, hạnh phúc mà anh mong chờ rất nhỏ nhoi. Chỉ là những phút giây được người mình yêu ôm vào trong lòng. Hạnh phúc là những lúc anh bắt người ấy ăn kiêng để rồi chịu không nổi cái nhìn của người ấy mà nhường phần cơm của mình. Là những lúc hai người nằm trên giường lắng nghe nhịp tim đập của nhau. Bởi vì anh biết, tình yêu của anh với người ấy vốn không được ai chúc phúc, hơn nữa, còn bị cả xã hội khinh khi, ghét bỏ. Anh yêu hắn. Hạnh phúc của anh, vốn chỉ nhỏ nhoi như thế, giản đơn như thế. . .
"Đối với tôi mà nói, ôm ấp là việc còn quan trọng hơn cả làm tình. Làm tình có thể chỉ xuất phát từ dục vọng, còn ôm lại xuất phát từ lòng toàn tâm toàn ý tin tưởng và yêu mến, không hề phòng bị mà mở rộng lòng mình.
Da thịt kề cận, tóc tai quấn quanh, hai cụm từ đặt thật là hay"
Bảy năm để yêu một người, trong đó có bốn năm anh được sống bên người mình yêu. Bảy năm, chỉ yêu một người, sống với một người, hạnh phúc vì một người, giận vì một người, cười cũng vì một người. Đối với anh, là quá đủ ư? Không, bao nhiêu đó, vốn chẳng đủ đâu. Đời người rộng lớn thế, nhưng trong anh chỉ có mỗi bóng dáng của người ấy. Mỉa may thay, anh chẳng phải là người duy nhất trong đời người ấy. . .
Cái đáng sợ nhất không phải là từ không đến có, mà là từ có về không. Bảy năm, sự hiện diện, từng lời nói, cử chỉ, từng cái nhíu mày, nhăn mặt, nó đã hòa quyện vào máu thịt anh. Sự tồn tại của người đó trong ngôi nhà nhỏ với anh là lẽ đương nhiên. Đã quen tựa vào vai người đó mỗi khi mệt, đã quen với tiếng cười, đã quen với những bữa cơm có người ấy trừng mắt, đã quen với những lúc người ấy ngô nghê cất tiếng hát. Đã quen với mọi thứ… Giờ đây, dứt ra. . . Đau. . .
Đau. . .
Rất đau. . .
"Từ năm 1999 đến năm 2006, bảy năm thời gian đều dành để yêu con người ấy. Như thể nó đã biến thành một bộ phận trên cơ thể mình, coi sự tồn tại của nó là một lẽ đương nhiên, thậm chí có đôi khi tôi còn không thể cảm thấy có sự khác biệt nào. Nhưng nếu có một lúc nào đó thật sự phải cắt bỏ nó đi, thì nhất định sẽ không nỡ, đau, đến phát khóc"
Đau đến nỗi hằng đêm, khi thân thể đã rã rời thì thần thức vẫn còn, trong cơn mộng mị chập chờn, chỉ cần hình ảnh của người ấy lướt qua, kỷ niệm xưa ùa về thì anh lại choàng tỉnh, cứ như thế, thẫn thờ cả đêm. Ngồi đó mà không thể làm được gì.
Đau. . .
"Hiện giờ bản thân gần như cũng nằm trong hoàn cảnh này, ban đêm ngủ không được, nhưng lúc thức dậy rồi lại ngồi ngẩn ngơ ra đấy. Tôi vốn cũng không cảm thấy có gì khó chịu, chỉ là cứ mịt mờ không biết làm gì để thời gian nhanh chóng trôi đi. Ngoài nỗi đơn côi, anh không để lại gì thêm nữa. Tôi nghĩ đến mai sau có lẽ sẽ phải trải qua rất nhiều năm như thế này, chỉ nghĩ thế thôi cũng đã đủ khiến cho người ta cảm thấy hoảng hốt hoang mang, vì thế nên sợ hãi, và cũng có thể sẽ không kiên trì đến năm ba mươi lăm tuổi được nữa."
Có một lần tôi không biết tại sao trong lòng bất ổn, cả đêm không ngủ được, cứ ngồi trên giường mà đăm đăm nhìn vào khoảng không, chung quanh tôi tối đen, thân thể rã rời nhưng lại chẳng thể nào dỗ mình chợp mắt. Ngồi một mình trong đêm tối, không gian tĩnh lặng, nỗi cô đơn hơn lúc nào hết ùa về. Rất lạnh, mặc dù tôi quán quanh mình lớp mền bông nhưng cái lạnh vẫn thấm vào xương vào tủy. Những người xung quanh tôi vẫn an giấc, nào có ai hay tôi vẫn đang vật lộn với nỗi cô đơn đáng sợ này, tôi thích xung quanh mình ồn ào một chút để tôi biết được rằng mình đang sống, nhưng lại chẳng thể ngăn bản thân tìm về sự tĩnh lặng, sự cô độc đáng sợ kia, cứ như liều thuốc phiện, một khi đã nếm rồi thì không thể thoát khỏi trầm luân trong đó.
Chỉ một đêm đó thôi, mà tôi đã như vậy, còn anh. Anh đã trải qua bao nhiêu đêm như thế? Hai năm, 730 đêm, có đêm nào, anh được an giấc, có đêm nào anh không thôi tự quấn mình quanh nỗi cô độc, không thôi nhớ về người ấy? Đã có lúc, anh nghĩ đến bản thân mình sẽ đi quen người khác, nhưng rồi, trong tâm trí anh, vẫn hiện lên bóng hình người đó, không phải là người đó thì không được. Tội gì, anh bảo anh không vô tội, nhưng anh đâu đáng tội hành hạ mình như thế?
"Tôi có thể lớn, có thể giống rất nhiều người khác, tìm một người thích hợp để tiếp tục sống qua ngày, có lẽ không phải rất thích, nhưng ngày dài tháng rộng, đôi bên vẫn có thể bồi dưỡng chút chân tình, hoặc giả dễ dàng nói lời chia tay, và rồi tìm lại từ đầu.
Còn không thì cứ làm theo cách thực tế nhất, ban đêm ôm ấp hôn hít, trời sáng rồi đôi ngã đôi đường.
Tôi đương nhiên có thể, chỉ là tôi sợ, sợ tất cả những thứ kia cũng không thể chống đỡ được việc này, bởi vì không phải là anh, lúc tỉnh lại chỉ còn sự tịch mịch, hư không gấp bội."
Vì thế anh cho mình một cơ hội và cũng cho người ấy một cơ hội. Anh bảo, anh sẽ đợi đến khi anh ba mươi lăm tuổi, đợi đến lúc người ấy mệt mỏi rồi thì sẽ quay về với anh. Nhưng rồi anh lại sợ, hôn nhân ràng buộc hai người xa lạ lại với nhau thành gia đình, rồi con cái, những cái đó không phải nói dứt là dứt dễ dàng được. Nếu người đó không về, vậy anh phải làm sao đây?
"Do đó vẫn cảm thấy rất sợ, gia đình, con cái đều là những mối ràng buộc rất khó dứt bỏ. Nếu như có một ngày, anh thật sự không muốn rời xa cô ấy nữa, dự tính cứ thế tiếp tục sống qua ngày, vậy tôi phải làm sao đây?"
Nhiều người bảo, nhìn người mình yêu được hạnh phúc, thì dù người đó có hạnh phúc bên người khác, thì lòng mình vẫn thấy vui. Tôi không bảo đó là nói dối, nhưng trong cái vui đó, sẽ có một chút đắng cay, một chút xót xa, một chút đau lòng, một chút tủi thân. Càng tủi hơn nữa khi mình yêu người ấy đến thế, đã trải qua gần cả thập niên, đã trải qua bao nhiêu lần chăn ấm gối êm, yêu đến nỗi tin chắc rằng, trên đời này, không ai yêu người ấy bằng mình. Nhưng đến phút cuối cùng, người mà hắn chọn, không phải là mình?
"Tôi là người tha thiết cầu mong anh được hạnh phúc hơn bất kì ai khác trên cõi đời này, chỉ có điều khi nghĩ đến niềm hạnh phúc đó không có phần mình, vẫn sẽ cảm thấy rất đau."
Nhìn người mình từng có bảy năm yêu, bốn năm đầu ấp tay gối, nay lại vui vầy với kẻ khác. Nếu ai bảo đó là cảm giác hạnh phúc thì tôi sẽ chẳng ngại ngần quăng hai chữ “giả tạo.” Có xót xa không? Có đau không? Anh không oán, không hận người đó, chỉ có đau lòng cùng mờ mịt nhìn về tương lai. Anh đã từng mong hai người cùng đầu bạc răng long đi đến cuối đường. Lời hứa thiên trường địa cữu nói thì dễ, nhưng ,mấy ai làm được. Đã sinh ra, đã là người thì ta đã sớm mất quyền tự đo, ta đã sớm trói buộc mình trong những luật lệ, định kiến của xã hội, đã sớm quen cái kiểu cách làm việc theo cách nhìn của người đời.
"Tử sinh cách trở đôi nơi,
Cùng em anh đã nặng lời từ xưa.
Đôi ta những nguyện cùng già,
Cầm tay thủa ấy, bây giờ chưa quên.
Thật ra đây là bài thơ bi thương nhất, sinh tử cùng ly biệt đều là thứ ta chẳng thể nào xếp đặt. So với sức mạnh của thế giới bên ngoài thì chúng ta mới thật bé nhỏ, ôi nhỏ biết bao! Thế nhưng chúng ta vẫn luôn bảo: “Em muốn vĩnh viễn ở bên anh, đời này kiếp này mãi không chia lìa.” Cứ như rằng chúng ta có thể làm chủ được vậy.”"
Trong cái xã hội ngột ngạt này, anh đã sớm chịu không nổi nó nhưng anh vẫn cố đợi, cố chịu những sự dằn vặt từ những cơn mộng mị, nỗi cô độc thấu tận tâm can, vẫn mỉm cười đối mặt với tất cả. . . chỉ vì một lời hẹn mơ hồ không chắc. Ba mươi lăm tuổi, liệu người đó có quay về bên anh hay không? Hay vẫn sẽ chỉ có mỗi mình anh.
Mệt mỏi. . .
Trong bốn tháng trời dài đăng đẳng thế mà trong di động của anh chỉ có duy nhất năm cuộc gọi. Anh đã cô độc đến mức nào?
Có lẽ anh đã quá mệt mỏi với mọi thứ, hai năm, không quá dài nhưng với những đêm chập chờn, dằn vặt mình trong nỗi cô đơn thì nó là trường tận. Nơi vốn dĩ thuộc về anh đã không còn nữa. . . Là người thì ai cũng có giới hạn, cũng có lúc kiệt sức. . .
Anh đã quá mệt mỏi. . .
Để rồi anh lựa chọn ra đi vào một ngày tháng ba. Tiết trời chuyển sang xuân vẫn còn se se lạnh. Dòng sông Tương Giang đón anh vào lòng. Cái lạnh ngày đó có bằng nỗi lạnh từng đêm mà anh vẫn chịu đựng suốt hai năm hay không? Lúc anh đi không có giường êm nệm ấm, không có bàn tay nắm chặt của người yêu, lại càng không có ước nguyện sống đến răng long bạc đầu của người ấy, chỉ có nước lạnh phủ quanh. Anh một mình một người một thân lặng lẽ trôi theo dòng Tương Giang xuống Trường Sa rồi tới Nhạc Dương mới cùng mọi người nói lời từ biệt. Anh mang theo hạnh phúc mà anh tích cóp được từ những tháng ngày chung sống với người ấy, cùng những nỗi đau dăng dẳng của hai năm gộp lại, tất cả kết thúc ở tuổi hai mươi tám.
Tôi khóc. . .
“Tất cả mọi người đều nói tình yêu của Nam Khang là thuần khiết. Cả đời chỉ yêu, chỉ si một người, còn cái tình nào đẹp hơn. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi căm hận cái gọi là thuần khiết này. Bởi, trong cái thế giới hỗn tạp đầy định kiến này, thì tình yêu thuần khiết không thể tồn tại.
Tấm lòng son sắt, như Nạp Lan. Thâm tình bất hối, tựa Nam Khang.
Ngày anh rời đi, anh chưa tròn hai mươi tám tuổi, thế nhân biết đến anh, cũng chỉ có tám năm. Hai mươi năm đầu, vốn không ai để ý đến, mà ngay cả anh, cũng chỉ sơ lược nó trong vài câu chữ. Chỉ vì gặp được người ấy, tám năm đó mới được anh khắc họa dưới ngòi bút của mình.
Anh không hận người ấy. Anh nói là do chính anh thích người ta. Mà người ấy lại là một kẻ lõi đời, sẽ không vì anh mà chống lại cả thế tục. Tôi không muốn hiểu rõ liệu người ấy có yêu anh sâu đậm bằng anh yêu người ấy hay không. Thế gian này đã đủ làm cho con người ta bối rối quẩn quanh rồi, có một số chuyện, hãy để nó cứ mơ mơ hồ hồ hồ thì tốt hơn.
Anh nói, anh thích nhất câu “Mong cho tháng ngày yên ổn, một đời bình yên.” còn muốn viết lên quà cưới đưa cho người ấy vào hôn lễ. Điều này làm cho tôi nghĩ tới đứa nhỏ, khi sinh ra, ai cũng nói để cho nó làm một đứa trẻ hạnh phúc nhất, nhưng rồi lại chính tay mình giết nó đi. Có lẽ, thế gian này không xứng đáng có được anh.
Anh nói, anh không sợ chết, chỉ sợ rằng sau khi chết đi, sẽ không có ai thương người ấy như anh.
Thế nên, hiện giờ không thể yêu người ấy được nữa, vậy thì phải trở về thôi.
Rồi cuối cùng anh nói: “Em vĩnh viễn cũng không sống tới ba mươi lăm tuổi, thế nên em sẽ chờ anh mãi mãi. . .”
Anh dùng cái chết của chính mình, để đem tình yêu với người ấy kéo dài mãi mãi, đến thiên thu vạn kiếp. Đối với hắn, đây không phải là trừng phạt tàn khốc nhất hay sao? Cả đời này, người ấy sẽ ghi khắc anh vào trong tâm khảm, bất luận là thống khổ hay là hạnh phúc, cũng đều có anh tùy theo bên người. Ngẫm lại, đây cũng là một cách để anh gần được với người ấy.
Đi thôi, nếu anh đã lựa chọn rời đi, thì đừng lưu luyến chốn nhân gian đầy rẫy thị phi này nữa. Chỉ hy vọng nỗi tưởng niệm của tôi sẽ không quấy rầy đến giấc ngủ an bình của anh.
Nguyện tuế nguyệt tĩnh bình, kiếp sau yên ổn. “
Có lẽ, câu chuyện này sẽ không day dứt tôi đến thế nếu như không có Bạch Nhật Mộng edit lại. Cách hành văn của tác giả, cũng như ngôn từ mà Mộng tuyển dùng rất đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng cứa sâu vào tâm can. Cảm ơn Mộng, vì đã edit tùy bút này, để tôi có cơ hội biết đến anh, biết đến cái gọi là chân tình mà tôi tưởng từ lâu đã không còn trong cái xã hội cơm áo gạo tiền thời này.
Tôi nhìn đoàn người xuôi ngược trên phố, ai nấy đều vội vội vàng vàng, gặp gỡ rồi lãnh đạm nhìn một cái, ai cũng nhìn không thấu câu chuyện ở phía sau những người kia, ai cũng không biết được tâm lý của những người kia, liệu có phải đang chứa đựng một người như thế.
Anh đã đi rồi, nhưng Tương Giang vẫn chảy, và nỗi đau cho người ở lại vẫn còn.
Hãy ngủ đi anh nhé. . .
Tôi nghĩ, một ngày nào đó, nếu có dịp, tôi sẽ ghé qua Tương Giang, bên bờ sông, đọc lại những dòng tùy bút này.
Một ngày nào đó, nếu có thể, tôi vẫn muốn đặt lên mộ anh một đóa hoa. Nam Khang, tôi chưa hề gặp anh, hiểu anh, nhưng từ tận đáy lòng, tôi đau cho anh, thương cho mối tình thuần khiết của anh, và cầu anh ra đi thanh thản. Nói cho cùng, nội tâm của tôi và anh có chút gì đó giống nhau, đều thích yên tĩnh, đều nhút nhát không muốn đối đầu với bất kỳ thứ gì, có chuyện gì cũng ráng chịu đựng, trốn vào góc liếm láp vết thương của mình chứ không muốn san sẻ với ai khác. Tôi thương cho anh, cũng thương cho chính mình. Tôi khóc cho anh, cũng khóc cho chính mình. Tôi không đủ can đảm để lựa chọn rời đi như anh, dù bao lần tôi muốn như thế. Cuộc sống này, lẩn quẩn nhiều, đắng cay nhiều, đau đớn nhiều, bất công nhiều, nhưng tôi lại không thể bỏ nó mà đi như anh. Tôi hèn yếu, không thể sống thanh thản cho mình. Mà nếu không thể buông, thì tôi đành phải nắm chặt nó, tiếp tục chịu đọa đày trong cơn trầm luân này.
Nếu có kiếp sau, mong anh sẽ được hạnh phúc.
Mong cho cuộc sống yên ổn, tháng năm an lành.
南康白起
_____________________________
Note: Phần in nghiêng màu đỏ khúc dưới là cảm nhận của một bạn trên baidu.
Link: http://tieba.baidu.com/f?kz=1027069372
Tôi đọc rất thích cho nên mới edit. Tôi không biết tiếng Trung cho nên thông tin về anh, tôi không có nhiều. Bút danh của anh là Nam Khang / Bạch Khởi, tên thật không ai biết. anh sinh ngày 26/5/1980 (hôm nay là sinh nhật anh), mất ngày 9/3/2008. Anh nhảy sông Tương Giang tự tử, xác trôi trên sông 15 ngày mới được người phát hiện. Phone anh bị hủy, hoàn toàn không dùng được, chỉ có sim là còn sử dụng tốt. Cảnh sát phát hiện ra, trong suốt bốn tháng, trong danh sách cuộc gọi của anh chỉ có 5 số. Liên lạc của bạn bè, anh đã xóa hết, chỉ còn giữ lại số liên lạc với gia đình. Cảnh sát liên lạc, gia đình anh vội vàng bay từ Mông Cổ qua, họ không biết rằng anh là gay, và không hiểu nguyên nhân vì sao anh tự tử. Đa số bạn bè cho rằng anh bị trầm uất từ việc bạn trai mình kết hôn từ hai năm trước. Anh có viết một số tác phẩm, nhưng nổi bật nhất là “Phù sinh lục ký” và ” Em sẽ đợi anh đến năm ba mươi lăm tuổi.” Hai truyện này được anh viết theo thể tùy bút, theo như bạn Mộng nói, “Là những mảnh rời rạc về cuộc đời anh với những hạnh phúc xót xa, và tâm sự trĩu nặng.”
“Phù sinh lục ký” vẫn chưa hoàn, bởi đó là những mảnh hạnh phúc xót xa mà anh có được trong suốt bốn năm chung sống, thế nên tôi trộm nghĩ có lẽ vì thế nên anh không muốn chấm dứt nó.
Mấy ngày nay, tôi cứ bần thần không thôi, cứ nghĩ về anh, rồi nguyên ngày lên mạng tìm về anh. Hết dùng Google dịch tên anh qua Tiếng Trung rồi tiếp đến tìm, ban đầu tôi chỉ tìm Nam Khang, cho nên Google chẳng ra cái gì cả, rồi sau đó rối quá, tôi dùng từ Nam Khang 15 ngày lang thang trên Tương Giang, nó cho ra một đống kết quả, rồi từ từ, tôi biết thêm về anh thông qua những bài cảm nhận, chia sẻ, điếu văn… Tiếp đến dùng từ khóa Nam Khang Bạch Khởi, lại có thêm nhiều bài cảm nhận hay khác. Những mảnh rời rạch của cuộc đời anh được chắp nối lại phần nào. Thế nên tôi mới viết bài này, một là vì đễ thõa nỗi lòng dằn vặt tôi suốt mấy hôm, hai là để tưởng nhớ về anh, mong anh được thanh thản, và có kiếp sau, anh sẽ tìm được một nửa của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro